Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Đọc Paris 11 tháng 8 của ThuậnXXX

Đọc Paris 11 tháng 8 của Thuận

Nhân một bài báo của Phạm Xuân Nguyên

1. Không hiểu cố ý hay vô tình, Phạm Xuân Nguyên khi trích lại bài giới thiệu của tôi về tiểu thuyết Paris 11 tháng 8, đã nhấp chuột quá nhanh và cắt một câu mà tôi coi là quan trọng để đánh giá tác phẩm của Thuận: «Paris của hai nhân vật nữ, Mai Lan và Liên, cùng tuổi cùng gốc Hà nội, nhưng một kiều diễm một xấu xí, một cựu hoa hậu một cựu cán bộ công đoàn, một dạn dĩ một nhút nhát, một khéo léo một vụng về, một kiếm sống bằng tình dục một chưa nếm mùi tình yêu, một lãng mạn một không tin vào phép lạ. Nhưng tiểu thuyết của Thuận sẽ chẳng biến Mai Lan thành cô Kiều và cho Liên thành Thị Nở».

Tại sao lại Kiều và Thị Nở ở đây?
Kiều và Thị Nở, từ khi chào đời, đã trở thành những siêu (người) mẫu trên sân khấu văn học Việt Nam. Trong các tác phẩm hạng hai, các nhân vật nữ ít nhiều đều bị hớp hồn bởi hai nàng, đặc biệt tiểu thư họ Vương, bởi Kiều đã đẹp lại tài, đã ngoan lại đa tình, đã bán dâm lại đoan trang lại đạo đức lại trung hậu trung tình… Họ mon men lại gần để bắt chước, không cách ăn thì cách mặc, không cách nói thì cách nghĩ, không cách sống thì cách yêu. Trong văn học Việt nhan nhản những clone của Kiều và Thị Nở.
Các nhà văn hạng hai là những kẻ chăm thờ cúng và dựng bàn thờ.
Và nhà văn đích thực là kẻ cũng ngắm Kiều và Thị Nở, gật gù ngả mũ trước bậc tiền bối, nhưng đồng thời họ âu yếm đeo vào cổ hai nàng tấm biển CẤM, TUYỆT CẤM. Hoặc cũng với từng ấy âu yếm, họ bưng các nàng - cũng khá nặng ký - cho vào căn phòng kín có đề HÀNG TỒN KHO.
Thuận, khi xây dựng hai nhân vật Mai Lan và Liên, đã ứng xử như một nhà văn đích thực. Xin đọc Paris 11 tháng 8 để xem cô đã gây gổ thế nào với Thúy Kiều và Thị Nở?
Mai Lan đẹp lãng mạn đa đoan nên đôi khi cũng săm săm vào vai Vương nương nương, nhưng Thuận đã chẳng để cho cô đạo đức trung hậu trung tình. Không xấu không tốt, không lương thiện không bất nhân. Không đặt nhân vật của mình trong lãnh địa luân lý, đó chính là khoảng cách Thuận chọn để đứng ngoài Nguyễn Du.
Còn Liên? Có lẽ trong văn học Việt Nam đương đại, hiếm có nhân vật nữ nào lại có sắc đẹp thậm tệ như vậy. Nhưng Thuận chẳng vỗ về cô. Nếu Nam Cao sau khi tả Thị Nở ma chê quỷ hờn… lại dở hơi, ông thương tình cho ả biết e lệ, biết thích nhỉ với Chí Phèo, biết làm việc yêu, biết hưởng ánh trăng trong trẻo. Và đó cũng chính là khoảng cách Thuận chọn để đứng ngoài Nam Cao. Khoảng cách đó mang tên NHÂN BẢN. Liên của Thuận không vui không buồn, không thèm không chán, không vô cảm không nhạy cảm, không hy vọng không tuyệt vọng.
