Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Những người đàn bà tắm 5

Những người đàn bà tắm 5

CHƯƠNG CHÍN
Hoa cúc trên đầu
49
Ba năm sau.
Đúng vào buổi tối Trần Tại đi công tác miền Nam, Khiêu đọc lại sáu mươi tám bức thư tình của Phương Kăng. Đã khuya, Khiêu thấy mệt, những bức thư tình tản mát khắp gường và trên nền nhà, Khiêu chui vào chăn ngủ, không thu nhặt cứ để mặc cho những bức thư ấy vương vãi lộn xộn.
Trong mơ, Khiêu cảm thấy có người dùng chìa khóa mở cửa, Khiêu biết đó là Trần Tại, chỉ có Trần Tại mới có chìa khóa mở cửa. Khiêu không dậy, chưa bao giờ anh đến mà Khiêu phải dậy. Khiêu lơ mơ thấy có tiếng động trong phòng, rất khẽ, như sợ làm Khiêu tỉnh giấc. Tiếp theo là tiếng nước chảy trong phòng vệ sinh, mùi cơ thể khô sạch hòa quyện mùi kem tắm tươi mát lan tỏa, anh giẫm lên những lá thư vương vãi trên mặt đất đến bên Khiêu đang cuộn tròn trong chăn, anh cúi xuống nhẹ hôn lên mũi Khiêu rồi chui vào chăn, ôm chặt lấy cơ thể ấm áp của Khiêu đang trần truồng. Anh thử gọi Khiêu "cái kẹo bé nhỏ" của anh, anh đã về, "cái kẹo bé xinh" của anh, anh đã về. Anh rất thích âu yếm gọi Khiêu như thế. Khiêu mơ hồ mình đang gối đầu lên cánh tay anh, nghĩ tại sao mình không thu nhặt những lá thư ấy, lát nữa trời sáng liệu anh có phát hiện ra không? Khiêu không muốn anh thấy những lá thư đang vương vãi trên giường, trên nền nhà nhưng cũng lại muốn anh đọc những lá thư đó. Khiêu không biết mình phải thế nào, phải chăng tính sĩ diện lại nổi lên, nổi lên không đúng lúc, mà cũng không đạo đức. Khiêu muốn Trần Tại, người sắp lấy mình đọc những lá thư tình của người khác gửi cho mình để chứng minh Khiêu xứng đáng được anh yêu như thế, bởi Khiêu đã từng được người khác yêu tha thiết. Khiêu cũng không tự tin trong khi sắp lấy chồng nhưng lại phải nhờ đến sự trợ giúp của những lá thư tình cũ. Khiêu thấy ngứa bên tai. Trần Tại đang liếm tai Khiêu. Anh đã làm Khiêu tỉnh ngủ, thế rồi anh lật lại, nằm lên người Khiêu... Những lá thư trên giường bị những động tác của hai người đạp tung xuống đất, kêu sột soạt, Trần Tại không nghe và cũng không trông thấy. Khi hai người làm tình với nhau bao giờ cũng tập trung tinh thần, anh chỉ nghĩ phải để Khiêu sướng, để Khiêu thỏa mãn, để suốt đời không quên. Đó là sự nồng nàn, thật sự nồng nàn, là sự bù đắp phong phú nhất của người con trai dành cho người con gái. Anh bù đắp cho Khiêu bằng sự nồng nàn và sức lực của chính mình, Khiêu cảm thấy như sắp bị anh làm tan ra, những nhịp co bóp mãnh liệt nơi sâu thẳm trong Khiêu thật khó bề gìm giữ, khi Khiêu tỉnh lại thì những nhịp co bóp vẫn chưa thôi. Khiêu thở dài, cảm thấy ngượng bởi những cảm xúc chưa từng có.
Giấc mơ làm Khiêu càng nhớ Trần Tại. Khiêu nhìn ánh sáng mờ ảo buổi sáng chiếu trên màn che cửa sổ, quyết định đốt hết những lá thư tình vương vãi trên giường và trên nền nhà. Khiêu muốn từ đây cắt đứt với quá khứ, tuy với nhân cách vốn có, Trần Tại không để ý đến việc Khiêu cất giữ những lá thư này, nhưng Khiêu vẫn muốn đốt đi để một lòng yêu Trần Tại. Khiêu dậy, súc miệng, ăn sáng rồi bắt đầu đốt. Khiêu đưa cái chậu rửa tay bằng thép inox vào bếp, đánh diêm đốt chúng, lấy đũa lật giở những tờ giấy cho cháy thật hết. Cách đốt của Khiêu như một trình tự nấu nướng, những động tác có liên quan đến ăn uống. Những động tác tỉ mẩn của đôi tay Khiêu như đang tiêu diệt thứ gì đó, như đang làm một việc gì đó. Có thể ngay Khiêu cũng không biết, đúng là Khiêu đang nấu nướng, nếu không thì sao Khiêu lại dùng những dụng cụ nhà bếp. Cuối cùngtrong chậu chỉ còn lại đống tro nhẹ tênh và mỏng manh, rất nhẹ rất mỏng tưởng như không có trọng lượng. Khiêu dồn tất cả vào cái ly thủy tinh uống nước hoa quả, đổ nước vào, nước trở thành màu đen. Ly nước đen là tất cả những dòng chữ mà Phương Kăng đã viết cho Khiêu, những dòng chữ đen chi chít trang giấy, đã một thời anh ta điên cuồng yêu Khiêu bây giờ đều ở trong ly nước đen này. Khiêu muốn uống cạn ly nước, để những dòng chữ màu đen ấy sống hoặc tiêu vong trong cơ thể Khiêu. Khiêu uống, bắt đầu từng hụm nhỏ, rồi từng hụm lớn, cuối cùng Khiêu uống hết, uống hết ly nước đen.
Khiêu ra phòng khách, ngồi ở sofa vẫn quen ngồi. Trong bụng không có gì khó chịu, Khiêu tin rằng tình cảm mình cũng rất bình tĩnh. Khiêu muốn gọi điện thoại về nhà báo cho bố mẹ biết Trần Tại đã ly hôn. Ba năm trước cả bố và mẹ đều nói anh không thể ly hôn nổi, bố mẹ đều cho rằng Khiêu cả tin với anh, ông Tầm thì nói với Khiêu "xin chị cút đi," bây giờ anh đã ly hôn, ly hôn thật rồi. Khiêu muốn gọi điện thoại báo cho bố mẹ biết, thật diệu kỳ, thật đắc thắng mà cũng để bố mẹ yên tâm. Từ sau khi ông Tầm bảo Khiêu "cút đi," thì chỉ có những ngày lễ tết Khiêu mới về. Nhưng chuông điện thoại reo, Khiêu cầm máy lên, điện thoại của Phàm.
Gần đây hai chị em gọi điện cho nhau chỉ nói chuyện mẹ đi mỹ viện. Thoạt đầu, Khiêu kể với Phàm chuyện mẹ đi nâng mũi, nâng mí mắt với giọng bực tức, Khiêu cứ tưởng Phàm sẽ bực hơn, ai ngờ Phàm lặng đi một lúc rồi phá lên cười trong máy và kêu lên, tuyệt quá, tuyệt quá, em có mẹ mới rồi! Nói xong Phàm lại cười, cười sặc cười sụa. Phàm cười khiến Khiêu khó chịu, không phải Phàm cười bực tức, mà là tán thành, cười như việc không liên quan đến bản thân, nhưng sự bực tức của Khiêu càng làm Phàm cười nhiều hơn. Cô mong trong nước có những chuyện buồn cười lại mong được trông thấy mặt mẹ. Phàm còn giục chị gửi ảnh mẹ sau khi đi mỹ viện, Khiêu từ chối, thế là Phàm trực tiếp gọi điện cho mẹ. Cô còn khuyến khích mẹ tiếp tục đi mỹ viện chỉnh hình, bà Vũ không hề ngượng ngùng, còn qua điện thoại bàn với Phàm việc đi căng da mặt, hút mỡ bụng. Bởi việc chỉnh hình mà bà Vũ và Phàm trở nên thân thiết hơn làm cho Khiêu phải gọi điện cho Phàm một lần nữa, nói với giọng châm biếm, Phàm, em cổ vũ tinh thần mẹ nhiều rồi đấy, mẹ đi hút mỡ bụng chị phải đưa đi đón về, em không biết phẫu thuật mỡ bụng nguy hiểm đến mức nào, sao em không về mà xem. Phàm nói lần sau, lần sau mẹ đi bơm ngực em sẽ về. Khiêu vừa nghe vừa muốn vứt máy đi.
Phàm gọi điện lần này không phải để bàn việc mẹ đi chỉnh hình, Phàm nói, chị Khiêu, chị đoán thử xem ai đến Chicago, anh Phương Kăng đấy.
Thế à, em muốn chị giới thiệu em làm quen với anh ta không?
Khỏi cần, em đã quen anh ấy rồi, anh ấy thuyết trình ở trường Đại học Chicago, em làm phiên dịch.
Thế à!
Em nói em là em của chị, anh ấy bảo em không nói thì anh ấy cũng nhận ra.
Thế à!
Thế rồi anh ấy mời em đi ăn tối, những lúc cùng em anh ấy không nói gì về chị, chỉ không ngớt khen trình độ tiếng Anh của em.
Thế à!
Em còn lái xe đưa anh ấy đi xem Bảo tàng mỹ thuật, anh ấy rất thích Chagan, rất thích họa sĩ người Do Thái ấy.
Thế à!
Sao chị cứ thế à, thế à, chị không muốn biết thái độ của anh ấy đối với em hay sao?
Chị không cần biết.
Nhưng em phải nói với chị, ngày nào anh ấy cũng gọi điện cho em, có một hôm, em qua đêm ở chỗ anh ấy đấy.
Thế à!
Phải nói rằng anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời, đáng tiếc em lại không yêu anh ấy, anh ấy có điểm ngây thơ, bảo em có hai cái răng bị sưng bọng, em không thích. Thế nhưng vừa rồi, ngay trước khi em gọi điện cho chị anh ấy lại gọi điện cho em.
Thế à!
Chị sao thế, sao thế?
Khiêu thở dài, nhấn mạnh từng tiếng: Phàm, chị nói với em, anh Tại đã ly hôn.
Thế hả chị.
Chị nghĩ em nên mừng cho chị.
Tất nhiên, em... em mừng cho chị.
Khiêu đặt máy, đứng dậy vươn vai, nước đen đang chuyển hóa trong người Khiêu, những dòng chữ của Phương Kăng kín đặc trang giấy đang ngấm vào lục phủ ngũ tạng Khiêu. Cơ thể Khiêu được nạp đầy tình yêu đã vĩnh viễn mất đi, trong lòng không giận, chỉ hướng về tương lai.
Hôm ấy, trong văn phòng Nhà xuất bản, Khiêu tiếp một phụ nữ không quen biết. Người phụ nữ ấy tự giới thiệu, tôi là Vạn Mỹ Thìn, vợ trước của anh Tại.
50
Vạn Mỹ Thìn bất ngờ xuất hiện trong phòng làm việc khiến Khiêu thoáng chút bối rối. Nhưng Khiêu không sợ Vạn Mỹ Thìn tìm gặp để gây sự, Khiêu không còn là người thứ ba của một đôi vợ chồng mà sẽ đường đường chính chính kết hôn với Trần Tại, Khiêu không sợ Vạn Mỹ Thìn mà chỉ hơi bối rối, cảm giác ngượng và thương xót.
Khiêu ngồi đối diện với Vạn Mỹ Thìn ở sofa gần cửa. Khiêu không nhìn chằm chằm vào Mỹ Thìn nhưng trông rất rõ. Trần Tại nói Mỹ Thìn ít hơn anh ấy khoảng mươi tuổi, như vậy ít hơn Khiêu năm tuổi, khoảng chừng ba mươi ba, trông có lẽ còn trẻ hơn tuổi. Người Mỹ Thìn nhỏ nhắn, vầng trán đầy đặn, mái tóc bóng bẩy kẹp bằng kẹp gỗ đó. Đôi lông mày mảnh mai, đôi mắt to có cái nhìn đầy thiện cảm. Những nét trang điểm và trang phục cũng rất hài hòa, Khiêu nhớ Trần Tại nói Mỹ Thìn là giáo viên dạy vẽ ở trường Trung học. Đúng lắm, Mỹ Thìn rất giống cô giáo dạy mỹ thuật: gọn gàng, rất cẩn thận lộ chút lãng mạn. Mỹ Thìn lấy từ trong cặp ra một bao thuốc lá, nói với Khiêu, em có thể hút thuốc được không?
Khiêu nói, có thể nói không thể, ngay cả gạt tàn tôi cũng không có.
Mỹ Thìn tỏ ra lúng túng, nói, thế ạ, ở trường em không hút thuốc trước mặt học sinh, chỉ ở đây... lần đầu tiên gặp chị có phần căng thẳng, em nghĩ thuốc có thể giúp được gì chăng. Nhưng có lẽ không nên hút, em biết.
Mỹ Thìn thừa nhận căng thẳng làm Khiêu thấy Mỹ Thìn thẳng thắn hơn mình. Khiêu rót ít nước vào cái cốc giấy, đặt trước mặt khách, nói chị có thể gạt tàn vào đây, thế này có phần du kích, nhưng rất thực tế.
Mỹ Thìn cảm ơn rồi châm thuốc hút. Những động tác Mỹ Thìn châm thuốc, hút thuốc, gạt tàn vừa không gắn với nhau lại không tự nhiên, tỏ ra không thạo, cho cảm giác Mỹ Thìn vừa biết hút thuốc chưa lâu. Thuốc lá có thể làm phụ nữ tỏ ra sành điệu, nhưng Mỹ Thìn hút thuốc tỏ ra ngượng ngùng tưởng như chưa đến tuổi trưởng thành, một người vị thành niên tập tọng hút thuốc giấu người nhà. Nói thẳng ra, Khiêu không có điều gì ghét người vợ cũ của Trần Tại, thế nhưng Mỹ Thìn đến tìm Khiêu có việc gì?
Mỹ Thìn nói, chị Khiêu, chắc hẳn chị đã đoán ra em đến tìm chị làm gì rồi. Em muốn nói với chị, em tìm chị không có việc gì quan trọng, nếu có việc quan trọng thì em không chờ đến ly hôn mới tìm gặp chị để nói mà sẽ gặp chị trước khi ly hôn, em khẩn thiết yêu cầu chị buông tha anh Tại, trả anh Tại về cho em, những năm vừa rồi em không nghĩ thế. Bây giờ thì mọi việc đã qua, em và anh Tại đã ly hôn và cũng biết chị sắp lấy anh Tại. Tại sao em đến gặp chị vào lúc này? Tìm gặp chị có việc gì? Nói ra có thể chị không tin, vừa rồi trên đường đến đây em vẫn tự hỏi mình. Nhưng em phát hiện ra, bởi em vẫn yêu anh Tại, em khát khao được gần anh ấy và cũng rất khát khao được gần người thân yêu nhất của anh ấy, mà chị là người thân yêu nhất của anh Tại, sự thật này em biết từ nhiều năm trước. Trong hơi thở của chị có hơi thở của anh ấy, trong đôi mắt chị có ánh mắt của anh ấy, trên da thịt chị có hơi ấm của anh ấy. Khi em đẩy cửa bước vào phòng trông thấy chị, được nhìn gần chị, em đã thấy, đã trông thấy tất cả những gì trên người anh ấy, bởi thế em mới đến tìm chị, em muốn ngồi với chị một lúc, ngồi một lúc với nhau thế này. Em không cướp gì đi, không lên án điều gì, em vạn lần nghĩ rằng, cuộc hôn nhân của em với anh Tại đã sai lầm ngay từ đầu, anh ấy bị em ràng buộc không còn cách nào đành phải cưới em, hôm nay em nói tất cả ra với chị, lẽ ra anh ấy phải là của chị. Nhưng không vì thế mà ngăn cản em yêu anh ấy. Sau khi ly hôn, anh Tại để nhà cửa lại cho em, đã một thời gian em không gặp anh ấy rồi, em biết hiện giờ anh đang ở miền Nam. Bởi thế em rất muốn được gặp chị, chỉ có ngồi với chị em mới thấy mình được gần anh ấy, hơn nữa cũng rất an toàn, an toàn... chị hiểu chứ, chị làm em cảm thấy an toàn.
Khiêu hoàn toàn không ngờ Mỹ Thìn lại nói ra những điều ấy, những cảm giác đặc biệt của Mỹ Thìn cũng là điều Khiêu chưa bao giờ được biết. Khiêu chú ý đến người phụ nữ đang vụng về hút thuốc ngồi trước mặt, nghĩ rằng mình đã làm tan vỡ gia đình Mỹ Thìn và Trần Tại, mình là nhân tố không an toàn đối với Mỹ Thìn. Bởi thế, Mỹ Thìn vẫn làm Khiêu nghi ngờ, phải chăng Mỹ Thìn đang nói những điều ngược lại để trách cứ Khiêu, Khiêu bằng lòng nghe những lời trách cứ chân thật.
