Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Bồn lừa 2

Bồn lừa 2

6. CHƯƠNG CÒM NẮM TAY BỐ, LEO tới bậc gạch thứ năm thì nghe tiếng gọi:

- Chương còm!

Cả Chương còm và Bồn lừa cùng ngoái lại. Dzũng Đakao ngoắt tay lia lịa.

Chương còm níu bố :

- Tụi bạn con.

Bố Chương còm gật đầu. Chương còm nói lóng, dặn Dzũng Đakao :

- Lứ cá lừ tà lừ tờ... (Cứ từ từ...)

Dzũng Đakao khoái chí, nhẩy cỡn. Bấy giờ, Quyên Tân-định đang "âm mưu" leo tường ở phía khán đài bình dân cùng với Tư chăn vịt, Tiến gầy, Bảo méo mồm, Tí điên, Sơn trán cao. Nhưng trận đấu này "quốc tế" quá cỡ nên cảnh sát gác rất gắt. Một là bảo vệ tính mạng dân coi khỏi bị điện giật, khỏi bị ngã chết tươi. Hai là giáo dục công dân làm tròn bổn phận. Khổ một nỗi, anh em Quyên Tân-định chưa đủ đến tuổi làm công dân. Chúng nó chưa được đi bỏ phiếu nên chưa đủ tiền mua vé hạng bét sáu chục. Trận đấu quốc tế nào, anh em Quyên Tân-định cũng tìm cách lọt vào sân.

Chúng nó kiên nhẫn chờ một vị linh mục, một nhà sư hay một người trông mặt hiền lành là sà tới, năn nỉ xin dẫn chúng nó vô. Quyên Tân-định còn láu cá hơn. Nó không cần xin xỏ. Nó chọn khán giả đi một mình, đứng sau. Đến chỗ soát vé, nó mới vờ bám tay khán giả. Người soát vé tưởng nó là con cháu khán giả, hất đầu cho nó vào. Trận thứ sáu, Chương còm nhờ bố đưa Dzũng Đakao, nhóc con Hùng vào ngon ơ. Quyên Tân-định, Tư chăn vịt, Tiến gầy vào dễ dàng nhờ mưu mẹo của Quyên. Mưu mẹo đó, bữa nay vất đi. Vì thiên hạ đem con cháu khá đông, Quyên Tân-định đành "đánh bài" leo tường.

Dzũng Đakao quen mui, đứng hóng bố con Chương còm. Bốn giờ, trận đấu giữa hội tuyển Sài-gòn và Hội tuyển quân đội Anh mới đụng độ, thế mà bọn Dzũng Đakao mon men trước cửa vận động trường Cộng Hòa từ một giờ, Đi đi, lại lại, ngó khán giả mua vé chợ đen, lũ lượt vô sân, Dzũng Đakao sốt ruột. May sao, ba giờ rưỡi, nó trông thấy bố con Chương còm. Cả Bồn lừa nữa. Dzũng Đakao chắc mẩm được coi rồi.

Mọi bận, bố Chương còm vô lối cổng khán đài trung ương cơ. Hôm nay, ông ta nghĩ sao lại vô lối khán đài cánh. Dzũng Đakao nghĩ, tại ông mang những... hai đứa. Dzũng Đakao mở căng mắt, chờ đợi. Trong khi ấy, Quyên Tân-định đã thất vọng. Tiếng ban xé không khí của trận mở màn như đá trúng tim nó.

Chương còm xuất hiện ở bậc trên cùng của lối lên khán đài cánh, Nó vỗ tay. Dzũng Đakao mừng quýnh:

- Lủ rả lả củ lọn bạ lới tả. Lố bá lao ta lẫn dã lào và lất tá (Rủ cả bọn tới. Bố tao dẫn vào tất).

Dzũng Đakao sai nhóc con Hùng đi kiếm Quyên Tân-đinh. Một lát, chín cầu thủ của đội bóng tròn Bồn lừa là Hưng mập, Tí điên, Sơn trán cao, Tiến gầy, Bảo méo mồm, Tư chăn vịt, Dzũng Đakao, nhóc con Hùng, Quyên Tân-định đã đứng xớ rớ trước lối vào khán đài cánh. Chương còm mất hút. Tiếng còi mãn cuộc vén màn đã rít lên the thé. Ruột dạ bọn đứng ngoài lộn lung tung beng. Mãi đến lúc tiếng mi-cô inh ỏi giới thiệu thành phần đội bóng Anh, bố Chương còm và năm người bạn ông ta mới ra với Chương còm. Mỗi người lôi hai đứa, qua mặt bọn soát vé như bỡn. Dzũng Đakao và Quyên Tân-định phục "nhà báo" sát đất. Leo lên khán đài rồi, bọn nhóc theo các "nhà báo" leo qua hàng rào giới hạn, bước sang khán đài trung ương. "Ê kíp" Bồn lừa tự tìm chỗ, ngồi gần nhau để "học hỏi kinh nghiệm". Chúng nó không cần ngồi chung với nhà báo nữa. Dzũng Đakao hỏi Chương còm :

- Mấy ông ngồi cạnh bố mày là những ai thế ?

- Hoàng Hải Thủy, Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn, Dương Hùng Cường đấy.

Quyên Tân-định xuýt xoa :

- Mấy cha tốt quá sá.

Bồn lừa ra cái điều thành thạo :

- Nhà báo có khác.

- Ừa.

Chương còm trỏ tay xuống dưới :

- Huyền Vũ kia kìa...

Quyên Tân-định và những ông nhô chưa từng được ngồi ở khán đài trung ương, cạnh các nhà báo, phục Chương còm sát đất. Quyên Tân-định chiêm ngưỡng ký giả Huyền Vũ rồi khen :

- Thằng "chả" đen như dân Mã-lai mà nói "đề" ghê, hé tụi mày ?

- Dân "nghề"

- "Cừ" thiệt tình.

- Giỏi quá sá cỡ.

- "Chả" thuộc tên từng thằng vanh vách.

- Ổng hét oai hùng thật.

- Nghe nhiều lúc tim muốn bật khỏi ngực.

Mỗi ông nhô phát biểu một cảm tưởng về ký giả... nói Huyền Vũ. Dưới mắt chúng nó, Huyền Vũ là thần thánh.

- Không được coi, về nghe la dô cũng đỡ.

Bồn lừa không mấy chú ý Huyền Vũ. Đôi mắt nó thu hết cả sân cỏ. Lớp cỏ xanh non dưới ánh nắng chiều sao mà quyến rũ thế ! Bồn lừa lại mơ mộng. Nó nghĩ đến ngày mai khôn lớn. Ngày mai là ngày của Bồn lừa và bạn bè nó. Ngày mai, Bồn lừa sẽ kế tiếp sự nghiệp lẫy lừng của Vinh, vẽ vời trên sân cỏ ; Chương còm sẽ kế tiếp sự nghiệp lẫy lừng của Rạng, bắt bóng gắn nhựa... Ôi ngày mai của Bồn lừa và anh em nó. Bồn lừa muốn ngày mai là miếng thịt bò khô. Để nó cắn một miếng cho đã thèm. Bố Chương còm đã bảo cứ cố gắng trau dồi là có ngày mai mình mong muốn. Trái tim Bồn lừa cũng đã nói thầm với nó rằng "Bồn lừa ơi, chiêm bao sẽ thành sự thât."

Bốn đứa trẻ trạc tuổi Bồn lừa, mặc áo may ô có tay ngắn, màu vàng, trước ngực và đàng sau lưng mỗi đứa mang chữ T hoặc C đang quần bóng với nhau giữa sân cỏ. Bao nhiêu người nhìn chúng nó. Quyên Tân-định lấy làm phục bốn ông nhãi này lắm. Nó nghĩ bốn thằng nhóc đá bóng "năm bơ oăn" nên mới được mặc áo vàng, quần đùi đen, nhởn nhơ giữa sân cỏ trong một trận đấu quốc tế. Và Quyên Tân-định mơ ước "địa vị" của bọn nhóc T.C.T.C.

Nó hỏi Chương còm:

- T.C.T.C. là gì hả, mày ?

Bồn lừa đã từng chê thầm Quyên Tân-định. Vì nó chỉ ao ước xách giầy cho Pelé. Nó muốn xỏ ngọt Quyên Tân-định một câu. Thì Chương còm đã đáp:

- Là Tổng Cuộc Túc Cầu.

Quyên Tân-định há hốc miệng:

- Cha chả, bốn thằng nhóc là Tổng Cuộc Túc Cầu đấy à ?

Chương còm ra cái điều thành thạo :

- Đâu có, tụi nó làm mướn cho Tổng Cuộc,

Bồn lừa ghé sát tai Chương còm :

- Tụi nó làm gì ?

