Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Đêm thánh vô cùng 2

Đêm thánh vô cùng 2

NỔI BUỒN KHI QUA
DẪY CHU-PAO
Chiếc Jeep chở năm người: Đinh Cường, trang ủy Quỳnh, trung úy Quân, Mai Thảo và tôi. Đinh Cường mang tranh từ Huế về Pleiku triển lãm. Mai Thảo và tôi ở Sài GÒn lên, Quỳnh và Quân đồn trú tại đây, nơi "gió lạnh mưa mùa", kinh đô Tây Nguyên mà, có thuở, ông tướng văn nghệ Vĩnh Lộc gọi là đất Cao Châu một cách sảng khoái. Chúng tôi ngỏ ý muốn đi thăm "Kontum kiêu hùng". Quỳnh và Quân bằng lòng ngay. Quỳnh thường viết những bài tiểu luận văn học. Quân thì không. Anh là người hùng, nhân vật đang xuất hiện mỗi ngày trên truyện dài Đất máu của Dương Nghiễm Mậu.
Trời hôm ấy lất phất mưa. Chín giờ, đường đã mở xong - thực ra đoạn đường Pleiku - Kontum khỏi cần mở và chúng ta có thể đi lại ngày đêm nếu chúng ta thích - Quân cào jeep tới thị xã Pleiku. Con đường thật phẳng phiu, xe lướt như bay. Mưa hắt đầy người chúng tôi. Gió thổi mạnh đến nỗi phải ngừng xe bật lửa châm thuốc. Ngồi cạnh tôi, Quỳnh kể lại chiến trận một năm trước. Tôi nghe bắt rùng mình. Con đường tôi đang đi, họ đã định cắt đứt từng mạch máu. Nhưng không ai cắt đứt nổi những mạch máu chảy về tim chúng ta. Bởi vì, những người nhân danh TÌnh Người chiến đấu đã tình nguyện hy sinh. Để mãi mãi máu chảy về tim. Cám ơn các anh đã nằm xuống năm ngoái cho năm nay quốc lộ an ninh trăm phần trăm, cho người Pleiku thảnh thơi lên thăm Kontum, người Kontum xuống viếng người Pleiku khỏi sợ những viên đạn bắt sẽ bỉ ổi, những trái pháo cố tình thù hận.
Xe chạy chừng bốn mươi phút; Quỳnh bảo tôi nhìn dãy núi trước mặt. "Chu Pao đó. Nơi ăn bom B52 nhiều nhất chiến trường Việt Nam." Quân bớt ga dần rồi ép vô bên đường. Tôi nhẩy xuống xe, phóng mất quan sát. Chỗ tôi đứng, Quỳnh nói, "Chúng nó đả pháo tưng bừng xe cộ của ta. Từ bên kia biên giới, chúng nó âm thầm kéo sang, ngày này, đêm khác với những giàn đại pháo kéo lên núi. Chúng nó tưởng nuốt gọn Kontum chặt đứt con đường này." Tôi ngắm dẫy Chu Pao. Cái tên rất
thơ. Bây giờ chẳng còn thơ chút nào, không biết bao nhiêu là bom. Họ chết không biết bao nhiêu mà
đếm. Thây kệ họ. Tại họ thích chết. Điều khiến tôi suy nghĩ không phải là những cái chết vô nghĩa mà
chỉ là cây cỏ trên dẫy Chu Pao.
Tôi không biết rõ tuổi của dẫy Chu Pao. Bốn ngàn năm hay bốn trăm năm. Những năm trước, Chu Pao hẳn là dẫy núi hùng vĩ, thơ mộng. Cây cỏ xanh um. Chim muông và thú vật nhởn nhơ sinh sống. Bây giờ cây cỏ cháy đen, trơ làn da đá trắng phếu vì bom lửa. Đá còn không chịu nổi nữa là người! Do đâu đá cũng bị đau khổ và cỏ cây tuyệt giống? Người ta đổ vạ lẫn cho nhau. Chẳng ai thích nhận mình là kẻ gây thù hận. Ai cũng nói mình yêu thường nồng mặn và muốn được yêu thương tha thiết. Tất cả đều chân thành. Tất cả đều mong mỏi yêu thương xóa bỏ hận thù. Chúng ta ngây thơ tin rằng sẽ như thế. Nhưng cỏ cây, đất đá Chu Pao không còn sống để ngây thơ. Cỏ đã chết cháy. Cây đã hóa than. Đá đã hết đời đá. Biểu tượng của dĩ vãng vĩnh cửu và của tương lai xanh mướt đã hư hỏng. Cơ hồ một nền văn minh cổ nào đó ngụp chìm dưới hàng ngàn thước đất. Cây cỏ, đất đá Chu Pao
biết rõ ai là kẻ gây hận thù và đủ tư cách trả lời câu hỏi do đâu đá cũng bị đau khổ và cỏ cây tuyệt giống. Mỗi nhánh cỏ ngâm một tâm sự buồn. Mỗi lá cây chở một nỗi niềm đau. Mỗi phiến đá ghi một nguồn cơn đòi đoạn. Và đất pha trộn thuốc đạn, khói bom. Cỏ cây, đất đá chịu đựng oan nghiệt rồi câm nín không kể lể. Cỏ cây, đất đá chết. Cái chết gây ra sự sống. Chắc hẳn cỏ cây, đất đá Chu Pao bằng lòng chết. Thì chúng ta chả nên khơi dậy căm hờn.