Không có vẻ gì Mỹ Thìn nói những lời ngược lại. Mỹ Thìn hút thuốc vụng về nhưng vẻ mặt rất khẩn thiết, bỏ đầu mẩu thuốc vào ly nước, người hơi ngả về phía trước, nói, một buổi trưa em ngủ dậy, ngồi lặng đi trước cửa sổ, chị biết không, em rất hay lặng đi như thế, nhất là những năm anh Tại cùng em bàn chuyện ly hôn, em có thể ngồi lặng đi hàng năm sáu tiếng đồng hồ. Hôm ấy em ngồi nghĩ về thuở ban đầu hai người quen nhau. Ngày ấy em chưa tốt nghiệp đại học, về nghỉ hè, em về Phúc An làm gia sư cho một ông Giám đốc nhà máy. Một lần, đi xe đạp bị anh Tại đụng xe, phải nói rằng lỗi ở em, em phóng nhanh cho kịp đèn đỏ để vội đến nhà ông Giám đốc kia. Em đụng phải xe anh Tại, ngã rách cả đầu gối, tay cũng bị thương. Anh Tại rất sợ, lập tức đánh xe đưa em đi bệnh viện. Anh đưa em đi xử lý các vết thương, đưa em đi kiểm tra những chỗ cần thiết. Anh hỏi đầu em có đập xuống đất không, em nói không nhưng anh vẫn nhất định bắt em đi chụp phim. Kiểm tra xong anh ấy đưa em về nhà, nói lại sự việc với bố mẹ em, cuối cùng còn để lại số điện thoại, số máy nhắn tin và số máy điện thoại di động - hồi đó rất ít người có điện thoại di động. Anh để lại những số máy này và nói với em, nếu có vấn đề gì thì gọi anh bất cứ lúc nào. Anh tỏ ra rất trí thức, đúng là con người trí thức, em nằm mà cứ nghĩ đến từ ấy. Không phải em không tin trong xã hội có những người đàn ông tốt, nhưng em chưa gặp ai như anh ấy. Hôm sau em gọi điện thoại cho anh ấy... chính anh nghe điện, chứng tỏ anh không nói dối em, không phải để số điện thoại khống. Điều này làm em thầm vui mừng, vui mừng không phải vì anh không để số điện thoại giả lại. Qua điện thoại, anh hỏi em vết thương thế nào rồi, nếu cần anh ấy sẽ đưa xe đến đưa em đi bệnh viện thay băng. Em nói cần, thực tình em rất muốn được gặp anh. Anh đưa xe đến. Trong một tháng, em đi bệnh viện bốn lần. Ngồi trong xe em và anh ấy nói chuyện với nhau, khi anh biết em là sinh viên mỹ thuật anh hỏi em có thích tranh của Balthus không, em có phần lúng túng, bởi lúc ấy em chưa thấy tranh của Balthus, ngay cả bản in. Anh Tại không cười em kém hiểu biết, anh tỏ ra là người tế nhị, để em không cảm thấy khó xử, anh chuyển ngay sang chuyện khác. Em rất cảm phục ý tốt của anh chú ý quan sát nội tâm người khác, khi vết thương của em lành thì em cũng phát hiện ra mình đã yêu anh. Sau kỳ nghỉ hè em trở về trường, bắt đầu viết thư cho anh ấy, cũng có thể coi đó là bức thư tình, em còn vẽ khá nhiều tranh liên hoàn, đại loại là những "biếm họa thiếu nữ," mọi nét vẽ đều miêu tả tình yêu và nỗi nhớ về anh. Em gửi tất cả những thứ đó cho anh, nhưng không nhận được thư trả lời của anh... Chị Khiêu, xin chị chú ý, chưa một lần anh gửi thư trả lời em. Thế rồi đến kỳ nghỉ đông, em nóng lòng về Phúc An và việc đầu tiên là đến thăm anh.
Em gặp anh. Em nói thẳng là em yêu anh, anh cười xin lỗi bởi em đang là sinh viên và cũng nói, anh hơn em quá nhiều tuổi, mong em hãy bình tâm nhìn về tương lai và cuộc sống. Em nói em rất bình tĩnh, em cũng không quan tâm đến chênh lệch tuổi tác, chỉ cần anh không yêu ai. Đúng thế, với tuổi anh lúc đó anh đã phải lấy vợ từ lâu rồi. Anh không trả lời vấn đề của em, em cứ hỏi anh hết lần này đến lần khác, em nói: anh không trả lời có nghĩa là anh đã yêu một người nào rồi, đúng không, đúng không, đúng không nào! Anh nói đúng, anh đã yêu từ nhiều năm nay rồi. Em hỏi, thế thì tại sao anh không cưới? Sau rồi anh nói với em, không rõ người mà anh yêu có yêu anh không? Điều anh nói ra làm em hy vọng, em nói một câu thật ngu ngốc: nhưng anh biết em yêu anh! Anh nhìn em tỏ ra đáng tiếc, đáng tiếc sâu sắc làm sao. Em biết mình vừa vô lý vừa mạnh dạn nói với anh: nhất định em lấy được anh, em đủ tư cách để cạnh tranh với người mà anh yêu. Em hỏi anh ấy như thế có được không. Anh nói, nếu vậy thật vô nghĩa, tình cảm con người không thể đem ra đánh cược. Em nói, nhưng em đánh cược là để được tình yêu. Anh nói, em làm thế chỉ đưa lại đau khổ cho mình. Em biết trên thực tế anh đã từ chối em, anh nói thật cô đọng nhưng không cho phép hoài nghi.
Tối hôm ấy em sốt cao, sốt gần 40 độ làm em mê sảng, sốt hai ngày liền không hạ, em được đưa vào bệnh viện. Trong người em không bị viêm nhiễm, bác sĩ không chẩn đoán được nguyên nhân. Em không ăn, uống nước vào là nôn thốc nôn tháo. Nhiệt độ vẫn tiếp tục lên cao, đến hơn 40 độ, tiếp nước cũng không có tác dụng. Trong lúc mê sảng phần lớn em gọi tên anh. Sau rồi người nhà gọi điện thoại cho anh, anh đến bệnh viện thăm em. Anh ngồi bên giường nắm bàn tay nóng bỏng của em, mặt em đỏ bừng chắc chắn gây xúc động cho anh. Anh khuyên em nên cùng bệnh viện điều trị, tất cả sẽ chờ em lành bệnh sẽ nói. Lời anh làm em trong nỗi tuyệt vọng như đống tro tàn được khơi lại, lời anh như liều thuốc làm lui cơn sốt của em. Bệnh của em thuyên giảm kỳ lạ, em không hiểu làm sao có thể hạ sốt nhanh như thế được, cũng như em không hiểu tại sao em có thể lên cơn sốt vô cớ như thế. Em biết em đã khỏi bệnh, đó là bệnh tình yêu, bệnh yêu cuồng nhiệt, em tự nhảy vào biển lửa tình yêu do em nhen nhóm. Sau khi ra viện em không được gặp anh vì anh đang đi nước ngoài, mà em cũng bắt đầu vào học.
Còn một học kỳ nừa thì em tốt nghiệp, em không thể ngồi chờ anh từ nước ngoài trở về. Một tháng sau anh về, em bất chấp tất cả, xin phép nhà trường nghỉ về thăm anh. Em đến nhà anh, đến căn hộ của anh. Vào một buổi tối, buổi tối mùa xuân, em không còn kiểm soát nổi tình cảm mình, khóc thảm thiết trong nhà anh. Thái độ thúc ép của em như đang hành tội anh, đến nay em rút ra kết luận em hành tội anh. Anh lấy khăn nóng lau mặt cho em, cứ đòi lái xe đưa em về nhà. Hình dáng em lúc đó thật bất tiện cho một người đàn ông đứng đắn như anh, nhưng em định làm gi? Tưởng như em bắt ép anh giữ em lại, chỉ còn nước em nói xin được làm trâu, làm ngựa cho anh. Em khóc, nói: em yêu anh, anh Tại, em yêu anh! Anh cưới em đi, cả thế giới em chỉ nghe lời một mình anh thôi! Anh nói, hãy để anh suy nghĩ, cho anh suy nghĩ kỹ, hôm nay muộn quá rồi, em hãy về đi. Anh mặc áo ngoài cho em, đưa xe em về. Xe anh vừa quay lại thì em cũng chạy theo đến nhà anh một lần nữa. Em đứng dưới nhìn ánh đèn trong khung cửa sổ của anh, ánh đèn cũng nhanh chóng tắt đi, em biết anh đã đi ngủ, thế là em nhẹ nhàng lên gác, ngồi ở cửa nhà anh, ngồi ngay cửa nhà anh. Em muốn bằng cách ấy để biểu thị lòng trung trinh của mình. Giống như nhiều năm trước đây nhà em nuôi một con mèo già, nó già đến nỗi đi đứng không nổi, cả nhà không muốn nó chết ở nhà. Một hôm bố em đạp xe đưa nó đi một nơi thật xa, vứt nó lên một chiếc máy kéo của nông dân ngoại thành. Nhưng hai hôm sau, vào một buổi sáng, bố em mở cửa chuẩn bị đi làm thì thấy con mèo già đã tìm được đường về, đang nằm cuộn tròn ở tấm rèm bông che cửa, chờ cả nhà mở cửa. Em ngồi trước cửa nhà anh Tại cảm thấy mình như con mèo, em sẽ làm anh xúc động như con mèo đã làm cả nhà xúc động. Em ngồi ở cửa phòng anh trọn một đêm, sáng ra anh mở cửa, nhìn thấy em, lúc đó em đang ngủ. Anh bế em vào phòng, đặt lên giường, hai bàn tay ấm áp của anh ấp lấy hai bàn tay giá lạnh của em, anh nói: sao em cứ nhất định phải thế!
Em không còn chịu đựng được nữa, hôn anh, bất chấp tất cả. Anh cũng hôn em. Hôm ấy anh không đi làm, ngồi nói chuyện với em suốt ngày. Thái độ của anh thật dịu dàng, cho đến hôm hai người cưới nhau anh mới khóc. Chị Khiêu biết không, anh khóc to, chưa bao giờ em thấy một người đàn ông khóc như thế, tiếng khóc của anh làm chấn động hạnh phúc của em, làm em sợ. Em biết anh khóc vì chị, tiếng khóc của anh làm em cảm thấy khi em được anh thì cũng là lúc em vĩnh viễn mất anh.
Khi em được anh thì cũng là lúc em vĩnh viễn mất anh.
Mỹ Thìn im lặng, có thể tạm im lặng.
Khiêu nói, Thìn uống nước nhé?
Mỹ Thìn lắc đầu, nói: chị khóc đấy ư, em không muốn giành nước mắt của chị. Không rõ tại sao em lại nói những chuyện này, những chuyện em không định nói ra hôm nay.
Khiêu nói, nhưng mình rất muốn nghe.
Mỹ Thìn nói, em đã làm mất thì giờ làm việc của chị, nếu tiện, em sẽ gặp chị vào một dịp khác. Em biết số điện thoại của chị, chị cũng biết số điện thoại của em.
Khiêu nói, ừ, mình đã biết điện thoại của Thìn, mà Thìn cũng biết điện thoại của mình rồi.
51
Hai người hẹn gặp nhau nhân lúc Trần Tại không có ở Phúc An. Lần đầu Mỹ Thìn gọi điện cho Khiêu, Khiêu sắm vai bị động, Khiêu thấy mình nên trong vai trò bị động trước Mỹ Thìn "người bị hại," Khiêu không thể chủ động, tuy Khiêu có chút hiếu kỳ đối với Mỹ Thìn.
Hai người gặp nhau ở Quảng trường Mây Bay, đầu tiên hai người bình phẩm về kiến trúc mà ông Tầm cho là "xấu vô cùng," thật ra cả hai đều thích "cái mặt lệch" này. Thế rồi hai người vào quán cà phê trong "cái mặt lệch," Khiêu gọi ly "bát lớn Tây Ban Nha," Mỹ Thìn gọi cà phê Ireland, Mỹ Thìn nhấp cà phê rồi nói, trước khi lấy anh Tại em không uống cà phê, hễ uống cà phê vào là đau bụng. Nhưng anh Tại thích, em thấy mình cũng nên thích. Có những tối anh làm việc rất khuya, em cùng uống cà phê với anh. Anh không biết em không thích cà phê, em giấu không để anh biết em đau dạ dày, em phải thích ứng với anh mọi thứ, chỉ sợ anh chán em. Sau rồi em trở nên nghiện cà phê, dạ dày cũng không đau nữa, điều này làm em tin, em tin chỉ cần mình quyết tâm thì việc gì cũng làm được, ví dụ em quyết tâm học chị.
Học mình? Khiêu hỏi.
Đúng, em học chị, mô phỏng chị.
Mô phỏng mình? Khiêu lại hỏi.
Chưa bao giờ anh Tại nói với em người con gái mà anh yêu là ai, nhưng bằng trực giác em biết là chị. Lần đầu tiên em thấy chị ở nhà bố mẹ anh Tại, em nhớ rất rõ, đó là một ngày chủ nhật, em và anh ấy lẽ ra cùng đến, nhưng anh bận không đi nữa, chỉ một mình em đi. Mỗi lần đến nhà bố mẹ anh Tại, em thích đứng ở ban công, đứng ở đấy có thể trông thấy vườn hoa nhỏ của Viện Thiết kế. Đứng ở ban công em còn có một bí mật nhỏ, đứng đấy để có thể trông thấy chị. Em biết chị và anh Tại cùng ở một khu chung cư, bố mẹ chị hiện nay vẫn ở đấy. Có thể chủ nhật chị sẽ về thăm hai cụ chăng? Em cứ muốn được trông thấy chị, trông thấy chị - người mà em sợ nhất trên đời. Một ngàn lần em vẽ hình ảnh chị trong lòng mình, có lúc em tưởng tượng chị rất đẹp, có lúc lại nghĩ chị rất xấu. Nhưng chưa bao giờ em gặp chị trong khu chung cư Viện thiết kế. Chủ nhật ấy, em đứng trên ban công nhìn ra vườn hoa, em nghĩ ở vườn hoa này, chị và anh Tại đã có chuyện gì chưa. Đó là một vườn hoa giản dị, với những cây ngô đồng Tây, bờ dậu và thảm cỏ xanh, một ít tường vi thông thường, không giống với hoa cỏ ở những công viên, không có sức hút du khách. Em đứng trên ban công nhìn vườn hoa, cứ nghĩ chị sẽ từ đấy đi ra. Đúng lúc ấy em trông thấy xe anh Tại, anh đỗ xe ngay trước cửa, xuống xe, rồi ra cửa sau của xe, em lập tức trốn ngay vào phía sau cây quế, bởi trong giây lát đó bản năng mách bảo em rằng anh Tại sẽ mở cửa xe cho chị. Quả nhiên chị từ trong xe bước ra, anh Tại nói với chị vài câu gì đó thế rồi chị theo con đường nhỏ đi vào phía trong. Mẹ anh Tại nghe có tiếng xe ô tô cũng chạy ra ban công, em hỏi mẹ người nói chuyện vừa rồi với anh Tại là ai? Mẹ bảo đó là chị, chị Khiêu, ở cùng khu chung cư này.
Quả nhiên, người đó là chị, là chị Khiêu. Từ lâu, cái tên Khiêu làm em sợ hãi, làm em không thanh thản, làm em cảm thấy một sức ép vô hình. Chủ nhật lần đó chị xuất hiện, trong lòng em bỗng có nỗi đau hư không, rất không thoải mái. Em trốn sau cây quế để lén nhìn chị, ghi sâu trong lòng mình về kiểu tóc, trang phục, mẫu giày... của chị. Trong tưởng tượng của em, chị như một người rất tiên phong, tóc cắt ngắn như con trai. Nhưng ngược lại, tóc chị chải lật ra phía sau, kẹp gọn gàng thật thấp, trong vẻ giản dị để lộ nét không bình thường. Vầng trán sáng láng và bước đi nhanh nhẹn đã để lại cho em ấn tượng vừa khó chịu vừa sâu sắc - vừa ngưỡng mộ chị vừa muốn từ chối chị, thoát khỏi chị. Em còn nhớ rất rõ trong tay chị cầm chiếc mũ cói mềm, chung quanh mũ trang trí dải băng gai in những bông hoa cúc Ba Tư. Ôi, vòng hoa cúc Ba Tư trên đầu, em nghĩ. Không hiểu tại sao vào lúc chị làm em buồn nhưng trong em lại hình dung ra một ý thơ: vòng hoa cúc Ba Tư trên đầu! Tóm lại, đó là vòng hoa cúc Ba Tư trên đầu chị. Chị còn nhớ cái mũ ấy của chị nữa không?
