Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Chờ đợi một Đông La 70 tuổiXXX

Chờ đợi một Đông La 70 tuổi

Tôi đọc bài của Đông La về Đỗ Hoàng Diệu với rất nhiều mến yêu và trân trọng. Bởi tôi đã từng đọc những bài viết khá công phu, tâm huyết, và cận nhân tình của anh về Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Mạnh Hảo... trước đây (thực ra thì cũng còn cấn cá đôi chút, khi anh cứ hay lồng mình bên cạnh Chế Lan Viên vào các bài viết, nhưng thôi, chuyện đó cũng có thể coi là vặt, cho vui). Qua những gì đã đọc của anh, cũng qua cả đôi lần gặp gỡ "trùng phùng thi tửu" nữa, tôi hiểu anh là người chân thành, trung thực, đọc (khá) nhiều, hiểu (khá) rộng, và cái chính là dám nói lên cái chính kiến của mình - phẩm chất số 1 của một trí thức chân chính.
Lần này, trước Đỗ Hoàng Diệu, tôi hiểu là Đông La cũng muốn bày tỏ những suy tư và trăn trở của mình trước văn chương và cuộc sống, dưới hình thức phân tích và tâm sự với nữ sĩ trẻ như một người em, một bạn văn chương, một bằng hữu cùng giới trí thức. Và quả thực lần này anh cũng vẫn (khá) thành công, với giọng văn điềm tĩnh, những phân tích công phu, và thái độ tôn trọng độc giả.
Vậy thì còn gì để tôi phải viết về anh nữa? Vâng, tất nhiên chả có gì quá chói gắt đáng phải lên án. Nhưng đó là bề ngoài thôi, về những gì khơi khơi ở trên, chứ còn đi sâu cho thật kỹ, thì vẫn còn, thậm chí còn vấn đề rất lớn, đó là sự đẩy câu chuyện lên đến mức nào. Hay nói khác đi, đó là vấn đề ta đã dừng ở độ sâu thứ mấy trong phi vụ khám phá đáy sâu "đại dương mang tên Đỗ Hoàng Diệu"? Hẳn anh sẽ cho tôi là đang quá đà, đang "quan trọng hóa vấn đề", đang khuếch đại, hay phóng chiếu, hay phù phép, hay "nổi sóng trong cốc nước"... gì đó? Tùy anh. Nhưng tôi mong anh cũng thử kiên nhẫn nghĩ thêm những điều tôi nói. Và tôi xin hứa sẽ không làm mệt nhọc anh nhiều, bằng cách tôi chỉ nói vài điểm dễ thấy nhất trong bài viết của anh. Anh cho phép tôi nhé.
Thứ nhất, anh bảo Phúc Linh (báo CATPHCM) là "viết có lý", với câu trích "qua những chuyện tình dâm ô, tác giả (Đỗ Hoàng Diệu) muốn chuyển đến người đọc thông điệp gì?... Nếu có thông điệp thực sự thì cũng chỉ là lời vu cáo hồ đồ, độc địa!”. Ô hay, thông điệp gì Phúc Linh còn đang hỏi, rồi chưa đưa ra câu trả lời (đúng hơn thì cũng có dấu ba chấm) thì ông ta đã kết luận Đỗ Hoàng Diệu vu cáo hồ đồ độc địa. Vậy mà Đông La lại bảo có lý, thì cái lý ở đây là cái lý gì? Cả Phúc Linh lẫn Đông La hãy nói cho rõ ra xem nào? Không phải tôi dồn ép bắt quý vị phải nói tục đấy chứ? Thực ra cái thông điệp mà quý vị tưởng tượng ra rồi nổi xung lên, cũng vẫn chỉ là cái vỏ, mặc dù đã vào sâu hơn cái lớp áo ngoài "sex" từng làm cho giới độc giả bình dân ngại suy nghĩ cứ phải đỏ mặt lên. Bên trong lớp vỏ thứ hai kia còn gì nữa không? Theo tôi là còn, ít nhất đó là thân phận con người trước những tình huống éo le. Đấy đã phải thông điệp chưa? Theo tôi cũng vẫn