Thôi, nói về dẫy Chu Pao cây cỏ cháy đen, trơ làn da đá trắng phếu vì bom lửa. Một vài cây cao chưa chịu ngã, đứng thẳng cơ hồ cột điện gỗ thông. Cành lớn, cành nhỏ văng hết. Rồi gió mưa sẽ làm ngã nốt. Buồn đến thế là cùng. Bao giờ cây cỏ mới xanh um trên dẫy Chu Pao? Một trăm năm hay một ngàn năm? Cây cỏ chưa xanh um thì chim muông không tới. Không có tiếng chim hót tỏ tình trên Chu Pao. Dẫy núi thiếu tình ái. Như cuộc đời thiếu hơi thở. Như đàn ông thiếu đàn bà. Như thi sĩ thiếu mộng mơ. Như anh thiếu em. Như ta thiếu nhau. Một dẫy Chu Pao đã chứa bao nỗi buồn. Nếu được đi khắp quê hương mình chắc anh phải viết kín nỗi buồn trên những con đường qua lại.
Nhưng còn Chu Pao là còn quê hương và ngày nào đó, kẻ theo người yêu đi thăm hầm chông mã tấu, người theo mẹ già lên núi tìm xương thân nhân, tôi muốn được mang hạt cỏ và ít cây, trèo lên Chu Pao gieo rắc, trồng trọt. Ôi, cần gì tôi thấy cỏ cây xanh um trên dẫy Chu Pao. Cần gì tôi nghe tiếng chim hót tỏ tình, tiếng vượn hát nhớ con tha thiết. Tôi không cần gì nên mười năm, hai mươi năm, trăm năm, nghìn năm, cây cỏ trên dẫy Chu Pao có xanh um cũng chả muộn. Miễn là nó sẽ mọc, nó phải mọc. Để qua đời tôi, những đứa trẻ nhỏ, những chàng trai, những cô gái được thấy Chu Pao xanh mướt cây cỏ, vang vọng tiếng chim muông. Và như thế, chẳng còn ai nhớ chuyện thù hận xưa cũ. Mọi người làm thơ yêu nhau từ dẫy Chu Pao.
(6-8-1973)
CON SÊN GIÀ
LÙI BƯỚC
Ngài là linh mục không có nhà thờ. Như đại đức không có chùa, như người cầy không có ruộng. Ngại lại không thích hạc nội mây ngàn và càng không thích giảng kinh thu môn đệ. Người ta bảo ngài thiếu tinh thần thi đua xây cất giáo đường. Ngài đã cười. Và, thay vì biện bạch mất công, ngài dùng một danh ngôn của một vị Hồng y trả lời tất cả: "Nếu phải chọn, hoặc dựng một giáo đường, hoặc xuất bản một nhật báo, tôi sẽ xuất bản nhật báo." Và ngài làm theo lời vị Hồng y. Dù sống đạo giữa đời hay sống đời giữa đạo, ngài vẫn chỉ là một người có số phận và chịu sự an bài của Thượng đế. Nghĩa rằng, được cái nọ, mất cái kia.
Ngài không có nhà thờ thì ngài đành xin làm lễ nhờ ở nhà thờ khác. Như nông dân mướn ruộng của điền chủ. Tôi là phóng viên nhật báo do ngài làm chủ nhiệm nên thường dự những buổi lễ của ngài. Ngắm ngài nghiêm trang dưới chân Chúa hay tặng bánh Thánh con chiên hay nghe xưng tội, tôi lại nhớ ngài ngồi im lặng ở bàn viết tòa soạn, tìm chữ nghĩa độc địa nhất để nghị luận tội lỗi của loài người. Và tôi tự hỏi ngài sẽ xưng tội với ai. Những vị linh mục công kích thiên hạ, xúi dục tuổi trẻ phá phách, xách động con chiên xuống đường, chiếm đất công hữu đuổi nhà dân nghèo sẽ xưng tội với ai. Hẳn có ngày họ sẽ chịu sự phán xét khắt khe của Chúa. Bởi vì, Chúa dạy gây tình thương yêu, họ đã tạo nên thù hận. Bởi vì, Chúa bảo bọn nhà giầu khó lên nước Thiên Đàng, họ đã là chủ trường cá mập, chủ cơ sở ấn loát bóc lột công nhân, chủ ngân hàng cho vay ăn lãi. Vị linh mục của tôi, chắc chắn, sẽ về nước Thiên Đàng bằng chuyến tầu chót. Nghị luận tội lỗi của bọn giả hình là đưa chúng về đường thiện, là giải thoát chúng. Bọn giả hình năm 20 hay năm 1970 đều giống nhau. Chúa đã chả nặng lời mắng bọn giả hình đó ư?
Tuy thế, vị linh mục của tôi vẫn cần có một ngôi nhà thờ riêng. Người ta chờ nhật báo của ngài bán chạy, người ta chờ cơ sở ấn loát của ngài đông khách, sẽ tính chuyện. Và người ta mua cái vi-la của ông Tây lai già đằng trước tòa báo. Để chuẩn bị "hữu sản hóa" cho ngài. Để ngài khỏi bị đi làm lễ nhờ mỗi sáng chúa nhật. Tôi không được chứng kiến lễ đặt viên gạch đầu tiên. Tại tôi nghỉ việc quá sớm. Ở xa, tôi nghe nói vị linh mục của tôi đã có nhà thờ vào dịp chính phủ ban hành luật người cày có ruộng.