Nhưng thành công của Paris 11 tháng 8 có lẽ ở chỗ tác giả cho Liên và Mai Lan đứng cạnh nhau. Như hai chiếc gương họ soi vào nhau, sáng tỏ nhau. Đúng hơn, Mai Lan làm lộ Liên, nhân vật luôn sống trong hai trạng thái đối lập, vô định, bấp bênh: chưa và đã. Hãy nghe Thuận nói về Liên: «… Có lẽ bi kịch của nhân vật này không nằm ở sự lãnh đạm trong tính cách mà ở cái khối mâu thuẫn khác thường: Liên chưa từng hy vọng mà lại bình tĩnh đón nhận thất vọng, Liên chưa từng yêu mà lại chán yêu, Liên chưa từng tiếp xúc mà lại chai sạn, Liên chưa từng sống mà lại muốn chết».
Cô gái xấu xí đó, sau lần đầu được nếm mùi nhục dục, không trằn trọc, không lăn ra lăn vào, không thấy sự khoái lạc của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình (…) chưa bao giờ biết như Thị Nở sau đêm ăn nằm với Chí Phèo:
“Một cái đầu dị dạng ghé sát mặt, chẳng nói năng gì cứ thế lôi đi. Liên không chống cự. Người mềm nhũn. Trí óc cũng mềm nhũn. Tất cả diễn ra như một giấc mơ mềm nhũn. Bây giờ cố nhớ lại, chi tiết thì quên hết, còn mỗi cảm giác bồng bềnh, không trọng lượng, như con tàu vũ trụ vượt ra ngoài sức hút của trái đất. Pát bảo: khéo mày có thai cũng nên. Liên ngượng nghịu không nói gì. Pát bảo tiếp: tao thì chẳng bao giờ có thai. Liên càng ngượng, im thin thít. Pát thản nhiên nói: tao nạo từ hồi mười ba tuổi, hai năm nạo ba lần (...) Giữa tháng mười hai, Liên có vẻ đợi, cuối cùng hành kinh vẫn đều. Pát nói nhảm thật. Liên thở ra, không hiểu vui hay buồn. Câu chuyện trong quán ba chỉ còn là một kỉ niệm mềm nhũn, không trọng lượng, như con tàu vũ trụ đã ra khỏi sức hút của trái đất. Thời gian đều đặn trôi. Một năm mới đang lên dây cót. Căn phòng nhỏ tầng áp mái, mùa đông mùa hè chênh nhau 40 độ. Chủ nhà từ chối không cho dùng lò sưởi, lý do giá điện tăng. Liên im lặng, trước khi đi ngủ, cắm hai bếp điện đặt giữa phòng. Ban đêm tỉnh dậy đi tiểu thấy hai cục lửa, chỉ sợ vô ý giẫm phải là mất chân. Sáng ra, phòng khô cong, hơi nước biến thành giọt trên hai ô vuông kính.”
Vì vậy đọc Liên, người ta luôn ở trong tư thế chơi vơi, chông chênh, khó nắm bắt. Và chính cái chơi vơi đó là một trong những đóng góp của Thuận trong văn học Việt. Nó gợi cho tôi nhớ lại bài thơ «Chưa đầu xuân» của Nguyễn Đăng Thường:
«chưa đưa em về qua chợ
bến đò chưa đầy khách rồi
bữa hôm trời chưa trở gió
tháng giêng hai chưa đến rồi…» [1]
Chỉ với một chữ chưa, Nguyễn Đăng Thường làm chao đảo cái thẩm mỹ cố định, tròn trịa, hài hòa nhưng cũ kỹ mà Huỳnh Liễu Ngạn ôm ấp trong «Đầu xuân».
2. Nỗi đau là gì? Chính xác hơn: Viết nỗi đau như thế nào? Ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi đau, một khái niệm vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa giản dị vừa phức tạp, vừa hữu danh vừa vô hình, vừa cá nhân vừa cộng đồng? là câu hỏi không ngừng ám ảnh mọi nền văn học.
Mở đầu bài giới thiệu tiểu thuyết của Thuận, tôi viết: «Tiểu thuyết thứ ba của Thuận (…) được gợi hứng từ trận nóng năm 2003 mà điểm đỉnh là ngày 11 tháng 8, đã giết chết gần mười lăm ngàn người Pháp. Paris 11 tháng 8 vì vậy là niềm hổ thẹn sâu kín của một xã hội hậu-tư-bản viên mãn».