chưa. Phía sau thân phận người lại còn ý thức của chủ thể trước thân phận và chân trời giải phóng nữa. Phía sau ý thức của chủ thể (cả nhân vật lẫn nhà văn) còn nữa không? Hình như vẫn còn nữa, có thể đó là triết lý về sự dấn thân, suy tư về sắc không trong đục, lại cũng không loại trừ cái ám ảnh hợp tan chuyển hóa, gió giục mây vần... Tôi nói thế không phải để tung hỏa mù, đánh lạc hướng quý vị hay ai đó, nhưng chả lẽ cùng xuất phát mà quý vị cứ lấp hết đi những ngả rẽ, bắt mọi người phải túm lấy đuôi áo mình mà đi mãi là thế nào? Xin Đông La đừng cả tin như thế. Còn xin ông Phúc Linh đừng "càn lướt" kiểu này, nó "hiếp đáp con người ta" lắm. Chưa hết, Đông La còn "rất đồng ý" với Nguyễn Chí Hoan khi ông này cho rằng, Đỗ Hoàng Diệu "mới chỉ dừng ở mức độ có tham vọng luận bàn", "phô bày tham vọng nhận thức cái thực tại mà vốn nó (Đỗ Hoàng Diệu) đã không/ chưa hiểu biết cho đến nơi đến chốn". Anh Đông La hãy thử nghĩ kỹ hơn về những lời "hơi bị bề trên" này của ông Hoan xem có thể còn tiếp tục "rất đồng ý" được không? Nếu còn thì anh thử giải thích cho tôi nghe xem ai đáng mặt hơn Đỗ Hoàng Diệu để được ông Hoan hạ cố cho phép đi xa hơn mức độ có tham vọng luận bàn? Ai không phô bày cái tham vọng nhận thức cái thực tại? Và ai hiểu cái thực tại đến nơi đến chốn? Nhị vị quân tử không định dùng tuổi tác để đàn áp Đỗ Hoàng Diệu đấy chứ? Hay nhị vị định bảo "em này" mới viết được có dăm câu chuyện, mấy bài thơ, đừng vội trăn trở suy tư? Nếu thế thì sao các vị không khuyên mọi chính thể trên thế giới nên nâng tuổi công dân được bỏ phiếu, ứng cử lên 50 đi, chứ 18, 21 thì đã biết gì mà bàn, hiểu gì mà xung phong? Và nếu các vị vẫn cứ khăng khăng cái ý kiến "hơi bị khệnh khạng" của mình, thì các vị sẽ nói sao nếu tôi bảo tôi sẽ chờ đợi để nghe khi các vị qua 70 tuổi, trước khi nhắm mắt xuôi tay nói những lời "tâm huyết"? Còn nhớ ở bài trước, tôi đã không muốn nói đến cách hiểu thuần túy dựa vào những thao tác kỹ thuật ít cảm xúc như kiểu Nguyễn Thanh Sơn, và hy vọng thời gian cùng kinh nghiệm xã hội sẽ cho phép những chuyên gia trẻ tuổi ngày càng tiếp cận gần hơn được với các tác giả, tác phẩm "nặng đô". Tôi nói thế mà đã áy náy lắm về cái hiệu ứng hình thức. Nhưng hai ông cứ nghĩ mà xem, Nguyễn Thanh Sơn phô trương kiến thức và công cụ chán chê, rồi trách Đỗ Hoàng Diệu đã không có một lời cảm thương những thân phận người như Vệ Tuệ, "Thiếu đi tình yêu thương vô bờ bến, vô điều kiện với tha nhân... chỉ vật vã trong sự huyễn hoặc ích kỷ về bản thân, một bản thân không có chiều sâu của cả văn hoá lẫn tình cảm", thì hai ông thấy "nhà phê bình trẻ" này dừng ở mức độ cảm thụ thứ mấy? Còn ở đây ông Hoan bàn về Đỗ Hoàng Diệu vừa lan man vừa sơ sài, rồi nói nữ sĩ chỉ tham vọng mà chưa hiểu đời, mà cũng được Đông La "rất đồng ý" thì quả thực tôi phải tôn tính kiêu ngạo của nhị vị lên đến độ thượng thặng. Anh Đông La có chấp nhận câu này của tôi không?
