Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

XXXXTôi bất tín vào kinh nghiệm và bội thực bởi những triết thuyết dạy bảo

Tôi bất tín vào kinh nghiệm và bội thực
bởi những triết thuyết dạy bảo!

Tôi quen biết Nguyên không lâu, chỉ mới hơn năm nay, nhờ chơi với một số bạn trẻ làm văn chương. Ðọc được một số thơ và quan niệm về “thơ bây giờ” của Nguyễn Vĩnh Nguyên trên vài tờ báo mạng, tôi rất thích và cảm nhận rằng đây là một tâm hồn văn chương rất mới của văn học Việt Nam đương đại. Sự cảm nhận này có vẻ rất vội vàng khi Nguyên chưa có được là bao tác phẩm. Tuy nhiên, sau khi đọc Năm mười mười lăm hai mươi vừa được phát hành, tôi biết rằng cảm nhận ấy không hề là cảm giác mơ hồ vô căn cứ.
Nhưng dẫu sao, tôi cũng phải thẩm định lại những suy nghĩ của mình để tránh những sai lầm do chủ quan. Thứ nhất: tôi tiến hành thăm dò ý kiến của một số nhà văn có uy tín mà tôi có thể tin cậy được. Thứ hai: tôi quyết định gặp gỡ trực tiếp với tác giả để có được lượng thông tin nhiều hơn về phương pháp viết và trữ lượng nguồn văn ở Nguyễn Vĩnh Nguyên. Và như thế, tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở và rất thú vị với tác giả Năm mười mười lăm hai mươi này.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Thực ra, chẳng có gì ghê gớm. Việc đầu tiên là cuộc trò chuyện này, đừng coi trầm trọng. Tôi chẳng bao giờ đánh giá cao những gì mình đã làm xong. Vậy nên, khi anh gọi đây là một cuộc trà dư về văn chương thì thật là tội cho... cái bàn trà vì nó phải chịu đựng những chuyện không đâu. Tôi muốn là một cuộc tán chuyện vặt văn chương. Nhưng chúng ta phải tìm góc quán nào đó hiện đại một chút. Highland chẳng hạn, trước nhà thờ Ðức Bà. Ở đó, những câu chuyện doanh nhân và du lịch và nhạc Jazz... sẽ sôi nổi lấn át bớt câu chuyện của những kẻ lảm nhảm như chúng ta. Và anh biết đấy, sau này tôi sợ đến những quán nhậu, cà phê vỉa hè Sài Gòn vì ở đó có nhiều chiến hữu văn chương đang phát pháo hay choảng nhau bằng những chuyện rất mắc dịch!
Trịnh Cung: Ok. Càphê Highland. Chúng ta vào chuyện. Bị tuột mất giải nhất “Văn học Tuổi 20” năm 2005 của báo Tuổi Trẻ, bạn có thấy đây là một may mắn không, vì nếu không may mà được chiếu cố cho xuống giải khuyến khích thì còn tệ hơn?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Ðối với tôi, giải hạng nào cũng như nhau, không có gì to tát. Ở cái xứ mà đôi khi giải thấp hơn, không được giải lại có vấn đề đáng đọc hơn giải nhất. Việc chấm giải văn học lâu nay vẫn theo cái lô-gíc quy phạm rất riêng của Việt Nam: đảm bảo tính đúng, tốt chứ không phải là chọn lọc cái hay. Vô hình chung, giải thưởng là một thứ gì đó rất dung dưỡng những thứ lẽ ra phải... thải! Tôi viết xong cuốn sách và quyết định dự thi lúc ấy vì chỉ muốn cuộc thi ấy biết rằng, tuổi trẻ Việt Nam đang nghĩ khác, thậm chí nghĩ ngược những gì họ bị áp đặt qua giáo dục hay “quà tặng cuộc sống” từ một thiết chế, tâm thế cộng đồng có vẻ bình lặng, yên ả hằng ngày. Ðừng ai ảo tưởng cầm buộc được tư duy kẻ khác. Cũng đừng có kẻ nào đưa tay chỉ để định hướng một đoàn người trong thời đại này.