Mỹ Thìn vừa nói, vừa xê dịch trên ghế để ngồi gần Khiêu hơn. Khiêu cảm nhận được Mỹ Thìn đang hít thở, khiến Mỹ Thìn giống như một động vật nhỏ có khứu giác nhạy cảm không hại người. Mỹ Thìn đang ngửi Khiêu, cũng có thể như không phải, mà muốn ngửi Khiêu để biết mùi Trần Tại. Mỹ Thìn cần phải ngồi gần Khiêu hơn, càng gần Khiêu cũng có nghĩa là gần Trần Tại hơn. Có thể Mỹ Thìn không hít thở, mà đó chỉ là cảm giác của Khiêu, Khiêu cảm thấy Mỹ Thìn muốn gần mình như để gần Trần Tại, giống như lần đầu tiên gặp nhau Mỹ Thìn đã nói với Khiêu, khiến Khiêu có cảm giác không an toàn, cũng lại như làm cho Khiêu có cảm giác đang bị Mỹ Thìn thu hút một cách bất ngờ. Mỹ Thìn không kể khổ, không khiêu khích Khiêu, Mỹ Thìn gặp Khiêu chỉ với mong muốn thổ lộ tâm tình, mang sắc màu thẳng thắn chân thành và ngợi ca vẻ đẹp chói ngời. Vạn Mỹ Thìn, nếu không phải quá chân thành sẽ là quá giảo hoạt, duy chỉ không hùng hổ dọa người. Mỹ Thìn hỏi chuyện gì? Ôi, Mỹ Thìn hỏi Khiêu còn nhớ cái mũ cói nữa không...
Khiêu nói, có cái mũ cói ấy, mình nghĩ ra rồi. Vành mũ là một dải băng gai có hình hoa cúc Ba Tư. Không biết Thìn có thích cái mũ đó không, mình rất thích. Lần đầu tiên mình trông thấy hoa cúc Ba Tư trên nghĩa trang liệt sĩ thành phố, hồi ấy mình đang học tiểu học. Cứ đến tiết thanh minh hàng năm nhà trường lại tổ chức cho học sinh đi viếng mộ liệt sĩ, bọn mình đem theo những vòng hoa tự tết lấy từ trường ra đi, đi xa lắm, dọc đường đầy bụi, ra nghĩa trang ngoại thành và đặt vòng hoa lên mộ liệt sĩ, nghe người phụ trách giới thiệu sự tích của những người nằm dưới mộ. Còn nhớ một lần, một chị giới thiệu còn rất trẻ, chị đưa học sinh đến trước ngôi mộ xây bằng đá hoa cương trắng và nói, người nằm dưới mộ là một nữ Trưởng phòng trừ gian, anh hùng thời kháng Nhật. Chị bị phản bội, bị giặc Nhật bắt, bọn chúng khoét vú chị, để không cho chị chửi mắng, bọn chúng cắt lưỡi chị... Chị ấy bắt đầu giới thiệu sự tích anh hùng cho bọn mình, chị trẻ như một học sinh trung học. Cho đến giờ mình vẫn nhớ khuôn mặt chị ấy tròn trĩnh, nghiêm chỉnh, trang trọng tưởng như không còn gì hơn. Chị bắt đầu giới thiệu, nói: các em học sinh,... chị lại nói - các em học sinh,...thế rồi chị cười. Sợ quá, chị cười trong khung cảnh trang nghiêm! Chị cười to, lại nghe như có tiếng khóc, âm thanh lúc cao lúc thấp, hai vai chị run lên, không còn cách nào kìm giữ nổi. Mình với các bạn học không ai dám cười, lớp trưởng cũng không dám cười. Vì trước đó cả lớp đã được nhắc nhở: trước mộ liệt sĩ không được cười, về mặt này bọn mình có sức kiềm chế rất mạnh, có bạn học còn tỏ vẻ đau thương. Chị ấy cười làm chúng mình sợ quá, có cảm giác như tai họa sắp giáng xuống đầu. Lớp trưởng phải tìm người phụ trách nghĩa trang, ông ta đưa chị ấy đi chỗ khác. Về sau nghe lớp trưởng nói lại, chị giới thiệu kia bị tử hình vì tội phản cách mạng, bởi dám cười trước mộ liệt sĩ! Lớn lên mình nghĩ lại, có lẽ tinh thần chị ấy trong trạng thái căng thẳng quá độ, nhất định chị rất muốn làm việc thật nghiêm túc, có thể khi chị không muốn cười nhất thì bật cười. Cũng giống như trước đây, chúng mình vẫn bảo nhau lúc phát biểu không được nói nhầm, không được nói nhầm, biết đâu lúc quan trọng nhất lại có thể bật ra những khẩu hiệu phản động. Một ông già đứng ra giới thiệu thay, bọn mình đứng trước nấm mộ liệt sĩ nghe sự tích bi tráng của người nữ anh hùng thời chống Nhật. Ngay lúc ấy mình trông thấy trước mộ có mấy khóm hoa cúc Ba Tư, hoa giả, bởi hoa cúc Ba Tư không nở vào tháng tư. Không rõ ai đã dâng cho người nữ anh hùng, mà lại dâng hoa cúc Ba Tư, có thể sinh thời người nữ liệt sĩ này thích hoa cúc chăng! Mình rất yêu hoa cúc, yêu cành hoa vươn dài và cánh hoa đơn giản thuần khiết. Về sau, ở vùng núi phía tây Phúc An, mình được thấy hoa cúc Ba Tư thật trên những nấm mồ cũ không biết của ai, mình lại càng yêu hơn dáng vẻ đơn bạc nhưng vươn thẳng của cúc trước gió núi giá lạnh. Mình nghĩ đến người anh hùng trong nghĩa trang liệt sĩ mà cứ lẫn lộn khuôn mặt của người nữ anh hùng với khuôn mặt tròn xinh của chị thuyết minh, có thể hồi đó hai người gần nhau quá, có lúc mình lại nghĩ chị giới thiệu kia chính là người nữ anh hùng từ trong mộ bước ra, chị bước ra, cười, trên đầu là vòng hoa cúc Ba Tư bé nhỏ. Mình rất thích cái mũ ấy, Thìn biết không, khi đội mũ ấy mình có cảm giác gì không? Mình cảm thấy mình như người trong mộ đang đi trên mặt đất, lặng lẽ, không ai trông thấy, chỉ thấy hoa cúc Ba Tư nở rộ trên đầu. Thật tuyệt vời, hoa cúc Ba Tư trên đầu. Thìn bảo, mỗi chúng ta đều có một ngày hoa cúc Ba Tư trên đầu, khi hoa cúc Ba Tư nở trên đầu, chúng ta còn đi lại được nữa không, Thìn thấy thế nào?
Mỹ Thìn chăm chú nghe Khiêu nói về hoa cúc Ba Tư, lần đầu tiên Thìn được nghe Khiêu nói về bản thân, nói về bản thân ngày nhỏ và coi đây là bằng chứng thân thiết, mà Mỹ Thìn cũng không có ác cảm với Khiêu. Khi mỗi người có hoa cúc Ba Tư trên đầu, chúng ta có còn đi lại được nữa không? Mỹ Thìn không biết mà cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Mỹ Thìn nói, em không rõ, hôm chủ nhật ấy khi trông thấy hoa cúc Ba Tư trên đầu chị, em cũng quyết tâm mua bằng được cái mũ giống như thế.
Anh Tại lên gác, em từ ban công đi vào, không nói gì về chị, anh ấy cũng không nói gì về chị. Buổi tối về nhà, em ngồi vào xe đúng vị trí chị đã ngồi: ghế sau bên phải. Bầu không khí trong xe như còn vương vấn hơi thở và dấu vết của chị. Em nhắm mắt, dọc đường không nói năng gì. Anh Tại hỏi em mệt hay sao, em trả lời không. Về đến nhà, em đi tắm, lên giường, làm tình với nhau. Anh ấy hết sức hết sức chủ động, hiếm khi chủ động như thế, tất cả không như bình thường, thậm chí em nghĩ anh ấy sắp cho mình một đứa con chăng? Hãy cho tôi một đứa con, hãy cho tôi mang trong mình một đứa con! Em hiến dâng, lừa phỉnh anh phối hợp với nguyện vọng của em, hai người nói với nhau những chuyện mà bình thường khó nói, khi em kích động sắp đạt đến cao trào thì bỗng anh thì thầm bên tai em "Khiêu, Khiêu..."
Thôi, đừng nói nữa! Khiêu ngắt ngang lời Mỹ Thìn.
Mỹ Thìn nói, chị đừng ngắt lời em, em phải nói, anh thì thầm bên tai em "Khiêu, Khiêu..." làm em buồn bực tuyệt vọng, nhưng chị đoán xem sao? Em lầm bầm trả lời anh. Em không thấp hèn, có thể là em tỏ ra bỉ ổi, em cứ vớ vẩn nghĩ nếu lúc ấy anh Tại cho rằng em là chị, có thể anh sẽ cho em đứa con. Nhưng em đã thất bại, anh ngượng vì biết mình lỡ lời. Thu nhận lớn nhất của em tối hôm đó là đã xác nhận được chị là người yêu trong tim anh, chị, hoa cúc Ba Tư trên đầu.
Em ngồi trước gương ngắm khuôn mặt mình, vuốt mớ tóc ra phía sau. Em đổi kiểu tóc, cắt ngang vai, để lộ vầng trán. Chị Khiêu, chị là kẻ thù quan trọng nhất trong cuộc sống của em, nhưng em lại muốn biến thành chị. Một hôm, em đội cái mũ giống như mũ của chị, mặc cái váy giống hệt váy chị mặc hôm chủ nhật ấy, ngồi nhà chờ anh Tại. Khi về đến nhà, thấy em quả nhiên anh sững sờ giây lát, thế rồi anh nói, em sao thế? Đó là những điều em muốn nói với chị, em là kẻ thất bại, làm sao em có thể biến thành chị được! Cuối cùng chị đã phá vỡ cuộc sống của em, nhưng em muốn nói với chị em không căm giận gì chị bởi em yêu anh Tại, nên yêu cả người mà anh Tại đang yêu... Thật là một việc khó khăn, nhưng em làm được, em sẽ thắng. Em thử gần, mong chị cho em được gần chị.

Trần Tại về làm gián đoạn những cuộc gặp của hai người. Anh vui mừng báo tin cho Khiêu, anh mua được ở Quảng Châu một bộ đồ nhà bếp rất tiện dụng của Thụy Điển, chậu rửa có kèm theo máy nghiền, chắc chắn Khiêu rất thích. Anh hôn Khiêu, hỏi ở nhà mọi việc ổn cả, không xảy ra việc gì chứ? Khiêu nói tất cả đều ổn, không xảy ra việc gì. Khiêu ôm cổ anh, đu mình lên, mê đắm nghe nhịp thở gấp gáp, thô nặng của anh và giấu không nói chuyện Mỹ Thìn tìm gặp.
Khiêu phấn chấn không thể diễn tả nổi đối với điều giấu giếm, không rõ mình sẽ thế nào, chỉ phát hiện ra mình đã bị sự thẳng thắn đến không ngờ của Mỹ Thìn cuốn hút.
Mùa hè, Khiêu gọi điện cho Mỹ Thìn nhưng không để Trần Tại biết, lầm ấy Khiêu chủ động hẹn gặp Mỹ Thìn. Khiêu hẹn gặp ở nhà hàng Do Do, mời Mỹ Thìn ăn cơm. Khiêu muốn gợi để Mỹ Thìn tiếp tục thẳng thắn nói về quá khứ giữa Mỹ Thìn và Trần Tại, đồng thời mời ăn cơm để cảm ơn tấm lòng chân thành của Mỹ Thìn đã nói ra những chuyện xưa, mong rằng mọi việc chấm dứt ở đây. Bởi cả hai không ác ý với nhau, nhưng nhìn chung không có gì là yên ổn. Đúng hẹn, Mỹ Thìn đến nhà hàng Do Do, Khiêu đứng chờ ở cửa đã trông thấy Mỹ Thìn từ xa đi tới. Mỹ Thìn đội mũ cói có những bông hoa cúc Ba Tư, mặc tấm váy trắng như Khiêu đã từng mặc, Khiêu chợt nhận ra chẳng phải là mình sao? Mỹ Thìn cũng có phần giống mình đó thôi? Khiêu đọc được ở đâu câu này: nếu một người đàn ông hai lần lấy vợ, dáng vẻ của hai người vợ dù khác nhau đến mấy đi nữa thì cũng sẽ có người nhận ra những điểm giống nhau.
Giữa hai người có điểm nào giống nhau, những điểm giống nhau của hai người không chỉ là hoa cúc Ba Tư lặng lẽ trên đầu.
52
Rượu này Thìn định uống thế nào? Khiêu hỏi.
Chị định uống thế nào? Mỹ Thìn hỏi lại Khiêu.
Do Do đem đến cho hai người một chai Ngũ Lương Dịch. Mỹ Thìn nói, được, Ngũ Lương Dịch ngon đấy, uống rượu trắng anh Tại cũng chỉ uống Ngũ Lương Dịch, phải thế không chị Khiêu? Mỹ Thìn nhìn Khiêu, mũi lại hít thở mạnh.
Khiêu không nói, thầm nghĩ đúng vậy, Trần Tại thích uống Ngũ Lương Dịch, tập cho Khiêu biết uống kha khá. Nhưng Khiêu không muốn bắt đầu câu chuyện từ chuyện này. Hai người con gái cùng bàn luận về tập quán sinh hoạt của một người con trai có chung quan hệ đặc biệt khiến Khiêu khó xử, đồng thời Khiêu cũng thấy sẽ gây tổn thương cho Mỹ Thìn.
Mỹ Thìn nói, chúng mình uống bằng ly hay uống bằng bát đây? Em xem phim thấy các tráng sĩ khi tiễn biệt nhau đều uống rượu bằng bát, không ai uống bằng ly.
Do Do nói, cô giáo Thìn ạ, chúng ta không phải tráng sĩ, không phải người có tửu lượng cao, nên không uống rượu bằng bát.
Con gái Do Do là học sinh của Mỹ Thìn, nên Do Do gọi Mỹ Thìn là cô giáo.
Mỹ Thìn nói, chúng mình không phải là tráng sĩ nhưng là tráng... chúng mình là tráng nữ, hơn nữa em cũng sắp xuất chinh, chị Do đưa bát ra đây, xin chị rót rượu ra giúp.
Do Do lấy ba cái bát, rót rượu Ngũ Lương Dịch vào từng bát, rượu thơm xộc lên mũi.
Mỹ Thìn tay nâng bát rượu, chuyển khách thành chủ, nói: nào! Nhưng Khiêu và do Do vẫn ngồi yên, cả hai cùng nghe thấy Mỹ Thìn nói xuất chinh.
Khiêu hỏi Thìn định đi đâu? Mỹ Thìn nói, em định thôi dạy học để đi Gabon, cậu em mở hàng thời trang ở Libreville, thiếu người giúp việc. Ông muốn em sang đó, mà em cũng muốn đi.
Khiêu nói, Thìn định ra nước ngoài à? Vừa rồi mình tưởng là Thìn đi công tác.
Mỹ Thìn nói, em không định hôm nay nói việc này, em việc gì phải nói chuyện riêng tư của mình ra nhỉ? Chị Khiêu, chị với em có quan hệ gì? Chị không có quan hệ gì với em sất, chị với em không như chị với chị Do, các chị là bạn. Chị Do với em cũng không có quan hệ gì, em chỉ là cô giáo của con gái chị. Em đi Gabon chỉ là việc riêng, lẽ ra cứ thế lặng lẽ đi, nhưng ai cũng có nhược điểm, em muốn mình độ lượng, nhưng lại không cam lòng độ lượng. Chị Khiêu, càng gần chị em càng đau lòng, em càng đau lòng lại càng muốn trông thấy chị, chị là nhịp cầu vững chắc duy nhất giữa em và anh Tại... Chị sợ đó sao? Đừng sợ, em sẽ ra đi, bởi em biết mình không thể sống thế này được. Một hôm, em đọc một cuốn sách, sách nói trên thế gian này điều gì hoàn chỉnh nhất? Trên thế gian không gì hoàn chỉnh bằng trái tim tan vỡ! Người ta bảo sách vở nói dối, nhưng em xem ra, khi mình trong nỗi tuyệt vọng nhất thì câu nói trong sách ấy có thể trở thành ngọn cỏ cứu sinh đối với mình, cho dù chỉ là ngọn cỏ. Ngọn cỏ ấy làm em hiểu rõ em bất hạnh biết chừng nào, em không thể tiếp tục trói buộc chị nữa, chị Khiêu ạ... Nào, chúng mình uống đi!
Hai tay Mỹ Thìn bưng bát rượu, một hơi uống cạn. Mỹ Thìn đặt bát xuống, nói các chị sao không uống? Các chị không uống em uống vậy! Mỹ Thìn lại uống.