Chương còm đã yêu Bồn lừa từ trận xá xị con cọp và mì cây nhãn ở Hoa-lư. Sau trận giặc, Bồn lừa ngoan ngoãn. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Chơi với Chương còm, Dzũng Đakao, Bồn lừa không văng tục, chửi thề như hồi chơi thân với Quyên Tân-định nữa. Nó có nhiều tài mọn, lại biết nhường nhịn bạn. Chứ không hề át giọng bạn như Quyên Tân-định. Chương còm yêu Bồn lừa hơn vì Bồn lừa còn khóc và bảo "bố nó nghèo". Rồi Chương còm phục Bồn lừa luôn. Bố nó khen Bồn lừa. Bố nó có khen ai đâu. Mà khen Bồn lừa. Chương còm không hiểu "đứa bé mộng mơ nhất nước" sẽ trổ những tài gì, nhưng thấy bố khen bạn là nó phục liền. Nó cũng ghé sát tai Bồn lừa :

- Tụi nó nhặt bóng mày ạ !

- Nhặt ở đâu ?

- Ở sau cột "gôn".

Bồn lừa khoái chí. Nó vươn tay đập khẽ vai Quyên Tân-định :

- Tụi nhỏ hách ra phết, Quyên Tân-định ơi !

Quyên Tân-định sáng mắt. Rồi ngẫn ngơ :

- Ước gì ông được làm mướn cho Tổng Cuộc.

- Mày thích à ?

- Ừa.

- Bảo bố Chương còm xin cho. Mày sẽ làm vua con trên sân cỏ.

- Tao phải làm gì ?

- Mày đứng sau "gôn". Hễ bóng bay qua sà ngang hay ra ngoài khuôn gỗ, mày chạy đi lụm rồi bê đến cho cầu thủ. Hách không ?

- Hách chứ !

- Vua... nhặt bóng mờ lỵ.

Quyên Tân-định bị xỏ, ức vô cùng. Nó nhịn Bồn lừa, lần đầu tiên nó nhịn bạn. Bồn lừa tỉnh bơ. Nó nhủ thầm "từ nay trở đi, ông có chiêm bao ông nhất định cho mày ra rìa, Quyên Tân-định ạ !" Bồn lừa ngồi yên, không muốn nói chuyện nữa. Nó đang thu cả cái sân cỏ mênh mông lẫn hàng chục ngàn khán giả vào đầu óc nó. Tự dưng, nó nhớ bài tập đọc ở "Quốc văn Giáo khoa thư" lớp dự bị : "Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, thế mà dây cứa mãi gỗ cũng phải đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ." Bố Chương còm đã bảo chiêm bao sẽ thành sự thật nếu mình tin tưởng và cố gắng trau dồi, học hỏi. Bồn lừa dư tin tưởng. Nó sẽ cố gắng trau dồi tài đá bóng. Bồn lừa mong mỏi ngày nó nhìn thấy nó soi mình ở phiến đá thần. Bồn lừa ơi, vận động trường sẽ thuộc về mày và bạn bè mày. Khán giả sẽ vì mày mà vui buồn, vì mày mà hoan hô, mắng nhiếc mày. Mày là linh hồn của tổ quốc. Thiếu mày, cả Việt-nam sẽ rũ tại các đấu trường trên thế giới.

Hàng loạt pháo tay giòn giã, không dứt. Bồn lừa ngẫng mặt, nhìn xuống sân cỏ. Hội tuyển quân đội Anh đang lần lượt từng người, chui lên khỏi miệng hầm. Máu trong cơ thể râm ran. Hội tuyển quân đội Anh người nào người nấy như khổng lồ cả. Hèn chi, chiều thứ sáu họ chả đè ngã Tổng Tham mưu. Họ đang chạy vòng quanh sân, quần áo lôi thôi lếch thếch. Người nhét áo trong quần, người bỏ áo ra ngoài quần. Nhất là thủ môn thì càng bê bối. Đầu tóc bơ phờ. Dáng điệu thất thểu. Đội cầu này giống một đoàn xiệc mà anh thủ môn là chú hề. Một đoàn xiệc ! Đúng rồi. Ông Huyền Vũ đã nói ở máy thu thanh rằng họ làm trò ảo thuật. Ai dám ngờ mười một gã lôi thôi lếch thếch kia lại chứa đựng ở mỗi cặp chân một chân trời nghệ thuật nhồi bóng ? Họ chạy. Khán giả vỗ tay liên miên. Tiếng pháo tay làm Bồn lừa khó chịu. Họ đã tụ họp giữa sân quây thành cái vòng tròn, biểu diễn đầu và những cú gót. Khán giả vỗ tay mãnh liệt hơn. Trái bóng tung cao. Một người nhẩy ra đội đầu. Một người giơ chân hứng. Trái bóng rơi đúng mu bàn chân anh cầu thủ như tảng đất cầy rơi vào lưỡi cuốc. Anh này hất bóng chuyền cho bạn. Rồi đội đầu hụt, dùng luôn gót móc bóng. Trái bóng không rớt hàng mấy phút liền. Và hàng mấy phút ấy, tiếng vỗ tay cũng không ngớt.

Dzũng Đakao hét lớn :

- Ối giời ơi !

Tí điên đập chân lia lịa :

- Hay quá trời !

Bảo méo mồm, méo xệch mồm đi :

- Vô địch thế giới !

Chương còm ngó Bồn lừa. Thằng bé chớp mắt. Nó chưa hề vỗ tay hay buông lời khen. Chưa có gì thấm tháp với giấc mơ của nó. Hội tuyển quân đội Anh đâu có thể so với Ba-tây. Mà Bồn lừa đã tung lưới Ba-tây, đã cướp nghề của Pelé thì hội tuyển quân đội Anh đối với giấc chiêm bao của nó, nào nghĩa gì !

Khốn nỗi, không ai được nghe thiên khải hoàn ca trong giấc chiêm bao của Bồn lừa. Một mình Bồn lừa thấy đủ màu sắc huy hoàng và một mình nó nghe rõ tiếng nói của trái tim nó. Dzũng Đakao, Chương còm và bố Chương còm mới chỉ là những người đứng nhìn giấc chiêm bao của Bồn lừa qua kẽ hở của cánh cửa lòng nó.

- Coi họ biểu diễn vầy là đủ tiền rồi.

- Giờ đi về cũng bằng lòng.

- Lại được xem giao đấu, lãi quá ta.

- Xem mèo vờn chuột chứ đấu cái khỉ mốc gì. Khán giả ca ngợi hội tuyển Anh và quên hẳn hội tuyển Sài-gòn. Bồn lừa muốn bịt tai. Nhưng kìa, mười mấy con gà nhà đã chui lên khỏi hầm. Chẳng một tiếng vỗ tay nào tán thưởng. Bồn lừa vỗ tay một mình. Chương còm vỗ tay theo. Rồi đội bóng của Bồn lừa cùng vỗ tay. Và có ngần ấy người. Thành phần hội tuyển Sài-gòn gồm Rạng, Tài, Tam Lang, Thanh, Hội, Nhung, Ta, Quang, Thuận, Ngôn. Thiếu thần tượng Vinh của Bồn lừa. Thiếu Vinh là thiếu cả linh hồn tổ quốc rồi. Thiếu Vinh là bao trái tim không buồn đập. Hội tuyển quân đội Anh ra sân với Boyd, Fugerson, Scott, Kearns, B. Baxter, Gilchrist, Quinn, Gibson, Hale, J. Baxter, Sydeshann.

Tiếng còi của trọng tài Ký rít lên. Hai đội bóng sắp hàng trước khán đài trung ương, chào quan khách rồi ra giữa sân chụp ảnh trao tặng kỷ vật. Và giao đấu ngay. Vừa vào trận đã hồi hộp. Hội tuyển Sài-gòn đem bóng xuống sân địch hay hội tuyển quân đội Anh tràn qua đất nhà đều gây thích thú cho khán giả. Hội tuyển Sài-gòn không để cho đội khách làm trò ảo thuật. Bồn lừa bắt đầu nhấp nhổm. Và trên môi nó, đã có nụ cười. Ngũ phong Sài-gòn châm ngòi liên tiếp, đều bắn cả ra ngoài. Tả vệ Scott như một bức thành đá, ngăn chặn và phá vỡ các loạt tấn công của đối phương. Anh thủ môn Boyd đứng dựa lưng vào trụ thành, rất nhàn hạ. Trái lại, Rạng đã bắt trối chết những trái sút thần sầu của địch thủ.

