Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Thượng đế cắt dán tạo ra con người mớiXXXX

Thượng đế cắt dán
tạo ra con người mới

Cuộc tranh luận giữa hai tác giả Đỗ Minh Tuấn và Trần Mạnh Hảo đã qua một số vòng. Trong bài viết sau đây, ông Đỗ Minh Tuấn đã tuyên bố chấm dứt trao đổi với ông Trần Mạnh Hảo về đề tài được biết đến với tên gọi “ca-pốt rách của Đảng”. Chúng tôi tôn trọng quyền phản hồi của ông Trần Mạnh Hảo ở vòng tranh luận này. Tuy nhiên, nếu những tham luận ở vòng tiếp theo của cả hai phiá hay một trong hai phiá không nhằm đến những nội dung mới, hoặc theo nhận định chủ quan của chúng tôi không thực sự bổ ích và làm giầu nhận thức cho công luận, chúng tôi xin phép không tiếp tục đăng.

talawas
Bài viết của Trần Mạnh Hảo trên talawas ngày 28-6-2005 đã thể hiện sự cố gắng thoát khỏi những đôi co vụn vặt để đi vào bàn luận trên vấn đề tôi đã đưa ra. Dù rằng TMH chẳng thể đôi co được gì nữa sau khi tôi đã bóc trần 18 điều xuyên tạc và gian lận của ông, song cũng nên ghi nhận sự khôn ngoan nhạy cảm của TMH khi ông biết dừng chiêu thức cũ đúng lúc để chuyển sang chiêu thức mới kín cạnh hơn. Ðó là chiêu gian lận cao tay thể hiện ra trong những dòng ông tóm tắt bài viết của tôi. Ðây là cú giãy giụa cuối cùng của con người chính trị phò chính thống trước khi nó phơi bày xác chết trong phần bàn về xã hội phi dân sự.
Tôi viết bài này nhằm loan báo về cái chết chui lủi của con người chính trị chính thống TMH, để mọi người tiễn đưa nó vào quên lãng, kết thúc cuộc chơi.
Tư cách đổ tể trong trò gian lận mới
Thoạt nhìn, người ta dễ tưởng những dòng TMH tóm tắt bài viết của tôi là thao tác vô hại, nhưng thực ra đây là một chiêu thức xuyên tạc, chỉ điểm và bôi bác rất tinh vi. Ðó là cách ăn gian đem thực đơn viết ngoáy thay cho bữa tiệc, có thể loè bịp những độc giả cả tin, ít thời gian hay lười đọc nguyên bản bài viết của tôi. Bài viết ấy đang như một con thú dũng mãnh và sinh động, bị đồ tể TMH đánh tráo bằng mẹt thịt ôi, trở thành những mảnh thịt bầy nhầy tím tái, nhặng bay quanh vo ve với ý nghĩ hợm hĩnh rằng: Ðầu với mông, tim với cật hoá ra cũng chỉ là những mảnh thịt thiu tanh tưởi như nhaụ dưới đôi cánh của ta. Xẻ một vấn đề có logic, lớp lang và hệ thống ra nhiều mảnh rời như vậy, TMH tỏ ra rất khôn ngoan trong nghệ thuật tuyên truyền. Ông không lo bày tiệc cho những thượng khách sang trọng và khó tính vốn chỉ muốn đọc nguyên bản mọi bài viết, mà lo bày sẵn mẹt thịt ôi cho những bầy chó đói lười biếng, để mỗi con có thể nhanh chóng tha đi một khúc mà nhay mà gặm trong các xó xỉnh khác như đã nhai ca-pốt rách và thổi ca-pốt lành một cách khoái chá trong những ngày qua.
Khi tóm tắt những vấn đề được coi là quan trọng, TMH đã kín đáo cắt bỏ đi sợi dây xuyên suốt là: hành trình nhận thức và giác ngộ về trò chơi quyền lực; ý thức giành lấy tự do, làm chủ số phận; tinh thần tích cực tác động và đối thoại cùng ngôn ngữ với guồng máy chính thống nhằm cải tạo môi trường quyền lực; khát vọng sáng tạo nhân cách và coi trọng tình người, lấy tình người làm động lực cho các quan hệ đa phương, phi bè cánh, phi tuyến tính của tôi. Trong cách làm láu cá này, TMH đã bộc lộ tư chất của anh hoạn lợn trong triều đình, sống bằng nghề cắt bỏ phần tinh tuý nhất của người khác để thực hiện âm mưu biến tất cả các anh hùng nghĩa hiệp thành những hoạn quan hầu hạ trong cung cấm.
