Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Vùng mắt bão 4

Vùng mắt bão 4

CHƯƠNG XIII
Lân ngồi rất lâu trước bản sơ đồ các chiêu đãi sở anh em vừa đưa về. Những ngày gần đây, công tác địch vận phát triển rộng khắp. Không chỉ nắm những đầu mối chủ chốt, mạng lưới tuyên truyền địch vận đã lan đến tận các thôn, xóm trong xã. Bất kỳ người dân nào cũng nắm được đường lối địch vận của ta để nếu có cơ hội là sẵn sàng trở thành người tuyên truyền kêu gọi binh lính địch quay súng trở về với cách mạng.
Dọc con đường 17, đường 192 và các ngả đường binh lính địch thường qua lại, những điểm chiêu đãi sở được anh em trong ban địch vận và du kích dựng lên khắp nơi. Cách vài trăm mét lại có một chiêu đãi sở. Gọi là chiêu đãi sở cho oách chứ thực chất đó chỉ là những quán nhỏ, bất kỳ ai cũng có thể ngồi nghỉ sau khi đã đi một đoạn đường dài. Tình hình đang trở nên cấp bách. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, bộ đội chủ lực cùng dân quân du kích đã tổ chức đánh được nhiều trận lớn khiến quân địch thất bại thảm hại, làm cho chúng trở nên hoang mang, dao động. Nắm được tâm lý này, các hoạt động địch vận càng được tích cực triển khai. Nhìn những toán quân thất thểu hàng ngày đi dọc các con đường, la cà dọc các quán xá, những bảng tin chép những lời kêu gọi nội dung nhẹ nhàng như tiếng cha mẹ gọi con, vợ gọi chồng, con gọi cha nghe thật thống thiết. Những câu chữ đầy tình nghĩa ấy có khi chỉ được chép lên những chiếc nong lật ngược, những tấm liếp nhưng khiến nhiều anh em binh sĩ mắt ầng ậc nước, quay nhìn đi chỗ khác. Cách dựng lên những chiêu đãi sở này tưởng vô hại với địch nhưng tác dụng địch vận lại rất lớn. Đã vậy, đêm đêm, Lân lại cùng anh em vác loa, bò vào tận hàng rào của bốt địch để kêu gọi, chiêu hàng, rải truyền đơn. Quân địch đóng trong Camp Phương Điếm, trong bốt Giỗ cứ mở mắt là gặp những dòng chữ, những câu từ nhắc chúng nhớ về cha mẹ, vợ con, về quê hương bản quán.
Anh Bạ từ ngoài bước vào, kéo theo cả hơi nóng hầm hập của cái nắng tháng tám:
- Chết chết. Đúng là nắng tháng tám rám trái bòng. Cứ như hun như đốt. Thế nào rồi, chú. Liệu mấy cái chiêu đãi sở chúng tôi định dựng thêm ấy có thể làm được không?
- làm được quá chứ anh. Chúng đang hoang mang, dao động, mình phải tranh thủ mà lấn tới chứ - Lân kéo cái ghế ghép từ mấy mảnh tre, ý bảo anh Bạ ngồi - Tôi cũng đang định tìm anh, mình thống nhất mấy việc.
- Có việc gì thế chú? - Anh Bạ với vò nước, ngửa cổ tu một hơi, khà khoan khoái - Khát khô cả hầu. Ngoài ấy cũng thế, đám lính lệt sệt xách súng đi thất thểu, các bà gọi vào chiêu đãi sở uống nước, chúng bì bẹt lắm rồi.
- Mình không cần đao to búa lớn làm gì. Cứ từ từ vận động, ngấm dần như những hạt mưa tro, nhẹ nhàng rơi ấy, ngỡ không thể làm ướt áo mà gây ngập lụt lúc nào không hay.
- Gớm, chú mình hôm nay văn hoa thế - Anh Bạ cười - Ngấm thì ngấm rồi. Nhiều tên lính đã tỏ rõ tư tưởng uể oải, chán chường. Trong lúc bị ốp đi càn cũng chẳng còn hồ hởi, hung hăng như trước, nhất là với bà già, trẻ con không còn cảnh lính nguỵ đánh người vô cớ nữa. Chúng tôi đã theo dõi rất sát đấy.
- Thế là ổn đấy. Đêm nay anh với tôi vào sát Camp lần nữa gặp lại sáu nhân mối chúng ta đã vận động được để chuẩn bị việc khác. Mà anh có thấy thông tin gì về việc bà Chắt về đây không?
- Chưa. Tịnh không thấy đả động gì đâu. Sắp làm ăn nhớn hả chú? Không chờ Lân gật hay lắc đầu, anh Bạ đã cười tít - Thế mới khoái chứ. Chuyến này lão Tuyển cứ gọi là mê li nhớ. Lâu lâu, không tẩn cho chúng nó vố nào, ngứa chân ngứa tay lắm rồi.
- Chuyện ấy cũng còn chờ. Anh chuẩn bị đi, tối anh em mình mò vào. à này, gặp thằng Mẽo đen, nháy nó trước nhớ…
- Rồi, yên trí nhớn đi. Chuyện ấy chú không phải nhắc. Thôi, tôi nhảo qua nhà một tí.
- Cẩn thận đấy nhớ. Nó mà tóm lúc này thì khốn nạn lắm. Còn bao việc ngập đầu, ngập cổ kia kìa.
- Đừng lo, trưởng ban thân mến ạ! Anh em bán thoát ly cơ mà. Về danh nghĩa, mình vẫn đường hoàng là con em Đức Đại. Còn ban đêm ta làm gì, đấy là chuyện của ta. Chú mày cứ lo làm gì cho nhanh già! Anh Bạ lại cười rồi phóng vút ra ngõ.
Đêm! Lân, Bạ cùng chị Chắt cán bộ địch vận của huyện ngồi dựa lưng vào bức tường đất của một ngôi nhà đổ. Xung quanh bờ tường, cỏ dại mọc cao ngút đầu người. Tiếng chuột chạy lích rích trong đám cỏ hoang, bốc lên mùi hôi rình, khăm khẳm. Chắc chủ nhà đã chạy tản cư chưa trở lại. Mái nhà bị đốt đã lâu, tro than trên nền đất đã biến thành màu rêu mốc.
Lân ngồi tựa lưng vào tường. Trong lúc chờ Mão đen dắt thêm mấy người lính trong căng ra, anh tranh thủ nhắm mắt lại. Suốt một ngày hong dưới cái nắng tháng tám gay gắt, bờ tường vẫn còn hơi ấm của nắng ban ngày. Cây sung lớn ngoài góc vườn, lá trùm trên khoảnh đất rộng chỗ mọi người đang ngồi. Những con ve cuối mùa đang cất lên khúc nhạc đơn điệu của khoảng cuối hạ đầu thu. Có tiếng động nhẹ. Lân choàng mở mắt. Xung quanh vẫn vắng lặng, chỉ có tiếng ve đang tấu lên bỗng ngừng bặt như mơ hồ, như xa xăm. Trước mắt anh, vừng trăng tròn vạnh vừa mọc, từ từ nhô lên phía chân trời. Quầng đỏ ngoài vừng trăng to như chiếc nong đại khiến cả mặt trăng như lòng đỏ trứng nằm trong một cái đĩa men màu rượu cẩm nhạt. Một đêm êm ả. Giá không có địch, giá không có cuộc chiến này, anh sẽ vác ngay chiếc chõng cũ của thầy ra sân, nằm ngửa mặt nhìn trời, đón gió. Giấc mơ nhỏ nhoi thế sao khó thực hiện.
Tiếng tắc kè gần rồi xa. Lớn rồi lại nhỏ. Bạ chúm môi đáp lại: Tắc…kè…tắc…tắc…kè. Bốn bóng người nhô lên sau bức tường đổ. Ba người bên trong ngồi nhích vào. Cuộc nói chuyện giữa chị Chắt, Lân, Bạ với những người lính chiến phía bên kia bắt đầu…
Chị Chắt nói nhiều, nhiều lắm. Giọng chị nhẹ và trong. Chị nói về nỗi cơ cực của những người lính đánh thuê, về đồng tiền lương rẻ mạt người lính nhận được khi cầm súng bắn phá, đốt giết chính đồng bào mình. Về những tội ác dã man của quân Pháp đối với người dân vô tội. Bỗng chị dừng lại, hỏi nhỏ:
- Anh em mình quê dưới đồng bằng hay miền ngược?
- Chúng tôi đều người vùng này cả thôi. Người bên Bình Giang, Tứ Kỳ, Ninh Giang cả…
- Vậy anh em có biết tin nhà dạo này ra sao không?
Ba người lính lặng im. Họ nhìn như khoan vào bóng tối chỗ tán sung rậm rì đổ xuống. Người lớn tuổi nhất ngập ngừng:
- Lâu lắm rồi cũng không nhận được tin nhà. Chả biết mọi người ở quê sống chết thế nào… Nhưng thấy sếp đồn vẫn nói, anh em đi lính thì gia đình cũng được phận nhờ…
- Quan đồn chúng nói vậy với các anh, các anh tin họ không? Ngay mấy thôn quanh đây cũng có những nhà có con em bị bắt lính, vậy khi càn vào làng, có bao giờ, các anh dừng lại hỏi xem những nhà nào có người đang đi lính cùng phía các anh để tránh họ ra, để không đốt nhà họ, không đánh đập cha mẹ vợ con họ không?
- Anh em không trả lời được cũng đúng. Mình không làm được việc ấy, mong gì những người lính khác khi càn đến làng mình họ lại chờ nhà mình, cha mẹ, vợ con mình ra… Khó thật!
- Điều ấy các anh em cũng biết rồi - Lân tiếp lời - Gia đình mình khổ khi vắng mình đó là điều đương nhiên. lại còn thân phận mình nữa, anh em thấy, có khi nào quan quân trong đồn coi anh em ngang hàng với họ? Tất cả chỉ là một lũ Anamít, chỉ là đám khổ rách áo ôm làm thuê kiếm sống bằng cách bắn giết chính đồng bào mình. Đồng lương rẻ mạt, vậy mà nay nó đe cúp, mai nó đe phạt… Rồi đủ trò chúng bày ra, nào cờ bạc, đĩ điếm… Có khi nào anh em còn được cắc lẻ nào gửi về báo hiếu cha mẹ, hay cho vợ nuôi con…
- ….
- Chúng tôi cũng chỉ là những người cùng khổ như anh em cả thôi. quan đồn tuyên tuyền về Việt Minh với anh em thế nào chúng tôi không rõ nhưng chúng tôi biết Việt Minh là những người dám đứng lên chống lại ách cai trị hà khắc của quân Pháp, đòi lại miếng cơm,manh áo cho người dân nghèo vô tội. Việt Minh đâu có đem xe to súng lớn đến làng bắn giết nhân dân hay chỉ có lính Pháp xua quân nguỵ đến bắn giết đồng bào? Việt Minh đâu có bắt dân đứng sắp hàng rồi nổ súng bắn chết một lúc mấy chục mạng người rồi hất xác xuống ao bèo. Việt Minh cũng không lôi chị, lôi vợ các anh em ra hãm hiếp cho đến chết, đến hoá điên, hóa ngộ… Giờ chắc anh em nhận ra đâu là đường quang, đâu là bóng tối… Nếu anh em không thông tỏ, anh em có thể không hợp tác với chúng tôi, nhưng chúng tôi chắc chắn một điều, không sớm thì muộn, cả cái bốt Giỗ này cũng như tất cả những đồn bốt khác trên khắp đất nước ta sẽ bị nhổ bỏ. Chiến thắng sẽ thuộc về những người chính nghĩa… Nếu anh em bỏ súng, giúp cách mạng, anh em sẽ được trở về với gia đình. Bằng không, cứ theo con đường cũ, chúng tôi không dám chắc, mạng sống của anh em sẽ giữ được đến khi nào. Lúc ấy, dẫu có muốn làm lại cũng thậm khó…
- Chúng tôi hiểu - người lính nhiều tuổi nhất, giọng nói rầu rĩ, gương mặt khắc khổ lại lên tiếng - Chúng tôi đã theo anh Mão ra đây là chúng tôi đã thấm thía cuộc đời thằng lính đánh thuê lắm rồi. Có việc gì, các anh, các chị cứ giao. Nếu có chết, chúng tôi cũng cam lòng. Nhưng nếu chúng tôi có chết, chỉ mong các anh, các chị nói vọng về quê giúp chúng tôi một nhời để gia đình đỡ phải cúi đầu khi ra đường giáp mặt bà con.
- Được vậy thì tốt rồi. Thôi anh em về nghỉ đi kẻo chúng nó lại nghi… Chị Chắt nói như reo. Không ngờ, việc gây dựng, mật giao tạo nhân mối lại được Lân chuẩn bị chu đáo vậy.
Vậy là đã tạo dựng, mật giao được với sáu nhân mối là lính nguỵ trong Camp Phương Điếm. Việc thử thách các nhân mối này được giao đích thị cho Mão đen. Sau nhiều lần thử thách, tổ chức đã khẳng định, những nhân mối này khá vững vàng, không bị dao động, có trách nhiệm với những công việc được giao như cung cấp chính xác giờ giấc tất cả những trận đi càn của địch cả bên Camp, bên bốt, thậm chí cung cấp cả những sơ đồ bí mật bố trí hoả lực, những kế hoạch càn quét trong suốt một thời gian dài giúp ta tránh được nhiều tổn thất. Cuối năm 1951, Đã đến lúc dựa vào nhân mối, xây dựng kế hoạch nội công ngoại kích chuẩn bị làm việc lớn.
Tháng mười hai năm một chín năm mốt! Đã mấy đêm liền, cả làng Đức Đại không ngủ. Người già, thiếu niên thức để cảnh giới, thanh niên trai tráng hì hục đào thêm hầm, đón bộ đội Tây Sơn về. Nhà nào cũng có bộ đội đến ở. Người ta thổi cơm, nấu nước, khâu vá. Những công việc vẫn diễn ra như ngày thường nhưng sao vẫn thấy ánh lên niềm vui thật khó tả. Không ai ngủ được trong những đêm này. Bộ đội chủ lực huyện về, tất nhiên sẽ có chuyện lớn. Làng ngay sát bên nách địch, người dân không thể hò hát, không thể công khai chăm chút bộ đội như trong vùng căn cứ kháng chiến. Nhưng dân làng vui lắm mặc dù trên mặt đất không mảy may có sự thay đổi nào. Bí mật đến giờ chót. Mắt ai cũng như cười. Người già trong làng cứ như trẻ lại vài chục tuổi.
Đêm 17! Lân cùng chị Chắt bò vào hàng rào Camp Phương Điếm, mật giao lại với nhân mối lần cuối. Bản kế hoạch anh đã cầm trong tay. Quân địch trong Camp vẫn án binh bất động. Dưới những dẫy nhà, chúng nằm ngồi ngổn ngang. Một toán đang xoay tròn quanh chiếu bạc. Tiếng lè nhè chửi thề um lên. Có thằng chắc vừa thắng, cười ré lên như động rồ. Có thằng lại ông ổng cất tiếng hát một đoạn trong bài tình ái sướt mướt.
Lân và chị Chắt nằm dán người xuống mặt đất, vơ mấy nắm cỏ khô phủ lên lưng áo đã trát đầy phù sa. Dẫu có tên nào loạng quạng ra ngoài lúc này cũng chẳng thể nào phát hiện ra được hai người. Lân phát ám hiệu rồi nằm chờ. Chiều nay trong dòng người đi phu lấp đường, Lân đã gặp Mão đen. Lân căng mắt nhòm vào. Hình như Mão đen đang chầu rìa bên chiếu bạc. Cái gáy nổi cục u của anh nhấp nhô. Dạo này thi thoảng anh cũng phải làm ra vẻ cay cú ăn thua để những tên khác không nghi ngờ. Đã có ám hiệu trả lời. Hai người bò lùi dần ra ngôi nhà có bức tường đổ dưới gốc sung cổ thụ chờ nhân mối.
