Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 3

Giai thoại về các
tỷ phú Sài Gòn xưa 3

Làm giàu từ "Đại Thế Giới"
Làm giàu từ cờ bạc thì chẳng có gì để được nhắc nhở, đừng nói là ngợi khen. Tuy nhiên, bởi nét đặc thù của Sài Gòn thời xưa là sự pha lẫn giữa làm giàu bằng ý chí, bằng sự phấn đấu tự vươn lên, lại có những kẻ làm giàu: bằng bóc lột, bằng những mánh khóe gian xảo. Ghi lại đây những bộ mặt đã từng một thời làm giàu bất chính, để phản ánh toàn diện hơn về bề trái của một Sài Gòn từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông".
Grand Monde (Đại Thế Giới) là một sòng bạc được người Pháp dựng lên, nhưng bị khống chế bởi những đầu nậu Hoa kiều và sau đó là những thế lực "Lục lâm thảo khấu". Nếu so về tầm cỡ lúc đó, thì Đại Thế Giới được ví ngang với vài sòng bạc thuộc loại lớn nhất nhì của Macau. Khi thấy cái bảng hiệu bằng chữ Pháp thật to "GRAND MONDE" được trương lên trước khu đất rộng trên một héc-ta, dân Sài Gòn cứ ngỡ đó là một câu lạc bộ giải trí dành cho người Pháp, như câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais chẳng hạn. Nhưng đến ngày khai trương, thì thiên hạ mới ngớ ra, bởi điều khiển toàn bộ công việc trong Grand Monde là người Hoa, và dịch vụ của nó không là giải trí thể thao mà chính hiệu là một sòng bạc.
Người trực tiếp điều hành là Lâm Giống, một trùm cờ bạc từ Hồng Kông tới. Đó là một tỷ phú nhờ kinh doanh dịch vụ cờ bạc ở Macau, Hồng Kông, trước khi được móc nối tới Sài Gòn và trụ lại khá lâu ở Đại Thế Giới. Về nhân vật này, nghe nói cũng lắm huyền thoại khá ly kỳ, được thêu dệt từ chính những bạn bè đồng sự của ông ta. Theo đó, Lâm Giống thời thanh niên đã từng làm đủ nghề, từ phổ ky (chạy bàn trong quán ăn), rửa chén, quét nhà, dọn bàn ghế và hầu phòng, đánh giày cho mấy tay trùm cờ bạc. Chính nhờ nghề sau cùng đó, Lâm Giống đã làm quen với nghề cờ bạc. Từ một tên tép riu, dần dần Lâm Giống đã học được nghề, lão luyện các mánh để làm trùm. Đầu thập niên 30, họ Lâm đã có cổ phần trong hai sòng bạc lớn nhất Macau. Vào năm 1937, khi Sài Gòn lập hai sòng bạc Đại Thế Giới (Chợ Lớn) và Kim Chung (vùng cầu Ông Lãnh) thì Lâm Giống đã có mặt. Nghe nói ông ta đã đấu thầu để được quyền khai thác sòng bạc Đại Thế Giới với giá mười triệu đồng (nên nhớ vào những năm đó, giá một lạng vàng chỉ trên dưới 100 đồng) và chịu đóng thuế 200 ngàn đồng mỗi ngày cho công quỹ.
Suốt trong thời kỳ xảy ra thế chiến thứ hai, khi khắp nơi điêu đứng vì chiến tranh, vì nền kinh tế suy sụp, thì ở Sài Gòn, Chợ Lớn, hai sòng bạc Đại Thế Giới và Kim Chung vẫn bình yên mở cửa ngày đêm, sát phạt nhau điên đảo. Bao nhiêu con thiêu thân đã lao đầu vào ánh đèn néon rực sáng hai chữ Grand Monde đó, bao nhiêu người đã tán gia bại sản, bao nhiêu mạng sống đã bị hủy hoại một cách oan uổng bởi cái máu đỏ đen... Lâm Giống càng ngày càng giàu ra, thu vào bạc tỷ một cách dễ dàng. Người ta đồn rằng, vào thời ấy ở Sài Gòn-Chợ Lớn không ai giàu hơn Lâm Giống. Hắn đầu tư vào nhiều ngành, đặc biệt là ngành nhà hàng, khách sạn và vũ trường (dancing). Hắn tổ chức đưa các vũ nữ, gái lầu xanh từ Hồng Kông, Macau sang lũng đoạn cả thế giới ăn chơi của Hòn Ngọc Viễn Đông.
Khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, cũng là lúc Lâm Giống ngự trên đỉnh cao sự giàu sang của hắn. Hắn là "vua" muốn gì được nấy, trong nhiều năm.
Cho đến đầu thập niên 50, một "khắc tinh" của Lâm Giống đã loại y ra khỏi cuộc chơi. Đó là Bảy Viễn. Người nào từng sống ở Sài Gòn vào thời kỳ đó, đều biết đến cái tên nghe thuần túy Nam Bộ này. Bởi Bảy Viễn là một con người cùng một lúc có đến ba, bốn "chức danh": đầu đảng thảo khấu Bình Xuyên, "tư lệnh" lực lượng võ trang Bình Xuyên, chủ sòng bạc Đại Thế Giới kiêm... tỷ phú!
Bảy Viễn vào những năm đầu thập niên 40 là một trong bốn, năm tên tuổi đứng đầu của làng thảo khấu vùng Sài Gòn-Chợ Lớn (Bình Xuyên là một làng vùng ven, chạy dài từ Nhà Bè, quận 8, đến giáp Bình Chánh), từng ở tù Côn Đào về tội cưóp. Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, Bảy Viễn cũng len lỏi vào hàng ngũ, đội lốt "chống Pháp" một thời gian, nhưng sau đó bị Tây mua chuộc, được người Pháp ưu đãi, cho cát cứ vùng Chánh Hưng, lập nên "lực lượng Bình Xuyên". Với cái "mác" Bình Xuyên, Bảy Viễn nhắm vào "kho bạc" Đại Thế Giới và chiếc ghế "Thần bài" của Lâm Giống.
Với chủ trương sắt máu, áp dụng luật mafia, Bảy Viễn đã làm áp lực, buộc Lâm Giống phải nhường lại Đại Thế Giới cho ông ta. Lúc đó Bình Xuyên quá mạnh, Lâm Giống chẳng dại gì cưỡng lại, nên chỉ sau một đêm thương lượng, ông ra đã lẳng lặng rút lui, nhường lại toàn bộ cơ ngơi Đại Thế Giới cho Bảy Viễn. Thật ra thì đàng sau Bảy Viễn đã có một bàn tay nâng đỡ rất có thế lực, đó là Bảo Đại và chính phủ bảo hộ Pháp. Bảy Viễn chấp nhận nâng mức thuế đóng cho nhà nước lên 500 ngàn đồng mỗi ngày. Với số thuế lớn như thế, vậy mà Bảy Viễn vẫn còn lãi gấp năm, bảy lần. Chẳng mấy chốc, Bảy Viễn trở thành một tỷ phú vượt tất cả các nhà giàu đương thời.
Tuy nhiên, loại làm giàu kiểu Bảy Viễn không bao giờ bền. Chỉ đến cuối năm 1954, khi xảy ra cuộc "tương tàn" giữa lực lượng Bình Xuyên và nhóm của Ngô Đình Diệm, để rồi cuối cùng Bình Xuyên bị đánh tan tác, Bảy Viễn bỏ chạy sang Pháp ẩn thân. Đại Thế Giới "rụng" bảng hiệu.
Nhà tỷ phú rửa chén
Nhân vật mà chúng tôi kể ra đây còn tương đối gần với chúng ta và cũng do một vài việc cần dè dặt, nên chỉ xin nêu tên tắt. Nhưng với người từng theo dõi thương trường Sài Gòn trước 1975 ắt không lạ tỷ phú NĐQ.
Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung, vào những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, NĐQ đã không chịu sống hẩm hiu cùng quê nghèo của mình. Con người nghèo tiền nhưng có chí lớn này, vào một hôm, đã âm thầm leo lên tàu hỏa xuôi vào Sài Gòn, nơi cậu ta lần đầu tiên đặt chân đến.