Trong cách tóm tắt và lập luận, TMH luôn để lộ cái thâm ý muốn độc giả talawas hiểu rằng tôi có quyền lực lớn gây cả sức ép với những Uỷ viên BCT như ông Lê Đức Thọ và đó là quyền lực ngầm của người trong guồng máy. Đây là sự xuyên tạc lấy được, bất chấp logic. Không ai có thể cho người khác một quyền lực lớn hơn quyền lực của mình. Một người dân bình thường ngoài guồng máy quyền lực của Đảng chỉ có thể gây sức ép lên các cá nhân nắm quyền lực trong guồng máy ở một thời đểm nào đó mà bản chất của quyền lực có thể gây sức ép đó là sự tích hợp nhiều quyền lực khác. Nếu chúng tôi có chút quyền lực nào gây sức ép lên các vị đó trong một vài thời điểm thì đấy là quyền lực của cá nhân tôi do tôi đã tích hợp được quyền lực của trí tuệ dân gian, học vấn hàn lâm, bản lĩnh nghệ sĩ, các thủ thuật chiến tranh tâm lý và những quyền lực khác tích hợp từ các quan hệ nhiều chiều trong xã hội không thể nói ở đây trong vài câu ngắn. Quyền lực kiểu này là quyền lực dân sự ngoài guồng máy đã xuất hiện sâu rộng hơn trong các xã hội Đông Âu và Trung Âu từ thập kỷ 70 như là phản ứng tự vệ của các cá nhân và các nhóm mà bài viết rất sâu của Marcia A. Weigle và Jim Butterfield về logic xuất hiện của xã hội dân sự trong các chế độ cộng sản đang đổi mới vừa đăng 4 kỳ trên talawas đã đề cập đến. TMH đã không dám đối mặt phân tích quyền lực cá nhân này. Trong bài viết của tôi có những thông tin rất quan trọng, thể hiện sức mạnh của bản lĩnh cá nhân và quan hệ dân sự, nhưng TMH đã cố ý lờ đi. Chẳng hạn, việc ông Trần Ðộ giới thiệu phim Dịch cười của tôi cho ông Bạch Thái Quốc vào năm 1989 và sau đó tôi đã dùng quan hệ dân sự tổ chức để ông này đưa phim ra phổ biến ngoài biên giới; việc tôi lấy thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Trường dạy nghề Nhân Ðạo hợp tác với Nam Triều tiên để giúp Trường này ngang nhiên khai trương ngay trong lúc UBND Thành phố HCM ra lệnh cấm; việc tôi kiên quyết đấu tranh với Bộ văn hoá và Cục điện ảnh để giữ tên phim là Vua bãi rác và nỗ lực thuyết phục, gây sức ép để đưa đưa được phim này sang Mỹ chiếu trong một số LHP; việc tôi kiên quyết không có mặt trong buổi ba ông Uỷ viên BCT và hai ông Uỷ viên TW xuống xem phim của Hãng phim Nhân Ðạo do tôi làm Giám đốc.
Xem ra, quan niệm của TMH về những gì là “quan trọng” khác xa với quan niệm của tôi. Tôi coi cách Thủ tướng Phạm Văn Ðồng trả lời về đề án thành lập Uỷ ban bảo vệ trí thức của tôi trong bữa cơm là quan trọng, còn TMH coi việc “được ăn cơm với Thủ tướng” đã là quan trọng. Tôi coi việc quyết tâm “rửa tay gác kiếm”, không chấp nhận việc mời ba ông Uỷ viên BCT trong đó có ông Nông Ðức Mạnh xuống Hãng phim của mình xem phim là thông tin quan trọng, TMH lại coi sự xuất hiện của “mấy ông siêu lớn” này ở Hãng phim của chúng tôi là thông tin quan trọng hơn. Nói chung, cách quan niệm của TMH về “những điểm quan trọng” trong bài viết của tôi nặng về tính chất chỉ điểm chính trị, giống như công an cấp dưới tóm tắt các vấn đề cần lưu ý theo dõi để báo cáo cấp trên. Chọn hình thức tóm tắt chỉ điểm như trên, TMH đã khôn khéo lái số đông và các cấp lãnh đạo (vốn quen nghe tóm tắt văn bản thay vì đọc trực tiếp) chú ý vào những vấn đề nhạy cảm chính trị, mồi cho họ suy diễn tuỳ tiện thoát ly động cơ và bối cảnh, nhằm xuyên tạc tinh thần và tư tưởng bài viết của tôi.