Phút thứ hai mươi, Gibson đánh đầu một quả tuyệt diệu vô góc thành của Rạng. Thủ môn tài ba đã bổ mình bắt gắn trái bóng. Khiến Gibson phải vỗ tay. Nhưng kẻ vỗ tay lâu nhất là Chương còm. Hiệp đầu, hai bên hòa nhau. Qua hiệp nhì, Vinh vào thay Ta, Vinh đã xuất hiện. Linh hồn của tổ quốc đã nhập vào lá cờ treo trên lầu đồng hồ. Thần tượng của Bồn lừa đã làm trái tim Bồn lừa đập mạnh.

- Có Vinh rồi.

- Mình chơi hay thật. Sao bỗng dưng mình chơi hay thế ?

- Đâu chịu thua gì Ăng-lê.

- Rạng đúng là thủ môn đê nhất Á-châu.

- Đã biết mèo nào cắn mỉu nào.

Bây giờ khán giả tâng bốc hội nhà đủ lời. Những người đánh cá hội tuyển Sài-gòn 4-0 coi mòi lo lắng. Hiệp nhì cũng gay cấn liền tự phút đầu. Song càng đấu, gà nhà càng mệt mỏi. Thành thử, chỉ có thủ mà không có công. Thần tượng của Bồn lừa, đúng lời ông Huyền Vũ bình luận, chỉ là ngôi sao mờ, vờn vẽ phí bóng và bị mất bóng hoài.

Bồn lừa thương Vinh. Nó ngỡ Vinh bị thôi miên. Vinh đã làm trò ảo thuật cho đội bóng nhà nghề Pérou chiêm ngưỡng, sao Vinh nỡ để đội bóng Anh coi thường. Bồn lừa ơi, một con chim én không làm nổi mùa xuân thì một Vinh thần tượng của mày sức mấy mà đá bại đội bóng Ăng-lê.

Đến phút thứ 18 của hiệp nhì, Gibson sút một trái búa bổ cách khung thành Rạng hai mươi thước. Trái bóng hiểm độc đã tung lưới hội tuyển Sài-gòn. Cầu trường vỗ tay vang dội. Bồn lừa ứa nước mắt. Chương còm, Dzũng Đakao buồn hiu. Quyên Tân-định không thèm vỗ tay nữa. Cả đội bóng của Bồn lừa thẫn thờ cơ hồ chính chúng nó vừa bị bại trận.

Những đứa trẻ Việt-nam xót xa cho màu cờ, sắc áo của xứ sở. Chúng nó muốn Việt-nam phải thắng. Thắng tất cả các đội bóng qua đây. Việt-nam thắng, uy danh Việt-nam sẽ lẫy lừng. Song Gibson vừa tung lưới Rạng.

Bồn lừa vươn tay, Phủ Đổng Thiên Vương đã có trong lịch sử. Một khoảnh khắc mộng mơ. Bồn lừa thấy nó lớn lên, đôi chân nó nạm vàng. Và hội tuyển quân đội Anh chọc thủng Iưới Rạng liên tiếp năm trái. Tới phút thứ ba muơi, Chương còm vào thay Rạng, nó vào thay Vinh. Mười phút sau, một mình Bồn lừa tung lưới Boyd năm trái, san bằng tỷ số. Bồn lừa làm xiếc cho Gibson, Quinn, Baxter lé mắt. Còn Chương còm biểu diễn đôi tay dính nhựa mít sa lanh. Rồi Bồn lừa tung thêm một trái nữa, đem chiến thắng huy hoàng tặng cho xứ sở, tặng nền túc cầu xứ sở của nó. Và hai tiếng Việt-nam in hẳn trong tim đoàn kình lữ quân đội Anh, in hẳn trong tim dân chúng đảo quốc. Thế giới biết coi chừng, kẻo sang Việt-nam rước về nỗi nhục chua chát.

Đôi mắt Bồn lừa mờ đi. Tiếng hò hét cổ võ trung phong Quang nổi dậy ầm ầm. Quang sút, Ngôn dứt, Vinh sút, Dậu dứt. Những cú sút không bao giờ lọt lưới. Đội khách ném biên thật xa, sút hai góc đúng tầm đầu đồng đội. Mỗi cầu thủ khách là một cái máy đánh "cú tết" lợi hại. Họ có cái cổ mạnh nên đã điều khiển trái bóng đúng ý muốn khi dùng trán hay dùng đầu. Rạng bắt bóng vất vả. Nhà thủ môn số một Việt-nam có dịp biểu diễn tài nghệ cá nhân. Rạng bắt bóng ai dám chê ? Nhưng tới phút chót trước khi mãn trận đấu, Quinn ở một thế rất khó đá, đã đá móc một trái tuyệt cú mèo đến nỗi Rạng đành bó tay. Thế là hết hy vọng. Hội tuyển Sài-gòn lãnh đủ hai trái bóng không gỡ. Cầu trường sấm sét. Tất cả đều xuýt xoa khen tài hội tuyển quân đội Anh và quả quyết họ đáng thắng. Thua ba trái là mình giỏi rồi.

Bồn lừa không tin vậy. Đội bóng của nó kéo nhau ra về. Bồn lừa đi chung xe với bố con Chương còm. Dzũng Đakao, Quyên Tân-định về bằng ô tô buýt. Ngồi trên xe, Bồn lừa im thin thít, Bố Chương còm hỏi nó :

- Cháu buồn hả, Bồn lừa ?

Bồn lừa đưa cánh tay quệt nước mắt :

- Tại sao Việt-nam cứ thua các đội bóng ngoại quốc hả, bác ?

Bố Chương còm mím môi suy nghĩ. Rồi ông nói :

- Việt-nam đã từng thắng nhiều đội cầu ngoại quốc qua đây mà cháu.

Bồn lừa lắc đầu :

- Toàn thắng Trung-hoa !

- Thế cũng giỏi chán.

- Cháu chả thấy giỏi gì cả, bác ạ !

- Vì cháu còn bé. Lớn lên, cháu sẽ biết nhiều và cháu sẽ ngậm ngùi tự khen Việt-nam giỏi về đá bóng. Các cầu thủ trứ danh của ta đã trau dồi tài nghệ như các cháu bây giờ. Mỗi người là một thiên tài. Có ai dạy Vinh lừa bóng, dạy Rạng bắt bóng đâu. Nhưng Vinh, Rạng thua cháu xa, Cháu hiểu chưa ?

- Cháu chưa hiểu.

- Cháu dám mơ ước Việt-nam đá bại Ba-tây là cháu hơn Vinh, Rạng, hơn cả bác rồi đấy, Bồn lừa ạ !

- Việt-nam thừa sức thắng Ba-tây hả, bác ?

- Thừa sức.

- Cháu sẽ tung lưới thế giới.

- Chỉ cháu mới làm đưực thế.

Khuôn mặt Bồn lừa rạng rỡ. Nó quên béng nỗi nhục của Vinh, Rạng, Tam Lang. Bồn lừa nháy Chương còm. Hai đứa trẻ toét miệng cười. Xe hơi đã chạy trên con đường vắng. Tiếng máy êm êm. Êm êm cơ hồ hơi thở của Bồn lừa.

7

TRƯA SÀI-GÒN LÀ MỘT BIỂN LỬA. Sân Hoa Lư ngập nắng. Nắng cháy cỏ non. Nắng thiêu nhiều máng cỏ trên sân, chỉ còn lại cát trông y hệt những vết loang trắng ở lưng con bò vàng. Chương còm cởi áo, quấn lên đầu làm nón. Nó đứng giữa hai cột gôn. Ôi, hai cột gôn, sao mà cao thế ! Cái sà ngang mới dài chứ. Chương còm đã đứng trong sự cao, dài ấy với Bồn lừa và giấc mộng tung lưới Ba-tây của nó.

Bồn lừa mặc trần xì chiếc quần xà lỏn. Nó để đầu phơi nắng, trái bóng đặt cách gôn mười lăm thước, Bồn lừa chạy lấy đà trong khi Chương còm cong lưng, nhấp nhổm. Trái bóng tung cao vừa tầm. Chương còm nhẩy lên bắt gọn. Nó ném ra cho Bồn lừa. Thằng nhỏ lại đặt bóng chỗ cũ. Lần này nó sút sệt. Chương còm "bông nhông" chụp bóng. Cứ vậy, hai đứa trẻ tập sút, tập bắt, không thèm biết nắng gió.

Nửa tiếng sau, Dzũng Đakao, Quyên Tân-định, Tí điên, Tư chăn vịt, Bảo méo mồm, Tiến gầy, Sơn trán cao, Hưng mập, nhóc con Hùng đã lần lượt tới. Chúng nó chơi một gôn để Bồn lừa tập làm bàn và Chương còm, Hưng mập, Tí điên tập thủ thành. Quần thảo toát mồ hôi, mãi đến ba giờ chúng nó mới nghỉ.

