Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

XXXXVài cảm nghĩ về tập thơ Trăng hoàng cung và Phùng Quán

Vài cảm nghĩ về tập thơ
Trăng hoàng cung và Phùng Quán

Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết...
P.Q.
talawas vừa đưa tập thơ Trăng hoàng cung của Phùng Quán vào tủ sách của điện báo. Nhân dịp này, tôi chia sẻ với bạn đọc ít nhiều kỷ niệm và cảm nghĩ về tác phẩm và tác giả.
Hơn mười năm trước, Hà Nội mới mở cửa he hé, mang bản thảo của Phùng Quán ra ngoài có thể có vấn đề, nên ông viết bằng mực đen đậm ra ngoài bìa câu “Thân tặng Mai Kim Ngọc’’. Nếu cảnh sát phi trường có khó dễ, cùng lắm là tịch thu món quà. Như thế, Trăng hoàng cung không trở thành một tài liệu quốc cấm mang lậu ra nước ngoài.
Sau chút hồi hộp ở hải quan, sau cùng tôi cũng lên được phi cơ, và mọi khó khăn kể như đã xong. Rồi Trăng hoàng cung in xong ở Cali và NXB Thanh Văn gửi sách ra bán tại các tiệm sách hải ngoại. Một chị bạn mang về Hà Nội cho Phùng Quán mười bản đặc biệt, cùng với tiền nhuận bút. Có lẽ sách quốc nội hồi ấy in ấn còn sơ sài, nên ông Quán rất thú vị với cách trình bày tập thơ.
Ít lâu sau ông Quán mất vì ung thư gan. Lúc đầu cả bác sĩ lẫn gia đình giấu ông, và chính ông cũng giấu mọi người, giả vờ như chưa biết rõ định bệnh. Trong cung cách sống tế nhị Việt Nam, những tuần hấp hối của ông là một cố gắng chung để bệnh nhân lẫn thân nhân trấn an lẫn nhau rằng tất cả chỉ là bệnh xơ gan cổ trướng do rượu gây ra, hiểm nghèo nhưng vẫn có cơ bình phục... Riêng với một bạn văn hải ngoại, ông viết lá thư cuối cùng, lời lẽ trăn trối. Ông nói đến cái nguyện vọng của ông là khi sắp chết, ông sẽ lết về Huế để nghe tiếng thông Ngự Bình hay tiếng sóng phá Tam Giang. Nhưng có lẽ vì quyết tâm đóng cho chót vở kịch lạc quan để trấn an người thân, ông đã không thi hành ý nguyện đó...

*

Theo người nhà và bằng hữu, Phùng Quán đợi cái chết một cách bình thản, thỉnh thoảng với chút ngang tàng, nhưng không hẳn là không nuối tiếc. Ông nuối tiếc gia đình bè bạn, nuối tiếc rượu nuối tiếc thơ, nuối tiếc cái thú cho bạn nghe thơ mình và mình đọc văn bạn, nuối tiếc chưa được thấy cái ngày mà tất cả những người bị khổ nạn, nhất là văn nạn, được hoàn toàn phục hồi... Và ông nuối tiếc đã không được tiếp tục bênh vực những người khổ nạn ấy...
Đám ma ông được cử hành ngày 24 tháng giêng 1995. Người đọc điếu văn là Phùng Cung, cũng là đồng đội đồng nạn trong vụ Nhân văn-Giai phẩm. Phùng Cung nhấn mạnh đến việc nhà nước sau cùng đã trọn vẹn phục hồi tư thế của thi sĩ...
Cảm động nhất là sự thương tiếc của các bạn văn và độc giả của ông. Họ nối nhau thành một đám dài đưa ông ra tận nghĩa trang ngoại thành Hà Nội. Theo gia đình và một vài người bạn kể lại, đám ma ông hoa phúng rất nhiều. Tôi liên tưởng đến lần thăm Petersburg nhân dịp thành phố này mở cửa cho du lịch sau mấy thập niên cách ly vì bức màn sắt, tôi đã được cô hướng dẫn viên Nga trắng xuống giọng nói thầm là tượng Pushkin nắng hay mưa vẫn nhiều hoa hơn tượng Lenin.
*