Tôi trở lại nơi cũ như một thân chủ của cơ sở ấn loát của vị linh mục chủ nhiệm của tôi. Báo của ngài đã đình bản. Ngài không có mặt thường xuyên ở văn phòng của ngài đã đành, ngài còn không có mặt thường xuyên ở nhà thờ riêng của ngài. Phải vì giáo đường chỉ là căn nhà cũ của ông Tây lai sửa chữa chút đỉnh? Hay phải vì đám con chiên trung thành nhất của ngài chỉ là lũ buôn bán Thần Thánh? Chỗ tôi ngồi làm việc, hàng ngày, đằng sau nhà thờ. Như từ phòng khách ra phòng ăn. Trong phạm vi giáo đường, sát cạnh nơi người ta kể Phúc Âm mỗi tối, là cái trường mẫu giáo. Cách bàn giấy của tôi năm thước là cầu tiểu. Học trò đã tự do phóng uế. Mùi khai nồng nặc. Chiều thứ bẩy, người ta bơm nước rửa sạch sẽ cầu tiểu. Vì sang chủ nhật có "cha xuống làm lễ". Cha, vị linh mục của tôi, làm lễ sáng chủ nhật thì sáng thứ hai bàn giấy của tôi bị lục bừa bãi bởi các đồng tử ham nghịch ngợm. Điều đó tôi rất thú vị. Tuổi thơ không biết nghịch là tuổi thơ ốm yếu. Đáng buồn. Điều tôi thú vị hơn là chiếc áo thầy tu của vị linh mục đã treo ở văn phòng tôi rất đều đặn, mỗi sáng thứ hai. Ngài chỉ mặc áo dòng sáng chủ nhật để làm lễ. Sáu ngày trong tuần, ngài mặc y phục thế nhân dạo phố, y phục thể thao đánh quần vợt... Tôi yêu ngài bởi tâm hồn đạo của ngài chứ không bởi hình thức tu hành. Ngài cũng hiểu thế. Và ngài đã ngạc nhiên thấy tôi đọc Thánh kinh một cách say mê. Chúng tôi thường bàn về kinh cựu ước. Và tôi nói:
- Cựu ước kinh như truyện phòng thân. Có phải Moise viết? Nếu vậy Moise đã làm mất người trong Chúa. Chúa rất người. Chúa đâm xa lạ. Chúa gần gũi chúng ta. Nhất định Chúa đã là người. Cha có đọc bộ Lịch sử nhân loại của Will Duran không? Đoạn viết về Đức Phật, Will Duran mạt sát thậm tệ bọn đời sau đã thần thánh hóa vĩ nhân, đã làm mất hẳn tâm hồn người huyền diệu của vĩ nhân.
Linh mục cười:
- Nói nữa đi!
Tôi hỏi:
- Cha không giận chứ? Linh mục đáp:
- Chẳng có gì vui hơn được nghe chuyện đạo của người ngoại đạo. Và người ngoại đạo lại là anh, một kẻ hoang đàng...
Tôi nói tiếp:
- Ở Tân ước, Chúa dạy mọi người đều là anh em. Thế mà ở Cựu ước, Chúa lại sai anh chàng Samson dùng sức khỏe vô địch của mình xô đổ cái cột đá sát hại cả một làng là nghĩa gì? Chúa chê lũ giá hình, ghét bọn Pharisien nhưng Chúa đâu có thù hận ai?
Linh mục gật gù:
- Nhiều chỗ anh chưa rõ. Nhưng anh chịu đọc Thánh kinh là quý rồi. Tôi hỏi:
- Quý ở nơi nào?
Linh mục đáp:
- Ở nơi chúng tôi có khá đông đạo hữu chỉ biết cầu Chúa ban ân huệ. Tôi lại hỏi:
- Cha có đọc Nam hoa kinh? Linh mục đáp:
- Có. Tôi nói:
- Thưa cha, cụ Trang mấy nghìn năm cũ bảo, đại ý, người xưa chết rồi, vả lại, lời người xưa chỉ đúng khi áp dụng vào việc đời xưa, cha nghĩ sao?
Linh mục trả lời:
- Chúng tôi đã có Cộng đồng Vatican II.
À, chúng tôi đã nói chuyện thật cởi mở. Linh mục kiên nhẫn nghe một gã ngu dốt xâm phạm vào sở trường của mình, mà không hờn giận. Mà không xua đuổi. Cho nên tôi mới tin rằng ngài thật lòng, phụng vụ Chúa và muốn con chiên của ngài thật lòng như ngài. Chúa không ưa bọn giả hình. Chúa không ưa cả bọn giả hình quỳ dưới chân Chúa, bọn sáu ngày gây tội lỗi để chủ nhật xưng tội. Do đó, ngôi nhà thờ người ta xây dựng có toan tính và cốt làm vui lòng ngài, ngài đã chẳng vừa lòng. Trước hết, kẻ chuyên đọc kinh Phúc Âm là một tay biện lận. Ông ngày đã sửa chữa hóa đơn chi thu, đã ăn gian tiền lương của ngài, đã mua cái Harmonium cũ rích trả giá cao hơn cái đàn mới, đã pha thêm nước đường vô rượu lễ, đã mua bánh men thay bánh thánh. Vân vân. Đám phục dịch nhà thờ chuyên lấy báo mới cho mướn và trả báo cũ về. Một vị có công lao nhất thì xử dụng nhà thờ ngót nửa tháng đọc kinh cầu hồn cho bố mẹ bị chết lụt ngoài Bắc. Vị này mắc máy phóng thanh khắp ấp, kinh cầu thu băng nhựa, vặn suốt ngày. Vị linh mục của tôi chán nản, tâm sự riêng với tôi:
- Nó lợi dụng nhà thờ. Nó tưởng ông thân sinh của nó là cha già dân tộc. Nó làm thiên hạ ghét Cha ghét Chúa.
Tôi biết rõ về bọn lợi dụng nhà thờ. Nhất là bọn lợi dụng nhà thờ riêng của vị linh mục của tôi. Cuối cùng, vì kẻ hiển lận đọc kinh Phúc Âm và cầu hồn cho bố mẹ người có công tu sửa nhà thờ ròng rã nửa tháng nên nhà thờ, đúng nghĩa, là nhà thờ riêng của cơ sở ấn loát. Nhưng nhân công không thích cầu nguyện ở đây. Họ mất công đến nhà thờ khác. Còn lại là bà con, gia đình các "chức sắc" của cơ sở ấn loát. Vị linh mục chỉ tới làm lễ sáng chủ nhật, vì vậy.