Bức tường đổ lâu nay đã trở thành địa điểm gặp gỡ bí mật của những cán bộ địch vận như Lân, chị Chắt với những người lính được ta giác ngộ trong đồn. Mấy tháng trước, để đảm bảo bí mật cho địa điểm này, du kích thôn đã dựng lên một màn kịch người bị ma trêu bên cạnh cây sung. Không hẹn trước, đối tượng anh em chọn là mụ Miên, chuyên làm nghề thầy cúng ở làng. Mụ này nổi tiếng với nghề cúng bái đồng cốt, có dấu hiệu hai mang giữa ta và địch, thường hay lén lút ra vào bốt Giỗ. Vừa để bảo vệ địa điểm gặp gỡ, vừa để dằn mặt cảnh cáo nhân vật này, anh em du kích thôn quyết định ra tay. Trước khi bắt tay vào việc, nhiều phương án đã được bàn đến, nhưng nhất định không được giết. Phải làm thế nào đó mà chính mụ Miên trở thành cái loa tuyên truyền không công cho mình mới thắng lợi. Đội thiếu niên quân báo được giao nhiệm vụ trinh sát, theo dõi mụ thầy cúng này. Mới hôm trước, Tiềm đã bí mật moi thông tin từ đứa cháu mụ Miên và biết tối nay mụ ấy sẽ đi cúng cho vợ viên thông ngôn trong đồn, chắc chắn sẽ về muộn. Kế hoạch được vạch ra.
Mụ Miên vừa đi vừa hí hửng nghĩ tới sấp giấy bạc Đông Dương vợ tên thông ngôn vừa nhét vào tay nải của mụ cùng con gà, đĩa xôi to tướng. Đúng là vợ thông ngôn có khác, nó xức loại dầu gì mà cứ thơm lựng, chả bù cho mấy bà nhà mình chỉ độc sực một mùi bùn. Lại còn tiền vung như rác nữa chứ. Sống vậy mới là sống, chứ chỉ vặt mũi đút miệng không xong, quanh năm rách như tổ đỉa như phần đông dân ở làng này thì mụ còn hòng nước non gì. Ai đời, có nhà chèo kéo mụ đến cũng mà lễ vật chạy ngược chạy xuôi cũng chỉ kiếm được có hai quả trứng. Đằng này… ả vợ thông ngôn đến là hậu hĩ. Đã vậy ra đến cửa, ả còn ghé tai mụ thì thào mấy câu. Kể ra, làm theo ả, mụ cũng chả mất gì, chỉ nhìn thấy gì thì nói lại với ả thế… Gật gù cái đầu theo tiếng cười nhẹ, bỗng mụ Miên rụng rời. Cái gì trăng trắng trên ngọn cây sung to ở gốc vườn nhà lão Rớn thế nhỉ? Mụ dừng lại, lấy mu bàn tay giụi mắt liền mấy cái. Mụ mở mắt trân trân. Rõ ràng không phải mụ bị hoa mắt. Rõ ràng có bóng trắng như người treo cổ vắt vẻo trên cành sung xoà ra bức tường đổ mà lại. Mụ rùng mình. Vệt lạnh chạy dọc sống lưng. Làm nghề thầy cúng đã lâu, nhưng nói thật, mụ thừa biết mình làm nghề bịp bợp. Cúng mà giầu sang, sung sướng ai chả cúng, tội gì phải đi làm cho khổ đời. Nhưng lần này mụ thấy ma thật. Mụ giơ hai tay ra bắt quyết, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú… nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Cái bóng trắng giờ đã hiện rõ hình người, hai chân quắp chặt mọt đầu cành, hai tay buông thõng, đầu lộn ngược xuống đất, cái áo trắng tả tơi, đu đưa như người đưa võng. Rồi nó ỉ ỉ hát. mà chả phải hát, i ỉ khóc… ối giời cao đất thẳm ơi! Mụ Miên quẳng cả tay nải, ù té chạy. Chẳng còn thiết đến gà, đến xôi gì nữa. Càng chạy, càng như có người đuổi đằng sau. Mụ vấp ngã giúi giụi. Tiếng khóc của con ma trên cành sung càng eo éo bên tai. Mãi mới về đến cổng, mụ lao vội vào nhà, chùm cái chăn chiên kín mít đầu, lên cơn sốt.
Chẳng ai ở làng chứng kiến chuyện ấy hư thực thế nào. Chỉ thấy sau đêm ấy, không thấy mụ Miên cúng bái gì nữa. Đi đâu, mụ cũng hốt hoảng kể chuyện thấy người treo cổ hiện về trên cây sung bên bức tường đổ nhà lão Rớn. Dân làng bán tín bán nghi. Cả những tên nguỵ trong đồn cũng hốt. Đêm tối, nhất là những hôm ẩm giời, cấm có thấy ai bén mảng đến khu vực ấy. Còn trẻ con trong làng sau tối ấy nhìn thấy mụ Miên đâu lại nghêu ngao:
Đom đóm thầy ngỡ là ma
Thầy ù thầy chạy
Ba thằng ba gậy
Đi đón thầy về…
Chỉ khoái cho mấy anh em du kích, địch vận, hôm ấy được bữa xôi gà ra trò. Nghĩ đến đấy, Lân bật cười.
- Cậu cười gì đấy? Chị Chắt hỏi nhỏ
- Em cười mụ Miên. Phải nói, trò của ông cậu Tỳ ác thật. Vừa giữ được bí mật địa điểm, vừa được chén xôi gà… hà hà.
- Nhân mối đến rồi đấy… Chị Chắt không cần nhìn ra, nói với Lân.
- Anh chị đợi lâu chưa? Chúng tôi phải chờ điểm danh xong mới ra được. Anh Mão vẫn phải chầu rìa bên chiếu bạc. Gần đây, thằng đồn trường hay hỏi đến anh ấy.
- May quá, các anh em ra đây rồi. Chị em tôi đợi cũng đã một lúc - Lân cười - ngồi lâu chút nữa, con ma cây sung lại hiện lên thì chết…
- Hì hì… Cả mấy người lính cùng cười - Công việc cụ thể thế nào ạ?
- Thế này nhé. Tình hình canh gác bố phòng trong đồn có gì thay đổi không?
- Không chị ạ. Vẫn thế. Đêm đổi phiên canh hai lần. Chín giờ điểm danh, quãng khoảng mười một giờ là đám lính ngủ hết. Sáng năm giờ báo thức để còn kịp trả lời súng hiệu bên bốt Giỗ và các bốt xung quanh. Vũ khí vẫn thế, chưa có gì thay đổi cả.
- Thế thì được rồi. Đêm mai, trong sáu người các anh, làm thế nào đó để bốn người được nhận ca gác thứ hai ở hai cổng đồn chính. Hai anh em còn lại nằm ngủ trong đồn. Khoảng mười hai giờ đêm, chúng tôi sẽ vào. Hai anh trong đồn phải tháo hết đạn trong các súng, khoá súng của lính lại. Bốn anh bên ngoài cổng đồn sẽ cùng du kích mở cổng đồn cho bộ đội ập vào. Làm càng nhanh càng tốt. Làm sao đảm bảo bí mật, không phải nổ súng là hay nhất. Hạ đồn xong, sáu anh em theo chúng tôi ra vùng tự do luôn.
Đêm đã xuống. Trời không trăng nhưng qua ánh sao rọi xuống, mọi người vẫn có thể nhìn thấy đường đi và mọi vật xung quanh ở tầm gần. Trong ánh sáng lờ mờ của lớp sương mù vừa phủ, mọi vật ở xa đều trở nên kì quái. Phải phán đoán rất kỹ mới nhận ra đó là một bụi rậm hay một thân cây cong queo đã bị cháy nham nhở. Dường như bóng tối làm cho cánh đồng hoang bên Camp Phương Điếm bị biến dạng, trông như đang có rất nhiều bóng ma đang nhảy múa.
Lân mở to mắt nhìn thật xa. Vẫn chỉ thấy đồng hoang dường như vô tận. Những bụi cây mỗi lúc một nhòa đi trong bóng tối càng ngày càng dầy thêm giữa biển sương. Anh đang cùng các toán bộ đội Tây Sơn, du kích Nghĩa Hưng tiến về Camp Phương Điếm.
Hơn một đại đội quân nguỵ đang ngủ rất ngon lành. Sương mỗi lúc một dầy, đọng lại trên những cành cây, ngọn cỏ, thấm qua lần áo, lẩn vào lớp da bụng đang dán xuống mặt đất của các chiến sĩ công đồn. Đêm nay, nhất định trong đêm nay, căng Phương Điếm phải bị xoá. Dù ngày mai, ngày kia, chúng có cố công dựng lại thì việc nhổ căng Phương Điếm hôm nay cũng là cái tát, giáng vào mặt quan quân bốt Giỗ khi chúng vẫn huênh hoang công bố đồn bốt của chúng là bất khả xâm phạm.
Các tốp bộ đội đã tiếp cận hầu hết quanh đồn. Đã nghe thấy cả tiếng nói mê ú ớ của những tên lính trong những dãy nhà dài. Có tiếng gọi đổi gác.
Lân nín thở! Không biết bốn nhân mối của ta anh và chị Chắt đã mật giao có nhận được ca gác này không. Chờ tí chút nữa. Nếu có ám hiệu, chắc chắn thành công đã nắn chắc trong tay quân mình.
Ba phút. Năm phút. Đồng hồ chẳng có, Lân tự đếm nhịp tim mình tính thời gian. Năm hay bảy phút đồng hồ? Sao đằng đẵng như suốt một ngày. Trái tim anh hư vỡ tung khi thấy ám hiệu cổng chính, cổng phụ của đồn đã mở. Bộ đội Tây Sơn phối hợp với du kích nhanh như cắt lao vào sân đồn, nhanh chóng áp sát mục tiêu. Những tên lính thính ngủ nhất vội vàng vùng dậy, vơ lấy súng lên quy lát lách cách. Nhưng tất cả các khẩu súng đã trở nên nhẹ bẫng. Đạn đã bị tháo khỏi nòng. Cò súng cũng đã bị khoá chặt. Tiếng ông Tuyển rất đanh:
- Đầu hàng thì sống. Chống lại thì chết. Giơ tay lên!
Một tốp du kích thôn vốn thông thạo địa hình cùng mấy nhân mối nòng cốt áp sát gian nhà tên đồng trưởng Mạc Đăng Dung đang ngủ. Hắn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra khi thấy vây quanh hắn là một tiểu đội bộ đội, du kích Tây Sơn. Dung ú ớ không kêu được một tiếng. Chẳng kịp thay quần áo, hắn bị lôi xếch ra ngoài.
Trên mảnh sân trước cửa đồn, tất cả lính đồn đã bị trói lại bằng những sợi dây dù. Tất cả súng đạn, tài liệu, quân trang bị quân ta tịch thu. Cămp Phương Điếm đã bị đánh úp mà không tốn một viên đạn. quân ta rút lui mang theo tất cả chiến lợi phẩm, nhanh gọn như có phép tàng hình.
Trời vẫn mù mịt sương đục trắng như sữa bắt đầu loãng. Mắt Lân phóng tận chân trời vẫn chìm ngập trong biển sương. Không nhìn thấy gì khác ngoài một màu xám lạnh của cánh đồng bị bỏ hoang với những bụi bờ lúp xúp của đám cỏ ba cạnh. Một khoảng không phẳng lì, không gợn một âm thanh.
Mãi tận sáng hôm sau, khi phát súng lệnh từ bốt Giỗ bắn lên không thấy Camp Phương Điếm trả lời, bọn địch mới nháo nhào. Cái tin Camp Phương Điếm bị bộ đội và du kích độn thổ bắt sống tất cả trong một đêm không tốn một viên đạn khiến bọn Pháp bên bốt Giỗ hoảng sợ, choáng váng. Chúng cuống cuồng đánh điện cầu cứu lũ quan thầy. Bọn địch tại thành phố Hải Dương, Hà Nội đứng ngồi không yên. Mấy ngày sau vẫn thấy đám ô tô khum khum như những con bọ xít hôi rình thò thụt lại qua trong bốt Giỗ. Chắc chúng đang tính toán, liệu tiếp thế cờ. Người dân mấy thôn quanh bốt Giỗ nhìn cảnh ấy, thì thầm:
- Cứ thò thụt mãi đi. Thế nào cũng đến lượt thầy tớ chúng mày. Bộ đội tây Sơn đâu có phải chuyện chơi. lại còn du kích của chúng ông nữa. Rồi chúng mày cũng thành một nong thịt nướng cả thôi.
CHƯƠNG XIV
Hương chủ làng giỗ Đỗ Thế Quỹ và hương quản Nguyễn Văn Thắc đang ngồi trong nhà hội đồng thôn thì tên liên lạc từ bốt Giỗ xuất hiện. Tháo cái mũ sùm sụp trên đầu, quăng xuống mặt bàn, tên liên lạc hé mắt, nhìn hai người, nói nhấm nhẳng nhưng giọng lại như quát:
-Ông sếp đội trên bốt cho gọi hai người. Mau mau vào trình diện, kẻo quan đội nổi nóng lên thì khốn.
Nhìn thằng lỏi con đang cố ra vẻ ta đây, hai ông hương chủ, hương quản làng Giỗ bỗng thấy ngứa mắt. Người thấp lè tè, vậy mà nó vẫn dệnh dạng học đòi cái lối bước khuỳnh khuỳnh của những thằng mũi lõ. Dáng người bé choắt của nó bơi trong bộ đồ ca ki rộng thùng thình, lủng lẳng toàn túi là túi. Hương chủ Đỗ Thế Quỹ không nhịn được, rút cây đóm châm điếu thuốc lào rồi quăng tàn đóm ra sân:
- Này, ông quan lùn! - Hương chủ gọi với tên liên lạc, giọng bỡn cợt - Tôi thật lòng chả hiểu ông là người ta hay người Tây nữa. Trang phục thì rõ ra dáng Tây, nhưng vóc dáng lại là người ta… Thật khó, nhỉ…
Đang tít mắt cười, tên liên lạc bỗng sầm mặt. Hắn chỉ tay vào hương chủ Đỗ Thế Quỹ:
- Này, ông đừng có giở giọng xỏ xiên để chửi tôi nhá. ý ông muốn chửi tôi là quân giẫm phải cứt Tây, học đòi chứ gì? Học đòi, giẫm phải cứt mà được sung sướng thì tôi cứ gọi là học đòi cả đời. Cần đếch gì, dân ta với dân mình… Đói rã họng lại còn bày trò…
- Thôi. Ông tây rởm ạ. Ông cút mẹ ông đi cho dân tôi đỡ ngứa mắt. Mày cứ về bẩm với quan thầy mày, chốc nữa chúng tao lên. Có gì thì nói mẹ nó đi cho rồi lại còn bày trò kêu với gọi, mất thời gian.
Cả hương chủ Đỗ Thế Quỹ và hương quản Nguyễn Văn Thắc đều là người của ta cài vào nắm giữ ban tề của làng Giỗ nên hai người rất ác cảm với đám quan đồn. Tống cổ được thằng liên lạc khỏi nhà hội đồng thôn, quay sang hương quản, hương chủ hất đầu:
- Chú mày thử đoán xem, nó triệu anh em ta lên có việc gì?
- Chắc lại cái vụ bộ đội, du kích mình về hót Camp Phương Điếm đi đấy thôi. Còn chuyện chó gì ngoài việc ấy. Người của mình trong bốt đã chả báo về, từ hôm mất Camp, chúng nó đang lồng lên như chó dại đấy thôi.
- Vậy anh em mình vào lần này phải ăn miếng giả miếng với lũ khốn ấy thế nào?
- Em nghĩ thế nào chi uỷ mình cũng có chỉ thị rõ ràng cho việc này. Bọn bên bốt Giỗ không bỏ qua chuyện Camp Phương Điếm đâu. Nhất định nó sẽ làm căng đấy anh ạ.
