Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Cầu Mơ 2

Cầu Mơ 2

Hai chúng tôi đã đứng trước cổng nhà. Căn nhà ngói không đồ sộ nhưng có vẻ khang trang lắm. Không thấy dấu vết của binh lửa. Chắc chiến tranh chưa kịp qua đây thì đã thấm mệt. Những cây cau trong vườn nhà ngoại Trang thẳng tắp. Dây trầu leo quấn quýt lấy thân cau. Trang hồn nhiên gọi:

- Ngoại ơi! Ngoại ơi!

Một bà già đẩy cửa bước ra thềm. Trang chạy nhanh lại ôm chằm lấy bà:

- Con đây nè, ngoại...

Bà ngoại Trang vẫn còn mạnh khoẻ. Cụ vuốt ve tóc cháu gái:

- Bãi trường hả, con?

Trang nũng nịu:

- Không có đâu, con trốn học về thăm ngoại đó.

Trang để mặc tôi đứng một mình. Tự nhiên, nước mắt tôi ứa ra. Tôi tưởng tượng mẹ tôi vừa thấy tôi trở về nhà sau hai năm trời phiêu bạt. Nếu mẹ tôi được ôm tôi trong vòng tay của người, mẹ tôi sẽ khóc nức nở. Bà ngoại Trang đã nhìn rõ tôi. Cụ hỏi cháu:

- Con về với ai đó?

Trang cũng quay lại ngó tôi:

- Đố ngoại biết.

Bà cụ ghé sát tai cháu nói gì. Trang lắc đầu quầy quậy:

- Không phải đâu ngoại, thầy Hoài mà...

Tôi đã hiểu bà cụ nói gì rồi. Tôi với bước tới lễ phép:

- Chào cụ ạ!

Bà ngoại Trang vẫn để nguyên cho cháu ôm mình, hỏi tôi:

- Thầy dạy cháu Trang à?

Tôi đáp:

- Thưa cụ, cháu dạy ở Mỹ Tho.

Trang đã buông ngoại ra và nói:

- Thầy Hoài trọ ở nhà má con. Thầy người Bắc đó, ngoại ơi!

Bà cụ ngạc nhiên:

- Mãi ngoài Bắc lận? Xa thế mà sao vô đây?

Trang nắm lấy tay ngoại:

- Thầy Hoài di cư mà, ngoại.

Bà cụ lắc đầu:

- Di cư xa dữ, hả? Xa vậy, di cư làm chi?

Bà cụ kéo tay tôi lôi vào trong nhà, Cụ không biết gì về một người Bắc di cư hay những người Bắc di cư. Cụ chỉ biết tôi là một người xa nhà. Dưới mắt cụ, tôi còn nhỏ quá. Và cụ ngờ rằng trẻ con xa nhà đều khổ như nhau. Trưa hôm ấy, tôi được ăn một bữa cơm canh chua cá lóc và cá lóc kho tiêu. Bữa cơm ngon như bữa cơm trưa ở quê nhà tôi có riêu cá chép. Bà cụ bắt tôi ăn thật nhiều. Tự nhiên, tôi cảm thấy như mình cũng là con cháu của bà cụ. Và tôi gọi cụ bằng "ngoại" chẳng ngỡ ngàng chút nào. Ăn cơm xong, tôi mượn chiếc chiếu, trải dưới giàn thiên lý, nằm hút thuốc lá. Rồi tôi thiếp ngủ đi.

Khi tôi mở mắt, Trang đã ngồi gần đó. Nàng mỉm cười:

- Thầy ngủ một giấc dài đấy nhé!

Tôi đưa tay xoa mặt:

- Dài chừng bao nhiêu, cô Trang?

Trang ngước nhìn lên giàn thiên lý:

- Chừng một giấc mơ đẹp.

Bỗng nàng hỏi:

- Giàn thiên lý của má thầy ngoài Bắc có ngựa trời không?

Tôi ngồi vụt dậy:

- Ngựa trời à?

- Dạ ngựa trời có hai cái kiếm. Thầy nhìn con ngựa trời xem. Trông nó ngộ hết sức.

Tôi ngước mắt theo tay nàng chỉ:

- À, có, Trang ạ! Con bọ ngựa. Con bộ ngựa đấy. Nó là hiệp sĩ với hai đoản đao trong trí tưởng tượng của tôi thời thơ ấu. Tô Hoài đã viết truyện "Tráng sĩ bọ ngựa", Trang đọc chưa?

Nàng lơ đãng nhìn vệt nắng xuyên qua lá xanh. Và không trả lời câu hỏi của tôi.

- Thầy Hoài thích quê ngoại của Trang không?

- Tôi yêu quê ngoại của Trang lắm.

- Thầy muốn sống mãi ở đây không?

- Đó chỉ là niềm mơ ước.

- Tự nhiên, thầy Hoài ạ, em muốn sống mãi ở đây.

- Trang hết muốn học sư phạm à?

- Dạ.

- Sao vậy?

- Vì khi ra trường, chẳng hiểu mình sẽ được điều chi.

- Trang thích được một điều chi?

- Một điều mơ ước.

- Mơ ước gì?

- Mơ ước một điều làm mình sung sướng trọn đời.

- Ai cũng mơ ước được hạnh phúc suốt đời. Chỉ tiếc hạnh phúc không giản dị như mình mơ ước.

- Thế là gì hả, thầy Hoài?

- Là Trang hãy lo học hành đi. Đừng mơ ước hạnh phúc. Hạnh phúc nó chỉ đến với người không ước mơ.

- Thầy không mơ ước hạnh phúc à?

- Không.

- Thầy đợi hạnh phúc nó đến?

- Hình như vậy.

- Nhỡ nó không đến thì sao?

- Thì thôi.

- Thầy không buồn ư?

- Bây giờ hay bao giờ?

- Bao giờ hạnh phúc nó không đến.

- Bấy giờ sẽ xét xem nên buồn hay nên không buồn.

Tôi biết Trang đã muốn nói gì. Và phải tìm cách lôi Trang ra khỏi niềm mơ ước của nàng. Tôi không cấm Trang mơ ước. Nhưng Trang chưa nên ước mơ hạnh khúc suốt đời của nàng. Trang sẽ hối hận. Vì, dưới hai mươi tuổi, toan tính một chuyện gì cùng vụng dại. Hạnh phúc mà Trang muốn nắm gọn trong tay không thể là thứ hạnh phúc phù du. Trời không nỡ bắt Trang chịu oan nghiệt. Trang thì chẳng hiểu rằng cái lưới oan nghiệt sẵn sàng chụp lấy nàng. Nên nàng không bằng lòng những câu trả lời nhấm nhẳn của tôi.

- Nhà văn đa cảm lắm, phải không?

- Hình như vậy.

- Thầy luôn luôn "hình như". Trong tâm tưởng thầy, không có gì đang "xác định" cả hay sao?

- Hình như vậy.