Tiểu sử của Phùng Quán đã được đăng lại tại nhiều tờ báo văn học của người Việt hải ngoại, khi ông qua đời và thỉnh thoảng về sau. Ông sinh năm 1932, nhà nghèo, mới lên hai đã mồ côi cha. Năm mười ba tuổi, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông xung phong vào Vệ Quốc quân làm liên lạc viên. Lớn lên trong quân ngũ, ông thành lính trinh sát. Chiến tranh chấm dứt, ông thành nhà văn, tác phẩm Vượt Côn Đảo được chính quyền tái bản tất cả năm lần trước khi ông chết, tổng số tiền nhuận bút tương đương với bảy cây vàng, một tài sản kể như quan trọng vào thời ấy.
Đang là người lính trẻ đầy quân công kiêm nhà văn có tác phẩm bán chạy, ông làm một bước rẽ quan trọng. Ông tham gia vào phong trào phản kháng của văn nghệ sĩ miền Bắc. Chuyện riêng tư của ông trở thành chuyện thời sự nóng bỏng của Giai phẩm mùa Xuân rồi Giai phẩm mùa Thu 1956. Rồi ông bắt đầu một cuộc văn nạn ba mươi năm, và từ đấy cuộc đời ông trở thành câu chuyện của quần chúng, của chính trị, của văn chuơng phản kháng, và của văn học miền Bắc.
*

Tại sao người con cưng của chế độ lại bất mãn với chế độ? Ông đã khẳng định trả lời câu hỏi trực diện này. Ông không bất mãn cho bản thân mà cho những người nghèo hay nhân dân (mượn chữ của ông), thành thị cũng như nông thôn, vẫn còn sống trong tăm tối đói lạnh. Xúc động trở thành công phẫn, khi ông thấy tham ô và lãng phí vẫn nhan nhản trong hàng ngũ bộ đội cũng như cán bộ dân chính. Với tâm sự ấy, ông gặp Nguyễn Hữu Đang, và ông hăng hái tham gia phong trào phản kháng mà ông Đang đang cùng một số văn nghệ sĩ chủ trương.
Ông khai hoả bằng bài "Chống tham ô lãng phí" đăng trên Giai phẩm mùa Xuân (tháng 3 năm 1956). Vì chữ Người phạm húy trong bài thơ của Trần Dần, Giai phẩm tức khắc bị tịch thu. Phải đợi đến Giai phẩm mùa Thu (tháng 10.1956) bài của Phùng Quán mới tái xuất hiện cùng với phần lớn nội dung của số báo đầu.
Phong trào bị đàn áp, ông bị kết tội là tay sai tư bản có dụng tâm bôi xấu chế độ. Thay vì tự kiểm thảo hay nhận tội, ông trả lời lại bằng bài "Lời Mẹ dặn" đăng trong báo Văn (tháng 9.1957).
Giới cầm quyền phản ứng riết ráo và mãnh liệt. Hai tháng sau báo Nhân dân cho đăng một bài thơ tựa đề "Lời Mẹ dặn không phải là bài thơ chân thật". Bài dài hơn trăm câu, Phùng Quán đọc thuộc lòng cho khách nghe một đoạn tiêu biểu:
Nó yêu ai? Yêu gái điếm cao bồi
Nó ghét những nơi thầy hiền bạn tốt
Nó yêu quân bán nước buôn nòi
Quen học thói gà đồng mèo mả
Hoá ra thân chó mái chim mồi
Bài thơ ký tên Trúc Chi, và Phùng Quán đi tìm Trúc Chi để đòi rửa nhục. Ông tính xử lý bằng võ thay vì bằng văn, và ông sẽ bắt đối phưong chọn võ khí, từ dao găm lưỡi lê cho đến súng lục. Với tài bắn cỡ kiện tướng trung đoàn, với thành tích lính trinh sát trưởng thành sau chín năm chiến tranh chống Pháp, ông tự tin sẽ không như Pushkin hay Lermontov để cho đối phương hạ sát... Tất nhiên Trúc Chi chỉ là một bút hiệu, và Phùng Quán không tìm ra tung tích kẻ thù mà báo Nhân dân nhất định giữ bí mật. Mãi hai mươi năm sau, Phùng Quán mới biết được Trúc Chi của báo Nhân dân chính là Hoàng Văn Hoan, khi ấy đã chạy sang Trung Quốc.
Nhưng sự lăng mạ bằng thơ trên báo Nhân dân chỉ là cái khẻ tay nhẹ, so với hình phạt tiếp theo của nhà nước Bắc Việt bấy giờ. Ông bị mười lăm năm khổ sai, và phải mười lăm năm nữa ông mới được phục hồi. Suốt ba mươi năm văn nạn, ông đã phải làm đủ mọi nghề để sống, trong đó có vụ câu cá trộm chuyên nghiệp, thu hoạch tất cả được bốn tấn rưỡi cá của nhà nước.
Chuyện phải trộm cá để sống cũng như những gian khổ thể xác khác, ông kể lại nhẹ nhõm như một trò đùa. Với ông, nghiệt ngã nhất là sự cô lập. Cái cô lập giữa rừng người, theo lời con gái ông, còn nặng nề hơn cái cô độc của Robinson Crusoe trên hoang đảo. Ông mất hộ khẩu, không bè bạn, viết không ai in, ra đường người quen gặp không dám chào hỏi.
*