Cả bọn kéo nhau đi tắm. Từ ngày được bố Chương còm cấy cây hy vọng vào tim, Bồn lừa say sưa luyện tập. Nỗi say sưa của nó quyến rũ luôn đội bóng của nó. Và Quyên Tân-định không còn mong muốn xách giầy cho Pelé hay làm mướn cho Tồng-cuộc Túc-cầu đề được nhặt bóng ở các trận cầu quốc tế. Nó mơ ước hách hơn điều nó đã mơ ước.

Thỉnh thoảng, bố Chương còm ra sân Hoa Lư xem anh em Bồn lừa trau dồi nghệ thuật. Từ Dzũng Đakao đến Quyên Tân-định đều cảm thấy hãnh diện và tin tưởng chúng nó sẽ đá hay hơn Vinh, Quang, Tam Lang. Bố Chương còm "bao" đội bóng Bồn lừa giải khát và ăn mì. Đội bóng của Bồn lừa dần dần hết địch thủ. Bọn bán báo né, bọn đánh giầy chạy, bọn Thị-nghè kiềng. Mười một ông nhóc phải đi tìm địch thủ mới. Chúng nó hạ vài trường trung học tư. "Danh tiếng" đội bóng của Bồn lừa nổi như cồn trong thế giới túc cầu học trò.

Bồn lừa đem anh em qua Thủ-thiêm đá giao hữu. Chúng nó đã lãnh "cúp" mười một trái bưởi. Sang Chợ-lớn đấu với các trường tiểu học Tầu, anh em Bồn lừa được công kênh như các anh hùng. Bố Chương còm viết báo "thổi" đội bóng Bồn lừa. Bỗng nhiên, cả nước biết tiếng Bồn lừa. Những huấn luyện viên của Tổng-cuộc Túc-cầu bắt đầu chú ý đến chân cẳng của đám nhô con này. Người ta đồng ý rằng mỗi ông nhô là một thiên tài. Người ta còn đi quá đà để quả quyết mỗi đôi chân ông nhô đều gắn bó linh hồn trái bóng và mỗi tâm hồn ông nhô đều thu gọn sân cỏ và những chiến thắng tương lai.

Nhưng ngày tháng, dường như, quá chậm chạp. Bồn lừa chưa thấy nó lớn thêm tí ti ông lão nào. Nó buồn lắm. Bồn lùa buồn hay vui, bây giờ, nó thường tâm sự với bố Chương còm. Chỉ có bố Chương còm mới hiểu được nó. Nghe Bồn lừa thèm chóng lớn, bố Chương còm bảo nó:

- Câu này cũ rích lắm cháu ạ ! Đó là câu "thiên tài là sự cô gắng không ngừng". Cháu cứ cố gắng đi, rồi tự nhiên tài nó đến đúng tuổi cháu. Từ xưa, có ai làm nổi lịch sử trong khoảnh khắc đâu. Vua Lê Lợi đuổi quân Tàu phải mất mười năm cơ mà.

Bồn lừa lại thộn mặt ra. "Cố gắng không ngừng", đội bóng của Bồn lừa cố gắng trên sức tưởng tượng của bố Chương còm. Bồn lừa muốn soi hình nó vào phiến đá thần. Ngày vờn bóng, đêm dệt mộng mơ. Bồn lừa sống thừa thãi tuổi thơ của nó, tuy bố nó nghèo. Biết mộng mơ thì chẳng bao giờ bị sự nghèo túng hành hạ mình. Biết mộng mơ làm đẹp cho quê hương thì lại chẳng có gì hành hạ nổi mình. Bồn lừa ơi tao yêu mày quá, tao muốn yêu hàng triệu em bé Việt-nam như mày.

Giấc chiêm bao trưa nào của Bồn lừa mỗi ngày một rõ rệt. Nó nhớ nguyên vẹn. Và nó đã kể cho anh em nó nghe không thiếu một chi tiết. Giấc chiêm bao càng rõ rệt, Bồn lừa càng nóng lòng. Nó đâm ra sợ chết. Nó nghĩ nó mà chết chắc đội bóng Bồn lừa sẽ tan rã. Rồi lấy ai hạ Ba-tây, hạ tất cả các đội bóng vô địch trên thế giới ? Bồn lừa không dám băng qua đường vội vã, khống dám uống nước lạnh, không dám ăn đá nhận... Nó sợ xe đụng què cẳng, sợ dịch tả. Bồn lừa hết ham tắm sông. Nó sợ chết đuối. Bồn lừa. không thích đánh lộn. Nó sợ trầy xương. Bồn lừa sự tất cả những lúc nó vắng mặt ở sân cỏ. Đời nó trao gửi cho sân cỏ. Nó muốn sống chết trên sân cỏ chứ không muốn chết ở những nơi khác. Mơ mộng hơn, nó ước ao khi nó chết, trời hóa phép nó thành trái bóng tròn của đội túc cầu Việt-nam vô địch thế giới. Để nó được viễn du đây đó, hãnh diện chung niềm hãnh diện của dân tộc Việt-nam. Bồn lừa đúng là đứa bé mơ mộng nhất nước. Không, nó mơ mộng nhất thế giới.

Chiều nay, Bồn lừa nghỉ bán bong bóng. Nó đến nhà Chương còm chơi. Bồn lừa thèm nghe được bố Chương còm khuyến khích lắm. Nhưng bố Chương còm đi làm phóng sự ở ngoài Trung. Chỉ còn ông nhô còm nhom. Hai đứa bé bàn tán những trận đấu nay mai. Rồi khi sắp hết chuyện nói, Chương còm bỗng vỗ vai Bồn lừa :

- Mày biết chuyện này chưa ?

- Chuyện gì ?

- Đội bóng rổ Hạc-lem ấy mà...

- Chưa. Mà bóng rổ tao không khoái. Ông khoái bóng tròn thôi.

- Hôm qua bố tao đem tờ báo Thao Trường về, bố tao bảo đem cho mày mỗi tuần một tờ để mày coi.

- Báo Thao Trường là báo gì ?

- Báo viết toàn tin thể thao. Ba-tây đá ở đâu, báo này thuật đầy đủ hết. Thao Trường là "trường" thể thao đó mày. Mày đọc sẽ khoái liền. Tao mới coi đã biết vô số chuyện thể thao. Ông "trộ" thằng Dzũng Đakao, nó lé mắt ngay tuýt xuỵt.

- Thế đội bóng rổ Hạc-lem ra sao ?

- Hạc-lem là khu vực của dân Mỹ đen tại thành phố Nữu-ước. Nơi đây nghèo khó nhưng có đội bóng rổ xuất chúng của người da đen gọi là đội bóng rổ Hạc-lem. Mẹ, đội bóng này "chơi" hay đến nỗi không đội bóng nào trên thế giới dám đấu với nó. Thành ra, nó chỉ đi biểu diễn.

- Hay vậy cơ à ?

- Ừa, nó dư sức làm trái bóng nửa tiếng liền không rơi xuống đất. Nó múa may, luồn bóng qua chân như làm xiệc.

- Ác quá nhỉ !

- Nó biều diễn cho Đức Giáo-hoàng coi.

- Chắc "ổng" khoái dữ.

- Ừa, "ổng" vỗ tay khen tuyệt cú mèo !

Bồn lừa lại đần mặt ra mơ mộng. Nó mơ đội bóng của nó sẽ xuất chúng như đội bóng rổ Hạc-lem. Thế giới đã viết về khu Hạc-lem thế nào, sẽ viết về khu Tân-định của nước Việt-nam giống thế. Và người ta cũng quen gọi đội bóng tròn của nó là đội bóng Bồn lừa. Đội bóng Bồn lừa hạ hết địch thủ, viễn du khắp gầm trời biều diễn nghệ thuật nhồi bóng. Rồi đội bóng Bồn lừa sẽ biều diễn cho Đức Giáo-hoàng coi.

- Tụi mình sẽ ác hơn, Chương còm ạ !

- Ác hơn ký gì ?

- Ác hơn tụi Hạc-lem. Mày thích không ?

- Thích là cái chắc.

- Đức Giáo-hoàng sẽ lác mắt.

- Tao muốn "ổng" rụng râu khi thấy tao trổ tài bắt bóng dính nhựa "mít sơ lanh".

- Thôi mày, tội "ổng" chết. "Ổng" lác mắt là tụi mình hách rồi.

- Còn lâu, mày nhỉ ?