Và tác phẩm của tôi là nạn nhân may mắn của cái lô-gíc quy phạm giải thưởng ấy. Một vị giám khảo (nghe đồn là nhà văn từng có vài tác phẩm về thanh niên xung phong) đã bắt tay tôi và khệnh khạng: “Ðó là cuốn sách anh thích nhưng không phù hợp tiêu chí giải!”. Tôi cười và cám ơn. Dù biết trước đó, trong một cuộc họp báo, anh ta không ngại ngần chụp lên đầu tôi một cái mũ chẳng lấy gì hay ho - khiêu khích chính trị - điều mà tôi chẳng đáng phải nghĩ tới khi viết. May thay, độc giả mới là đối tượng quan trọng.
Trịnh Cung: Sống trong thời đại kinh tế thị trường, PR là một công nghệ tác động rất lớn trong việc tiếp thị. Việc từ kết quả chấm giải hạng nhất, tuột mất vào giờ chót vì lý do không đạt tiêu chí của giải, điều này hội đồng giám khảo đã vô tình làm PR cho tác phẩm của bạn trở nên hấp dẫn gấp bội đối với người đọc, và như thế cũng đã vô tình giúp cho việc phổ biến loại tác phẩm không đạt tiêu chí văn chương mà ban tổ chức giải chủ trương được đón nhận rộng rãi hơn nhiều so với các tác phẩm đúng đường lối?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Vấn đề là những tác phẩm đó có được cấp phép in ra hay không. Trong trường hợp tôi, rất may là nó đã được in ra và nhận được “hiệu ứng tò mò”. Ðộc giả sẽ đọc và biết tôi “làm gì ra nông nỗi ấy”! Thực ra, tôi không muốn làm nhân vật trước khi (hoặc không) có tác phẩm.
Trịnh Cung: Nguyên đang là nhà thơ hậu hiện đại, nhiều bạn trẻ đã coi Nguyên như nhà thơ trong nước đầu tiên đưa đời sống số vào thơ và cũng là nhà thơ trẻ được nhìn nhận có sự triệt để làm mới thơ, vì sao lại bỏ ngang để viết truyện và đang “âm mưu” hoàn tất một tiểu thuyết?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Thực ra không phải là bỏ ngang, tôi vẫn đang âm thầm viết, chẳng qua là chưa có gì mới hơn nên tôi không muốn công bố. Tôi cũng không nhận mình là nhà thơ hậu hiện đại, tôi chỉ biết mình đang sống và viết trong tâm thế và cảm quan hậu hiện đại (postmodern sensibility). Bây giờ, mỗi cá nhân là một tổng hợp đa chiều của thế giới, thậm chí trong từng khoảnh khắc của anh ta chứa đựng nhiều chiều khác nhau của thế giới, nó muốn phá vỡ cái nghêu ngao của đại tự sự về nhân sinh quan thế giới quan hay nhận thức luận thông qua một tác phẩm. Và nhà văn không nhất thiết phải tạo giải trung tâm hay lục đục tìm cấu trúc cầu kỳ cho tác phẩm. Mà bản thân thế giới là một văn bản. Làm thơ, viết văn, thậm chí vẽ tranh, làm video art,... trong nghệ thuật đương đại là giấc mơ bày biện mọi chất liệu của thế giới bằng chính nó, mọi giá trị mà nó có là sự bình đẳng trong định tính từng trạng thái tinh thần. Thơ, tiểu thuyết, kịch bản phân cảnh hay âm nhạc, hội họa trên một “tác phẩm văn học hậu hiện đại”... là sự hỗn độn, siêu trần thuật của thứ văn bản lớn - thế giới mà chúng ta đang sống - được thể hiện bằng chính nó, cực đại và tối ưu, không có ai dẫn dắt ai cả. Mọi thứ là sự chủ động tiếp cận và đồng sáng tạo. Nhưng tôi không phải là một nhà lý thuyết hậu hiện đại. Và tôi không hoàn toàn tôn thờ nó. Tôi chỉ viết trong sự điều khiển của những tâm thế khác nhau trong chính mình. Tôi chẳng dại gì chết vì bám theo một phương pháp hay trào lưu nào đó. Nhưng tôi biết hiện nay nhãn mác “hậu hiện đại” và cả sự háo hức dán lên mình những lý thuyết ra vẻ tân kỳ đang là mốt của một số nhà văn thế hệ chúng tôi. Cũng vui. Nhưng giá trị không nằm ở đó. Vấn đề là tâm thế của anh như thế nào khi tiếp cận và thể hiện chúng mà không bị câu thúc hay cầm tù bởi chúng.