Khiêu và Do Do đều nâng bát rượu lên, cùng uống. Trước lời tuyên bố của Mỹ Thìn, cả hai người không nói được lời nào, cả hai không thể khuyên Mỹ Thìn ra đi cũng không thể khuyên ở lại. Nhất là Khiêu, Khiêu nói gì với Mỹ Thìn đều tỏ ra tàn nhẫn, nói gì thì cũng tỏ ra người ngoài cuộc. Khiêu uống, chỉ có thể nói với Mỹ Thìn, mình không nghĩ Thìn đang trói buộc mình, Thìn đừng nghĩ thế.
Mỹ Thìn cười nhạt, nói với Khiêu, đó là điều giả dối của chị, phải chăng chị thích em gần chị? Khi chị nghe em nói em sẽ đi Gabon, chắc chắn trong sâu thẳm tâm linh chị thở phào nhẹ nhõm, chỉ có bề ngoài chị tạm thời chưa thể nhìn thẳng vào tâm linh mình, chị cảm thấy có lỗi với em. Chị cảm thấy có lỗi không phải là bản năng tự nhiên mà là sự giáo dục đã đưa lại cho chị. Chị không thấy trong lời nói của em có... có... lẽ... lẽ...
Mỹ Thìn say, say mềm, gục xuống bàn. Do Do gọi taxi cùng Khiêu đưa Mỹ Thìn về nhà.
Lần đầu tiên Khiêu vào trong căn nhà cũ của Trần Tại, nhà bừa bộn, tỏ ra chủ nhân lơ là với việc thu dọn. Hai người dìu Mỹ Thìn vào giường nằm, Khiêu trông thấy giường đôi của Trần Tại và Mỹ Thìn. Cho dù Trần Tại từ lâu không còn ở đây nữa, trên giường vẫn để song song hai cái gối, tấm chăn len để bên trái, vị trí Mỹ Thìn vẫn dành cho Trần Tại. Nam trái nữ phải, nam trái nữ phải, Khiêu biết vị trí của Trần Tại trên giường đó ở bên trái, tưởng chừng Mỹ Thìn chưa bao giờ nằm ra giữa giường, cho dù Trần Tại vĩnh viễn không trở lại. Bây giờ Mỹ Thìn say đang nằm đó, cho dù say thì Mỹ Thìn vẫn biết vị trí của mình ở bên phải. Khiêu không muốn nhìn thẳng cái giường, lòng buồn man mác.
Khiêu và Do Do đóng cửa lại cho Mỹ Thìn, hai người ra phố. Trong gió đêm hè, hai người đứng một lúc rồi cùng đi về phía viện thiết kế. Từ lâu rồi hai người không đi với nhau như thế, bây giờ hai người cùng đi và nhớ về quá khứ, nhớ về thời niên thiếu. Trên vai là cặp sách vở bằng vải bạt, trong cặp sách có Lời Mao Chủ tịch, trong Lời Mao Chủ tịch có câu Cách mạng không phải là mời khách ăn cơm..., hai người quen nhau kể từ hôm Do Do đọc sai lời Mao Chủ tịch, vào thời đó để mời được khách ăn cơm là điều hoang tưởng. Hai người vào cửa Viện thiết kế, đi thẳng đi thẳng, đi qua cống nước bẩn mà mọi người kiêng kị. Hai người rẽ vào vườn hoa, tìm ghế ngồi.
Do ơi, tớ buồn lắm!
Vì chuyện Mỹ Thìn?
Không hoàn toàn.
Đằng ấy với anh Tại bao giờ cưới?
Sang thu, để anh ấy xong việc đã.
Trong ba chúng mình, đằng ấy, tớ, Đường Phi, thì đằn ấy hạnh phúc nhất.
Đằng ấy nói hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là mình cảm thấy hạnh phúc.
Khiêu cười, đó là lý do để Khiêu thích Do Do. Cho dù bản thân Do Do thấy hạnh phúc hay không thì vẫn đem đến cho Khiêu cảm giác hạnh phúc thanh thản. Đó là điều quý trọng nhất trong đời Khiêu: bạn bè. Người bạn từ bé đến lớn này lúc nào cũng sẵn sàng giúp Khiêu nhưng không tùy tiện phán đoán. Mạnh Do Do!
Do Do nói, đằng ấy thấy tớ nói đúng không nào?
Khiêu nói có người nói với tớ thế này, hạnh phúc là ở trên quê nhà, cùng người thân yêu, ăn thứ mà mình thích ăn. Với tiêu chí ấy thì đằng ấy là người hạnh phúc nhất.
Do Do nói, lâu lắm tớ không đọc sách, nhưng vừa rồi cô giáo Thìn dẫn lời trong sách ra tớ thấy hay lắm, con người luôn luôn tìm kiếm sự hoàn chỉnh, mà trên đời này không gì hoàn chỉnh hơn là trái tim tan vỡ. Khiêu, trái tim tớ chưa bao giờ tan vỡ, tớ chỉ là vũng nước tù. Thời nhỏ, bọn mình làm tiệc, tớ thấy đầu bếp là hạnh phúc nhất. Bây giờ tớ mở hàng ăn, lại không thấy hạnh phúc, dĩ nhiên tớ cũng không cảm thấy không hạnh phúc, đó là vũng nước tù.
Một cơn gió mát thoảng qua, Khiêu thoáng ngửi thấy mùi hành mỡ trên tóc Do Do, Khiêu không ghét mùi ấy, bởi rất chân thật, gần cuộc sống.
Gió lay động lá ngô đồng, cả hai không ai bảo ai đều ngước nhìn lên ngọn cây. Có thể cả hai đang nghĩ đến chiếc nhẫn trên cây. Do Do nói, có một năm Đường Phi đưa tớ đến đây, bảo tớ lấy giúp chiếc nhẫn trên cây, Phi nói đằng ấy ném lên cây, kỷ niệm của Phương Kăng. Hồi ấy Phi đang thiếu tiền, Phi muốn lấy chiếc nhẫn trên cây xuống bán. Phi đưa tớ đến cái cây ấy, đúng là tớ thấy trên cây có chiếc nhẫn mặt đá đỏ. Phi nói đằng ấy leo lên lấy giúp tớ được không? Tớ bảo, tớ béo quá, không leo được. Đường Phi nói, hay là tớ đứng lên vai đằng ấy. Tớ bảo, sợ đau lắm. Đường Phi hỏi tớ, có thật muốn giúp không? Tớ hỏi, Phi cần tiền à? Phi bảo, sự thật là thế này, nếu cảm thấy thiếu tiền thì sẽ thiếu tiền. Cuối cùng bọn mình không ai đụng đến chiếc nhẫn trên cây. Khiêu, đằng ấy bảo chiếc nhẫn bây giờ có còn trên ấy nữa không?
Tớ đang nghĩ chuyện khác. Khiêu nói.
Chuyện gì?
Trên đời này không có gì có thể tan vỡ hơn chiếc nhẫn hoàn chỉnh.
Sách viết thế à? Do Do hỏi.
Tớ nói thế đấy.
53
Sáng thứ hai, Khiêu đến văn phòng. Nhân viên vệ sinh đã quét dọn sạch sẽ bàn ghế, nhà cửa và cả cửa sổ. Hoa cũng đã được tưới. Cây mộc Brazil đứng vươn cao ở góc phòng. Khiêu thích cây mộc Brazil không phải vì nó quý - mấy năm trước cây này mới xuất hiện ở miền Bắc kể ra cũng quý đấy, nhưng bây giờ có nhiều, không còn quý nữa. Khiêu thích bởi nó rất đại chúng, Khiêu cho rằng nó giống như thân cây ngô, mỗi khi đọc bản thảo mệt, Khiêu thường ngồi nhìn cây mộc Brazil từ xa, tưởng như được trông thấy một thửa ruộng ngô, dưới những cánh lá mập mạp còn lấp ló những bắp ngô vàng. Không biết ai nói nhỉ, những bắp ngô nom như những cánh tay nhỏ trên thân cây ngô. Một nhà thơ nào đó nói, Khiêu không nhớ rõ, Khiêu rất thích hình dung như thế, hoa màu đượm tình người hơn bất cứ loài có hoa nào.
Khiêu ngồi xuống trước bàn, giở tập thư trên mặt bàn. Khiêu mở thư của Phương Kăng:
Em Khiêu,
Nhận được thư này chắc em ngạc nhiên lắm. Anh cũng do dự mãi mới quyết định viết thư cho em. Thứ hai tuần sau anh sẽ đem bộ phim mới Mã Thượng về quê đến chiếu khai mạc tại Phúc An, Công ty điện ảnh địa phương mời anh. Không rõ lúc ấy em có ở Phúc An không? Chúng mình nhiều năm xa cách, nhưng chưa bao giờ anh quên em. Anh rất muốn gặp em ở Phúc An, chỉ mong gặp em, ngoài ra không còn ý nghĩa gì khác. Anh nghĩ, nếu anh đến Nhà xuất bản của em sẽ không tiện cho em, vậy em có định đến chỗ anh không? Anh ở phòng số 888 Khách sạn Ngày Nghỉ, Quảng trường Mây Bay. Cầu mong Thượng đế cho bức thư này đến tay em! Anh đến, sẽ gọi điện cho em.
Khiêu đọc xong, xem ngày tháng cuối thư, trong thư viết thứ hai tuần sau, tức là hôm nay.
Thư của Phương Kăng không gây chút xao động nào trong Khiêu, Khiêu chỉ nghĩ đến sáu mươi tám bức thư tình đã đốt và đã uống. Khiêu không định đốt hoặc vứt lá thư này vào thùng rác, không cần thiết. Đây không phải là thư tình, mà Khiêu cũng không còn là Khiêu nắm lấy tay áo da của Phương Kăng đau khổ cầu xin anh ta nán lại. Khiêu quyết định đến Quảng trường Mây Bay nơi anh ta ở, đến thăm anh ta với tư thế là Khiêu hôm nay, trấn tĩnh, không bị gò bó, câu thúc.
Buổi trưa, trước lúc hết giờ, Khiêu nhận được điện thoại của Phương Kăng. Bởi đã nhận được thư, Khiêu có đủ thời gian chuẩn bị, vì thế Khiêu nghe điện thoại cũng rất ung dung. Trong điện thoại anh ta vẫn gọi Khiêu, anh ta nói, Khiêu, em có khỏe không? Khiêu nói, chào ông đạo diễn Phương Kăng, tôi vẫn khỏe. Anh ta ngừng lại giây lát, rồi nói, tối nay chúng mình có gặp nhau được không? Ngày mai anh mới bắt đầu các hoạt động. Khiêu trả lời, thưa ông, được.
Tám giờ tối, Khiêu ngồi taxi đến Khách sạn Ngày Nghỉ ở Quảng trường Mây Bay, tìm phòng số 888, ấn chuông. Phương Kăng ra mở cửa, trong phòng tiếng nhạc dịu nhẹ. Khiêu chủ động đưa tay ra cho anh ta, giống như người khách lịch sự đến gặp chủ nhân của căn phòng. Anh ta không đón nhận bàn tay Khiêu đưa ra mà dang rộng vòng tay ôm lấy Khiêu. Lập tức Khiêu ngửi thấy mùi thuốc lá, Khiêu rất ghét cử chỉ ấy của anh ta. Khiêu nghiêng đầu khẽ nói, xin ông đừng thế!
Sự nghiêm khắc của Khiêu khiến anh ta phải buông tay. Khiêu đi nhanh đến bên cửa sổ, quay lưng lại phía Phương Kăng nói, tôi nói lại một lần nữa, xin ông đừng như thế với tôi. Nhưng anh ta từ phía sau, vòng tay ra trước ngực Khiêu. Khiêu rụt cổ để tránh động tác bất ngờ của anh ta. Khiêu rụt cổ, co người lại, nói rất nghiêm khắc, bỏ tôi ra, ông bỏ tôi ra!
Anh ta bỏ Khiêu ra.
Anh ta xúc động nói, không hiểu tại sao cứ trông thấy em là anh lại muốn thế.
Nhưng tôi không muốn.
Xin lỗi, anh không biết em sẽ từ chối. Anh biết em đang giận anh.
Không, thưa ông tôi không giận gì ông.
Ý em nói, bây giờ em không còn yêu anh nữa?
Không, không một chút nào!
Hai người ngồi trên hai sofa nhỏ đặt trước cửa sổ, anh ta châm thuốc và nói: anh đã dự đoán được điều này. Em thấy anh già lắm phải không?
Khiêu nhìn anh ta hai má chảy xệ, tóc mai đã bạc, nói: đúng thế, ông có già hơn trước.
Em đừng gọi anh bằng "ông" có được không?
Không thể, xin ông thứ lỗi!
Anh ta vờn chơi chiếc bật lửa bạc trong tay, nói: nhưng so với người phương Tây thì anh vẫn còn trẻ, phụ nữ phương Tây rất thích đàn ông phương Đông. Nhưng nói thật, anh không thể chịu được phụ nữ phương Tây, da dẻ các cô ấy thô ráp quá, sờ không xong, nhìn cũng không ổn. Nhưng ở khách sạn nước ngoài thì thoải mái vô cùng, em biết không, một lần anh đến Tây Ban Nha, trong phòng của anh ở khách sạn Madrid, khăn trải giường, chăn, vỏ gối, khăn tắm, khăn rửa mặt đều in tên anh. Đó là một quy cách, em hiểu chứ, là quy cách cao cấp. Cả cái bật lửa đang trong tay anh đây, em biết ai tặng không? Nữ hoàng Đan Mạch tặng đấy. Mấy năm nay em có xem phim của anh không?
Rất xin lỗi, tôi xem không nhiều.
Thế ư? Anh biết mấy năm nay ở trong nước ảnh hưởng của anh không bằng thế hệ đạo diễn thứ năm, thứ sáu, nhưng ở nước ngoài nhiều người biết anh, cách đây ít lâu anh có đi Mỹ báo cáo chuyên đề ở trường Đại học Chicago. Anh gặp Phàm, em gái của em đấy.
Tôi biết, cô ấy gọi điện về có nói chuyện.
Anh không định giải thích gì thêm nữa. Nhưng anh vẫn muốn nói với em, em tin không thì tùy, ở Mỹ anh với Phàm không hoàn toàn là sự gặp nhau, anh nắm lấy Phàm như nắm được niềm hy vọng, bởi trên người cô ấy có hình bóng của em.
Khiêu cắt ngang lời anh ta: ông có thể nói chuyện khác được không, có thể ông đã biết cuộc sống của tôi bây giờ rồi chứ?
Anh không biết mà cũng không cần biết, xin em đừng nói ra làm gì.

Thế thì nói chuyện phim mới của ông vậy. Khiêu nhìn Phương Kăng, với vẻ tự nhiên và lịch sự anh ta vẫn là người đàn ông có sức hấp dẫn đám đàn bà con gái. Nhưng nhuệ khí của anh ta không còn như năm xưa, anh ta khoe khoang sự tiếp đãi trọng thị ở nước ngoài và chiếc bật lửa của Nữ hoàng Đan Mạch tặng chỉ làm cho người khác có cảm giác anh không được toại nguyện. Không phải không toại nguyện về vật chất mà về tinh thần và tâm lý. Rõ ràng anh ta định đưa sự tiếp đãi trọng thị và tặng phẩm của anh ta được hưởng ở nước ngoài ra lay động Khiêu, thức tỉnh niềm hứng khởi của Khiêu, quá đi chút nữa anh ta sẽ là người đàn ông bán rao trò cười. Đáng tiếc là Khiêu không hề bị lay động bởi những thứ đó. Nghe anh ta khoe khoang Khiêu chỉ thoáng chút đồng tình. Đúng, Khiêu đồng tình với người đàn ông này, người đàn ông đã một thời Khiêu ước mong được làm bạn suốt đời. Khiêu suy nghĩ rốt cuộc anh ta già từ đâu? Không phải hai má chảy xệ, không phải tóc mai điểm bạc, không phải lưng gù thêm, cũng không phải bụng to hơn một chút. Anh ta già đi bởi sự khoe khoang lố bịch. Điều này tỏ rõ lòng anh ta trống rỗng, mềm yếu, thiếu tự tin. Anh ta càng trống rỗng thì càng khoe khoang, càng khoe khoang càng tỏ ra trống rỗng. Khiêu rất rõ người đàn ông ngồi trước mặt đây không còn sức hấp dẫn mình nữa, điều Khiêu dành cho anh ta chỉ có thể là sự đồng tình kính trọng. Cho dù Khiêu hướng câu chuyện về tác phẩm của anh ta thì cũng không thể thay đổi cảm giác lúc này của Khiêu, bởi kỳ thực những năm gần đây Khiêu chỉ xem hai phim của anh ta, vẫn là những đau thương cực khổ và thuyết giáo xưa cũ, gia giảm vào đấy một chút lãng mạn công thức, Khiêu không thích những phim như thế. Chưa rõ bộ phim Mã Thượng về quê này của anh ta ra sao, Khiêu đề nghị anh giới thiệu đôi nét.