Không tiền, không thân nhân, dù là thân con trai cũng thường là miếng mồi ngon cho những tệ nạn xã hội của Sài Gòn thời ấy. Vậy mà NĐQ đã không hề ngần ngại. Cậu vừa xuống xe lửa ở ga Sài Gòn, đã vội làm một cuộc cuốc bộ ra khu vực trung tâm thành phố, nơi có các phố Catinat, Charner và Bonard (Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay). Đi một lượt qua các phố phường hoa lệ, cuối cùng cậu ta dừng lại trước một nhà hàng-khách sạn sang trọng nhất thời ấy, đó là Hotel Continental.
Ngang nhiên bước vào một nhà hàng cực kỳ sang trọng, mà ngay như dân có tiền ở Sài Gòn cũng chưa chắc đã dám mạnh dạn như vậy, kéo ghế ngồi xuống một cách đường hoàng, NĐQ không thèm nhìn ai, cậu chờ... Bồi nhà hàng loại quý tộc này, xưa nay chỉ quen tiếp những khách sang trọng, nay thấy có một cậu ăn mặc tuy sạch sẽ, nhưng lại quá đơn giản, đượm nét tỉnh lẻ, họ trịch thượng hỏi:
- Anh cần gì?
Q. nhìn vào bảng thực đơn bằng tiếng Pháp, cậu gọi một món ăn kèm theo chai rượu khai vị, rất đúng giọng Pháp, lại chững chạc, trước sự ngỡ ngàng của các phục vụ viên. Họ ngần ngừ, nhưng cuối cùng cũng phải bán hàng. Q. ăn uống xong, đòi gặp chef d’hotel (người quản lý khách sạn). Một tay người Pháp bước tới, anh ta tỏ vẻ hoài nghi, hơi khinh thường và lại càng bực dọc hơn khi nghe Q. yêu cầu cho gặp monsieur directeur (giám đốc). Hỏi chuyện gì, Q. đáp thẳng:
- Không giấu ông, tôi thật không có tiền trả bữa ăn này. Bây giờ đã lỡ ăn, tôi muốn gặp ngài giám đốc để xin thương lượng. Tôi nói rõ, tôi chỉ tạm thời thiếu, chứ không ăn quịt.
Chef d’hôtel và cả ê-kíp phục vụ đều không ngớt lời thóa mạ, đòi báo cảnh sát, nhưng Q. vẫn bình tĩnh, xin được gặp chủ nhà hàng. Cũng may, vừa lúc ấy lão chủ người Pháp trờ tới, ông ta nghe được những câu đối đáp bằng tiếng Pháp của Q., nên hơi tò mò, cho mời Q. vào phòng riêng. Q. thưa chuyện:
- Thú thật với ông, tôi là một người ở tỉnh xa tới, hết tiền, lại đang đói, bởi chưa tìm ra việc làm, cho nên tôi đánh bạo ăn một bữa cơm của nhà hàng ông, nhưng không ăn quịt, nên tôi xin được làm bất cứ công việc gì ở đây, từ quét dọn, bưng bê, chà rửa toilette cho đến rửa chén bát, miễn là giúp tôi có thể trả lại tiền bữa cơm hôm nay.
Người chủ Tây không hài lòng lắm, nhưng trước thái độ khá thành khẩn và lễ độ, cộng với những câu cú tiếng Pháp khá chuẩn của chàng trai, cuối cùng ông ta cũng bằng lòng như một cách thử việc cho những chỗ làm còn đang thiếu. Q. được bố trí cho rửa chén ở nhà bếp. Cậu ta chăm chỉ làm việc y như một nhân viên thực thụ và hiệu suất rất cao. Đúng một tuần lễ,
khi được gọi lên để lĩnh lương, NĐQ đã lễ phép thưa với chủ là mình xin nghỉ việc. Cậu ta hỏi lại:
- Tiền công tôi làm so với tiền bữa ăn hôm trước đã đủ chưa?
- Tất nhiên là còn thừa tiền.
Lão chủ Tây cố cầm giữ cách nào Q. cũng từ chối, anh ta nói:
- Xin cám ơn ông về lòng hào hiệp mà ông đã dành cho. Tuy nhiên, tôi có cái mộng riêng của mình, nên không thể tiếp tục ở đây giúp việc được.
