Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Áo tiểu thư 2

Áo tiểu thư 2

5. Tôi không thích dấn thân nữa. Mà chỉ khoái viễn mơ. Khi yêu, người ta chẳng muốn làm việc gì ngoài công việc nghĩ tới tình yêu. Tôi chán ngồi dưới mái nhà lợp bằng Fibro ciment, thấp lè tè ở Phủ Đặc Ủy Di Cư ghi những tên Nguyễn thị Mít, Lê văn Ổi vào phiếu lý lịch. Chán quá rồi. Tôi không thiết cái khoản lương chấm công năm chục bạc mỗi ngày, trừ chủ nhật. Câu hát vọng cổ diễn tả tâm sự nát bời của Trương Quân Thụy bên mồ Thôi Oanh Oanh mà ông bố giang hồ của tôi thường tay đàn, miệng ca vào những buổi chiều tương tư Nam Kỳ như vầy : Ôi, hạnh phúc con người ta đâu phải ngựa xe áo mão mà chỉ tìm thấy trong cặp mắt giai nhân.Tôi cho là đúng. Tôi vốn chiêm ngưỡng sự nghiệp cách mạng toàn diện của Nguyễn Huệ, đọc Tiêu Sơn Tráng Sĩ tôi thù ghét anh sư giả hình Phạm Thái thậm tệ. Anh này phản cách mạng dân tộc, đồ hủ nho. Nhưng tôi rất bằng lòng khi Phạm Thái thất tình. Anh ta bỏ giấc mộng phò Lê Chiêu Thống, bỏ đảng Tiêu Sơn, bỏ lớp áo sư giả hình, ngồi câu cá bên bờ sông với hồ rượu đầy, say say tỉnh tỉnh, bắt chước người si tình thời Tam Quốc, nốc rượu suy tôn tình yêu : Chí lớn trong thiên hạ không đầy mắt mỹ nhân. Người đời xưa bỏ rơi chí lớn để đi mê gái. Người đời sau há không biết bỏ đồng lương chấm công?

Và tôi nằm ì trên ghế bố ở Nhà Hát Tây, nằm ì trong vùng mộng tưởng của tôi. Chỉ vì yêu em Ngọc. Khi yêu, người ta lười biếng và không sợ đói rách. Hai chúng ta nhìn nhau suốt ngày. Xa nhau một phút tưởng chừng thương nhớ một giờ. Em là tháng giêng của xuân hồng đời anh. Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần. Xuân Diệp bảo thế. Tôi sung sướng như vội vàng một nữa. Vội vàng thế nào, chắc chả thể giống vội vàng trong ca dao, " Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây. Thủng thỉnh như chúng anh đây. Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng ", trong tục ngữ " nhanh nhảu đoảng, thực thà hư ". Tôi nghĩ mình không nên vội vàng. Vì mình đã được yêu. Mình đã gặm cỏ non tháng giêng mình cứ nhẩn nha nhai lại như con trâu, con bò.

Chị Phượng bảo tôi cần tập nói chuyện với người yêu. Tôi thèm nói chuyện với Ngọc lắm chưa. Nhưng ông cụ thân sinh ra nàng là thầy giáo già, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở Hải Phòng. Nội cặp kính trắng của ông, tôi phát ớn.Ông cụ, chắc chắn, không có tâm hồn nghệ sĩ. Và Ngọc sợ bố vô cùng. Tôi đã thấy cụ cốc đầu người yêu của tôi lia lịa. Nàng nhăn nhó. Khiến tôi đau nhói. Những cái cốc ( miền Nam gọi là kí ) méo mó nghề nghiệp của ông cụ, nhất định, đã làm phơi xác vài con chấy, nếu mái tóc người yêu của tôi nhiều chấy. Cái giậu mồng tơi của thi sĩ Nguyễn Bính chính là ông cụ giáo già. Ôi, nàng yêu tôi, nàng bị khép trong vòng lễ giáo ! Trương Quỳnh Như không thể lấy anh sư giả, sư " phiến loạn " Phạm Thái. Mỵ Nương không thể lấy anh Trương Chi răng vồ, mắt toét. Dễ gì Ngọc lấy được Long, nhà văn nghệ dấn thân... chấm công năm chục bạc mỗi ngày.

Tôi bỗng tự ti mặc cảm. Tôi mắc bệnh mới lớn rồi. Mười chín tuổi của mười bẩy năm trước là tuổi vừa lớn đó. Nhiều người đã lớn, lúc bấy giờ, thèm cái tuổi vừa lớn của tôi ghê lắm. Chả thế mà cụ Quang, người hướng dẫn văn nghệ dấn thân... chấm công cho tôi đã chấm công đều đều dù tôi không chịu dấn thân dưới mái nhà lợp fibro ciment mà chỉ viễn mơ trên ghế bố. Cụ Quang cũng là công dân Nhà Hát Tây. . Cụ biết tôi " có gì " với Ngọc, cụ âu yếm bảo tôi : " Cháu cứ ở nhà tán gái, bác vẫn chấm công giùm cháu, ký tên thay cháu " Một đôi lần, anh Tiên, anh Xuân gặp tôi lẽo đẽo theosau chị em Phượng, hai anh đã cười :

- Trông hai đứa mày như đôi nhân tình chim di ấy. Loắt choắt và thẹn thùng...

Đi với nhau chỉ để nhìn nhau. Không nói. Không biết nói gì. Cho nên, ông cụ giáo già là cái cớ cho tôi... sợ hãi nói với người yêu dấu. Chẳng phải Ngọc là bông hồng tình đầu của đời tôi. Nếu bông hồng tình đầu là người con gái thứ nhất ta đã gặp, ta xao xuyến, ta thương nhớ, ta buồn phiền thì tôi đã buồn phiền, thương nhớ, xao xuyến nhiều lần trước khi gặp Ngọc. Lần nào gặp một người con gái làm tôi xao xuyến tôi cũng thẹn thùng, xấu hổ. Bây giờ, già rồi, gần bốn mươi tuổi rồi, có vợ từ mười năm nay, con trai đầu lòng đã học lớp nhì mà cầm tay vợ rước đèn trên hè phố, tôi vẫn thẹn thùng, xấu hỗ. Đôi bận, cãi nhau với vợ, muốn giản hòa bằng câu xin lổi ngắn ngủi, tôi cũng cứ ấp úng, ngẩn ngơ. Tôi không hiểu nổi tôi. Có nghĩa là tôi không hiểu nỗi tình yêu.

Em nên hiểu như thế. Rằng, nếu anh xin lỗi em dễ dàng như cãi nhau với em, nếu anh vồ vập bày tỏ lòng thương nhớ em những thuở chúng mình xa cách hàng tháng, hàng tuần thì anh đã mất hết sao xuyến, nhớ thương, buồn phiền với em và anh đâu còn yêu em như dạo xoay tiền mua vé xe đò về Long Xuyên thăm em một lát rồi lại ngược Sàigòn để thương nhớ em nhiều hơn và muốn có nhiều tiền mua vé xe đò.

Tôi nhắc lại: Ngọc không phải là người con gái đầu tiên làm tôi xao xuyến. Nhưng chuyện tình giữa tôi và Ngọc vẫn đẹp, vẫn thơ, vẫn là... " bông hồng cho tình đầu "". Khi nào trong đời mình biết yêu ấy là lúc mình đã định cư ở trong trái tim một người con gái. Và người con gái ấy bắt buộc phải là vợ mình. Trước đó, mình chỉ yêu. Yêu, yêu, yêu. Thế thôi. Yêu và biết yêu khác nhau vời vợi. Biết yêu là biết khóc, biết khổ. Vũ Hoàng Chương đó, mới yêu, tâm hồn phơi phới, hồn nhiên. Nghe chàng kể Màu say, màu của cậu học trò vừa yêu :

Mợ bảo :" Cuối thu lạnh đấy,
Hàng len về đã nhiều rồi;
Con liệu đi cùng anh ấy,
Xem màu cắt áo đi thôi "

Em nhìn anh, cười bỉu môi.
Giống hệt ba năm về trước
Ngắm gương rẽ thử đường ngôi
Chỉ sợ anh nhìn thấy được...

Anh bước chiều nay sánh bước,
Hàng Ngang, Hàng Trống, Hàng Khay !
Cả một trời anh anh mơ ước,
Ở trong tà áo em bay.

Anh và em cùng nắm tay.
Hà Nội lên đèn sáng rực.
Má hồng như có men say,
Ủ một mùa hoa thơm phức.

Mỗi bước em càng nao nức
Nhủ anh : " Màu đỏ rượu vang
Là màu em mê hết sức "
Anh cười : " Chính đó thời trang "

Đủ màu len đẹp huy hoàng
Nhưng hết màu em khao khát...
Anh khuyên : " Hàng mới sắp sang;
Chớ gượng vơ màu Rượu chát "

Đã chọn, lòng say chẳng nhạt,
Em cùng một ý với anh.
Và chỉ buồn trong giây lát,
Tuần sau giấc mộng sẽ thành.

Ôi tuần sau! Đã mong manh,
Ủ một chiều say nữa đó !
Gần nhau say mộng say tình,
Chẳng cứ Rượu vang màu đỏ.

Rồi cậu học trò Vũ Hoàng Chương biết yêu. Trời yêu đương Hà Nội mất hẳn hai người

Đi chung một quãng chiều tan học,

Chẳng nói yêu mà yêu thiết tha.

