Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Mai Hương và Lê Phong 4

Mai Hương và Lê Phong 4

Chương 16
Những phút cuối cùng của Lê Phong

Bỗng thấy tiếng cười làm Lê Phong quay nhìn lại. Người trẻ tuổi, bộ mặt độc ác, vừa nhoẻn miệng một cách khả ái vừa hỏi Lê Phong:
- Thế nào, ông Lê Phong, nhà thám tử đại tài, ông không quát nữa đi? Thế ra trước sự chết người ta không được hùng hổ lắm nhỉ.
Lê Phong không thèm đáp, đôi mắt lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt hắn, mặt không biến sắc, và tuy bị trói ngồi ở một mép phản gỗ, anh cũng không tỏ ra một dáng gì là khiếp nhược.
Ngực anh ưỡn lên ngạo nghễ, như khiêu khích kẻ thù.
Người trẻ tuổi cười gằn:
- Hừ ! Ông Lê Phong định trêu tức tôi, định đáp lại tôi bằng cái yên lặng khinh bỉ. Nhưng nhờ trời, tôi được cái không nóng tính làm việc gì cũng có phương pháp, có thì giờ hẳn hoi.
"Bây giờ, trong lúc ông còn ở dương gian, tôi còn muốn cho ông mến cái tài hành động của tôi. . . không ít ra cũng phải biết tôi có những thủ đoạn gì. . . để khỏi ân hận rằng không có người địch thủ xứng đáng. . . "
Rồi hắn lại cười, ngồi xuống phản bên cạnh Lê Phong, xem đồng hồ tay, lấy thuốc ra hút, ngoảnh nhìn mọi người sắp nói một câu chuyện bình thường và thân mật.
- Ông Lê Phong ạ, mỗi người chúng ta có một tính xấu nhỏ. Cái tính xấu nhỏ của tôi cũng tương tự như lòng tự ái của tác giả một quyển sách, nghĩa là tôi muốn cho người khác, thí dụ như ông chẳng hạn, hiểu cái đẹp của sự nghiệp mình. . .
Vụ án mạng Trần Thế Đoàn, thưa ông, cũng là một tác phẩm có giá trị đấy. Tác giả, Nghĩa là người chủ động vụ án mạng, chính là Lương Hữu, chính là người có cái hân hạnh được hầu nghe, chuyện ông đây. . . Vậy trước khi đưa ông đi sang thế giới khác, tôi xin ông hãy lắng tai mà nghe.
Lê Phong vô tình chú ý. Anh quên cả cái thế nguy hiểm cho mình lúc đó, đôi mắt long lanh tỏ ra vẻ muốn hiểu, muốn biết. Thấy thế người trẻ tuổi cười, gật đầu:
- Ông quả là một nhà nghệ sĩ, tôi rất vui lòng rằng câu chuyện của tôi không bị ông bỏ ngoài tai. Vả lại, ông có đủ các nhẽ để biết cho tường tận. . . Trước hết tôi tưởng nên nói để ông rõ uyên uỷ việc hành động này phần nhiều nhờ vì nghệ thuật. . .
Bỗng Lê Phong cười gằn:
- Phải, nghệ thuật sát nhân, nghệ thuật ăn cướp.
Lương Hữu thản nhiên đáp:
- Giết người, ăn cướp ! Cũng là nghệ thuật chứ sao?
Lê Phong thấy chướng tai, thấy những lời sống sượng kia nói ra một cách bình tĩnh ghê gớm, thì cơn giận lại đùng đùng chực nổi, anh cố nén mới khỏi để lộ ra nét mặt.
Lương Hữu lại tiếp luôn:
- Chứ không ư? Nếu không có những phương pháp nghệ thuật tuyệt xão, tuyệt mỹ thì khi nào việc này nhanh chóng được đến thế? Ông tính, giữa trường đại học, trước bao nhiêu là con mắt, ấy thế mà chỉ thoáng một cái, một người chết ngay tại trận, chết một cách quyền bí lặng lẽ, không ai ngờ vì không ai hiểu, cả đén những tay thành thạo của sở Liêm phóng cũng vậy :chỉ trừ ra có ông. . . Phải chỉ có Lê Phong ! Lê Phong biết trước việc của chúng tôi, nhưng biết trước cũng vô ích. Vì lúc ấy nhà phóng viên đại tài có ngờ đâu đến cái vật nhỏ mọn này.
Nói đoạn, hắn đưa cái máy ảnh vẫn cầm ở tay lại gần cho Lê Phong xem, và làm như một người giảng bài, hắn vưà chỉ vào các bộ phận vừa nói:
- Một vật rất nhỏ mọn, không có dáng chi hết, hay chỉ có dáng hiền lành của một cái máy ảnh thôi. Ấy thế mà công dụng của nó lớn lắm kia đấy. Ông xem, cũng ống objectif cũng khuy vặn mise au point để ngắm, cũng khuy bấm déclencheur, cũng cái kính viseur. . .
"Một công trình sáng tác có một không hai mà tôi đã khổ tâm lắm mới nghĩ ra được. . . Ông xem cuộc du học của tôi trong mấy năm ở bên Pháp có phải là vô ích đâu. . .
"Nếu ông Lê Phong của tôi cũng đã khảo cứu về máy móc, ông sẽ phải nhận đấy là một chứng cớ  của một thứ thông minh sáng tác, nhưng tôi, tôi chỉ xin nói đến cái thông minh hoạt động trong vụ ám sát khó khăn này.
"Việc cốt yếu của chúng tôi là phải giết một người, một người có danh tiếng nhất nước Nam, phải giết ngay, nếu để chậm mấy giờ là mọi việc lớn hỏng cả. Thế mà người ấy không ở chỗ vắng, không có một cái gì ra khỏi Hà Nội, để chúng tôi có thể lừa bắt được, như đã lừa bắt được ông Lê Phong. . . Lúc người ấy cần phải chết lại là lúc khó giết nhất.
"Vậy làm thế nào?
Ngừng lại một lát để châm điếu thuốc thứ hai, rồi hắn lại tiếp:
- Trả lời được câu hỏi đó, chúng tôi đã có cái máy ảnh. . .
"Vậy cùng với đám công chúng, sáng hôm nay, tôi cầm cái máy ảnh vào dự lễ phát bằng. Được lắm. Nhà thiếu niên y khoa bác sĩ ngồi kia, ở trước mặt và cách chúng tôi chừng hơn hai chục thước . Tôi cũng làm như một người chơi máy ảnh thực thụ, vặn objectif là một thứ miệng súng lục trong cái máy ảnh của tôi. . . cái ống objectif ấy sẽ không thu hình người tôi ngắm, nhưng sẽ phát ra một thứ đạn riêng ở ngăn buồng tối. Thứ "đạn" ấy là một thứ kim tiêm chế theo một kiểu thích hợp, trong lòng tiêm có một thứ thuốc độc mau nhậy một cách không ngờ. Cái kính viseur dùng trong các máy thường, để cho đúng chỗ chụ thì ở máy này dùng để nhắm đúng cái điểm nào trên người ông mà kim sẽ bắn tới. Còn cái vặn mise au point là thứ không có ích chỉ để đấy làm vì. . .
"Thực là một thứ súng lục tối tân, có phải không ông? Nhưng thứ súng lục này có thể mang vào các nơi mà người dùng nó không bao giờ bị ai ngờ vực gì. . . Tôi có thể giết người ở giữa đám đông người cũng dễ như những hung thủ tầm thường giết người ở chỗ vắng. . .
"Vâng tôi chỉ có việc ngồi trên cái ghế trong trường Cao đẳng, ngắm trước người tôi sẽ giết và đợi dịp và đợi dịp. . . Dịp ấy là lúc có những luồng chớp magnésium của những người thợ ảnh trong nghề. Tôi chỉ giơ máy lên một cách tự nhiên, tôi nhắm rồi tôi bấm déclencheur, rồi ung dung ngồi xem kết quả".
Hắn cười lên mấy tiếng khẽ:
- Kết quả thật nhanh chóng. Đoàn bị giết ngay lập tức, không kịp cử động, không tỏ một dấu gì là đau đớn, đến nỗi không ai ngờ đến án mạng, không ai dám bảo là Trần Thế Đoàn bị giết, trừ có ông Lê Phong. . .
"Bài tường thuật của ông trong số báo "Thời Thế" ra chiêu hôm nay, xin thú thật rằng đã làm tôi bất mãn nhiều lắm, bởi vì những điều nhận xét của ông rất đúng và cuộc điều tra mà ông hứa sẽ theo đuổi, thế nào cũng sẽ trở ngại cho công việc riêng tôi. Đối với một tay phóng viên thường, thì có lẽ một bài công kích khéo viết của tôi cũng đủ lấy lại dư luận ngay, nhưng tôi đã có nhiều lần biết tiếng ông, và phục tài ông nữa. Tôi biết rằng nếu tôi để ông yên, thì trái lại, ông không khi nào để tôi yên. Ngay từ số báo hôm nay, tôi đã thâý rõ sự quả quyết của ông và đã lo rằng việc của tôi có lẽ bại lộ mất. . .
"Bởi vậy, muốn cho việc trước và những việc quan trọng của tôi sau này được hoàn hảo như ý tôi đã định, tôi phải mời ông đến đây. . . "
Rồi hắn nhìn Lê Phong bằng đôi mắt lạ lùng nữa như dò xét, nữa như chế giễu:
"Hừ ! Tôi mời ông đến đây- mời bằng một cách riêng của tôi- Không phải là để có ý dụ dỗ ông đâu, vì tôi biết lương tâm nhà nghề là một điều ông trọng hơn cả tính mệnh ! Tôi mời ông đến, chỉ có một chủ ý, một chủ ý tha thiết. . . là. . .