Ông nghĩ đến tự vận. Khoảng thời gian đó cái chết ám ảnh ông ngày đêm.
Ông nói nguyên văn như sau:
"Năm ba mươi tuổi tôi muốn tự sát... Chết cho rồi, sống làm gì... Hồi ấy tôi nghiên cứu về tự sát, các loại tự sát, xem loại nào là tốt nhất... cắt động mạch, tức là mở động mạch ấy... xong rồi là treo cổ, bắn súng... rồi các thứ khác, xem cách nào là ngon nhất... thế thì người ta treo cổ là chính, người ta để một cái ghế, người ta đứng như thế này, xong người ta đá cái ghế đi... "
Ông lại bảo có thể thay vì leo lên cái ghế, người ta có thể leo lên chồng sách... nhưng tựu chung vẫn còn là xoàng, vì như vậy là không tin ý chí muốn chết của mình, và còn lo sợ lúc chót có thể đổi ý...
Ông chỉ phục cách thắt cổ của Esenin, nhà thơ Nga nổi tiếng của Liên bang Xô Viết hồi mới thành lập. Esenin ngồi trên ghế bành trước lò sưởi tự vẫn bằng cách lấy cà-vạt giằng cổ ra mà chết, ý chí tự hủy không lay chuyển trong suốt những phút giây rùng rợn của cơn hấp hối.
Phùng Quán treo ảnh Esenin trên vách gỗ căn gác ngắm sóng của ông ở hồ Tây, với vần thơ tuyệt mệnh của nhà văn Nga viết bằng máu cắn từ đầu ngón tay, “Ở cuộc đời này chết chẳng có gì là mới, nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn...”
Bài thơ tuyệt mệnh Esenin gửi mẹ trước khi tự vẫn, Phùng Quán thuộc lòng bản dịch Việt ngữ có lẽ do ông chính tay thực hiện, và ông sẵn sàng chia sẻ với văn hữu xa gần khi họ đến thăm:
Mẹ ơi quán rượu đêm nào,
Tim con ai đó cắm vào lưỡi gươm…
Tám năm mong một điều này
Mẹ đến sáng ngày đừng đánh thức con
Cho con một giấc ngủ luôn
Với niềm kiêu hãnh với hồn khát khao
Mẹ đừng rầy phép nguyện cầu
Con không già được nữa đâu mẹ à
Hôm ấy Esenin mới ba mươi tuổi, và từ đấy về sau ông không già thêm dù một ngày một giờ hay một khắc...
*