Cậu trai vừa lớn Vũ Hoàng Chương biết yêu và đã biết khổ. Cậu Gọi lòng kiêu ầm ỹ :

Tự nhủ sống là quên, anh vẫn muốn
Đem tháng ngày khâu kín vết chia ly
Nhưng mỗi phút thời gian đưa thép nhọn
Máu thầm rơi mỗi phút đáy tim si

Anh cũng muốn thiêu hồn trong lửa đỏ
Lượm tàn tro vang bóng gửi xa đem
Nhưng mỗi lúc buông tay liều mặc gió
Anh nhớ ngày thơ mộng sống bên em

Anh lại muốn đắm trong đời trác táng
Giữa mê ly đầy xác thịt kiêu sa
Nhưng mỗi lúc đêm tan trời hửng sáng
Anh khóc mùa trinh bạch sớm tiêu ma

Nếu anh đến xin em lời hắt hủi
Để chiều nay khi gió gọi trăng lên
Anh sẽ với rừng khuya sang nổi tủi
Gọi lòng kiêu mau tới giúp anh quên.

Quả thực, tôi chưa biết yêu. Dĩ nhiên, tôi chưa biết yêu hồi tôi quen Ngọc. Và đó, mối tình của hai người yêu nhau mà chưa biết yêu gọi là bông hồng của tình đầu. Tôi hơi lẩm cẩm. Nhưng ai yêu cũng lẩm cẩm, cũng suy nghĩ vẩn vơ. Tôi đã suy nghĩ về thân phận tôi. Suy nghĩ về ông giáo già đeo kính trắng khuôn mặt luôn luôn nhăn nhó. Ông giáo già, thân phụ của Ngọc, chắc chắn, không

thể... yêu nổi tôi. Nếu ông biết Mỵ Nương, ái nữ của ông, yêu nhà văn nghệ dấn thân chấm công năm chục bạc một ngày, ông sẽ điên lên, sẽ gọi phú lít tới bắt Trương Chi bỏ bót. Thế là Trương Chi đâm ra tự ti mặc cảm. Trương Chi làm sao gọi được lòng kiêu ?Trương Chi thật sự buồn. Chàng viễn mơ trên ghế bố. Chàng lôi thơ Nguyễn Bính, gửi chút tâm sự còm:

Buồn đến lòng tôi rồi hạ trại

Đốt đường sạn đạo ở luôn đây

Ở luôn đây, ở lòng tôi, ở trên cái ghế bố, ở gác ba Nhà hát Tây. Làm sao tôi nói được với Ngọc là tôi buồn? Làm sao tôi nói được với Ngọc là tôi chẳng biết tương lai tôi mịt mù hay tươi sáng ? Vậy thì tôi chỉ nhìn nàng bằng đôi mắt khốn khổ. Tưởng tượng hôm nào đó, ông giáo già dẫn về những cậu trai học giỏi, con nhà giàu, tôi cảm khái ngâm khẽ :

Nàng thì kẽ đón người đưa

Tôi chờ gì nữa mà chưa giang hồ

Tôi rất muốn giang hồ Hớn Quản. Đời tôi, làm cu ly đồn điền cao su mới hợp. Anh Trương Chi ngày xưa thật ngu dại. Nếu anh từ chối gặp Mỵ Nương có phải anh đỡ buồn , đỡ cái cảnh ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta. Trương Chi ngày nay cũng ngu dại. Nếu đưa bài thơ Thôi nàng ở lại, anh phú lỉnh gấp, đừng lưu tâm cái va ly quần áo cũmèm, anh đỡ tủi thân phận con dế mèn phiêu lưu. Chung quy bởi mù quáng và bởi chị Phượng. Chị Phượng thích làm cành cây cho đôi chim nhỏ bé đậu lên mà ca hát ái tình. Chị là cây cầu tình yêu. Nghĩ tới chị, tôi yên lòng. Tôi tạm quên nổi buồn hạ trại ở giữa trái tim tôi. Chẳng cần nói với Ngọc. Nói với Ngọc qua chị Phượng.

Một hôm, nhân lúc ông giáo già đi vắng, chị Phượng ghé " nhà tôi ", báo tin rằng gia đình chị dọn về cư xá công chức ở đường Faucon. Chị hỏi :

- Cậu Trương Chi

Tôi cắt ngang:

- Thưa chị, Long. Vũ văn Long ạ !

Chị Phượng cười, luôn luôn, chị cười

- Cậu Long, cậu chớ buồn

- Dạ

- Cậu đừng giang hồ rày đây mai đó, Trương Chi nhé Rồi mai mốt khai trường, con Ngọc đi học sẽ đi học sớm, lên đây thăm cậu.

Tôi xuất thần thốt một câu anh dũng:

- Thưa chị, yêu là chấp nhận đau khổ.

Chị Phượng nhăn mặt :

- Sai lại khổ ?

Và chị nhìn thẳng vào mắt tôi :

- Hay Trương Chi không yêu con Ngọc nữa ?

Tôi lắc đầu :

- Chị đừng hiểu lầm em. Em yêu Ngọc lắm nhưng em không biết nói với Ngọc thế nào để Ngọc hiểu là vì yêu Ngọc, em đã chán dấn thân chấm công!

Chị Phượng nói:

- Trương Chi, con Ngọc hiểu cậu rồi. Nó yêu cậu và muốn cậu đừng bỏ nó giang hồ đây đó. Giang hồ lắm, đôi chân chỉ tổ rỗ huê !

Tôi hỏi :

- Thưa chị, hình như tình yêu của em và Ngọc sắp bị trục trặc kỹ thuật ?

- Sao, Trương Chi nói sao ?

- Trục trặc kỹ thuật !

- Là gì ?

- Ông cụ có vẻ thiếu... tâm hồn nghệ sĩ.Em chắc ông cụ không biết kéo nhị cầm.

- Ngày xưa bố chị khẩy đàn bầu !

- Cụ đã quên rồi. Cụ sẽ khinh bỉ em nếu cụ biết em là nhà văn nghệ dấn thân chấm công và viễn mơ trên ghế bố. Ôi, lại thêm một tiểu thuyết Lá ngọc cành vàng 1.

Chị Phượng đã đọc tiểu thuyết Lá ngọc cành vàng, chị an ủi tôi :

- Thời bây giờ khác, Trương Chi. Với lại bố chị sắp nhận chức hiệu trưởng ở mãi lục tĩnh.

Đôi mắt tôi sáng rực :

- Còn chị và Ngọc ở Sài gòn ?

- Ừ.

- Còn bà cụ ?

- Vợ kế của bố chị đó, bố chị mới cưới vài tháng nay ngoài Hải Phòng. Mẹ chị mất lâu rồi. Chị đứng về phe cậu, Trương Chi ạ ! Cậu không sợ trục trặc kỹ thuật nữa chứ.

- Vâng.

Chị Phượng về " nhà " chị. Tôi nằm dài trên ghế bố " nhà " tôi. Tôi không còn cô độc 2. Tôi lẩm nhẩm đọc tên tôi cho nó hách :

Trương Chi, Trương Chi ! Hoa khuê các và bướm giang hồ vẫn có thễ gặp nhau như bến mộng vẫn có thể gặp con đò rách tã. ông giáo già sắp ca bài hát của danh tài Y Vân : Về miền Tây có ai về miền Tây. Cái chậu mồng tơi trở ngại của hai người vừa lớn yêu nhau sắp bị phá bỏ. Và những câu thơ :

Giá đừng có chậu mồng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này
Bướm ơi bướm hãy vào đây
Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng vền bên ấy rồi
Bỗng nhiên tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi hay tôi yêu nàng

Của thần tượng Nguyễn Bính của tôi trở thành... vô nghĩa. Tôi đã thấy nàng nhai thịt bò vẹo quai hàm, nàng xỉa răng, nàng cắt móng tay, nàng chải đầu, nàng đậpmuỗi Sài gòn, nàng gãi, nàng đứng trong chiếc chiếu quây tròn. Vân vân. Nếu cái giậu mồng tơi sụp đổ, tôi sẽ được nhảy vèo sang nhà nàng ngồi cạnh nàng lúc nàng đang thêu tên tôi quấn quýt lấy tên nàng trên chiếc mù xoa.

Ôi, cảnh mộng đó y hệt thơ Nắng Đào 3 của Nguyễn Xuân Huy:

Em đang thêu bên cửa
Mơn mởn trăm vẻ đẹp
Anh ghé đến ngồi cạnh
Vuốt ghẹo làn tóc xanh.

Vuốt ghẹo làn tóc nàng chưa đủ, tôi còn bắt chấy cho nàng nữa. Tôi sẽ bắt chước các bà nhà quê Bắc kỳ, bỏ con chấy vào miệng, cắn cái đốp. Tôi không nhả ra đâu. Tôi nuốt con chấy. Vì con chấy đã hạ trại trên đầu nàng và da thịt của nó thơm tho mùi da thịt tình yêu. Tôi không buồn tủi thân phận chấm công năm chục bạc một ngày và rất hứa hẹn thất nghiệp khi đồng bào di cư đã định cư hết ráo. Tôi mong mỏi nàng sớm về đường Faucon. Nàng xa tôi, tôi sẽ nhớ nàng. Và tình yêu mà lên màu nhớ thì nó đẹp không sao diễn tả nỗi. Xa nhau gió ít lạnh nhiều. Tôi sẽ yêu những buổi chiều mưa Sài Gòn. Nàng sẽ trốn học,đội mưa lên Nhà Hát Tây thăm tôi. Tôi sẽ ôm cây đàn hát nhẹ bên tai nàng : Ta ước mơ một chiều thêu nắng, Em đến chơi quên niềm cay đắng, và quên đường về...

Vậy thì tôi phải dành dụm tiền mua một cây đàn.