Trước khi chia tay, người chủ Tây còn hỏi:
- Anh có thể cho biết giấc mộng mà anh đang ấp ủ là gì không?
Q. úp mở đáp:
- Làm chủ. Làm một nhà đại doanh nghiệp.
Câu trả lời của Q. lúc đó có thể đã làm trò cười cho người chủ Tây.
Bẵng đi một thời gian rất lâu, trong lúc ở nhà hàng Continental hầu như chẳng ai còn nhớ gì đến cậu trai ăn chực ngày nào, thì thật bất ngờ, vào một ngày cuối năm 1949, tức là mười lăm năm sau, có một "ông chủ" đi xe Traction bóng loáng, bước vào khách sạn. Ông ta đặt một bàn sang trọng nhất trong nhà hàng và xin được gặp chủ nhân.
Người chủ Pháp năm xưa vẫn còn đó. Khách lên tiếng:
- Ông chủ chắc không còn nhớ tôi? NĐQ - người năm xưa ăn thiếu ông một bữa cơm, phải rửa chén để trừ.
- Tôi đã nhớ ra ông. Rất hân hạnh.
Cũng nhờ có bằng tiểu học, lại nói lưu loát tiếng Pháp, Q. đã xin làm thư ký cho một đồn điền cao su, sau dần dần được cất nhắc lên làm cai thợ. Và cái đích cuối cùng của Q. đã đạt được: làm chủ. Do suốt trong thời gian dài làm việc, Q. không nhận hết tiền lương, chỉ lấy đủ tiền vặt, còn bao nhiêu cậu gởi lại chủ: tích lũy dần, đến lúc đủ tiền mua một ít cổ phần của công ty, rồi sau đó một cơ may đến, khi chủ Tây cần bán bớt một phần công ty, Q. đã được mua trả góp.
Công ty nhỏ, lại đang hồi cây cao su bị thoái hóa, nhưng về tay Q. thì chỉ một thời gian ngắn đã phát triển trở lại. Trong vòng năm năm, công ty cao su do Q. làm chủ đã có thể sánh ngang với một số công ty bậc trung. Khi Q. về thăm lại ông chủ nhà hàng Continental là lúc có quyền xưng mình là "triệu phú" địa vị của anh ta trên thương trường đã được nhiều người nể nang. Nhưng mặt khác, trong kinh doanh, có thể NĐQ. chưa hẳn là một ông chủ hoàn hảo, nhưng xét về mặt thành công bằng chính ý chí của mình thì Q. phải được đánh giá cao.
NĐQ tậu một ngôi nhà lớn ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay), lọt vào danh sách hai mươi người giàu nhất Sài Gòn thời ấy. Có lẽ giai đoạn "đẹp" nhất trong đời Q. là tới lúc ấy. Bởi từ 1961 trả về sau, NĐQ đã bắt đầu rước vào những bất hạnh: một cô con gái lái xe đi chơi Vũng Tàu bị tai nạn chết thảm dưới gầm cầu Rạch Hào, rồi tiếp theo là vụ tự phá sản (thực ra ông ta đã bị phá sản do nhiều nguyên nhân, mà trong đó sai lầm lớn nhất về cuối đời là "giấc mộng politic" (làm chính trị). Ông ta đã tập tễnh ứng cử để rồi nhận lấy những ê chề...). Vào giữa thập niên 60, thì tỷ phú NĐQ đã chính thức bị xem là phá sản. Ngôi nhà ở đường Hai Bà Trưng về tay chủ khác. Q. lặn mất vào bóng tối.