Những hôm đang viết bài bị "bí", tôi thường vào nhà thờ ngồi suy nghĩ. Tôi ngắm Chúa Cứu Thế gắn trên tường và ngỡ đang nhìn rõ từng giọt máu ứa ra từ những nơi Ngài bị đóng đinh chịu tội. Ơ kìa, khuôn mặt rực rỡ của Ngài sao không tươi vui như hạnh phúc của loài người, như ở những giáo đường khác? Mà có vẻ phiền muộn. Chắc Ngài ngó xuống chiếc chén mạ bạc dâng rượu lễ đầy bụi bậm. Chắc Ngài ngó xuống chiếc chuông đồng nổi teng. Cái Ngài ngó xuống chỗ đọc kinh Phúc Âm. và, Ngài chưa quay lại nên chưa ngó xuống cái bàn nhỏ kê gần bàn giấy của tôi. Ở đó, có hai chai nước. Một chai khô queo dán miếng bìa trắng viết hai chữ nước phép. Một chai còn chút nước đầy cung quăng, cũng dán miếng bìa trắng viết ba chữ Nước rửa tội! Hai cái chai đó vẫn bất di bất dịch trên chiếc bàn nhỏ. Có lẽ, vỏ chai bây giờ đóng đầy bụi. Vị linh mục của tôi thở dài:
- Chúng nó giả dối!
Tôi không hiểu sao ngài chấp nhận sự giả dối ấy.
Năm nay người ta sửa soạn mừng Chúa Giáng Sinh tại ngôi nhà thờ tôi vừa kể. Người ta đánh bóng chiếc chén bằng bạc dâng rượu lễ, chiếc chuông đồng, sơn quét bên trong, bên ngoài nhà thờ. Người ta dựng cổng chào, kết hoa, giăng đèn. Người ta lại vừa thay chiếc chuông lớn hơn. Nhưng người ta quên hai chai nước phép, nước rửa tội. Ông chuyên viên đọc kinh Phúc Âm thì biển lận gấp ba năm ngoái. Ông đóng góp công đức nhiều vào việc trùng tu giáo đường mới từ khám Chí Hòa ra. Tất cả đều hy vọng mùa Giáng Sinh này Chúa sẽ ban ơn thật nồng hậu. Nhưng mọi người đã mỏi mắt trông đợi vị linh mục xuống làm lễ. Mãi tới nửa đêm Giáng, linh mục vẫn biệt tăm. Đi tìm Ngài khắp nơi, không thấy. Và đám con chiên thích riêng biệt không chịu hòa đồng có dịp suy ngẫm trầm lặng trong đêm thánh thành phố.
Lúc đó, cha của họ, linh mục của tôi, đang làm lễ ở một ngồi nhà thờ còn ngập nước lụt ở miền Trung. Thánh lễ vô cùng đơn sơ. Tôi tưởng tượng thế. Và tôi mơ hồ nghe tiếng cầu nguyện của những con chiên chân thành nhất, đáng thương sót nhất của Chúa. Những bước chân đạp nước lạnh kính cẩn gửi lời mừng Chúa giáng sinh. Những hơi thở làm ấm một vùng cóng buốt. Một ánh lửa từ trời cao rớt xuống. A men. Chúa đã đến nơi đây. Chúa không đến ngôi nhà thờ riêng của vị linh mục của tôi. Chẳng bao giờ sai cả, Chúa chỉ đến với niềm tin còn nguyên vẹn sau những đọa đày, cơ cực.
(Tháng 12-1973)
Ý NGHĨ NGOÀI CỬA TRƯỜNG
Tôi bỏ trường ra đi đã trên hai mươi năm rồi. Hai mươi năm sau này, tôi ghi danh học ở Trường Đời. Hàng năm, thay vì cuối thu, ngày ra trường của tôi vào đầu xuân. Khi hương vị của Tết tàn phai, đó là lúc người chủ gia đình cắp sách đến trường. Với ủ ê, chán nản. Với toan tính thiệt thua. Mùa hè của tôi thường chỉ kéo dài từ hai mươi tám tháng chạp tới mồng tám tháng giêng. Mùa hè đàn ông không còn tươi non như mùa hè niên thiếu. Những bước chim nhảy nhót tuổi hồng là những bước chân trâu i ạch bây giờ. Hồn đào năm xưa đã rám nắng, cháy thui. Nếu ta biết Trường Đời bắt ta uống mật đắng và khiến ta húc vong mạng trong những cuộc ăn thua, ta đã tận hưởng giọt mật ong thơ ấu cuối chót, ta đã ngủ vùi trên hoa mộng niên thiếu sau cùng. Người bạn nhỏ, đừng hắt hủi tôi, cho tôi theo bạn ngồi dưới gốc cây phượng giữa sân trường, nhìn gian lớp vắng, nghe tiếng ve kêu, nhớ thầy thương bạn mà mong đợi tàn hạ. Cho tôi theo bạn đứng trước cổng trường hôm khai giảng. Tôi muốn làm cái cặp sách của bạn. Vì nó chứa nặng kỷ niệm học trò. Tôi muốn làm bộ quần áo mới của bạn. Vì nó thơm nồng dĩ vãng. Tôi muốn làm đôi giầy của bạn. Vì nó được in dấu lối xưa. Tôi muốn làm bạn, làm một học trò tiểu học để có bộ mặt hớn hở, vui cười của "ma cũ". Đã không một quyền uy nào dẫu là quyền uy của Thượng Đế, thỏa mãn nỗi ao ước của tôi. Không hề thấy phục sinh của con người, một phục sinh của ý nghĩa gấp ngàn lần phục sinh của Thần Thánh. Đôi khi, lẩn thẩn suy nghĩ, tôi nhủ với tôi rằng, cũng chả có luôn phục sinh của Thần Thánh. Thần Thánh sống lại, đi từ đầu, hẳn đã chán làm Thần Thánh. Con người sống lại, đi từ đầu, dễ gì thèm uống mật ngọt ấu thơ, dễ gì thích dầm mình dưới sông hồn nhiên. Vậy thì cả Thần Thánh lẫn con người không nên sống lại. Để có chiến khu kỷ niệm mà rút về khi bị ưu phiền bủa vây cùng khắp, sự sống lại không tuyệt vời bằng sự ước mơ sống lại. Thiên đường là cõi tưởng tượng. Thiên đường còn là cõi ký ức chìm nghỉm trong những lớp sương mù dầy đặc. Kẻ dẫn lối đưa ta về với thiên đường ký ức của ta là hồi tưởng. N hưng có hồi tưởng nào không phải phúc? Ôi, ta bất hạnh quá, làm sao ta thấy rõ một đoạn đầu đời ta! Làm sao ta sống lại, sống lại thật khỏi cần mơ ước. Sống lại thật với những rung động mà ngày ấy tôi không biết ghi, ngày nay tôi không nhớ hết.