Trịnh Cung: Ðang trong tâm thế hậu hiện đại, nên trong một số truyện trong Năm mười mười lăm hai mươi có nhiều đoạn được viết như thơ hậu hiện đại, một kiểu mix-media trong hội họa đương đại, thậm chí các minh hoạ đen trắng của anh trong tập truyện như một phần của cách viết kết hợp giữa thơ, truyện, kịch bản và hội hoạ mà anh muốn dùng nó như một cách làm mới văn chương, tạo nên một thủ pháp riêng?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Tôi nghĩ, hậu hiện đại phải bắt đầu từ một tâm thế có độ mở rộng thông tin và hiệu ứng truyền tải, cho phép người viết và người đọc lang thang trong một cuộc chơi, không đòi hỏi nó phải có một giá trị tư tưởng to tát nào. Tôi bất tín vào kinh nghiệm và bội thực bởi những triết thuyết dạy bảo. Tôi quan niệm mọi cá nhân tiếp cận đều là vật liệu cấu thành tham gia trực tiếp vào văn bản ở từng trạng thái cảm xúc khác nhau. Hậu hiện đại còn mang trong nó một yếu tố đặc biệt là tính giễu nhại. Tôi nghĩ, lúc này, nền văn hóa chúng ta quen kính cẩn thờ phượng lẫn tự sướng rất cần một tinh thần giễu nhại, tự trào để thanh lọc và tiến bộ hơn!
Trịnh Cung: Thế sau khi sách ra, những phản hồi bạn đọc thích và không thích...
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Có thể thích, không thích, khen hay chê, đọc hay không đọc, thậm chí cho tác phẩm của tôi là ô mai ô miếc (như nhà báo Ðông Dương, tức nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh, người chuyên đọc và bị ám ảnh bởi “văn chương ô mai” đã khệnh khạng viết trên tờ Thanh Niên) thì tùy. Tôi thấy mọi cách tiếp cận đều bình đẳng. Và việc của tôi là viết, tôi đã làm xong với cuốn sách, trò chơi ấy. Tinh thần của nghệ thuật đương đại tôn vinh tính phù du của nó. Vậy tôi viết chỉ để khám phá hay khai thác mình ở những biên độ cảm quan khác nhau chứ mọi kinh nghiệm, niềm tin hay khát vọng, mục đích như kiếm tiền, vào Hội Nhà văn hoặc lưu danh chỉ là chuyện cực kỳ bi hài kịch cổ điển đáng thương hại!