Anh ta nói, Mã Thượng là một nhân vật, một người quê ở Hà Nam lên Bắc Kinh làm công, phim kể chuyện anh ta về quê ăn Tết. Đây là câu chuyện rất lý thú, đây là... đây là... không, anh không nói nữa, bây giờ anh không dám nói chuyện nghệ thuật với em nữa, em có đến xem phim của anh không? Anh hy vọng em sẽ đến xem, anh cũng hy vọng...
Anh còn hy vọng gì nữa?
Anh ta đặt tẩu thuốc trong tay xuống, hai tay ôm vai, nói Khiêu, em vẫn chưa lập gia đình à?
Chưa, tôi vẫn chưa lập gia đình.
Anh muốn nói với em, anh cũng chưa lấy vợ.
Thế ư!
Em có còn hứng thú với cuộc sống của anh nữa không?
Tôi với ông bây giờ mỗi người đều có cuộc sống riêng.
Em muốn biết anh vì sao cho đến nay vẫn chưa lấy vợ không, vợ anh... đã chết... chết vì u não, khối u ác tính ở não.
Xin lỗi, tôi không biết.
Tại sao anh phải về Phúc An? Hầu như duy nhất một việc, về thăm em. Khiêu, nếu em chưa lập gia đình, nếu em có thể... có thể nhớ lại chúng mình xưa kia...
Thưa ông, tôi vẫn chưa lập gia đình nhưng chúng tôi sắp cưới rồi.
Thế à, với ai đấy?
Một kiến trúc sư. Quảng trường Mây Bay ông đang ở đây là thiết kế của người ấy.
Ồ!
Khiêu nhìn đồng hồ, nói: muộn rồi, tôi phải về. Ngày mai tôi phải đi làm, không thể đến xem buổi chiếu ra mắt phim của ông được, nhưng tôi tin sẽ thành công, ông hãy chú ý đến sức khỏe.
Anh ta đứng lên, ngăn Khiêu ở cửa, nói: anh xin em ngồi lại với anh một lát, nếu muộn, ngồi trong phòng không tiện thì chúng ta ra ngoài được không? Chúng ta có thể đi ăn tối với nhau?
Khiêu cười lạnh lùng, nói, xin ông để tôi về!
Anh ta né sang một bên, bối rối đưa tiễn Khiêu ra cầu thang, đưa tiếp ra cửa. Anh không tiễn thêm, vì anh ta biết nếu tiễn nữa cũng sẽ bị từ chối khách khí và kiên quyết. Anh ta nhìn theo bóng dáng của Khiêu quen thuộc và vĩnh viễn không còn trở lại thân thiết, nghĩ đến cái hôn nhẹ như lông hồng của Khiêu trao buổi ban đầu quen nhau. Bỗng anh ta muốn về ngay Bắc Kinh, về ngay.
Khiêu ngồi trong taxi thấy vẻ ngơ ngác của Phương Kăng đứng ở cửa khách sạn, bụng sôi ùng ục, những con chữ đen bị Khiêu đốt tưởng như đang nổi lên, tràn khắp tứ chi ngũ tạng. Khiêu xoa xoa cánh tay để trần, mỗi con chữ tưởng như nổi lên từng nốt da gà trên người. Khiêu xác nhận lại một lần nữa mình đã yêu những con chữ đã mất, chứ không còn yêu người viết ra những con chữ ấy nữa. Tấm lòng đồng cảm lại dâng lên, Khiêu chúc cho cuộc sống của Phương Kăng gặp may mắn, mỹ mãn.
Khiêu về đến nhà, Trần Tại đang ngồi chờ dưới đèn.
Anh vừa đọc báo Buổi chiều, báo đăng tin anh Phương Kăng đến.
Em vừa ở chỗ anh ta về.
Anh biết em sẽ nói với anh.
Anh, anh ôm em, anh ôm em đi nào!
Trần Tại ôm Khiêu, nhẹ hôn lên mắt, nói em, em vui lên, vui lên đi em!
Khiêu gục đầu lên vai Tại, nói em vui, vui lắm! Nhưng vào lúc này ngay cả Khiêu cũng không thể nói rõ vì sao trong lòng Khiêu đang lắng đọng nỗi xao xuyến không sao xua đi nổi.
54
Kinh nghiệm của nhiiều phụ nữ cho hay, dạo chơi các cửa hàng là biện pháp tốt nhất để thoát khỏi nỗi buồn. Khiêu không cho là mình đang buồn, nhưng vẫn dạo chơi các cửa hiệu không mục đích. Có thể Khiêu phải mua sắm một vài thứ chuẩn bị cho ngày cưới, tuy đã mua được khá nhiều nhưng vẫn thấy như chưa mua gì.
Đầu tiên Khiêu đến cửa hiệu làm ri-đô cửa sổ, xem những sản phẩm của Hà Lan. Có những thứ rất đắt, Khiêu rất thích, như ri-đô phong cầm, ri-đô lá mộc, mành trúc; nhiều thứ đắt nhưng Khiêu không thích, ví như cửa chớp kim loại. Khiêu nghĩ, phòng làm việc của Trần Tại nên treo ri-đô phong cầm cho dịu mát, còn phòng khách thì nên treo ri-đô lụa trắng cổ điển, mang tính truyền thống và yên tĩnh. Bao giờ Khiêu cũng thích ri-đô lụa trắng.
Tiếp đó Khiêu đến Công ty bách hóa chuyên bán các mặt hàng nổi tiếng mới khai trương ở Phúc An, đi cầu thang máy lên thẳng tầng hai xem trang phục phụ nữ. Trong khi Khiêu đang dạo chơi trên tầng hai thì ở tầng một, khu vực bán mỹ phẩm, có thể là trước quầy mỹ phẩm của hãng Christian Dior, xảy ra cuộc cãi nhau giữa hai khách hàng.
Cãi nhau bắt đầu từ việc nho nhỏ nhưng không hiểu vì sao biến thành lớn. Một bên là người mẹ trẻ đem theo đứa bé và một bên là bà Vũ, mẹ Khiêu, dẫn đến to tiếng phẫn nộ mắng mỏ lẫn nhau.
Bà Vũ đang chọn kem bôi mí mắt, cô gái bế con đứng bên cạnh xem hàng bày trong tủ. Đứa bé trên tay chừng hai tuổi sốt ruột vì mẹ xem hàng quá lâu, cứ ngọ nguậy trong tay mẹ, đánh mẹ và cũng đánh nhẹ vào bà Vũ. Bà Vũ không thích đứa bé này và đã bày tỏ sự không bằng lòng bằng cách của bà: bà trừng mắt giống như đứa trẻ này trừng mắt nhìn đứa trẻ khác, có thể đó là nguyên nhân dẫn đến cãi nhau. Nếu bà Vũ tỏ ra người lớn thì nhắc nhở người mẹ đứa trẻ, bảo cháu bé đừng quấy như thế nữa thì chẳng xảy ra việc gì, nhưng bà cứ trừng mắt lườm thằng bé. Một người ngoài sáu mươi trừng mắt nhìn đứa trẻ hai tuổi thì thật thô bạo, buồn cười, cho dù người mẹ đứa bé không nhìn thấy, nhưng đứa trẻ tỏ ra căm giận lắm. Đứa bé giận dỗi, một đứa bé hai tuổi đủ sức nhận xét ai tốt, ai xấu với nó. Bà già không quen thuộc đứng bên cạnh đây tỏ ra không tốt với nó, bởi thế khi bà già xa lạ này chống tay lên quầy hàng đã vô ý đè lên ngón tay cái của thằng bé thì nó khóc thét lên.
Đứa bé vừa khóc, vừa giận dỗi chỉ vào bà Vũ đứng bên cạnh. Nó không thể nói với mẹ về việc bà Vũ lườm nó vừa rồi, nhưng nó có thể cho mẹ biết nguyên nhân làm nó khóc là do bà khách đứng cạnh đây. Đúng là bà khách bắt nạt nó, đụng đến người nó, để nó không còn chịu đựng được nữa. Người mẹ bế con hoảng sợ vì tiếng khóc của con, chị ta liền đặt phịch con lên quầy hàng, vừa nóng nảy hỏi nó: ai làm gì mà khóc, bảo mẹ ai làm gì mà khóc. Thằng bé hờn dỗi đạp đạp chân chỉ tay vào bà Vũ, nức nở. Người mẹ liền trừng mắt giận dữ nhìn bà Vũ, nói bà làm sao thế, bà trêu chọc gì mà để nó khóc?
Bà Vũ nói, tôi có làm gì nó đâu, nào ai trêu chọc gì nó.
Người mẹ đứa trẻ nói, con tôi nó chỉ vào bà đấy thôi, tại sao nó không chỉ vào người khác?
Đứa bé đang khóc lại chỉ vào bà Vũ và bập bẹ nói tay... tay...
Bà Vũ nhớ ra có thể vừa rồi bà tì lên ngón tay nó. Bà nói với mẹ đứa bé, xin lỗi, có thể tôi đã vô ý đè lên tay cháu, xin lỗi...
Người mẹ nghe thấy thế liền nổi nóng. Chị cầm lấy tay đứa bé vừa xoa vừa thổi, vừa thổi vừa xoa rồi chị túm lấy áo bà Vũ, nói bà làm con tôi đau, tại sao bà làm con tôi đau, già thế rồi mà không có mắt, đền cho con tôi đi! Con tôi chưa ai đụng đến cái tóc nó, sao bà độc ác thế! Nó bé thế làm sao chịu nổi cánh tay hộ pháp của bà...
Bị chị này túm áo, bà Vũ tỏ ra lúng túng, không nghĩ rằng mình lại gặp người phụ nữ quá quắt này. Đúng là chị ta quá quắt lắm, ác như con thú, áo quần sang trọng nhưng chấp vặt, trên tay có đến hai chiếc nhẫn. Đứa bé là con, ngoài nó ra có thể tất cả là kẻ thù của chị ta. Bà Vũ giằng co để chị ta buông cánh tay bà ra, nhưng chị ta càng nắm chặt hơn. Cả đời bà chưa cãi nhau với ai bao giờ, lúc này bà tỏ ra bối rối, không biết tính sao, không biết tại sao lại gặp chuyện thế này. Bà không chịu được khi có người túm áo, bà bực bội nói với chị kia: chị làm gì mà túm áo tôi thế!
Thái độ của chị kia càng thêm quyết liệt, xông vào bà Vũ và cũng để phân trần với những người đứng chung quanh mỗi lúc một đông: Bà ta bắt nạt con tôi! Bà biết bị người khác túm áo thì khó chịu thế nào vậy bà đè lên tay con tôi còn đau đến mức nào? Tôi nói thế mà bà không có được một lời xin lỗi, già rồi mà chẳng ra cái thá gì!
Bà Vũ nói, tôi đã xin lỗi chị rồi, xin lỗi tôi đã vô ý với cháu bé rồi!
Chị kia nói, bà xin lỗi nó chưa, xin lỗi nó chưa?
Bà Vũ nói, sao chị nói dai thế, đã nói tôi không cố ý, vì tôi đang chọn hàng, cô bán hàng có thể làm chứng.
Bỗng một cô gái trẻ hơn đứng bên cạnh chị kia nói chen vào, cô gái nhuộm tóc vàng hoe, môi tô son tím, châm chọc bà Vũ, già thế còn bôi kem lông mi, nhìn xem còn được mấy cái lông, đẹp đẽ gì nữa, không về mà soi gương xem sao, thế mà cũng đến cửa hàng làm khổ đứa bé hai tuổi!
Cô gái "tóc vàng môi tím" đã khuyến khích chị kia, có thể là hai chị em, cô gái "tóc vàng môi tím" là dì của đứa bé. Xem ra họ là những người có tiền, mỗi khi xảy chuyện thì không giấu nổi bản tính độc ác, hai chị em còn muốn cho nhiều người chú ý đến sự giàu có và tính ngang ngược của họ. Trước một người lớn tuổi ít nói như bà Vũ, họ còn kiêng nể gì nữa. Họ muốn thôi mà không được. Vào những năm ấy, chị em phụ họa cho nhau có gì là lạ, những người không giống người, muốn làm chó.
Bà Vũ nổi nóng, giật mạnh tay khỏi tay mẹ đứa bé, nói: các người, các người quá lắm, tôi làm gì mà các người chửi tôi?
Mẹ đứa bé nói, ai chửi bà, ai chửi bà nào?
Bà Vũ nói: chị, hai chị em chị, các chị chửi người già thế à?
Cô gái "tóc vàng môi tím" nói, chửi bà thì đã sao, già mà không biết xấu, không biết xấu...
Lúc này Khiêu rẽ đám đông nhìn vào thì thấy mẹ đang đơn thương độc mã trước quầy hàng, mặt tỏ vẻ đau khổ không ai trợ giúp. Trước hai người con gái mậnh khỏe bà tỏ ra nhu nhược không ngước đầu lên được, thậm chí không còn thanh minh được câu nào, chính lúc ấy, ngay tại lúc ấy bà tưởng như mất hẳn khả năng thanh minh giải thích. Bà đứng ngây ra trước quầy mỹ phẩm Christian Dior hoàn mỹ đầy vẻ thờ ơ ghẻ lạnh. Lưng bà rõ ràng đã còng đi, vai bên phải hơi cao hơn vai bên trái càng làm bà ở vào tình thế thua kém. Người này là mẹ Khiêu. Chưa bao giờ Khiêu ở vào hoàn cảnh đó, chưa bao giờ gặp mẹ trong trường hợp này, gặp mẹ trong hoàn cảnh này đã thức tỉnh niềm khát khao quan tâm và vảo vệ mẹ. Đúng thế, chưa bao giờ Khiêu tỏ ra quan tâm và bảo vệ mẹ, mà quan hệ giữa mình và mẹ chỉ là cầu xin, oán trách, cách xa và rất mực coi thường. Trong lòng Khiêu oán trách mẹ thiếu quán xuyến gia đình và quay lưng lại với đời sống của Khiêu, đó cũng là lý do rõ nhất để hết năm này tháng khác Khiêu coi thường mẹ. Bà Vũ nhận lấy sự coi thường đó và hai mẹ con biết ý nhau nhưng chẳng nói ra. Lúc này, trước một quầy hàng trong Công ty bách hóa, trước hai người con gái đang nóng nảy chợt thức tỉnh tình cảm mẹ con trong Khiêu, đúng là tình cảm mẹ con, con gái phải có được tình thương của mẹ mới có thể cư xử tốt và quan tâm yêu thương mẹ.
Đúng lúc hai cô gái kia chửi mắng bà Vũ thì Khiêu xuất hiện, Khiêu đứng vào giữa mẹ và hai người kia và nói, tôi thay mặt mẹ xin lỗi hai chị và cháu. Nhưng tôi ái ngại cho hai chị, hai chị chửi bới như thế trước mặt cháu bé thì chính các chị đã dạy cho cháu biết chửi lại mình đấy!
Nói xong, Khiêu khoác vai mẹ, nói to: mẹ, chúng mình đi thôi!
Bà Vũ lật bật đi theo Khiêu ra khỏi cửa hàng bách hóa, thuê xe, ngồi trong xe bà không nén nổi òa lên khóc, khóc như đứa trẻ bị oan ức, bị người lớn lôi về nhà. Ôi, mẹ như một đứa trẻ, mẹ lại là đứa trẻ của chính Khiêu! Khiêu cần có tấm lòng bao dung như thế.
Bà Vũ khóc, nói: Khiêu, nếu không có con thì mẹ chẳng biết làm thế nào, mẹ thật là... thật là... Bà lấy khăn lau nước mắt nước mũi. Từ sau ngày bà đi nâng mũi thì nước mũi nhiều hơn trước, bà cứ phải lau luôn tay.
Hai mẹ con về đến nhà, vừa vào cửa bà nói với Khiêu, đừng nói gì với bố chuyện vừa rồi nhé!
Đúng lúc ông Tầm không có nhà, bà thấy khoan khoái hẳn. Bà vào buồng nằm, Khiêu đi rót nước cho mẹ.
Bà nằm nhắm mắt một lúc rồi chống người uống nửa cốc nước, lại nằm xuống, nói với Khiêu, con đến đây, ngồi xuống đây với mẹ.
Khiêu kéo ghế ngồi bên giường mẹ.
Bà Vũ nói, mẹ biết con không muốn thấy mẹ như thế này, mẹ nghĩ có lẽ mẹ đã sai khi đi chỉnh hình, một sai lầm lớn.
Khiêu nói, mẹ, mẹ nằm nghỉ đi, nghỉ một lúc cho khỏe người.
Bà Vũ nói, con biết tại sao mẹ đi mỹ viện không, mẹ muốn làm đẹp ư? Thoạt đầu mẹ cũng không nghĩ kỹ, cuộc sống của mẹ thật vô vị, đến khi mẹ tham gia đội trình diễn trang phục dành cho người già, đó là lý do để mẹ đi mỹ viện, mẹ coi đấy là lý do quan trọng nhất. Về sau mẹ mới hiểu ra lý do chân thật nhất, lý do đúng đắn nhất để mẹ đi chỉnh hình là, là để bố con thích. Con biết đấy, bố không thích mẹ, nhiều năm qua mẹ cũng không thích gì mẹ. Mẹ nghĩ vớ vẩn phải thay hình đổi dạng, xóa bỏ mình trước đây. Xóa bỏ bản thân mẹ trước đây cũng có nghĩa loại bỏ ký ức về ngày xưa, ngày xưa có quá nhiều ký ức buồn, bố không vui, con biết đấy.