Người bạn nhỏ, thấy chưa một buồn bã tròn khuây? Hãy đến trường sáng nay dù chiều qua quên học bài. Cái lỡ trớn của học đường chỉ là một thoáng mộng thả ngoài khung cửa sổ, gửi hồn theo âm điệu của một chàng chim lãng tử mời gọi lãng du. Nó đưa đi và dẫn về. Bình yên như mực tím trên trang giấy kẻ của bài tập chép. Nó chẳng đe dọa như bài toán nhân chưa thuộc cửu chương. Nó không đoan chắc đẩy ta rớt vực thẳm như cái lỡ trớn đời. Hãy khóc nhiều nước mắt dù ngọn roi mây dơ cao đánh khẽ. Yêu biết mấy ngọn roi êm ái đó. Bấy giờ, ngọn roi chứa đầy hận thù. Dấu vết của nó khác hẳn dấu vết con lươn hướng thiện. Nó bắt ta nuôi căm hờn, dạy ta khơi phẫn nộ. Nó thúc giục ta dùng roi vọt trả roi vọt thay vì gửi hoa hồng tặng kẻ quất vụt ta. Hãy gục xuống bàn lâu dù lời mắng chứa chan thương mến. Lời mắng thơm tho tình nghĩa. Lời mắng không nọc độc rắn rết và dao găm nhọn hoắt đâm nát tim ta. Cám ơn cái gậy và quả trứng ở bài luận văn. Cám ơn những giờ cấm túc. Cám ơn dòng chữ phê mất mặt trong học bạ cuối năm. Cám ơn đôi bận quỳ gối trước bảng đen. Bảng không đen. Bảng trong suốt pha lê ta có thể nhìn rõ tương lai huy hoàng bằng hối hận. Cám ơn thầy và hân hoan đứng đậy và hãy chớp mắt, ứa lệ nghe giọng thầy sũng ướt buồn bã:
"Này con, thầy chả nỡ phạt con, thầy thương con, muốn con nên người." Nhảy ra sân trường, quên ngay phiền muộn. Bài cách trí đã thuộc lòng. Cứ dứt một cành lá nhớ ép vào sách cạnh một xác bướm vàng. Thỉnh thoảng, hãy trốn học một hôm để chăm ngoan nhiều hôm. Và đừng ngần ngại viết lá thư tỏ tình xếp chiếc tàu bay, phóng lên bàn trên, trúng mái tóc của cô bạn đẹp nhất. Hãnh diện khi được cô bạn lườm nguýt. Bồi hồi khi được cô bạn mỉm cười. Trái ổi ngon chớ quên tới lớp sớm đặt dưới ngăn bàn. Chùm nhãn ngọt chớ quên tìm cách bỏ vô cặp sách. "Cho con bé". Khó lắm ư? Ồ, hãy mạo hiểm. Nhổm người nhìn ban đầu lớp hôm thi toán. Thấy cô bạn ngậm quản bút chứ? Quên mình đi. Quên lời phê học bạ cuối năm đi. Hãy viết cẩn thận. Cộng đúng. Trừ không sai. Nhân chia bảo đảm. Xé tờ giấy khỏi tập nháp. Gấp nhỏ vừa lòng bàn tay. Kiếm cớ đau bụng xin phép thầy rời lớp. Ngang chỗ "con bé", tim đập thình thình, mặt mũi nóng ran, tưởng chừng sốt rét, thấy nhẹ cơ hồ hơi thở chim khuyên và rồi, dưới gốc cây bàng hay dưới gốc cây ngâu, nuốt nước bọt tưởng tượng nỗi vui mừng của "con bé". Ngủ thiếp đi càng hay. Ngủ và về học trễ nhất. Và bằng lòng dăm bẩy cái bợp tai của ông bố khó tính.
Người bạn nhỏ, ngày ấy tôi không biết ghi, ngày nay tôi không nhớ hết, quả thật, ngày ấy tôi không biết mình có là con gấu ham thích mật ong, nhưng ngày nay, khi ước mơ sống lại đoạn đầu đời, tôi nhủ tôi rằng, tôi sẽ đi những bước vụng khờ như thế. Đi làm sao được nhỉ? Giữa tôi và cái thiên đường tuổi nhỏ đã có một biên giới mịt mù mà ánh sáng hồi tưởng có cực mạnh đến đâu cũng chẳng đủ soi rõ một lối mòn thơ dại. Đành đứng ngoài cửa trường, ngoài những cửa trường mộng tưởng y hệt một kẻ bị khai trừ khỏi vùng đất hứa vẫn ước ao có buổi hớp được một ân sủng hồi hương. Người bạn nhỏ, ý nghĩ vụng về của tôi có gợi một chút lăn tăn xao xuyến trên mặt hồ tâm hồn bạo?
Đừng vội nghĩ tới Trường Đời, người bạn nhỏ!.