Thứ hai, thôi thì cứ cho rằng những quan điểm như trên của hai ông Phúc Linh và Nguyễn Chí Hoan là... của hai ông, anh Đông La chưa đọc kỹ nên có thể đồng ý hơi... vội. Thế thì đây là ý kiến của chính anh Đông La: Sau khi kể anh từng "tham gia giải phóng Sài Gòn năm 20 tuổi", nay không nhờ vả gì ai, anh cũng tạo lập được cho mình một cuộc sống khá dễ chịu nhờ công sức của mình, và nhiều bạn bè anh cũng thế. Để qua đó anh kết luận "viết như Đỗ Hoàng Diệu, giống như có người cho rằng 80 triệu dân Việt Nam đang rên xiết dưới ách thống trị thì không đúng với thực tế, rất dễ bị mọi người cho là xuyên tạc, phản động". Vậy đấy, bản thân anh có thấy câu nói này của anh đã phạm vào một sai lầm có tính logic nào đó không? Trường hợp của cá nhân anh (và kể cả nhiều bạn bè anh) thuộc vào bao nhiêu phần trăm của 80 triệu dân Việt Nam? Đã thực sự trong sạch, lương thiện đến độ điển hình, đại diện được cho thân phận của đa số người lao động Việt Nam chưa? Anh ở nhà quê có còn nhiều bà con họ mạc gần xa lăn lưng ra cày sâu cuốc bẫm mà vẫn không đủ ăn, bị khinh rẻ, bị chà đạp không? Rồi anh có thấy bao nhiêu những tiến bộ nhỏ giọt, bất bình đẳng, không bền vững... chẳng qua là do vay tiền ngoại quốc, sẽ có ngày con cháu chúng ta phải trả nợ ốm không hết, chăng? Sao anh kết luận Đỗ Hoàng Diệu không đúng thực tế một cách vội vã thế? Tôi hiểu là anh cũng không được tự tin cho lắm, nên mới có câu "rất dễ bị mọi người cho là". Vậy thì xin anh Đông La hãy nói cho thật chính xác xem nào, anh thấy Đỗ Hoàng Diệu xuyên tạc hay không xuyên tạc? Phản động hay không phản động? Và kết luận của anh đã dựa trên phân tích, chứng minh, logic nào đích thực chưa?
Tôi hiểu là anh cũng lúng túng, bằng chứng là sau đó anh đưa ra một loạt các hiện tượng kỳ quặc, nào chế độ nói hay nhưng hèn kém và bất lực, nào Việt Nam anh hùng nhưng tụt hậu, nào tư bản thối tha nhưng mỗi ngày một văn minh, nào thằng còng làm cho thằng ngay hưởng, ở hiền nhưng không gặp lành, v.v... khó giải thích, rồi bảo đó là những bài toán xã hội "cực kỳ phức tạp", phải có những viện nọ viện kia, trí tuệ nhân cách gì gì vĩ đại lắm lắm may ra mới có thể giải quyết được. Xin lỗi anh Đông La, viện nọ viện kia thì nước ta hiện cũng đã có rồi đấy, nhiều là đằng khác. Trí tuệ nhân cách "vằng vặc như gương", "khoa học, tiên tiến", "vì nước vì dân", "chí công vô tư",... thì cũng đâu có thiếu. Mà sao những bài toán xã hội của anh vẫn ngày càng rắc rối, nếu không muốn bảo đang trong đường hầm tối như hũ nút, càng đi càng tắc, càng lao vào càng không lối thoát? Mà anh cứ nằm mơ để đi tìm những tập thể, cá nhân hoàn hảo đúng như anh tưởng tượng đi, có mà đến tết "chân lý... đè" cũng không thấy. Sao anh không nghĩ kỹ thêm mà xem, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nếu quần chúng nào cũng cả tin, dễ tự bằng lòng như anh, cao ngạo hồ đồ như Nguyễn Chí Hoan, đàn áp văng mạng, lấy thịt đè người như Phúc Linh, giả ngô giả nghê để "bày tỏ" lập trường như Nguyễn Hòa, a dua a tòng kiếm nhuận bút như Bùi Việt Thắng, "thực bất chi kỳ vị" như hàng lô hàng lốc các độc giả "eo ơi", "tởm", "khốn nạn"... khi phát biểu về Đỗ Hoàng Diệu trên các trang bạn đọc xa gần... thì cái câu hỏi điệp từ "Tại sao? Tại sao?" của anh có mà đến "tết... thiên thu năm" cũng chẳng thể nào có lời đáp. Anh cứ nghĩ đi, nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam mình hiện đang trống huếch trống hoác, thiếu vắng yếu tố gì? Chả lẽ không phải là yếu tố trí tuệ, trung thực và can đảm, dám nghĩ dám làm mà Đỗ Hoàng Diệu cùng các tác phẩm đã kêu gọi mỗi chúng ta phải trang bị để hiểu cô ấy, rồi sau đó nhân đà mới làm được những