- Chắc thầy thích nghi ngờ? Thôi, kệ thầy. Em muốn hỏi thầy một câu, thầy không được trả lời "hình như" đấy nhé!

- Trang hỏi đi.

- Có khi nào thầy giả đò chối từ một điều quan trọng của đời người khác không?

- Trang muốn nói gì thế?

Nàng đứng dậy:

- Đêm nay trăng còn lu, nhưng em vẫn cứ dẫn thầy đi chơi trên đường làng.

Trang bỏ vào nhà. Tôi lại nằm hút thuốc lá Capstan và nhìn lên giàn hoa. Tôi nghĩ về Trang. Nàng như một chiếc hoa vừa rớt nhuỵ hồn nhiên để sắp kết trái. Từ lúc nào, nhuỵ hồn nhiên rớt, tôi không biết. Những tôi đoán chừng nó đã rớt xuống mặt con lạch cắt đôi cánh đồng bao la. Thiên thai không có tuổi. Bà Hương Lan nói thế. Tôi nằm, chờ nắng yếu dần. Cho tới khi con bọ ngựa lẩn vào một khóm lá. Nắng tắt. Buổi tối làng thôn nghe dậy nỗi buồn.

Tôi đốt điếu thuốc lá mới, nhìn khói thuốc bay và nhớ bà Hương Lan. "Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên mây".

Buổi tối, cơm nước xong, Trang rủ tôi đi chơi. Chúng tôi đi trên con đường làng như con đường thanh bình tôi mơ ước. Chính ra, tôi mới là người mong mỏi được sống ở đây trọn đời. Vì tôi đã biết chiến tranh. Trang dẫn tôi đến bến đò. Chúng tôi ngồi trong túp lều trống tung bốn bề. Dòng sông buồn. Một vài chiếc xuồng máy cột chặt ở bờ sông còn buồn hơn. Dường như có sương rây nhẹ trên mặt sông. Trời chỉ có sao. Và sao cùng đủ soi tỏ quang cảnh chung quanh tôi.

- Thầy Hoài...

- Tôi nghe đây.

- Một nhà văn thì phải biết rõ tâm sự của người khác, tâm sự ấy chẳng cần bộc lộ, đúng thế không?

- Đúng, nhà văn nổi tiếng cơ.

Trang khẽ thở dài. Tôi nói tiếp:

- Còn tôi, tôi chưa là nhà văn, làm sao tôi biết được tâm sự của người khác.

Trang hỏi:

- Nhưng thầy biết tâm sự của má em?

Tôi lắc đầu:

- Không, tôi không biết tâm sự của bác. Mà biết làm gì?

Trang bứt những chiếc cỏ:

- Thầy nghĩ gì về má em?

Tôi đáp ngay:

- Tôi quý mến bác.

Trang xích gần tôi:

- Thầy nghĩ gì về em?

Tôi nhìn sang xóm làng bên kia sông:

- Trang hồn nhiên lắm.

- Em còn bé, chưa biết gì, hả?

- Tôi muốn thế.

- Thầy ác vô cùng.

Trang trách tôi ác. Tôi lặng thinh. Và Trang gục đầu lên đôi tay, khóc rấm rứt. Tôi bật lửa châm thuốc hút, ngồi nghe tiếng nức nở của Trang. Bến đò vắng. Sông bãi bao la. Trang khóc một lúc, ngẩng mặt nhìn tôi:

- Tại sao thầy không nghĩ rằng em đã lớn, em biết nhiều chuyện?

Tôi ngần ngại mãi mới đưa tay vỗ nhẹ vai Trang:

- Biết nhiều chuyện, Trang sẽ hết hồn nhiên, sẽ khổ.

Trang nắm chặt lấy bàn tay tôi:

- Em không sợ khổ.

Tôi để mặc Trang nắm tay mình. Lòng tôi cùng rộn ràng khôn tả. Tôi nói:

- Ở đây lạnh quá, mình đi về kẻo ngoại trông.

Trang xích gần tôi thêm nữa và ngả đầu trên vai tôi:

- Thầy chỉ biết nói vậy thôi à?

Tôi rút khăn thấm nước mắt cho Trang:

- Hãy để tôi chỉ nói vậy.

Trang lại khóc. Khóc nức nở. Tôi mất công dỗ dành Trang thật lâu. Rồi tôi sợ Trang. Tôi rất sợ nghe tiếng khóc. Tôi đâm ra bối rối và chỉ còn biết nhìn những vì sao nhấp nháy trên nền trời. Tiếng nấc của Trang làm rung vai tôi, làm rung tim tôi.

- Em đừng khóc nữa, Trang!

- Vâng, em sẽ nín. Nhưng anh phải nói gì với em đi.

- Tôi sẽ phải nói gì?

- Thầy... anh..., anh Hoài nói gì cũng được.

- Tôi kể cho Trang nghe một câu chuyện nhé!

- Dạ.

Trang vẫn gục đầu trên vai tôi. Những vì sao trên trời nhấp nháy nhanh hơn như muốn giúp tôi thêm ánh sáng. Tự nhiên tôi nghĩ đến truyện ngắn "Những vì sao" của Alphonse Daudet. Tôi muốn ví mình như gã chăn cừu và Trang là cô chủ. Và tôi kể "Những vì sao" cho Trang nghe. Nàng không khóc nữa. Khi câu chuyện dứt, tiếng nấc của Trang cũng chẳng còn. Nàng ngẩng đầu lên, đưa tay vuốt tóc.

- Thưa thầy, câu chuyện thần tiên quá.

- Trang hiểu không, chừng con người đứng giữa thiên nhiên bao la, trái tim của họ chỉ nghĩ tới thần tiên.

- Em xin lỗi thầy.

- Trang có lỗi gì đâu?

- Em đã làm phiền thầy.

- Không, em gái tôi ở nhà hay vòi vĩnh tôi lắm. Nó cũng hay khóc giống Trang. Tôi thường bảo nó hễ khóc thì mơ mộng sẽ chết. Nó sợ chết mơ mộng, vội vàng nín ngay... Tôi coi Trang như em gái tôi. Khuya quá rồi, tôi đưa Trang về.

Trang ngoan ngoãn đứng dậy. Nàng đi không vững. Tôi phải khoác tay lên vai nàng, dìu nàng đi. Như một năm nào xa xôi ở quê nhà, tôi đã dìu em gái tôi từ phòng mạch trở về.

4

Tôi ngồi chấm luận quốc văn cho học trò. Nản vô cùng. Trình độ Việt văn của học trò bây giờ sa sút quá. Học đệ nhị, nghị luận văn chương Nguyễn Du mà viết câu chẳng thành câu. Lỗi chính tả đầm đìa. Tôi đã tập kiên nhẫn bằng cách chấm luận cho học trò. Tôi bắt học trò mỗi tuần làm hai bài luận thay vì một tháng một bài. Tôi thấy nữ sinh viết văn gọn gàng hơn nam sinh.