- Lâu quái gì. Bố mày bảo tài nghệ lớn dần theo tuổi. Hễ tụi mình mười tám tuổi là chúng nó biết tay tụi mình.

- Mời hội tuyền quân đội Anh qua gấp.

- Hạ nó một lô.

- Tặng Thụy-điển cái xe bò chở trứng vịt.

- Bọn Đại-hàn hay lấy thịt đè mình ở Á Vận-hội và giải Mẹc-đơ-ca sẽ tung lưới chúng đủ năm trái.

Hai đứa bé nắm tay nhau, đứng lên nhảy cỡn. Dường như, chúng nó đã lên tới ngọn núi. Một lát đú đởn, Chương còm hỏi Bồn lừa :

- Thằng Quyên Tân-định "bốc" mày chưa ?

- Lại uýnh lộn à ?

- Ừa, nó "tuyên chiến" với bọn nhỏ Mỹ.

- Tao không đánh lộn nữa.

- Mày sợ à?

- Ừa.

- Tại sao mày sợ ?

- Ông phải giữ chân cẳng để làm lác mắt Đức Giáo-hoàng, chứ bộ !

Bồn lừa bồi tiếp một đòn :

- Với lại, bố mày khuyên chúng mình chỉ nên chiến đấu trên sân cỏ.

Chương còm tịt ngòi. Bố nó khuyên chẳng sai lầm bao giờ. Chương còm ưỡn ngực đầy xương sườn :

- Tao cóc đánh hộ con nhà Quyên Tân-định. Hì hì, nhỡ què tay, bắt bóng bằng chân à ? Hà hà hà... Ông khoái bắt bóng cơ.

Bồn lừa giục bạn.

- Mày đưa tao tờ báo Thao Trường đi!

Chương còm chạy lên lầu lấy tờ báo cho Bồn lừa. Con nhà trung phong này dở ngay trang tường thuật đội Santos của Pelé đấu với đội Madrid của Tây-ban-nha. Nó say sưa đọc từng chữ. Từ hôm đó, tờ báo Thao Trường bị gấp lại và hễ ra khỏi nhà là nó nhét tờ "trường dạy thể thao" vô cạp quần. Bồn lừa thực hiện đúng câu "văn ôn vũ luyện". Đọc báo thể thao và tập rượt thể thao, Bồn lừa quên hẳn chuyện ngày rộng tháng dài. Như cây đu đủ, không ai nhìn thấy nó lớn cả. Bất chợt, vào đầu mùa hạ, cây đu đủ cao vượt lên, trổ hoa và hứa hẹn nhiều trái ngon khi những con ve sầu thôi rền rĩ.

8

ĐẦU MÙA, ĐỘI BÓNG TRÒN CỦA Bồn lừa được Tổng-cuộc Túc-cầu công nhận và cấp thẻ cầu thủ. Những Dzũng Đakao, Tí tiên, Chương còm... mỗi đứa đã có một cái thẻ. Với thẻ cầu thủ, chúng nó khỏi lo leo tường vào sân Cộng-hòa coi cọp các trận cầu quốc tế. Vì năm nay, chúng nó đã lớn, đã thành thiếu niên và ở trong hội Thiếu-niên của ông bầu Thương Sinh. Cuối mùa, hội Thiếu-niên đá bại các hội hạng nhì, chiếm giải vồ địch. Ra quân trận nào là thắng trận ấy, Chương còm giữ "gôn" cừ đến nỗi suốt mùa bóng, lưới của nó không bị tung lần nào. Tuần báo Thao Trường giới thiệu hội Thiếu-niên với tất cả cảm tình chân thật. Ông Thiệu Võ đã kết thúc bài bình luận của ông bằng câu : "Hội Thiếu-niên của bầu Thương Sinh gom những ngôi sao sáng chói nhất. Nếu túc cầu là môn thể thao đòi hỏi "giơ" đồng đội thì đây, hội Thiếu-niên là đội bóng chơi đúng lý thuyết bóng tròn của thầy bóng tròn Anh quốc. Họ đã ăn"giơ" từ thủ môn đến trung phong. Hội Thiếu-niên thừa khả năng thay thế các hảo thủ đàn anh ngay tự bây giờ".

Nhưng hội Thiếu-niên chưa được vinh hạnh thay thế các đàn anh trong các trận cầu quốc tế. Một năm trôi qua. Hội Thiếu-niên lên một tuổi. Trước khi giải túc cầu mở mùa, ông Thương Sinh đã đưa đội bóng của ông viễn du miền Tây. Và hội Thiếu-niên gặt hái nhiều chiến thắng cũng như cảm tình của giới mộ điệu ban da. Rồi hội Thiếu-niên lại dễ dàng loại các đàn anh để chiếm giải vô địch hạng nhất. Báo chí khen ngợi rầm rộ. Song, trận đấu tranh giải vô địch hạng nhất chẳng quyến rũ khán giả mộ điệu đông nghẹt sân Cộng-hòa. Thỉnh thoảng, hội Thiếu-niên đá giao hữu với Tổng Tham-mưu, Quan-thuế, A.J.S. Đá giao hữu thì sự thắng bại không có nghĩa gì. Phải đợi năm hội Thiếu-niên ba tuổi, ông bầu Thương Sinh vận động cho hội mình tranh giải danh dự, hội Thiếu-niên mới thực sự được cả nước chú ý.

Hội Thiếu-niên quật ngã những cây tre già Quan-thuế, A.J.S. không mấy khó khăn để vào chung kết với Tổng Tham-mưu. Hôm ấy, trời trong, mây đẹp, nắng dịu dàng. Hội Thiếu-niên ra quân đủ mặt tài danh: Chương còm, Tí điên, Hưng mập, Sơn trán cao, Tư chăn vịt, Bảo méo mồm, Tiến gầy, Bồn lừa, Dzũng Đakao, Quyên Tân-định, nhóc con Hùng, Khán giả chen nhau cơ hồ cá xếp trong hộp ở các khán đài cánh và bình dân. Hội Thiếu-niên biễu diễn tài nghệ. Mười một thiên tài trẻ tuổi đã làm ngây ngất ba chục ngàn khán giả và hàng triệu thính giả nghe trực tiếp truyền thanh.

Suốt mấy năm liền, người ta mới tận mắt thấy ngọn đuốc túc cầu bùng cháy khi Bồn lừa lừa bóng, tung lưới ; khi Chương còm bắt bóng dính nhựa ; khi Hưng mập thủ thành ; khi Sơn trán cao phá bóng. Mười một vị hoàng tử vờn vẽ trên sân cỏ xanh mướt. Hàng triệu con tim nhảy múa. Tổng Tham-mưu bị đè bẹp 6 bàn không gỡ. Mỗi người Việt-nam ngồi ở sân Cộng-hòa đều nghĩ rằng hội Thiếu-niên đã mở kỷ nguyên mới cho nền túc cầu Việt-nam.

Báo chí ùa tới chụp hình, phỏng vấn. Trẻ con chạy nhao nhao xuống sân sờ đùi, nắm tay các cầu thủ hội Thiếu-niên. Chúng công kênh Bồn lừa, rước quanh sân. Bồn lừa méo xệch mồm đi. Mắt nó rưng rưng lệ. Nó đã leo được lên ngọn núi, đã thấy phiến đá thần. Nhưng chưa soi hình nó vào phiến đá nổi. Cần đá bại Ba-tây. Mười một vị hoàng tử giao đấu suốt 80 phút mà không hề mệt. Họ sắp hàng chạy chào khán giả trong sấm sét hoan hô vang dậy. Ngay buổi tối thắng giải vô địch danh dự, hội Thiếu-niên được Hội Các Ký-giả Thể-thao mời ăn tiệc chúc mừng tại nhà hàng Majestic. Thủ quân Bồn lừa, thay mặt đội bóng, trả lời ông Huyền Vũ những câu hỏi hắc búa.

- Tại sao hội Thiếu-niên không có cầu thủ phòng hờ ?

- Một đội bóng phi thường là một đội bóng không cần cầu thủ phòng hờ.

- Nếu bị đốn ngã thì sao ?

- Thì chơi ít người.

- Thủ môn bị đốn ?

- Hậu vệ thay thế.

- Trung phong bị đốn ?

- Thiếu gì người tung lưới địch.

- Hội Thiếu-niên có định tranh các giải Merdeka và Á Vận-hội không ?

- Có chứ, với điều kiện Tổng-cuộc đặt hết tín nhiệm vào hội Thiếu-niên.

Sợ câu trả lời của mình "hỗn" quá, thủ quân Bồn lừa vội giải thích :

- Anh em tôi chỉ có thể làm nên trò trống nếu chúng tôi chơi toàn đội. Chúng tôi hy vọng hội Thiếu-niên sẽ được đại diện quốc gia, giao đấu tại các vận động trường thế giới.