Nhưng Phùng Quán không tự vận. Trong băng thơ cho bạn ở hải ngoại, ông nói là ông phải sống để gột rửa sự lăng nhục người ta đã trùm lên ông.
Có lẽ tình yêu, có lẽ sự gặp gỡ với cô Trâm, cô giáo văn trường Chu Văn An và về sau là bà Quán, đã giúp ông tiếp tục sống. Ai đã tới thăm gia đình Phùng Quán đều có dịp ghi nhận vai trò quan trọng của bà Quán trong đời sống của chồng. Có lẽ bà cũng như thơ, đã giúp ông rất nhiều trong những giờ phút tuyệt vọng ấy:
Có những lúc ngã lòng
Tôi đã vịn câu thơ và đứng dậy...
Ông chấp nhận sống, nhưng những suy nghiệm về cái chết vẫn tiếp tục ám ảnh ông. Hai mươi năm sau, ý niệm tự tử lại trở lại cám dỗ ông giữa tuổi năm mươi, khi bỗng dưng ông tưởng nguồn thơ ông như đã cạn. Ông viết trong Trăng hoàng cung vào khoảng thời gian ấy:
"Nhưng rồi bẵng đi một dạo tôi không làm thơ được nữa. Cái giếng Thơ tưởng như bị tắt mạch, hoặc đã múc đến gầu cuối cùng.
Giờ bất hạnh cho đời tôi đã điểm!"
Ám ảnh tự vận khi mạch văn bỗng tắc nghe quen thuộc, những nhà văn lớn bỗng dưng viết hết hay thường nghĩ đến giải pháp cuối cùng và khốc liệt này. Hemingway ngậm lòng súng bắn voi rồi kéo cò năm nào, có lẽ cũng cùng một hội chứng.
Riêng Phùng Quán, ông lên rừng tìm thơ giữa cây cỏ:
"Nhưng xuất thân là anh lính chiến cứng đầu, chưa từng chịu bó tay trong hoàn cảnh gay cấn nhất, cạn thơ giữa cuộc đời, tôi quyết định rời bỏ thành phố, gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi năm mươi, lên rừng tìm thơ giữa thiên nhiên.
Tôi đã sống suốt ba năm trong cái lán lợp tranh lá mía, giữa một bãi đất phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh..."
Nơi ông ở có khi mười ngày liền không có tiếng người. Trong ba năm, chỉ có hai lần ông có bạn đến thăm, là Trần Quốc Vượng và một nhà thơ trẻ tên Quốc Thuấn. Ông đào một cái huyệt ven bờ suối, nguyện nếu không tìm được thơ đúng hạn kỳ, ông sẽ lăn xuống huyệt mà chết:
Đàn mối của đất phù sa
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ một tuần vùi hết
Và trong ba năm tự đầy ải nơi rừng xanh núi đỏ, ông tìm được một bài thơ độc nhất:
Ly-rượu-đời Thượng Đế ban cho tôi
Quá bủn xỉn...
Tôi chỉ mới nhấp môi mà đã cạn
Khi chén rượu đời đã cạn,
Mà túi rỗng không
Phải đứng lên và bước ra khỏi quán
Nghĩa là phải nhắm thái dương mình mà nổ súng
Hay xiết dây thòng lọng quanh cổ mình
Và trổ lên cuộc đời
Những vần thơ tuyệt mệnh
Như những vết chàm xanh...
Các anh tôi đó
Mai-a và Essénhin ....
Nhưng tôi chưa sống cho tròn nợ sống
Tôi chưa yêu cho hết nợ tình yêu
Tôi phải lên rừng
Hái lá khổ-sâm
Tự mình cất lấy ly-rượu-sống
Ôi rượu khổ sâm đắng lắm:
Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian...
Bạn hữu thân thiết ơi:
Xin đừng trách cứ tôi
Sao câu thơ tôi có lẫn nhiều vị đắng
Chỉ vì
Tôi vừa ngâm ngợi câu thơ
Vừa cạn chén-rượu-đời
Cất bằng lá khổ sâm...
Viết được bài thơ, ông sống tiếp để về Huế, nơi nguồn thơ trở lại lai láng trong Trăng hoàng cung. Nhưng ca
y đắng vẫn đeo đuổi ông, như ông viết trong hậu từ của Trăng hoàng cung:
Thượng Đế ơi!
Tôi đã làm gì?
Mà ly-rượu-đời Người ban cho tôi
Đắng thế?
 
*

Cuộc sống của ông cứ thế cho đến mãi gần đây, khoảng bảy tám năm trước khi qua đời, ông mới được nếm chút ngọt bùi. Ông được chính thức viết lại, và tác phẩm của ông, kể cả những tác phẩm đã viết chui, được quý trọng, và thực tế hơn, được trả giá cao.
Trường thiên tự truyện Tuổi thơ dữ dội ông viết sau khi phục hồi được xuất bản ít nhất là hai lần. Thơ ông xuất hiện đó đây trên các báo văn quốc nội. Những người miền Nam cũ ngưỡng mộ ông qua vụ Nhân văn-Giai phẩm khi từ nước ngoài về chơi thường ghé lại thăm ông, cộng thêm với khối độc giả quốc nội mỗi ngày một đông đảo, tạo cho ông một cảnh già êm ấm vui vẻ.
*

Về quá trình hình thành nhà văn của ông, chúng ta biết quá ít. Ta chỉ biết ông đi vào văn chương bằng ngả "tráng ca", như ông đi vào cuộc đời bằng con đường gian khổ của một em bé liên lạc. Ta không biết ai đã khuyến khích ông viết câu thơ đầu tiên, truyện ngắn đầu tiên... Ta không biết ông trau dồi tài nghệ như thế nào, ông đọc những ai, ông học sách nào...
Tuy nhiên, một cách gián tiếp, dựa trên những câu chuyện bên lề ông kể hay viết lại, ta có thể thấy thấp thoáng ít nét về những người đi trước đã ảnh hưởng ông.
Ông gần như không biết gì về các nhà văn miền Nam sau hiệp định Genève. Chỉ có một lần ông nhắc lại một thơ tiền chiến của Vũ Hoàng Chương "Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh..." khi ông kể Huế không đăng bài thơ đầu tiên của ông sau khi được phục hồi, mà để cho Đà Nẵng làm chuyện ấy.
Với các nhà văn miền Bắc, ông hay nhắc đến những người cùng thời, nhưng nhắc đến trong tinh thần giao tế hồi ký nhiều hơn là văn học. Một điểm lạ là tôi chưa được nghe ông phát biểu hay thấy ông viết về những nhà văn phản kháng lớp trẻ về sau như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp...
*