--------------------------------

1

Lá ngọc cành vàng, Một tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan

2

Tôi không cô độc là tên một tập thơ của Thanh Tâm Tuyền

3

Tên tập thơ của Nguyễn Xuân Huy

6

Nàng đã về đường Faucon, về cái xóm mà nhà văn Bùi Xuân Uyên gọi là xóm Vẹc. Có lẽ đường về nhà nàng qua con đường Éyriaud des Vergnes. Bổn phận của tôi là " tiếp thu " ngay " căn nhà " cũ của nàng. Tôi mở chiến dịch " Đất cắm dùi " chớp nhoáng. Vừa lúc Đặng Xuân Côn dời miền Khánh Hội lên Nhá hát Tây và tên Vũ Khắc Niệm từ Nha Trang vào nhập hội.đi mua dây thép, đinh và giấy dầu về quây miếng đất. thế là ba chúng tôi có căn nhà êm đêm, căn nhà thắp điện sáng choang cả ngày lẩn đêm. Căn nhà có cái cửa sổ nhìn sang một " ê ta bờ li xơ măng " Boy Landry của Tây ( nay là Đại Nam ngân hàng, cạnh khách sạn Caravelle ) nhìn xuống bãi cỏ ngập giấy ràc của đồng bào di cư thần mến. Cuộc đời tôi, quãng thời gian này hồn nhiên và sung sướng nhất. Tôi có bạn, có người yêu. Ba đứa chúng tôi học đòi làm nghệ sĩ nên sống bừa bãi. Tôi mơ trở thành một nhạc công chơi clarinette. Niệm khoái kéo accordéon. Và Côn thích sử dụng guitare và contre basse. Côn làm pointeur cho hãng tàu Messageries Maritimes tiền bạc dư nuôi ăn ba đứa. Ngoài ra, hắn còn có quyền khuân cam, táo, nho, lê, phó mát về nữa. Nghệ sĩ là những kẽ bốc đồng. Có tiền, ăn tiêu vung vít, ăn nhanh cho hết. Rồi đói,Côn chỉ làm việc một tuần cả ngày lẩn đêm mổi tháng và chọn tàu nào nhiều... thực phẫm. Ăn cạn tiền mới chịu làm thêm. Vì thế chúng tôi luôn luôn phải ăn phó mát với chuối thay cơm hay ăn chịu trứng vịt luộc của nghệ sĩ bán sắn người bạn Tàu lai mà tôi đã diển tả.

Căn nghệ sĩ của tôi quyến rũ được Nguyễn Xuân Nhân. Thằng này đẹp trai, bắp thịt thật đẹp. Phải cái tội lười học. Hồi còn ở ngoài Hà Nội, tôi trọ học ở nhà nó. Ông bố nó từng là danh tài bóng bàn quốc tế, nổi tiếng trước cả Mai văn Hòa. Nguyễn Xuân Thuận đó. Nó học trường Puginier ; Hồi ấy Nhân đã phục tôi sát đất khi ngồi thộn mặt chiêm ngưỡng tôi đệm đàn guitare cho Nguyễn Thịnh kéo violon. Gặp tôi, nó mừng quýnh và xin tôi cho nhập hội. Nó đóng góp chuối bằng cách về nhà mình ở dưới gác hai Nhà Hát Tây xin bà cụ thân sinh tiền nộp cho nghệ sĩ bán sắn. Sau hết, bạn của nó tên Lê Như Quỳnh cũng đòi sống chung với chúng tôi. Ông cụ thân sinh ra nó làm nghề biểu diển chim bay cò bay. Tức là phú lít. Nó cải chính hùng hồn rằng bố nó chỉ cạo giấy văn phòng, chẳng hề cầm dùi cui hướng dẫn lưu thông bao giờ. Gia đình nó định cư rất sớm. mãi tận Hóc Môn. Nó bảo rất yêu đời nghệ sĩ.

Lạ thật, bất cứ các cậu con trai nào vừa lớn cũng yêu đời nghệ sĩ. Các cô gái chắc yêu đời nghệ sĩ mãnh liệt hơn. Ngọc của tôi chẳng hạn. Nàng yêu tôi qua hình ảnh một nhà nghệ sĩ. Từ hôm nàng dời Nhà Hát Tây, nàng chưa chịu đến thăm tôi dù Sài Gòn đang mưa buồn hiu hắt. Nàng chỉ nhờ chị Phượng trao tận tay tôi những bức thư viết trên giấy nháp. Tôi nhớ nàng kinh khũng.Đang nằm trong tình trạng thất nghiệp, tôi thừa thì giờ học thuộc lòng thư tình trên giấy nháp. Nàng diễn tả nỗi nhớ nhung, xa cách và " tái bút " là khẩn khoản van nài tôi bỏ mộng thổi kèn clarinette. Nàng muốn tôi làm thơ, viết đoản thiên tiểu thuyết, tùy bút thôi.Tôi bổng thèm văn tài của công dân Nhà Hát Tây Đỗ tiến Đức và thi tài của công dân Đặng trí Hoàn, bút hiệu Hoài hương, trùng tên với một hãng nước mắm, ( sau này là Hà huyền Chi, tài tử điện ảnh, thi sĩ đoạt giải văn chương tổng thống ) ghê quá. Mỗi ngày, bắt gặp công dân Đỗ tiến Đức từ tòa soạn Ban Mai đem về một lô báo, tôi thèm nhỏ rãi. Tòa soạn là hai tiếng vĩ đại đối với tôi. Làm sao tôi được bước vào một tòa soạn nhật báo ? Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp tả sắc đẹp của con gái vua Hùng Vương lộng lẫy đến nỗi kẻ yêu nàng cũng bèn... làm thơ.

Yêu nàng bao nhiêu người làm thơ.

Tôi đã yêu Ngọc, tôi sẽ làm thơ. Tôi sẽ viết chuyện ngắn. Tôi sẽ gửi thơ và chuyện ngắn đăng trên Tiếng Chuông, nhật báo tín nhiệm nhất nước và Sàigòn mới, nhật báo đông đọc giả nhất nước. Tôi sẽ khinh bạc thiên hạ tương tự thế này :

Ở mãi kinh kỳ với bút nghiêng
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ đem bán cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền.

Và tôi " phúc đáp " người yêu của tôi rất trịnh trọng : Em Ngọc, anh sẽ gữi tặng em ba trăm bốn mươi tám bài thơ do chính anh sáng tác và chép theo bản thảo ! Những đêm đêm hì hục gieo vần như ông già khuân tảng đá, Ruby Queen vàng thẫm ba ngón tay vẫn chả đẻ ra bài thơ nào ngửi không có mùi...Nhá Hát Tây. Thì mùa khai trường đã tới. Ngọc viết thư bảo tôi dẩn nàng đi học. Tôi đứng dưới gốc me già ở một gốc phố gần ngôi trường con gái Gia Long chờ Ngọc. Những tà áo nữ sinh phấp phới bay. Những khuôn mặt. Những nụ cười. Tất cả đều thơm mùi tựu trường. Tôi chợt nhớ mùa vào học năm nay tôi không tới trường. Không bao giờ tới trường nữa. Mà chỉ còn được theo người yêu đi trong tiếng rộn rã của một buổi mai.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh ở Quê Mẹ 1, nghĩa là ở trong sự hồi tưởng chứ làm gì có sương thu, gió lạnh ờở Sài gòn, nơi tôi đang đứng dưới gốc me chờ đợi người yêu đến trường nhập học. Tôi yêu con đường Le Grand De La Liraye từ hôm đó. Con đường có trường Gia Long. Trường Áo Tím thuở xưa, trường mà cậu học trò Nguyễn Văn Thiệu sau này làm tổng thống kể chuyện khi vừa lớn không dám trêu chọc học trò con gái mỗi lần cậu ngang qua trường vào giờ tan học. Cậu học trò Nguyễn Văn Thiệu hay bất ccứ cậu học trò nào ngày trước cũng chỉ biết đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư như tôi. Tôi đã đứng thập thò, nhờ thân cây me che giùm nỗi ngượng ngùng, xấu hổ. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đứng thật lâu trước cổng trường con gái với những mong chờ bối rối, lo âu, sợ hãi. Tôi thấy tôi thừa cánh tay trái. Thừa bàn tay trái. Tay phải thì nhờ từng điếu Ruby Queen quá nữa đã vội liệng đi đốt tiếp điếu khác. Tôi thấy tôi thừa chân phải. Chân trái đã ghếch lên, đạp thân cây đến tróc cả vỏ. Chân phải run run chống đất y hệt chân con cò giữa buổi chiều đông trên bãi vắng. Tội nghiệp đám cỏ non dưới chân tôi. Tôi thấy nhiều con mắt đang nhìn tôi soi mói. Rồi cười chế giễu. Tôi mơ hồ nghe tiếng ai rỉa rói : Thằng kia tới đây làm gì ! Giữa rừng hoa, con bướm giang hồ bỗng bé nhỏ quá. Tôi bị học trò con gái thu hết hồn vía.

Hỡi những hình ảnh cậu trai vừa lớn của tôi mười bẩy năm củ, cậu đã thật sự giã từ tôi. Khi tôi biết được cậu giã từ tôi thì cậu đã trở về nằm yên trong kỷ niệm và không bao giờ cậu đến với tôi nữa. Tôi tiếc hình ảnh ấy, tôi muốn đi lại từ đó, muốn mãi mãi là cậu trai vừa lớn ngượng ngùng ; xấu hổ, sợ hải đứng trước một ngôi trường con gái. Tôi muốn mãi mãi ngô nghê, ngớ ngẩn. Thật sự đã mất cả. Bây giờ chỉ còn tính toán, khôn ngoan, thủ đoạn với cuộc đời và với cả tình yêu.