việc khác lớn hơn, tức là giải các bài toán xã hội của Đông La? Ở chỗ này tôi hiểu một số người chân thành như Đông La, như Châu Diên, như Phan Quý Bích... vẫn còn lúng túng, thậm chí "suỵt" tôi, bảo rằng cẩn thận kẻo vướng vào chính trị. Thì thực ra tôi có muốn động tới cái đáy sâu nhạy cảm đó đâu. Chẳng qua các vị cũng lờ mờ cảm thấy và khới ra trước, chứ tôi cho rằng chẳng nhà văn nào, tác phẩm nào, thoát được cái "mùi tanh của cuộc sống" ấy. Chẳng qua hãy để mỗi cây người tự cảm nhận lấy năng lượng và dưỡng chất cho mình, đặng đơm hoa và kết tán cho rừng, khu rừng nguyên sinh cuộc sống. Chứ nói ra ào ào, lý luận nọ, thao tác kia... chẳng qua cũng là múa võ giữa trời mưa, may ra khô được bản thân mình, oai chỉ được một mình, chứ thiên địa nhân quần thảy có ai thoát được kiếp chuột lột? Đấy, cái bài học lớn nhất và cũng là cần thiết nhất của Đỗ Hoàng Diệu chính là cái Bài học thức tỉnh. Giữa cái đêm trường chập chờn mang mang thực ảo, biết bao thế lực từ ma đến người, từ quá khứ đến hiện đại, từ truyền thống đến tương lai, từ già đến trẻ, từ tốt đến xấu, từ nặc danh đến rõ mặt... tất cả đều nhân danh chân lý quyền lực để đè ép con người. Tất nhiên khi bị đè ép thì nó cũng có cái nhục cảm hấp dẫn khó từ chối, nhưng nói cho rốt ráo thì đó có phải là cái cứu cánh bản lai diện mục mà con người được tự do nhận thức và lựa chọn không? Một trăm nghìn bài thơ, hàng mươi nghìn truyện ngắn, hàng mấy nghìn tiểu thuyết của nền văn học Việt Nam từ 1975 đến nay đã có ai nói được hàm súc và đầy đủ nhưng vẫn gọn ghẽ lung linh như Đỗ Hoàng Diệu? Nếu nữ sĩ không đủ độ sắc để mở mắt cho các quý vị ngày hôm nay thì một là do vai trò và vị thế của văn chương thời nay đã bị người ta lờ đi hay dùng những "Sao mai", "SEA Games", "Thi hoa hậu", "Chuyện lạ Việt Nam"... át đi, hai là các vị cố tình tự lấy nhà cao cửa rộng vợ đẹp con khôn của bản thân mà tự bưng tai bịt mắt mình, hoặc ba là do mắt các vị, tai các vị có vấn đề gì đó về mặt thị lực, nhãn hạn, tôi chả dám nói nữa. Chứ bảo Đỗ Hoàng Diệu là chưa đủ 50 nên không được nói, hay bảo cô ấy bôi bẩn, nổi loạn... thì tôi đồ rằng các vị đang làm cái nhiệm vụ khác, chứ không phải thưởng thức nghệ thuật đích thực nữa.
Tôi còn nhớ nhà văn Phạm Thị Hoài từng phải thốt lên một câu cay đắng, đại loại cao lương mỹ vị mà làm gì một khi cái lưỡi đã thoái hóa. Vâng tất cả chỉ là do bao nhiêu những đường phèn mật ngọt, rồi bia hơi rượu ngoại, mì ăn liền, cô ca cô la nhé... nó làm hỏng cái lưỡi biết trải cay nếm đắng của công chúng văn học Việt Nam, chứ còn cái dân tộc đã biết viết Đoạn trường tân thanh, “Hịch tướng sĩ”, “Cáo bình Ngô”, thơ Hồ Xuân Hương... thì quyết không phải là cái đám lục lâm thảo khấu chỉ biết no say sát phạt, và lại càng không phải đám "chúng nhân như trùng thảo" chỉ biết ngửa cổ đợi... các viện khoa học hay các trí thức nhân cách gì gì đẩu đâu phù phiếm đến ban phát, cứu rỗi. Tôi chắc là đã động đến cấp độ này, sẽ có quý vị bảo nên chuyển đề tài sang chuyện khác. Thì thế mới là văn học, thứ nghệ thuật nói cây phải động đến rừng, nói ngày phải nhớ đến đêm, chứ nếu khơi khơi chi hồ giả dã, rằng thì là mà, du dương êm ái thì cái việc công chúng rũ áo bỏ đi cũng chẳng có gì phải luận bàn hối tiếc. Anh Đông La có công nhận vậy không?
Thôi, tôi hứa là không làm mệt anh, nên chỉ nói hai vấn đề dễ thấy nhất trong bài viết của anh. Hy vọng các vấn đề khác anh cũng có thể từ đó mà suy ra, để cái quá trình nhận thức của mỗi người có được cái đặc tính tuyệt đối cần thiết là tự nguyện tự giác. Hẹn anh khi trời hửng nắng.
Hà Nội, 13/12/2005
Cố Nhân
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...