Đôi mắt hắn bỗng như sáng lên bởi cái ý nghĩa nham hiểm. Hắn giơ cái "máy ảnh" lên, rồi lại tiếp:
"Là. . . như tôi đã nói, để thí nghiệm, để ông được biết cái hiệu lực thứ thuốc độc tôi chế ra dùng trong vụ này. . . Ồ ! Ông Lê Phong không lo, vì ông sẽ không đau đớn lâu, có lẽ chỉ trong mấy giây đồng hồ thôi, vì cái kim tiêm bắn ra, máu chỉ thông chuyển độ hai giây là quả tim ông ngừng đập. . . Bây giờ là mười hai giờ mười phút, nghĩa là còn mười phút nữa, tôi sẽ ở nhà cô Loan, tôi tiếc là phải vĩnh biệt ông ngay, giá còn thì giờ thì tất tôi không bỏ phí một dịp tốt được hầu chuyện ông. . .
"Nào bây giờ là lúc quan trọng, ta phải đưa người này sang đời khác, anh em đứng đó cho lễ phép để chào ông Lê Phong".
Nói đoạn Lương Hữu cũng đứng lên, trong lúc ba tên kia vây chung quanh anh, lột vẻ mặt sung sướng như sắp được thấy một trò vui mắt.
Lê Phong lúc đó mới chợt tỉnh lại. Anh mới hiểu lại cái chủ ý của bọn gian ác và lấy làm lạ rằng sao mình đã thản nhiên từ trước đến giờ.
Tuy anh vẫn không lộ ra vẻ khổ sở tuyệt vọng, song trong lòng không khỏi có những tình cảm bi đát não nùng.
Có ngờ đâu cái kết quả công lao khó nhọc của anh lại thảm khốc đến bực này, anh biết rằng không có một phương kế gì làm cho bọn người không có chút lương tâm kia ngừng tay lại nữa.
Cái máy ảnh vẫn giơ trước mặt anh.
Lê Phong nín thở vì trông thấy ngón tay trỏ của Lương Hữu đã cẩn thận đã đặt vào khuy bấm và lựa cho ống ảnh trỏ vào quả tim anh. Sự yên lặng ghê gớm như đè nén không khí xuống. Sự yên lặng nặng nề, nghiêm trọng, khiến cho cả mấy tên gian ác cũng như lo sợ và thầm mong cho việc kết liễu nhanh hơn lên. . .
Lương Hữu thì vẻ mặt trầm ngâm, lại hình như lấy làm khoan khoái được thấy kẻ thù bị khốn trong tay mình. Hình như nó thấy cái "hấp hối" của Lê Phong càng kéo dài ra nó càng vui thích. . . Rồi chợt nghĩ ra một kế, hắn bật cười bảo một tên đồng đảng:
- Lấy diêm.
Tên đồng đảng lấy một bao diêm cầm ở tay.
- Đánh lên !
Tên kia theo đúng như lời.
- Cầm ngang que diêm để giữ cho nó cháy đến hết. Que diêm ấy tức là những phút chót cuối cùng của Lê Phong đấy. . . Kìa, nó đang cháy, nó cháy mãi, đến lúc nó tắt thì một cái bấm máy, một tiếng "tách" thế là hết đời nhà phóng viên. . .
Lê Phong, như trong giấc mơ, nhìn ngọn lửa kia như nhìn thấy cái chết của mình.
Que diêm ngắn dần, trước còn một nữa rồi còn đến phần ba, rồi sau chỉ còn một điểm sáng rất nhỏ, rất yếu, chỉ chực tắt. . . Rồi sau cùng, tắt hẳn.
Ngón tay trên khuy máy vừa bấm xuống được chừng non nữa phút, thì Lê Phong, mặt tái mét, ngã rũ xuống đầu gục bên chân phản, hai mắt nhắm nghiền.
- Thế là xong !
Đó là lời của Lương Hữu  nói lên trước hết.
- Bây giờ đến nhà con Loan. Trước ba giờ đêm nay, mọi việc phải xong cả.
Giọng nói nghe quả quyết lạnh lùng như một câu truyền lệnh. Mấy tên đồng đảng rấp nghe theo. Chúng không nói nửa lời, đưa mắt nhìn cái thây chết một lần cuối cùng, rồi yên lặng ra đi. Lương Hữu thong thả bước ra sau điềm nhiên như người ra khỏi hàng cao lâu, một mẫu thuốc lá vẫn phí phèo cháy ở một bên mép.
Chương 17
Thế rồi...
Đến đây, người thuật chuyện cần phải nói ngay để độc giả biết rằng lúc đó Lê Phong thấy mình chết thực.
Anh tin rằng anh sẽ chết, và sau thấy cái kim tiêm xuyên qua mấy lần áo đâm chói lên ngực anh, anh liền tự bảo mình rằng:
- Thôi thế là xong chuyện.
Rồi mắt hoa lên, dần dần tối sẫm lại. Đầu thấy nặng một cách dữ dội. Toàn thân bải hoải, bủn rủn yếu đuối không biết chừng nào. Lê Phong cố chống cưỡng cái sức tối tăm, cái sức ghê gớm mà anh gọi là sự chết, cố sống thêm lấy một giây phút nào nữa, nhưng không thêm được. Không đau đớn, Lê Phong ngã gục xuống, đầu đâm chúi xuống sàn gác và từ đó nằm yên như khúc cây.
Bởi thế, cách đó chừng mười phút sau Lê Phong mở mắt ra, ngơ ngác nhìn chung quanh ra vẻ kinh ngạc lắm.
Anh chớp mắt luôn mấy cái, bụng bảo dạ:
- Quái, mình chưa chết hay sao?
Rồi lại nghĩ:
- Rõ ràng cái kim đã phạm tới mình. . . Mà rõ ràng mình thấy  mình không sống nữa. . . Thế mà. . .
Anh cựa mình mấy cái, chân tay bị trói chặt, dây thừng ăn lẳn vào da thịt anh, Lê Phong càng cựa càng thây đau nên nằm yên nghe ngóng huyết mạch hơi thông trong người. . .
Anh lẩm bẩm nói thế, rồi bật cười ngoái cổ trông lại vì anh vừa thấy tiếng động ở phía tường trong. Lê Phong hỏi:
- Biên?
Và phải nhắc lại câu hỏi lần thứ hai, mới có tiếng se sẽ đáp:
- Dạ.
- Thế nào, mày có lê lại đây được không?
- Con bị trói chặt quá. . . Cố mãi mới lôi được cái giẻ chúng nhét vào miệng. . . Mà, cậu không việc gì cả. Con đã tưởng cậu. . .
- Tưởng tao chết rồi, chứ gì?Tao cũng tưởng thế. Đến bây giờ mới thực biết là chưa chết. . .
Rồi Lê Phong cất tiếng cười to làm như việc vừa rồi là đáng tức cười lắm.
- Chết ! Sao cậu cười to thế?Nó biết thì sao?
- Ai?
- Bọn du côn ở tiệm này. . .
- Không sợ.
- Sao không sợ?
- Vì không còn một móng nào ở đây hết, chúng giết xong phải giải tán, Tất nhiên phải bỏ chỗ sào huyệt này. . . Kể ra thì bọn chúng cũng khôn ngoan lắm. Công việc làm cũng chu đáo như một bài tính. . Nếu không vì một sự tình cờ mà đến tao cũng chưa hiểu được thì cậu mày chết thực rồi chứ không còn nói chuyện với mày bây giờ đưọc đâu. . .
Anh lại cười hai mắt vui vẻ nhìn Biên.
Cả thầy trò vẫn bị trói nằm cách xa nhau.
Nhưng xem ra Lê Phong không lấy làm khó chịu.
Biên hỏi:
- Nhưng sao lúc nãy cậu lại ngã gục xuống thế ?Cậu làm con lo quá. . .
- Tao cũng không hiểu nữa. Có lẽ cái chết  tao trông thấy gần quá, tao tin rằng thế nào cũng chết nên. . . "tự kỷ ám thị"
- Tự kỷ ám thị !
- Ừ, mày không biết được điều bí mật ấy. Nhưng không hế gì. Có lẽ vì tinh thần tao hoạt động dữ quá tỏ ra mình can đảm trước cái chết , nên đến phút cuối cùng, tao ngất đi. . .
Rồi Lê Phong lại vui vẻ nói rất nhiều, nói những câu lý luận viễn vông không ăn nhập với tình thế lúc đó. Biên đã tưởng anh ta hoá điên, như người thường hoá điên qua những trường hợp kinh hoàng như thế . Nhưng khi Biên chú ý thì biết Lê Phong tuy miệng vẫn nói mà như đang thầm tính một việc gì.
Một lát, Lê Phong reo lên một tiếng to và nói:
- Được rồi !
Biên trông lại thì đã thấy Lê Phong đứng thẳng lên, bao nhiêu mối dây trói chân tay anh, anh đã cởi ra được hết. Lê Phong cười bảo đầy tớ:
- Phải thú thực rằng bọn gian ác kia trói người cẩn thận lắm. Cũng là một nghệ thuật đấy. Nhưng may phép gỡ trói của tao cũng là một khoa học khá thần tình.
Rồi anh lấy gân tay làm mấy cái cử động thể thao, nắn các bắp thịt mình, ra vẻ đắc ý :
- Vẫn khỏe mạnh, vẫn rắn rỏi. . . Có lẽ (Anh giơ cái kim tiêm mà anh rút mà anh rút ở phía ngực soi lên ánh sáng )có lẽ thứ thuốc độc trong này đối với máu người khác thì nguy hiểm, mà đối với Lê Phong có lẽ là thứ thuốc bổ cũng nên.
Anh xoay cái kim tiêm đủ các chiều . Lúc soi dọc, lúc xem ngang, như người nhà nghề đang xem viên ngọc quý.