Nguyễn Tấn Đời và vụ sụp đổ Thần Tài Tín Nghĩa
Những năm đầu của thập niên 70, khi cường độ cuộc chiến tranh đã đến hồi khốc liệt thì cũng là thời điểm cực thịnh của hệ thống ngân hàng tư nhân ở Sài Gòn, trong đó đứng đầu vẫn là Tín Nghĩa Ngân hàng (TNNH), hay còn gọi một cách bình dân là ngân hàng Ông Thần Tài, của ông Nguyễn Tấn Đời. Với hàng trăm chi nhánh trên toàn miền Nam, hầu như TNNH đã chiếm lĩnh toàn bộ các dịch vụ tiền gửi và cho vay. Cùng lúc đó, những công trình lớn được đầu tư bởi ông Nguyễn Tấn Đời cũng mọc lên, như khách sạn Président (Trần Hưng Đạo, Q.5), bệnh viện tư loại lớn nhất nhì thành phố (đường Trần Hưng Đạo. Q.5), một hãng gạch bông có uy tín, một ngôi nhà thủy tạ (gần cầu Bình Lợi) thường được gọi là "nhà mát" của Nguyễn Tấn Đời và một số công trình khác nữa.
Từ giữa thập niên 60 về trước, ở Sài Gòn chỉ những người trong giới ngân hàng là biết đến tên ông, còn người dân thì hoàn toàn xa lạ.. Tuy nhiên, kể từ năm 67, hầu như ai cũng nghe nhắc đến tên con người có gốc gác từ Rạch Giá và Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang ngày nay) này. Ông Nguyễn Tấn Đời vốn là một nhân viên của Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín (Ngân hàng nhà nước) trong nhiều năm, leo lên được chức trưởng phòng. Sự nghiệp công danh đang hồi hanh thông, bởi ban lãnh đạo ngân hàng đang có ý tin dùng và cất nhắc ông lên cao nữa... Bỗng một hôm, vào giữa năm 1966, ông Đời đột ngột xin nghỉ việc. Tại sao? Đó là câu hỏi đầy ngạc nhiên của nhiều người, và chỉ được trả lời sau đó sáu tháng, khi có tin chính thức về việc ông Nguyễn Tấn Đời thành lập Ngân hàng Tín Nghĩa. Thì ra, con người có chí lớn đó không chịu "an phận" làm một chuyên viên có thế lực ở ngân hàng nhà nước.
Chỉ bốn năm sau, vào năm 1971, TNNH hầu như trùm thiên hạ, lấn lướt hắn các ngân hàng khác, kể cả Ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Biểu tượng ông thần tài đưa cao tay với xâu tiền điếu trong tay, hầu như quen thuộc với mọi người. Ở tận các hang cùng ngõ hẻm, dân nghèo sở hữu một món tiền nho nhỏ đều có thể có cuốn sổ tiết kiệm "Thần Tài". Nhưng, đùng một cái, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời bị bắt! TNNH bị sụp đổ!
Chuyện gì đã xảy ra cho nhà tỷ phú tiếng tăm này? Nếu theo tin tức đăng tải công khai trên các báo xuất bản tại Sài Gòn vào thời điểm đó, thì Nguyễn Tấn Đời đã phạm vào các tội làm TNNH mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trả cho khách hàng; cá nhân ông Đời đã vi phạm việc huy động vốn và đầu tư, kinh doanh... Nhưng theo dư luận bên ngoài, kể cả của những người am tường nghiệp vụ ngân hàng, thì ông Nguyễn Tấn Đời đã bị các đối thủ "chơi" một vố thẳng tay, hết đường chống đỡ. Đó là các tập đoàn tài phiệt đang cạnh tranh với ông, họ thấy cái thế của ông trong hệ thống ngân hàng quá lớn (theo con số được báo chí công bố lúc đó, thì tổng số tiền của TNNH lên đến 22 tỷ đồng - số tiền này vào lúc đó rất lớn - gần bằng tổng số tiền của tất cả các ngân hàng tư nhân gộp lại), và có khả năng ông ta sẽ bỏ vòi sang địa hạt chính trị. Một câu hỏi khác đã từng được dư luận nêu lên: phải chăng ông Nguyễn Tấn Đời đã bị thế lực của các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn ra tay triệt hạ? Bởi cạnh tranh với TNNH còn có Kỹ Thương Ngân hàng - một ngân hàng quân đội - mà đa số vốn là của các tướng lĩnh chóp bu trong quân đội Sài Gòn, trong đó có Nguyễn văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, v.v...