Nổi bật trong câu chuyện của ông là những nhà thơ nhà văn nổi tiếng của Nga, thời Nga Hoàng cũng như thời Liên bang Xô Viết. Những Chekhov, những Turgenev, những Maxim Gorky vân vân... Nhưng còn trội hơn nữa là những nhà thơ chết trẻ. Họ chết sớm một cách dữ dội, hoặc tại cọc xử bắn như Gabriel Péri, mà mấy câu thơ cuối cùng Phùng Quán đã thuộc đã dịch, đã tâm đắc, đã kể lại cho bạn bè, và viết lại trong phần khai từ Trăng hoàng cung:
Nếu cần đi trở lại
Tôi lại đi đường này
Để cuối cùng dừng lại ở đây...

Họ cũng chết trẻ vì đấu súng đấu gươm, như Lermontov và Pushkin, hay tự vận bằng súng lục hay bằng dây thòng lọng như Mayakovsky và Esenin...
Trong các nhà văn chết trẻ này, có lẽ ông tâm đắc nhất với Mayakovsky và Esenin, như ta thấy qua hai câu thơ:
Hai anh tôi đó
Mai-a và Essénhin…

Cả hai đều là nhà thơ lớn của Nga vào đầu thế kỷ này. Khi thế giới chia ra hai phe bạn thù rõ rệt như câu mở đầu thường thấy trong tài liệu học tập cán bộ các nước cộng sản thời chiến tranh lạnh, ảnh hưởng sâu đậm của họ đối với phần đông các văn thi sĩ Bắc Việt là chuyện tất nhiên. Phùng Quán không phải là một ngoại lệ.
Cơ sở của sự tâm đắc Phùng Quán dành cho Mayakovsky có lẽ là cái cố gắng đem thi ca phụng sự đấu tranh, cái dụng tâm sử dụng những từ dân gian thuần túy làm ngôn ngữ của thơ, cái tự do về nhịp điệu kể cả nhịp điệu chủ tâm khổ độc... Nơi Esenin, ta thấy lòng ái quốc không phải bằng não thùy mà bằng cả tâm hồn và cả con tim đam mê, ta thấy nỗi niềm gắn bó với nông dân để thấy được chất thơ và khai thác được những vần thơ đẹp từ cảnh sống thôn dã trong lành... Có người bình luận về Esenin như sau: "Sở trường của ông là đem nhạc vào thơ, và ông có tài tạo được bằng ngôn ngữ dân gian những hình ảnh thật đẹp có khả năng đi thẳng vào tim người đọc. Ông rất được quần chúng yêu mến, nên mặc dầu thất sủng với chính quyền Xô-Viết, thơ ông vẫn truyền bá trong dân gian." Lời bình nghe quen thuộc, tưởng như đang nghe ai tả Phùng Quán.
*