Đôi mắt tươi sáng của anh trước còn lóng lánh, sau im lặng mơ màng, rồi sau cùng đấm hẳn vào trong những hình ảnh xa xôi. Anh lẩm bẩm như tự nói cho mình nghe:
- Phải rồi. Chính cái kim này, chính cái kim tiêm này , ta bắt được trong trường Cao đẳng. . . Rồi sau lại chính cái kim tiêm này lọt vào tay Mai Hương. . . Ồ lạ lùng ! Lạ lùng không biết ngần nào. . . Có thể thế được không?Ta có thể tin những điều vô lý như thế được không ?Mai Hương?Phải , Mai Hương đã xếp đặt những việc này, bao nhiêu trường hợp, bao nhieu mưu cơ . . . Phải, tất cả mọi điều kỳ dị, đều một tay người con gái ấy gây nên cả. . .
Anh im lặng ngồi xuống phản gỗ, trầm ngâm theo đuổi những ý tưởng đang sôi nổi trong trí anh. . . Trong bốn, năm phút đồng hồ, anh hình như quên cả sự thực.
Thốt nhiên anh quay lại gọi:
- Biên !
- Dạ.
- Đi.
- Đi đâu kia?
- Đến chợ Hôm. Mau lên. . . Lúc này mới  là lúc kịch liệt. . .
- Mau lên, ra theo tao. . .
- Nhưng. . .
- Còn nhưng cái gì nữa?
- Nhưng con bị trói thế này thì dậy thế nào được. . .
- Ừ nhỉ, tao quên hẳn đi mất. . . Vì Biên ạ, vừa rồi, tao đoán thấy nhiều việc lạ lắm, lạ quá, trí tao nhu bị kích thích dữ dội ! Tao thích quá.
Vừa nói, anh vừa cẩn thận cởi trói cho Biên:
- Tao sung sướng quá. . . Tao mới tìm ra một bộ mặt khác của Mai Hưong ! Thế nào tao cũng sẽ biết nó là ai, là thứ người như thế nào. . Phải, Mai Hương lần này thì quyết không khỏi tay ta, nếu không. . .
Mặt Lê Phong có vẻ cương quyết lạ thường. Anh gio tay lên nói một cách trịnh trọng:
- Nếu không, ta không còn mặt mũi nào mà sống nữa.
Cởi xong trói cho tên đầy tớ, Lê Phong đở nó đứng dậy và hỏi:
- Bọn kia đâu?
- Bọn nào?
- Mấy người "mật thám"giả !
- Con chắc cũng bị trói như con.
- Nhưng ở đâu? Ở buồng nào?Phải đi cởi trói cho họ chứ.
Không đợi Biên đáp, anh chạy ngay sang một buồng gần đó, vì anh vừa nghe thấy mấy tiếng động khe khẻ đưa sang.
Trong buồng tối om, Lê Phong vừa sờ tay lên tường để tìm khuy đèn điện vừa nghe ngóng.
Bỗng anh chạm phải một vật, không ! Một người, một người hình như vẫn đứng nép đó và có ý tránh anh. Lê Phong vội lùi ngay lại, thì lúc ấy tay anh ta gặp cái khuy đèn. Lê Phong sắp vặn lên thì bỗng có tiếng nói:
- Đừng vặn, vô ích.
Le Phong kinh ngạc, ngừng tay lại, vì tiếng đó anh nhận rõ ra tiếng đàn bà. . .
- Vô ích ( tiếng kia lại tiếp luôn). Đèn điện hỏng rồi, mà anh thì phải đứng im. . . nếu không ta đã có phép.
Giọng nói nghe có vẻ quả quyết lạ, Lê Phong bỗng nghĩ được một kế.
Anh buông tay xuống, nín thở, hết sức nhẹ nhàng đi lần đến chỗ có tiếng nói vừa rồi. . . Rồi, thóat một cái, anh nhảy sấn lại ôm choàng lấy người kia. Nhưng bỗng đèn điện bật sáng lên, người kia đã lên mất tự bao giờ, còn anh thì hụt chân đang ngã soài trên sàn gác.
- Biên, mà vừa vào đay chứ?
Lê Phong vừa ngồi đây vừa hỏi thế. Biên đáp:
- Vâng?
- Thế ra đèn không hỏng?
- Hỏng thì đã không sáng được.
Nhưng đến cái cửa ngoài cùng, chỗ ra cầu thang, Lê Phong không thể tiến được nữa ! Cánh cửa ấy khóa lại ở phía ngoài, Lê Phong hầm hầm chạy vào hỏi Biên:
- Lúc nãy vào buồng này, mày không thấy ai?
- Không, vì trong này tối.
- Mày cũng không nghe thấy gì?
- Có. Nhưng con tưởng là tiếng cậu gọi con sang !
Lê Phong toan nổi giận nhưng lại trấn tĩnh được ngay. Anh nhận ra mấy người tay chân của anh đang nằm chúi ở một xó buồng và người nào cũng bị trói kỹ.
- Tao chưa chết là công việc chưa đến nỗi hỏng, mày cởi trói cho bọn này, còn tao, tao tìm cách phá cái cửa ngoài kia, con Mai Hương nó vừa khoá lại.
- Mai Hương?Thế ra cậu gặp Mai Hương trong này?
- Chứ còn ai nữa. Thôi , mau lên.
Lê Phong lại chạy ra. Nhưng lúc ra đến cửa cầu thang anh kinh ngạc không biết ngần nào, vì cái cửa ấy lúc đó đã mở toang và bên ngoài anh thấy tiếng người ồn ào đang trèo lên bực gạch.
Chương 18
Những câu chuyện lạ lùng của Lê Phong
Lê Phong lùi lại mười bước, nép vào một chỗ, bụng bảo dạ:
- Có lẽ chúng nó lại trở về chắc?
Và toan tìm cách báo cho thằng Biên và bọn tay chân của anh biết mà đề phòng.
Nhưng ngay lúc ấy, một bóng người dưới cầu thang nhô lên đi thẳng vào: theo sau, còn một người nữa, tay cầm một cái máy ảnh nhỏ.
Lê Phong nhận được rõ mặt liền chạy ngay ra:
- Văn Bình?
Văn Bình và người kia reo lên:
- Anh Lê Phong! Lê Phong. Chúng tôi tưởng anh bị hại rồi?
Lê Phong cười:
- Tôi cũng vậy. Nhưng thế nào? Sao bây giờ anh mới đến đây
- Vì chúng tôi đợi ở nhà cô Tuyết Loan... Bọn hung thủ đã bị bắt cả rồi!
Lê Phong không tỏ vẻ ngạc nhiên chỉ hỏi:
- Bị bắt cả rồi? Bị bắt ở nhà cô Loan?
- Ừ.
- Thế là cái kế hoạch của tôi hỏng phần thứ nhất, nhưng lại được phần thứ hai... Nhưng sao anh lại không đến đây lúc 12 giờ như lời tôi hẹn?
- Kìa, anh gọi điện thoại bảo đừng đến nữa kia mà!
Lúc đó, Lê Phong mới lấy làm lạ:
- Tôi, tôi gọi điện thoại cho anh?
- Ừ, anh lại dặn đi dặn lại rằng chớ có đến đây nữa, mặc anh chống cự với bọn chúng, vì đến thì thế nào cũng bị chúng bắt.
Lê Phong cau mày gắt:
- Quái lạ!... Phải, anh đến đây thì có lẽ bị bọn chúng bắt thực, nhưng tôi có đánh điện thoại cho anh bao giờ đâu?
- Ồ ! thế là nghĩa lý gì?
Lê Phong cũng nhắc lại:
- Ừ ! Nghĩa lý gì?
- Nhưng dẫu sao, bọn hung thủ hiện đã sa lưới cả. Ông T.Phụng đã trói cả tụi và đang làm biên bản... ông dặn tôi đến đây tìm thấy anh thì mời anh đến phố chợ Hôm ngay.
- Để làm gì?
- Để đối chứng. . .
Lê Phong cười gằn:
- Hừ? Đến lúc này mà ông T. Phụng vẫn còn chưa chịu tội hẳn. Ông vẫn ra vẻ một viên chức "nhà nước" làm việc theo ý mình. Ông bắt được hung thủ là theo những điều chỉ dẫn của tôi mà ông vẫn làm như không theo ai cả... Nhưng không hề gì. Đó là lòng tự ái của nhà nghề, việc quan hệ nhất đã xong,là hung thủ đã bị bắt...
Lúc đó thằng Biên và mấy người chân tay đã gỡ xong trói đi ra, Lê Phong cười:
- Giá tôi chu đáo hơn chút nữa thì chúng đã bị bắt ngay ở đây, không đợi đến ông T. Phụng nữa...
Chợt anh sực nghĩ ra một việc:
- Văn Bình!
- Gì?
- Anh lên đây lúc này có gặp ai xuống không ?
- Không. Sao?
- Thế cửa gác ai mở?
- Cửa này ấy à? Vẫn mở...
Lê Phong nắm cánh tay Bình:
- Hừ ! Vẫn mở... Thế ra... ồ, thế ra nó khóa lại, rồi lại chính nó mở.
- Nó là ai?
- Mai Hương? Mai Hương chứ còn ai! Mai Hương vẫn còn ở ngoài vòng? Chỉ còn có nó ở ngoài vòng thôi: nó vẫn còn trêu chọc tôi! Mà có lẽ nó còn nhiều thủ đoạn quỷ quyệt nữa. Người con gái kỳ dị này chưa bị bắt là tôi chưa có thể gọi là thắng trận được! Không! Bây giờ cả bọn gian ác bị bắt, còn nghĩa lý gì nữa, vì chúng để cho người ta tóm cổ được những thằng khốn nạn tầm thường khác, nhưng còn Mai Hương…
Anh bỗng ngừng bặt, cắn lấy môi, hai mắt nhìn xuống đất,phía cửa một căn phòng. Dưới mép tấm màn dầy buông trước phòng, anh thấy hai vật đen loáng, làm anh rợn người lên...Nhận kỹ thì thấy đó là một đôi giày, một đôi giầy đàn bà chỉ lộ ra ngoài một nửa trước. Sự cảm động làm cho anh nghẹn thở...