- Chờ chi uỷ họp thì lâu quá. Hay anh em ta qua nhà Lân, chẳng gì chú ấy cũng là trưởng ban địch vận kiêm chính trị viên phó xã đội, thế nào chú ấy cũng biết cách đối phó với chúng.
- Được rồi, chúng ta qua nhà bà giáo, tìm Lân xem sao.
Hai người kéo nhau qua nhà Lân. Bà giáo đang ngồi nhặt rơm chuẩn bị làm mẻ chổi mới, thấy cả hương chủ, hương quản dắt nhau vào, bà cả cười:
- Chết chết, sao lại cùng lúc có hai rồng kéo đến nhà tôm thế này?
- Tôm tép gì đâu bà giáo ơi! Rồi hương chủ ghé gần bà giáo hỏi nhỏ:
- Chú Lân có nhà không cụ?
- Em nó có đấy. Để tôi gọi nó ra cho hai bác nhá.
Nghe hương chủ, hương quản làng nói chuyện, Lân trầm ngâm:
- Ngay sau hôm mình hót trọn Camp Phương Điếm, huyện uỷ, chi uỷ cũng đã bàn bạc, nhất định chúng nó sẽ trả thù. Chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ có điều, nó muốn kiếm cớ cho dân đỡ phản kháng, đỡ la hét là nó đàn áp mà thôi. Giờ mình không thể xin ý kiến chi uỷ ngay được, hai bác cứ sang bốt, xem nó nói gì. Rồi cứ tìm cách khất lần, lát tôi sẽ đi gặp bí thư chi bộ xin ý kiến cụ thể, chiều tôi sẽ qua nhà bác Quỹ.
- Chú đi ngay đi. Việc này trọng đấy, không chần chừ được đâu. Nó mà giở quẻ càn nống, san phẳng làng mình là khốn nạn. Rồi là du kích bộ đội làm gì còn chỗ núp mà đánh bốt lâu dài…
- Được rồi, tôi sẽ đi nhanh thôi. Cứ thế nhé.
Mảnh sân xi măng trước cửa đồn rợn một màu xám lạnh. Hương chủ Đỗ Thế Quỹ cùng hương quản Nguyễn Văn Thắc chững chạc áo lương, khăn xếp, trịnh trọng bước vào. Tên đội Gầy đang nửa ngồi nửa nằm trên cái xôpha giữa căn phòng rộng, nhìn thấy hai viên đại diện của làng Giỗ vào tới cửa, hắn đứng phắt dậy. Cái gáy để trần của nó đỏ au. Cánh tay nó rậm rịt một thứ lông hung hung như râu ngô vào vụ bẻ, quăn tít. Tên thông ngôn vội đứng dậy theo. Hương chủ, hương quản bước lên thềm, ra vẻ lễ phép, cúi đầu chào:
- Chào quan lớn ạ! Chẳng hay có việc gì cần dạy bảo mà quan ngài cho triệu chúng tôi sang giữa trưa giữa buổi thế này?
Tên thông ngôn dịch lại. Thằng đội gầy nghiêng đầu. Cái mặt lưỡi cày của nó vênh một bên nhìn như con gà chọi chuẩn bị vào cuộc đá. Nghe thủng những lời hương chủ vừa bẩm, nó nhếch mép cười khiến cái miệng méo xệch sang một bên:
- Rõ khéo đường ăn nói. Hai ông đúng là khéo đường ăn nói. Không có việc, tôi cho triệu các ông lên đây làm gì. Thế hai hôm trước đây, dân làng ông làm gì hai ông có biết không? Hay các ông ăn tiền của nước mẹ Đại Pháp rồi chỉ ngồi đánh bạc?
- Bẩm quan, dân chúng con lại có gì đắc tội với quan sao? Hương chủ nhún mình…
- Không! Mắt tên đội Gầy loé lên như mắt mèo vờn chuột - Dân làng ông có làm gì đắc tội với quan đâu. Chúng nó chỉ dung túng cho bộ đội du kích nửa đêm về hót trọn cái căng Phương Điếm đi thôi. Không lẽ việc tày trời này, các ông cũng không biết? Hử?
- Giời ạ! Hương quản Thắc làm ra vẻ ngỡ ngàng - Dân làng Giỗ chúng con xưa nay chỉ biết cun cút làm ăn, quan bảo gì nghe nấy, làng ngay kề bên bốt, đời nào dân con dám chứa chấp bộ đội về đánh Camp? Xin quan lớn đừng nghe bẩm bậy…
- Ừ, bẩm bậy - Cái mặt tên đội Gầy đang tưng tửng như không có chuyện gì, bỗng bầm lại - Bậy, bậy cái mả mẹ chúng mày. Chúng mày định biến ông thành thằng có mắt như mù hả? Ông truyền đời báo kiếp cho chúng mày, lần này thì xéo, xéo hết… Thông ngôn đâu? Mang lệnh của quan trên ra đây.
Tên thông ngôn lập bập mang tờ lệnh ra. Thằng đội Gầy gườm gườm xăm xoi hương chủ, hương quản rồi dõng dạc đọc lệnh đuổi hết nhà dân quanh bốt Giỗ, Camp Phương Điếm đi nơi khác sinh sống, không chừa một ai. Hắn đọc dõng dạc, sự khoái chá thoát cả ra ngoài theo giọng ồm ồm của hắn. Đọc xong, đội Gầy dí tờ lệnh vào mặt hương chủ Quỹ, cười ha hả:
- Chúng mày nhìn thấy dấu son ti - nét đây chưa? Không phải ông mày mạo ra đấy nhé. Về mà thúc dân làng Giỗ nhà mày thu dọn đồ đạc đi. Hạn trong hai ngày, chúng mày phải biến hết, không chừa một đứa nào…
- Nhưng lý do quan đuổi chúng con sao thấy là lạ…
- Lạ gì nữa. Dân chúng mày chứa chấp Việt Minh, để chúng nó vào đánh đồn, không đuổi chúng mày thì để đây làm gì? Không giết, đuổi đi thôi đã là ưu ái chúng mày lắm rồi…
- Bẩm quan lớn, mong quan lớn đèn giời soi xét. Dân chúng tôi ở đây làm sao dám chứa chấp Việt Minh. Việt Minh muốn đánh đồn phải kéo về rất đông, súng to súng nhỏ chắc nhiều, quan đồn còn không đánh lại được thì dân chúng con làm sao dám chứa? Trước chúng con sợ phải đi tứ xứ giang hồ, nay nhờ bóng quan lớn, chúng con kéo nhau về làng cũ làm ăn để mong được sự che chở của quốc mẫu, nay quan đuổi chúng con đi thì dân con biết đi đâu, làm gì để sinh sống bây giờ?
Giọng hương chủ, hương quản nghe thật thiểu não.
- Tao không nghe cái miệng lưỡi chúng mày nữa. nói thì cứ leo lẻo leo lẻo, nhưng chúng mày rước Việt Minh về, bán chúng tao lúc nào không hay. Thôi, cút mẹ chúng mày đi. Bảo nhau mà thu xếp, hai ngày nữa mà còn ở đấy, ông cho đại bác dọn sạch.
Thằng đội Gầy vẫy mấy tên quan trong đồn lại. Chúng xúm vào đuổi hương chủ, hương quản của làng về.
Chi uỷ Nghĩa Hưng họp gấp. Nếu để quân địch đuổi dân đi khỏi những vùng thuộc vành đai bốt Giỗ sẽ rất khó khăn cho việc đánh bốt, quấy rối quân địch. Bọn Pháp cũng biết, dân là nơi che chở cho bộ đội, du kích và cán bộ nằm vùng chỉ đạo các cuộc đấu tranh. Chúng kiên quyết đuổi dân chính là muốn bóc mảng nguỵ trang tốt nhất của quân ta, muốn tách lực lượng vũ trang ra khỏi dân chúng. Nếu vậy, bộ đội, du kích cán bộ nằm vùng của ta sẽ bị "hở sườn, phơi lưng", nhất định quân ta sẽ không bám sát được vị trí của quân địch mà chiến đấu. Không thể để quân địch thực hiện được âm mưu thâm độc này. Bàn đi tính lại, Chi uỷ quyết định, vận động nhân dân lên đồn xin khất, xin ở lại để thu hoạch xong lúa, hoa màu… đồng thời tích cực chuẩn bị cho dân đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Chi ủy cũng giao cho đồng chí Nguyễn Đình Lân, trưởng ban địch vận kiêm chính trị viên phó xã đội, cùng đồng chí Nguyễn Hữu Tỳ, trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này.
Hai ngày sau. Đúng lệnh đã hẹn với hương chủ, hương quản làng, bọn địch cho một lực lượng lính Âu Phi ùa vào làng Giỗ. Khác với những trận càn khác, lần này, chúng không dồn dân ra đình để điểm mục, không bắt người. Mấy tên lính hung hăng gườm gườm nhìn những mái gianh thấp lè tè rồi nhún vai, đảo mắt nhìn nhau. Chúng alôxô lao đến. Những mái nhà rung lên bầt bật. Cột kèo, rui mè, rạ lạt loáng chốc ngổn ngang. Do đã được tuyên truyền, chuẩn bị trước, bà con ta xông đến.
- Lính bốt phá nhà bà con ơi!
Tiếng gào thét bật lên. Dân lao vào. Mấy ông bà trung tuổi túm ngang thắt lưng đám lính Tây kéo chúng giật ngược trở ra. Các ông bà già, trẻ con kêu khóc ầm ĩ. Nhùng nhằng mãi như gà mắc tóc. Lính bốt Giỗ gần làng nên cũng ngại, không nỡ giơ súng bắn vào dân. Chúng chỉ ra sức gào thét, dọa nạt. Trên nhà bà Dậu, một tên Âu Phi bám vào tay xà ngang, co người leo lên, ngồi vắt ngang, thõng hai chân xuống như người đưa võng. Nó nhướng người, túm mái rạ quăng xuống từng mảng. Cô bé con bà Dậu chưa đầy mười lăm tuổi, bé loắt choắt nhưng khá rắn rỏi, nhảy choi choi trên nền sân, nước mắt giàn giụa. Tên lính Âu Phi vẫn túm từng mảng rạ trên mái quăng xuống sân. Nếu không ngăn chúng lại, nhất định chúng sẽ thừa cơ dỡ hết số nhà còn lại. Không được. Không được để đám lính thừa cơ làm càn. Hội phụ nữ xã vào cuộc. Mấy bà, mấy chị lao đến, khóc ỏm tỏm. Chị Miền bế thốc con bé, đẩy nó ngồi lên cổ vai mình, hướng về phía tên Âu Phi đang vắt vẻo trên xà nhà. Con bé đã được chị Miền rỉ tai. Nó túm chặt một bên chân của thằng lính, ra sức lôi. Chị Miền vừa gồng mình giữ con bé chắc trên cổ, vừa lùi dần ra xa. Thằng lính lệch người dần. Rồi cả thân hình to tướng của nó nghiêng về một bên. Sợ rơi xuống. Tên lính nhoài người tụt xuống đất. Nó mới chỉ giỡ được nửa mái gianh.
Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Những vạt nắng hanh heo giữa ngày một chạp khiến da người khô nẻ, rát như phải bỏng. Không thể giỡ được nhà dân. Cũng chẳng còn sức gào thét lại với đám dân như đàn kiến lửa cứ bu lại mỗi khi có tên lính nào đó hăng hái leo lên mái nhà. Vô phúc nếu thằng đó cố leo lên, nếu chẳng may ngã xuống, không chết cũng què. Đám lính ngán ngẩm nhìn nhau, lắc đầu. Không thể khuất phục nổi, chúng thất thểu kéo nhau về bốt.
Ngày hôm sau. Hôm sau nữa. Ngày nào, đám lính bốt Giỗ cũng kéo nhau vào làng. Lính kéo sang ngày một đông. Dân các làng khác cũng lợi dụng lúc tối trời, trà trộn sang, giả làm bà con người làng Giỗ. Lính cứ kéo nhau sang dỡ nhà, dân lại xúm lại van xin kêu khóc. Địch trèo lên mái, bà con lại túm chân lôi xuống. Chúng tức tối, rút súng lên đạn lách cách. Những người già xông lên, chắn ngang đám trẻ. Địch lùi lại. Vòng người quây quanh những ngôi nhà vững như bức tường thành. Thấy quân lúng túng mãi không dỡ được nhà, không đuổi được dân làng Giỗ, tên đội gầy rút súng bắn ba phát chỉ thiên. Nó túm ngực cụ Tung, nghiến răng:
- Chúng mày có lùi ra không? Nếu còn ì, ông bắn chết đừng oán hận…
Nó đẩy tay, giúi ngực áo cụ Tung khiến ông cụ ngã lăn ra đất. Dân làng ùa đến. Tên đội Gầy vẩy súng. Viên đạn đi sượt qua vai chị Miền. Mùi thuốc súng bốc lên khét lẹt. Lân kéo vai ông Tuyển, ông Tỳ, anh Bạ, Phiệt... Họ trà trộn vào trong đám dân đông như kiến đang vây quanh quân địch.
- Căng thẳng quá, không ổn - Bí thư chi bộ nói rất nhỏ vào tai Lân - Cần phải biết lùi để bảo toàn tính mạng cho dân.
Ba người tản ra, lẫn vào từng đám dân đang ùn lại.
Hương chủ Đỗ Thế Quỹ lại áo the khăn xếp lên đồn. Lần này, tên đội Gầy nhất định không gặp hương chủ làng chỉ cho tên xếp bốt ra gặp. Hương chủ nhìn thằng vào mặt viên xếp bốt, nói đủ nghe:
- Thưa xếp! Dân chúng tôi đã về nương nhờ vào bóng các quan lớn, nhưng các ngài đã quay mặt lại, nhất định đuổi chúng tôi đi. Dân ngu khu đen, trong tay không một tấc sắt, chẳng thể làm gì để thay đổi được quyết định của các ngài. thôi thì dân tôi đi. Chỉ mong sếp về thưa lại với ông Đội, cho phép dân tôi được tiếp tục về cầy cấy ở những cánh đồng gần bốt, nhất là được thu hoạch vụ lúa màu này. Ông Đội là người Pháp, chúng tôi bẩm chưa chắc ông ấy đã thông, nhưng ông sếp là người mình, cùng bà con ta cả, chúng tôi tin ông sẽ cho phép dân tôi được làm ăn, kiếm sống trên mảnh đất vốn của mình. ông biết đấy, dân mình rời đất ra sống làm sao nổi. Mong ông làm phúc cho con cái…
Không chờ sếp bốt trả lời, hương chủ Quỹ ra về.
Nhận được chỉ thị của chi uỷ Nghĩa Hưng, dân làng Giỗ bắt đầu gói ghém đồ đạc, chấp nhận đi sơ tán sang các làng lân cận, trong đó có một nửa dân làng Giỗ tạm tản cư sang Đức Đại. Một số ít sang làng Cuối, Chằm. Một phần bà con làng Giỗ không người thân thích, cũng không thể đi xa, họ tạm dựng lều trên cánh đồng đang lật ải khu vực giáp gianh với xã Gia Hòa… Nhưng quân địch cũng phải chấp nhận để cho dân làng Giỗ về thu hoạch lúa màu và vẫn cày cấy trên cánh đồng gần bốt.
Chiều! Những dải sương mỏng như tơ nhện rồi trĩu dần màu nước. Cả cánh đồng ngập dần, ngập dần trong chậu sữa màu trắng đục. Gió lạnh cuộn theo dải khói phất phơ càng khiến không khí thêm tiêu điều. Nhìn những chiếc lều xác xơ, vật vờ trong gió rét, cổ họng Lân xít lại như vừa nuốt phải miếng hồng xiêm xanh còn đẫm nhựa. Nhất định, anh và đồng đội sẽ lấy được nhà cửa cho bà con.