Ngồi chấm luận, tôi đã cười một mình vì ý tưởng ngồ ngộ của học trò đệ nhị hay vì những chữ viết sai chính tả. Nhưng hôm nay, tôi ngỡ ngàng đọc một bài luận khác thường. Không phải một bài luận mà là một bức thư tình viết trên giấy học trò. Bức thư cũng đề ngày tháng, đầu bài luận và chỗ dành cho "lời phê bình của giáo sư". Văn chương "thư tỏ tình" bay bướm và ít lỗi chinh tả hơn văn chương nghị luận "Đoạn trường tân thanh". Cô nữ sinh này yêu tôi. Cô doạ tôi mắng cô, cô sẽ lên Sàigòn học. Và tôi cho cả lớp biết, cô sẽ tự tử. Tôi đọc bức thứ tỏ tình hai lần. Hút liền ba điếu thuốc để suy nghĩ cách đối phố với cô nữ sinh tinh nghịch này. Bài "luận" không ghi tên song chữ thì đúng là chữ con gái rồi.

Bà Hương Lan, lúc ấy, đang nằm trên ghế xích đu đọc tiểu thuyết. Tôi phá rối sự hứng thú của bà:

- Thưa bác, kỳ này có bài luận lạ lắm.

Bà Hương Lan gấp sách, ngồi thẳng dậy:

- Lạ lắm à?

- Vâng.

- Thầy đưa tôi coi.

Bà Hương Lan đọc xong, mỉm cười:

- Thầy sẽ phê thế nào đây?

Tôi đáp:

- Cháu chưa nghĩ được lời phê. Có lẽ, cháu sẽ không phê bình.

Bà Hương Lan đưa bài luận... tình trả tôi. Bà mỉm cười:

- Người này muốn đến cõi thiên thai nhưng lạc đường. Thầy hãy chỉ giùm cho người ta đường nào lên thiên thai.

Tôi hỏi:

- Thưa bác, đường nào lên thiên thai?

Bà Hương Lan vất cuốn tiểu thuyết lên mặt bàn nhỏ kê sát ghế xích đu:

- À, đường nào lên thiên thai? Thật khó mà biết. Mỗi người trong chúng ta đều có một thiên thai. Và mỗi người chỉ hiểu đường lên thiên thai của mình. Tôi quên đấy nhé! Thầy sẽ không chỉ cho người ta đường nào lên thiên thai được đâu. Hoạ chăng thầy muốn người ta cùng lên thiên thai của mình.

Tôi nhún vai:

- Thế thì khổ quá. Dù sao, cháu phải biết rõ người này xem họ có biết chèo thuyền không đã. Một mình cháu chèo thuyền, e rằng sẽ không chở họ lên thiên thai nổi.

Bà Hương Lan bằng lòng câu khôi hài của tôi lắm. Tôi chưa bao giờ hỏi bà Hương Lan nghĩ gì về tôi. Nhưng tôi, tôi quý mến bà Hương Lan như tôi đã nói với Trang. Càng sống gần gũi bà, tôi càng quý mến bà, Bà Hương Lan là người đã dạy tôi mơ mộng. Trước hết, tôi biết tôi có một cõi thiên thai riêng. Mấy hôm sau trả bài luận, tôi đã gọi riêng từng người lên bàn tôi nhận bài. Bài luận... tình không ai nhận. Có nữ sinh của tôi nghỉ học. Thế là tôi biết rõ kẻ đang lạc đường ngoài cõi thiên thai. Tôi bảo cô nữ sinh ngồi cạnh chỗ tác giả bài luận... tình:

- Chị Phụng, tại sao bữa nay nghỉ học?

- Thưa thầy chị ấy đau ạ!

- Chị có ở gần nhà chị Phụng không?

- Thưa thầy nhà em sát nhà Phụng.

- Chị về nhớ bảo chị Phụng bận sau làm luận phải đọc kỹ đầu bài nhé! Bài của chị ấy kỳ này lạc đề. Tôi không chấm những bài luận lạc đề đâu. Và, tôi cũng không trả bài không chấm.

Phụng nghỉ học một tuần lễ. Tôi tưởng nàng giận tôi, bỏ Mỹ Tho lên Sàigòn học... Nhưng không, Phụng đã đi học. Nàng coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Và tôi cũng coi như chẳng có chuyện gì. Chắc Phụng đủ thông mình để hiểu rằng tôi đã kín đáo trả lời nàng. Ngay hôm Phụng trở lại lớp, tôi bắt học sinh chép bài "Tống biệt" của Tản Đà. Tôi chỉ cần mượn hai tiếng thiên thai, trong câu "Lá đào rơi rắc lối thiên thai" để nói về thiên thai. Và, dĩ nhiên, nói cho mình Phụng nghe. Chốn thiên thai, tôi nhấn mạnh, đã làm tuyệt vọng hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu. Tôi lại có dịp nói đến truyện ngắn của nhà văn Vũ Khắc Khoan. Dường như Phụng hiểu. Nàng ngồi cắn móng tay, đôi mắt thả về cõi thiên thai mà nàng đang muốn tôi nhưng không biết mình lạc đường. Giảng xong bài thơ, tôi gọi Phụng. Phụng đứng dậy, mắt chớp mau:

- Nếu chị tin thiên thai, thấy cảnh tượng "đá mòn rêu nhạt, nước chảy hoa trôi" chị có thất vọng không?

Phụng cúi mặt, hai tay chống lên mặt bàn, dùng những đầu ngón tay vẽ lằng nhằng:

- Thưa thầy, làm sao người ta có thể biết ở thiên thai buồn nản vậy.

- Tản Đà biết.

- Tản Đà chỉ là một thi sĩ trần ai!

- Thi sĩ là nhưng nhà tiên tri.

Phụng ngồi xuống. Nàng muốn khóc. Tôi nói thêm:

- Tôi tin thi sĩ lắm. Thi sĩ đã tiên tri là đúng. Bởi vì tầm mơ mộng của họ bao trùm cả trời đất. Thiên thai đã làm thi sĩ thất vọng, chúng ta không nên tính chuyện lên thiên thai. Hãy tưởng tượng ra thiên thai đẹp đi. Lên thiên thai mà thấy thiên thai xấu xí, chắc ta khổ sở vô cùng.