Lêê Phong biết rằng đôi giày kia là giầy của một người đứng nấp sau bức màn để nghe trộm, mà người nghe trộm ấy,anh cũng biết chắc là Mai Hương... Con người táo tợn đến thế là cùng!
Lê Phong đưa mắt nhìn thoáng một cái để liệu trước tình thế.
Trong cùng lối đi là cái cửa sổ gác, có chấn song sắt.Ngoài này thì anh, Văn Bình với bọn thằng Biên?Dẫu có cách, người thiếu nữ cũng không trốn đâu cho thoát.
Nghĩ thế, anh loền thong thả tiến lên hai bước dõng dạc gọi:
- Mời cô Mai Hương ra ngoài này!
Đôi mũi giầy đứng yên, Lê Phong lại nói thêm:
- Xin cô đừng phiền chúng tôi phải sấn đến bắt nữa, mời cô ra.
Đôi giầy vẫn không nhúc nhích, Lê Phong cười nhạt:
- Được lắm... Tôi muốn mời mọc cô tử tế, cô lại không muốn... Có lẽ cô ưa mạo hiểm hơn...
Rồi quay lại bảo mọi người:
- Hai anh đứng chắn lối ra. . . Hai anh nữa vào bật đèn trong buồng này, còn thằng Biên thì theo tôi vào "đón" cô Mai Hương. . . Nào xông vào đi !
Không ngờ, theo lệnh anh, khi ai nấy đã sẵn sàng, Lê Phong hốt nhiên hầm hầm quay bước đi, miệng lẩm bẩm mấy câu tiếng Tây:
 - "C est ridicule! C est ridicule? (Rô lố! Rõ lố chưa? )
Khiến cho mọi người kinh dị không hiểu ra sao cả.
Văn Bình chạy theo hỏi:
- Cái gì thế
Lê Phong gắt:
- Lố bịch chứ sao?
- Ô hay? Nhưng thế nào? Thế còn. .. (Văn Bình đưa mắt về
đôi giày nói khẽ) còn Mai Hương?
Lê Phong lườm Văn Bình, tức run cả người lên, đứng lại
nói được có một câu:
- Chẳng có Mai Hương nào hết?
Rồi cắm đầu đi ra bực thang xuống gác.
Trên này, Biên kéo vội tấm màn lớn ra xem lại thì trong phòng om tối, không có một bóng người nào thực, mà đôi giày trông thấy lúc trước (một thứ giày đàn bà kiểu tối tân, gót cao,mũi nhọn), vẫn đứng nguyên chỗ cũ, nhưng lại là đôi giày không.
Lê Phong bực dọc xuống nhà, ra khỏi cổng và đến đứng đợi bọn kia bên chiếc xe hơi mà Văn Bình đem tới lúc nãy. Anh có vẻ suy nghĩ lung lắm và hình như căm giận hết thảy mọi người.
Nhưng năm phút sau, khi Văn Bình đến gần Lê Phong thì anh đã tươi cười quay lại nói:
- Xin thú thực tôi chưa thấy người con gái nào tinh quái,ranh mãnh đến thế.. . Cả một bọn đàn ông trai tráng, mà nó coi như một đứa trẻ con...
Rồi làm như quên các việc khó chịu vừa rồi, Lê phong giơ tay xem đồng hồ:
- Ba giờ kém hai mươi. Thôi bây giờ về thì vừa... Không còn
việc gì hết.
Văn Bình kinh ngạc:
- Thế nào? Về à?
- Về chứ còn ở đây làm chi nữa: "con chim xanh bay về tổ rồi".
- Thế nghĩa là thế nào?
Lê Phong đủng đỉnh nói:
- Thế, nghĩa là thế.
- Kìa, lúc này không phải lúc nói giỡn! Thế còn bọn hung
- Bọn hung thủ? Thì chúng nó bị bắt cả rồi chứ sao. Bị ông T. Phụng bắt ở nhà cô Loan phải không?
- Phải rồi, nhưng...
- Nhưng nếu tôi không lầm , thì chúng. . . không còn mống nào ở đó hết.
Văn Bình sửng sốt:
- Hừ ! Cái gì? Anh nói cái gì?
- Tôi nói câu tôi vừa nói.
- Ồ ! thế ra Mai Hương gạt chúng mình ở đây để đánh tháo cho bọn kia rồi sao?
Lê Phong bật cười:
- Không.
- Thế sao... anh bảo không còn ai ở nhà cô Loan nữa.
- Thế nghĩa là ông T. Phụng dẫn chúng về sở mật thám rồi chứ gì?
Văn Bình trách:
- Thế mà cứ nói đùa mãi...
Lê Phong nghiêm mặt lại một cách khôi hài:
- Không, tôi không ưa nói đùa đến thế đâu...
- Vả lại .
Lê Phong lại bật cười rồi hỏi sang chuyện khác:
- À này, lúc nãy tôi nói đúng chứ ?
- Đúng cái gì?
- Mai Hương chỉ để lại đôi giầy của cô?
- Ừ
- Mà, trong đôi giày còn có mảnh giấy nào giữ riêng cho tôi
không?
- Không, không ai để ý.
- Thử tìm xem, đôi giầy đâu? Có đem xuống không ?
Biên đưa đôi giày cao gót ra, Văn Bình đưa ngón tay vào thì quả nhiên có một mảnh danh thiếp giắt trong đó. Trên danh thiếp, Bình đọc thấy mấy hàng chữ in lớn mới:
Henriette Mai Hương
144, Duvillier Hanoi
Lê Phong vẫn giữ vẻ khôi hài lúc nãy, bảo:
- Lật đằng sau xem có gì không?
- Có
- Đọc xem.
Văn Bình đọc:
"M. H. thành thực mừng ông Lê Phong đã thoát nạn,khuyên ông nên về nghĩ, trấn tĩnh lại tinh thần và kính tặng đôi giày này gọi là chút kỹ niệm tinh quái của một ngườii thiếu nữ tinh quái .
Trái với điều Văn Bình tưởng,Lê Phong không lấy những điều giễu cợt trên đây làm tức bực lại tỏ ra ý vui thích, cất tiếng cười lớn làm vang động cả quãng đường vắng vẻ bấy giờ.
- Văn Bình! Tiếng cười là một của báu trên đời. Nó làm tiêu tan biết bao nhiêu nỗi ưu phiền, nó là cơn gió thổi tan đám mây, nó là ánh nắng tươi trên vườn xuân, nó là biểu hiệu của sự vui sống ở trần gian . . . Không? Tôi không thể nào không cười được.
Rồi, như người hóa dại, anh lên trên xe hơi, giục mấy người lên theo, dận máy cho xe chạy và lại khanh khách cười,khiến cho Văn Bình ngẩn người ra chẳng biết tại sao Lê Phong lại lạ lùng đến thế.
Nhưng sự kinh ngạc của Văn Bình lại tăng lên gấp bội khi thấy sau tràng cười điên cuồng đó, Lê Phong lại im lặng, đôi mắt mở lớn trông thẳng, và cho xe chạy hết phố này sang phố khác, mà chạy rất nhanh.
- Kìa đi đâu thế này?
Lê Phong không trả lời, mở thêm tốc lực.
- Lê Phong! Đi đâu bây giờ?
Anh vẫn không đáp.
- Kìa sao đi đâu anh không bảo? Mà sao lại cho chạy nhanh thế?
Lê Phong không thèm nghe chi hết, cứ mỗi lúc một mở thêm tốc lực, mắt đăm đăm như để tâm trí tận đâu đâu.
Sau cùng, anh hãm xe, quay đầu hỏi Văn Bình một câu rất
kỳ quái:
- Anh có thể đi chơi ô- tô với tôi từ giờ đến sáng mai không?
- Thế nào anh có đi được không. Nếu không tôi đi một mình vậy.
- Nhưng đi đâu mới được chứ?
- Đi chơi mà.
- Đi chơi?
- Ừ! chỉ đi chơi thôi. Nếu không, anh xuống.
- Tôi thực không hiểu sao cử chỉ của anh lúc này lại lạ thế,có lẽ anh hóa điên...
Lê Phong nghiêm trang trả lời:
- Anh không hiểu, mặc anh, nhưng tôi không điên. Thế nào, đi hay xuống
- Ồ? Thế còn bọn hung thủ?
- Bọn hung thủ bị bắt rồi chứ sao?
- Thế còn anh?
- Tôi thì không phải đeo đuổi chúng nó nữa.
- Nhưng. . .
- Chẳng có nhưng gì hết. Bọn hung thủ bị bắt, và đã bị giải về sở mật thám rồi. Vì bọn hung thủ bị bắt nên báo"Thời Thế" sẽ được một bài tường thuật nhanh nhất, ngộ nhất, tường tận nhất, thế là công việc của tôi xong.
Văn Bình càng kinh dị hơn:
- Ồ! nhưng mà...
Lê Phong có vẻ cáu:
- Còn gì nữa? Thế các anh lúc nãy không ở nhà cô Loan sao?
- Sao lại không?
- Các anh đã chứng kiến rõ lúc chúng bị bắt chứ?
- Rõ.
- Phóng viên chụp ảnh cũng có đấy như lời tôi dặn chứ?
- Có
- Mà có chụp được cả ảnh chứ?
- Chụp được.
Lê Phong nhún vai:
- Thế thì anh còn muốn gì? Tôi đã lừa cho chúng vào tròng là công việc của tôi kết liễu rồi... Hay anh muốn cho tôi được thưởng mề đay? Cám ơn, tôi xin nhường chiến công và mề đay cho ông chánh mật thám...
văn Bình thấy Lê Phong cứ nói vẩn vơ mãi cũng đâm gắt:
- Anh thực không đứng đắn tí nào cả?
- Sao vậy?