CHƯƠNG XV
Sau ngày ta đánh Camp Phương Điếm, quân Pháp cho thành lập quận lỵ hành chính Tam Lâm - Gia Lộc với mục đích quản lý hành chính khu vực các làng tề thuộc huyện Gia Lộc, một phần huyện Tứ Kỳ, quản lý đường giao thông từ Tam Lâm lên Phương Điếm, liên lạc chặt chẽ với đồn Cầu Bía, đồn Ngái Mạc. Lỵ sở của quận nằm về phía đông đường 17 tại xã Hoàng Diệu gần chợ Trắm. Và kẻ được lựa chọn làm quận trưởng của quận Tam Lâm này là Bùi Quý Chước.
Thông tin về việc Pháp thành lập quận lỵ Tam Lâm đặt ra cho chi uỷ Nghĩa Hưng, đặc biệt là tổ đảng Đức Đại nhiều công việc cần giải quyết trước mắt. Cuộc họp tổ đảng phân tích tình hình trước mắt được triệu tập tức thì. Lân với vai trò là chi uỷ viên, tổ trưởng tổ đảng trưởng ban địch vận đã phân tích rất kỹ từng chi tiết. Những thông tin về tên quận trưởng được các thành viên trong tổ đảng đưa ra để lập phương án đánh địch:
- Nhất định phải đánh. Đánh phủ đầu lúc nó còn non sẽ khiến chúng choáng váng… Ông Tuyển vung tay.
- Đúng là phải đánh. Nhưng đánh thế nào cần phải bàn thật kỹ - Anh Tuỳ, xã đội trưởng gật đầu - Chúng ta phải đánh là lẽ đương nhiên. Đánh để chúng phân tâm, để chúng phải căng tách lực lượng ra đối phó với mình, từ đó chúng thế nào cũng để lộ những chỗ sơ hở, không còn dồn quân ra đánh đuổi dân mình được nữa.
Nghe những ý kiến phân tích của đồng đội, Lân chốt lại:
- Đánh địch là cách duy nhất đúng để chúng ta chia sẻ những khó khăn với người dân lúc này. ý kiến của các đồng chí hoàn toàn chính xác. Nếu chúng ta để chúng yên, chúng sẽ càng nghĩ kế hạch sách dân mình. Chỉ khi chúng bị căng ra trên nhiều mặt trận, chúng mới rối trí. Phải khiến chúng rối tinh như canh hẹ, chúng ta mới gỡ cho dân được. Nhất định phen này, mình phải khiến chúng phải lùi bước. Âm mưu của chúng rất rõ ràng. Đuổi được dân làng Giỗ rồi, chúng sẽ không để yên cho Đức Đại. Địch đang gắng sức tát nước bắt cá kia mà. Nhất định chúng ta phải đánh. Đó cũng là chỉ thị của chi uỷ Nghĩa Hưng và huyện uỷ Gia Lộc trong thời điểm này.
Tổ đảng Đức Đại quyết định giao nhiệm vụ đánh phủ đầu tên quận trưởng Tam Lâm cho đội du kích Đức Đại.
Bùi Quý Chước là con trai đầu của Bùi Quý Liễu (chánh Liễu), đại địa chủ ở Gia Lộc, nghị viện hàng tỉnh thời Pháp thuộc. Bùi Quý Chước cũng bỏ tiền ra mua chức nghị viên hàng tỉnh nên nhân dân cả vùng Gia Lộc gọi hắn là nghị Chước (tên tục của hắn là nghị Chắt). Gia đình nghị Liễu có khoảng ba nghìn mẫu (Bắc Bộ) ruộng thượng đẳng điền tập trung tại bốn ấp: ấp Anh Chuối tại xã Lê Lợi, ấp Ty trên địa phận xã Thống Nhất, ấp Cầu Binh ở xã Thống Nhất và ấp Gia Lộc thuộc các làng Hội Xuyên, Phương Điếm, Đức Đại, Tiên Nha... Để duy trì sản xuất tại các trang ấp này, nghị Liễu cho nông dân bản địa cấy rẽ ruộng rồi tiến hành thu tô. Nông dân trong vùng đều cấy rẽ ruộng rồi nộp tô cho gia đình nghị Liễu. Cách mạng tháng Tám nổ ra, trong số mấy anh em nghị Chắt có một vài người tham gia ở mặt trận Liên Việt huyện, cũng theo cơ quan tản cư khi kháng chiến bùng nổ. Năm 1949, Pháp đánh mạnh ra vùng tự do của Hải Dương, lúc đó gia đình anh em nghị Chắt kéo nhau chạy cả vào thành.
Để thực hiện bằng được kế hoạch bình định đồng bằng, quân Pháp bằng mọi cách quyết đưa nghị Chắt về làm quận trưởng quận Tam Lâm. Chọn nghị Chắt vì bọn Pháp cho rằng uy thế của gia đình hắn vẫn còn ở vùng này. Những tên kỳ hào, bá lý, chánh tổng ở các làng xã đã về lập tề vẫn còn chịu ơn nhà nghị Chắt. Chính từ những lý do đó, quân Pháp tin chắc, nghị Chắt vẫn có thể gây thanh thế và tạo dựng được lực lượng tay sai chống lại Việt Minh.
Riêng với nghị Chắt, chấp nhận và vận động để được về làm quận trưởng Tam Lâm cũng với những mưu đồ hết sức riêng tư. Gần ba nghìn mẫu ruộng bờ xôi ruộng mật có trong tay, từ khi cách mạng về, gia đình hắn bỗng chốc không còn lại gì nhiều. Bao nhiêu bổng lộc, bao nhiêu tiền bạc… Hắn không có ý đồ vơ vét lại mới là chuyện lạ. Chính vì âm mưu đó, nghị Chắt quyết tâm phải làm bằng được quận trưởng Tam Lâm. Chỉ có làm quận trưởng Tam Lâm hắn mới có thể lập lại các trang ấp cũ, tiếp tục thu tô, tiếp tục làm giàu, vơ vét tiền bạc trên mồ hôi, nước mắt của người dân nghèo.
Về giữ chức quận trưởng được vài hôm, nghị Chắt cho tổ chức một loạt những cuộc họp với các kỳ hào, lý trưởng, chánh tổng cũ cùng các hương chủ, hương quản ở những làng tề. Ngoài những làng tề xanh vỏ đỏ lòng, hương chủ, hương quản là người của ta cài vào, vẫn còn rất nhiều những làng tề mà đám chức dịch trong làng thực sự làm tay sai cho địch. Từ những cuộc họp do nghị Chắt tổ chức, chúng đã đề ra rất nhiều phương án chống phá lại cuộc kháng chiến của ta, nhằm mục đích phục dựng lại những quyền lợi kinh tế của chúng. Dưới trướng nghị Chắt, đám tay sai, phòng nhì hoạt động khá mạnh; lính nguỵ bên bốt Phương Điếm liên tục vây ráp, càn quét. Chỉ tính riêng làng Đức Đại, trong vòng một tuần, bốt Phương Điếm xua quân càn tới mười lần, vừa lùng sục vừa bắt bớ. Chính từ những tội ác ấy, huyện uỷ và huyện đội Gia Lộc chủ trương phải diệt Bùi Quý Chước, vừa để tiêu diệt tên ác ôn, tay sai, vừa để cảnh cáo những tên khác đang chực ngo ngoe ngóc đầu dậy; ý Đảng hợp với lòng dân, du kích Đức Đại đã đề nghị lên xã, xã đề nghị lên huyện. Và kế hoạch tiêu diệt nghị Chắt tức quận trưởng Tam Lâm Bùi Quý Chước được vạch ra.
Nắm được quy luật đi lại của tên nghị Chắt, tổ đảng thống nhất để du kích Đức Đại đánh hắn ngay trên con đường 17, nơi hàng ngày hắn vẫn lại qua. Nhận kế hoạch, đồng chí Tuyển - thôn đội trưởng bố trí đồng chí Tuỳ, xã đội trưởng, đồng chí Bịch xã đội phó cùng năm anh em du kích Đức Đại quyết tâm mật phục đánh nghị Chắt. Trước khi đi, mấy anh em kiểm tra lại vũ khí. Tất cả chỉ có hai khẩu tiểu liên, một số mã tấu và mấy quả lựu đạn. Ông Tuyển kéo anh Tuỳ, Bịch lại:
- Tối qua thống nhất trong tổ đảng và đội du kích rồi. Chúng tôi nắm vùng này khá rõ. Dựa vào địa hình mà choảng nó thôi.
- Nấp dưới ruộng lúa, chắc ăn được nó không? Anh Bịch hỏi lại…
- Lúa cao ngang đầu người thế kia (lúa ngày ấy toàn giống dài ngày, thân cao, cây rạ rất cứng), mìn ép sát người xuống mà phục, bố nó cũng chả nhòm thấy…
- Được rồi - Anh Tuỳ gật đầu - Chắc ăn thì đánh. Xem nó còn lượn qua lượn lại như đèn cù mãi được không?
Giữa tháng ba. Lúa đương lúc làm đòng, xanh miên man hai bên đường. Tổ chiến đấu chọn địa điểm bên cạnh cây cột điện đôi, nằm cách mép đường 17 vài trăm mét, cách quận lỵ Tam Lâm chừng hơn một cây số. Trận địa mật phục bố trí xong xuôi, trời bỗng ầm ầm đổ mưa. Chớp loé sáng, rạch nát bầu trời. Mưa như vãi nước xuống mặt đất. Mấy anh em nằm giữa ruộng lúa, ướt lướt thướt. Hợp đồng đánh tín hiệu báo xe nghị Chắt đi qua không thực hiện được, đến khi xe hắn chạy qua rồi vẫn không nổ được súng.
- Nó chạy bố nó mất rồi. Trời thật là… đang yên đang lành thì mưa…Tuyển làu nhàu…
- Làu bầu gì nữa. Rút ngay khi nó chưa phát hiện, về tính cách khác. Nhất định phải diệt được thằng này, nếu không ê mặt du kích Đức Đại. Rút! - Anh Tuỳ vác tiểu liên lom khom chạy trước. Tuyển còn cố nghển đầu, nhìn hút theo cái bóng xe của tên nghị Chắt đang lù đù bò trong màn mưa dầy đặc, miệng lẩm bẩm chửi theo.
Tổ Đảng Đức Đại họp rút kinh nghiệm trận phục kích đánh nghị Chắt không thành. Tuyển vẫn chưa hết ấm ức, cứ nhìn như xoáy vào màn đêm. Rồi anh bật đứng lên:
- Mình phải chủ động, không chờ đợi, phụ thuộc vào nó được. Phải bố trí thế nào đó để nó đi đến đâu, mình biết đến đấy, mới thắng…
- Tính thì phải tính hẳn rồi. Chỉ có cách giả làm hương dũng gác ở ngay chỗ cột điện đôi ấy… Việc này, Lân phải địch vận xem thế nào…
- Được rồi cháu sẽ nhiên cứu... Lân trầm ngâm.
Cả tổ ngồi xổm trên nền nhà đất. Khúc cành dâm bụt nhịp nhịp trên tay anh Tuỳ.
- Đây là đường 17 - cái que vạch một nét - ngay chỗ này là khu vực cột điện đôi. Bọn quân lỵ Tam Lâm cho lập một trạm gác lấy hương dũng các làng ra gác ở chính chỗ này. Quy luật như sau: Ngày hai lần thay ca, mỗi kíp hai người gác. Đánh thằng nghị Chắt tốt nhất ở chỗ này. Chúng ta sẽ cho người giả làm hương dũng đứng gác… Xe nó đến, hai "hương dũng" này sẽ ra chào, cản xe nó lại, một người ném lựu đạn vào xe, người kia dùng tiểu liên, tiêu diệt những thằng còn sống sót. Lân xem công tác địch vận thế nào…Phải vận động thay bằng được 2 hương dũng thật bằng hai "hương dũng du kích".
- Công tác địch vận tôi sẽ hoàn thành, nhất định sẽ bố trí cho hai hương dũng thật ở ngoài… Lân trầm ngâm - Mình cũng nên bố trí thêm lực lượng phục kích vòng ngoài để đánh nó khi cần và yểm trợ cho quân ta nữa…
Tuyển và Thắc được chọn vào vai hai hương dũng. Cùng lúc đó, xã đội bố trí hai chốt phục kích hai đầu. Chốt trên phía phải đường từ huyện xuống do anh Bịch với một khẩu tiểu liên nấp kín trong ruộng lúa. Chốt dưới bên trái đường do anh Tuỳ cũng một tiểu liên. lại bố trí thêm một nhóm phụ nữ giả làm người đi thăm đồng gần cây bồ kết cạnh đường 17 ngay lối rẽ vào lỵ sở quận Tam Lâm. Nhóm phụ nữ này có nhiệm vụ vẫy nón báo hiệu khi xe của quận Chắt đi ra.
Quy luật đi lại của nghị Chắt cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mỗi sáng, sau khi bọn lính đi tuần từ quận Tam Lâm lên Phương Điếm quay trở về quận, cứ tầm khoảng chín giờ sáng, xe của nghị Chắt sẽ tự lỵ sở quận chạy ra đường 17 hướng lên Hải Dương.
Trận đánh được định ngày sau lần đánh hụt ba hôm. Buổi sáng! Ông Tuyển và Thắc trong vai hai hương dũng bắt đầu nhận gác. Cũng quần áo hương dũng, cũng thắt lưng to bản, mũ rộng vành. Mỗi người giấu hai quả lựu đạn trong túi áo, họ đĩnh đạc đứng gác ở trạm cạnh cột điện đôi. Nhận ca gác từ hai hương dũng trước, Tuyển nhìn Thắc, hai người bỗng thấy ngùi ngùi. Chưa bao giờ, họ lại thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh giáp mặt quân thù gần đến như vậy.
Gần chín giờ sáng. Tốp phụ nữ đi thăm đồng đang nghỉ chân tại cây bồ kết lối rẽ vào quận Tam Lâm bỗng giơ nón lên vẫy như người nóng quá giơ tay quạt. Nhận được tín hiệu, Tuyển bỗng thấy tim mình đập rộn ràng. Ông nhìn sang Thắc, cũng thấy mồ hôi đang rịn ra trên vầng trán kiên nghị của người đồng đội. Họ nhìn nhau, cùng gật đầu. Vậy là họ đã hiểu. Họ sẽ bước vào cuộc chiến đấu mà nếu có hy sinh cũng cần phải tiêu diệt được địch. Chiếc xe chở tên quận Chắt gần dần. Hai trăm mét. Một trăm mét. Năm mươi mét! Bánh xe đã chạm điểm cần dừng. Hai hương dũng Tuyển và Thắc đứng hàng đôi, giơ tay chào ngài quận trưởng. Thắc đứng cao hơn Tuyển một chút, anh cố tình để Tuyển chỉ nhô phần mặt lên để tiện cho việc rút lựu đạn. Xe dừng hẳn. Nghị Chắt mở cửa xe định bước ra. Nhanh như cắt, Tuyển lia ngay quả lựu đạn đã bật chốt vào buồng lái. Đoàng! Tiếng nổ đanh. Tên lái xe gục xuống vô lăng, chết tại chỗ. Tên cai da đen bị mảnh lựu đạn phập vào chân, máu tứa ra, giầy văng ra ngoài. Viên thư ký luống cuống bị Thắc lao tới đâm một nhát dao, thấu tim. Nghị Chắt bàng hoàng. Mảnh lựu đạn găm vào mông hắn đau điếng. Nhưng tên lái xe chưa kịp tắt máy. Cuống cuồng, nghị Chắt nhoài người vồ lấy tay lái. Chiếc xe lao bắn đi. Bên kia đường, anh Bịch xông tới, chỉ kịp lia theo một băng tiểu liên nhưng không trúng nghị Chắt. Chiếc xe xa dần. Bốn anh em vội rút ngay vào làng. Tiếng đại bác từ đồn Bía bắn lên, từ bốt Giỗ bắn xuống. Chắc tiếng lựu đạn nổ đã khiến chúng kinh hoàng.