Con không biết. Khiêu nói.
Con biết.
Con có biết gì đâu.
Dù sao con cũng biết. Mẹ muốn làm vui lòng bố con, nhưng mẹ đã sai lầm, không hiểu vì sao mẹ cứ va vấp sai lầm trong cuộc sống. Mẹ không là mẹ trước đây, nhưng khuôn mặt mẹ bây giờ là của ai? Bố con trong một thời gian dài không thèm nói với mẹ một câu, không thèm nhìn mẹ, mẹ không trách gì bố con. Nhưng bố cũng không bao giờ tin rằng, mẹ thay đổi khuôn mặt là để xóa bỏ quá khứ, để bố vui với hiện tại.
Khiêu chú ý đến vẻ mặt buồn của mẹ đang nghiêng trên gối. Khiêu tin lý do để mẹ đi mỹ viện chỉnh hình. Khiêu cảm thông với ý nghĩ quên mình lạ lùng của mẹ, cho dù tất cả vẫn rất đáng giận, đáng buồn. Lúc này Khiêu nghĩ đến Vạn Mỹ Thìn, người vợ trước của Trần Tại, nghĩ đến câu chuyện Mỹ Thìn kể lại muốn biến mình thành Khiêu. Cả hai người muốn làm vui lòng chồng, cả hai cùng vô lý, cùng ngây thơ xáo trộn nỗi đau.
CHƯƠNG MƯỜI
Vườn hoa trong tim
55
Mùa thu lại đến. Trước ngày cưới Khiêu thường vô cớ nổi cáu với Trần Tại. Một hôm, Tại quay lưng lại, Khiêu trông thấy gáy anh rụng hết tóc, dường như anh bị hói đầu hơi sớm. Trước kia Khiêu không chú ý đến gáy anh, tại sao Khiêu không biết tóc anh rụng? Khiêu nói cảm giác của mình cho anh. Anh nói, mười năm trước anh đã bị thế rồi, chưa bao giờ em thấy thật sao?
Khiêu im lặng. Nếu thật mười năm trước Khiêu chưa thấy thì chỉ có thể nói Khiêu không hiểu kỹ anh. Điều này làm cho Khiêu bối rối, không yên lòng. Lòng Khiêu bối rối, không yên, tỏ ra Khiêu rất tự do phóng khoáng, thích sao làm vậy. Buổi tối Khiêu không ngủ, buổi sáng không muốn dậy, Trần Tại phải gọi hết lượt này đến lượt khác, lúc nào cũng gọi là "bé lười". Khiêu tung chăn ngồi lên, nói em biết anh mà, biết anh cho là em lười mà!
Anh có nói em lười đâu, nhưng anh không gọi em là "bé lười" thì em đâu có dậy.
Anh không bảo em lười thật chứ?
Không.
Thế anh nói vào tai em đi nào.
Trần Tại nói vào tai Khiêu.
Nhưng Khiêu vẫn chưa bằng lòng, nói: anh nói anh yêu em đi!
Anh yêu em!
Anh có rất, rất yêu em không?
Anh rất, rất yêu em!
Khiêu lại nằm vật xuống giường. Động tác sống động và rất tùy tiện ấy của Khiêu gợi thèm khát của Trần Tại. Lúc này ri-đô vẫn chưa vén lên, như cám dỗ ngườita làm một việc gì đấy. Anh liền lên giường, ôm lấy Khiêu, rúc đầu vào ngực Khiêu.
Tối đến, Khiêu không ngừng đòi hỏi anh, nói những chuyện quá mức phóng đãng, rồi bắt anh "hành hạ". Anh không rõ Khiêu làm sao, không rõ tại sao Khiêu lại run rẩy như người lên cơn sốt, điên cuồng run lên như thế giới sắp đến ngày tận số, như muốn thỏa thích hết mình trước giờ chia ly lần cuối... Anh không dám nghĩ tiếp, trước mắt hết sức tốt đẹp, hai người làm tình, không gì ngăn cản được hai người. Đêm ấy, đêm thu trăng sáng, hai người mở toang ri-đô để ánh trăng phủ khắp giường, và làm tình dưới ánh trăng. Ánh trăng làm Khiêu dịu dàng trở nên điên cuồng phối hợp cùng Trần Tại, tấm thân nõn nà của Khiêu nhấp nhô lên xuống dưới ánh trăng như dải lụa mềm căng gió. Tất cả thật hài hòa, nếu không phải là tình yêu thì là gì? Được anh vuốt ve yêu thương, Khiêu chìm trong giấc ngủ nồng nàn, giấc ngủ tưởng như không còn tỉnh lại.
Anh chăm chú nhìn Khiêu ngủ ngon lành, rồi nhẹ nhàng xuống đất đi vào phòng khách. Anh đứng do dự trước máy điện thoại rồi cầm ống nghe lên, bấm số. Anh gọi điện cho Mỹ Thìn, anh đã được tin Mỹ Thìn sắp đi Gabon. Anh không biết Khiêu tỉnh dậy trong giấc ngủ say, Khiêu khoác áo ngủ đến bên cửa phòng khách nghe Trần Tại nói chuyện. Khi anh đặt máy xuống thì Khiêu bật đèn.
Anh giật mình thấy Khiêu đứng ở cửa.
Khiêu trở về phòng ngủ, lấy áo ngủ khoác cho anh rồi hai người cùng ngồi với nhau. Khiêu nói, em nghe được câu chuyện anh nói qua điện thoại rồi.
Em hiểu cho anh, Thìn... Thìn quê ở miền Nam, đêm ngủ thích mở cửa sổ. Trước đây anh vẫn thường dậy đóng cửa. Bây giờ trời đã sang thu. Gió lạnh, anh sợ Thìn quên không đóng cửa.
Anh Tại, anh đừng giải thích nữa, anh không có gì sai cả.
Trần tại đứng dậy: chúng mình đi ngủ thôi.
Đừng anh, anh nghe em nói đây.
Trần Tại nắm lấy bàn chân Khiêu nói, chân em lạnh quá.
Em không sợ.
Anh nâng chân Khiêu lên, ôm vào lòng mình.
Anh Tại - Khiêu nói - anh biết đấy, khi quyết định một việc quan trọng người ta thường phải suy nghĩ đắn đi nhiều, ví dụ như em. Bây giờ em mới hiểu tại sao gần đây em thường cáu gắt với anh và không bằng lòng vả với chính em, bởi khi em quyết định một việc nào đó thường do dự, không quyết đoán. Em muốn nói với anh, anh nên, anh nên... Khiêu khóc, không nói tiếp được nữa. Tuy đã quyết tâm nhưng nói vẫn khó khăn.
Nói đi em, anh nên thế nào?
Khiêu dần dần trấn tĩnh, nói tiếp: anh nên trở về với Mỹ Thìn.
Khiêu, em đừng coi cuộc sống của chúng mình như trò đùa.
Nếu em coi cuộc sống của chúng mình như trò đùa thì em không đau khổ như thế này, anh biết không, em không đau khổ như thế này đâu? Anh nghĩ rằng em muốn thế sao, anh nghĩ rằng em muốn thế hay sao?
Vì anh gọi điện thoại vừa rồi? Đó không là vì tình yêu, em biết đấy, không phải là tình yêu.
Em biết không phải là tình yêu, nhưng nỗi nhớ còn sâu nặng hơn tình yêu. Mười năm tình nghĩa vợ chồng mới có tình nghĩa ấy, bởi anh hiểu được nỗi nhớ ấy nên em phải xa anh, bởi anh hiểu được nỗi nhớ ấy nên em càng tôn trọng anh hơn. Anh Tại, em yêu anh, nhưng anh đi đi, anh phải đi.
Khiêu, em nghe anh nói, có những việc em chưa hiểu...
Khiêu ngắt lời anh: em hiểu, em đã gặp và nói chuyện với Thìn mấy lần rồi.
Em đã gặp Thìn? Hai người?
Vâng, chúng em đã gặp nhau. Không phải vì hôm nay anh gọi điện thoại, bởi vì Thìn đã làm xúc động lòng em. Thìn làm em buồn, Thìn có sức mạnh làm em buồn. Em phải trả anh về cho Thìn. Em cảm thấy em có lỗi với chính mình, nhưng anh thì không có lỗi gì với em cả. Anh là người đàn ông chân chính, bởi anh đã hứa lấy em trên thực tế. Thời đại chúng ta là thời đại coi khinh lời hứa, chỉ có anh giữ lời hứa cổ điển và thuần khiết. Nhưng đó không phải là cuộc sống. Cuộc sống yêu cầu anh và em chia tay nhau. Anh Tại, anh hãy tin em, em càng yêu anh, em càng yêu anh sâu sắc hơn, em càng xa anh em càng yêu anh sâu nặng hơn...
Hôm sau đến đi làm, Khiêu gọi điện ngay cho Mỹ Thìn, Khiêu nói Thìn đừng đi Gabon, Trần Tại có việc rất cần gặp. Khiêu còn nói nữa, Khiêu quyết định không lấy Trần Tại nữa, bất cứ lúc nào Thìn cũng có thể phục hôn với Trần Tại.
Để tạm thời xa Trần Tại, Khiêu về với bố mẹ ở Viện Thiết kế một thời gian, lại sống với bố mẹ, sống giữa những cuộc cãi vã bất tận của hai người.
Một buổi sáng, bà Vũ hâm sữa để sữa tràn ra ngoài, bà vộ bưng xoong sữa xuống khỏi bếp gar và nói với ông Tầm sữa đã hâm nóng.
Sữa vẫn chưa nóng đâu, bà phải làm lại.
Sữa đã tràn ra ngoài rồi mà chưa nóng ư?
Đó là hiện tượng giả, bà biết hiện tượng giả là thế nào không? Sữa tràn ra ngoài không phải sữa đã sôi.
Ối dào, thế ông nói sữa không trào ra ngoài mới là sữa sôi à?
Sữa phải sôi hẳn lên như nước mới là thật sôi.
Đã trào cả ra ngoài mà ông vẫn bảo chưa sôi?
Ông Tầm nói với giọng xem thường: chưa thể gọi là sôi được, rất có thể còn một bộ phận nào đó vẫn nguội.
Nguội thì có sao đâu, sữa tiệt trùng ở nhiệt độ cao vẫn có thể uống nguội được kia mà.
Bà định nói sữa này uống nguội được để chứng minh việc sữa đun trào ra ngoài là đúng đấy phỏng? Tôi thật lạ tại sao cả đời bà không thể nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình, cho dù đó chỉ là khuyết điểm nhỏ nhặt. Hơn nữa, đã có lần tôi nhặt được cả ngọn cỏ trong cái gọi là sữa "tiệt trùng ở nhiệt độ cao" của Phúc An rồi đấy, bà biết ngọn cỏ chứ?
Bà Vũ lầm bầm, hôm ấy ông đeo kính lão uống sữa.
Ông Tầm cao giọng, phải rồi, phải rồi, đúng là tôi đeo kính mới thấy cỏ trong sữa, chứng tỏ tôi không đeo kính khi uống sữa thì biết đâu đã nuốt bao nhiêu là cỏ rác vào bụng rồi không. Bà bảo tôi đeo kính khi uống sữa là ý làm sao? Tôi đeo kính lão uống sữa thì khác với việc cả đời bà không biết hâm sữa mà cứ để nó trào ra ngoài, không biết thế nào gọi là sôi, hai việc có quan hệ gì với nhau, có quan hệ gì với nhau?
Tôi đâu có cả đời để sữa trào ra ngoài, ông quá lời lắm, suốt đời ông chỉ nói quá cho người khác, ông chỉ được cái có bé xé ra to!
Ông Tầm phá lên cười, tưởng như đã nắm được đằng chuôi sự việc: được lắm, thế là bà đã thừa nhận cái yếu của bà rồi nhé. Tự bà đã chứng minh tôi không phải là người ăn không nói có nhé. Còn bảo có bé xé ra to thì chính là bà đấy.
Bà Vũ nói, tôi chưa bao giờ nói quá những sai sót của ông, nhưng mà ông, ví thử nói chuyện thời gian, vì tôi dốt nên làm gì cũng chậm hơn người, nhưng không quá như ông nói. Cứ mỗi lần tôi rửa rau ông đều nhìn tôi, thế rồi ông bảo không hiểu tại sao tôi rửa quả cà chua mất đến mười lăm phút, nhưng tôi rửa không đến mười phút.
Ông Tầm bắt đầu gọi Khiêu vào tham gia cuộc cãi vã: Khiêu, con nghe xem bây giờ thì ai nói quá cho ai, mẹ con nói "mỗi lần" mẹ rửa rau thì bố cứ nhìn, có đúng là "mỗi lần" không? Bố đa mang làm gì cho vất vả. Bố đâu có thời gian ngắm nhìn cái vẻ đẹp ấy!
Tôi biết ý ông nói gì rồi, ông thấy ai đẹp thì cứ đi với người ta!
Tất nhiên, bà không phải nói. Cứ không biết tự trọng thì rồi tôi cũng phải đi!
Tôi có gì không tự trọng, tôi có gì không tự trọng nào?
Bà Vũ xông đến trước mặt chồng định làm dữ hơn, nhưng cuối cùng bà chuyển hướng bưng cái xoong sữa đi và một hơi uống cạn. Nghe tiếng bà Vũ uống ừng ực quá to khiến ông Tầm phải nhắm mắt lại. Khi ông mở mắt ra thì không thấy bà Vũ đâu nữa, bà vào buồng chốt cửa lại.
Trước bàn ăn chỉ còn ông và Khiêu ngồi đối diện nhau.
Ông nói với Khiêu, sao con im lặng, tại sao con lại khôn ngoan thế?
Không phải tại con khôn ngoan mà bố đã thổi phồng vấn đề.
Ông Tầm nói: con còn giận bố đấy ư, giận bố vì bố chê anh Tại, cho nên con không công bằng hả?
Con không giận bố mà chỉ thông cảm với bố.
Ông Tầm nói, thế thì tại sao vừa rồi con không lên tiếng giúp bố.

Khiêu im lặng. Bố trách làm cho Khiên nhận ra chỗ yếu của mình, bởi thế Khiêu không muốn đứng ra phân xử phải trái giữa bố và mẹ. Khiêu quý bố, quý hai người suốt đời cãi nhau, chưa bao giờ quý như như hôm nay. Cuộc sống nợ hai người nhiều thứ, Khiêu cũng nợ bố mẹ, lúc này Khiêu mới tỉnh ra điều này. Khiêu ý thức mạnh mẽ được bố mẹ rất cần được yêu thương, từ đó Khiêu không còn yêu cầu bố mẹ phải thông cảm với mình, Khiêu phải rộng lòng cảm thông với bố mẹ.
Bố mẹ càng không thông cảm Khiêu, Khiêu cần phải thông cảm hơn với bố mẹ.
Bố mẹ càng không thông cảm Khiêu, Khiêu cần phải thông cảm với bố mẹ hơn.
Trần Tại nhiều lần gọi điện thoại cho Khiêu, khi tiếng nói của anh vang lên bên tại, bất giác Khiêu nước mắt lưng tròng. Anh muốn được nói chuyện với Khiêu một lần nữa, nhất định phải nói chuyện với nhau một lần nữa.
Khiêu trở về căn hộ của mình, căn hộ đã cùng Trần Tại thương yêu nhau. Khiêu ngồi chờ anh trong phòng khách, vừa vào anh ôm ngay lấy Khiêu. Khiêu thuận phục theo ý anh, gối đầu lên cánh tay có thể nói là rất thích hợp với Khiêu. Được anh ôm chặt Khiêu tưởng như sắp chết trong vòng tay đầy sức mạnh của anh. Anh điên cuồng hôn Khiêu, nói: cho anh nhìn em, cho anh nhìn kỹ em! Anh không nhìn, bởi anh phải hôn Khiêu. Anh hôn, nhắc đi nhắc lại "cái kẹo nhỏ" của anh, anh không thể xa em được, không thể nào xa em được! Anh nuốt nước bọt của Khiêu, sức mạnh của anh khiến Khiêu phải ngả đầu ra phía sau, Khiêu như sắp rơi xuống vực sâu. Thế rồi anh đỡ lấy lưng Khiêu, nâng đầu Khiêu lên. Khiêu thở gấp gấp, nói: anh, nào anh, "nào" đi anh!
Hai người chưa bao giờ tận tình như thế, chưa bao giờ buông thả như thế, chưa bao giờ man dại đến thế, chưa bao giờ thành thật đến thế.
Khiêu ôm chặt anh nói, em cắn anh, cắn anh, để trên người anh in dấu vết của em!