Học trò chỉ hiểu cõi thiên thai của Lưu Thần, Nguyễn Triệu. Nhưng Phụng, Phụng đã hiểu tôi vừa nói đến cõi thiên thai của riêng nàng. Tôi rất buồn phải chối từ tình yêu của Phụng. Điều này, chắc chắn làm Phụng đau đớn. Tôi đang sống ở tỉnh nhỏ. Một cây ngọc lan vườn nhà bà Hương Lan toả mùi thơm cả tỉnh người được mùi thơm dịu dàng ấy. Tôi nghĩ rằng một chuyện xấu xa, cả tỉnh sẽ biết và sẽ đàm tiếu. Không có giáo điều đặt ra cho những người ở tỉnh lỵ, Mỗi người tự bỏ nếp sống của mình vào giáo điều. Một ông thầy dạy học dan díu với một cô học trò của mình là chuyện không thể tha thứ được. Sự dau díu đến hôn nhân cũng đã tai tiếng rồi, Huống chi, sự dan díu chỉ là chuyện qua đường của tuổi dậy thì của Phụng. Tôi chưa có kinh nghiệm về tình yêu. Đọc sách báo, tôi biết tình yêu của các cô gái dưới hai mươi tuổi đều là tình yêu phù du. Một mai thức dậy, người con gái thấy mình lớn, thấy mình thèm yêu. Rồi thứ mùi vị của yêu đương. Khi hàm răng vừa cắn trái táo, người con gái bỗng rùng mình. Trái táo làm ê răng. Trái táo chưa bị cắn dứt song đã có vết răng. Tôi không muốn làm trái táo có vết răng, không muốn làm vật thí nghiệm cho tình yêu. Hơn thế nữa, tôi không muốn bị khép tội thầy giáo tán tỉnh học trò.

Bà Hương Lan theo rõi chuyện "bài luận tình"của tôi. Ở lớp về, thấy tôi đăm chiêu, bà hỏi:

- Thầy gặp chuyện phiền à?

- Dạ.

- Chắc tác giả bài luộn làm phiền thấy?

- Thưa bác, cô ta không chịu tin lời tiên tri của thi sĩ. Cháu giảng bài "Tống biệt" của Tản Đà, nói với cô ta rằng thiên thai buồn lắm, "đá mòn, rêu nhạt", cô ta không tin.

- Thiên thai của cô ấy ở trước mặt cô ấy nên cô ấy không tin. Thầy Hoài này...

- Dạ.

- Thầy đẹp trai lắm đó. Tôi ghét những người đẹp trai. Vì họ ưa phản bội. Nhưng hồi nhỏ tôi đã mê một người đẹp trai. Rốt cuộc, bây giờ, tôi sống cô đơn.

- Không lẽ cô ta chỉ yêu cháu vì cháu... đẹp trai?

- Con gái mà.

- Tên cô ta là Phụng, con gái ông bà chủ hiệu vàng Hoàng Phụng.

- À, tôi biết rồi, cô bé xinh xinh, cô Duyên, nhà giầu nhất nhì tỉnh. Thầy nên bỏ dạy học đi.

Giọng nói của bà Hương Lan khá lạ. Hình như bà đã không thật tình khi xui tôi bỏ dạy học. Tôi bỏ rừng đồi Ban Mê Thuột, bỏ giấc mộng ngông cuồng trở lại Mỹ Tho, bằng lòng cái nghề dạy học đâu phải vì chuyện khác. Mà chính vì tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi vườn nhà bà Hương Lan.

- Như vậy, cháu sẽ phải bỏ Mỹ Tho

Bà Hương Lan hơi sửng sốt:

- Thầy nói vậy có nghĩa là...

Tôi tiếp lời bà:

-... Thưa bác, có nghĩa là cháu trở lại Mỹ Tho, muốn sống mãi mãi ở đây, không phải để mong gặp một cô gái nhà giàu.

- Thầy nhiều tự ái quá nhỉ, tôi hiểu rồi, từ nay không dám giỡn với thấy nữa.

- Cháu không tự ái chuyện này đâu bác ạ! Nhưng cháu nghĩ bác đã không...

Tôi ngừng lại. Bà Hương Lan xua tay:

- Thầy Hoài trở lại Mỹ Tho vì cây bông sứ của tôi.

Tôi thành thật:

- Vì bác.

Bà Hương Lan chợp mắt:

- Vì tôi?

- Vâng ạ!

- Sao lại vì tôi?

- Vì giọng nói miền Nam của bác, vì câu chuyện thiên thai của bác, vì tuổi của thiên thai...

Bà nhìn tôi, đôi mắt sũng ướt sự biết ơn:

- Thầy Hoài thương hại tôi cô đơn. Tôi tự hỏi tôi đáng được thầy thương hại không?

Bà khẽ thở dài:

- Ở Trung Lương có một rừng mận cách đường đi vài cây số. Người Bắc gọi trái mận là trái gì?

Tôi đáp:

- Quả roi.

Bà chuyển câu chuyện đang ngột ngạt giận hờn sang một câu chuyện khác rất tài tình:

- Trong rừng mận có một con lạch suốt năm nước chảy trong vắt. Bắc qua con lạch là một chiếc cầu gỗ. Tên cây cầu thơ mộng lắm: Cầu Mơ. Người ta bảo, tới mùa mận chín, đứng trên Cầu Mơ ngắm những người con gái hái mận, không chán mắt. Cảnh tượng đẹp lạ lùng. Nắng chiều xuống màu xanh của lá và màu hồng của trái mận thành một màu thần tiên mà họa sĩ không thể nào pha mầu nổi. Con người luôn luôn thua tạo hoá. Người ta bảo, trong khi tay hái mận, miệng các cô gái cười hoài, vừa kể chuyện tình của nhau cho nhau nghe, ngộ hết sức. Thầy Hoài muốn tới Cầu Mơ không?

Tôi hỏi:

- Bác đã tới lần nào chưa?

Bà Hương Lan mỉm cười:

- Chưa. Trung Lương cách tỉnh có vài cây số mà tôi chưa tới Cầu Mơ lần nào. Có lẽ, tôi phải tới Cầu Mơ một lần.

Tôi nói:

- Chừng đến mùa mận, bác có tới Cầu Mơ, cháu sẽ đi theo bác.

Thế là tôi quên Phụng. Bà Hương Lan dẫn dắt tôi ra khỏi những vùng phiền muộn. Luôn luôn vậy. Tôi không thể cưỡng lời bà. Tôi mãi mãi ngoan ngoãn cơ hồ một con cua thu càng lại khi gặp một con ếch. Tôi đã trịch thượng với Trang với Phụng nhưng không dám trịch thượng với bà Hương Lan. Cuộc sống của tôi bình thản trôi ở Mỹ Tho. Ở đây không nỗi buồn vô cớ. Không làm sao buồn nổi khi ngồi ngoài vườn, nghe bà Hương Lan nói chuyện hoa, trăng, sao... Phụng không bỏ trường, không tự tử. Nàng làm một bài luận khác cho riêng tôi, bảo rằng nàng có quyền mơ ước cõi thiên thai của nàng. Và, trong tâm tưởng nàng, thiên thai không xấu, không có "đá mòn rêu nhạt, nước chảy hoa trôi". Bài luận thứ hai của Phụng, tôi không đưa bà Hương Lan coi. Tôi giữ kỹ như một kỷ niệm.