Văn nghiệp toàn bộ của Phùng Quán, chúng ta ở hải ngoại chỉ được biết rất ít khi ông qua đời. Chắc phải một thời gian sau nữa, bà Quán và các bạn ông mới sưu tập xong.
Phần lớn chúng ta ở miền Nam biết ông qua bài "Chống tham ô lãng phí" và bài "Lời Mẹ dặn" được in lại trong cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí tại Sài Gòn năm 1959. Phùng Quán viết cả hai bài bằng lối văn tráng ca sở trường của ông, và cũng là một lối văn thích nghi cho cuộc tranh đấu của nhóm Nhân văn. Hai bài đều phản ảnh cái can đảm của ông đối với chính quyền miền Bắc bấy giờ, đã làm ông nổi tiếng và trở thành một tên tuổi đặc biệt trong văn học sử của một quãng thời gian quan trọng.
Mặt khác, ông bị thiệt thòi quá nhiều cũng vì hai bài thơ này. Cái thiệt thòi của ba mươi năm đày ải, ai cũng đã biết. Nhưng về diện con người và văn học nói chung, sự thiệt thòi tế nhị hơn nhưng không hẳn là không quan trọng. Hai bài thơ đã gò bó chân dung văn học của ông, trong khi con người và văn nghiệp của ông lớn hơn hai bài thơ ấy nhiều lắm...
Viết đến đây tôi nghĩ đến Lỗ Tấn và A. Q. chính truyện. Trung thiên tiểu thuyết đề tài chính trị và xã hội này không phải là truyện dở, nhưng không thể gọi là hay lắm lắm, lại càng không thể được coi như tất cả văn nghiệp của nhà văn Trung Hoa. Vậy mà Lỗ Tấn nổi danh vì A. Q...
Nhưng sự nổi danh như vậy có cái giá của nó. Nhắc đến Lỗ Tấn, phản ứng đầu tiên và nhiều khi cũng là phản ứng độc nhất của nhiều người là nhắc đến A. Q. chính truyện với những ẩn dụ tác giả chủ tâm hay bị gán cho. Một bệnh nhân của tôi, nguyên giáo sư văn một trường cao trung của Hoa Kiều Chợ Lớn, đã không ngần ngại bỏ sang bên "Quê cũ" cùng với "Trong quán rượu" và "Con diều giấy" của Lỗ Tấn, để lấy chỗ dạy A. Q. chính truyện. Nói một cách khác, văn nghiệp của Lỗ Tấn đã bị thiệt thòi, chỉ vì cái trung thiên tiểu thuyết (tương đối tầm thường so với những tác phẩm khác của ông) đã xích chân ông vào anh chàng cùng đinh ngớ ngẩn A. Q. mà ông đã dựng lên với dụng tâm chở ý hơn là làm nghệ thuật. Nghe nói đám ma của Lỗ Tấn, A. Q. cũng tới ám, chia sẻ một phần vinh hoa quan trọng trong những bài điếu văn người ta dành cho ông.
*

Chính Phùng Quán đã ghi nhận những giới hạn của "tráng ca", như ông tâm sự đó đây trong thơ từ trao đổi với bạn văn hải ngoại. Ông đã viết trong bài “Sóng”:
Tôi với sóng thiếu thời
Là anh em kết nghĩa
Cứu nước người một nơi
Đầu rừng cuối bể
Tôi mải mê chiến trận
Vùi mình giữa rừng xanh
Ngủ gối đầu lên súng
Nghe sóng vỗ quanh mình
Tan giặc gặp lại nhau
Cả hai thành thi sĩ
Tủi mừng qua phút đầu
Thôi hết thành tri kỷ
Tôi làm thơ chính trị
Sóng chỉ làm thơ chơi
Tôi cạn lời khuyên giải
Sóng lặng lẽ mỉm cười
Thơ tôi được đời in
Túi bạc tiền xủng xoảng
Thơ sóng chẳng ai nhìn
Trải mãi với trời xanh
Thơ in tôi tặng sóng
Đọc thơ sóng lặng thinh
Sóng vỗ bờ nức nở
Tôi thật lòng thương anh
Từ đó đứa một nơi
Không nhìn mặt nhau nữa
Cứ nghĩ đến "thơ chơi"
Lòng tôi càng giận dữ
Thoắt đã ba mươi năm
Sắp hết đời nhìn lại
Sự nghiệp thơ trắng tay
Lòng xiết bao kinh hãi
Tưởng mình là thi nhân
Hoá ra chỉ con hát
Giọng bổng với giọng trầm
Không hồn tựa lũ xác
Phút đắng cay tuyệt vọng
Tôi tìm về với sóng
Bạc đầu làm "thơ chơi"
Trải mãi dưới bầu trời
Gỗ ván kiếm dăm thanh
Tôi dựng chòi ngắm sóng
Như trẻ con chập chững
Tôi tập làm "thơ chơi"
 