Ký giả Huyền Vũ siết tay Bồn lừa:

- Báo chí sẽ làm hậu thuẫn cho hội Thiếu-niên.

Năm ấy, các hội nhà nghề Âu-châu, Mỹ-châu viễn du tưng bừng. Họ qua Á-châu, tung hoành ở Do-thái, thao túng Mã-lai-á, ca khúc khải hoàn ở Hương-cảng, Nhật-bản, Đại-hàn. Trên đường về, mỗi hội đều muốn biết Việt-nam. Một là để nghỉ chân, hai là đề lượm thêm chút bạc. Hội đầu tiên khai mạc những trận quốc tế tại vận động trường Cộng-hòa là Milan của Ý-đại-lợi. Ý-đại-lợi đã từng đoạt hai lần giải túc cầu thế giới. Những con cưng của, hội Milan, phần đông, đều "nhập cảng" từ Nam Mỹ, vườn ươm sao sáng bóng tròn, quê hương của Pelé, Garrincha... Hội Milan, năm rồi, đá bại tất cả các hội nhà nghề trong nước chiếm giải vô địch Ý-đại-lợi. Chuyến viễn du Á châu, họ chỉ biết thắng chứ chưa hề biết thảm bại.

Hội Milan nhận đấu ba trận với Tổng Tham-mưu, hội tuyển Sài-gòn và đương kim vô địch Việt-nam : Thiếu-niên. Trận đấu Milan đụng Tổng Tham-mưu, hạ hội nhà binh 4 bàn không gỡ. Trận thứ hai, Milan gặp hội Thiếu-niên. Cầu trường không hở một tấc, ở những khán đài bình dân. Khán giả Việt-nam đi xem anh em Bồn lừa rửa mối nhục "tiểu nhược quốc". Những người cả đời chưa coi đá bóng, cũng chen rách áo hoặc mua vé chợ đen xem trận đấu lịch sử này. Bồn lừa, hai tiếng đó như hai tiếng của mầu nhiệm, len lỏi vào mạch máu của mỗi người Việt-nam. Những em bé nghe hai tiếng Bồn lừa bỗng cảm thấy mình lớn lên, phi thường cơ hồ Bồn lừa ! Đó là thần tượng của nhi đồng, là anh hùng vô địch. Tổng thống Việt-nam cứ chết đi, không ai thèm khóc cả, nhưng Bồn lừa mà chết, chắc chắn hàng triệu nhi đồng lăn xuống đất, khóc nức nở thâm quầng mắt. Bồn lừa bất tử. Kẻ làm đẹp cho quê hương bất tử. Bồn lừa ơi, mày nghe rõ chưa ? Hàng triệu em bé đang muốn phi thương trên sân cỏ, trong mọi lãnh vực. Hãy đá bại Milan.

Hội Thiếu-niên bắt hội nhà nghề Milan, vô địch Ý-đại-lợi, phơi áo với tỷ số thê thảm : 6 trái. Milan gắng sức kiếm một trái danh dự mà đành thất vọng tới phút mãn cuộc. Chiều đó, gió thổi mạnh song cờ Ý không tung bay nổi. Chỉ có cờ Việt-nam phần phật reo trong gió. Khí thế Việt-nam mạnh mẽ vô cùng. Men chiến thắng làm hăng say hội tuyển Sài-gòn. Nên trận chót, hội tuyển Sài-gòn tạo một sự ngạc nhiên : thắng Milan 2-1. Cựa của anh em Bồn lừa đã phô. Cựa của con cháu Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã phô và Milan phơi áo. Tin này làm xúc động cả nước Ý, làm bàng hoàng thế giới. Các hội bóng Âu, Mỹ nóng lòng sang Việt-nam. Và họ đã sang để đau đớn phơi áo như Milan. Phơi áo trong nỗi cảm phục. Trên bản đồ thế giới, nước Việt-nam bé nhỏ được hàng trăm nước lấy bút chì màu tô thẫm nét.

Việt-nam thuộc Á-châu đấy. Hình cong giống chữ S hai đầu phình ra, giữa thót lại. Người Việt-nam vốn là dòng giống Bách-việt có lịch sử lập quốc vĩ đại nhất thế giới, có huyền sử "trăm con trăm trứng" đẹp nhất loài người. Dòng giống Bách-việt là dòng giống văn minh trước nhất nhân loại. Dòng giống đó kiêu hùng như rồng, phóng khoáng như tiên. Chưa một nước nào dám đơn phương đánh nước Trung-hoa, trừ dòng giống Bách-việt. Đánh Trung-hoa là thắng, không biết bại. Nước Việt-nam có điệu thơ mơ màng nhất thế giới là thơ lục bát. Thơ lục bát lơ lửng trong tâm hồn mọi người Việt-nam cơ hồ tiếng sáo diều của họ lơ lửng trên bầu trời. Không nước nào bắt chước người Việt-nam làm thơ lục bát được. Nước Việt-nam lại có đội bóng tròn bách chiến bách thắng gồm Chương còm, Bồn lừa, Tí điên, Tư chăn vịt, Dzũng Đakao, Tiến gầy, Hưng mập, Sơn trán cao...

Thế giới đã biết Việt-nam như vậy đó. Bồn lừa và anh em nó bắt thế giới phải biết quê hương Việt-nam của anh em nó. Thế giới khâm phục Việt-nam rồi. Bồn lừa đã tới. Cả nước đồng ý bầu hội Thiếu-niên làm Hội-tuyển Quốc-gia. Kỳ này, hội Thiếu-niên, đại diện Việt-nam, tham dự giải vô địch bóng tròn thế giới.

9

ĐOÀN CẦU VIỆT-NAM ĐÃ LOẠI CÁC đoàn cầu quốc gia Á-châu để cùng mười lăm nước Ba-tây, Đức, Anh, Hung, Mễ- tây-cơ, Nga, Tây-ban-nha, Ý-đại-lợi, Tiệp-khắc, Trí-lợi, Thụy-sĩ, Thụy-điển, Bồ-đào-nha, Nam-tư, Bảo-gia-lợi vào chung kết ở Trí-lợi.

Trí-lợi là một quốc gia thuộc Nam Mỹ-châu, diện tích bẩy trăm bốn mươi mốt ngàn bẩy trăm sáu mươi bẩy cây số vuông, gồm bẩy triệu rưỡi dân. Họ nói tiếng Tây-ban-nha và theo đạo Thiên Chúa. Bốn mươi bẩy phần trăm dân Trí-lợi là dân da trắng. Số còn lại lai căng và khoảng hai trăm ngàn dân da đỏ Araucans. Thủ đô Trí-lợi mang tên Santiago, dân số chừng một triệu năm trăm ngàn người. Hai thành phố lớn nhất sau Santiago là Valparait và Conception.

Mười sáu hội sang Trí-lợi sẽ chia nhau đấu ở các sân Arica, Vina Del Mar, Santingo và Rancagua. Arica là một hải cảng nằm phía bắc Trí-lợi, cách Santiago hai ngàn một trăm cây số. Sân vận động tỉnh này chứa được hai mươi lăm ngàn khách mộ điệu. Sân Arica đón tiếp các hội Nga, Nam-tư, Bồ-đào-nha, Thụy-điển.

Vina Del Mar cách Santiago một trăm bốn mươi lăm cây số, nằm về phía Thái- bình-dương, nơi có nhiều hồ, bãi biển thơ mộng. Sân vận động tỉnh Vina Del Mar chứa được ba mươi hai ngàn khán giả. Sân Vina Del Mar tiếp đón các hội Ba-tây, Mễ-tây-cơ, Tây-ban-nha, Tiệp-khắc. Rancagua ở phía Nam Santiago, cách thủ đô Trí-lợi tám mươi cây số. Rancagua là một tỉnh nhỏ. Sân vận động chứa được hai mươi lăm ngàn người. Sân này tiếp các hội Hung-gia-lợi, Anh, Bảo-gia-lợi, Ý-đại-lợi. Còn sân Santiago chứa bảy mươi lăm ngàn khán giả, tiếp đón các hội Việt-nam, Trí-lợi, Thụy-sĩ, Tây Đức.

Việt-nam đá bại Trí-lợi, Thụy-sĩ, Tây Đức đứng đầu để vào bán kết. Rồi đá bại Nga, Tây-ban-nha, Tiệp-khắc để vào chung kết tranh giải vô địch với đương kim vô địch túc cầu thế giới Anh-cát-lợi.