Ngoài ra, ngay trong những dòng tóm tắt có vẻ khách quan này, TMH cũng không quên xuyên tạc công khai. Tôi không hề viết rằng tôi đã tư vấn cho ông Trường Chinh như TMH thuật lại, trái lại, tôi viết rõ nhiều lần rằng để tự vệ chúng tôi đã phải đánh nhau với phe cánh của ông này. Xuyên tạc thế, TMH muốn gieo cho độc giả thêm thắc mắc hồ nghi, rằng tại sao ÐMT đã đánh nhau với con trai ông Trường Chinh lại tư vấn cho ông Trường Chinh, thật là hai mặt. Tôi cũng không hề viết rằng tôi “bắt tay với một số báo chống cộng hải ngoại” như TMH tóm tắt. Các báo Văn học, Hợp lưu và Việt mà tôi đã tham gia không phải là những tờ báo chống cộng. Khi tham gia Diễn đàn Trí thức trên báo Cánh én tôi cũng không viết gì có thể gọi là “chống cộng”. Xuyên tạc như vậy, TMH muốn kích động các báo chí hải ngoại mà tôi có quan hệ lâu năm tìm cách tách khỏi tôi, chẳng hạn, cho đăng những bài những câu bôi bác cả hai người như một vài tờ báo đã đăng trong những ngày qua. Làm cách đó, TMH muốn đẩy tôi đến cái cảm giác rằng, hoá ra, những đòn vọt chính trị của những người như TMH trên báo chí trong nước còn sang trọng hơn, tử tế hơn và dễ chịu hơn những trò bạc bẽo hạ lưu của đám người tiểu nhân đắc chí từ trong nước ném lên các báo ngoài biên giới.
Trò phù thuỷ mượn hồn để phi tang cái chết
Phần hai bài viết của TMH được ông coi là phần cốt lõi đã cho thấy ông trở cờ về chính trị một cách quá dễ dàng, quá trơ trẽn và bất cần nghi lễ. Ðây là lần trở cờ thứ ba sau mười năm làm “con đê chắn sóng cho Ðảng” trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ, như lời ông Tố Hữu đã nói (xem bài Nguyễn Thái Lai trên Nguoivietonline).
Những vấn đề TMH nói ra về nền chính trị Việt Nam hôm nay không phải không có nhiều điểm đúng, nhưng tiếc thay đó chỉ là những điều sơ đẳng ai cũng thấy, cách diễn đạt lại hoàn toàn vay mượn, như thể copy từ những hàng trăm trang web hải ngoại, đạo văn trắng trợn của những chiến sĩ dân chủ như Hà Sĩ Phu, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang… Họ đã phải suy tư và trả giá trong nhiều năm nay để nói lên được những điều này trong nhiều bài viết, tờ trình kiên nhẫn công phu để đưa dần những ý tưởng đó vào tâm thức xã hội. TMH sau hơn một thập kỷ làm “con đê chắn sóng cho Ðảng”, đột nhiên, sau vài tuần bước chân vào không gian ảo talawas tranh cãi với Đỗ Minh Tuấn đã nhoen nhoẻn nói về chế độ chính trị độc tài độc đảng thiếu tự do ở Việt Nam, như thể đó là những điều từ máu thịt của ông. Cách dây máu ăn phần trơ trẽn của TMH quả là thiếu liêm sỉ và quá coi thường phong trào dân chủ. Làm như là phong trào dân chủ quá thiếu người và quá thiểu năng trí tuệ, đến mức phải vội vã vơ bèo vợt tép, thấy TMH đột ngột to mồm hô khẩu hiệu giống họ là vội tin, vồ lấy ông ngay. TMH vốn là một tín đồ công giáo đã bỏ đạo theo Ðảng, sau đó bỏ Đảng theo hải ngoại , rồi lại bỏ hải ngoại trở về theo cách mạng, bây giờ lại bỏ Ðảng để hùa theo phong trào dân chủ, người ta có thể tìm cách thu dùng kẻ mấy lần đào ngũ, nhưng đâu đã vội tin.