*

Thật ra Phùng Quán không phải chỉ làm thơ "tráng ca" hay. Không phải nơi ông ta chỉ thấy những đơn điệu kiểu "Nguy nga thay cái buổi lên đường."
Tôi nghĩ bài "Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe" là một bản tình ca tuyệt vời. Tôi đã được nghe ông đọc bài thơ ấy, và đã vô cùng xúc động:
Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích...
Hồ khuya sương tịch mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi...
Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan...
Đỗ Phủ tự Từ Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn nghìn bài
Chỉ hơn nghìn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!
Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết.
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi, làm chuồng gà...
Đọc lên trào nước mắt!
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất!
Dựa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói.
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối
Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt Thơ-Chết-Đói...
Giật mình, trên tay vợ
Bỗng nảy một hạt sương
Hạt nữa... rồi hạt nữa...
Tôi nghẹn dừng giữa trang
Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi...
Vụng về tôi dỗ vợ:
"Em ơi... đừng buồn nữa
Qua rồi chyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương...
Miệng nói nhưng lòng nghĩ
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân: máu lệ khốn cùng
Thơ chết: áo đắp mặt
Em ôi nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa!
Cửa son chiều thịt ôi
Ngoài đường sương chết buốt
Em ơi nếu Tự Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Cổng sắt với lầu son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc!
Em ơi nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê Tân hôn biệt
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt
Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho thơ
Sẽ không còn phải viết:
Những Hành qua Bành Nha
Vô gia thùy lão biệt
Cũng là để cho thơ
Sẽ không còn ai chết
Giữa tuyết, trong đò con
Đắp mặt áo bông sờn...
Đừng buồn nữa... Em ơi
Chuyện ngàn năm ngàn năm...
Và “Cây mận Vĩnh Linh”, một bài khác:
Lấp hố bom giữa nhà
Tôi ươm một hạt mận
Hạt mận tôi cậy ra
Từ bàn tay vợ nóng
Vợ tôi sắp làm mẹ
Thèm ăn dở của chua
Túi áo nàng không khế
Thì cũng mận cũng mơ
Ôi! trái mận, trái mận
Cắn dở còn dấu răng
Nảy mầm trong xót thương
Đâm chồi trong thù hận
Vĩnh Linh im tiếng súng
Tôi trở lại ngôi nhà
Nơi vợ tôi chết xưa
Xum xuê một cây mận
Ôi! Cây mận, cây mận
Trái chín trĩu cành cong
Trái nào tôi cũng thấy
Cắn dở một vết răng.
Và còn nhiều nữa, nhiều lắm, và tôi hy vọng sẽ có dịp trình bầy tiếp với bạn đọc trong tương laỉ.
*

Con người Phùng Quán có lẽ là chuyện đáng viết hơn hết tất cả những điều đã viết đến đây. Tính ông hào phóng, thích chia sẻ và sẵn sàng chia những gì quý nhất của ông với khách. Cụ thể là thơ và rượu.
Rượu của ông rất ngon, thường là rượu trắng ngâm ô mai chua, đựng trong hũ thủy tinh nội hoá, sủi tăm lăn tăn như rượu trong thơ dân gian. Còn nghe Phùng Quán đọc thơ Phùng Quán là một thú vui hiếm có cũng như một hiện tượng kỳ lạ. Ông đọc thơ rất truyền cảm, truyền cảm đến chỗ như có phép lạ biến căn gác nhỏ của ông thành những khoảng không gian ông vẽ ra trong thơ, biến thời gian thành thời gian khi ông sáng tác bài thơ đang đọc...
Nghe ông đọc "Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ", mặc dầu trời Hà Nội nắng chang chang, tôi vẫn có cảm tưởng như cùng Đỗ Phủ trên chiếc đò nhỏ đắp mặt manh áo bông rách, trong khi ngoài sông tuyết rơi sướt mướt... Tôi biết có người chưa hề lưu tâm đến thơ đến văn học, đã ứa nước mắt khi nghe ông đọc thơ, không hẳn chỉ tại thơ ông buồn, mà tại vì xúc động trước một cái gì đẹp quá.
Nghe ông đọc bài thơ “Sóng”, ta bắt được cái ngậm ngùi và cái hồ nghi của ông, và phải chăng một chút nuối tiếc đã vì đam mê hành hiệp nên không có dịp sáng tác nhiều hơn cho những cái đẹp phi đấu tranh phi chính trị mà vĩnh cửu. Một chút ngậm ngùi hay hồ nghi rất quý hoá, đem lại thêm một chiều sâu dù cho người hùng.
*

Một trong những chuyện lạ là khi nghe Phùng Quán đọc thơ "tráng ca" của Phùng Quán. Tôi biết có nhiều người rất dị ứng với tráng ca, nghĩ thể thơ chỉ là một phương tiện để viết khẩu hiệu cho những lập trường hay ý đồ xã hội chính trị. Và tôi cũng biết có nhiều người khác đã viết tráng ca vì nhu cầu thời thượng, hay vì những tưởng thưởng cụ thể của chế độ, về sau đọc lại tác phẩm của mình phải hổ thẹn đến đỏ mặt. Những bài tráng ca như vậy nghe lộ liễu và chán lắm.