Ngay từ trận đầu hạ đội cầu của nước tổ chức giải là Trí-lợi, báo chí Mỹ-châu và Âu-châu đã đoán rất sớm Việt-nam vào chung kết. Nhà trung phong Bồn lừa, suốt hai tuần lễ tại Trí-lợi, hôm nào cũng là đề tài tám cột báo trên trang nhất. Ngôi sao Pelé, Eusebio lu mờ, tắt hẳn, nhường vòm trời cho Bồn lừa. Viên huyền châu Pelé, con báo gấm Eusebio, không ai thèm nhắc tới nữa. Bồn lừa. Bồn lừa là thần tượng mới.

Dân chúng Trí-lợi không bao giờ dành cảm tình cho đội bóng nào bắt đám con cưng của họ phơi áo. Thế mà họ đã hoan hô, ngưỡng mộ mười một hảo thủ nhô con Việt-nam. Cả Mỹ-châu, cả Âu-châu tự kiêu tự đại nghiêng mình phục Việt-nam. Thế giới có bao nhiêu người mê say bóng tròn thì bấy nhiêu người thuộc lịch sử, địa dư nước Việt-nam.

Báo chí Pháp công khai xin lỗi nước Việt-nam và coi chuyện tám mươi năm đô hộ là chuyện nhục nhã của dân tộc Pháp. Bóng tròn đã làm lu mờ tất cả và khuynh loát chính trị. Thế giới hướng về Trí-lợi mong ước Việt-nam đoạt cúp Jules Rimet và đòi hỏi hòa bình danh dự cho dân tộc Việt-nam.

Thế giới lên án những kẻ gây chiến tranh, những tên lái súng, những âm mưu thực dân mới. Không qua Trí-lợi với tư cách các nhà ngoại giao nhưng anh em Bồn lừa đã trở thành các nhà ngoại giao, phục vụ quê hương đắc lực. Hai tiếng Việt-nam sơn son thiếp vàng trong tim nhân loại. Người ta ngước nhìn cờ Việt-nam đang bay, nghiêm trang kính cẩn.

Buổi chiều hôm vào chung kết, sân cỏ Santiago muốn nứt ra. Vì khán giả kỷ lục.

Hàng trăm ngàn người vây quanh vận động trường hò hét, phẫn nộ, không mua được vé. Những người giầu thuê máy bay trực thăng bay trên trời, dùng ống nhòm theo rõi trận đấu. Anh-cát-lợi ra quân với :

Springett
Armfield, Wilson
Anderson, Flowers, Swan
Charlton, Hunt, Haynes, Peacock, Kevan

Việt-nam ra quân với :

Dzũng, Tiến gầy, Bồn lừa,
Quyên Tân-định, nhóc con Hùng
Tì điên, Sơn trán cao, Bảo méo mồm
Hưng mập, Tư chăn vịt
Chương còm

Khí vừa chui ở hầm vận động trường lên, Việt-nam đã được ngót trăm ngàn khán giả chèn cá hộp trên các khán đài sân Santiago cổ võ tưng bừng.

- Viet-nam, le premier !

- Viet-nam, il primo !

- Viet-nam, number one !

Ba thứ tiếng biểu dương lòng khâm phục của thế giới bóng tròn. Việt-nam số dzách. Thủ quân Bồn lừa phá luật quốc tế, cho anh em xếp hàng, chạy quanh sân một vòng chào khán giả.

Mũ, khăn mùi xoa, hoa ảnh, cả giấy bạc nữa, tung như mưa lá me đầy sân. Bắt tội ban tổ chức phải đi lượm. Khán giả muốn cho Việt-nam tất cả, cho cả trái tim họ. Những cô sinh viên Trí-lợi đẹp tuyệt vời đã nhẩy cỡn, hét lớn :

- Bon lua, I love you.

- Bon lua, Je t'aime.

Bồn lừa đưa anh em ra giữa sân, quây tròn lại, biểu diễn vài xảo thuật. Khán giả muốn nổi điên. Anh-cát-lợi chỉ mới coi Việt-nam biểu diễn vài đường huê mỹ đã toát mồ hôi trán rồi.

Tiếng còi rít lên. Một trăm ngàn con tim trong sân Santiago đứng lại. Hàng trăm ngàn con tim ngoài sân Santiago ngừng đập. Hàng triệu triệu khán giả theo rõi trận đấu bằng vô tuyến truyền hình hồi hộp, trông chờ. Sinh hoạt tại các nước trên thế giới cơ hồ tê liệt. Ống khói của các nhà máy thôi phun khói. Tàu bè hạ neo. Công xưởng nghỉ việc. Đường phố vắng hoe. Tất cả đổ xô vào những quán rượu, những nơi có vô tuyến truyền hình. Những cuộc đánh cá hào hứng đã xẩy ra. Hầu như người ta đặt tiền nơi chân cẳng Việt-nam, trừ dân Anh-cát-lợi.

Ở quê hương nhà thì khỏi kể. Tin Việt-nam cho các đội túc cầu khét tiếng phơi áo để vào chung kết gặp đương kim vô địch Anh-cát-lợi đã khiến hàng triệu người khóc nức nở. Những giọt nước mắt sung sướng chảy xuống làm thành dòng sông Hồng thứ hai. Dòng sông mang tên Hãnh Diện phát nguyên tự những tâm hồn vĩ đại của Bồn lừa và anh em nó. Bất cứ một người Việt-nam nào cũng cảm giác mình lớn lên, khỏe ra, không thua kém ai. Niềm tự ti "tiểu nhược quốc" biến mất. Người Việt-nam bắt đầu mơ mộng, bắt đầu nghĩ đến nhiều chuyện phi thường khác ngoài lãnh vực túc cầu. Bồn lừa đã là cảm hứng cho những giấc mộng phi thường đó.

Anh-cát-lợi giao ban trước. Haynes gạt nhẹ cho Peacock. Anh này lừa qua mặt Tiến gầy, phóng chéo sang trái. Charlton vụt tới cướp bóng y hệt mũi tên bay trúng đích. Bồn lừa chặn bóng, chạy quanh trái bóng một vòng. Khán giả hò hét điên cuồng. Viên ngọc quý của Việt-nam vừa biểu diễn trò ảo thuật đẹp mắt. Có vẻ khinh địch thủ, Bồn lừa đã vờn vẽ trên đất nhà. Bất thần, Bồn lừa gạt bóng cho Tiến gầy. Rồi chạy vọt sang đất Anh-cát-lợi. Tiến gầy nhồi bóng ngay. Tầm bóng đi "căn" đúng đà chạy của Bồn lừa. Khi trái bóng rớt xuống đất, Bồn lừa cũng kịp tới. Nhanh hơn điện giật, Bồn lừa ngã dài làm một cú "ngả bàn đèn". Ngũ hổ Việt-nam ào ào kéo dông tố xuống vùng cấm địa Anh-cát- lợi. Hàng hậu vệ Anh hốt hoảng.

Việt-nam "đánh" chớp nhoáng, "đánh" những miếng "tắt đèn" làm tối tăm mặt mũi địch thủ. Những Flowers, Armfield, Wilson luống cuống. Thủ môn Springett nhảy tựa con choi choi. Bồn lừa "ngả bàn đèn" một cụ "páf xê" thật trứ đanh. Từ xa mười thước, chéo khuôn thành Springett, bộ xương cách trí Tiến gầy tung mình đá móc. Trái làm bàn đẹp tuyệt vời nhưng không hiểm hóc nên bóng đã nằm gọn trong đôi tay Springett.

Việt-nam gây sóng gió trước. Cầu trường muốn vỡ ra. Con cháu Lý Thường Kiệt đang làm đảo lộn kỹ thuật và nghệ thuật túc cầu. Trên dẫy lầu kính dành riêng cho ký giả thể thao của các đài vô tuyến truyền hình, vô tuyến truyền thanh, những tiếng nói của mấy chục quốc gia, xí xa, xí xố tường thuật. Hàng trăm ống kính điện thị dán chặt lấy sân cỏ di chuyển theo trái bóng. Phái viên Huyền Vũ cũng có mặt ở đây. Ông đang làm tai mắt của hai chục triệu dân Việt-nam. Từ vạn dặm, tiếng nói của Huyền Vũ vượt biển cả, rừng sâu, vọng về đất nước :

"Thưa đồng bào,

Chúng ta sẽ thắng. Việt-nam sẽ thắng. Tiến gầy vừa dọ dẫm một đường ban nhẹ mà Anh-cát-lợi đã bối rối. Bây giờ, Bồn lừa là tất cả. Bồn lừa là mạch máu, là tim phổi, là lẽ sống của một trăm ngàn khán giả nhấp nhổm tại Santiago. Thưa đdng bào, thủ môn Springett đã đá bổng ban lên."