(29-9-1973)
CON CHÍCH CHÒE ĐÃ TRỞ VỀ
Căn nhà tôi đang ở có miếng sân phía trước và ở miếng sân có một cây me đã già, già cỡ chừng tuổi chiến tranh Việt Nam; một cây khế cũng đã già, trái chua ngọt theo cảm hứng, một cây mận đương tơ... Nhà sát bên đường xe cộ qua lại nườm nượp. Chỉ một loài chim sẻ dám khinh thường tiếng động cơ nổ và tiếng còi quái đản của những loại xe cần trục, tháo gỡ mìn đạn ngang qua đều đều.
Chim sẻ không biết hót. Nhưng thiếu chim sẻ, cuộc đời vẫn buồn. Và chim sẻ tụ tập trên cây me, cây khế, cây mận ở vườn nhà, cãi nhau chí chóe mỗi sáng, mỗi trưa. Chẳng thêm loài chim lạ, dù một cánh chim mỏi ghé đậu dưỡng sức. Bỗng một buổi trưa sau giấc ngủ ngắn, tôi nghe văng vẳng tiếng hót của con chim chích chòe. Một tuổi thơ đã mất cắp, chợt tìm thấy. Một thôn ổ bình yên đã bị tàn phá, vụt hiển hiện. Nguyên vẹn một buổi trưa ca dao nắng vàng trải dài cánh đồng lúa sữa, nắng vàng đú đởn với lá xanh. Và con chim chích chòe ngợi ca buổi trưa ca dao bằng tiếng hót tuyệt vời của nó. Tôi không thích nghe tiếng chim cu gáy. Nó buồn làm sao! Nó bắt thôn ổ suốt đời cam đành cái số phận ủ ê, hiu quạnh. Tôi ghét tiếng chim cuốc. Nó thê thảm như màng lưới tối tăm chụp bủa xuống quê hương. Tiếng hót của chích chòe, thuở nhỏ, tôi chưa biết diễn tả cảm tưởng khi nghe; nói rằng tôi khoái lắm để khỏi phản phúc hồi tưởng. Nằm trên chiếc võng mắc dưới giàn hoa thiên lý trưa hạ, nghe con chích chòe kể "tự truyện" tận ngọn cây soan cao như nghe rõ tất cả tình tự của quê hương mình. Đó là lúc chích chòe buồn. Khi vui, chích chòe đậu cành tre, chờ gió lay động, đu đưa theo và hót. Như chim bách thanh, một loài chim hót đủ giọng. Bắt chước đủ điệu hót của xã hội chim. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã thích nghe chích chòe đậu chót vót ngọn soan cao, hót một mình.
Mãi bây giờ tôi cũng chưa hiểu tại sao cứ đậu riêng một mình trên cây cao là chim chích chòe hót hay và giọng nó ngâm nga. Đậu trên cành tre nó hòa điệu với họ hàng, anh em nên hót để mà hót... Có phải chích chòe là một nghệ sĩ? Một nghệ sĩ sống với nỗi cô đơn khôn cùng. Và chỉ trong nỗi cô đơn khốn cùng đó, người nghệ sĩ mới sống cho mình, làm cho đời? Buổi trưa vắng và trên ngọn cây thật cao. Chích chòe lựa chọn không gian, thời gian thích hợp giọng hót của mình. Có phải ai cũng biết thức trưa chờ nghe chích chòe hót? Nhà nghệ sĩ chích chòe của tôi, nhà nghệ sĩ bị cuộc đời ngộ nhận là ba hoa (ba hoa con chích chòe) vì cuộc đời chỉ được nghe chích chòe ba hoa trên những cành tre và cuộc đời tầm thường không một vinh hạnh nghe chích chòe hót một mình trên ngọn cây cao. Chích chòe, nhà nghệ sĩ lý tưởng của tôi, đã không hót mà hát. Đậu thật cao, chích chòe hát. Hát chẳng cần mua vui cho ai. Hát cho mình. Rồi vỗ cánh bay đi. Nhà nghệ sĩ ấy, kẻ duy nhất nói câu "uy vũ bất năng khuất" không xấu hổ với chính mình. Những kẻ sĩ hôm nay học đòi rêu rao "uy vũ bất năng khuất" chỉ là phường dối trá. Cứ giăng bẫy bắt một con chim chích chòe nhốt nó vào lồng son, nuôi ăn bằng kê vàng, nuôi uống bằng sâm nhị hồng xem sao! Chích chòe sẽ dùng móng chân móc cổ đến ứa máu mà chết. Cái thứ chích chòe hót trong lồng là thứ chích chòe quên gốc gác, đã được người nuôi nấng từ thuở ấu thơ. Và tiếng hót của thứ đó là tiếng hót làm cảnh cho cuộc đời tầm thường mắt thiếu điều tiết, tai thiếu thẩm âm. Với cảnh đời dods, nghệ sĩ đã trở thành kép cải lương hết rồi. Vả chăng, nghệ sĩ bây giờ đâu muốn làm chích chòe cô đơn. Họ đã đậu trên những cây tre.
Và ngay đứa trẻ cũng dám ném đuổi chích chòe bằng mảnh sành hèn mọn! Thôi, nghệ sĩ chích chòe của tôi nhé, ngưỡng mộ người đủ rồi, cho tôi nói về con chim chích chòe bất chợt từ đâu tới đậu trên ngọn cây me già bằng tuổi chiến tranh Việt Nam và làm sống dậy một tuổi thơ, một quê hương trong trí nhớ của tôi.