48 giờ đồng hồ sau, khi chính quyền Sài Gòn ra lệnh phong tỏa tất cả các TNNH, ông Nguyễn Tấn Đời đã bị bắt tại nhà một người cháu ở đường Phan Liêm. Cuộc thẩm vấn ông Đời diễn ra chóng vánh, gần như đã được xếp đặt sẵn, để rồi tội danh được công bố như đã nói ở trên. Ông Nguyễn Tấn Đời bị tống giam vào khám Chí Hòa, như một tội nhân đặc biệt.
Nguyễn Tấn Đời ở tù cho đến ngày Sài Gòn được giải phóng, nghe nói nhân lúc tình hình còn lộn xộn, ông ta đã thoát ra khỏi Chí Hòa, sau đó về Rạch Giá để rồi lên tàu (do người nhà chuẩn bị sẵn) rời khỏi Việt Nam.
Thợ sửa xe đạp trở thành chủ rạp hát
Ngày nay, khi đi ngang qua đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, người ta dễ dàng nhìn thấy một rạp hát khá bề thế, mang tên Hưng Đạo, nhưng có lẽ ít người biết rõ quá trình hình thành của nó.
Vào khoảng thời gian bắt đầu nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Sài Gòn vẫn còn khá lạc hậu, với phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là xe đạp. Tại góc giao lộ Générale Marchand và Galliéni (Nguyễn Cư Trinh và Trần Hung Đạo ngày nay) thường ngày vẫn có một cậu con trai khoảng tuổi 18-20 ngồi cặm cụi sửa, vá xe đạp bên vệ đường. Thời đó người dân chính gốc thành phố còn thất nghiệp dài dài, nói chi đến những dân nhập cư từ các tỉnh thành xa, do đó người ta xem việc một thanh niên ngồi sửa xe như vậy là chuyện bình thường.
Những người thường lui tới con đường đó, đặc biệt là những khách hàng từng đôi ba lần đưa xe đến sửa, đều phải công nhận anh thợ sửa xe ấy là một chàng trai hiền hậu, dễ thương, lại rất chăm chỉ, cẩn thận. Xe hư đâu sửa đó, sửa có chất lượng, lại chỉ lấy tiền công vừa phải, đôi khi với những khách hàng già cả, cậu ta còn tự nguyện sửa miễn phí "để làm quen". Lâu dần, khách hàng càng lúc càng đông, thậm chí có người bị hư xe ở xa cũng ráng dẫn bộ tới, để cậu sửa. Chàng trai ấy tên là Niệm.
Một năm sau ngày ra nghề, người ta thấy chỗ bức tường phía sau lưng anh thợ sửa xe ngồi, có treo lủng lẳng vài chiếc vỏ, ruột xe đạp, cùng với một ít những phụ tùng khác. Anh ta giải thích: "Để khi nào khách có cần thì mình thay cho tiện". Thời đó không có "chợ phụ tùng" hoặc các loại phụ tùng xe được bày bán khắp nơi như ngày nay, cho nên việc phục vụ linh hoạt của cậu Niệm này rất được bà con ủng hộ. Hai năm sau, khách hàng nhìn thấy có thêm một hai chiếc xe đạp ráp hoàn chỉnh, dựng ở đó. Cậu Niệm lại giới thiệu: "Nhân tiện ráp sẵn, nếu bà con nào có cần thì mình nhường lại, giá phải chăng". Tất nhiên là hàng của cậu ta ráp đến đâu bán được đến đó.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, trong lúc cả Sài Gòn đang hoảng loạn vì những cuộc dội bom của phi cơ đồng minh xuống thành phố, dân chúng lo chạy tránh bom, thì ở góc đường đó, chàng trai sửa xe vẫn cứ bám trụ với "cơ ngơi" của mình, gồm bốn chiếc xe đạp vừa mới ráp, cộng với một thùng phụ tùng mới. Với cậu, giữa cái chết do bom đạn và chết đói, cậu ta sợ chết đói hơn. Vả lại, trong đầu cậu trai nghèo này, chừng như còn nuôi một hoài bão...
Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc, cũng là lúc người ta ngạc nhiên khi thấy chàng trai đó đứng ra thuê hẳn một góc nhà (chỗ căn phố mà suốt mấy năm qua cậu ta vẫn ngồi phía trước hiên nhà để hành nghề) và khai trương bảng hiệu: "Nguyễn Thành Niệm, sửa xe và bán phụ tùng xe đạp".
Thì ra, do khéo dành dụm trong nhiều năm qua, đến lúc đó cậu ta đã có được một số vốn nhỏ nhỏ, đủ để "dựng tiệm" cậu tâm sự với những người quen biết: "Cái nghèo nó làm cho mình phải bỏ dở chuyện học hành, mà không học thì khó bề lập thân. Bây giờ chỉ còn một cách là phải chí thú làm ăn, phải đi lên bằng con đường thương mãi...". Điều đó đã hoàn toàn đúng. Năm năm sáu, đầu thập niên 50, cả một dãy phố từ đầu đường Nguyễn Cư Trinh chạy dọc theo Trần Hưng Đạo, đến gần đường hẻm Nguyễn văn Dụng, đã quy về một mối, do một người làm chủ: Nguyễn Thành Niệm!
Cậu ta trúng nghề phụ tùng xe đập là chủ yếu, nhưng cũng phải kể đến yếu tố cần kiệm và óc nhạy bén với thị trường. Chỉ trong vòng mười năm, từ một anh chàng sửa xe đạp tầm thương, Nguyễn Thành Niệm tậu được đến gần 30 căn phố mặt tiền đường Galliéni (Trần Hưng Đạo). Có người nói, sở dĩ Niệm mua được nhiều nhà như thế là bởi vì thời đó mọi người vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng do cuộc chiến tranh, bị lung lạc tinh thần, muốn bán rẻ nhà cửa để hồi hương lập nghiệp, nên giá nhà khá rẻ, và Niệm đã chộp đúng thời cơ.
Con đường "lập thân" của Nguyễn Thành Niệm đã rộng mở. Anh ta chuyển sang kinh doanh đa dạng hơn, gồm cả phụ tùng xe gắn máy, xe hơi, máy móc cơ giới nói chung. Và thế là một công ty nhập khẩu phụ tùng xe, máy được hình thành - Công ty Indo Comptoir Nguyễn Thành Niệm. Cuối thập niên 50, đây là một trong mười công ty xuất nhập khẩu phụ tùng cơ giới lớn nhất của Sài Gòn và có cả những chi nhánh ở khắp Việt Nam, vươn ra tới Nam Vang, Vientian, Paksé (Lào). Nguyễn Thành Niệm trở thành một tỷ phú.
Đầu thập niên 60, tại dãy phố góc đường Nguyễn Cư Trinh-Trần Hưng Đạo, cạnh trụ sở của công ty Nguyễn Thành Niệm, người ta thấy mọc lên một tòa nhà đồ sộ với chữ hiệu trên mặt tiền rất nổi: Rạp hát Hưng Đạo. Thì ra, đúng nơi mấy chục năm trước Niệm ngồi sửa xe đạp, giờ đã được dựng lên một rạp hát lớn nhất thành phố, lại do chính ông làm chủ. Có lần Nguyễn Thành Niệm đã nói với bạn bè: "Cuộc đời cũng giống như một sân khâu. Mình cố làm sao cho sân khấu lộng lẫy thì càng hay...".
Lý Long Thân và cơn sốt chim cút
Ai đã từng ở Sài Gòn từ đầu thập niên 60 đến 1975, đều ít nhiều đã nghe nhắc đến Lý Long Thân. Tuy chỉ là một nhà doanh nghiệp, nhưng tay này đã "vang danh" và có thế lực "nghiêng trời" vào thời ấy, chẳng riêng gì vùng Chợ Lớn, mà lan rộng khắp miền Nam. Vậy Lý Long Thân là người như thế nào?
Muốn nói chính xác về "nhà kinh tế" này rất khó, bởi ông ta cũng giống như đa số thương gia người Hoa trên đất Việt, sống rất bí ẩn, mà hoạt động thương trường lại càng kín đáo, kỳ bí hơn. Nếu phải kể về một vụ việc điển hình, thì có lẽ nên nói đến "cơn sốt chim cút" ở Sài Gòn vào đầu thập niên 70.