Anh cắn Khiêu tím bầm khắp người, tím bầm khắp người, anh lấy tay che khuôn mặt Khiêu, mơn man ve vuốt mi mắt, mũi, miệng Khiêu, nói: Khiêu, Khiêu, em làm thế nào để anh không còn gặp em? Em bảo anh làm thế nào để không gặp em nữa...
Hai người như lạc vào giấc mơ rồi cả hai cùng tỉnh lại.
Anh ôm Khiêu vào lòng, Khiêu áp mặt vào ngực anh. Anh nói, anh thấy em ích kỉ quá lắm!
Đúng thế.
Em không nghĩ đến nỗi đau của người khác.
Đúng thế!
Em thiếu dũng cảm, dũng cảm sống một cuộc sống mới với một người đã một lần có vợ.
Đúng thế!
Em cũng rât lạnh lùng, tình yêu của cả cuộc đời anh cũng không làm lay động trái tim em.
Đúng thế!
Sao em không cãi lại anh, anh nói toàn những lời sai trái.
Không, em không muốn!
Anh muốn bóp chết em, muốn bóp chết em.
Anh hãy bóp chết em đi, anh hãy bóp chết em ngay lúc này nhé!
Khiêu cầm tay anh đưa lên cổ mình, bóp mạnh tay anh. Anh hết sức gỡ tay mình ra, anh hôn lên cổ Khiêu hai người lại làm tình một lần nữa.
Trời sáng, Khiêu nói, anh trả lại chìa khóa phòng này cho em!
56
Có thể Khiêu phải gọi điện cho Mark, Khiêu biết Mark đã về Mỹ từ lâu. Trước khi rời Trung Quốc Mark cũng gọi điện báo cho Khiêu biết, mong được đến Phúc An thăm Khiêu. Lúc bấy giờ Khiêu từ chối, lúc bấy giờ trong lòng Khiêu đang có Trần Tại. Bây giờ thì Khiêu muốn gọi điện cho Mark. Khiêu không muốn giải thích đó là chủ nghĩa thực dụng, Khiêu không phải là người thực dụng. Khiêu cũng không biết mình gọi điện thoại để làm gì, chỉ biết rất muốn gọi điện thoại cho Mark.
Khiêu gọi điện thoại đến nhà riêng của Mark ở Texas, không ngờ tiếng nói trong máy làm Khiêu chững lại giây lát: người nhận điện là Phàm.
Chị đấy à, không ngờ điện thoại của chị!
Không ngờ lại là em nghe điện.
Em biết sẽ làm chị giật mình, em định ít hôm nữa sẽ gọi điện về báo mọi việc cho ở nhà biết.
Em nói ngay bây giờ cũng được.
Từ hồi chị đến Chicago gọi điện cho Mark, em ghi lại số điện thoại anh ấy. Thế rồi sau đó em và Mark quen nhau.
Quen nhau thế nào có thể nói cho chị biết được không?
Được chứ, quen nhau theo kiểu sống chung với nhau. Em và David đã ly hôn, anh ta đi với người đàn bà Đức rồi. Còn em có lẽ sắp cưới Mark, anh ấy đã cầu hôn với em.
Em yêu anh ta thật à!
Em yêu anh ấy thật ấy!
Còn David?
Khi lấy David em không hiểu gì!
Phàm, chị không ngăn em em lấy Mark mà chỉ cảm thấy em có tâm lý, tâm lý cạnh tranh với chị, tâm lý tranh giành, tâm lý ấy đã che lấp linh hồn em, khiến em không biết tình yêu thật sự là thế nào.
Điều ấy phải để em nói với chị. Bây giờ chị là người muốn cạnh tranh với em, muốn tranh cướp với em, chị đến đường cùng mới nghĩ đến Mark!
Nếu chị xác nhận lời em nói thì sẽ làm em phấn khởi đấy, vậy thì chị nói đúng, đúng thế, chị xin lỗi em, đúng là chị đã cùng đường mới nghĩ đến Mark, đó là sự bất lực cũng là sự thấp kém của chị! Bây giờ thì chị phải nói chuyện với em bằng thái độ khác, chị chúc mừng em, chúc mừng hạnh phúc của em và Mark!
Chị nghĩ rằng em cảm kích với những lời quái dị và nửa thật nửa giả dối của chị đó sao? Thà rằng chị mắng em, chửi em còn hơn chị giở cái giọng của người Trung Quốc ấy với em!
Tay cầm điện thoại của Khiêu run lên, cứ muốn chửi cho Phàm một trận qua điện thoại, tuy Mark với Khiêu chả còn có quan hệ gì, Khiêu cảm thấy mình bị một vết thương nghiêm trọng, vết thương do mũi tên của Phàm gây nên. Phàm bận lắm, bận yêu Mark, bận dò xét kết cục quan hệ của Khiêu với Trần Tại. Phàm bận lắm, bận can dự, bận phá hoại, bận phá hoại cộng với can dự, bận can dự cộng với phá hoại. Không can dự không phá hoại thì không chứng minh được Phàm đang tồn tại. Khiêu cầm điện thoại suy nghĩ, kỳ lạ là Khiêu không còn giận như lúc đầu, mà như người đã trông thấy kết cục của sự việc, không còn cần đến những tìm cảm vui buồn, giận dữ để thay đổi kết cục đó nữa.
Khiêu nói vào máy: Phàm, chị em mình giảng hòa với nhau nhé. Chị thành tâm chúc mừng em và Mark!
Chị, em biết chị đang buồn.
Em và Mark bao giờ về Trung Quốc? Lúc đó chị sẽ lên Bắc Kinh đón.
Có thể đến mùa xuân. Chị có cho bọn em ở nhà chị không?
Tất nhiên là được.
Chị cho bọn em dùng căn buống của chị nhé?
Tất nhiên là được.
Chị cho bọn em ngủ ở giường đôi của chị nhé, em và Mark không thể nào ngủ riêng được nữa rồi.
Tât nhiên là được.
Em muốn "mã thượng về quê," về ngay bây giờ!
Mã Thượng về quê là bộ phim mới của Phương Kăng phải không?
Hồi anh ấy ở Chicago có giới thiệu, cách đây ít lâu cũng đã chiếu. Nhưng em và Mark không đi xem, vì các người ấy già quá.
Khiêu đặt máy xuống, không muốn nói chuyện với Mark nữa. Khiêu ngồi xếp bằng trên giường lớn của mình, khóc thầm. Khiêu khóc không phải vì buồn cũng không chỉ vì oan ức, không bắt nguồn từ nỗi buồn, cũng không đơn thuần vì những được và mất trong cuộc đời. Khiêu khóc, để mặc cho nước mắt chảy xuống khuôn mặt, chảy ướt áo, Khiêu khóc tưởng như để chuẩn bị cho một nỗi niềm khác. Khiêu đắm chìm vào suy tư, Khiêu cầm tay mình bước vào cõi lòng. Trước đây Khiêu cứ nghĩ trái tim mình chỉ bằng nắm tay, bây giờ thì Khiêu biết không đúng như vậy, trái tim Khiêu rông lớn không bờ bến. Khiêu cầm tay mình đi vào nơi sâu thẳm của trái tim mình, dọc đường toàn là hoa và hương, cuối cùng Khiêu cũng đã vào đến nơi, mới biết vườn hoa trong tim mình là thế. Nơi đây cỏ xanh và suối nước, những cành hoa lay động và nước suối lững lờ trôi, mây trắng nhẹ bay trên mặt hồ, tiếng chim hót trên tầng mây. Ở đâu Khiêu cũng gặp người quen, những người gần gũi và người thân, những người Khiêu đã yêu... tất cả cùng dạo chơi trong vườn hoa, nụ cười phảng phất trên khuôn mặt. Còn cả những thiếu nữ đã mất, Đường Phi, người nữ anh hùng thời kháng Nhật và bé Thuyên, tất cả đều có hao cúc Ba Tư trên đầu cùng dạo bước trên cỏ xanh, gió mát thoảng đưa. Khiêu năm tay mình bước đi, điều kỳ lạ là Khiêu đã cho mọi người một vườn hoa như thế, gió mát và đáng yêu như thế. Khiêu đã khai phá vườn hoa ấy từ bao giờ? Khiêu có vườn hoa ấy từ bao giờ? Cho cuộc sống hiện tại hay cho mai sau? Là cho cuộc sống hôm nay, cho trongtim mỗi người đều có một vườn hoa, bạn hãy nắm tay mình đi vào nơi sâu thẳm của tâm linh, để phát hiện, khai phá, nhổ cỏ, vun tưới... và đến ngày có hoa cúc Ba Tư trên đầu sẽ nhìn lại tâm linh mình, chúng ta sẽ mừng cho nơi ấy, nơi rộng rãi nhất thế gian, ta chưa từng để những người thân nhất, những người yêu nhất bồi hồi trên cỏ dại.
Khiêu cầm tay mình đi vào nơi sâu thẳm của tâm linh mình, để thể xác và lòng mình cùng chìm trong yên tĩnh cô quạnh.
Hôm ấy Khiêu nhận được điện thoại của ông Du Đại Thanh.
Khiêu nói, chào bác Phó tỉnh trưởng, bất ngờ quá!
Đừng gọi bác bằng chức vụ nữa, bác đã về hưu.
Bác có việc gì gọi cháu đấy ạ?
Không, không có việc gì, nhưng cháu có thời gian đến nói chuyện với bác, gần đây bác có đọc một cuốn sách viết về người Do Thái, bác muốn nghe ý kiến của cháu thế nào.
Vâng, cháu có thời gian, đến văn phòng của bác ạ?
Không, bác không còn văn phòng nữa. Bác cháu ta gặp ở công viên, công viên Nghê Thường mới xây dựng bên bờ sông Hộ Thành.
Vâng, cháu sẽ đến.
Hai người ngồi nói chuyện trên dãy ghế dài màu xanh, ông Thanh đem theo cô cháu gái. Cháu gái chừng năm tuổi, rất lễ phép, vừa thấy Khiêu liền cất tiếng "cháu chào cô ạ!"
Khiêu nhìn kỹ và đáp lời cháu bé, chợt hình ảnh Đường Phi không xua nổi hiện về. Cháu bé cũng có nét giống Đường Phi đó thôi, Khiêu không thể hiểu đó là cái nhìn chủ quan của mình hay sự thật là thế.
Cháu bé chạy đi chơi một mình, ông Thanh đeo kính lên, lấy từ trong túi áo khoác ra một cuốn sách lật giở và nói: bác đọc cho cháu nghe một đoạn nhé. Một kẻ có tội, anh ta đốt một ngôi đền, đó là ngôi đền linh thiêng nhất, được tôn sùng nhất thế giới, chỉ bị hình phạt đánh ba mươi roi; nhưng nếu có một kẻ điên giết anh ta, kẻ điên kia nhất định phải chịu hình phạt tử hình. Bởi tất cả các ngôi đền và thánh địa đều không thể bằng sinh mệnh một con người, cho dù là kẻ phóng hỏa, kẻ khinh mạn các vị thần linh, kẻ thù của thượng đế và sỉ nhục thượng đế. Đó là quan niệm của người Do Thái. Sự thật thế nào, sự thật lại đưa đến điều nhạo báng đau đớn cho ý niệm của người Do Thái. Chúng ta bị đuổi khỏi mảnh đất của mình, trường học của chúng ta bị đốt, bậc tiên tri bị giết, học sinh bị tàn sát, còn chúng ta vẫn không mệt mỏi một mực ngợi ca sự bất khả xâm phạm thiêng liêng của sinh mệnh và ra sức nói về tín điều đối với con người, với bất cứ người nào.
Ông Thanh gấp sách lại, nói: bác thấy quển sách này hay quá.
Chưa bao giờ bác tìm hiểu về người Do Thái?
Chưa, ngay cả bộ phim Bản danh sách của ngài Shindler bác cũng chưa được xem.
Khiêu giật mình cho sự thiếu hiểu biết của vị quan chức này. Nhưng Khiêu nhanh chóng thông cảm cho ông không phải tất cả các quan chức Trung Quốc đều có thể quan tâm đến các vấn đề của các dân tộc khác. Hơn nữa, vẻ ngồi đeo kính đọc sách trên ghế dài công viên của ông thoáng làm Khiêu cảm động: một vị Phó tỉnh trưởng nghiền ngẫm từng câu trong sách viết về người Do Thái...
Đoạn bác đọc nói về giá trị của sinh mệnh, Khiêu nói.
Đúng thế, giá trị của sinh mệnh, ý thức tôn trọng sinh mệnh của một dân tộc.
Ví như bác, đã bao giờ bác nghĩ đến tự sát chưa?
Chưa, ngay cả những lúc khó khăn nhất bác cũng chưa hề nghĩ đến.
Đã bao giờ bác bị kích động để nghĩ đến tiêu diệt một sinh mệnh chưa?
Chưa! Nhưng tại sao cháu lại hỏi bác những điều ấy?
Bởi cháu đã có. Nhiều năm nhiều năm về trước, có một người phạm tội đã bóp nát ngôi đền thiêng trong tim cháu, tội ác ấy có thể chỉ chịu hình phạt ba chục roi, nhưng cháu trở thành người điên, cháu là người điên ấy.
Bác vẫn muốn thảo luận với cháu về người Do Thái.
Bác chưa nghĩ đến tự sát, chưa bị kích động nghĩ đến tiêu diệt một sinh mệnh, vậy bác đã vứt bỏ một sinh mệnh nào chưa?
Ông Thanh trở nên cảnh giác, có thể đó là cảm giác sai của Khiêu chăng. Ông nói, chưa, chưa bao giờ.
Hai người im lặng. Khiêu định nhắc đến Đường Phi, nhưng lại nghĩ, có ý nghĩa gì nhỉ? Khiêu không có quyền thúc ép một người phải thừa nhận ý nghĩ của mình, Khiêu không có quyền thúc ép con người này phát biểu chính kiến vì ý nghĩ của mình. Có thể ông Thanh hẹn gặp Khiêu hôm nay không phải vì chuyện Đường Phi mà chỉ vì ông đọc được một cuốn sách viết về người Do Thái, muốn nói với Khiêu chuyện người Do Thái.
Bé gái năm tuổi mới chạy tới, Khiêu giật mình nhìn thấy bé Thuyên năm nào. Đó là bé Thuyên năm hai tuổi, sinh mệnh như ngọn cỏ tiên. Đó là mầm cỏ đầu tiên trong vườn hoa nơi tim Khiêu, Khiêu giẫm lên mầm cỏ non ấy, mầm cỏ non trở thành vườn hoa. Khiêu đứng dậy, nhìn dòng nước sông Hộ Thành không còn trong sạch nữa, phảng phất hương thơm từ vườn hoa ấy thấm vào người. Phúc An phải là hương thơm. Khiêu nghĩ, hãy cho tôi bắt đầu lại.
Bé gái chạy tới, nghiêng đầu nhìn Khiêu. Một âm thanh từ xa vọng lại: Ôi, bé, bé sao thế?
Ôi, bé sao thế?
Khiêu mỉm cười nhìn bé gái, lòng dâng đầy vị ngọt đớn đau.
3.1 - 21.12.1999


LỜI BẠT
Cuốn tiểu thuyết
của những cuộc đối thoại văn hóa
Bản năng đã mạnh, nhưng lý trí còn mạnh hơn
Con người hiện đại ở nước Trung Hoa sau cách mạng văn hóa đã được miêu tả trong nhiều bộ phim, cuốn sách, trong đó, nhịp sống của họ được đẩy lên tới mức hối hả. Người ta mở công ty sôi sục làm ăn; rồi buôn lậu, hối lộ, tham nhũng; rồi mưu mô với nhau, ghen ghét nhau, hành hạ nhau, và cũng hối hả uống rượu, hát karaoke, đi du lịch, vui chơi, hưởng thụ. Câu chuyện của các nhân vật chính trong tiểu thuyết mà trên đây bạn đọc đã đọc được khai thác theo một hướng khác. Đời họ được dồn lại trong những xung đột tình cảm, từ đó tác giả đẩy nó lên bình diện văn hóa. Chất bản năng của các nhân vật được miêu tả trong tiểu thuyết không phải là không mãnh liệt (so với một Vệ Tuệ không hẳn chịu kém!). Chỉ có một điều khác: bản năng trong họ quyện chặt với lý trí, được sự hướng dẫn của lý trí cao đẹp. Đường Phi có thể ngủ với nhiều người đàn ông từ già đến trẻ nhưng không tự nguyện chấp nhận Phương Kăng. Khiêu cũng đã nhiều phen lăn lóc với những người đàn ông khác nhau và đó đều là những người mà Khiêu yêu tận đáy lòng, nhưng cuối cùng Khiêu chẳng lấy ai trong số họ, mà lý do thì bao giờ cũng xác đáng. Sở dĩ như vậy là vì ngày tháng của Khiêu kéo dài như một quá trình liên tục đi tìm mình. Khiêu phóng chiếu con người lý tưởng trong mối quan hệ với Phương Kăng. Khiêu tưởng sẽ thay đổi đời mình trong quan hệ với Mark. Khiêu tin chắc sẽ tìm thấy bản thân do đó tìm thấy cái tôi đích thực trong việc quay lại với người bạn từ lúc lớn lên là Trần Tại. Rồi Khiêu thấy mình lầm cả. Nhưng chính trong cái lầm ấy chúng ta thấy Khiêu mạnh mẽ và bản lĩnh đến thế nào. Quả thật ở Khiêu chất lý trí quá đậm, nó làm khổ Khiêu, nhưng cô biết mình không thể nào khác. Để hiểu Khiêu, không thể bỏ qua một chi tiết. Có đến mấy lần tác giả để Khiêu tự nhận là Khiêu hay thay đổi ý kiến, làm gì cũng phân vân nghĩ rằng lẽ ra phải làm khác. Cái sự hay nghĩ tới nghĩ lui làm nên ở Khiêu một cốt cách tri thức. Con người là gì, là có một đời sống tinh thần phiền phức, mà phiền phức nhất là luôn luôn muốn đi tìm cái cao đẹp lý tưởng. Khiêu nghĩ vậy, tác giả cũng muốn chúng ta nghĩ vậy. Trong lời giới thiệu cuốn Thành phố không mưa của cùng một tác giả, chúng tôi đã lưu ý rằng Thiết Ngưng chủ tâm miêu tả con người Trung Quốc hiện đại mạnh lên đến như thế nào trên phương diện lý trí. Những người đàn bà tắm cho thấy điều dự đoán của chúng tôi không phải là vô lý.