Nghị Chắt không chết. Hắn chỉ bị thương vào mông nhưng những gì hắn đã trải qua tại vị trí trạm gác hương dũng ngay tại cột điện đôi hôm ấy đã khiến hắn hồn xiêu phách lạc. Không thể coi thường, không thể đùa cợt với những người dân tưởng hiền lành, nhu mì của cái làng Đức Đại này. Một tuần sau, nghị Chắt bỏ chức quận trưởng Tam Lâm, lẩn mất vào thành phố.
Sau trận du kích Đức Đại phục kích đánh nghị Chắt, địch tăng cường hành quân lùng sục ráo riết hơn. tiếng lựu đạn của Tuyển quăng vào xe nghị Chắt hôm ấy là câu trả lời cho ý chí kiên cường của những người dân trên mảnh đất này. Mặc chúng liên tục điên cuồng tổ chức các cuộc hành quân, mặc cho bị chúng đuổi khỏi làng, vẫn đi ở nhờ tại Đức Đại và các làng khác, một số vẫn sống trong lều tạm trên cánh đồng giáp xã Gia Hoà, dân làng Giỗ vẫn ngày ngày về làm lụng, cày cấy trên thửa ruộng của mình ở những cánh đồng bên cạnh bốt Giỗ. Hành động ấy như một lời thách thức với kẻ thù…
Xác định con đường 17 là con đường huyết mạch, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ hành quân của chúng mà cũng là con đường qua lại để tổ chức chiến đấu, để hoạt động của rất nhiều cán bộ của ta, địch tổ chức canh phòng dọc tuyến đường này rất cẩn mật. Qua đường 17, các tỉnh uỷ viên, huyện uỷ viên của Việt Minh nằm vùng sang được Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành… chỉ huy phong trào cách mạng. Ngày nào địch cũng cho quân lùng sục. Dọc hai bên đường, chúng phát quang những bụi cây rậm. Mỗi lần đi tuần, cảm thấy chỗ nào có dấu hiệu khả nghi, quân địch dừng lại, không tiếc rẻ quăng vào đó vài quả lựu đạn, nã mấy băng tiểu liên. Suốt dọc đường, một bên là con sông nhỏ nối với sông cầu Bía, một bên là đồng ruộng, nhưng địch đã cấm không cho dân cày cấy nên ruộng bị bỏ hoang, cỗi cằn, không còn sự sống. Đất dọc đường 17 liên tục giật mình. Cảm giác đến cỏ hai ven đường cũng nghẹn thở.
Để khai thông đường 17 và làm nhụt nhuệ khí quân địch, huyện đội Gia Lộc chủ trương phải đánh và tiêu diệt đơn vị tuần tra từ Tam Lâm lên Phương Điếm của địch. Chi bộ Nghĩa Hưng và tổ đảng Đức Đại đã nhận được kế hoạch này, chuẩn bị phối hợp chiến đấu. Kế hoạch đánh địch không thể xây dựng cụ thể nếu không nắm kỹ thực địa. Huyện đội cử đồng chí Nguyễn Thế Phôi, một tiểu đội trưởng của đại đội Tây Sơn, đại đội quân chủ lực của huyện đội Gia Lộc, khá thông thạo địa hình khu vực này xuống nằm vùng, phối hợp với du kích Nghĩa Hưng, đặc biệt là du kích Đức Đại, điều tra, trinh sát tình hình, quy luật tuần tiễu của tiểu đội lính nguỵ từ Tam Lâm lên Phương Điếm. Do có sự phối hợp chặt chẽ với du kích địa phương lại khá thông thạo địa bàn nên chỉ mấy ngày sau, huyện uỷ đã nhận được bản báo cáo khá chi tiết của đồng chí Phôi về tình hình địch.
Hàng ngày từ 6h30 phút, một tiểu đội lính nguỵ mười hai tên do cai Bàng chỉ huy sẽ đi tuần từ Tam Lâm dọc theo đường 17 lên Phương Điếm. Chúng sẽ đi muộn hơn thời điểm này nếu hôm đó tên quận trưởng không lên tỉnh. Khi đi tuần, chúng đem theo một trung liên, còn lại toàn súng trường. Trước khi xuất phát từ Tam Lâm tiểu đội địch sẽ cho bắn ba phát súng trường làm hiệu lệnh xuất quân rút kinh nghiệm từ cái chết hụt của nghị Chắt, chỉ khi nào toán địch đi tuần lên tới Phương Điếm quay trở lại, lúc đó xe của tên quận trưởng mới xuất phát. Hơn nữa, sau trận phục kích của du kích Đức Đại đánh quận Chắt tại cây cột điện đôi, tên quận trưởng về thay cáo già hơn, Hắn cũng đi lên tỉnh bằng ô tô nhưng đi về rất thất thường, không theo một quy luật nào hết. Chỉ có tiểu đội cai Bàng vẫn đi tuần đều đặn như cơm bữa mỗi ngày. Mỗi lần đến cây cột điện đôi, cai Bàng lại vung tay vẩy vào đó vài băng đạn. cò toán lính đi tuần thì mắt trước, mắt sau, dáo dác ngửa nghiêng như gà phải cáo.
Đại đội Tây Sơn giao nhiệm vụ cho chính trị viên trung đội Đoàn Văn Lưu tổ chức trận đánh này. Tiểu đội đồng chí Nguyễn Thế Phôi, do đích thân đồng chí Lưu phụ trách được giao nhiệm vụ chính. Đơn vị chiến đấu được phân tán nhỏ về ẩn náu trong nhà dân tại các thôn.
Tháng năm ta! Nhân dân chuẩn bị gặt lúa chiêm. Màu lúa chín vàng hây xô từng đợt như rỡn sóng ngoài đồng nhưng ven hai bên cách đường 17 hai chục mét, đất vẫn chết một màu xám xịt. Không một cây lúa nào được cấy tại đây. Địch kiên quyết bắt dân bỏ hoang hoá phần ruộng đất chúng cho là nguy hiểm ấy. Nằm dưới mặt đất lấp sấp bùn, đồng chí Lưu dõi mắt ra xung quanh. Bên cạnh anh, Phôi đang thở rất nhẹ. Đêm tối như bưng lấy mắt. hi thoảng vài phát pháo sáng vọt lên từ phía Phương Điếm, hướng sang Tam Lâm.
- Nó bắt dân mình bỏ hoang ruộng đất thế này, nhất định nó định biến vùng này thành vùng trắng… Lưu nói nhỏ… - Không có lúa, mình không thể núp vào ruộng lúa như những trận phục kích trước đó được đâu. Trận này, muốn thắng, phải tuyệt đối đảm bảo bí mật. Muốn thế, chỉ có cách bộ đội ta phải độn thổ sát vào tận mép đường…
- Anh định chọn chỗ nào để phục? Phôi thì thầm
- Chỗ nào… chỗ nào thì chỗ nhưng phải cách cây cột điện đôi, nơi du kích Đức Đại - Nghĩa Hưng mới tiến hành trận tập kích tên quận Chắt mấy tháng trước đó vì bọn chúng đã đề phòng địa điểm này rồi… Lưu băn khoăn.
- Em tính, hay mình cứ đánh ngay chỗ ấy. Có khi nó cũng nghĩ mình không bao giờ phục lại chỗ đã phục thì sao anh? Phôi đề nghị
- Không được. Không thể chọn lại địa điểm cây cột điện đôi. Địch đã quá đề phòng vị trí này. Cũng không thể lùi quá sâu, vì lại gần quận lỵ Tam Lâm, đánh xong mình rút khó, chúng đổ quân ra, tổn thất lại thuộc về mình. Thôi được, ta cứ lùi xa lên kia một chút…

Sau chuyến thực địa, bộ đội Tây Sơn quyết định chuyển vị trí đánh địch lên phía Bắc, cách cây cột điện đôi hơn một cây số. Vị trí này có thuận lợi là cánh đồng bên Đức Đại có một cái ao rộng, bèo tây mọc đầy. Bờ ao lại có nhiều bụi cây hoang cao lúp xúp giúp cho việc đổ đất lúc đào hầm phục kích rất kín đáo và thuận tiện. Một tiểu đội bí mật đào một hầm khoét vào bờ rồi nguỵ trang thật kỹ. Đây là vị trí đồng chí Lưu ẩn nấp, cầm hiệu làm lệnh phát hoả khi địch đã đi vào giữa trận địa phục kích. Mười một đồng chí khác đào hố nguỵ trang sát ngay mép đường 17. So với mặt ruộng, mặt đường chỉ cao hơn khoảng chục phân, vì vậy việc đào hầm náu quân phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Nhập nhoạng tối, tiểu đội xuất phát từ xã Quốc Tuấn cùng với mười đồng chí du kích do đồng chí Nguyễn Văn Đố, xã đội trưởng cùng vào làm nhiệm vụ chuẩn bị trận địa. Tốp du kích này làm nhiệm vụ canh gác hai đầu. Riêng chuyện đào đất cũng phải làm rất cẩn thận. Để giữ bí mật, đơn vị đã phải trải vải nhựa để đi lại đổ đất sau đó lại nguỵ trang lại thật cẩn thận. Địch không thể nào phát hiện ra. Đang đào đất, đồng chí Cao quê xã Liên Hồng bị thuổng đâm vào chân nên không thể tham dự trận đánh được. Tổ chiến đấu còn lại mười người. Ba giờ đêm, trận địa chuẩn bị xong. Cả tổ độn thổ, ém mình dưới lòng đất, chuẩn bị chờ hiệu lệnh xung trận.
Mặt trời đã lên gần một con sào. Không khí dưới những căn hầm trở nên ngột ngạt. Đã quá con số 6h30 phút rất lâu rồi. Bóng dáng những tên trong tiểu đội lính nguỵ đi tuần vẫn biệt vô âm tín. Cũng chẳng thấy chúng bắn súng báo hiệu như mọi ngày. Không lẽ chúng phát hiện ra trận địa phục kích của quân ta? Hay trận địa bị lộ? Hay chúng đang chờ để lừa úp lại quân ta ngay tại chính trận địa phục kích này? Rất nhiều câu hỏi ập đến trong đầu các chiến sỹ trong tổ chiến đấu…Cả tổ như ngồi trên chảo lửa…
Quá 8 giờ sáng. Ba tiếng súng báo hiệu thường ngày gây bao khó chịu trong đầu người nghe mà sáng nay các chiến sỹ trong tổ chiến đấu nghe vui như tiếng pháo mừng. Có súng hiệu bắn chỉ thiên, có nghĩa là quân địch đang chuẩn bị đi tuần, có nghĩa là trận địa của ta vẫn giữ được bí mật và nhất định sẽ rơi vào trận địa phục kích của quân ta. Thời gian trôi qua như rùa bò. Mãi mới thấy anh Lưu phất cờ hiệu. Mười đồng chí bộ đội Tây Sơn bật nắp hầm xông lên. Họ như những thổ thần chui ra từ lòng đất mẹ. Những đường mã tấu sáng loáng vung lên. Những nhát mã tấu chém xuống như chém chuối. Tên cai Bàng chưa kịp hiểu điều gì vừa xảy ra đã gục xuống bởi lưỡi mã tấu của đồng chí Phôi. Bốn tên khác bị anh em chém chết tại chỗ. Số còn lại đứa chạy lên Cuối, đứa chạy giật lùi trở lại. Trận đánh diễn ra không đầy năm phút. Quân ta thắng lợi hoàn toàn, thu được 1 tiểu liên, bốn súng trường. Giấu niềm vui chiến thắng, anh em vác chiến lợi phẩm chạy qua cánh đồng Gia Khánh về Tân Tiến mà vẫn không thấy quân địch kịp phản ứng lại.
Những trận đánh dồn dập của quân ta dọc đường 17 nhất là trên địa bàn Nghĩa Hưng khiến quân giặc điên đầu. Chúng nhận định rất rõ, du kích, bộ đội dám tổ chức và đánh được những trận đánh ấy một phần lớn là dựa rất nhiều vào những cơ sở của nhân dân. Bằng chứng chúng có thể thấy rất rõ, đánh Camp Phương Điếm, bộ đội, du kích phải dựa vào dân làng Giỗ. Đuổi dân làng Giỗ đi, hết chỗ cho bộ đội bám vào. Nay, để giữ được an toàn cho con đường 17, cách ly bộ đội, du kích khỏi dân chỉ có cách đuổi dân hai thôn Đức Phong và Đại Liêu đi. Thực hiện âm mưu ấy, Pháp cho gọi hương chủ Nguyễn Hữu Hoàn và hương quản Nguyễn Công Tùng của Đức Đại lên:
- Lôi cổ hương chủ, hương quản của Đức Đại lên. Đọc lệnh tống cổ, đuổi hết dân làng ấy đi. Chúng nó chứa chấp Việt Minh, dám ngang nhiên đánh lính quốc gia giữa ban ngày… Không thể tha cho chúng nó được… Tên sếp bốt gầm rít.
Hương chủ thôn Đức Đại bấm hương quản. Họ làm vẻ khúm núm, dắt nhau lên đồn. Cả hai người đều là người của ta cài vào nắm giữ ban tề nên nắm khá chắc phương pháp đấu tranh của ta. Với giọng mềm dẻo, hai vị đại diện ban tề nhũn như con chi chi. Hương chủ Hoàn nhã nhặn:
- Bẩm sếp đồn. Mong sếp nghĩ lại. Từ ngày quay trở lại làng lập ban tề, dân Đức Đại đã thuộc quốc gia rồi, có bao giờ dân chúng tôi dám làm trái ý của quan đồn đâu.
- Chúng mày bảo không làm trái ý quan đồn, tại sao chúng mày lại chứa chấp để bộ đội Tây Sơn về phục kích đánh lính quốc gia? Chúng mày chứa chấp Việt Minh, suốt ngày rình chộp các quan qua lại trên đường, để chúng mày ở đây làm gì? Tên sếp đồn trợn mắt nhìn hương chủ, hương quản…
- Bẩm quan sếp, dân Đức Đại thuộc quốc gia rồi, xin quốc gia bảo vệ cho dân. Việc Việt Minh phục kích đánh quân quốc gia là trên đường 17, mãi tít ngoài đường cái quan, chứ có liên quan gì dân Đức Đại chúng con đâu. Vả lại, xin quan đồn thương dân, chứ sắp đến mùa thu hoạch rồi thì làm sao dân chúng con lại bỏ nhà bỏ cửa lúc này mà đi được? Đi thì rồi trông ngòng vào đâu mà sống? Mong quan đồn thương tình…
Nhịp nhịp cái roi cá đuối trong lòng bàn tay, viên sếp đồn gật gù cái đầu. Thấy hắn có vẻ nhũn nhặn, hương chủ, hương quản lân la:
- Bẩm sếp, mong sếp thương, sếp thương phần nào, dân chúng con được nhờ phần ấy. Từ ngày sếp về làm sếp đồn ở đây, dân chúng con được nhờ bóng nhiều… Mong quan lớn thương cho…
Nghe hương chủ, hương quản trình bày, bọn quan đồn nghe cũng có lý. Chúng nhìn chăm chăm vào hai vị đại diện ban tề của Đức Đại, rồi vênh vang:
- Kể ra cái miệng chúng bay cũng dẻo lắm đấy, tao nghe cũng suýt mủi lòng. Nhưng không được, làng mày chứa chấp Việt Minh mấy lần đánh các quan trên đường nên tao gia hạn cho năm ngày. Thế là tao nhân nhượng lắm rồi đấy, sau hạn làng mày không đi lúc đó tao cho xan phẳng đừng trách. Thôi xéo về ngay...