- Một vụ án mạng nghiêm trọng đến như thế mà anh là người hoạt động nhất trong cuộc săn bắt chúng, bao nhiêu việc bí mật anh khám phá ra được...
Lê Phong vội ngắt:
- Ừ , thế rồi sao nữa? Ồ, Văn Bình! Văn Bình! Nhưng việc đó bây giờ không quan hệ gì lắm . Tôi tưởng nên xếp một nơi đã,rồi tôi dẫn anh về nhà báo, thúc mọi người làm việc để mai báo kịp ra sớm, còn tôi...
Lê Phong ngửa mặt nhìn trời:
- Còn tôi... tôi đi chơi... đi tìm gặp nhiều việc quan trọng gấp năm gấp mười thế, mà bí mật cũng gấp năm gấp mười vụ án mạng bí mật... Tôi đi... đi... tìm... cô Mai Hương ?
Lúc đó Văn Bình chợt hiểu ra rằng giọng nói của Lê Phong tuy bỡn cợt, nhưng có ẩn một vẻ chân thật ở trong, Văn Bình biết rằng anh mới tìm ra một điều khác thường, vừa vụt qua trí anh, nên mới có những cử chỉ ấy.
Văn Bình để cho Lê Phong đưa đến tòa báo « Thời Thế » rồi xuống cùng với người phóng viên phụ.
Lê Phong chỉ dặn qua máy câu:
- Bài tường thuật các anh viết. Còn bài điều tra thì tôi viết rồi. ở ngăn kéo ấy. Đến mai ông T. Phụng có cho người hỏi gì thêm thì bảo tôi đi vắng, ông cứ mua báo « Thời Thế » mà đọc...
- Bây giờ thì... chào các anh.
- Thế còn Mai Hương
- Mai Hương là một con chim xanh, là một sự bí mật thứ hai, là một người tôi đi tìm bây giờ đây. Nhưng về Mai Hương,các anh không cần nói đến vội.
Nói rồi, Lê Phong mở máy cho xe chạy liền.
Chương 19
Con chim xanh
Xe hơi băng băng chạy trên con đường nhựa bóng loáng.Qua hàng Bún, rẽ lên đường Quan Thánh rẽ sang hàng Cót,hàng Bông, cửa Nam qua ga rồi cứ thế chạy thẳng mãi, mỗi lúc Lê Phong mỗi mở thêm tốc lực như người đi đâu có việc rất cần.
Thực ra thì Lê Phong không nhất định đi đâu, và cũng không có việc gì khẩn cấp. Đó chỉ là một phép lạ lùng anh dùng để bắt trí phải suy nghĩ mau chóng, cái cảm giác được đưa đi rất nhanh trong không khí, cùng nhữlng tiếng máy chạy, tiếng gió vun vút bên tai, làm kích động tinh thần xét đoán của anh.
Khi có thì giờ trầm ngâm về một vấn đề gì, Lê Phong ngồi nhà,khóa kín cửa lại, suốt ngày không nhúc nhích và không nói nửa lời Khi cần phải nghĩ mau, nghĩ gấp, thì anh giục giã trí thông minh của anh bằng cách ngồi nghĩ trên xe hơi chạy nhanh. Bộ máy suy tưởng của anh sẽ theo sức nhanh của xe hơi mà hoạt động.
Ta hẹn cho ta từ bây giờ đến bảy giờ sáng, sự bí mật này phải cắt nghĩa ra.
Sự "bí mật này" không phải là vụ án mạng trường Đại học nữa. Vì hung thủ hiện đã bị bắt, và bao nhiêu đầu mối tự nhiên gỡ tung ra, bây giờ thì những ẩn tình rắc rối, những thủ đoạn giảo quyệt, cho đến lai lịch bọn thủ phạm, nguyên ủy vụ ám sát anh đều thấy cả, mà thấy một cách rất rõ ràng.
Cả câu chuyện kỳ bí rắc rối kia, bây giờ khi ôn lại, anh chỉ thấy thu nhỏ trong khuôn khổ của một việc rất thường đăng trên báo, việc đó tóm tắt như sau này:
- Người sinh viên trường thuốc Trần Thế Đoàn, cách đây ba năm, nhân một cuộc nghỉ mát trên Sa pa, tình cờ mua được của một người Thổ ở đó năm bộ sách thuốc. Đoàn đem về, chủ ý tra cứu về y học cổ, và tưởng năm bộ cách kia chỉ có giá trì của một mớ tài liệu thôi. Không ngờ đọc kỹ, Đoàn mới tìm ra được một điều khác lạ?.Sách ấy là một thứ sách viết, cũng chia ra từng mục, từng tiết nói về y lý, được tính ra linh thể, bệnh căn như mọi sách khảo cứu về môn học này; nhưng trong các đoạn văn, thỉnh thoảng lại có một chữ viết thiếu nét, hoặc một lối chấm câu đánh lạc chỗ, hoặc một chữ lối viết khác những chữ thường,Đoàn đánh dấu lấy các chữ lạ ấy, chép riêng ra một chỗ rồi ghép từng câu, từng đoạn thành một bản di chúc chỉ dẫn lối chôn một kho của rất lớn ở vùng thượng du. Công việc ấy mất hơn hai năm trời. Đoàn định thi y khoa bác sĩ xong sẽ đem bộ
sách ấy và cách tìm kho của, nói cho chính phủ biết; nếu kết quả đúng như lời trong tờ di chúc thì một nửa phần của kia thuộc về chính phủ, còn một nửa thuộc về tay Đoàn. Cái mộng tưởng sang du học các nước, mở viện khảo cứu, nghĩa là cái hy vọng tha thiết nhất trong đời một người ham học, lúc đó sẽ thành sự thực. Dè đâu việc người Thổ bán năm pho sách lại có một người khác biết, người ấy là Lương Hữu, một du học sinh ở Pháp về. Lương Hữu lên đó hỏi và cũng đoán biết cái giá trị phi thường của năm pho sách kia, liền xui giục người Thổ Nùng Du đòi lại, viện lẽ rằng đó là của báu của nhà Nùng Du; nhưng Đoàn không chịu. Vì thế, chúng mới tính cách đe dọa Đoàn,Lương Hữu là một người rất khôn khéo, hắn quen một nơi chỉ làm việc trong bóng tối. Đoàn vẫn cương quyết và hết sức đề phòng. Cho đến ngày Đoàn thi xong, bọn kia biết là nếu không chiếm đoạt ngay, thì cái di chúc trong năm pho sách sẽ công bố lên và lúc đó sẽ vĩnh viễn thuộc về Đoàn và chính phủ. Cái óc khôn ngoan, giảo quyệt của Lương Hữu bỗng nảy ra một kế.Hắn bàn với bọn kia rằng chỉ còn cách trừ ngay Đoàn đi mà không để cho ai ngờ đến án mạng. Cái công việc khó khăn ấy không phải bất cứ người nào cũng làm nổi; Lương Hữu bèn nhận lấy, nghĩ được một phương pháp thần diệu rồi chính hắn đã lẻn vào trường Cao đẳng và chính hắn dùng cái máy ảnh bắn kim tiêm thuốc độc, giết Đoàn một cách rất nhẹ nhàng yên lặng giữa lúc phát bằng.
Giết xong Đoàn, là xong một phấn thứ nhất trong kế hoạch của chúng. Chủ Du tức là Nùng Du và Lương Hữu cùng với mấy tên đồng đảng nữa định bắt cóc Lý Tuyết Loan để tra khảo lấy năm bộ sách mà chúng biết rằng hiện ở trong tay cô.Mưu kế chúng đã sắp đặt sẵn sàng và việc bắt cóc của chúng sẽ êm ái như việc giết Đoàn, vì có tên Đan làm tay trong cho chúng. Những việc ngấm ngầm đó, sau này chúng biết sẽ vỡ lở ra, nhưng chúng lại biết rằng đến lúc khám phá ra thì chúng đã chiếm được kho của và sẽ có cách tẩu tán được. Chúng cứ việc ung dung mà hành động theo phương lược rất chắc chắn của Lương Hữu và quyết thế nào việc cũng thành. Không ngờ có Lê Phong đó, Lê Phong đoán được cái chết của bác sĩ Đoàn,
tố cáo những mưu kế của chúng trên mặt báo, tuy Lê Phong chưa biết rõ ngay sào huyệt của chúng, và trong bài tường thuật, Lê Phong chưa biết thủ phạm là ai, song cuộc điều tra của anh có thể hại chúng được. Đối với Lê Phong, Lương Hữu chỉ có một cách là trừ người phóng viên chướng ngại ấy đi.
Trong lúc tính việc vội vàng, Lê Phong không biết rằng chúng vẫn đề phòng và vẫn có ý đợi anh trong tiệm hút Mã Mây là nơi chúng tạm dùng làm sào huyệt. Vì thế mà cả bọn người của anh phái đến trước đều bị chúng bắt và rồi anh cũng suýt bị hại, nếu không nhờ ở một sự tình cờ. . . Sự tình cờ đó là một điều bí mật mà anh chưa thể hiểu rõ được.
Tại sao cái kim tiêm trong máy ảnh của Lương Hữu lại không có thuốc độc? Tại sao một người tính việc chu đáo như Lương Hữu lại có thể sơ suất đến thế Và tại sao Mai Hương,người thiếu nữ kỳ dị, đã biết anh thoát khỏi cái nạn ghê gớm mà không tìm cách gì đối phó với anh? Tại sao? Tại sao trong bọn gian ác kia mọi người đã bị bắt cả, Mai Hương vẫn ở ngoài vòng, vẫn hành động một cách táo tợn và tinh quái hình như không sợ ai và tin rằng không ai làm gì được?