Tôi đang định cúi mặt lầm lũi về Nhà Hát Tây. Ngó trên tay. Không có đồng hồ. Không có vì đói rách chứ không phải vì thù ghét thời gian. Các cô nữ sinh đã lần lượt vào hết sân trường. Mà người yêu của tôi chưa thèm tới. Hay nàng tới rồi đang xếp hàng vô lớp mà mắt tôi hoa lên không kịp nhận ra nàng ? Tôi cố an ủi lòng tôi, cố khuyên nhủ " Long ơi, mày hãy kiên nhẫn. Đấy mày coi. Quốc văn giáo Khoa thư dạy rằng : Con kiến nhỏ, cái tổ to thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Cây gỗ lớn, sợi dây bé, thế mà sợi dây kéo mãi cây gỗ cũng phải đứt. Nước chảy đá mòn, Long ạ " ! Lòng tôi nghe tôi xui dại, kiên nhẫn thêm một tí. Nhưng khi cổng trường khép kín, hàng me già thẳng tắp biến thành rừng me hoang vắng, tôi mới hay chỉ còn mình tôi. Gió thổi lá me rơi. Lá me rơi hay mưa lá me đấy nhỉ? Anh Trương Chi thở dài, lủi thủi cuốc bộ về cái thuyền câu mục nát của anh neo ở bến Nhà Hát Tây. Suốt ngày hôm đó, Trương Chi ra ngẩn vào ngơ, chê cơm xườn heo nướng ngon tuyệt vời tại hẻm Casino Sài gòn. Trương Chi buồn vì bị Mỵ Nương cho leo gốc me già. Hẳn là Mỵ Nương cười khúc khích khi tưởng tượng Trương Chi vồ được con thỏ. Trương Chi bỗng nghi ngờ tình đời đen bạc và đêm ấy một đêm khởi sự cho sự nghiệp thi ca, đoản thiên tiểu thuyết đăng báo Tiếng Chuông của chàng, chàng đã thức trắng đêm ( uống ba ly cà phê đen thì ngủ sao nổi ) hì hục làm bài thơ như sau:

ĐỜI ANH

Khi mới vào Nam anh đã biết
Phận anh quả mướp chín phần mười
Đồn điền Hớn Quản xa xôi lắm
Cũng chỉ xa bằng mộng ước thôi

Anh đã mộng gì em hiểu chưa
Cu ly cạo mủ sáng và trưa
Là tìm cảm hứng trong gian khổ
Để dệt cho đời những áng thơ

Nhưng số của anh lạ quá ta
Trời xanh rõ thật một ông già
Xui anh gặp gỡ người con gái
Nhà Hát Tây và ở gác ba

Ái tình, ồ, nó rất ly kỳ
Cứ dọa đi rồi chả dám đi
Ghế bố anh nằm như gián đói
Yêu em anh chán làm cu ly

Em, cũng yêu anh cũng mến anh
Tình ta nào khác chỉ treo mành
Bố em đã luyện chân cầu thủ
Sắp sửa sút anh như sút banh

Anh sợ rồi anh sẽ lọt gôn
Cho nên đan vội lưới ngăn buồn
Hôm nay lại được ăn canh thỏ
Để thấy cuộc đời đen bạc hơn.

( Làm tại gác ba Nhà Hát Tây để kỷ niệm ngày người yêu bắt đợi dài chân dưới gốc me già. Sài đô mùa tàn phượng vĩ và câm nín loài ve, đêm ngập đầy tiếng xích lô máy cùng loài muỗi vo ve; ).

Bài thơ Đời anh của tôi chưa làm em Ngọc tối tăm mắt mũi nhưng đã là một biến cố quan trọng ở căn nhà của chúng tôi trên gác ba Nhà Hát Tây. Nguyễn Xuân Nhân khám phá được bài thơ trước tiên. Mãi năm giờ sáng tôi mới lăn kềnh ra ngủ. Thi sĩ Trương Chi ngáy pho pho như tất cả những thi sĩ trứ danh trên thế gian này. Bài thơ của chàng đã chép lại cẩn thận. Tưởng chàng ngũ mê man, Nguyễn Xuân Nhân cầm lên đọc lẩm bẩm. Nó muốn học thuộc lòng bài thơ " bất hủ " của tôi. Rồi nó đánh thức Lê Như Quỳnh dậy, ca ngợi tôi :

- Này, " ông " Long làm được thơ, mày ạ !

Nhân và Quỳnh không dám " mày, tao " với chúng tôi. Hai thằng thuộc loại đàn em. Quỳnh hỏi :

- Có đúng " ông " ấy làm không ?

- Đúng chứ. Bản thảo kia kìa... Em nào cho " ông " ấy leo cây me, " ông " ấy ức hộc máu mồm, về uống mấy ly cà phê, hút vài gói thuốc, thức cả đêm làm thơ.

- " Ông " ấy có người yêu à ?

- Ừ.

- " Ông " Long tài quá nhỉ ! Vừa có người yêu, vừa biết làm thơ.

Tôi thức giấc vì tiếng lèo xèo của hai đứa. Và tôi bèn giả vờ ngủ và mà khoan khoái vô cùng.

- Làm thế nào để có người yêu ?

- Phải nhờ " ông " Long.

- Làm thế nào để làm thơ ?

- Cũng phải nhờ " ông " Long.

Con nhà Vũ khắc Niệm càu nhàu :

- Im lặng cho tao ngủ.

Nguyễn Xuân Nhân khoe nhặng :

- Dậy đi " ông " ơi, dậy đi, có bài thơ của "ông " Long hay tuyệt. Xã hội, ái tình, phiêu lưu...

Niệm vùng dậy :

- Đưa tao xem.

Nó giằng bài thơ trong tay Nhân, mắt nhắm mắt mở đọc. Đọc xong nó cười lớn. Ôi, tiếng cười của nó làm tim tôi muốn vỡ tung. Nó đưa bài thơ cho Nhân :

- Hay hơn thơ của Xuân tóc đỏ bán thuốc trên xe điện Hà Nội.

Nhân bênh tôi :

- " Ông " đừng ghen tài ! Tướng " ông " làm chó gì có người yêu.

Quỳnh tấn công Niệm :

- " Ông " biết làm thơ không ?

Niệm đã tỉnh ngủ. Nó muốn chơi xỏ tôi một vớ. Nó bảo Nhân :

- Mày coi " thi sĩ " Long còn ngủ say không cái đã.

Quỳnh lay tôi. Tôi giả vờ kỹ hơn. Niệm nói :

- Tao chép bài thơ của nó gửi cho tuần báo Đời người, tuần báo này có mục điểm thơ đểu thơ, họ sẽ điểm thơ của " thi sĩ " Văn Long. Và đó là cách tao sẽ trả lời hai đưá mày.

Thằng Niệm hại tôi. Kệ nó. Dể gì báo Đời Người thèm điểm tôi. Nhỡ nó khen tôi là con nhà Niệm biết tay tôi và em Ngọc sẽ phục tôi sát đất. Nhất cử lưỡng tiện. Tôi yên lòng nằm ngủ. Và tôi chiêm bao thấy bài thơ của tôi in lên báo và em Ngọc cắt bài thơ ấp vào ngực. Một tuần liền, sau hôm bị Ngọc bắt chờ dưới gốc cây me già, chị Phượng chẳng thèm lên thăm tôi, trao thư tình viết trên giấy nháp của Ngọc cho tôi. Tôi đã đan lưới bắt nỗi buồn rồi. Tôi muốn quên Ngọc. Người yêu của tôi bây giờ là Quỳnh, là Nhân. Dù thằng Niệm " ghen tài " tôi, Quỳnh và Nhân vẫn phục tôi biết làm thơ và có người yêu.

Ở tuổi vừa lớn, có người yêu cũng là chuyện phi thường.

--------------------------------

1

Tên tập truyện ngắn của Thanh Tịnh

7

Tôi đã tưởng Ngọc vĩnh viễn xa tôi, đã tưởng Mỵ Nương chê Trương Chi rồi. Vì từ cái buổi mai hôm ấy, tôi không còn được gặp Ngọc hay chị Phương. Ca dao Việt Nam có hai câu tuyệt vời :

Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Trời Sàigòn đang mắc bệnh gió mưa. Và tôi, tôi cũng đang mắc bệnh tương tư. Suốt ngày, tôi nằm trên ghế bố. Chán ghế bố tôi lại leo lên cửa sổ khảy đàn miệng, nhìn mưa gió não nề mà ti tỉ câu hát. Em đến thăm anh người em gái, tà áo hương nồng. Mắt huyền trìu mến, sưởi ấm lòng anh... Nhưng em không đến thăm anh. Như thế đã hai tuần lễ. Tôi buồn chẳng thiết nói. Nhân và Quỳnh vẫn phục tôi. Một buổi chiều, Nhân tất tả giật bức tường giấy, cầm tờ báo Đời người khoe nhặng :

- Nó đăng thơ của "ông " Long ! Nó đăng thơ của "ông " Long !

Quỳnh nhẩy cẫng :

- Biết mà, " ông " Long đã trở thành thi sĩ !

Niệm giật mình :

- Nó đăng thơ hay nhắn tin ở mục hộp thư ?

Nhân dở tờ báo ra, đọc to tướng :

- Bạn Văn Long ( Sài gòn ) - Thơ tốt lắm. Có triển vọng đi xa trong tương lai. Đã đăng số này. Gửi tiếp nhé ! Chào đẩy mạnh nền văn nghệ chủ quan viễn kiến. Rảnh ghé tòa soạn hay đàm trừơng thảo luận. Tình thân.