Kỷ niệm yêu đương. Một người con gái yêu tôi vì tưởng tôi là nhà văn. Cõi thiên thai của nàng là Văn chương. Một người con gái yêu tôi vì tôi đẹp trai. Cõi thiên thai của nàng là Nhan Sắc. Hai thứ đó không phải, không bao giờ làm nên tình yêu. Tình yêu không ở nơi đó. Hình như, tình yêu ở tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi vườn nhà bà Hương Lan. Trang và Phụng chẳng bao giờ nhìn thấy tình yêu, nghe thấy tình yêu của tôi. Hoạ chăng, chỉ có bà Hương Lan. Tôi nghĩ vậy. Nhưng mà Trang và Phụng cứ yêu tôi. Họ đang đi vào trong vùng sương mù của ảo tưởng. Ra khỏi sương mù, họ sẽ thất vọng chua cay. Họ sẽ đau đớn, sẽ ê răng. Còn tôi, tôi nhận dấu vết của những chiếc răng cán trên trái táo. Vào những ngày đềm êm như thế, Trang lại về Mỹ Tho. Trường không nghỉ hè. Nàng về chiều thứ bảy, nói rằng chiều chủ nhật sẽ lên Sàigòn.

Bà Hương Lan cho tôi biết, mấy năm ở nội trú, Trang chỉ về thăm mẹ vào những dịp bãi trường lâu. Thế mà, bỗng dưng, Trang về nhà. Nhưng bà Hương Lan không tỏ vẻ buồn. Trang bảo nhớ ngoại. Nàng rủ tôi bơi xuồng đi thăm ngoại sáng sớm để trưa trở ra Mỹ Tho kịp. Bà Hương Lan khuyên tôi nên chiều Trang. Bà lại từ chối không đi cùng chúng tôi. Bà nói xuồng chở ba người mất nhiều thì giờ. Tôi và Trang về thăm ngoại nàng. Tôi vẫn nhớ một đêm ở bến đò quê ngoại Trang. Tôi nhìn Trang. Nàng có vẻ gì khác lạ. Tôi hỏi:

- Trang về bất ngờ, không sợ má rày sao?

Nàng cười:

- Chả khi nào má rày em hết. Em lớn rồi mà.

Chợt nàng nói:

- Em đã suy nghĩ kỹ...

Tôi hất đầu:

- Suy nghĩ kỹ trước khi về hả?

Nàng buông lơi tay chèo:

- Không, em suy nghĩ kỹ để sắp nói với thầy một điều quan trọng.

Tôi biết điều quan trọng Trang sắp nói rồi. Điều quan trọng ấy sẽ là những câu nói thiết tha hơn những câu nói mà Trang đã ngập ngừng ở bến đò quê ngoại nàng đêm nào.

- Em sẽ không về ngoại đâu.

- Sao thế?

- Không có thì giờ. Em buộc xuồng lại, thầy và em lên bờ, tìm một nơi có bóng cây ngồi nói chuyện được không?

- Tôi muốn ngồi dưới giàn hoa thiên lý nhà ngoại Trang. À, lần trước tôi quên chưa kể chuyện quê nhà tôi cho Trang nghe.

- Để sau này, thầy ạ! Hoặc là thầy sẽ kể nhiều với em hoặc là thầy không kể nữa. Thầy chiều em chứ?

Đôi mắt Trang chớp mau. Tội nghiệp quá. Tôi phải chiều Trang. Chúng tôi đi một lúc trên cánh đồng rộng bao la mới tìm được một cây có bóng mát. Nắng sớm chưa gay gắt nhưng gốc cây mới dựa lưng được. Trang lại bứt cỏ. Những nhánh cỏ trước mặt nàng bị làm tội. Nàng nhìn tôi đúng lúc tôi nhìn nàng. Bốn con mắt gặp nhau. Trang nắm chặt bàn tay tôi:

- Em không muốn xa thầy, em không muốn xa anh, em khổ lắm.

Tôi gỡ tay Trang ra và khoác tay mình lên vai Trang:

- Em quên câu chuyện "Những vì sao" rồi à?

Trang ứa nước mắt:

- Không cần biết những vì sao, em chỉ cần anh, em yêu anh. Anh đừng coi Trang như em gái anh nữa. Em lạy anh. Em yêu anh, anh biết chứ?

Trang gục mặt vào ngực tôi. Nước mắt nàng thấm qua áo tôi làm ấm da tôi. Trái tim tôi đập mạnh. Tôi bồi hồi, xúc động. Nhưng tôi bỗng sợ trái tim có vết răng cắn. Tình yêu nó cắn, chẳng thuốc nào xoa dịu nổi, cho là thuốc thời gian.

- Tại sao Trang yêu tôi?

Nàng vẫn gục mặt vào ngực tôi, thổn thức:

- Em không biết.

Tôi vuốt ve tóc Trang:

- Có phải vì Trang tưởng tôi là nhà văn không?

- Không, không bao giờ em yêu anh vì tưởng anh là nhà văn.

- Nhưng tôi vẫn là nhà văn thì sao?

- Em chẳng cần biết.

- Tôi không là nhà văn đâu. Mà Trang đã muốn tôi viết văn nên bảo tôi là nhà văn đó.

- Dù anh là gì, em vẫn yêu anh. Và nếu yêu anh mà không được anh yêu, em sẽ buồn đến chết mất.

Tôi đã nghĩ lầm về Trang. Có lẽ, nghĩ lầm luôn về Phụng. Không có gì ngần ngại đón nhận tình yêu của Trang, sao tôi cứ ngần ngại. Tôi vừa thoáng nghe mùi hoa lan, thoáng nghe tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lời đi vườn biệt thự Hương Lan.

- Anh có yêu em không?

-... Tôi thương Trang, anh thương Trang.

- Anh thương hại em?

- Anh thương em thật tình. Vì em còn nhỏ quá. Em yêu anh rồi sẽ hối hận. Yêu nhau là phải hy sinh cho nhau. Mà anh, anh ích kỷ lắm, anh sẽ không thể hy sinh cho em được. Anh có nhiều đam mê, lại dễ chán nản. Em không thể đau khổ vì anh. Trời sinh ra con gái để con gái hưởng hạnh phúc trọn vẹn, em hiểu anh nói gì không?

- Em không muốn hiểu. Em chỉ muốn được anh yêu. Rồi ra sao thì ra.

- Vì em không muốn hiểu nên em sẽ hối hận nếu em yêu anh. Trang, em hãy nghe anh...

- Em đang nghe anh đây...

- Tình của em trong trắng, đẹp vô vàn. Tình đầu nào của con gái cũng đẹp cả. Anh không nỡ làm đau đớn sự trong trắng. Anh không dám yêu một cô gái nào lần đầu tiên biết yêu. Anh biết anh sẽ đầy đoạ, sẽ làm khổ sở người con gái ấy. Anh không phải là người tàn bạo, nhẫn tâm nhưng anh thích tạo cho anh nhiều mộng mơ. Những giấc mơ của anh sẽ làm em cô đơn, mòn mỏi và em tưởng anh đã hết yêu em, Vì thế Trang ạ, anh chỉ dám yêu những người đã quen đau khổ với tình yêu.