Bao nhiêu câu đó cùng hỗn độn trong trí Lê Phong, mà câu hỏi quan hệ nhất, khó giải nhất là Mai Hương là người thế nào? Những việc khác, những kế hoạch hành động của hung thủ và bao nhiêu trường hợp ky dị gây nên bởi bọn Lương Hữu,đến bây giừ Lê Phong không thấy quan trọng gì nữa. Lê Phong coi như một việc rất thường, rất giản dị, như một bài tính đã có sẵn lối giải. Anh không thấy cái thú như mọi lần khi trí thông minh của mình đã khám phá ra một việc lạ... Không, cả vụ án mạng trường Cao đẳng, đến bây giờ thực không có nghĩa lý gì, nếu so sánh với điều bí mật dầy độc nhất là: Mai Hương? Mai Hương với cái dáng yêu kiều, với bao vẻ tinh nhanh, với bao cử
chỉ lạ lùng đã làm cho anh chú ý, anh ngạc nhiên ngay từ phút thứ nhất gặp ở trường Cao đẳng.
Lê Phong không thể nào không thấy cái liên lạc của cô ta trong vụ này được . Mà điều lạ nhất là trong vụ này, anh chỉ gặp có cô lúc nào cũng chỉ thấy cô hiện ra, hoặc để lừa anh, hoặc để trêu chọc.
Cái luận lý riêng của anh; cái trực giác của tinh thần anh lúc đó hình như vẫn không muốn nhận rằng Mai Hương là một "con giặc cái". Mai Hương không phải là kẻ phạm tội ác, không thể là người nham hiểm được. Thế mà bao nhiêu trường hợp đều như cãi lại anh một cách hùng hồn. Anh ôn lại các việc xảy ra: bức thư đe dọa anh, cuộc săn đuổi theo vết dầu xe hơi, cái tin dữ nghe ở máy nói, cái bóng áo hồng anh thoáng thấy lúc tìm được tang vật giết người trong giảng đường trường Đại học,rồi lúc diện kiến, là lúc Mai Hương khôn khéo nhất, táo tợn nhất, vì cô tự mình đến bịa ra một câu chuyện sợ hãi và giả vờ ngất lịm người trong tay anh. . . Mỗi lúc, người thiếu nữ một lạ
lùng thêm hơn lên, mỗi lúc anh mỗi thấy khó hiểu... Lê Phong tự nghĩ:
- Từ xưa tới nay, việc gì ta xét cũng ra, cả đến việc ám sát Trần Thế Đoàn ta cũng không coi vào đâu, duy chỉ có người thiếu nữ này, thực là một việc khó khăn, một điều phi thường như một sự màu nhiệm. . . Mai Hương! Mai Hương là người thế nào?
Anh bất giác lại nhớ đến những phút rất êm đềm lòng anh như thổn thức, như hương chiều về cái tình cảm kỳ dị nó xui khiến anh thầm mến, thầm phục người thiếu nữ tinh quái kia... Anh nhớ lúc anh ôm cô ta trong tay và ghé xuống gần tai cô hỏi bằng những lời dịu dàng:
- Mai Hương! Em là ai? Mà khó hiểu thế)
Rồi anh cũng lẩm bẩm nhắc lại câu nói đó:
- Phải Mai Hương sao mà khó hiểu thế. Lê Phong nhớ lại rất rành mạch rằng trong nhưng phút say sưa đó, Mai Hương chỉ là một bực nhan sắc đằm thắm, yếu đuối, phó thác toàn thân cho sự bao dung của anh. . . Rồi đến lúc cô mở mắt ra trông anh, tuy lộ vẻ trách móc, ngạc nhiên, nhưng Lê Phong cũng thấy cả vẻ tin cẩn sung sướng. . .
Lê Phong vừa mở hết chữ cho xe chạy thẳng vừa âm thầm để cho những điều ký ức ấy ru lòng. Anh những muốn nhớ đến những việc khác nữa, anh quên rằng người thiếu nữ kia mấy phút sau đã lừa anh và còn lừa anh mãi mãi, cho đến vừa rồi, cô ta cũng còn tìm cách giễu cợt anh bằng những lời mỉa mai.
Lê Phong mỉm cười lấy đôi giày ra xem, và đọc lại mảnh danh thiếp:
"M.H. thành thực mừng ông Lê Phong đã thoát nạn... và kính tặng ông đôi giày này, gọi là chút kỹ niệm tinh quái của một người thiếu nữ tinh quái .
Lê Phong nói tiếp:
- Người thiếu nữ tình quái và... rất có duyên.
Lúc đó, mặt trời đã mọc lâu. ánh sáng tươi cười chiếu xuống cảnh vật tươi cười . . . Lê Phong xem đồng hồ tay rồi quay xe trở về, trong lòng khoan khoái, nhẹ nhàng, những điều bí mật về Mai Hương đến lúc đó vẫn chưa khám phá được.
- Hình như đã có lời tiền định cho ta rằng, trong việc này Mai Hương là con chim xanh muốn để cho người ta trông thấy lúc nào nên lúc ấy. . . khó lòng mà đuổi bắt được, dầu người đuổi bắt là Lê Phong.. . Chính Mai Hương đã chẳng báo trước cho ta biết rằng ta không thể tìm được thấy cô, không bao giờ gặp được cô trừ ra khi cô cố ý để cho người ta tìm thấy. Nhưng không hề gì. Bây giờ chỉ còn hai ta, cô em không trước thì sau,thế nào ta cũng dò ra được tung tích.
Đến Hà Nội, Lê Phong vào một phòng cắt tóc để cạo mặt và trút nốt những dấu vết cải trang, đoạn vào một hiệu cà phê ăn điểm tâm, nhân tiện đánh điện thoại về « Thời Thế » dặn dò mấy điều. Sau cùng anh lên xe hơi đi về phố hàng Đẫy.
Đến hàng Đẫy, theo địa chỉ ở tấm danh thiếp của Mai Hương, Lê Phong đỗ xe trước một nhà Tây lớn số 144 bis,nhưng đó lại là nhà một hạ sĩ quan Pháp. Lê Phong hỏi thì người bồi ở đó trả lời chủ hắn mới dọn đến được hơn một tháng nay.
Lê Phong hỏi mấy nhà gần, mới biết lối năm tháng trước,
hai cha con một người Sài Gòn có ở phố này, nhưng bây giờ đi
dọn đi nơi khác. Lê Phong hỏi dọn đi đâu thì không ai biết hết .
Anh tự nghĩ:
- Người Sài Gòn kia tức là người cha đỡ đầu cho Mai Hương, nhưng ta cũng ngốc, đi tin ở một địa chỉ vu vơ ở tấm danh thiếp kia thì có gì là chắc chắn? Tìm, ta phải cố gắng tìm !
Rồi suốt từ bảy giờ đến chín giờ sáng hôm đó, anh phóng xe hơi đi khắp Hà Nội, hỏi trường trung học Albert Sarraut là chỗ cô ta học ngày trước, hỏi nhưng người quen thuộc, anh lại tìm cách hỏi cả sở bưu điện xem người giữ việc thư tín có biết địa chỉ của Mai Hương không. Nhưng vô ích, Mai Hương quả như lời anh nói, là một con chim xanh, một con chim xanh bí mật không biết đã bay đi tận phương nào?
Lê Phong đành hoãn cuộc săn đuổi lại. Anh tự nhủ rằng trời đất này cũng không đủ rộng để anh mất tăm vết giai nhân.Thế nào rồi cũng có một ngày kia anh gặp cô, và thế nào rồi những sự kỳ dị cô mang theo, anh cũng sẽ hiểu được hết.
Tuy thế, Lê Phong cũng không khỏi bất mãn? Trong trí lại nảy ra một vài điều ngờ vực vừa làm cho anh khó chịu hơn lên.Anh thong thả rẽ xe về phía gian nhà riêng của anh thuê ở phố Huế, tâm trí mỗi lúc một thêm phiền muộn và nét mặt anh muốn cho tươi tỉnh, mỗi lúc một thêm rõ những nét băn khoăn.
Lê Phong để xe trước nhà, khóa máy lại; uể oải bước vào cổng, uể oải lên gác, uể oải lấy chìa khóa mở cửa rồi uể oải bước vào căn phòng lạnh lẽo hình như sẵn sàng để đón tiếp sự thất vọng của anh, căn phòng này chia ra làm hai phần: trong là chỗ
làm việc.
Bỗng nhiên anh đứng lặng người ra ! Một cảnh tượng cực kỳ quái lạ hiện ở trước mặt anh, Lê Phong không ngờ, nên không tin rằng đó là sự thực được.
Sau bàn giấy của Lê Phong, một người con gái đang ngồi đọc một cuốn sách. Cô ta đọc ra chiều chăm chú lắm; đến nỗi tiếng động khi mở cửa và tiếng kêu ngạc nhiên của Lê Phong cũng không làm cô ta ngửng đầu lại.
Chương 20
Mai Hương và Lê Phong
Mai Hương? Ồ! Mai Hương vào đây!
Lê Phong nhắc lại câu đó hai, ba lần, người thiếu nữ mới hé miệng cười trông lên. Rồi một lát mới nói:
- Vâng, Mai Hương đợi ông ở đây đã lâu!
Lê Phong vẫn như người trong giấc mộng:
- Cô vào đây? Cô vào được đây à?
Thì Mai Hương lại mỉm cười:
- Vâng. Chứng cớ rất rõ ràng? Tôi ngồi đây tức là tôi đã vào đây, có gì lạ.
- Nhưng cô vào lối nào mới được chủ ?
- Thế ông vào lối nào?
- Còn lối nào... cửa tôi khóa kia mà!
Mai Hương cất tiếng cười:
- Cửa khóa thì mở bằng chìa.
- Mà chìa khóa...
- Chìa khóa đây, chẳng biết có phải sự tinh cờ hay không,mà tôi cũng đặt thợ đánh cho một cái chìa khóa giống cái của ông như đúc.