CHƯƠNG XVI
Chính trường Bắc Bộ lúc này khá phức tạp. Kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ trong thời gian ngắn bị sa lầy, địch không những không tiêu diệt được lực lượng chủ lực của ta, không phá được khu du kích của ta, không chiếm đóng được thêm những vị trí mới mà còn bị quân ta đánh tiêu hao, diệt nhiều sinh lực. Thất bại, chính phủ Pháp triệu hồi Đờ tát xi nhi về nước và đưa tướng Xa lăng sang nắm chính trường Đông Dương. Sau bảy năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, đây là lần thứ 7 chính phủ Pháp phải thay thế viên tổng tư lệnh tại chiến trường này. Để thực hiện âm mưu mới trên chính trường, Xa lăng cho lập hệ thống đồn bốt boongke kiên cố, tập trung bình định đồng bằng Bắc Bộ. Muốn thực hiện được âm mưu này, hắn chỉ đạo triệt để thực hiện chiếc dịch tách dân ra khỏi lực lượng vũ trang của ta. Địch ra sức khủng bố nhân dân. Chúng tập trung dồn dân đuổi làng ra khỏi mảnh đất họ vẫn sinh sống. Sau đó sẽ chiêu hồi lại, lập làng mới có hệ thống hàng rào bằng dây thép gai, lập tổ chức hương dũng phản động kiểm soát, bảo vệ, nhất định gạn lọc không cho cán bộ cách mạng lọt vào trong dân. Mô hình này chúng đã thực hiện thành công tại khu tả ngạn sông Hồn trên địa bàn xã Vân Đình - ứng Hòa - Hà Đông. Chúng gọi mô hình ấy là Đại xã Vân Đình.
Đứng trước việc địch cho gọi hương chủ, hương quản của Đức Đại lên độc lệnh đuổi làng, trung ương và khu uỷ tả ngạn nhận định: Việc địch đọc lệnh đuổi dân Đức Đại không nằm ngoài âm mưu bình định của Xa lăng. Nếu đuổi dân Đức Đại thành công, nhất định chúng sẽ áp dụng mô hình Đại xã Vân Đình tại nơi này. Vì vậy trung ương và khu uỷ chỉ thị: Bằng mọi giá phải đấu tranh giữ cho được để thôn Đức Đại không phải dời làng đi nơi khác.
Thực hiện chủ trương của khu uỷ, tỉnh uỷ Hải Dương, huyện uỷ Gia Lộc chỉ đạo phải tìm mọi biện pháp đấu tranh có lí có tình với địch, nhất quyết không để địch đuổi dân Đức Đại đi nơi khác. Muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, phải tập hợp sức mạnh của tất cả quần chúng nhân dân.
Chi uỷ xã Nghĩa Hưng họp mở rộng đến một số đảng viên, các hội quần chúng để bàn cách đối phó lại với kế hoạch dồn dân đuổi làng Đức Đại của đồn Phương Điếm. Cuộc họp có sự tham dự của đồng chí Bùi Quang Thu, Bí thư huyện uỷ Gia Lộc. ông cũng là người con của làng Bung nên khá am tường địa bàn này.
Tất cả câu chuyện trong lần gặp gỡ với đại diện bọn sếp đồn được hai ông hương chủ, hương quản của làng trình bày lại. Các thành viên trong cuộc họp chăm chú. Họ nghe và thấy cái gay gắt, cái khó khăn của cuộc đấu tranh này ngấm vào gan ruột mình. Chắc chắn chúng không nói chơi. Chắc chắn chúng sẽ thực hiện bằng được kế hoạch đã vạch ra. Những gương mặt đảng viên, quần chúng dự họp đều thấy hết khó khăn trong cuộc đấu tranh này. Đồng chí Bùi Quang Thu, bí thư huyện ủy cho ý kiến. Tiếng ông trầm trầm:
- Các đồng chí đều đã biết. Vậy là mặc cho hương chủ, hương quản đã dùng mọi lý lẽ, mềm dẻo khất lần, nhưng tôi tin chắc bọn đồn Phương Điếm không bao giờ chấp nhận cho dân Đức Đại ở lại. Vậy chúng ta sẽ phải chuẩn bị thật lỹ lưỡng để tiến hành cuộc đấu tranh này. Tỉnh uỷ Hải Dương cũng đã nắm kỹ và cho chỉ thị về cuộc chiến đấu này. Chúng ta cũng cần nhận thức rõ: Đây không phải là cuộc đấu tranh của riêng nhân dân Đức Đại, của một xã Nghĩa Hưng mà đây là cuộc đấu tranh đại diện cho nhân dân cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, của cả nước với kế hoạch mới của một bộ máy cai trị cực kỳ thâm độc. Dồn dân, đuổi làng để chúng dễ bề kiểm soát khống chế, kìm kẹp. Dồn dân đuổi làng để chúng lập nên những phòng tuyến trắng, cách li nhân dân, cô lập lực lượng kháng chiến. Cuộc dồn dân, đuổi làng Đức Đại là thí điểm đầu tiên Pháp thực hiện tại Hải Dương. Đây chính là một trong những âm mưu nhằm bình định đồng bằng của địch. Sau khi dồn được dân, nhất định chúng sẽ cho rào làng, tổ chức dân vệ canh gác. Khi đó đến người dân ra vào cũng phải theo giờ giấc và chịu giám sát chặt chẽ của chúng chứ không nói gì đến bộ đội, du kích hay cán bộ nằm vùng của chúng ta. Từ nhận thức đó, nhất định chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, không để chúng thực hiện được âm mưu này, có nghĩa là chúng ta không bó tay để mặc chúng hoành hành dồn dân đuổi làng Đức Đại. Để xây dựng kế hoạch cụ thể, đề nghị các đồng chí cơ sở cho ý kiến…
Rất nhiều ý kiến được đưa ra. Phần lớn đều nhất trí đấu tranh đến cùng, chống địch dồn dân đuổi làng. Ngồi trong cuộc họp, ruột gan Lân nóng như có trăm ngàn ngọn đuốc đang cháy rần rật bên trong. Cuộc họp đang theo xu hướng thuận, bỗng một thân hình cao lớn đứng lên.
- Thưa các đồng chí - Tuyển cất tiếng. Cái giọng lúc nào cũng như đang sôi ùng ục của ông không lẫn vào đâu được, dù đã cố nói rất nhỏ - Có một vấn đề tôi thiết nghĩ cần nêu ra cho các đồng chí nắm được. Ngay sau khi bọn quan đồn gọi hương chủ, hương quản làng lên đọc lệnh đuổi dân Đức Đại, trong dân đã có những ý kiến trái ngược nhau. Phần đông bà con tin theo đảng nhưng có một bộ phận không nhỏ đang lợi dụng tình hình này tuyên truyền lôi kéo, dụ dỗ dân đi ngược đường lối…
- Đề nghị đồng chí Tuyển nêu cụ thể…
- Vâng, chắc cùng là người làng, các đồng chí không lạ gì tên Nhang…
Lân lướt nhanh trong đầu. Anh cũng không lạ gì nhân vật này. Hắn là Nhang. Vốn trước gia đình hắn thuộc hạng máu mặt trong làng, dây mơ rễ má với đám cường hào theo chân nghị Chắt. Tiếng Tuyển vẫn gay gắt:
- Hôm trước, gặp tôi cùng đi đánh dậm, hắn đã cợt nhả - "Tôi chỉ là một người dân trong thôn… việc dân làng mình theo kháng chiến chúng tôi cũng đã đồng tâm, nhất trí. Nhưng bây giờ, đến nước này rồi, liệu cả làng mình có chống lại được lính đồn không? Họ có máy bay, tàu bò, có súng to, đạn nhiều… Chẳng nhìn đâu xa, chỉ coi mấy trận càn gần đây thôi, nếu dân làng chống lại lính đồn, liệu họ có để cho dân mình yên. Lúc họ càn làng, dồn dân, nếu họ bắn giết dân mình, hãm hiếp đàn bà, con gái, lúc đó du kích, bộ đội, cán bộ nằm vùng có thấy bố nào xuất hiện đâu? Vì vậy, ai chống cứ chống, chứ tôi là tôi không thể mạo hiểm được. Như dân làng Giỗ đấy, chống lại họ liệu có chống nổi không? Trứng chọi với đá, chọi gì nổi mà chọi… Nên…"
- Nghe thế, tôi cũng đã điên ruột. Tôi vằn mắt với hắn: Nên cái gì mà nên với chả nền. Đã chống là chống, giờ lại còn bày trò phá ngang là sao? Đừng có theo gót đám tàn quân, bám váy đàn bà thế… Đứa nào thích dồn, thích dọn thì cứ dọn vào đồn mà ở hẳn với đám bán nước cầu vinh kia đi…
- Sao không phang cái mõ dậm vào mặt nó cho tan cái mặt quân phá bĩnh ấy đi - Tuỳ xã đội trưởng nghe Tuyển nói đến đấy, đứng bật dậy… Ông thật là, phải cái loại ấy mà còn bình tĩnh tuyên truyền với nó… vác mõ dậm phang bỏ mẹ nó đi chứ…
- Đồng chí Tuỳ cứ bình tĩnh… Bí thư huyện uỷ ngắt lời - Chúng ta đang họp bàn, chúng tôi cũng muốn nghe cho thấu ý kiến của nhiều người… quyền lợi cá nhân cũng dễ khiến người ta băn khoăn lắm chứ… đề nghị, đồng chí Tuyển cứ trình bày hết những gì đã nghe được trong dân. Chúng ta cần nắm được để có kế sách kịp thời…
- Nó có chửi thẳng tôi đâu mà tôi phang. Với lại, anh em mình toàn hoạt động bí mật, không lẽ tôi xưng danh với nó tôi là đội trưởng du kích để rồi lấy cớ phang nó à? Ông nói ngang bỏ mẹ… Ông Tuyển vùng vằng với anh Tuỳ.
- Đề nghị các đồng chí không được nóng. Đồng chí Tuyển cứ trình bày hết giọng điệu của tên Nhang xem nào?
- Vâng, nó cứ ráo hoảnh: "Chúng tôi không có ý chống lại chủ trương, chính sách của đảng. Nhưng chọi lại với lính đồn là một điều chúng ta không làm được. Du kích cũng có đánh vài trận đấy, nhưng có chăng chỉ làm sứt vẩy sầy da chúng nó chứ có to tát gì. Còn chúng thì sao? Chúng giết dân không ghê tay. Muốn bắt ai là bắt, giết ai là mặc sức… Không bàn tính kỹ càng, chỉ dân chúng tôi thiệt… Các ông xã đội du kích chỉ giỏi hô hào, đom đóm sáng đằng đít…". Đấy, trong dân cũng còn tồn tại những luồng suy nghĩ ấy đấy.
- Thôi được rồi… Bí thư huyện uỷ ngắt lời - Việc trả lời ý kiến của anh Nhang, huyện uỷ giao cho đồng chí Trần Phù có trách nhiệm.
- Vậy chúng ta thống nhất quan điểm: Nhất định một tấc không đi, một li không dời. Đấy là phương châm mà cán bộ đảng viên trong chi bộ nhất là trong tổ đảng Đức Đại cần nắm vững để chỉ đạo phong trào. Đối với nhân dân, cần triệt để thực hiện phương châm: "Không đi khỏi nơi quê cha đất tổ" - Bí thư huyện uỷ nhấn mạnh. Chúng ta cần tập hợp sức mạnh của toàn dân. Đặc biệt cần làm tốt công tác địch vận, lôi kéo anh em binh lính người Việt trong bốt Phương Điếm không làm ngơ trước cuộc đấu tranh này của dân Đức Đại. Đồng chí Lân, Trưởng ban địch vận, kiêm chính trị viên xã đội phó có ý kiến gì trong kế hoạch này không?
- Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của huyện uỷ - Lân nói chậm, giọng khúc triết - Chúng tôi đã nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh này trong phong trào chung của cả huyện, cả tỉnh. Ngoài một số người chưa thật tin tưởng, còn lại phần lớn nhân dân Đức Đại đều đồng tình với đường lối của đảng. Riêng với số anh em binh lính người Việt trong bốt Phương Điếm, chúng tôi đã tiến hành nhiều buổi địch vận, ít nhất anh em cũng sẽ lảng không mạnh tay càn quét dân như trước, thậm chí nếu có bị đẩy sang cũng chỉ là đi có có lệ…
- Đồng chí chỉ đạo binh vận được vậy tốt rồi. Cần nhất trong thời điểm hiện tại là chúng ta phải đồng lòng. Càng vận động, tập hợp được khối đoàn kết cao khả năng giành thắng lợi càng lớn. Mà trận này, nhất định chúng ta phải giành thắng lợi. Để chỉ đạo cuộc đấu tranh này, huyện uỷ Gia Lộc đã thống nhất cử đồng chí Trần Phù, huyện uỷ viên theo dõi trực tiếp, thống nhất ý kiến với chi bộ đảng xã Nghĩa Hưng, với tổ đảng Đức Đại, đồng thời huyện uỷ cũng nhất trí đề xuất của chi bộ Nghĩa Hưng, giao nhiệm vụ cho đồng chí Lân, chi uỷ viên, trưởng ban địch vận kiêm chính trị viên phó xã đội Nghĩa Hưng, với danh nghĩa cán sự quân dân chính đảng, phụ trách thôn Đức Đại, trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh chống dồn dân đuổi làng lần này. Các đồng chí có ý kiến gì khác không?
- Tôi có ý kiến! Lân đứng dậy. Anh hất mái tóc đang loà xoà trước vầng trán cao:
- Huyện uỷ, chi bộ và các đồng chí tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi không từ chối. Là người con của Đức Đại, được trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giữ làng lần này, với tôi, đó là một vinh dự rất lớn. Nhưng một hạt cát không thể làm nên sa mạc, một mình tôi không thể đấu tranh thắng lợi với địch. Vì vậy, để cuộc đấu tranh của ta thắng lợi, tôi xin đề xuất với chi bộ và huyện uỷ bốn vấn đề…
- Đề nghị đồng chí cứ thẳng thắn đề xuất ý kiến. Chúng ta đang tập trung mọi trí tuệ để lãnh đạo cuộc đấu tranh này đến thắng lợi. Đồng chí được giao trực tiếp chỉ đạo, chúng tôi rất muốn nghe các phương án cụ thể - Bí thư huyệnủy khích lệ
- Vâng, thưa các đồng chí. Bốn đề xuất mà tôi nêu ra, để thực hiện như sau:
Một là: Tất cả cán bộ đảng viên phải luôn có mặt bám đất, bám dân, sẵn sàng chịu đựng gian khó, hy sinh, không ai được rời khỏi làng khi giặc càn quét. Muốn trụ lại làng, các đảng viên phải tự đào mới và củng cố hầm bí mật thật chu đáo, phải tự xây dựng được mạng lưới nhân mỗi bảo vệ, ngụy trang cho mình khi đã xuống hầm để đảm bảo tính bí mật, bất ngờ…
Hai là: Phải có lực lượng nòng cốt tin cậy, dám công khai đấu tranh trực diện. Muốn vậy, chúng ta cần lựa chọn những quần chúng có uy tín, có tinh thần và ý thức cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng, kiên quyết không khuất phục và không khai báo nếu có bị địch bắt.
Ba là: Cần nắm vững và nắm kịp thời tình hình địch. Nhanh chóng phán đoán đúng âm mưu thủ đoạn của chúng, trong và sau các cuộc càn quét vào làng, để kịp thời đề ra được những chủ trương, đường lối cho quần chúng đấu tranh hợp lý, hợp tình, đạt được thắng lợi, củng cố niềm tin của quần chúng với tổ chức đảng.
Bốn là: Nhanh chóng khẩn trương chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả sau mỗi trận càn và rút kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh tiếp theo, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và về của, đặc biệt là về tính mạng của nhân dân.
Bốn đề xuất của tôi là như vậy, đề nghị các đồng chí thống nhất. Sau khi đã thống nhất rồi, chúng ta cứ vậy mà thực hiện, khi thật cần kíp mới tổ chức họp, có như thế mới đảm bảo tính bí mật tuyệt đối.