TMH có quyền đổi thay chính kiến, nhưng ông phải nói lên những diễn biến tư tưởng của mình, những bước đường thức tỉnh theo logic của quá trình nhận thức. Bởi vì, theo sự lựa chọn của tôi khi tham dự diễn đàn này, talawas không phải là nơi xếp hàng hô khẩu hiệu để tỏ chính kiến, mà là nơi những người viết có thể nỗ lực tìm kiếm sự thật, lẽ phải và sự đồng thuận một cách chân thành, thẳng thắn, công phu. Những cách viết dễ dãi coi thường độc giả, không mở đường đưa lẽ phải vào sâu trong tâm thức, có lẽ không hợp lắm với đẳng cấp của diễn đàn này. Nếu TMH trình bày được những suy nghĩ gan ruột trong hành trình sống của mình, tự nhận thức được logic của những lần trở cờ đổi thay thái độ chính trị - do mò mẫm, bốc đồng, ngộ nhận hay bất mãn chẳng hạn, thì thông điệp của ông sẽ thuyết phục hơn và có ích hơn. Còn cứ đột ngột trở cờ xoen xoét nói ngược lại chính mình một cách trơ tráo như thế thì chỉ gây hoang mang ngờ vực, chẳng có giá trị gì đáng kể cho chính ông và cho độc giả. Trong một lần trả lời Lại Nguyên Ân trên talawas gần đây, TMH có hé ra một ý rằng ông đã nhiều lần gửi thư xin gặp lãnh đạo Đảng mà không được. Lần tình cờ gặp tôi ở trước cửa Hội Nhà văn sau Đại hội vừa qua ông cũng nói một ý rằng tôi được lộc của cả hai bên. Nếu quả thật ông thấy đau vì những nỗ lực mười năm bảo vệ Đảng của mình không được đền đáp gì ngoài sự o bế liên tục của cấp trên, sự độc diễn trên nhiều tờ báo và các giải thưởng của Hội Nhà văn và Văn nghệ quân đội, nên nhân cái cớ cấp trên không cho gặp gỡ đối thoại ông trở cờ luôn. Thôi thì như thế cũng có thể coi là ông cũng có một cái cớ, tiếc rằng ông không có đủ tự tin đối mặt với sự thật của tâm hồn mình. Nếu ông vạch ra được logic giác ngộ, lớn lên thì những điều ông nói ra sẽ có sức nặng hơn nhiều. Vì đó là những lời nói của một nhân chứng sống. Tuy nhiên, những cái cớ dẫn đến trở cờ của ông quá tầm thường nên sẽ giảm đi sức thuyết phục tự thân. Nếu ông coi việc gặp cấp trên là cái gì như bổng lộc và vinh hạnh, nếu ông nghĩ rằng việc được cấp trên mời gặp chứng tỏ mình có giá trị thì ông đã lầm to. Nếu ông nghĩ sau những bài viết, cuốn sách tỏ tình chính trị nào đó chỉ việc ngồi đấy mà chờ Đảng hay ai đó ngoài biên giới rót bổng lộc cho mình như cái cách ông đã hình dung về tôi một cách hậm hực, thì lại càng là hoang tưởng. Không có gì thành công trong cõi đời này mà không có sự nỗ lực của chính mình, trong tư cách chủ nhân của cuộc đời mình. Có những phần thưởng lớn mà ta không thể nhận vì người ta chỉ đưa phần thưởng cho ta sau khi ta sắm một vật đựng được nó là tư cách đảng viên. Đó là cái gàn dở của sĩ phu Bắc kỳ có tên là nhân cách. Còn cách nghĩ làm thuê, làm công ăn lương dù là kiểu công chức chính trị hay kiểu xã hội đen đâm thuê chém mướn đều không xứng tầm với một văn nhân có những dòng chữ tài hoa sắc sảo như ông. Có lẽ, cách nghĩ ấy đã khiến ông viết bài “Hội chứng chửi có thưởng” để đánh Nguyễn Huy Thiệp trên báo Văn nghệ gần đây để bây giờ lại bắt chước tác giả “Tướng về hưu” chửi Đảng trên talawas với hy vọng tội nghiệp rằng sẽ đến một ngày kia… có thưởng. Chắc là sau buổi ăn trưa với Nguyễn Huy Thiệp dịp Đại hội Nhà văn vừa qua, ông hy vọng rằng đã có thể tham gia vào băng chửi quốc tế nhờ sự giới thiệu của tác giả này, nên ông vội mượn sân talawas để trở cờ chính trị, dân thân vào trò lottery dân chủ? Cho dù đó là toan tính thực, thì ông không thấy ngượng mồm sao khi nói những điều ngược 180 độ với những điều đã nói mười mấy năm qua?