Lê Phong thấy những câu trả lời ranh mãnh với dáng ngạo nghễ của cô từ trước. Anh chau mày lại hỏi nữa:
- Nhưng sao cô được lẻn vào nhà tôi? Cô vào đây có ý gì?
Mai Hương thong thả đáp:
- Trước hết, hai tiếng "lẻn vào" ông dùng không được đúng lắm vì tôi có lẻn đâu. Tôi mở cửa, tôi vào. Rồi tôi ngồi đây đợi ông, có thế thôi.
Lê Phong đã thấy khó chịu:
- Nhưng sao cô lại vào nhà tôi?
Vì tôi muốn giữ lời hứa với ông.
- Cô hứa gì với tôi?
- Ông chóng quên thực. Tôi hứa rằng nếu tôi không muốn cho ông tìm được tôi, thì ông không thể tìm được tôi. Trái lại cũng thế, nay tôi muốn ông gặp tôi thì ông cũng đã gặp.
Lê Phong càng thấy bực tức toan gắt, thì cô ta lại tiếp:
- Gớm! Làm gì mà ông Lê Phong đã chực nổi giận. Ông không thể chịu được sự vui vẻ của một người con gái ư?
Rồi, vẫn giữ vẻ khoan thai nhẹ nhàng, cô gấp cuốn sách lại nhìn thẳng vào Lê Phong:
- Mời ông ngồi xuống đi. Lần này thì tôi không dám "đóng kịch" nữa, và đến đây để nói với ông mấy câu chuyện rất bình thường.... về cái án mạng trường Cao đẳng. Vâng, vụ án mạng ấy đã kết liễu. Hung thủ bị bắt cả. Sự bí mật đã ra ngoài ánh sáng. Nhưng còn một sự bí mật nữa (hẳn ông cũng đang nghĩ thế) còn một sự bí mật khó giải nữa, là tôi. Vậy tôi xin nói ngay để ông biết cho rằng tôi không bí mật nữa. Cái con bé đáo để,cái con bé ranh mãnh, tinh quái, cái con nữ tặc giảo quyệt, thưa ông Lê Phong, thực ra chỉ là một người bạn của ông, chỉ là một người đã giúp ông thôi.
Lê Phong cười nhạt:
- Hữ? Cô giúp tôi!
- Vâng !
- Mà về những việc gì? Ngay từ hôm cái án mạng xảy ra. . .
Mai Hương vội nói:
- Ngay từ hôm? Hôm nào? án mạng trường đại học mới xảy ra hôm qua. . . Đấy, ông xem, đến ông còn tưởng là xảy ra đã lâu rỏi, và vô tình không tin rằng bao nhiêu trường hợp có thể dồn dập một cách nhanh chóng đến thế. . .. Mà chính vì thế, nên tôi mới tìm hết cách để giục giã ông làm việc cho mau chóng hơn lên...
Lê Phong chau mày:
- Cô giục tôi?
- "Giục giã" có lẽ chỉ là một cách nói vì thực ra thì tôi đã được quen ông đâu, nhưng tôi đã có những cách riêng của tôi.Tôi biết rằng ông là người làm báo có tài, một nhà báo có tài trinh thám nữa, nhưng tôi lại biết rằng khi ông theo đuổi một việc ông chú trọng đến báo ông hơn là đến số mệnh của một người bị nạn, một việc ám sát đối với ông chỉ là một cái tin hay đặc biệt, có thế thôi. ông dò xét, ông phán đoán, ông khám phá được những việc bí mật nhất, thế là việc của ông có kết quả rồi,báo của ông có tài liệu rồi; còn ngoài ra, một tính mạng nữa có bị nguy hiểm hay không, ông không cần để ý đến lắm. Tôi không trách ông, nhưng tôi tưởng người ta có thể vừa là phóng
viên vừa là người trừ kẻ gian ác được . . .
Ngừng một lát, Mai Hương lại tiếp:
- "Khi thấy ông nói chuyện với bác sĩ Trần Thế Đoàn sáng hôm qua, tôi đã biết ngay là sắp có sự lạ. Tôi chợt nhớ đến một việc tình cờ tôi gặp ở nhà dây thép mấy hôm trước, sự tình cờ ấy là một bức điện tín đánh cho một người tên là Nùng Du ở một làng Thổ trên Sa pa. Xin thú thực rằng tính tôi rất tò mò mà thử công việc tôi cho là thích nhất là nghe đánh điện tín. Tôi cứ nghe cũng đủ đoán ra những chữ đánh theo lối morse vì ngày trước tôi có dịp nghe quen... Bức điện tin có mấy lời này:
- Xuân sẽ cùng hạ tuyển thủ gặp đoàn sinh giảng giữa đường
Lúc đó thì bức điện tín tôi coi là bức diện thường nói chuyện thể thao, hay về một việc gì tương tự như thế. Duy chỉ hơi lấy làm lạ rằng sao những chuyện ấy lại đánh điện lên cho một người Thổ và sao ý nghĩa lại quá mập mờ...
Song việc đó tôi quên đi. Sáng hôm qua thấy vẻ lo sợ của Trần Thế Đoàn và lại nghe lỏm được những mẩu chuyện của ông với bác sĩ nên tôi bất giác nghĩ ngay đến những tiếng Đoàn,tiếng giảng và tiếng đường trong bức điện tín. Không cần phải tính kỹ tôi cũng nhận ra đó là một bức thư vắn tắt; cứ việc bỏ cách một chữ đọc một chữ là thấy ngay cái câu ghê gớm! Sẽ hạ thủ Đoàn giảng đường.
"Tuy nó là một sự bí mật quá ngây thơ và rất dễ thấy,nhưng tới lúc đó như thấy cái khiếu trong trí tôi nổi lên, tôi tự bảo tôi rằng dịp may đấy, chẳng khác gì một nhà phóng viên gặp một truyện kịch liệt. Cái khiếu đó - cái thị hiếu kỳ quặc của thứ óc rắc rối của tôi. - Thưa ông Lê Phong, là sự ưa chuyện mạo hiểm và bí mật. Rồi từ đó bắt đầu nảy ra những tia sáng,tôi phác hẳn ra một thiền truyện kỳ dị, một truyện kỳ dị mà có thực và sẽ xảy ra . . .
"Tôi liền viết mảnh giấy đe dọa ông để cho ông vừa kinh ngạc vừa bị kích thích và chú ý đến việc này một cách nhiệt thành hơn. (Lúc ấy là lúc ông đã biết những điều lo sợ của bác sĩ Đoàn rồi, mà ông chưa chịu đi tìm cách che chở cho Đoàn ngay, ông còn mải viết bài tường thuật).
"Tôi cố ý làm thế nào cho ông vì lời đe dọa mà hoạt động ngay, đừng chờ đợi những việc sắp đến nữa. Không dè việc sắp đến lại đến một cách bất ngờ quá. Đoàn bị giết mà không ai thấy hung thủ đâu, đến ông và tôi là người đã biết trước rồi mà cũng không thể đoán được cách giết người quỷ quyệt ấy. Tôi nghĩ mãi, hết sức dò xét và cũng hết sức điều tra như ông, song không thể nào biết một mảy may vì về phương pháp hành động của hung thủ.
"Vâng tôi cũng điều tra kỹ lưỡng như ông có lẽ lại nhanh hơn ông nữa, vì tôi là đàn bà, lại được cái khéo bắt chước và đóng kịch" cũng khá, nên chả có đâu là tôi không bước đến. Ở tiệm nhảy tôi là gái nhảy, ở tiệm hút tôi là người đàn bà nghiện, ở ngoài đường tôi là một người nửa đứng đắn nửa giang hồ; ở đâu cũng chẳng có ai ngờ chi hết.
"Vì thế mà tôi đò được chỗ hẹn hò của người thổ Nùng Du với tên ba Cụt và nhân thế mà biết tiệm hút Mã Mây chính là sào huyệt tạm thời của chúng. Giá tôi "chì" một chút nữa có lẽ tôi là tình nhân của Lương Hữu cũng nên.
"Trong lúc ấy thì ông vẫn ngờ tôi và chỉ theo đuổi có riêng tôi ông cho tôi là con nữ tặc nguy hiểm nhất. Tôi coi là một cái hội ngộ và nhân lợi dụng ngay sự ngờ vực ấy tôi tìm cách để ông cứ theo đuổi tôi mãi đi . . . vẽ lên ông sự nghi ngờ đó không có hại mà chỉ tiện việc cho tôi, ông sẽ vì tôi mà tìm ra sào huyệt hung thủ, mà tìm ra một cách rất mau chóng, chứ không thong thả theo cái bước đi thong thả của phương pháp ông vẫn dùng xưa nay" .
Mai Hương cười bằng cả miệng cười xinh đẹp của cô. Lê Phong ngồi đối diện, tuy bộ mặt vẫn giữ vè nghiêm nghị, nhưng trong mắt anh lại có những tia sáng rất vui vẻ dịu dàng... Mai Hương nhìn anh một cách ranh mãnh rồi lại tiếp:
- Tôi thấy việc mạo hiểm của tôi vui như một tấn kịch vui,nhất là tự biết rằng chính mình đã làm cho ông Lê Phong theo được ý muốn của mình. Cử chỉ của tôi tức là những liều thuốc kích thích đó. Bức thư đầu ở trường Cao đẳng, rồi bức thứ hai viết trên đường Cống Vọng trong cuộc "săn đuổi bằng ô- tô" rồi cái tin ghê gớm tôi báo cho ông bằng điện thoại, rồi lúc giáp mặt ở gô- đa.... Toàn là những việc đáng cho ông thù tôi, nhưng cũng toàn là những việc tôi cố ý gây nên cả, nhưng tôi không lấy thế làm ngại, có lẽ lại thích nữa, vì nếu tôi không lầm, ông tuy thù nhưng không ghét, vẫn dành riêng cho con bé tinh quái một phần nhỏ trong cảm tình của ông...