Trịnh Cung: Thế hệ viết văn trẻ ngày nay thường chuộng lối viết kiểu Kafka, Milan Kundera, Italo Calvino, Milorad Pavic,... những nhà văn có nhiều tìm kiếm trong lối viết phá vỡ mọi mẫu mực của hình thức tiểu thuyết truyền thống, chắc Nguyên cũng không ở ngoài số này? Và những nhà văn mà các bạn yêu thích ấy có tác động gì đến cách viết của bạn?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Chắc chắn là có. Họ là động lực cho sự dấn thân của tôi. Tôi thích tìm hiểu thái độ, ứng xử của những nhà văn lớn trước đời sống thông qua trang viết của họ trong bối cảnh mà họ sống và viết. Tôi luôn thấy hổ thẹn khi mình sống chung thời với S. Rushdie, P. Coelho hay F. Kafka... những người phải ký thác mình cho trang viết. Dù tính phản tỉnh hay những quyền lực giá trị văn chương tham gia vào đời sống thì phải xem lại. Văn chương chỉ là một phần rất bé bỏng và tội nghiệp trong thời đại thông tin, tiêu thụ và lãng quên mang tên toàn cầu ngày nay. Vậy đọc họ để có thái độ, động lực mà chơi một cách hào sảng thì cũng thú vị. Tất nhiên, chơi hào sảng của một người văn minh khác với một kẻ hèn hạ và chùng lén theo kiểu “hủ hóa ngồi lê đôi mách” hay kiểu “shop văn nghệ” lắm giai thoại ảo đầy rẫy từ quán nhậu văn nghệ đến báo chí truyền thông Việt Nam!
Trịnh Cung: Văn chương Việt Nam đang thèm khát một không khí viết của các nhà văn đương đại Trung Quốc. Theo anh, làm cách gì các nhà văn Việt Nam có được không khí viết như thế?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Theo tôi, để có được không khí ấy, không có gì khác là nhà văn phải độc lập trong tư duy viết và đẩy cao hàm lượng tri thức, thái độ của người trí thức thông qua tác phẩm. Nếu tôi không quan trọng lắm những qui phạm khi ngồi trước trang viết và không nghĩ tới một bạn đọc nào cả để bộc lộ tối ưu suy nghĩ của mình đối với vấn đề mà mình đang đối diện thì chắc chắn tôi cũng sẽ gặp lớp bạn đọc độc lập trong tư duy tiếp cận tác phẩm của mình. Tôi tin một phần tinh túy người đọc trẻ của mình có khi về năng lực đọc và cảm thụ văn học còn độc lập hơn các nhà văn xứ mình đấy. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chẳng là gì cả để chúng ta hướng tới. Tôi đã đọc văn học Trung Quốc nhiều nhưng không phải bao giờ cũng thích vì phần nhiều nó mang yếu tố bi hận và nhà văn bị trói buộc bởi định kiến, thành kiến chính mình nhiều quá. Lớp 8X thì có phần hoa hòe hoa sói và thời trang. Và đúng như anh nói, khát một không khí viết và sâu xa hơn, tôi đọc họ để tìm hiểu cách ứng xử mang tính xã hội học của họ với truyền thống, với chính trị... chứ ít thưởng ngoạn chúng ở góc độ văn chương, trừ vài nhân vật như Lý Nhuệ và ba tác giả Trung Quốc lưu vong: Ðới Tư Kiệt, Sơn Táp và Cao Hành Kiện.
Tôi nghĩ rằng, xã hội tiến bộ vẫn khát sự dấn thân, ký thác và dũng cảm của người viết hơn là người viết chúng ta ngồi đó mà chờ đợi ở một không khí do người khác, những kẻ ngu dốt, phi văn chương định đoạt. Nếu là tôi, thích tạo ra và làm chủ không khí viết của tôi.
Trịnh Cung: Nhưng không dễ có sự độc lập tư duy như anh nghĩ và phần đông nhà văn Việt Nam đã đánh mất khả năng này, ngay cả một nhà văn trẻ thành danh lâu nay được cho là cấp tiến cũng đã nói với anh sau khi đọc Năm mười mười lăm hai mươi: “Ở Việt Nam viết thế này, cậu thật là ngu!”
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Vâng, đúng như vậy. Ý chị ấy muốn tôi được lợi và được yên. Ở đây ai cũng sợ phải trả giá.
Trịnh Cung: Ðó là lý do mà chúng ta không có nhà văn lớn?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Chắc là như vậy, bệnh sợ làm cho nhà văn mình thiếu thái độ trí thức.