- Em đã quen đau khổ.

- Từ khi nào?

- Từ khi em gặp anh.

Tôi nâng đầu Trang lên. Nước mắt Trang nhễ nhại trên khuôn mặt nàng. Trang đẹp não nùng. Nàng dựa đầu vào vai tôi. Tôi hỏi Trang:

- Em đã tới Cầu Mơ chưa?

Trang ngạc nhiên:

- Cầu Mơ ở đâu hả, anh Hoài?

Tôi đáp:

- Cầu Mơ cách ngã ba Trung Lương vài cây số.

Nàng nũng nịu:

- Anh Hoài kể chuyện Cầu Mơ cho em nghe đi.

- Trong rừng mận có một con lạch suốt năm nước chảy trong vắt. Bắc qua con lạch là một chiếc cầu gỗ. Tên cây cầu thơ mộng lắm: Cầu Mơ. Người ta bảo, tới mùa mận chín, đứng trên Cầu Mơ ngắm những người con gái hái mận, không chán mắt. Cảnh tượng đẹp lạ lùng. Nắng chiều xuống màu xanh của lá và màu hồng của trái mận thành một màu thần tiên mà hoạ sĩ không thể nào pha mầu nổi. Con người luôn luôn thua tạo hoá. Người ta bảo, trong khi tay hái mận, miệng các cô gái cười hoài, vừa kể chuyện tình của nhau cho nhau nghe, ngộ hết sức.

Tôi nói với Trang về cây Cầu Mơ như bà Hương Lan đã nói với tôi. Và hỏi Trang:

- Em muốn tới Cầu Mơ không?

Trang quàng tay ngang lưng tôi:

- Ai nói cho anh nghe về Cầu Mơ đó?

- Má em.

- Má em tới Cầu Mơ lần nào chưa?

- Chưa.

Trang siết chặt người tôi:

- Sắp đến mùa mận rồi, chúng mình phải đến Cầu Mơ sớm hơn má em.

Tôi khẽ vuốt má Trang:

- Em.

Nàng nhỏ nhẻ:

- Dạ.

Gió bỗng lùa vào cành là trên đầu chúng tôi, nghe lào xào.

- Chừng chúng mình đứng trên Cầu Mơ, anh sẽ hôn em và nói yêu em.

Nàng nghẹn ngào:

- Bây giờ anh chưa yêu em?

Tôi gỡ tay Trang ra, bảo nàng ngồi ngay ngắn đễ tôi có thể châm một điếu thuốc. Gió nhiều quá nên tôi phải đốt cả chục que diêm. Tôi hít một hơi thuốc đẫy đà và thở khói. Khói thuốc tan nhanh trong gió đồng nội. Tôi nói:

- Anh có một kỷ niệm về thuốc lá, Trang ạ! Anh đợi khi nào nhìn khỏi thuốc chỉ còn nhớ đến em, anh sẽ tới mà nói yêu em.

Trang thở dài:

- Khi nào, biết đến khi nào?

Tôi nhìn cánh đồng bao la trước mặt:

- Khi "nguồn tâm tưởng vướng chân", em ạ! Anh bắt chước Huy Cận. Phải, khi nào anh có dịp đưa em về nhà, anh ngồi tưởng tượng hành trình của em và anh ngâm khẽ thơ Huy Cần... "Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa. Khi nguồn tâm tưởng vướng chân. Và, khi không cầm được anh ngồi khóc. Ấy lúc em tôi đã tới nhà" là lúc anh nhớ em như nhớ người yêu, người anh yêu nhất đó. Rồi chẳng cần đợi mùa mận, anh sẽ đưa em tới Cầu Mơ, sẽ hôn em, sẽ nói yêu em.

Trang ngồi im. Tôi biết sóng gió đang nổi dậy ở trái tim nàng. Nhưng sóng gió không nổi dậy ở trái tim tôi, dù tôi rất bồi hồi, xúc động. Tôi nghĩ đến bà Hương Lan. Nếu trong tim người đàn bà sầu muộn ấy có hình ảnh một người con trai thì trong tim tôi cùng có hình ảnh một người đàn bà. Một hình ảnh để tôn thờ. Một hình ảnh của thần tượng tình yêu.

- Mình về, Trang nhé!

- Dạ, mình về. Em đang nuôi hy vọng. Em van anh đừng để hoa hy vọng của em kết trái tuyệt vọng.

Tôi không hứa hẹn gì thêm với Trang. Chúng tôi xuống xuồng, trở về tỉnh lỵ.

5. Vườn nhà bà Hương Lan đêm nay, trăng nhiều quá. Những viên đá sỏi tắm trăng bóng nhảy. Hoa ngọc lan thơm ngát, mê man. Hình như hoa chỉ thơm nồng nàn khi có trăng. Hoa và trăng là đôi tình nhân lý tưởng của nhân gian. Hoa và trăng tỏ tình, không có nước mắt, không có đau thương. Mà đầy ánh sáng và hương thơm.

Bà Hương Lan ngồi trên ghế đối diện tôi. Tôi cách bà một lối đi trải đá sỏi. Đã nhiều lần rồi, tôi ngồi ngoài vườn nói chuyện cùng bà Hương Lan vào những đêm có trăng. Nhưng đêm nay, tôi tưởng như đêm đầu tiên tôi xuống Mỹ Tho.

- Thầy Hoài có biết xứ Huế mộng mơ và buồn vời vợi nhờ ai không?

- Thưa bác, nhờ tạo hoá.

- Nhờ Hàn Mạc Tử đấy. Thầy thuộc bài "Vỹ Dạ" chưa?

Tôi không thích Hàn Mạc Tử bằng Xuân Diệu, Huy Cận nên không thuộc thơ của thi sĩ này. Bà Hương Lan đọc cho tôi nghe bài "Vỹ Dạ":

"Sao anh không về thăm thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây hương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có mặn mà".

Bà hỏi tôi:

- Thầy Hoài nghĩ thế nào?

Tôi đáp:

- Buồn và mộng quá, bác ạ!

Bà Hương Lan chống tay lên cằm:

- Nhiều thi sĩ sinh ra ở Huế, lớn lên ở Huế, mơ mộng vì Huế, biết làm thơ tại Huế mà nói về Huế không thơ mộng chút nào. Tôi đọc hết cuốn "Huế, đẹp và thơ" của Nam Trân, thấy không xúc động bằng bài "Vỹ Dạ" của Hàn Mạc Tử.