Lê Phong hơi đỏ mặt và bất giác mỉm cười, nhìn Mai Hương một hồi lâu, trách:
- Ồ ! ra thế kia đấy! Nhưng giá cô cứ cho tôi biết chủ ý ngay có hơn không .Việc gì lại để tôi cứ ngờ vực mãi.
- Thế thì đã chả nên chuyện. Vả lại ồng có để cho tôi ngỏ ý gì với ông đâu. Vả lại nữa, tôi còn có một lẽ riêng, sau này sẽ nói cho ông biết. Vâng, một lẽ rất tha thiết, táo bạo nữa...
Lê Phong ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Tôi hiểu rỏi.
- Ông hiểu gì? Không? Cái lẽ đó, ông không thể đoán được đâu cũng như ông không ngờ được rằng tôi chỉ vụng một chút nữa, là đã làm hại ông rồi. Nhưng may tôi không đến nỗi vụng lắm...
- Cô làm hại tôi?
- Vâng. Ông có nhớ tại sao ông biết tiệm hút phố Mã Mây không? Ông có nhớ lúc chiều hôm qua, tôi vâo nhà báo "Thời Thế"ăn trộm cái kim tiêm của ông không? Rồi sau khi tôi ra,ông có nhớ đến mảnh giấy còn trong phong bì không .Mảnh giấy ấy tôi dùng để chế riễu ông và cũng để ông ngờ rằng tôi vô ý nữa... cái vô ý đó là những chữ hằn lên mặt giấy, những chữ vạch bằng một vật nhọn để ông tưởng rằng tôi vô tình để vết lại đó khi viết lên mảnh giấy khác. Vậy những chữ ấy là những chữ gì?
- R.v. fumerie Mã Mây...
Mai Hương gật đầu:
- Rendez- vous fumerie Mã Mây: hẹn nhau ở tiệm hút Mã Mây? Rõ ràng lắm. Ông tưởng đó là những câu ghi chép hay một mảnh giấy truyền lệnh của tôi cho bọn đồng đảng của tôi phải không ? Ông tưởng thế nên ông mới đến tiệm hút Mã Mây định bắt cả tôi lẫn chúng... Mà vì thế nên chính ông đã sa vào lưới của Lương Hữu. Nhưng khi bị bắt, ông không ngờ rằng từ trước tôi đánh tráo cái kim tiêm của Lương Hữu mà hắn không biết. Nếu không thì ông đã bị giết thực rồi... Đánh tráo bằng cách nào? Làm thế nào tôi gần gũi được bọn gian ác kia để làm việc nguy hiểm đó? Kể ra đây thì câu chuyện khí dài quá. Tôi phải sắp đặt mưu mẹo: thực là cả một thiên mạo hiểm tiểu thuyết, nhưng để thong thả sẽ có ngày kia tôi xin thuật lại
tường tận ông nghe. Bây giờ chỉ cần nói để ông biết một điều lạ trong sự thành công vừa rồi... ông nên nhận rằng tôi cũng có một phần công vào đấy. . .
- Một phần công thôi. Không? Cô có công nhiều lắm...
- Nội bao nhiêu việc ấy tôi làm chỉ do một chủ ý, một nguyện vọng thôi...
Lê Phong chợt ngắt lời:
- Nhưng cô chưa nói tại sao cô lữa cho tôi theo đuổi cô đến Mã Mây, nên mới trốn vào đó để tôi theo và cũng vì tình cờ nên mới gặp người con gái ở đó đi ra. Cô này sau tôi mới biết tí nữa bị tôi ngờ oan!
Lê Phong cười, tiếp:
- Thế ra trong việc này, ngờ vực là một điều tôi không thể nào tránh được . . .
Rồi yên lặng một lát, Lê Phong lại hỏi:
- Bây giờ thì tôi có thể nói tại sao cô theo đuổi việc này một cách khác thường như thế? Cô có biết bác sĩ Đoàn không?
- Biết nhưng không quen.
- Còn cô Loan?
- Cô Loan tôi cũng chỉ gặp có một bận. Nói mấy câu chuyện với cô là tôi hiểu được cái cớ chủ động vụ ám sát: đó là năm cuốn sách thuốc mua ở Sa pa. Tôi tìm cách ăn trộm về, để xem có điều gì lạ không, nhưng cũng để ông ngờ thêm tôi một lần nữa. Không ngờ năm cuốn sách đó là năm cuốn sách giả, không có giá trị gì . . . còn như ông muốn biết tại s ao tôi lại dở những trò kỳ quặc kia ra .Tôi xin trả lời: tôi làm thế chỉ vì... nhưng ông thử đoán hộ xem...
Lê Phong không trả lời.
Mai Hương lại tiếp:
- Chỉ vì... như tôi đã nói... tôi muốn cho ông làm việc mau chóng hơn chút nữa. Một vụ âm mưu chu đáo như thế, nếu không tìm cách khám phá cho mau, thì còn tai hại nhiều nữa,mà có lẽ khi biết ra các đầu mối, thủ phạm đã tẩu thoát từ lâu rồi. Ông xem... bao nhiêu trường hợp rắc rối, thế mà chỉ trong không đầy một ngày, ông đã có thể khiến cho cả bọn gian đồ sa vào lưới pháp luật...
"Nhưng.. . nhưng đó chỉ là một cớ phụ, cái cớ chính của tôi là một điều mong mỏi rất tha thiết... Tôi muốn ông chú ý đến tôi, đến nhưng điều tạm gọi là khó khăn nguy hiểm mà một người thiếu nữ có thể làm được . . . "
Lê Phong lắc đầu lấy làm lạ nhìn người thiếu nữ, ra ý cố hiểu lời cô ta nói. Nhưng Mai Hương vẫn tươi cười một cách rất tự nhiên. Cô lại tiếp:
- Đó là một cách biểu diễn, một cách trổ tài mà tôi có, và đó cũng là một cách làm một bài thi... một bài thi không có đầu đề.
- "Thôi tôi cứ nói trắng ngay rằng tôi muốn ông nhận cho tôi có đủ sự tinh thông đủ trí xét đoán . . . Và có can đảm để có thể làm một người... cộng tác với ông .
Đến chỗ này, Mai Hương đưa mắt nhìn Lê Phong một cách e dè và như để dò ý. Sau cùng cô hạ thấp tiếng xuống nói:
- Vâng, một người cộng tác... nghĩa là người... cùng theo đuổi một công việc với ông. . . Thưa ông Lê Phong, tôi . . . tôi muốn
là nữ phóng viên cho báo « THời Thế ».
Nói được câu đó, Mai Hương liền im bặt, ngượng nghịu và lo lắng như người học trò không thuộc bài, vẻ lanh lẹ của cô đi đâu mất hết, cô đợi mãi Lê Phong mới thèm hỏi:
- Thế nào? Cô muốn làm nữ phóng viên?
Giọng nói của Lê Phong hình như không được tử tế lắm.
- Tôi hỏi cô: những việc cô làm trong vụ này chỉ cốt để cho  tôi chú ý đến cô ư. Chỉ cốt cho tôi nhận cô làm nữ phóng viên cho "Thời Thế ".
Người thiếu nữ se sẽ gật và se sẽ thưa:
- Vâng. . .
- Cô thích làm báo đến thế kia ư?
- Vâng, thưa ông, làm báo, làm phóng viên đó là cái nguyện vọng của tôi, của một tâm hồn ưa mạo hiểm. Bao lâu nay tôi hằng mơ ước rằng sẽ có một ngày kia được đeo máy ảnh lên vai, mang cuốn sổ dưới tay và đi hết chỗ này đến chỗ khác, khi phỏng vấn, khi làm phóng sự, khi theo những việc lạ các nơi xa lạ. Thí dụ như điều tra về các điều thầm kín, về các xứ Mường Mán hay dò theo dấu vết của những người buôn lậu,người thám hiểm hay tìm vàng. Rồi. . .
Giọng nói của cô mỗi lúc một thêm hăng hái, đôi má ửng đỏ đôi mắt lóng lánh khiến cho cô lại đẹp hơn lên...
" Rồi khi nào gặp một cái án mạng ly kỳ như vụ án mạng Trần Thế Đoàn chẳng hạn, tôi sẽ được hợp lực với ông Lê Phong. Mai Hương sẽ cùng với ông Lê Phong cùng điều tra,cùng khám phá, rồi cùng viết bài tường thuật trên báo "Thời Thế" và dưới nhưng bài đó sẽ ký. . . Lê Phong và . . . Mai Hương. . .
Lê Phong đứng lên cười, rồi bước lại gần cô. Anh nhìn cô
một cách tò mò, lắc đầu và nói:
- Không! Phải ký Mai Hương và Lê Phong mới được: vì đối với người đàn bà, tôi rất có lễ phép, nhất là khi người ấy thông minh như cô.
Mai Hương không thể nén được nỗi vui sướng. Cô reo lên :
- Ô! Thế ra ông nhận rồi, ông nhận cho tôi làm nữ trợ bút.
Lê Phong gật. . .
- Làm nữ phóng viên cho  "Thời Thế" ?Lê Phong gật.
- Và cộng tác với ông?
Lê Phong lại gật.
T- hế thì còn gì hơn nữa. . . Này, ngay từ hôm nay ông với tôi sẽ giúp cô Lý Tuyết Loan tìm sự bí mật trong năm cuốn sách của bác sĩ Đoàn, sẽ cùng đi tìm kho của ở thượng du... và sẽ đăng cái việc ly kỳ ấy lên báo . . .
Lê Phong gật nhưng anh mỉm cười ý nhị và nói:
- Trong lúc chưa tìm được kho của, tôi đã tìm được một thứ của báu cũng quan trọng như thế... có lẽ lại hơn thế... tức là cô Mai Hương...
Mai Hương cúi đầu mỉm cười, nhưng đôi mắt đưa lên nhìn Lê Phong, có vẻ tình tứ và... ranh mãnh.
Thế Lữ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...