Tôi là một nghệ sĩ bản tính tự do vô chính phủ, đã có gần ba mươi năm “diễn biến hòa bình” sống chung với Ðảng bằng tất cả bản lĩnh và trí tuệ, vậy mà để nói được một đôi điều về vấn đề độc đảng như đã nói trên talawas tôi phải suy ngẫm và uốn lưỡi nhiều năm. Ngoài những điều đã nói với ông Trần Hoàn phê phán đảng đã công bố trên Việt 3 bảy năm trước đây, tôi cũng đã hai lần giao hẹn rõ ràng sòng phẳng trong các đơn từ gửi TBT Lê Khả Phiêu năm 1998, rằng nếu những kiến nghị của tôi tiếp tục không được Ðảng trả lời, giải quyết thì tôi sẽ làm mọi cách để công khai tách khỏi Ðảng CSVN, một đảng mà tôi đã dính líu quá sâu với nhiều thiện chí nhưng luôn bị xúc phạm và ngày càng thất vọng. Vậy mà, chỉ đến khi tôi bừng ngộ trong một lần suy ngẫm về hình ảnh đứa bé hái hoa, tôi mới thấy có đủ niềm tin để lên tiếng đòi xây dựng một thể chế dân chủ, từ bỏ sự độc quyền lãnh đạo. Với người Việt Nam, những yêu cầu đổi mới chính trị chỉ có thể trở thành hiện thực khi nó đã ngấm vào tâm thức. Khi tôi chưa thấy những nhu cầu dân chủ cựa quậy trong chính tâm thức của mình thì tôi không thể lớn tiếng kêu gào những khẩu hiệu mà tôi nghe lỏm được. Ðó là liêm sỉ và tự trọng của người trí thức. Thứ tư tưởng dân chủ sản xuất trong một ngày như TMH đã tung ra chỉ là quả trứng gà đẻ non sau một cú đạp mái vội vàng trên mạng talawas mà thôi! Nếu TMH quả có máu thịt với những điều này, thì ông phải nói được những điều suy nghĩ mới mẻ của riêng ông, rút ra từ trải nghiệm của chính mình trong đời sống dân tộc như cách đây bảy năm tôi đã nói những suy nghĩ của riêng tôi về Ðảng với ông Trần Hoàn vậy, chứ không thể xơn xớt nói những điều công thức copy mà người khác nói từ nhiều năm trước, như ông đã nói trong bài viết vừa đăng.
Thượng đế đã tự do sáng tác ra các hành vi trở cờ của TMH, nhưng hình như sự sáng tạo của Người trong thời đại internet cũng trở nên lười biếng và dễ dãi hơn xưa. Sau mấy lần sửa chữa và dập xoá, hình mẫu nhân cách phò chính thống của TMH đã được Người cho tồn tại đến 10 năm, vậy mà sau mấy bài tranh cãi trên talawas Người lại nổi hứng lên sáng tác lại anh ta thành một nhà dân chủ bằng những thao tác cut và paste giản đơn. Cứ cái đà này thì chỉ được mấy hôm, Người lại nổi hứng sáng tác lại một TMH tái phò chính thống với những vết dập xoá còn lem luốc! Nếu không lý giải theo cách ấy thì cắt nghĩa sao đây cái chết đột ngột của con người chính trị chính thống TMH trong bài viết vừa đăng?
Nếu không phải TMH đã lây nhiễm cái hội chứng chửi có thưởng sau khi phê phán Nguyễn Huy Thiệp, thì cũng có thể cắt nghĩa sự trở cờ của ông từ hệ quy chiếu của tâm lý võ sĩ. Trong cuộc “so găng” với tôi trên talawas, con người chính trị phò chính thống TMH đã bị knockout bởi những chứng cứ hùng hồn của tôi đưa ra về tư cách và tội lội của con người đó, nên con người chính trị dơ dáng này không thể tiếp tục tồn tại như trước nữa. Nói cách khác, con người chính trị chính thống TMH mà chúng tôi gọi là “ca-pốt rách của Ðảng” đã chết lâm sàng trong cuộc tỷ thí này. Ðể có thể xoay đảo tình thế, TMH đã bí mật thay người. Con người chính trị mới vừa xuất hiện trên talawas dưới bút danh TMH là một con người khác hao hao giống Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang... Luật chơi không cho phép thay võ sĩ giữa chừng. Tôi đã loại được con người chính trị phò chính thống TMH trên sân talawas và tôi không chấp nhận cuộc đấu tiếp sức với các chiến sĩ dân chủ mà TMH đã mượn hồn, núp bóng, đạo văn. Vì thế, tôi chính thức tuyên bố cuộc chơi phê phán “ca-pốt rách của Ðảng” với tôi đến đây là kết thúc. Nếu tiếp tục trao đổi thì tôi sẽ bàn về những vấn đề khái quát hơn.
Xin cám ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi và xin tỏ lòng biết ơn, kính trọng với những ai đã âm thầm lắng nghe, thông cảm hay lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ và chia sẻ với tôi.
Hà Nội, 4/7/2005
Đỗ Minh Tuấn
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...