Trước nỗi đau vô tận nhưng sâu kín đó của nước Pháp, Thuận, một nhà văn ngoại kiều, đã chọn chỗ đứng nào? Vừa ở trong vừa ở ngoài. Vừa xa vừa gần. Khẽ khàng cô muốn chạm vào nó nhưng vội rụt tay về. Không rút mùi xoa không nức nở, mà bằng một năng lực cảm nhận đặc biệt, Thuận kể về thảm kịch lịch sử và thân phận cá nhân. Hai mươi hai chương của Paris 11 tháng 8 đều bắt đầu bằng một bài báo Pháp nói về trận nóng 2003, có vẻ không ăn nhập gì với diễn biến câu chuyện sau đó. Nhưng lồng thông tấn vào văn học, hai thể loại văn bản đối lập nhau, Thuận khiến độc giả bất ngờ như thể xem một bộ phim màu có xen những đoạn tư liệu đen trắng. Động tác lục lưu trữ của Thuận, đọc săm soi nỗi đau giấu kín dưới tầng tầng lớp lớp của thời gian và thông tin, nhưng không một lời bình luận, thể hiện một thái độ vừa thẹn thùng vừa khiêu khích. Còn đây là cách cô diễn đạt nỗi niềm của nhân vật chính ở tuổi trăng tròn:
«Liên học đại học Mỏ-Ðịa chất. Sinh viên nữ đếm trên đầu ngón tay, còn lại toàn nam. Giáo viên cũng toàn nam. Ngày mồng tám tháng ba, sân trường vắng ngắt. Cả thầy lẫn trò lo cắt tóc và mang hoa đến tấn trước kí túc xá Sư phạm. Liên và mấy đứa con gái năm đầu ngỡ ngàng, Quốc tế phụ nữ tiếp theo tự động ngồi nhà, hôm sau gặp nhau ở giảng đường không một câu bình luận, như không có chuyện gì xảy ra. Các thầy giáo không hiểu vì ngượng hay thương hại mà suốt buổi chẳng gọi nữ sinh nào lên bảng. Bọn con trai thì im lặng tuyệt đối. Giờ giải lao, một thằng chạy ra hàng nước trước cửa trường. Lúc Liên quay lại thấy trên bàn có một phong kẹo lạc. Lần sau thấy bánh đậu xanh. Lần sau nữa thấy mè xửng. Năm tốt nghiệp thấy hẳn một gói sô-cô-la Thái Lan, giấy bọc màu vàng, in hình con voi ngậm một bông hoa hồng, giá bằng bát phở tái Tràng Tiền. Liên không nói gì. Hết giờ học cho vào túi, cũng chẳng lên tiếng cám ơn. Bọn con trai không phản ứng, có vẻ như không ngạc nhiên. Trên xe buýt về nhà, Liên gặp một đứa con gái học khóa trên. Nó bảo nó cũng được một phong kẹo lạc. Sau đó cả hai cùng im lặng. Bốn mươi lăm phút trên xe buýt dài vô tận. Hai đứa tránh nhìn vào mắt nhau.»
Dùng những từ ngữ giản dị nhất để nói những khái niệm phức tạp nhất, không diễn văn không tu từ không ẩn dụ, đó là nỗi đau của Thuận. Đằng sau những dòng chữ là im lặng, âm vang, khoảng trống. Là những điều không thể nói thành lời. Sức mạnh của Paris 11 tháng 8 chính ở trong trận chiến không phân thắng bại giữa nói và không nói. Nhưng có lẽ đó là một điều xa xỉ đối với những ai đang mải viết báo Tết kiếm tiền chơi Xuân như Phạm Xuân Nguyên.
Chú thích:
[1] Xem Nguyễn Đăng Thường, «4 bài không thơ», trong tập Khoan cắt bê tông, tuyển tập tự do xuất bản vào tháng 9-2005 tại Sài Gòn. Bản thảo do Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi và Phan Bá Thọ phụ trách. Chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Chát.
14/12/2005
Đoàn Cầm Thi
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...