Rồi lật trang cuối cùng :

- Bài thơ có cái hình vẽ một thiếu nữ giơ nách mỉm cười.

Niệm giằng tờ báo coi qua. Nó hết khinh thường tôi mà chỉ lẩm bẩm :

- Lạ thật ! Lạ thật ! Nó mà làm thơ, lại được đăng.

Con ông cụ bèn thay đổi lập trường:

- Lập bút nhóm đi, Long !

Tôi giả vờ thản nhiên, coi chuyện báo Đời Người đăng thơ mình như không có, mặc dù, lòng tôi mở hội tưng bừng.

Nhân hững hờ cầm lấy. Y hệt một thi sĩ trứ danh, tôi hỏi :

- Có lỗi chính tả không đấy ?

Nhân đáp :

- Không.

Tôi nhẩn nha châm điếu Ruby Queen, nhả khói rất nghệ sĩ.

- Bút nhóm hay thi ssĩ văn đoàn ?

Niệm nói :

- Thi văn đoàn. Tao lấy tên là Thi Văn Đoàn Ly Hương.

Nhân nói :

- Bút nhóm Nhà Hát Tây đi !

Quỳnh nói :

- Thi Văn Đoàn Áo Thung hay Bí Tất cho nó có vẻ khác đời.

Đặng Xuân Côn đã coi sự trình bày và chỗ trình bày bài thơ. Nó xỏ ngọt :

- Theo tao, nếu bầu thằng Long làm chủ tịch thi văn đoàn hoặc bút nhóm, ta nên lấy tên là Bút Nhóm Sang Độc hay Thi Văn Đoàn Hôi Nách !

Tôi chết lặng. Nhìn kỹ trang cuối tôi mới thấy đề nghị của Côn xác đáng. Cạnh bài thơ của tôi là cái quảng cáo thuốc trị đủ thứ bệnh có vi trùng. Hai chữ sang độc to hơn tít bài thơ Đời Anh. Còn cái hình vẽ trên bài thơ đúng là hình vẽ quảng cáo thuốc hôi nách mà anh nhà in đã... ghen tài tôi, nhét bừa vô. Tôi lảng chuyện :

- Đùa tí mà. Không thi văn đoàn, bút nhóm gì hết..

Tôi giả vờ ( luôn luôn giả vờ ) phẫn chí, xé trang báo có đăng bài thơ của tôi, xé cả mẩu thuẩn tin ở mục hộp thư rồi quăng tờ báo đi. Tôi muốn phi tang... sang độc ! Và cảnh cáo Đặng Xuân Côn :

- Liệu hồn.

Côn cút sang Khánh Hội, vì đã tới giờ làm. Niệm bỏ xuống phố. Còn hai kẻ ái mộ tôi. Chúng nó tâng bốc tôi. Tôi tha hồ nói phét về thơ, thi sĩ, tình yêu... Tôi sai Nhân về nhà kiếm lưỡi dao cạo. Tôi cắt mẫu nhắn tin và bài thơ ( loại bỏ hình vẽ thiếu nữ giơ nách mỉm cười ) nhét kỹ vào ví. Đêm ấy, tôi lại thức, cố " chế " bài thơ thứ hai. Lại hì hục khuân tảng đá. Không nổi ? Cuối cùng, tôi bỏ bài thơ Đời Anh và mẫu nhắn tin, vô phong bì, chờ gửi cho Ngọc. May làm sao, sáng hôm sau chị Phượng lên thăm tôi. Chị chưa kịp chuyển " thông điệp tình yêu ", tôi đã lầm lỳ đưa cho chị cái phong bì đựng một " pho " thơ của tôi và nói :

- Nhờ chị chuyển tận tay Ngọc. Sau đó là hết.

Chị Phượng định trao thư tình trên giấy nháp, tôi xua tay :

- Em không đọc nữa đâu. Thịt thỏ nấu cà ry cay muốn chảy nước mắt, chị ạ !

- Cậu Long.

- Bút hiệu Trương Chi, làm thơ ký Văn Long !

- Cậu Trương Chi tức Văn Long.

- Dạ.

- Hôm tựu trường con Ngọc bị sốt.

- Sốt rét mấy tuần ?

- Ừ.

- Chị cũng sốt rét ?

- Cậu giận chị à? Thôi chị về vậy...

Và chị Phượng về ? Tôi không ân hận bởi bài thơ Đời Anh của tôi sẽ được em Ngọc thưởng thức và tôi biết chắc em Ngọc còn yêu tôi. Tôi sung sướng khôn cùng. Tình yêu ly kỳ như tôi đã diển tả. Đang muốn làm cu ly đồn điền Hớn Quản " rừng thì lắm vắt, suối thì sâu ", được yêu, bỏ mộng cu ly liền. Nhưng đang yêu mà bị tình yêu bảo đi chỗ khác chơi, mình bèn ôm mộng... du tử, khăn gói quả mướp ca bài Ra đi khắp nơi xa vời, và mới tới một nơi không nhà cửa, bụng đói, chân mõi đã não nề than vãn Chiều nay biết về nơi đâu, dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu ! Tôi vẫn còn sung sướng. Và tôi làm một lúc bảy bài thơ lục bát. Những bài thơ này không thể chép ra đây vì sợ những tâm hồn đố kỵ có thể liệt vào thi văn đoàn Sang Độc.

Bài thơ và mẫu nhắn tin gửi cho Ngọc " ép phê " quá xá. Hai mươi bốn tiếng đống hồ sau, trong lúc Bút Nhóm Sang Độc, tạm gọi thế, đang quần xà lỏn, áo thung, ngồi thảo luận văn nghệ và cơm áo tại đàm trường, thì có tiếng ngón tay ngượng ngập búng vào tường giấy nghe lộp bộp. Vũ Khắc Niệm càu nhàu:

- Xê ra cho người ta thảo luận văn nghệ.

Tiếng lộp bộp vẫn... lộp bộp. Nhân đứng dậy ra " cửa ", vén tường ngó. Nó thụt đầu vào ngay :

- Ê, có nàng thơ.

Tôi hơi hồi hộp. Nhưng có thể nàng thơ là con gái bà bán quýt mà tôi mua chịu quýt đã bốn hôm chưa có tiền trả. Tôi bảo Nhân :

- Hỏi xem, nếu nó đòi tiền quýt thì bảo mai tao trả.

Con nhà Nhân lại thò đầu ra. Nó " đối thoại " gì với cô con gái bên ngoài, chúng tôi không thèm biết. Tôi vẫn còn ngót nghét trăm bạc, nó thúc nợ quá thì mình nhịn Ruby Queen. Sợ chi. Nếu nó đòi trả nợ bằng thơ lục bát, tôi cũng sẳn sàng. Nhân đã thụt đầu vô. Nó rón rén bước gần tới... đàm trừơng văn nghệ Sang Độc, mặt mày quan trọng, giọng nói run rẩy :

- Nàng thơ tên Ngọc, nàng bảo muốn gặp" thi sĩ " Văn Long.

Tôi vụt đứng dậy, ra lệnh :

- Mặc quần áo nhanh lên !

Vũ Khắc Niệm cuống cà kê :

- Ông có mỗi bộ vừa mới giặt, hãy còn ướt.

Tôi giậm chân:

- Thì mày mặc quần áo ướt rồi cút xuống nhà.

Niệm cằn nhằn :

- Không được.

Nhân, Quỳnh, Côn đã phá kỹ lục mặc quần áo nhanh nhất thế giới. Niệm vẫn dùng dằng, Nhân nói:

- Hay " ông " Niệm khoác đỡ cái áo mưa vô.

Niệm gắt:

- Trời hôm nay nắng, mày muốn tao làm trò khỉ à ?

Tôi đưa ra giải pháp cấp thời :

- Thôi, ông lạy mày, mày giả vờ nằm ngủ, quay mặt chỗ khác, lấy chăn đắp kín thân thể.

Niệm bằng lòng. Và Nhân, Quỳnh, Côn hân hoan rời khỏi căn nhà nghệ sĩ. Và tôi, tôi chỉ lo làm công việc... nghi lễ mà quên mất bổn phận mặc quần áo. Vậy nhưng tôi vẫn tưởng mình đang diện bộ " xì mốc king ". Tôi sắp long trọng ra mời nàng vô thì con nhà Niệm bịt miệng cười. Tôi cáu :

- Mày phá đám, hả ?

- Ê, đại diện thi văn đoàn Áo Thung hay bút nhóm Quần xà Lỏn ?

Tôi rụng rời. Xuýt nữa là đi đoong mối tình thơ mộng. Bèn vồ lấy áo, hối hả mặc. Mặc xong, sửa soạn tiếp người yêu mới thấy sự hung hăng của mình đã bỏ mình đi đâu mất.

Tôi đứng thộn mặt. Nhà văn nghệ Trương Chi dấn thân anh dũng, viễn mơ khiếp đãm, không sợ đói rách, lại bắt đầu sợ gặp người yêu những buổi hẹn hò. Tôi bỗng thèm rửa mặt? Vì ngở mặt mình dính vết nhọ. Tôi bỗng thèm đánh răng. Vì ngỡ răng mình còn giắt sợi rau nhỏ. Tôi bỗng thèm gội đầu. Vì ngỡ đầu mình lắm gầu. Tôi thèm và tôi thèm... Nàng đang chờ tôi, có bối rối như tôi? Niệm giục :

- Ông giả vờ ngủ được chưa ?

Tôi hỏi :

- Mày ngó tao xem còn thiếu sót gì không ?