- Chúng tôi nhất trí với các đề xuất đồng chí Lân vừa nêu. Công việc cụ thể, các đồng chí trực tiếp chỉ đạo tuỳ tình hình áp dụng cho linh hoạt. Trước mắt, mỗi cán bộ đảng viên phải chủ động đào cho mình được một hầm bí mật, xây dựng lực lượng bảo vệ cho riêng mình… Đồng chí Lân nói đúng, nếu không đảm bảo được tính bí mật, chúng ta sẽ không thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này đâu. Nếu cần ý kiến chỉ đạo của cấp trên, các đồng chí cho liên lạc theo đường dây cũ...
Cuộc họp kết thúc. Những người dự họp lục tục ra về. Lân ở lại cùng đồng chí Trần Phù, đồng chí bí thư huyện uỷ lập kế hoạch cho một số công việc cụ thể đang cần giải quyết trước mắt.
- Rõ ràng, chúng ta đã nhận thấy có luồng ý kiến đi trái chiều… Bí thư huyện đi đi lại lại trong căn nhà nhỏ - Nhất định không để luồng tư tưởng rã đám, cầu an này len lỏi, an lan vào dân được. Việc chống lại âm mưu dồn dân đuổi làng của địch rất cần sự hy sinh quyền lợi riêng của mỗi người dân, rất cần sự đồng lòng. Nếu việc này, chúng ta không tập hợp được sức mạnh của dân là chúng ta sẽ thất bại… Lân thấy thế nào?
- Em cũng nhận rõ điều đó. Việc chống dồn dân đuổi làng đương nhiên là sẽ vấp phải phản ứng mạnh của bọn quan đồn, nhất là bọn Tây đánh thuê. Mình vận động tuyên truyền cũng chỉ vận động được binh lính người Việt thôi, còn sự tàn ác của bọn Âu phi, Ma rốc… chắc anh chẳng lạ gì…
- Vậy mới cần đến sự mềm dẻo, linh hoạt trong chỉ đạo của các cậu. Chọn cậu trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này là huyện uỷ, chi bộ xã cũng đã chọn mặt gửi vàng rồi đấy…. Đặc biệt để giữ được dân ở lại đấu tranh là việc rất khó khăn. Điều này, có lẽ các cậu hiểu, vì bất kỳ người dân nào cũng nhận ra, nếu theo lệnh chúng, chỉ cần dọn nhà đi, người ta sẽ giữ được phần lớn của cải, đặc biệt là bảo toàn được tính mạng. Nếu ở lại đấu tranh có nghĩa là họ chấp nhận đánh cuộc với cả mạng sống của mình. Nhân dân Đức Đại lúc này đang rất hoang mang, bằng chứng là những gì đồng chí Tuyển nghe được từ chính tên Nhang đấy. Nỗi lo lớn nhất của dân bây giờ là gì, cậu biết không?
- Là bị địch khủng bố, bắn giết anh ạ - Lân trầm ngâm. Nhìn anh lúc này như già đi hàng chục tuổi. Anh đang phải gánh trên vai nhiệm vụ thật nặng nề.
- Đúng! Bí thư huyện uỷ gật đầu - Chính vì điều đó nên đảng viên phải đi trước. Các cậu phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ các đoàn thể, sau đó là nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đồng tâm nhất trí ở lại, bám đất, bám làng.
- Có lẽ chúng em phải cho tổ chức một cuộc họp dân thôi anh ạ - Lân ngập ngừng… Không họp, không triển khai, chỉ vận động tuyên truyền theo kiểu nhỏ lẻ, em thấy không ổn lắm. Mình phải tận dụng hết các mối quan hệ dòng họ, gia đình, làng xóm mới tập hợp dân được. Sức mạnh của các mối quan hệ ràng buộc này ghê gớm lắm…Chúng ta nhất định thắng Pháp chính nhờ cái sức mạnh của nền văn hoá làng xã này đấy.
- Đúng. Cậu nghĩ thế là phải. Thì ngay tổ đảng Đức Đại, rồi chi bộ Nghĩa Hưng cũng chẳng phải đều xuất phát từ tất cả các mối quan hệ ấy hay sao… Chúng ta vừa là đồng đội, vừa có mối quan hệ họ hàng. Như cậu Tuyển đấy, đội trưởng du kích nhưng lại là chú cậu. Tỳ là cậu họ cậu. Tôi là cấp trên nhưng cũng là anh cậu… rồi anh Tuỳ, anh Bạ… Đều bà con, anh em với chúng ta cả. Bảo nhau nó dễ. Giọt máu đào mà. Tôi ủng hộ cậu trong việc này. Mà có lẽ phải triển khai ngay mới kịp…
- Vâng, em sẽ cho triển khai ngay. Còn chuyện đấu tranh với những phần tử đi ngược chiều nữa… Có lẽ, chờ đến sau cuộc họp dân, xem cụ thể những đối tượng nào nữa, mình làm tư tưởng một thể. Cần thiết cũng phải có biện pháp cứng rắn anh ạ.
- Nhất trí. Cứ thế triển khai nhé. Có gì liên lạc ngay. Mình lúc nào cũng ở bên các cậu. Mà thím ấy dạo này thế nào? Đã có gì chưa?
- Chưa anh ạ. Vợ chồng em tiếng là ở gần nhưng có khác gì vợ chồng nhà Ngâu đâu. Vợ đi việc vợ, chồng đi việc chồng, gặp nhau chỉ chốc lát. U em cũng mong có cháu lắm…
- Việc ấy cũng hệ lắm đấy. Mà thôi. Nhà tớ bên này cũng thế… Hì hì… Chuyện đâu rồi có đó thôi. Có gà mái là khắc có gà giò mà… Cứ động viên u cậu thế…
Ba người bước ra ngoài sân. trăng hạ tuần như lưỡi liềm ai bỏ quên, lửng lơ đính vào chiếc cần câu mây, lắc lư mãi lưng chừng trời.
Tối ngày 28 tháng 7 năm 1952, tại đình làng Đức Phong, cuộc họp toàn dân được tổ chức. Nhân dân Đại Liêu, Đức Phong tham dự rất đông. Bà con ngồi chật cả sân đình. Có người đến muộn, đánh phệt ngay xuống thềm đất, ngả mê nón, hì hụi quạt. Tiếng điếu bát rít lên tanh tách. Tiếng chép miệng, tiếng thở dài. Người ta bàn về tình hình thóc gạo, về chỗ này địch bắn giết bao nhiêu người, về nhà kia có con đi lính vừa phải bỏ xác ở trận nào đó. Cả về một bà cô không chồng của nhà nọ chẳng hiểu chuyện gì mà bỗng dưng thắt cổ chết, hồn ma cứ lẩn quất không sao siêu thoát được, về mớ rau, con cá… Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện đồn Phương Điếm bắt dân Đức Đại dời nhà. Thanh niên nhí nháu bình phẩm, cô này đẹp, cô kia mẩy, răng nhánh hạt na… Mỗi người một chuyện, thôi thì đúng là năm người mười bụng dồn cả về đây. Họ nói chuyện vậy nhưng tai vẫn hướng ra, chỉ cần nghe tiếng rít của đạn đại bác là nhoáng một cái họ sẽ túa ra các căn hầm trú ẩn được đào sẵn ngay bên cạnh đình. Đó là thói quen người Đức Đại rèn được từ ngày chấp nhận quay trở lại lập tề giả, chấp nhận cảnh sống "xanh vỏ đỏ lòng, ngày địch, đêm ta" trên mảnh đất này.
- Cuộc này oách nhỉ - Tiếng ông già ngửa cổ nhả khói thuốc lào, vân vê chòm râu - có cả bí thư, cấp uỷ chi bộ liên xã về dự thế này… Tí nữa mà tôi nghe nhời bà lão nhà tôi không đi thì có phải hỏng việc không… Chậc chậc…
- Không đi là không thế nào được. Lần này nhất quyết là bàn việc nhớn đấy cụ ạ. Lâu lắm rồi mới lại có cuộc họp làng thế này, cụ nhẩy… Con nghe nói còn có cả cán bộ huyện và bộ đội Tây Sơn cũng về dự đấy cụ ạ…
- thế à? Thế thì oách hẳn đi rồi. Cả cán bộ huyện nữa cơ à… Chết, chết… Thế thì chú mày nói nhỏ thôi, lộ ra khó cho anh em… Mình phải bảo vệ cho người mình chứ…
- Con nói nhỏ đấy chứ… Chỉ sợ cụ lãng tai không nghe được thôi… Với lại, chỗ này làm gì có thằng nào trong nhóm phải kiềng đâu cụ…
- Biết đâu được, tai vách mạch rừng, cứ cẩn tắc vô áy náy… Quân chó săn thì ghê lắm, chỗ nào chúng chả thò bàn chân thối của nó vào… cẩn trọng vẫn hơn… Dưng mà… Chú phải chỉ cho ta mấy anh em bộ đội Tây Sơn đi. Ta muốn nhìn anh em một tí… Xem bộ đội con cưng của huyện mình có sáng láng không?
- Ối giời, cứ gọi là oách nhất quả đất, cụ à…. Kia kìa… cái người ngồi bên chú Lân con bà giáo ấy…
- Ờ, ờ, ta nhìn ra rồi… đáng mặt quân chủ lực lắm. Dân làng mình chống lại đồn mà có chủ lực bên cạnh thì còn lo chó gì cha con thằng nào… Nó ấm ớ, mình táng bỏ cha nó đi chứ…
- Vâng! Bắt đầu họp rồi kìa cụ!
- Đề nghị bà con trật tự. Kính thưa bà con, đại diện cho chi uỷ xã, đại diện cho chính quyền quân dân chính đảng, hôm nay, tổ đảng Đức Đại xin được kính mời bà con ta tập trung tại đây để bàn về một việc rất hệ trọng. Kính thưa bà con, đã bao đời nay, mảnh đất Đại Liêu, Đức Phong chúng ta vốn là nơi chôn rau, cắt rốn của rất nhiều thế hệ. Trước khi thực dân Pháp xâm lược, bà con ta đã quần tụ, sinh sống nhiều đời trên mảnh đất này. Mỗi thước đất, mỗi bị cây đều gắn với số phận từng cuộc đời bà con mình. Nơi đây còn có mồ mả cha ông… Vậy mà giờ chúng bắt dọn, bắt dời… Chính vì cái lẽ đó mà chúng tôi mời bà con đến đây, chúng ta cùng bàn định xem, chúng ta đi hay ở… Về dự với chúng ta hôm nay, có đồng chí Tấn Lương, là cán sự huyện uỷ Gia Lộc, cùng một số đồng chí khác. Họ tuy không phải là người Đức Đại nhưng rất quan tâm tới cuộc họp quan trọng của chúng ta hôm nay… Kính mời đồng chí Tấn Lương lên nói chuyện với bà con…
- Cậu Lân con bà giáo Thuận càng ngày càng chững chạc lắm nhỉ… Cụ Ký Căn quay qua cụ Hội Níp gật gù…
- Ờ thì, hổ phụ sinh hổ tử mà. Ông giáo ngày trước cũng thế đấy… ờ, nghe anh cán bộ huyện nói xem có lọt lỗ nhĩ bằng cậu Lân làng ta không nào…
- Kính thưa bà con - Đồng chí Tấn Lương cất lời - Đức Đại chúng ta nằm trong vị trí chiến lược của cả ta và địch. Đây là một trong những mảnh đất án ngữ hai con đường giao thông huyết mạch, không thể bỏ qua. Bên nào có được mảnh đất này, bên đó sẽ mở rộng được địa bàn hoạt động ra cả một vùng rộng lớn.Chính vì Đức Đại nằm ở vị trí quan trọng đó nên năm lần bảy lượt, quân địch ở đồn Phương Điếm chà đi sát lại mảnh đất này. Nay chúng giở trò dồn dân đuổi làng, định biến nơi đây thành vành đai trắng, nhằm gạn lọc, cách ly lực lượng kháng chiến. Chính vì vậy, tỉnh uỷ Hải Dương cũng như huyện uỷ Gia Lộc rất mong nhân dân Đức Đại ở lại đấu tranh bám đất, giữ làng, làm bàn đạp, chỗ dựa cho các lực lượng kháng chiến đi về. Bà con không lo đơn độc. Cùng với Đức Đại, nhân dân các làng lân cận sẽ sát cánh bên bà con, chiến đấu với quân thù. Và bộ đội Tây Sơn cùng với anh em du kích sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bà con… Rất mong bà con đứng dậy giữ lấy mảnh đất tổ tiên đã để lại…
Những lời lẽ phân tích của Lân, của đồng chí Tấn Lương đã tác động mạnh tới tình cảm gắn bó của nhân dân Đức Đại với mảnh đất họ đang sống. Phần lớn bà con nhất trí đồng tình ở lại đấu tranh với địch. Cụ Thoa, già cả, một bên tai điếc tịt, bên kia nghe chỉ thấy lào thào vẫn hăng hái đứng lên. Vịn cánh tay khẳng khiu như cành xoan mùa đông vào cột đình, một tay xoa xoa khuôn mực lép kẹp đang phập phù, cụ vừa nói vừa hổn hển thở:
- Đi là đi thế nào… Quê cha đất tổ chúng nó đâu chúng nó không ở mà đến đây đòi dọn, đòi dồn… đứa nào có giỏi thì cứ bước vào đây. Mảnh đất này ngấm máu nhiều thế hệ người già người trẻ nơi đây lắm rồi. Đấy, bà con xem, từng tảng đá xanh lát nền hỏi xem chúng đã bao nhiêu tuổi. Chúng tồn tại trên mảnh đất này từ khi Đức đại vương Nguyễn Chế Nghĩa về đây lập ấp… Không đi đâu hết.
- Đúng đấy. Không đi đâu cả. Một tấc không đi, một li không rời - Nhiều cánh tay giơ lên - Bộ đội, du kích cứ cấp cho dân tôi ít mìn…Rào làng lại, có mìn đặt mìn, không có mìn thì bẫy hầm chông… Xem chúng nó có vào được làng không mà đòi dỡ…
- Mấy ông già, bà cả thập thò cửa lỗ, đến thở còn không nổi thì còn có gì phải tiếc đâu mà chả kiên quyết không đi… Nhang ngồi trong đám đông giữa nền đình đứng bật dậy… - Chúng tôi chưa muốn chết. Quan đồn nó đã lệnh, không đi mà được với nó. Đại bác nó giã cho nửa ngày thì cứ gọi là nát nhừ. Nó có thèm mò vào làng đâu mà kêu đặt mìn với bẫy chông…Thôi, ai ở lại cứ ở, tôi nhất quyết phải đi…
- Thằng nào thối mồm thế… Cụ hội Níp quay lại - à hoá ra nhà cu Nhang… Mày thì đi là đúng rồi, mày là cháu thằng quận Chắt kia mà. Sao không đi ngay từ cái dạo thằng quận Chắt bị du kích làng thiến cho lòi mông ở cây cột điện đôi đi, còn núp bóng dân tao mà giờ ngoác mồm ra đấy. Xéo cha mày đi… Cụ vung cây ba toong lên. Mấy người ngồi bên cạnh giữ cụ lại… Quai hàm cụ bạnh ra, giận dữ…
- Cụ hội không lên chửi nhà Nhang thế… Khán Hoạt đứng dậy, mồm nồng hơi rượu - ở đây, ai cũng có quyền được nói cơ mà, sao lại chặn họng người ta lại thế? Nó có thân thì nó phải lo. ở hay không là quyền nó… ờ thì cứ cho là ở lại giữ đất, giữ được thì công lao lại thuộc về mấy ông bộ đội, cán bộ, chứ ai biết đến dân đen chúng tôi. Mà có giữ được thì cũng chết khốn chết nạn với hòn tên mũi đạn của lính đồn… Hỏi các ông, các ông giả nhời xem: ở lại liệu có làm nên được trò trống gì không? Nói thật nhá, bộ đội, cán bộ các ông họp xong là chui hầm mất, chỉ dân ở trên mặt đất bị chúng giết hại là thiệt… Theo tôi, đi là hơn cả. nó đuổi thì cứ đi, khi nào ổn ổn, ta lại về. Đất đai vẫn đấy, nó có xúc đem về nước nó đâu mà lo mất…
- Chui hầm là chui thế nào? Khán Hoạt đừng có nói càn - Quang Căn bật dậy - Đã không biết mà nói càn là phải tội tụt lưỡi đấy. Nhà ông thử hỏi bà con xem, bao trận càn, Tây đồn nó vào đến tận đầu làng, cán bộ, du kích người ta vẫn cùng dân lo chống. Cậu Lân đấy chứ ai… Giặc chưa ra khỏi làng, họ đã cùng dân lo khắc phục… Họ gắn với dân thế, còn đòi gì. Có nhà lão ấy… Lính đồn nó chưa ra cổng đồn đã rúc váy vợ rồi… Cấm có thấy thò mặt ra…
Tiếng cười nổi lên rần rật. Khán Hoạt bẽ mặt, ngội thụt xuống, thò tay giật giật chéo áo nhà Nhang, ý chừng giục tên này đứng dậy.