Hữu nội Hunt được bóng, đưa lên, đưa lên nữa. Bắn sang góc phải. Tả biên Kevan lướt địch thủ đem bóng sâu thêm xuống đất Việt-nam. Tả nội Peacock chạy theo Kevan, nhận bóng. Bảo méo mồm ra truy cản. Peacock tạt nhẹ vào giữa, Haynes đã có mặt. Anh này lừa Sơn trán cao và toan một mình gây chuyện lạ. Trái sút búa bổ sút thẳng vô khuôn thành của Chương còm. Nhà thủ môn tăm tre Việt-nam nhẫy lên, bắt bóng bằng tay trái. Cùng một động tác bắt bóng, tay phải Chương còm giơ cao, chào khán giả.

Cầu trường ngạc nhiên đến rụng rời. Thủ môn Việt-nam có thể một tay bắt bóng, một tay chào khán giả ư ? Lịch sử túc cầu tự cổ chí kim đã ai dám chơi như vậy đâu. Thế mà Chương còm vừa mới "chơi" thế đấy. Nhà thủ môn Việt-nam đóng vai con mèo rỡn con chuột trung phong khét tiếng Anh-cát-lợi. Khiến Haynes tức ứa máu mắt,

Ngày xưa chúng mày vào Sài-gòn tước khí giới Nhật, chúng mày đem theo bọn thực dân Pháp. Rồi liên quân Anh, Pháp, Ấn dùng võ khí tối tân đánh nhau với gậy tầm vông của thanh niên tiền phong. Chúng mày đã bắt đồng bào ông ứa máu mắt thì hôm nay, ông bắt cả nước mày ứa máu mắt để chúng mày biết đau đớn mà dậy chút tình thương yêu nhân loại, dứt bỏ tinh thần kỳ thị chủng tộc ở châu Phi đi, dứt bỏ tinh thần đế quốc đi...

Chương còm đã nghĩ tới mối nhục của quê hương trước khi bắt trái bóng lạ đời. Chương còm đá bổng trái bóng lên, y hệt những đường bóng trong giấc chiêm bao thời thơ ấu của Bồn lừa. Haynes nhận được bóng. Chuyền cho Peacock. Anh này dẫn xuống đất Việt-nam, Peacock hất nhẹ cho Kevan, Kevan sút vào giữa. Haynes đánh "cú tết" chuyền cho Hunt. Hữu nội Anh-cát-lợi gắng sức lừa khỏi màng lưới Tí điên và...

"Thưa đồng bào, Hunt sút thật mạnh ! Nhưng trái bóng đã dính chặt trong tay nhựa của chiến sĩ Chương còm. Cú sẫm sét của Hunt tưởng đã tung lưới Chương... Không ai ngờ Chương còm bắt bóng dễ thế".

Trái bóng của Hunt giống trái bóng của Garrincha, bay chéo vào thành, cách cột trụ và sà ngang hơn gang tay. Chương còm tung người lên, tay phải chộp bóng ôm gọn vô nách. Cả sức mạnh vô biên và tài nghệ của Hunt, bỗng nhiên, bị thu hút y hệt thỏi sắt bắn mạnh vào miếng nam châm. Đến lượt Hunt ứa máu mắt.

Trận đấu mỗi lúc một sôi nổi, ngoạn mục. Việt-nam xuống quân ào ào nhưng, chưa muốn "làm thịt" Anh-cát-lợi mà cố ý biểu diễn hiến khán giả thế giới một nghệ thuật nhồi bóng điêu luyện của Việt-nam, Từ cách dàn xếp tới lối làm bàn, Việt-nam đều vượt lý tưởng túc cầu. Ông thầy túc cầu thế giới Anh-cát-lợi không còn dám nhớ mình là cha đẻ của nghệ thuật túc cầu nữa. Việt-nam không quên hai trận hội tuyển quân đội Anh làm mưa gió trên sân Cộng-hòa thuở xưa. Thành thử, họ cố kéo dài những phút tội tình, dồn Anh-cát-lợi vào cái thế không dám nghĩ đến thất vọng nhưng cũng không dám nghĩ đến hy vọng.
Sang hiệp nhì, Việt-nam đàn áp ngay. Sau vài phút toan tính mở tỉ số. Anh-cát-lợi rút hết về thủ thành. Và Chương còm dựa lưng vào cột gôn, ngáp vặt. Bồn lừa thật sự tỏa ánh hào quang. Nhà trung phong Việt-nam bắt bầu trời Trí-lợi sa sầm lại. Sa sầm lại, tối um cho rõ ràng Bồn lừa. Vũ trụ, dưới mắt một trăm ngàn khán giả ở sân Santiago, chỉ còn có Bồn lừa. Bồn lừa thôi miên trái bóng. Trái bóng tuân lệnh Bồn lừa. Bồn lừa thêu dệt gấm vóc. Mười ngôi sao sáng dần quanh ngôi sao sáng nhất. Khán giả điên lên vì tài nghệ siêu việt của Việt-nam.
Biết bao người đang nhóm trong tim ngọn lửa mơ mộng: mơ mộng được làm người Việt-nam, được bằng người Việt-nam. Trái bóng đang nằm dưới chân Bồn lừa. Chàng ngước nhìn lá cờ Việt-nam. Hai mươi triệu linh hồn những người còn sống và triệu triệu linh hồn những người đã chết ngự trị trên đó. Linh hồn tổ quốc không nói nhưng Bồn lừa mơ hồ nghe tiếng nói Việt-nam đầm ấm, giục giã chàng : "Hãy chiến thắng đi, Bồn lừa !"
Bồn lừa gạt bóng sang trái cho Tiến gầy. Haynes nhào tới. Tiến gầy trả bóng Bồn lừa. Đồng đội bị ốp dữ, Bồn lừa... lừa qua mặt Hunt, Armfield, Wilson. Nhà trung phong Việt-nam vừa chạy hết tốc độ vừa sút bóng. Bồn lừa lộn đầu xuống đất, hai chân giơ ngược lên trời. Cú sút "trồng cây chuối" đã tung lưới Springett mở tỷ số đầu cho Việt-nam.
Tiếng hoan hô vang dội tại sân San­tiago tưởng chừng cả trái đất đều nghe rõ. Ba phút sau, Bồn lừa phá lưới Anh-cát-lợi bằng một cú "ngả bàn đèn". Tiếp theo, Dzũng Đakao, Quyên Tân-định, Bảo méo mồm, Tiến gầy, nhóc con Hùng, mỗi người tặng Anh-cát-lợi một trái. Mãn cuộc, Việt-nam hạ Anh-cát-lợi bảy trái không gỡ, chiếm chức vô địch bóng tròn thế giới, đoạt giải Jules Rimet. Cả nước Anh-cát-lợi khóc ròng tin thảm bại này. Cả nước Việt-nam hả hê cơ hồ đang hả hê trong mùa xuân Quang Trung.
10
Ở SÂN CỎ ẤY, CŨNG NHƯ NGÀN vạn sân cỏ Việt-nam từ thành thị đến thôn quê, các em bé trước và sau buổi tập luyện bóng tròn, đều kể cho nhau nghe chuyện Bồn lừa, Chương còm, Dzũng Đakao, Tiến gầy, Bảo méo mồm, nhóc con Hùng, Quyên Tân-định, Hưng mập, Tư chăn vịt, Tí điên, Sơn trán cao. Bồn lừa đã trở thành nhân vật cổ tích đẹp nhất trong những chuyện cổ tích. Mỗi ông nhô kể một lối. Và thần thánh thêm, khiến Bồn lừa lạc vào huyền sử.
Nhưng Bồn lừa đâu phải là thần thánh. Người lớn nói cho trẻ con nghe thế này:
- ..."Bồn lừa con nhà nghèo, sống trong con ngõ miệt ngoại ô Tân-định. Nó đá bóng với bọn Chương còm, Dzũng Đakao tại sân Hoa-lư. Bồn lừa biết mộng mơ làm đẹp cho quê hương. Có người thuật cho nó nghe "Phiến đá thần". Nó đã leo lên được ngọn núi, soi bóng mình vào phiến đá thần. Vì nó chăm chỉ học hành, gắng sức trau dồi tài nghệ. Bồn lừa đã làm đẹp quê hương Việt Nam".
Người lớn kể xong, hỏi trẻ con:
- Mày thích làm Bồn lừa không?
Trẻ con chớp mắt, mím môi, vươn cao đôi tay, đá mạnh vào không khí, hét điên cuồng:
- Con sẽ như Bồn lừa...
12-9-1966
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thươn...