Niệm chống tay lên cầm y hệt một thi sĩ nghiệp sắp sửa giao duyên với nàng tiên nâu. Nó phán :

- Ông sợ mày quên cài nút quần. Kiểm soát lại coi.

Tôi kiểm soát cái cửa sổ của quần. Niệm khen xỏ :

- Rất xứng đáng đại diện thi văn đoàn Sang Độc. Mà mày...

- Gì ?

- Ông không trùm chăn kín đầu đâu.

- Ông lạy mày đấy. Mày mở mắt để nàng biết là tương lai văn nghệ và tình yêu của ông đi đoong.

- Tao thề chỉ... ti hí thôi.

- Không được.

- Cho tao học tập tình yêu chứ ?

- Tao sẽ dạy mày văn phạm tình yêu. Khi mày chia " véc bờ " đủ " tăng ", đủ " mốt " thì ti hí mày mới hiểu được thế nào là tình yêu. Còn bây giờ, mày mở mắt thao láo, tai mày dẫu đã lấy hết ráy, mày nghe tao nói chuyện với nàng, mày sẽ giống lũ vịt nghe sấm.

Tôi thừa tư cách bịp Vũ Khắc Niệm. Trước hết, tôi đã có bài đăng cạnh cái quãng cáo Sang Độc, được trang trí bằng hình thiếu nữ giơ ngó nách. Sau hết người yêu mà tôi trót tưởng là con gái bà hàng quýt lên đòi nợ.

Mày hiểu chưa ?

- Rồi.

- Yên chí, tao sẽ nhờ nàng giới thiệu cho mày một em Trưng Vương.

- " Sur " Trưng Vương nhé ?

- " Sur ". Gái hàng Đào di cư chứ không phải nữ sinh Phát Diệm đổi trường. Mày Thái Lọ mà đi chê Bùi Chu. Thôi đắp chăn trùm kín đầu đi.

Niệm ngoan ngoãn vâng lời. Nó nằm trên sàn gác. Chiếu là mảnh giấy dầu. Chăn thì Mỹ quốc viện trợ, mùi khét lẹt. Tôi rút điếu Ruby Queen, quẹt diêm, hít một hơi đầy để... bình tỉnh. Lại tác điệu ngó điếu thuốc. Cứ như thơ Hồ Dzếnh ấy. Ngó trên tay thuốc lá cháy lui dần. Niệm hé chăn :

- Đợi gì nữa ?

- Ôn tí " gam me " !

Tôi quên mất nàng. Không phải vô tình đâu. Tôi bối rối lắm, chẳng biết sẽ phải làm gì khi ngồi bên nhau. Nàng lại búng tường lộp độp. Nàng búng tim tôi. Đau quá, tôi đành cam đảm bước tới gần cửa. Rồi tôi hé cửa. Nàng nhìn tôi. Lần đầu tiên tôi trông rõ đôi mắt nàng, đôi mắt huyền mơ không bị viền vải tây điều. Đôi mắt chứa đầy trách móc. Nàng không hề nói, chỉ mở cặp lôi ra một phong thư dầy cộm đưa cho tôi. Rồi vội vàng quay gót. Tôi hơi mừng. Mừng xong thì buồn. Tôi cần trút nổi buồn vào con nhà Niệm. Tại thằng Niệm hòi han lẩm cẩm, bắt nàng đợi mỏi chân nên nàng giận dỗi bỏ về. Tôi cần trả thù thằng Niệm. Con nhà Niệm ưa khoe nó là học trò của ông Vũ Khắc Khoan. Dân Nguyễn Trải mà. Ông Vũ Khắc Khoan hay truyền nghề kịch cho môn đệ. Thế thì tôi " chơi " kịch với Niệm. Tôi không khoác loác, kịch cũng là nghề của tôi. Bèn sáng tác ngay vở kịch đôi trai gái ngồi bên nhau chuyện trò. Tôi độc diễn thủ hai vai, bắt chước giọng con gái mà Niệm sẽ tưởng là Ngọc của tôi.

- à, em... mời em vào. Bắt em chờ lâu chắc em mỏi chân. Anh sẽ mua dầu Con Hổ thứ thật bóp chân cho em...

- Ứ ừ...

- Thôi đừng giận... Tại người bạn của anh bất thần lên cơn sốt rét. Đó, em nhìn coi, anh ta đắp chăn kín mít. Hể anh ta tung chăn ra là ốm đòn, em ạ !

- Anh chả yêu em tí nào.

- Anh yêu em ghê lắm, em yêu dấu. Anh đã vì em dệt bài thơ Đời Anh. Anh còn dệt mấy pho thơ ác liệt đánh ngã tất cảthi sĩ hiện đại. Em Yêu dấu ơi, anh báo tin mừng với em, anh được bầu làm chủ tịch bút nhóm Sang Độc !

- Em rất hãnh diện. Anh tài quá, anh biết làm thơ.

- Em ngồi gần anh tí nữa. Thế, ngoan lắm. Tóc em thơm mùi hoa lan. Em ạ, anh vừa đánh răng xong...

- Em về đây.

- Mới đến đã đòi về..

- Em phải về. Mai em sẽ đến thăm anh. Em đến thăm anh luôn luôn. Đây, lòng em gói trong này, anh đọc sẽ hiểu em.

- Em về ngủ ngon nhé !

- Vâng.

- Đêm nay cố nằm mơ thấy anh nhé !

- Vậng.

Tôi còn " độc thoại " rất kỹ. Và giả vờ mở cửa tiễn nàng. Rồi tôi vào. Thở dài thừơng thượt. Con nhà Niệm đã tung chăn, ngồi dậy. Tôi cố nín cười. Người nó nhễ nhãi mồ hôi. Mặt nó nhễ nhãi mồ hôi. Nó giống một tên bị cãm, đốc tờ bắt uống hai viân aspérine, đắp chăn kín mít, lát dậy uống cốc nước thật nóng, mồ hôi toát ra. Nó phờ phạc trông đáng thương vô cùng. Nó ngẩn ngơ hỏi:

- Nàng đẹp không?

- Tuyệt vời.

- Mày tán gái hay quá.

- Tao còn uống tình trên môi nàng. tao vuốt tóc, đan chặt tay tao vào tay nàng. Trái tim tao nhẩy valse. Mày thèm có người yêu chứ ?

- Thèm nhỏ rải.

- Mày nên học " gam me ". Mà mày chỉ mới nghe tao tán nàng, mày chưa được nhìn tao. Thôi, mày đi tắm cho mát.

- Tao mát rồi.

- Tình yêu làm mày mát à ?

- Ừ.

- Biết vậy ông cố giữ nàng lại cho mày bơi ở " pít xin " mồ hôi.

- Này...

- Gì ?

- Giọng nàng êm ái ghê.

- Giọng nói tình yêu mà chẳng êm ái.

- Ước gì ông được trùm chăn nghe mãi để ông học cách tán của mày.

Tôi phá ra cười. Cười lăn trên ghế bố. Cười đau bụng. Cười thỏa thích. Niệm hỏi :

- Mày cười cái gì thế ?

Tôi đáp :

- Tao thương hại mày.

Ném cái thư nàng vừa trao tận tay cho Niệm, tôi kiêu hãnh :

- Cho phép mày đọc đó.

Niệm trịnh trọng bóc thư, say mê đọc, Nó khoe nhặng :

- Nàng gửi cho mày cái thời khóa biểu. Hề, hề, ngày nào có giờ " pẹc ma năng " nàng tô màu xanh, và chú thích " anh đón em anh nhé, chúng ta sẽ đi chơi "... Thời khóa biểu tình yêu.

Tôi nói :

- Mày rõ chưa ? Yêu nhau cũng có thời khóa biểu hẹn hò.

Nó liếm môi :

- Nàng bảo chiều qua nàng phải rữa bát, mày ạ !

Tôi giằng vội thư :

- Đồ ngu ! Thằng nhỏ, xin ra không báo trước thì nàng bị rửa bát một bữa. Ôi, nếu nàng báo tin này, tao sẽ xuống xóm Vẹc rửa chén giùm nàng !

Suốt ngày hôm đó, Niệm ca ngợi tôi. Nó suy tôn tôi với đám Nhân, Quỳnh. Tôi bỗng trở thành nhân vật quan trông chịu trách nhiệm với lịch sử loài người là dẫn các bạn tôi biết đến cổng trường con gái để các bạn tôi biết đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Tôi chưa kể chúng tôi phải thổi cơm lấy ăn liền. Nhiệm vụ của Côn là kiếm tiền, của Niệm là đi chợ, của quỳnh là lau nhà, của tôi là rửa bát. Tôi ngại rửa bát khinh khủng. Nhờ có tí người yêu, các bạn đâm nể nang, thay phiên nhau rửa bát dùm. Tôi chỉ việc làm công việc của thằng chột tình ái dạy bọn mù yêu đương. Nhân danh kẻ có tình yêu và chủ tịch bút nhóm Sang Độc, tôi hành hạ bọn mù thẳng tay. Mỗi bài thơ tôi chế ra, Nhân và Quỳnh hì hục chép. Mỗi lời nói về tình yêu của tôi tung ra, Nhân và Quỳnh coi như lời vàng ý ngọc, hoa thơm cỏ lạ. Và tôi, trời ơi, tôi chưa hề được nói với người yêu của tôi câu nào!