Không thể để những ý kiến trái chiều ấy kéo dài, nhất định sẽ tác động đến tư tưởng vốn đang rất hoang mang, dao động của nhân dân, Lân ghé vào tai cụ Đẩu. Ông cụ vốn là trưởng tộc của dòng họ Bùi Quang một trong những dòng họ lớn trong làng. Không biết Lân nói với cụ Đẩu những gì, chỉ thấy ông cụ già quắc thước đứng dậy. Vuốt vuốt tà áo the đen dài, cụ hắng giọng. Đám người phản đối việc ở lại làng đang lao xao như cá mè vào ao chua vẫn nháo nhào ra chiều chẳng có gì liên quan đến mình. Thấy vậy, cụ hội Níp cất tiếng:
- Thôi được, chửa biết dọc ngang xuôi ngược thế nào, kẻ nói phải có người nghe, mọi người cứ im tiếng để cụ Đẩu cất nhời xem ra sao… Kính cụ!
- Tôi, thì tôi chỉ có ý thế này… Cụ Đẩu chậm rãi - Bây giờ tôi hỏi các ông, các bà… Làng Đức Đại bây giờ, xưa kia là Đức Phong, Đại Liêu ấy có phải tự dưng mà có ra làng hay không? hay là phải qua ti tỉ đời người lật từng mô đất, hạt sỏi mới lập được lên làng? Những tỉ lớp người ấy khuất đi, các ông các bà nghĩ xem, xương thịt hoà vào đâu? vào đất chứ vào đâu! Vào gốc cây ngọn cỏ của làng chứ vào đâu… Đấy chẳng phải là cái cốt, cái gốc cái gác buộc chân chúng ta à? Thế giờ nó đuổi, mình đồng ý đi, ừ thì cứ cho là nhà cửa, của nả các ông các bà gồng gánh theo chân, nhưng còn mồ mả ông cha, không lẽ các ông các bà cũng quật lên để đem theo hay sao?
Cụ dừng lời, nhìn khắp đám đông một lượt. Im phắc! Rồi lại lao xao…
- Cụ Đẩu nói lạ. Mồ mả thì phải đâu nguyên đấy chứ ai lại dám quật đi mà đem theo. Độc chỉ có là…
- Là làm sao? Cụ Đẩu nghiêm mặt - là nghĩ trước mà chẳng nghĩ sau, nhìn gần mà không thấy xa thăm thẳm… Người nào thích đi thì cứ đi, các người tưởng các người đi thì yên ổn sao? Ai dám chắc những nơi các người sắp đến rồi nó cũng không đuổi nữa? Đây là nước mình, là nhà mình mà nay nó đuổi, mai nó lại đuổi, nếu nó cứ đuổi mãi mọi người thử nghĩ xem nếu mình cứ chạy thì cùng đường sẽ chạy đến nước nào? Rồi đến đấy, các người ăn nhờ, ở đậu người ta, bát hương, mâm thờ tổ tiên các người cũng chỉ để nhờ được nơi chái ngang nhà họ. Mồ mả cha ông các người vẫn nằm lại đây chứ gì? Nó san phẳng, lấp đầy, các người tìm thấy lại được không? Đấy là riêng chuyện tâm linh, còn chuyện hiện tại… Ruộng đất , các người bỏ, liệu đến nơi mới. Dân nghèo, ráo mồ hôi là hết tiền xu, không đất đai, ruộng vườn, các người lấy gì để sống? Thôi, tôi nghĩ nung lắm rồi. Ai đi, cứ đi, riêng con cháu họ Bùi chúng tôi ở lại. Nhất chết, chúng tôi cũng phải chết trên mảnh đất của ông bà, tổ tiên, bên mồ cha, nấm mẹ, không dọn rời đi đâu hết…
- Cụ Đẩu nói đúng lắm. Họ Nguyễn chúng tôi cũng vậy, không dỡ nhà, chẳng dồn làng đi đâu hết. Liệu chúng nó có dám làm cỏ cả làng không? Mà có chết cũng là chết ở quê cha đất tổ thật…
Một người, hai người, ba người rồi nhiều người nữa. bắt đầu từ các cụ cao niên, người ta thấy có cụ ký Căn, cụ hội Níp, cụ Đẩu, bà giáo Thuận… Rồi đến tầng lớp trung niên, thanh niên, phụ nữ… Họ đứng lên thành một khối kiên quyết đấu tranh không rời làng. Chứng kiến sự quyết tâm ấy của dân Đức Đại, đồng chí Tấn Lương nước mắt rưng rưng. không phải anh uỷ mị, mềm lòng mà anh thực sự cảm động trước tấm tình với quê hương, bản quán, với mảnh đất gắn bó với cuộc đời của những người dân Đức Đại. Quay nhìn Lân, anh cười:
- Công tác tuyên truyền, vận động cậu làm tốt lắm. Gây dựng được cả một bó đũa thế này, thằng địch thật khó chuyển lay…
- Báo cáo anh - Lân đứng dậy - dân làng Đức Đại chúng tôi hứa với chi bộ Nghĩa Hưng, với huyện uỷ Gia Lộc, chúng tôi sẽ tranh đấu tới cùng, nhất định thực hiện "một tấc không đi, một li không rời". Cán bộ, đảng viên trong tổ đảng Đức Đại sẽ luôn sát cánh bên đồng bào, không có chuyện chui hầm cầu an như ai đó đã nghĩ đâu anh ạ.
- Tôi tin vào các đồng chí! Sau cuộc họp dân này, chúng ta sẽ thống nhất kế hoạch cụ thể với nhau. Giờ tôi với đồng chí Thành Phù phải ra ngoài có việc một chút.
Không biết những người cán sự huyện uỷ đã giải quyết việc gì, chỉ thấy một lúc sau, anh Tuỳ chạy vào, nét mặt phởn phơ:
- Mẹ nó. Đúng là đồ già dái non hột. Trong lúc có bè có đảng thì nói như thánh tướng. Thế mà chưa gì thì đã vãi cả ra quần…
- Nói ai đấy? Tuyển đang lau lau khẩu tiểu liên, ngẩng đầu.
- Thì đám nhà Nhang với mấy thằng phản đối ở lại chứ ai vào đây… ối giời, mặt chư chàm đổ…
- Sao lại chàm đổ? Có gì thì nói phắt ra, cứ ấp a ấp úng như ngậm hột thị, khó chịu bỏ mẹ…
- Chưa gì đã sồn sồn lên. Thì tan cuộc họp, ông Thành Phù ông ấy gọi mấy gã ấy ra gặp riêng. Gọi là vận động, vận điếc gì đó… Súng lục ông ấy đeo trễ bên hông, tháo bỏ ra tay, nhịp nhịp như đồ chơi, mình nhìn còn thấy kinh… Ông ấy cũng nhẹ nhàng bảo… Đi ngược lại đường lối chủ trương là chống lại Đảng, chống lại Việt Minh… Mà chống lại Việt Minh là chống lại nhân dân, là làm điều ác, thất đức với nhân dân. Thế thì chỉ có nhìn gương thằng nghị Ngợi, thằng Phả… Khờ khờ! Nào ông ấy có nói hết đâu, chỉ mới đến đấy, tay Nhang và mấy người đòi đi, mặt đã cắt không còn hạt máu… Tao nói thật, có cho ăn bánh tàu, cha con nó cũng đố dám không làm theo làng… Thánh thật! Thế mới hay chứ. Đúng là…
- Là quái gì. Phải tay tôi cứ gọi là "già đòn non nhẽ". Đập tới số là hết giọng bảo làng mình "đom đóm sáng đằng đít". Lúc trong họp, tao chỉ muốn táng cho nó phát lệch quai hàm…
- Thôi, chú cứ hay nóng - Lân kéo cái dây đeo khẩu tiểu liên của Tuyển giật giật - cháu thấy cứ phải mềm dẻo như thế mới được. Cốt nhất là để họ thông rồi đứng về phía mình chứ hơi tí là đánh, là giết thì còn vận động làm gì…
- Tôi con nhà "đấm". Không chính trị, chính em, tuyên truyền với chúng nó như anh được. Hì hì…
Lân triệu tập họp tổ đảng Đức Đại gấp. Vừa bước ra thềm, thấy ông cậu Tỳ cùng anh Bạ bước vào, Lân kéo luôn:
- Phải gọi mọi người trong tổ đảng họp ngay thôi. Tôi tính kỹ rồi. Mình đấu với nó vụ này, không khéo léo là không xong. Các đồng chí gọi tất anh em về đi. Mình họp, thống nhất rồi chuẩn bị…
- Về cả kia rồi - Anh Bạ lắc lắc mái tóc, ngồi ghé xuống thềm, tay với tích nước - Chú bàn định gì thì thống nhất ngay đi cho kịp.
- Vâng, cũng không trù trừ được nữa đâu. Chỉ ngày mai là nó xộc vào đây đấy thôi. Thôi, ta họp nhá. Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: Theo chỉ thị của huyện uỷ và chi uỷ xã, nhất định chúng ta phải lãnh đạo thành công cuộc tranh đấu này. Không có chuyện chúng ta bàn lùi đâu. Mà muốn thắng nó, nhất định ta không thể dùng sức được. Đã vậy, ta phải có một lực lượng nòng cốt, dám công khai đấu tranh với địch, các đồng chí thấy thế nào?
- Còn thế nào nữa - Tỳ lên tiếng - Đương nhiên là phải có người đại diện dân làng đứng ra công khai đấu lí với chúng nó chứ… Nhưng cái khó là chọn ai? Không lẽ chúng ta đứng ra?
- Chúng ta không đứng ra được… Tuỳ lắc đầu - Anh em mình mà trực tiếp đứng ra là hỏng hết. Thứ nhất, ta trai tráng thế này, nó phát hiện ra cũng mệt. Thứ hai, qua những cuộc họp vừa rồi, nhất định sẽ tới tai bọn trên đồn về anh em mình. vả lại, mình đang trong hoạt động bí mật, cũng không đời nào, chi uỷ đồng ý cho một trong số chúng ta ra công khai…
- Anh em mình không ai dám đứng ra công khai sao? Thế thì chả lẽ lại đúng như thằng cha khán Hoạt nói là mình toàn chui hầm à? Bạ hất hàm - Thế này, để tôi ra…
- Anh em bình tĩnh đã chứ… vấn đề ở đây không phải là ai hãi, ai sợ. Đúng như đồng chí Lung, đồng chí Tỳ đã nói đấy, chúng ta không công khai đấu lại với bọn trên đồn được. Tôi nghĩ là phải thành lập một "Ban tranh đấu". Các đồng chí thử nghĩ xem nên vận động những người nào vào ban này?
- Tôi nghĩ… nên có nhiều thành phần… Tỳ ngập ngừng…
Lân nhìn suốt một lượt. Những gương mặt đồng đội căng ra. Khó chứ đâu phải dễ. Vận động ai đây? Ai dám đứng ra công khai đấu tranh với địch? Không có tiếng trả lời, Lân chậm rãi:
- Tôi đã trò chuyện với rất nhiều các cụ cao niên trong thôn mình. Các cụ không ngại ngần gì. dân đồng lòng thế nào thì trong cuộc họp dân các đồng chí đã thấy. Tôi cũng đã vận động và cụ Bùi Quang Đẩu đã đồng ý tham gia…
- úi giời! Được cụ Đẩu đứng vào thì vững rồi - Mắt Bạ sáng lên - Cụ ấy thuộc lớp người cổ, có uy tín trong làng, lại giỏi lý lẽ…
- Vâng, cụ Đẩu là anh ruột ông ngoại tôi - Lân gật đầu - Cụ Đẩu sẽ vận động thêm một số cụ nữa trong làng. Ngoài ra còn có u tôi , bà Nguyễn Thị Tấm - mẹ đồng chí Bạ. Hai bà mẹ này đều là nòng cốt của hội phụ nữ lão mẫu. Về phía chấp hành phụ nữ thôn, các cô: Họp, Sự, Khứu, Dọ, Yển sẽ trực tiếp tham gia và vận động thêm…
- Chúng tôi đến để xin với tổ đảng được đi đấu tranh đây - cụ Đẩu bước vào, dáng quắc thước, nhanh nhẹn:
- Tổ chúng tôi nhất trí: tôi, ông Căn, ông Khiển, ông Môn, ông khán Chai, bà khán Tế, bà Khê, bà Tuần Ngột,bà giáo Thuận, bà Tấm, bà khoá Duệ, bà Thủ Phiên, ông khán Trạm, bà Cang, ông Vỉ, bà Chí và một số người nữa sẽ tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh này…
- Chúng cháu cảm ơn cụ. Không có các cụ, không có bà con, công việc của cách mạng cũng không thành được. Thế thì hay quá rồi - Lân nói như reo.
Việc khó nhất là vận động người làm nòng cốt cho "ban tranh đấu" đã được gỡ. Nút thắt lớn nhất đã được cởi bỏ. Một danh sách các thành viên trong ban tranh đấu được thống nhất. Ngoài những người có tên mà cụ Đẩu vừa nhắc, các anh Nguyễn Hữu Lung, Bùi Quang Líp là đảng viên lớn tuổi cũng sẽ trực tiếp tham gia công khai đấu tranh với địch cùng với các chị em trong ban chấp hành phụ nữ xã và tổ đảng Đức Đại. Chúng ta nhất trí cử cụ Đẩu làm trưởng ban tranh đấu. ông Căn làm thư ký. Các đồng chí có ý kiến gì không?
- Nhất trí! Những cánh tay rắn chắc giơ cao. Họ đã thống nhất thành một khối.
Việc theo dõi nắm tin tức địch và thông tin, liên lạc vòng ngoài giao cho tổ thiếu niên quân báo của thôn đảm nhiệm.
Mỗi đảng viên được phân công một nhiệm vụ cụ thể, trực tiếp chỉ đạo cơ sở quần chúng đấu tranh. Mọi đảng viên, quần chúng đều đã chuẩn bị rất rõ ràng cả về tổ chức và tư tưởng để sẵn sàng đối phó với địch trong mọi tình huống, dù đó có là tình huống xấu nhất nếu nó xảy ra. Lân bước vào nhà. Lòng anh rộn lên một nỗi niềm khó tả. Khứu bước theo chồng. Cô thấy gương mặt Lân thoắt đăm chiêu. Cô hiểu. Anh đang rất bề bộn trong lòng. Vậy là trong cuộc đấu tranh do anh trực tiếp chỉ đạo lần này, những người thân yêu nhất của anh đều trong cuộc, thậm chí họ còn ở vào vị thế nguy hiểm hơn anh rất nhiều vì họ phải công khai trực tiếp đấu tranh giáp mặt với quân thù. Mẹ anh, vợ anh, em gái anh và cả những người bà con trong họ ngoài làng của anh… Họ đã đứng cùng anh trong một chiến tuyến mà phía bên kia, quân địch với những trang bị vũ khí tối tân đang quyết hất họ ra khỏi mảnh đất yêu dấu của mình. Nhất định anh với họ sẽ phải thắng.
 Nguyễn Đình Vinh - Thương Huyền
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...