Trịnh Cung: Ðề cập đến trí thức, trong tập truyện Năm mười mười lăm hai mươi của Nguyên, “Cấm khẩu ký sự” và “Hai truyện nhỏ không biết gắn vào đâu” đã rất bi quan về trí thức của ta?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Phần lớn trí thức xưa và nay đã không tìm thấy giá trị của mình trong đời sống hoặc chính họ tự thủ tiêu những giá trị ấy. Họ chỉ đi tìm những cái bình rỗng để nói vào đó những bức xúc mà lẽ ra họ phải nói một cách danh chính ngôn thuận và được đời sống tiếp nhận một cách công khai. Trí thức cũng chính là những người mất bóng. Họ sống trơ trọi và mất sự hình dung tồn tại chính mình trong đời sống. Như chúng ta đã cắt nghĩa, không thể đổ lỗi tất cả cho không khí đời sống để suốt ngày đắp mền ngủ ngon và hú hí với vợ con cho qua ngày đoạn tháng, viết văn làm báo tủn mủn kiếm dăm xu đàn đúm. Tôi cũng không thể cứ kêu gào phản kháng để rồi thỏa hiệp với những thứ phản tiến bộ. Trí thức chúng ta ở quán nhậu, vỉa hè nhiều hơn trên diễn đàn đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Tại anh ta luôn nghĩ xã hội đang tấn công mình. Lắm kẻ mắc bệnh tưởng. Xin thề, đếch có thằng nào tấn công anh cả. Anh đang ảo tưởng để nghĩ rằng bị tấn công thì mới vĩ đại. Sách bị cấm thì mới là sách hay. Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng điều đó làm cho những kẻ bất tài có cơ hội trở thành hiện tượng. Anh có làm gì cho đáng để mà bị tấn công? Và giả như anh có làm điều gì vì thái độ lẽ phải, tiến bộ cho cộng đồng mà bị tấn công thì sự hy sinh của anh là một giá trị!
Vậy thì, chung quy ở đây là trí thức chúng ta hình như có quá nhiều kinh nghiệm. Và với những kinh nghiệm đầy sợ hãi ấy, họ ứng xử với tương lai của chính họ, chính cộng đồng họ đang sống bằng thái độ của kẻ vừa nhắm mắt vừa bước thụt lùi! Tôi tin chắc loại trí thức ấy không còn xuất hiện nhiều trong thế hệ của tôi và sau tôi ở Việt Nam.
Trịnh Cung: Vì sao?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Chẳng lẽ chúng ta cứ sống với tương lai bằng kinh nghiệm quá khứ mãi? Mọi thứ, mọi lĩnh vực xã hội của đất nước chúng ta đều đang đứng trước then cửa của câu hỏi: Mới hay là chết? Và bên cạnh bọn trẻ xu nịnh, uốn éo làm duyên, hay gào thét bế tắc, cạo mặt ăn vạ tôi đã thấy những kẻ dám phá bĩnh một cách văn minh và hiểu biết! Trên nhiều lĩnh vực, không riêng gì văn học.
Trịnh Cung: Hình như anh đang hoàn tất một tiểu thuyết? Anh có thể cho độc giả biết trước điều gì?
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Ðó là một tiểu thuyết phi cấu trúc, vừa đáp ứng với khả năng đọc ham mê tâm huyết của bạn đọc văn học vừa có thể làm hài lòng những người lười hay không có thời gian đọc. Có nghĩa là anh có thể tiếp cận bất kỳ ở đâu của tác phẩm, còn tôi muốn nói chuyện gì xin để dành cho khi sách được in.
Trịnh Cung: Cám ơn Nguyễn Vĩnh Nguyên về cuộc trò chuyện này và chúc thành công cho cuốn tiểu thuyết ấy.
Sài Gòn, 24/12/2005
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Trịnh Cung thực hiện
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...