8

Tôi yêu những buổi chiều chung quanh một ngôi trường con gái. Buổi chiều vàng của niên thiếu? Buổi chiều mà thi sĩ Xuân Tâm đòi đổi hai mai lấy một chiều Buổi chiều chỉ đẹp khi nhuộm vàng nắng yêu Nghĩa là khi ta đón đợi người yêu vào những buổi chiều. Em đến thăm anh một chiều mưa mới thơ mộng. Chứ, một sáng mưa là vất đi. Cho nên, thi ca và âm nhạc của ta rất nhiều buổi chiều. Một nghìn bản nhạc thì có tới chín mươi chín bản vương vấn nắng chiều. Chiều ơi, chiều nay, chiều đi, chiều rơi, chiều bay, chiều tà, chiều buồn, chiều vàng, chiều tím, chiều xưa... vân vân... Với tôi, buổi chiều lý tưởng chỉ là buổi chiều Xuân Tâm, buổi chiều tôi đứng thộn mặt để tìm trong đó ít lời yêu. Cái buổi chiều mơ tưởng nhiều nhất là buổi chiều của cậu con trai vừa lớn thơ thẩn chung quanh ngôi trường con gái. Tôi yêu những buổi chiều đó. Hàng cây, bờ cỏ, bức tường, con đường, vệt nắng đều dễ thương lạ lùng.

Ngôi trường người yêu của tôi đang ngồi mơ mộng tình yêu là trường Gia Long. Nàng học nhờ trường Trưng Vương di cư học chiều. Gia Long học sáng. Giá thuở vừa lớn của tôi, trường Trưng Vương nằm trên con đường nhỏ bé, yên lặng Nguyễn Bỉnh Khiêm như bây giờ, thì ngay cả cái chuồng khỉ sở thú cũng dể yêu. Tôi sẽ mua bánh mì, lẻn vào sở thú, kiếm một gốc cây nào sạch sẽ, trãi báo ra nằm. Vừa nhìn trời xanh trên ngọn cây cao vừa gặm bánh mì để tưởng nhớ người yêu. Tôi cho như thế là nhất. Ngủ một giấc dài.

thức dậy lang thang đi chọc khỉ, chòng gấu, đùa voi, bỡn cọp... Nếu cổng trường chưa mở cho đàn bướm trắng bay tản mạn khắp lối về thì tôi còn có thể mua ngô rang, đứng trên cầu mơ, thả từng hạt nhử bầy cá đói. Ở trong sở thú, tôi sẽ khắc thơ Sang độc lên thân cây. Nghĩa là hoa, lá, cành bách thảo sẽ bị Sang Độc hết. Bằng thơ của thi sĩ Trương Chi Tôi sẽ diển tả một người đi tìm tình yêu qua hang hùm, miệng cọp. Tôi sẽ... rất tiếc.

Bây giờ, Trưng Vương chỉ là tầm gửi trên Gia Long, chỉ là tu hú... học nhờ trường.

Hạnh phúc tuyệt vời cho những cậu trai vừa lớn hôm nay có một ngôi trường con gái nằm ở cuối con đường bình yên nhìn sang một khu rừng ái ân tưởng tượng. Một giờ " pẹc ma năng " sẽ là ngàn giờ thần tiên. Bước chân trên lớp lá khô, ngoái lại nhìn đôi mắt nai của người yêu sẽ thấy mùa thu Lưu Trọng Lư hiển hiện. Nhưng hạnh phúc đó đã bị phá tan bởi tiếng động cơ Honda, Yamaha, Suzuki... Cậu trai vừa lớn hôm nay thích ồn ào. Cậu gỡ ống hãm thanh, lạng xe qua những ngôi trường con gái. Tiếng nổ nhức tai tình yêu. Lối biểu diển xe dọa cán tình yêu. Và tình yêu trốn chạy. Những buổi chiều ở quanh trường con gái hôm nay không đẹp, không phải là chiều vàng như những buổi chiều ở quanh trường con gái hôm xưa, thuở tôi vừa lớn.

Thuở tôi vừa lớn, vùng tình yêu không có tiếng động của xe gắn máy. Tôi đi qua đó nhiều lần, lần nào cũng là lần đầu rung động, ngượng ngùng, bẽn lẽn cơ hồ một cô gái đoan trang đi qua một đám đông trai trẻ. Hỡi gốc cây me già ngã tư Phan Thanh Giãn - Bà Huyện Thanh Quan ! Còn nhớ cậu trai mười bảy năm trước ? Chúng tôi là người tình không chân dung của hàng ngàn học trò con gái. Chúng tôi yêu bất cứ cô nào dù chẳng cô nào yêu chúng tôi. Chúng tôi đuổi theo những tà áo, những màu áo. Yêu thầm lặng. Yêu chẳng dám tỏ tình. Mà vẫn tưởng mình bị ruồng rẫy, phụ bạc. Hỡi cô học trò H.H người tình có chân g của hàng trăm người tình không chân dung. Lúc này, cô đã con bế, con bồng. Cô chả bao giờ biết, yêu cô, có thằng bị bệnh thương hàn chết mất xác. Thằng này là bạn tôi... Khi hai ngón tay nó đưa lên bắt chuồn chuồn, tâm hồn nó sáng suốt vô cùng. Nó giăng giối một câu đe dọa, hãi hùng :

- Đứa nào yêu em H.H của ông, ông sẽ giết.

Cô H.H học trò Trưng Vương năm xưa, cô còn nhớ buổi chiều mưa tơi tả ? Làm sao cô nhớ nổi ! Thằng bạn tôi đạp xe theo cô. Đầu không mũ. Mình không áo mưa. Nó xông pha vào mưa gió chỉ để theo cô. Và nó nhuốm bệnh thương hàn, chết vì cô? Ôi, thằng bạn tôi si tình gấp ngàn lần Đoàn Dự. Hàng trăm thằng khác sổ mũi, nhức đầu, cảm cúm, cũng vì cô. Khối thằng bỏ học, sau này trở thành họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, cũng vì cô. Tôi đã cảm khái nhiều quá về những buổi chiều chung quanh một ngôi trường con gái năm xưa.

Bây giờ, tôi đang đứng trong buổi chiều đó, dưới một gốc me già. Nắng vàng rữc rỡ; Với tôi, nắng chiều không hề vàng úa trong vùng tình yêu. Cách xa tôi hai chục gốc cây, Nhân cũng đứng dưới gốc cây me già. Nó ghếch chân lên thân cây, tay chống cầm ra chiều tư lự. Cách xa Nhân khoảng ngắn là Quỳnh. Còn biết bao cậu trai khác nữa. Họ cùng tâm trạng của chúng tôi. Tôi móc túi, lôi cái thời khóa biểu tình yêu ra lẩm nhẩm đọc : " Thứ hai, hình học, Đại số, Quốc văn và Quốc văn..." Thứ hai, hôm nay là thứ hai. Chiều nay là chiều thứ hai. Người yêu của tôi sau khi chán nản vòng tròn, phân giác, bán kính, bình phương, pa ra bôn, đơn thức, đa thức, phương trình bậc hai,lại đang chán nản cái chí làm trai của ông già Nguyễn công Trứ trác tuyệt cách mấy cũng vất vã đi so với bài thì nặng khuynh hướng Sang Độc mà nàng sắp nhận được và sẽ len lén đọc. Tôi ước ao ông via của nàng kiểm soát gắt gao. Và nàng đem thơ của tôi vào cầu tiêu, học thuộc lòng, rồi xé vụn, giật nước để nước mang thơ Sang Độc xuống cống trôi ra sông, ra biển và từ biển, thơ Sang Độc sẽ mưa về nguồn. Thơ trôi ra biển, biển mưa về nguồn !

Dạo này, sinh hoạt của chúng tôi bị xáo trộn bởi tình yêu. Ăn cơm trưa xong, ngủ một giấc dài, Nhân, Quỳnh và tôi thức dậy, tắm táp và xuống phố. Chúng tôi cuốc bộ dọc phố Bonard, xuyên qua chợ Bến thành, qua cửa nhà ga xe lửa, quẹo tay phải, đếm đủ cột đèn đường Trương Công Định, xuyên qua vườn Tao Đàn, men vỉa hè số chẳn đường Đoàn thị Điểm. Đến ngã tư đường Phan Thanh Giãn, mỗi đứa chọn một gốc cây mà đóng đồn. Tôi có hai đệ tử tình yêu: Nhân và Quỳnh. Hai thằng theo tôi để học tập yêu đương. Học yêu còn vất vả hơn học vỏ. Nhiều hôm chúng tôi bị con nhà Niệm chơi xỏ, vặn đồng hồ báo thức chậm lại hai tiếng. Lúc chuông reo, chúng tôi thức dậy, tưởng còn sớm, cứ thong thả như cậu Thu đi ở giữa đàng, gặp cậu Xuân gạ đánh khăng ấy. Chừng ngó đồng hồ chợ Bến Thành mới choáng váng. Thế là chạy. Chạy toát mồ hôi. Tới trường, trừơng đã vắng hoe, người yêu tôi về mất rồi. Hôm sau, nàng gửi một bức thư trách móc và tiếc rẻ đêm ấy ngủ thiếu mơ mộng vì không được đọc thơ Sang Độc của thi ssĩ Trương Chi ! Tôi dám tự hào rằng, mười bảy năm trước, nếu người ta gửi tôi đi dự giải cuốc bộ hay chạy việt dã ở Thế Vận Hội, tôi sẽ phá kỹ lục thế giới. Không một giãi nào vinh quang bằng giải thưởng của tình yêu. Tôi đã đi nhanh, chạy chậm vì tình yêu, vì một lá thư của người yêu. Nhưng lại rửng rưng với việc làm, nơi làm lương hậu cho một gã thất nghiệp.