Tôi mở cửa sổ. Lá me xanh mướt và quá dầy che mất khoảng trời nắng hạ. Con chim chích chòe lẩn khuất giữa vùng lá me xanh dầy. Tôi chỉ biết có nó và không thể thấy nó. Như người Việt Nam đã chỉ biết có Hạnh Phúc mà không thấy Hạnh Phúc, tự mấy kiếp đời. Buổi trưa Sài Gòn bớt đi đôi chút ồn ào nên tiếng hát của con chích chòe nghe cũng đã. Nhưng tiếng hót của chích chòe không thoát. Nó ủ ê thế nào ấy. Không gian và thời gian này không thích hợp với nó chăng? Nó gợi tưởng dĩ vãng và không phá nổi vè nhiệm mầu quanh một dĩ vãng. Chích chòe hát trên cây me già cạnh con đường qua lại đủ thứ xe dùng cho thời chiến, nghe tiếng hát bắt buồn. Rồi nhớ từng miếng nắng, từng hàng cây của quê hương không lãng đãng mùi thuốc súng. Con chích chòe đã mất chỗ của nó. Nó phải đậu trên ngọn cây soan cao, hát vào buổi trưa thôn ổ. Lúc ấy, tiếng hát của chích chòe là tiếng hát của hạnh phúc, của tình tự. Nó cần về thôn ổ, về nguồn. Như chúng ta cần về với quê hương chúng ta, thật sự về với quê hương chúng ta để hiểu rằng chỉ ở quê hương, chúng ta mới có hạnh phúc và tình tự. Rời bỏ, ly dị, đoạn tuyệt, vọng tưởng, suốt đời chúng ta sẽ bơ vơ, mòn mỏi và tiếng nói tình tự sẽ ủ ê, khác lạ cơ hồ tiếng hát của con chim chích chòe trên ngọn cây me già trong miếng vườn nhỏ bé của tôi. Dẫu sao chăng nữa, con chích chòe bất chợt từ đâu tới vào buổi trưa Sài Gòn than vãn ủ ê cũng đã gieo vào tâm hồn tôi nhiều ý nghĩ. Tiếng hát của chích chòe tưởng chừng tiếng trách móc. Như là, ngót hai mươi năm rồi tôi quên tắm hồ ao, quên bát nước trà tươi, quên ngắm trăng đồng nội, quên ngửi mùi rơm mới, quên ngồi dưới gốc đa, quên nghe tiếng trống đình, tiếng chuông thu không... Như là tôi nói tiếng mẹ đẻ không sõi, tôi viết chữ nước tôi đầy lỗi, tôi không còn tin dân tộc tôi anh dũng, tôi sợ hãi hiện tại, tôi nghi ngờ lịch sử, tôi ỷ lại, hèn mọn, khiếp đảm, an phận cỏ cây... Có phải con chích chòe kia hờn giận tôi và anh em ruột thịt của tôi? Rồi bay đi. Mỗi buổi trưa, tôi đều vắt tay ngang trán nghĩ tới nó và mong nó về đậu trên ngọn cây me già. Tôi muốn trần tình với nó. Tôi muốn cởi phăng tâm hồn tôi cho nó xem. Tôi bị ung thư. Và tôi hiểu nếu tôi nhớ những gì tôi đã quên, tôi làm những gì tôi đã bỏ, tôi sẽ hết bệnh hoạn, sẽ thấy tôi là người Việt Nam đôn hậu đứng trên mảnh đất hiền hòa nhìn rõ hạnh phúc dân tộc, nghe rõ tình tự quê hương. Bao giờ con chích chòe chợt đến, vụt đi, trở lại?
Rất tình cờ, con chim chích chòe trở lại và đậu trên ngọn cây me già vào buổi sáng lệnh ngưng bắn có hiệu lực. Buổi sáng hôm đó vắng lặng như cái không gian lên tiếng hát tình tự của chích chòe. Con chích chòe hôm nào hát thật lâu, thật hay. Tiếng hát mở rộng chân trời mơ ước. Tiếng hát dứt hẳn điệu trách móc và gửi nhiều nhắc nhở. Hát đủ lời, chim chích chòe bay đi. Tôi biết chắc không bao giờ nó trở lại ngọn cây me già nữa. Chúng ta phải tạo dựng thời gian và không gian lý tưởng cho nó. Hình như, chúng ta đang thật sự tìm về quê hương cũ?
(17-2-1973)
ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG
Cha sở buồn bã từ mấy hôm nay. Tháng mười hai đã tới bằng những buổi sáng mù sương, bằng những cơn gió lạnh lẽo gợi tưởng những cơn gió lạnh lẽo chốn xưa. Và cha sở càng buồn bã. Ngôi nhà thờ bé nhỏ của cha đã chịu đựng hàng ngàn trái pháo kích tàn nhẫn chung số phận với làng quê hiền lành, vô tội. Thông điệp quái ác thường chuyển đi bằng bom đạn. Nó giục con người bỏ nơi chôn rau cắt rốn ra đi và bắt phải khóc chảy máu mắt. Loạt đại bác ở những khe núi nào đó cách xa ba mươi tám cây số gửi về làng vào đầu mùa hạ. Theo dân làng chạy đạn, đám con chiên của cha sở cũng lưu lạc đó đây như những tội đồ oan uổng. Cha sở nhớ ngôi nhà thờ, nhớ xóm đạo nghèo khổ, nhớ vùng trời êm ả cũ. Đại bác đã làm sụp đổ giáo đường? Tháp chuông đã bị xóa bỏ. Và Thánh thể? Cha sở ôm mặt. Chưa bao giờ ngài biết buồn. Nhưng hôm nay ngài buồn khôn tả. Vì sắp đến ngày Chúa giáng sinh. Ngày lại ngày, ngài ngồi phương trời mới nhớ phương trời cũ. Mây bay. Mây bay hoài và ngài thấy mây bay sang Đất Thánh. Cha sở bồn chồn, lo lắng. Ngài đưa tay làm dấu và cầu nguyện. Một ý nghĩ vụt thức trong tâm tưởng ngài. Ý nghĩ đó khiến cho cha sở, gần như trút hết nỗi buồn bã. Ngài họp đám con chiên lạc, nói cho họ nghe ý nghĩ của ngài.
- Không thể trở về được, thưa cha.
- Tại sao?