Bà đọc lại hai câu cuối: Ở đây hương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có mặn mà". Bà nói tiếp:

- Tôi thương Hàn Mạc Tử lắm. Người thi sĩ này yêu mà không được yêu, ông ta đã gào thét: "Trời hỡi, làm sao cho khỏi đói. Gió trăng có sẳn làm sao ăn. Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phũ phàng". Người ấy đến đâu là nghi ngờ ở đấy. "Ai biết tình ai có mặn mà"

Tôi đã bảo tâm hồn bà Hương Lan ướp bằng thơ và mộng mà. Hễ ngồi với bà ngoài vườn trăng là bà chỉ nói chuyện thơ. Bà nhìn tôi:

- Kể ra Hàn Mạc Tử cũng... ngây thơ, thầy Hoài nhỉ?

- Cháu chưa hiểu sự ngây thơ của thi sĩ. Thi sĩ đều khờ khạo, ngu dại cả, Xuân Diệu nói: "Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì"

- Ngây thơ vì ông ta cứ muốn tỏ tình bằng lời nói. Thường thường, những mối tình đẹp là những mối tình câm lặng.

"Những mối tình đẹp là những mối tình câm lặng". Bà Hương Lan nói thế có nghĩa rằng mối tình của Phụng, của Trang đối với tôi không đẹp chăng? Vì cả Phụng lẫn Trang đều đã tỏ tình. Họ không muốn câm lặng. Tôi hỏi:

- Thưa bác, nếu câm lặng, làm sao người ta biết được người ta yêu nhau?

Bà Hương Lan lảng chuyện. Bà ngước nhìn trăng:

- Bao giờ thầy Hoài viết văn, làm thơ, tôi muốn thầy sẽ bắt độc giả của thầy phải yêu Mỹ Tho như Hàn Mạc Tử đã bắt độc giả phải yêu thôn Vỹ Dạ ngoài Huế.

Tôi nói:

- Cháu ích kỷ lắm, bác ạ! Cháu đã thích điều gì thì chỉ muốn thích một mình. Có lẽ, truyện đầu tay của cháu, cháu sẽ không viết về vườn hoa của bác, về trăng nước Mỹ Tho, về tiếng lạo xạo của đá sỏi nữa.

Bà Hương Lan cười:

- Vậy thầy viết về gì?

Tôi đưa tay vuốt mặt:

- Cháu sẽ viết về một nỗi sầu đau.

Bà Hương Lan bẻ bão tay:

- Từ đó, đi vào sự nghiệp.

Tôi trầm giọng:

- Cháu tương tư những chuyến tầu đêm. Bác biết chứ, nghe tiếng còi tầu hú lên, sao lòng mình xót xa thế! Cháu bỗng thương con đường sắt câm nín, ngòng ngoèo. Chà hiểu, có lần nào, con đường sắt mong con tầu bò ra khỏi mình mẩy nó không. Cháu sẽ giống con đường sắt Sàigòn - Mỹ Tho. Và sự khổ đau là con tầu nặng nề, già nua nhưng nhiều kỷ niệm.

Bà Hương Lan thở dài. Một lát, bà vui vẻ trở lại:

- Thứ bảy này, nhỏ Trang sẽ về nữa. Nó mến thầy lắm đó.

Tôi hơi ngượng ngùng:

- Chắc cô ấy nhớ bà ngoại nhiều?

Bà Hương Lan lắc đầu:

- Không phải đâu. Nó vừa tìm thấy một cõi thiên thai của nó.

Tôi đan những ngón tay khít nhau:

- Cô Trang sẽ thất vọng. Thiên thai chỉ có "đá mòn rêu nhát, nước chảy hoa trôi". Người nào đó còn ở lại thiên thai, cháu tưởng đã hoá đá rồi.

Bà Hương Lan ngạc nhiên:

- Sao thầy biết?

Tôi đáp:

- Vì linh hồn người đó đã nhập một cõi thiên thai khác. Rốt cuộc, trong chúng ta, không ai đến thiên thai cả, bác nhỉ?

Bà Hương Lan lặng thinh. Bà nói bà bị lạnh và vô nhà trước.

Một mình tôi ngồi trong vườn khuya. Tôi dựa lưng vào thành ghế, nhắm mắt.

Thiên thai của tôi đã hiện ra. Mộng ước trước mặt tôi. Cái mộng ước câm nín, không biết hay không dám tỏ tình. Hèn chi, cả nghìn năm xưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu đã thất vọng. Lưu Thần, Nguyễn Triệu thất vọng hay nhà văn sáng tác truyện của Lưu Thần, Nguyễn Triệu đã thất vọng? Nghìn năm trước, đã có kẻ danh sĩ chán nản cuộc đời dương thế, toan thả hồn lên thiên thai. Những không đạt vì thiên thai còn chán nản hơn cả cuộc đời. Thiên thai không có tình yêu. Cõi nào không có tình yêu, cõi đó là thiên thai. Mỹ Tho, ồ không phải, vườn hoa nhà bà Hương Lan chính là thiên thai của tôi. Tôi buồn quá. Đêm ấy, tôi đã ngủ trên ghế ngoài vườn.

Hôm sau, tôi bị cảm. Tôi nghỉ dạy một buổi. Tưởng ngày mai có thể tới trường, nhưng tôi lên cơn sốt và cơn sốt hành hạ thể xác tôi liên miên. Bà Hương Lan đã bắt tôi uống nhiều thứ thuốc. Bà săn sóc tôi thật chu đáo. Chinh bà đã ra tiệm thuốc bắc, mua gói thuốc xông về nấu cho tôi xông. Bà trùm kín chăn lên người tôi, ngồi canh chừng tôi, Tôi ngửi thấy, trong mùi long não, có mùi thơm của hoa ngọc lan. Cuối cùng, bà Hương Lan phải mời bác sĩ đến chẩn mạch và tiêm thuốc giúp tôi. Lần đầu tiên tôi được một bác sĩ chữa bệnh. Giá không trọ nhà bà Hương Lan, tôi đã nhờ người dẫn tới nhà thương thí. Tôi thích nằm dưỡng bệnh ở đó. Nhà thương thí là nơi an ủi nhưng kẻ lãng tử như tôi. Tôi thèm sống đơn độc và bị hắt hủi ít ngày ở đó để cho thấm thía kiếp người.

Ngót một tuần lễ mê man, bà Hương Lan ngồi cạnh tôi với dáng điệu đầy lo âu. Tôi biết điều ấy những lúc tôi tỉnh và tôi cứ giả vờ mê man, kéo dài cơn mê man. Bà Hương Lan nắm chặt tay tôi hay bà đặt bàn tay của bà lên trán tôi, tôi đều cảm giác bồi hồi, nao núng. Tự nhiên, tôi muốn mê man hoài, mê man không bao giờ tỉnh nữa. Như vậy, tôi đã nhập thiên thai của tôi.

Một lần, trong cơn mê man giả vờ, tôi đã nắm chặt cánh tay trần của bà Hương Lan, tỏ tình:

- Thưa bác, cháu yêu bác, cháu chỉ yêu bác. Ngoài bác ra, cháu không còn thương yêu ai.