Em đang học cuối cùng. Em chẳng học được gì cả. Tuần trước, tôi tặng em bài thơ mà dưới tên Trương Chi còn mở ngoặc đơn ghi thêm trong bút nhóm Sang Độc rồi khép ngoặc. Bài thơ này có hai câu coi như... sấm ký :

Năm nay em sẽ trượt

Vì mải chuyện yêu đương

Tôi tin tưởng người yêu của tôi đang viết tên tôi kín các trong vở nháp. Bỗng nhiên, hồn thơ Sang Độc lai láng, tôi phải nuốt nước bọt ừng ực cho hồn thơ khỏi dâng lên. May mắn thay, vào đúng lúc hồn thơ Sang độc có thể quật ngã tôi thì chuông trường reo. Chung quanh tôi, những người bằng tuổi tôi vội vàng đổi thế đứng. Khuôn mặt họ hớn hở. Chắc trái tim họ đang reo vui. Nhiều cậu rút thuốc lá, bật diêm, hít hà hương khói một cách ngượng ngập. Nhiều cậu đi đi, lại lại, mặt cúi xuống nhìn giày. Những đôi mắt, ôi những đôi mắt của những chàng trai vừa lớn đi tìm tình yêu, sao mà quyến rũ thế! Tình yêu chỉ thơ mộng và chân thành trong những đôi mắt ấy. Cổng trường đã mở rộng. Đàn bướm chưa ùa ra. Nhân bước nhanh tới chỗ tôi.
- "Ông" ơi, tôi chờ ông ở đâu?
- Mảy về à?
- Chứ tôi biết đón ai? Một tháng liền đợi tình yêu dưới gốc cây hoài sao? " Ông " dạy bí quyết đi !
- Mày phải kiên nhẩn.
- Kiên nhẩn một tháng rồi. Tôi sợ bị "ông " Niệm cười thối mũi.
- Mày đã " chấm " em nào chưa ?
- Rồi.
- Đẹp không ?
- Nhìn xa thì đẹp, lại gần mới hay em bị rỗ !
- Thì kiếm em khác và theo em về tận nhà.
Quỳnh cũng đã chạy lại. Nó hỏi tôi :
- Mình sẽ nói thế nào để em biết mình yêu em ?
Tôi dạy nó:
- Như mày làm bài luận ấy. Mở bài là thẽo. Thẽo hoài. Thân bài liếc và cười. Và kết luận là đưa vào tay em một lá thư.
- Đưa bằng cách nào?
- Đó là một nghệ thuật.
Tôi dọa Quỳnh :
- Không có nghệ thuật đưa thư tình, em liệng ngay tại chổ thì mày chỉ còn nước đợi chờ lấy một con vợ mắt toét, cả ngày ăn quà vặt hoặc là mày cạo trọc đầu đi tu.
Quỳnh hoảng hốt :
- Tôi sợ lấy vợ toét lắm, "ông "ơi ! " Ông " truyền cho tôi một tí nghệ thuật đưa thư tình " ông " nhé !
Tôi hỏi :
- Thế mày đã biết viết thư tình chưa ?
Nó thộn mặt :
- Chưa !
- Đêm nay tao sẽ dạy mày cách viết thư tình, lối viết thư mà ở trường học không ai dám dạy mày.
Nhân nói :
- " Ông " dạy cả tôi nữa đấy.
Tôi anh dũng đáp :
- Tao sẽ mở " cua " dạy hai đứa. Yên chí rồi chúng mày sẽ có người yêu. Thôi, về chỗ ! Cố gắng " chấm " mỗi đứa một em rỗ huê hay hàm răng dưới mái Tây Hiên. Chúc chúng mày đoạt thắng lợi.
Hai môn đệ tình yêu của tôi chuồn lẹ. Bướm trắng đã lục tục ùa ra cổng. Phải đứng dưới một gốc cây trước cổng trường con gái vào một buổi chiều vàng niên thiếu mới cảm được hai câu thơ không hiểu của Nguyễn Bính hay Tạ Ký :
Không biết là mưa hay nắng đây
Một đàn bướm trắng nhởn nhơ bay
Bướm trắng Trưng Vương nhở nhơ bay. Mắt tôi nhảy múa. Nắng nhảy múa. Hồn tôi mát rượi. Mưa xuân rơi nhẹ xuống hồn tôi. tôi đứng đây. Bất động. Hồn đã lìa khỏi xác để nhập vào hồn một cánh bướm trong rừng bướm. Cánh bướm ấy, em Ngọc yêu dấu, em nữ sinh lớp đệ tứ trừơng nữ sinh trung học Trưng Vương, ngôi trường có nhiều em học trò đã làm vỡ tim những chàng trai Hà Nội? đang và còn làm vỡ tim những chàng trai Sài gòn một thuở vừa lớn. Hạnh phúc thay cho học trò Võ Trường Toãn bây giờ. Các cậu có thể đứng trên lầu cao, dựa ngực vào lan can, thả tầm mắt sang nhìn học trò Trưng Vương mà mơ mộng mà tìm đường vào tình sử. Các cậu đừng dại dột xuống đường chống đối. Hãy xuống đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ xuống đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia nhau từng gốc cây, thập thò chờ đón bươm bướm tan hàng. Đại lộ Thống Nhất đẹp và mênh mông. Quên hàng rào kẽm gai, quên các thầy đội xếp. Để tưởng tượng nắng phai dần, đường rộng hai chiếc xe đạp song song chạy bên lề đường. Tà áo tiểu thư bay nhẹ, gói chặt hồn chàng trai vừa lớn. Đi quãng đường là sống một quãng đời đáng sống.
Em Ngọc ra cuối cùng. Những cô học trò đang yêu bao giờ cũng dùng dằng để ra cuối cùng. Như thế anh và em dể tìm nhau. Nàng giả vờ sửa lại sợi dây thun máng cặp sách trên cái ' pọc ba ga " sau xe. Tôi đã thấy nàng. Nhưng không dám gọi. Làm sao tôi có thể nhìn rõ tôi lúc ấy như nữ sĩ Túy Hồng đã nhìn rõ nữ sĩ trên vách ? Tôi nhìn tôi trên vách. Giá gốc cây người ta gắn một chiếc gương ? Hay giá có ai lén quay phim cảnh chàng trai vừa lớn diễn tả nỗi xốn xang chờ đợi người yêu trước cổng một ngôi trường rồi chiếu cho tôi xem ? Chắc tôi sẽ muốn tự tử. Vì tôi đã đóng thật hay, diễn tả trung thực sự ngớ ngẩn, ngu ngơ, thộn, cả quỷnh của vai trò ngớ ngẩn, ngu ngơ một cách... dể yêu. Ngọc đã phát giác ra gốc cây tôi đứng đợi. Nàng dắt xe trên vỉa hè. Nàng có vẻ khôn ngoan hơn tôi. Chờ nàng tới ngã tư Phan Thanh Giãn - Đoàn thị Điểm, tôi mới dời chỗ đứng. Lúc này tôi biết chân tôi bị tê. Tôi đi cà khật cà khưởng, mặt nhăn nhó. Rồi tôi phải trả thù mặt đất bằng những cú giậm chân thật lực cho máu tiêu tan. Than ôi, cứ chiều nào cũng đứng đợi em, có thể, tôi mắc bệnh tê thấp! Khi tôi đến ngã tư, nàng đã dắt xe quẹo tay trái và đã đi tới Tòa Đại Sứ Phi Luật Tân. Tôi vẫn theo nàng cách xa hai ba chục thước cơ hồ một chàng trai theo một cô nữ sinh nào đó mà chưa được cô ta yêu. Thỉnh thoảng, nàng ngoái nhìn tôi. thì tôi vội ngoái nhìn vớ vẩn. Để thiên hạ khỏi biết tôi theo nàng hay đã yêu nàng.
Nàng dắt xe qua đường Hiền Vương. Nàng đã đến ngã tư Yên đổ - Đoàn thị Điểm. Nàng dừng lại ở cây Xăng Shell cố tình đợi tôi. Bấy giờ, nắng đã tắt. Và chiều dâng màu khói hương. Tôi bước nhanh. Khi tôi đủ can đảm đến gần nàng, hai đứa đã đến ngã tư Yên Đổ - Trương Minh Giản. Nàng ngó trước nhìn sau. Tôi ngó ngang nhìn dọc. Và, nhanh hơn điện, hai lá thư tình rút ra từ lúc nào chẳng hay, đứa nọ trao cho đứa kia. Y hệt hai tên ăn cắp chuyền hàng ấy. Làm xong công việc cao cả và mong đợi ròng rã hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nàng lên xe, đạp nhanh về xóm Vẹc. Còn tôi, tôi đứng lặng giây lát, nghĩ tới con đường dài hun hút mà tôi sẽ cuốc bộ từ đây về Nhà Hát Tây. Nếu tôi có vài đồng để đáp xe ô tô buýt xanh nhỉ? Túi tôi chỉ còn năm cắc. Tôi bèn vui ngay vì so với hai môn đệ của tôi, tôi đi với một lá thư tình và về với một lá thư tình chứ chả đến nổi đi không lại về không, ù suông như môn đệ. Tôi phăng phăng bước. Gặp hai môn đệ giữa đường. Tới gần Nhà Hát Lớn, tôi khát nước cháy khô cổ. Hai môn đệ túi rỗng tuếch. Tôi đành gạt hai đứa, lặng lẽ uống năm cắc nước mía để lấy lại phong độ mà ca ngợi tình yêu.
Đêm ấy, thi sĩ Trương Chi làm được bài thơ theo khuynh hướng Sang Độc xuất sắc nhất. Bài thơ có một "xì tờ rốp" diễn tả ly nước mía năm hào chỉ!.
18/10/1971
Duyên Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...