Trong mối liên hệ với toàn nhân loại
Không ít tác giả tiểu thuyết Trung Hoa gần đây đặt nhân vật vào mối quan hệ với người nước ngoài, từ đấy khai thác trình độ làm người mà các nhân vật bộc lộ. Điều đã xảy ra với các tác giả Quạ đen, Điên cuồng như Vệ Tuệ... đối với Thiết Ngưng càng trở nên thiết yếu và được sử dụng trên một bình diện lớn. Phương Kăng, Trần Tại đều có qua học và làm việc ở nước ngoài; Phàm em gái Khiêu còn sang ở hẳn bên Mỹ... Cho đến giai đoạn cuối, chúng ta thấy gì? Một quan chức cỡ lớn của địa phương, ông Thanh, nguyên phó trị trưởng, cầm trên tay cuốn sách viết về người Do Thái. Sau khi về hưu, có những vấn đề cơ bản của đời sống khiến ông đặc biệt bận tâm và ông đã phải tìm đến kinh nghiệm sống của người Do Thái để dựa vào mà suy ngẫm thêm. Sở dĩ ông muốn gặp Khiêu cũng là để trao đổi may ra tìm được câu trả lời cho cái câu hỏi còn bị bỏ lửng.
Nếu việc làm nói trên của ông Thanh chỉ bắt đầu từ những ngày về hưu thì với Khiêu, nó là việc cô theo đuổi trong cả đời. Trên kia chúng tôi đã nói có thể xem đoạn viết về mối tình của Khiêu với Mark như một cách để tác giả triển khai việc tìm hiểu Khiêu và trước tiên là giúp cho Khiêu hiểu về chính mình. Từ những đối thoại giữa Khiêu và Mark, người ta nghĩ đến cuộc đối thoại giữa hai nền văn hóa Trung Quốc và Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung. Tinh thần đối thoại này thấm đượm trong cả cuốn tiểu thuyết. Cái điều ai đó từng khái quát "cuộc đối thoại với phương Tây làm nên nội dung chính trong lịch sử bộ phần còn lại của nhân loại" đã được chứng nghiệm. Khiêu có một cách nghĩ gần với phương Tây, nhiều mô tip lặp lại trong suy nghĩ và ngôn từ của cô (chẳng hạn hình ảnh cái nhẫn tan vỡ ở các chương cuối) là lấy từ văn học phương Tây. Bản thân kiểu nhân vật đi tìm mình cũng chỉ đến văn học phương Tây thế kỷ XX mới trở nên thịnh hành. Phương Tây đã trở thành một phương tiện để những người như cô đối chiếu và tự nhận thức. Rộng ra mà xét cả dân tộc Trung Hoa của Khiêu cũng vậy. Nhân đây, xin phép có một liên hệ. Hai chục năm nay, có một câu hỏi trở đi trở lại trong đầu óc tôi: "Các vấn đề của xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc thoạt nhìn rõ rằng giống nhau thì trong thực tế lại được giải quyết khác nhau một cách kỳ lạ, tại sao như vậy?". Với tư cách một người viết văn, tôi thường tìm đọc các tiểu thuyết Trung Quốc mới được dịch ra để tìm cho mình những giải đáp. Đến với những bộ phim như Người Bắc Kinh ở New York, Đi sang châu Âu, những tiểu thuyết như Những người đàn bà tắm, tôi mới vỡ ra. Không làm gì có chuyện ăn may trên cuộc đời này. Cái điều mà sách vở và phim ảnh miêu tả thực ra cũng là những điều xảy ra trong thực tế: người Trung Quốc luôn sống cùng nhịp ở ngang tầm với thế giới, dù bao giờ cũng là khác so với thế giới. Và trước tiên, với các dân tộc khác, họ có sự tiếp xúc tự nhiên, có thăm dò, có tìm hiểu nhưng trước tiên là tin cậy. Rồi từ những vấn đề cụ thể của Trung Hoa, người ta luôn luôn có thể rút ra những vấn đề chung của nhân loại, nếu không thì tại sao tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc lại có sức chinh phục đến thế với bạn đọc nhiều nước?
Con người sống tỉnh táo hơn sau khi phạm tội
Những người đàn bà tắm có thể được xem như cuốn sách tổng kết một chặng đường làm việc của tác giả. Ấn tượng đó nảy sinh một phần là vì cái xu thế triết lý khá rõ của truyện, nó cũng là cái không khí suy tưởng như một ám ảnh được kéo dài trong toàn bộ sách.
Nếu có một sự kiện nằm sâu trong cuộc đời của nhân vật chính, nó có mặt ngay trong lời dẫn ban đầu và còn theo mãi đến trang cuối của cuốn sách, thì đó là việc của Tiểu Khiêu có tham gia vào một vụ phạm tội dẫn đến cái chết của người em gái lúc hai tuổi. Trong một truyện ngắn mang tên Chơi vơi trời chiều, Thiết Ngưng cũng đã từng sử dụng mô-típ vì lòng ghen tỵ mà một đứa trẻ phạm tội giết người như vậy. Điều này khiến chúng ta nhớ lại cái mô-típ từng ám ảnh nhiều văn học thuộc loại cổ điển từ Tolstoi, Dostoilevski và sau này cả Kafka lẫn Hemingway: cái thiện là gì, cái ác là gì, tại sao chúng cùng có quyền tồn tại (trong Tội ác và trừng phạt, Raslolnikov nghĩ mình có quyền giết mụ già chủ hiệu cầm đồ vì đó là mọt cách xác lập lại công bằng hạn chế cái ác). Tuy nhiên có mấy điều đáng chú ý ở sự kiện được Thiết Ngưng miêu tả trong Những người đàn bà tắm: một, đây không phải là hành động ngẫu nhiên sản phẩm của một đầu óc non nớt ngây thơ. Nhân vật trẻ tuổi làm việc đó thực ra là đứa trẻ khôn ngoan, trên nhiều mặt đó là nhân cách đã trưởng thanh; hai, điều quan trọng hơn, sở dĩ Khiêu làm việc đó là do bị bức xúc quá, bị đẩy vào một hoàn cảnh không thể chấp nhận được, việc giết người xảy ra như nhổ đi một cái gai trong mắt, trước sau Khiêu làm sẽ phải làm; ba là sau khi phạm tội, cũng chẳng ai biết đâu là hung thủ, tội lỗi không bị lên án tố giác, chỉ có điều chính vì nhân vật là người có suy nghĩ, không tự buông tha cho mình, nên suốt đời Khiêu, cái chết của bé Thuyên theo mãi, ám ảnh mãi. Giá kể trong tay những nhà văn tầm thường người ta sẽ thấy câu chuyện được xử lý theo cái kiểu kẻ tốt bụng nhỡ phạm tội sẽ trở nên nhân từ đôn hậu ra sức làm việc thiện để chuộc tội. Nhưng ở Thiết Ngưng thì khác. Cái khắc khoải trong Khiêu là không hiểu sao mình lại hành động như vậy, và nếu điều đó là không thể tránh khỏi thì mình phải sống như vậy, và nếu điều đó là không thể tránh khỏi thì mình phải sống như thế nào cho hợp với tính cách của mình. Cảm giác cái gì cũng e dè "định làm lại bỏ" trong Khiêu mà ở trên chúng ta đã nói bắt nguồn một phần từ đây. Khiêu không dễ dàng tiêu hóa tội lỗi, nhưng đã suy nghĩ về nó là suy nghĩ đến cùng. Tuy tác giả không nói rõ, nhưng từ cách miêu tả, người đọc không khỏi nảy ra ý nghĩ: chẳng phải do cảm thấy lỗi lầm mà Khiêu biết sống tốt hơn đó sao? Cô hiểu đời hơn mà cũng cảnh giác với mình hơn. Trong lòng độc giả, thấp thoáng hiện ra những câu hỏi. Vậy có nên phủ nhận sạch trơn, đại khái cho rằng cái ác hoàn toàn vô lý và sau khi ác rồi, con người không thể quay lại lương thiện được nữa? Hay, bởi cuộc đời đã quá nhiều "cái thiện vô vị vô duyên", "cái thiện yếu đuối" rồi, nên trong chừng mực nào đó, có thể bảo đảm cái ác vẫn là một yếu tố có phần đắc dụng, giống như những loại độc dược nếu dùng quá liều sẽ nguy hiểm đến bản thân, nhưng nếu dùng đúng lại đạt tới công hiệu mà không loại thuốc nào khác có được?
Cũng như sau cách mạng văn hóa, xã hội biết nhìn nhận lại chính mình
Sau một thời gian viết thiên về tố cáo thì những cuốn sách viết về Cách mạng văn hóa gần đây có vẻ bình thản hơn, tác giả của chúng chỉ muốn kể người ta đã sống như thế nào trong những năm tháng biến động và câu chuyện trong Những người đàn bà tắm cũng theo cái mạch ấy. Nhớ lại thì thấy: Doãn Tiểu Khiêu, gia đình của cô, bè bạn của cô không bị những gì gọi là lăng nhục quá đáng. Trước những xô đẩy ngoài ý muốn, sự thích ứng đã giúp con người trụ lại vững vàng. Ăn uống học hành, kiếm lấy một ít công việc làm béo bở, vụng trộm tìm kiếm hạnh phúc riêng. Tất cả những việc con người bình thường vẫn làm thì họ cũng làm, nhưng dầu sao vẫn có thể nói một cái gì như là tai họa xảy ra trong cuộc sống của họ. Chẳng hạn đoạn tả các nhân vật lo chuyện ăn. Tội nghiệp quá, nhất là ở vào một thời đại như thời đại hiện nay. Mỗi ngày một ít, rồi điều ghê gớm hơn đã xảy ra, họ không còn là họ nữa.
Vậy là dù chỉ viết về những chi tiết có vẻ đời thường thì đọc loại tiểu thuyết như Những người đàn bà tắm, người ta vẫn thấy không khí gọi là cách mạng ở Trung Quốc hai chục năm, chúng cắt nghĩa tính cách con người Trung Hoa hiện đại.
Tuy nhiên liên hệ với cái tư tưởng cái ác đôi khi có lý nói trên, từ tác phẩm mang tính chất triết lý này của Thiết Ngưng, tôi lờ mờ cảm thấy một điều: xét chung cả sự tiến hóa của lịch sử và với sự lắng lại của thời gian, người ta bắt đầu nghĩ lại về cách mạng văn hóa. Trong khi không thể làm lại quá khứ, họ biết rút ra từ quá khứ những bài học. Họ không chỉ nhìn cái sự kiện kinh khủng hôm qua như một lực lượng phá hoại mà hình như bắt đầu xem nó như một yếu tố có giúp gì đó cho con người trong việc nhìn nhận chính mình cũng như nhìn nhận đời sống. Lâu nay, nước nào cũng vậy, người ta chỉ nghĩ lấy thành bại luận anh hùng. Giờ đây mối quan hệ giữa con người và thành bại lại được nhân loại hiện đại phát hiện thêm nhiều khía cạnh lý thú khác. Có những thành tựu mà sau khi hoàn thành con người đâm nhỏ đi: người ta sinh ra quá tự tin đến mức tự mãn, kiêu ngạo, cho là nhất trời nhì mình, từ đó cho phép làm bậy xả láng để bõ những ngày khó nhọc. Lại có những tội lỗi khiến người ta giật mình, luôn luôn cảnh giác với mình và nhờ thế có thể vươn tới một tầm vóc cao hơn, nâng trình độ làm người của mình đến mức tốt đẹp hơn. Sau mười năm động loạn (1966 - 1976) người Trung Hoa ra khỏi cuộc cách mạng văn hóa trong cái tâm thế thuộc loại thứ hai vừa nói. Theo sự đọc được ít ỏi của tôi thì gần đây, bắt đầu có một số sách báo phương Tây viết theo hướng không phủ nhận sạch trơn mà nói tới những tác dụng khách quan của cách mạng văn hóa. Thiết Ngưng cũng vậy, từ khái quát nghệ thuật độc lập của mình, nhà văn đã góp phần làm mới mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử.
Cuộc đối thoại giữa cổ điển và hiện đại
Có lần trong khi nói chuyện, em Khiêu là Phàm bảo rằng lời lẽ của Khiêu quái dị và nửa thật nửa dối. Khi triết lý chung về cuộc đời Khiêu thường bị ám ảnh bởi cái nghịch lý "trên đời này không gì hoàn chỉnh bằng trái tim tan vỡ". Vậy mà, nhìn chung trong tác phẩm, tác giả để cho Khiêu có một đời sống ý thức lấn át bản năng và ở chương sách cuối cùng lại có ý nghĩ "muốn tất cả bắt đầu lại". Tổng hợp chung, có thể bảo một nhân vật như vậy là giống như phần lớn con người bình thường chúng nửa cũ nửa mới, hoặc đúng hơn, phải nói các yếu tố hiện đại và cổ điển cùng có trong Khiêu, làm nên một cuộc đối thoại vô tận.
Ấn tượng đó còn chi phối chúng tôi khi nhìn chung lại toàn bộ cuốn sách ngay từ nghệ thuật dẫn truyện. Lối viết bám sát dòng ý thức, cách bắt đầu câu đối thoại mà cứ để trơn, không dùng dấu gạch đầu dòng, và lời dẫn của tác giả thì được đặt lẫn giữa lời nhân vật khiến cho Những người đàn bà tắm khá hiện đại. Song nhờ sự vận dụng nhuần nhị, những tìm tòi trên trở nên tự nhiên và toàn bộ vẫn toát lên một cốt cách cổ điển.
Không phải ngẫu nhiên, Thiết Ngưng thú nhận rằng mình lấy cảm hứng tác phẩm từ bức tranh của Cézanne và đặt cho nó cái tên Những người đàn bà tắm. Trong nền nghệ thuật đầy biến động của thế kỷ XX, P.Cézanne (1939 - 1906) là một tác giả lớn. Ông là người mở đầu của trào lưu hiện đại, nhưng cái hiện đại ở ông thuộc loại chắc chắn có sức bền, không bị lãng quên nhanh. Trong khi trở nên hiện đại, ông không bị thời gian vượt qua mà tạo ngay cho mình một cốt cách cổ điển, nghĩa là trường tồn cùng thời gian. Tương tự như vậy, một mặt Thiết Ngưng đi tới một tư tưởng hiện đại, và thường xuyên đối thoại với bạn đọc và các đồng nghiệp đương thời, mặt khác ngòi bút dường như luôn luôn hồi cố, với nghĩa lùi lại với lịch sử văn học, tìm cách trả lời những câu hỏi mà các tác giả cổ điển Đông Tây đã nêu ra, tức cũng là tìm cách đối thoại với họ. Trong hoàn cảnh của một người viết phê bình văn học loanh quanh ở Hà Nội và không đọc được bao nhiêu, sao tôi vẫn muốn tin rồi tác phẩm này của Thiết Ngưng sẽ không bị phôi pha rất nhanh như nhiều cuốn sách "nổi loạn" đương thời, mà, không biết chừng, vâng không biết chừng, sẽ gia nhập vào kho tàng cổ điển của nền văn học Trung Hoa vốn giàu truyền thống lịch sử.
VƯƠNG TRÍ NHÀN
Thiết Ngưng
Sơn Lê dịch
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Phi vụ tình – Truyện ngắn của Trần Anh Dũng 12 Tháng Sáu, 2023 Đang sửa điện nhà bếp, hắn thoáng giật mình vì tiếng chuông điện thoại ...