Nhưng tráng ca của Phùng Quán có khả năng xúc động người nghe một cách mãnh liệt, kể cả những người vốn dị ứng với thể thơ này. Và bốn mươi năm sau khi hoàn tất, ông đọc lại “Lời Mẹ dặn” và “Chống tham ô…” vẫn với đam mê và kiêu hãnh ban đầu, và người nghe vẫn xúc động và phẫn nộ với những điều bốn mươi năm trước đã làm ông xúc động và phẫn nộ.
Có lẽ lý do là ông đã viết tráng ca với tất cả tấm lòng chân thành. Không có sự giả dối thường lệ của chính trị hay sự nhỏ nhen của thợ viết, tráng ca đã trở thành một hình thức nghệ thuật đích thực.
*

Để kết thúc về một con người đặc biệt, tôi muốn tặng Phùng Quán một chữ Tâm, món quà tặng quý nhất trong văn hoá của chúng ta. Lý do là cung cách Phùng Quán đối xử với tha nhân và cuộc sống.
Những năm cuối đời, như được trời đền bù cho nỗi cô đơn của ba thập niên cách ly, ông rất nhiều khách. Người ta đến thăm ông khá thường xuyên, láng giềng hễ thấy bóng dáng du khách trong khu tập thể Chu Văn An, dù chưa hỏi đường, đã nhanh nhẩu chỉ lối tới ngõ nhà ông. Người ta tới tìm ông vì văn thơ, vì tò mò, hay vì háo danh muốn chụp chung tấm hình với một nhà thơ nổi tiếng, hay ít nhiều vì mỗi thứ một tý, hay xi-ních hơn nữa, biết đâu lại không vì công tác rình mò, đám khách của ông bấy giờ thật vô cùng phức tạp... Hà Nội thời mới mở cửa lại hiếm điện thoại, khách thường không hẹn trước, không xin phép, có việc đi đâu qua đấy qua tự tiện tạt vào thăm ông.
Khách khứa như vậy là mặt trái tấm mề-đai của sự nổi danh. Lòng ái mộ của quần chúng cho những con người đặc biệt, dù văn nhân hay thể thao gia hay chính trị gia, khi quá liều còn khó chịu hơn lạnh nhạt thờ ơ. Và người ta thường lẩn trốn nó. Trường hợp Solzhenytsin chẳng hạn. Nhà văn Nga sau giải Nobel đã sang Mỹ sống, chỉ tiếp xúc với mọi người trong những hoàn cảnh chọn lọc cẩn thận. Cụ đã trốn rất kỹ. Tiền nhuận bút, tiền giải thưởng, tiền diễn thuyết, cụ bỏ ra mua một cơ ngơi ngót cả chục mẫu, rào kín lại, đặt hệ thống an ninh cá nhân để bảo vệ cho chút riêng tư còn sót lại sau giải Nobel.
Nhưng Phùng Quán tiếp tất cả mọi người. Và ông tiếp tất cả một cách đồng đều, với tấm lòng quý người và hiếu khách hiếm có của ông. Ba mươi năm khổ cực đã không sứt mẻ niềm tin của ông với cái tốt của nhân tâm. Câu "Nhà thơ yêu con người không mệt mỏi” từ lâu biến thể thành sáo ngữ vì lạm dụng, đã trở lại tinh nguyên nơi Phùng Quán.
Ta có cảm tưởng như ông thực tình sung sướng được trao đổi với tất cả mọi người, được ngắm nhìn, được cọ sát, được bắt lấy chất người ở mọi dạng thức, tới với ông từ mọi quá trình khác nhau... Tựa như ông tin cái tốt trong mọi người là chân lý vĩnh hằng, và ai cũng đến với ông với đầy thiện ý...
Có lẽ cái tâm đã gọi cái tâm, và cái tâm thành của ông đã đem lại cho ông nhiều bạn mới. Người gặp ông một lần mà tưởng như tìm được tâm đắc, và kỷ niệm của thời gian ngắn ngủi chia sẻ với ông sẽ khó phai nhạt trong ký ức họ.
Và đám khách phức tạp có khi đến hỗn tạp của ông, sau khi thăm ông, đã thay đổi. Họ ra về hình như bớt phức tạp hỗn tạp đi một chút. Vô tình, họ có một điểm chung với nhau, là khám phá được một điều quan trọng: Sự tốt hiện hữu trong thế gian, và một con người với cái tâm đẹp như Phùng Quán có thật, không những trong hư cấu của thơ của truyện, trong cường điệu của tráng ca, mà bằng xương bằng thịt bằng máu bằng nước mắt của một cuộc đời đầy oan trái nhưng bao giờ cũng cung cách và trong sáng.
Tác giả cảm tạ anh chị Đức Quý và Công Khanh, anh Đang, anh Sơn, cô chú Nghi và Liêm đã cho thêm những tài liệu quí báu để viết bài này.
23/3/2006
Mai Kim Ngọc
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...