Đầu tiên có nguồn tin: chim cút đẻ ra vàng (!). Tất nhiên là nhiều người đã cười mũi vào loại tin tức đó. Nhưng bỗng dưng nó trở thành sự thật, khi có những kẻ thập thò đi khắp ngõ hẻm rỉ tai và đề nghị mua ngay những cặp chim cút của ai đó đang đẻ trứng. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế thị trường chim cút tăng lên vùn vụt. Và nó không dừng lại ở đó. Từng phút, từng giờ, ở đầu này, đầu nọ của thành phố Sài Gòn, đi đâu người ta cũng bàn tán chỉ một đề tài: chim cút. Ban đầu là cút đẻ được giá, sau đó đến cút đực, cút con, ngay cả trứng cút cũng leo giá tận trời. Phải, đó là một cơn "đại hồng thủy" về cút xảy ra ở Sài Gòn - mà có thể nói, là lần đầu tiên xảy ra trên thế giới.
Tin tức thuộc loại truyền miệng, tin vịt, thì loan đi còn nhanh hơn là tin qua hệ thống viễn thông. Những mẩu chuyện như "ông A, nhờ nuôi được năm cặp chim cút đẻ mà đã trúng lớn, mua được căn nhà lầu bốn tầng" đã làm cho thiên hạ cứ sốt vó lên, bỏ cả công ăn việc làm, đổ xô chạy đi tìm mua chim cút. Có một vị nhà giàu đã dốc hết tiền của ra, mua cả ngàn con chim "thần" với giấc mộng sẽ làm trùm, kết quả là chỉ sau hai tuần, một ngàn con chim cút mua bằng một ngàn cây vàng, chỉ còn trơ lại... một ngàn con chim cút rô-ti!
Thì ra, chuyện "con chim cút đẻ ra vàng" chỉ là một trò bịp của bọn xỏ lá nào đó, chúng tung ra thủ đoạn để tự những người Sài Gòn tranh giành nhau, tự đẩy nhau vào thế phá sản. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cơn sốt chim cút đã làm cho hàng ngàn người thất nghiệp, hàng vạn người điêu đứng, và làm cho hoạt động kinh tế ở một số đô thị miền Nam lúc đó bị chấn động, dĩ nhiên là trong một số lĩnh vực đủ cho ai đó thực hiện những ý đồ thâm độc. "Ai đó" chính là Lý Long Thân, một trùm tư bản vốn đã từ lâu khống chế nhiều hoạt động thương nghiệp của Chợ Lớn.
Nhưng tại sao Lý Long Thân lại tung ra độc chiêu đó? Chỉ vì, chỉ có biến loạn thị trường thì "đòn" tiếp theo, địch thủ mới không đỡ được, đó là sự tăng giá sắt thép, phân bón và cả lương thực, những thứ này vốn nằm trong vòng không chế của họ Lý và một số trùm khác. Chỉ cần một cú như "dịch chim cút" thôi, nền kinh tế dưới chế độ Sài Gòn đã nằm trong vòng "cương tỏa" của họ. Bởi vậy, như chính Bộ trưởng Kinh tế của chế độ Sài Gòn vào năm 1973 đã than thở: "Mọi chủ trương, mọi sắc luật của Chính phủ, chỉ cần một cơn ‘sốt lên’ của Chợ Lớn là bốc thành khói!".
Lý Long Thân là một tỷ phú mà tài sản không thể nào thống kê nổi. Nghe nói, ông ta có chân trong một tập đoàn tư bản của Châu Á, chứ không riêng ở Sài Gòn. Tiền của, tài sản riêng của ông ta được gởi ở nhiều ngân hàng trên thế giới, để nếu cần, sẽ rút đi êm. Mà quả vậy, khi Sài Gòn được giải phóng năm 1975, Lý Long Thân đã chạy một mạch mất dạng.
Thượng Hồng
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khúc vọng đêm – Chùm thơ Nguyên Thu 19 Tháng Sáu, 2023 Từng sâu lắng/ từng nhũ giọt sương tắm gội rửa tình/ người đành băng đông từng ...