- Đường sá xa xôi, nguy hiểm đầy rẫy. Chúng nó sẽ giết cha. Thưa cha, dễ gì nhà thờ còn nguyên vẹn.
- Chúa còn nguyên vẹn, đất còn nguyên vẹn. Ai dám theo cha.
Chẳng ai dám theo cha. Đám con chiên lưu lạc nín thinh. Cha sở ngó mấy gã chiên ghẻ. Mấy gã này nổi tiếng phá phách, bướng bỉnh cãi lời cha và lười biếng tới nhà thờ. Đã thế, mấy gã còn láo lếu, dám chọc ghẹo gái trước cổng giáo đường và bắt trộm gà, bắt trộm chim bồ câu của cha sở nấu cháo nhậu nhẹt, đàn địch. Cha sở thường nói mấy gã sẽ xuống địa ngục, nếu cứ tiếp tục phạm điều giới răn. Mấy gã cười hềnh hệch, đòi xuống địa ngục để khỏi gặp cha sở trên thiên đàng. Bây giờ, cha sở hỏi mấy gã.
- Các con dám theo cha trở về không?
- Chúng con sợ chết.
- Ai mà không có lần chết.
- Những người ngoan đạo chết mới được lên thiên đàng. Chúng con chết về địa ngục khổ lắm. Chúng con nhất định không về. Thưa cha...
- Gì?
- Mình tổ chức Giáng sinh mừng Chúa ở đây đi, cha ạ! Trở về chỗ hoang tàn, đâu đủ nghi lễ.
- Cha muốn làm sáng danh Chúa trên đất hoang tàn. Này các con, nơi đất chết là nơi Chúa muốn có mặt ta. Hãy làm đất chết sống dậy. Đó là ý nghĩa của phục sinh. Các con đừng câu nệ nghi lễ. Nghi lễ ở trái tim ta. Lửa trái tim chân thành sáng hơn một trời sao rực rỡ. Chúa đã ra đời trên vùng đất chết, vùng đất của oan khiên, thống khổ. Và rồi, các con ạ, mỗi bước chân Chúa đặt lên đất chết đều nở hoa hạnh phúc, yêu thương.
- Chúa không ở đây.
- Các con lầm. Chúa ở niềm tin của ta.
- Chúa không ở với lũ chiên ghẻ. Chúng con không về đâu.
Cha sở lắc đầu. Ngài thở dài. "Ngày tháng mười chưa cười đã tối". Thấm thoát đã là 20 tháng 12. Cha sở đăm chiêu. Rồi cha sở tìm quên những nỗi buồn bằng cách đẽo một cây thánh giá gỗ. Ngài quyết định trở về vùng đất chết.
Cha sở vác cây thánh giá băng đồng, vượt đường. Ngài khởi hành vào nửa đêm 23. Đoạn đường ngài đi, chắc chắn nhiều khó gấp bội đoạn đường của các vì vua tới Bê Lem từ phương Đông. Ngài đi chân đất, không mang theo lương thực. Gió lạnh cuối năm cắt da thịt ngài. Tóc ngài tung bay. Ngài hụt chân, ngã chúi xuống ruộng nước. Y phục ngài ướt đẫm bùn. Bùn khô dần và quánh trên áo ngài, dính chặt mình mẩy ngài. Như máu của Chúa sau những lần chịu tội cho nhân loại. Không gian bao la ngập chìm trong đen tối. Bóng ngài cơ hồ như con cá nhỏ bơi giữa cái biển đen tối, cái biển mênh mông thù hận, oan khiên. Không một thiên thần nào che chở ngài. Ánh sáng soi lối đi của ngài chỉ là ngọn lửa tim mà ngài đã nghĩ. Nhưng trời vỡ sáng. Mặt trời rọi những tia nắng hanh xoáy bỏng khuôn mặt ngài. Dưới một gốc cây, cha sở ôm thánh giá cầu nguyện đêm tới. Và đêm tới, cha sở lại vác thánh giá lên đường. Ngài bước mau, ngài chạy. Ngài không nhìn lên trời nên không hay có một ngôi sao theo ngài từng bước. Đằng trước súng nổ. Đàng sau súng nồ. Bên trái súng nổ. Bên phải súng nổ. Cha sở chẳng nghe rõ. Thân ngài thôi nặng trĩu vì trí ngài lâng lâng. Ngài đã biến thành một thiên thần. Đúng nửa đêm 24, cha sở về tới ngôi nhà thờ.
Ngài đứng trên đổ nát. Ngài đứng trên đất chết. Giáo đường chỉ còn là đống gạch vụn sặc mùi thuốc đạn. Tháp chuông gục đổ. Thánh thể chìm dưới lớp gạch nát. Cha sở ứa nước mắt. Ngài không còn thì giờ làm gì khác hơn là dựng vội cây thánh giá lên đất chết. Và ngài quỳ xuống cầu nguyện:
- Lạy Chúa, Chúa chịu khổ cho chúng con hạnh phúc. Chúng con theo Chúa, chịu khổ cho đời sau hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ nở hoa tươi đẹp, ngát hương từ đau khổ. Kẻ nào biết đau khổ kẻ ấy sẽ được hưởng hạnh phúc, được hưởng ân sủng của Chúa.
- A men...
Cha sở ngạc nhiên. Ngài căng mắt hướng về phía phát ra âm thanh kỳ diệu giữa cô đơn, sơ hãi. Mấy gã chiên nhận mình là chiên ghẻ đang kính cẩn làm dấu. Cha sở ngước nhìn trời. Một vì sao lung linh thả ánh sáng, rơi lọt vào đôi mắt ngài. Và nhớ ánh sáng huyền ảo đó, cha sở thấy quê hương Việt Nam chết chóc quá lâu của cha đang cựa quậy phục sinh trong đêm thánh vô cùng.
(Giáng sinh 1973)
Năm 1973
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...