Bà Hương Lan gỡ tay tôi ra:

- Thầy Hoài, thầy mê sảng dễ sợ quá. Để tôi đi mời bác sĩ.

Tôi tung chăn, ngồi dậy:

- Vâng, cháu mê sảng vì bác. Cháu xuống Mỹ Tho vì yêu bác, Và cháu đau khổ cũng vì yêu bác.

Bà Hương Lan cuống quýt:

- Chết thật, không khéo thầy bị thương hàn rồi.

Tôi ôm chầm lấy bà Hương Lan rên xiết:

- Cháu sắp chết. Cháu không thiết sống nữa nếu bác từ chối tình yêu của cháu.

Bà Hương Lan không cựa quậy hay tỏ ý giận dữ. Bà chớp mắt mau và mặc vòng tay tôi ôm vừa lưng bà. Thân thể bà run rẩy. Trái tim bà chắc còn run rẩy hơn. Tôi cố thu góp can đảm nói một lời mà nếu không giả vờ mê sảng, cả đời tôi, tôi cũng chẳng dám nói với bà Hương Lan.

- Em, anh yêu em!

Bà Hương Lan vuốt ve mái tóc ướt nhãy mồ hôi của tôi. Bà nhẹ nhàng nói:

- Hoài, hãy ngoan ngoãn một chút. Nằm xuống ngủ đi...

Tôi gục mặt vào ngực bà Hương Lan:

- Anh sẽ ngoan ngoãn, em yêu dấu!

Vở kịch thế là thành công, chẳng nên kéo dài. Tôi buông lơi vòng tay, nhắm mắt ngoẹo cổ và gục xuống giường. Bà Hương Lan kê gối lên đầu tôi, trùm chăn lên người tôi. Và bà thở dài. Tôi chợt bối rối, ngượng ngùng và hy vọng bà Hương Lan tưởng tôi mê sảng thật.

Rồi tôi khỏi bệnh. Bà Hương Lan mừng rỡ. Một buổi tối, hai chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau. Tôi đã cảm ơn bà Hương Lan không biết bao nhiêu lời. Bà Hương Lan cười đôn hậu:

- Những lúc thầy mê sảng, thật dễ sợ.

- Chắc là cháu nói nhảm nhí, phải không bác?

- À, nếu nhảm nhí thì tôi chả lo. Đằng này thầy nói tỉnh táo lắm.

Tôi chột dạ. Bà Hương Lan tiếp:

- Ngọn đèn sắp hết đâu bỗng vụt sáng, người sắp chết bỗng tỉnh táo vô cùng. Thầy Hoài này...

- Dạ.

- Để thầy khoẻ, tôi sẽ nói với thầy một chuyện.

- Thưa bác, chuyện gì đó ạ?

- Để thầy khoẻ đã.

- Có phải chuyện thiên thai không hả, bác?

- Chuyện Cầu Mơ.

Tôi chờ nghe thêm chuyện Cầu Mơ của bà Hương Lan, cây cầu mà nhiều người đang mơ ước đứng trên đó để nghe người khác kể chuyện yêu thương. Trang, Phụng chẳng hạn. Nhất là Trang. Nàng khát vọng một lần đến Cầu Mơ. Ngày nào, nhìn khói thuốc, nhớ Trang lạ lùng, tôi sẽ dẫn nàng đến Cầu Mơ, sẽ hôn nàng và nói yêu nàng. Tôi mong rằng không có ngày ấy. Vì tôi đã trót yêu bà Hương Lan. Những ngày đợi chuyện Cầu Mơ của bà Hương Lan kéo dài ra. Tôi chẳng dám giục bà kể. Phụng đã bỏ Mỹ Tho lên Sàigòn học. Nàng chưa được nghe nói về Cầu Mơ. Nhưng tôi chúc Phụng đã mang theo một cõi thiên thai của nàng. Như thế cũng xong.

Nửa tháng sau, vào một buổi tối không có trăng, bà Hương Lan và tôi ngồi nói chuyện ngoài vườn. Tôi thấp thỏm vô cùng, chả biết phần cuối của Cầu Mơ ra sao. Bà Hương Lan chống tay lên cằm, ngó tôi hút thuốc là. Bà ngắm tác phẩm của bà đó.
- Thầy Hoài này...
- Dạ.
- Thầy thuộc thơ Hồ Dzếnh không? Sao tôi thích hai câu "Thư viết đừng xong, thuyền xuôi chớ đỗ. Cho ngàn sau lơ lửng đến ngàn xưa" thế!
Bà để hồn bà lạc vào một ảo cảnh. Giọng bà trĩu nặng tiếc nhớ:
- Tôi rất tiếc là không thể dẫn thầy đến Cầu Mơ được, thầy Hoài ạ!
Tôi ngỡ ngàng:
- Sao vậy, thưa bác?
Bà Hương Lan thở dài:
- Vì tôi chưa biết Cầu Mơ. Chỉ nghe người ta nói. Tôi nghĩ thế này: Ta cứ tưởng tượng Cầu Mơ đẹp như chuyện Cầu Mơ. Nếu ta tò mò, tìm đến, nhỡ Cầu Mơ không đẹp, Cầu Mơ chỉ là cây cầu tầm thường, ta sẽ thất vọng! Thầy Hoài ạ, tôi không muốn thất vọng, không nỡ để thầy thất vọng. Cuộc đời tôi đã thu kín trong cái vỏ ốc sầu muộn. Tôi muốn được ví như cây bông sứ vườn nhà tôi. Cho nên, tôi không thể dẫn thầy đến Cầu Mơ.
Tôi xúc động. Tự nhiên, nước mắt tôi ứa ra:
- Cháu xin lỗi bác.
Bà Hương Lan đưa cánh tay quệt ngang đôi mắt. Bà đã khóc:
- Thầy có lỗi gì đâu.
- Trong cơn mê sảng, cháu đã làm bác buồn. Thưa bác, cháu đã làm hoa ngọc lan ở vườn nhà mất hương thơm.
- Thầy nhầm rồi, chinh thấy đã làm cho bông sứ vườn nhà tôi mặn mà hương thơm.
Hai dòng nước mắt vòng xuống mép tôi, thấm ướt môi tôi. Thương cảm.
- Vâng, cháu nghe lời bác dạy, cháu không đòi bác dẫn đến Cầu Mơ đâu.
Tôi trở vào nhà, không còn nghe tiếng lạo xạo của đá sỏi trên lối đi trong vườn nhà bà Hương Lan. Sáng hôm sau, tôi dậy khi bà Hương Lan thiêm thiếp ngủ. Tôi len lén xách hành lý ra ga, leo lên chuyến tầu sớm. Còi tầu thét não nùng rồi các toa chuyển bánh. Qua khung cửa sổ, tôi không thấy Bà Hương Lan. Những tôi mơ hồ thấy Trang. Và tôi dặn với nàng đừng mong ngày nào đó tôi dẫn nàng đến Cầu Mơ.
29-5-1969
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...