Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Thư ngỏ gửi bà Dư Thị HoànXXX

Thư ngỏ gửi bà Dư Thị Hoàn

Thưa nhà thơ Dư Thị Hoàn,
Thoạt đọc bài trao đổi của bà, tôi đã hơi bị cảm kích. Như tôi thấy thì văn của các nhà thơ thường có nhiều cảm động bộc trực, dù là vui hay bực khen hay chê thì cũng có thể khiến cho cái kẻ được lĩnh ý phải có chút nao lòng. Nhưng chắc bà cũng biết một điều rằng phàm đã là các văn bản có chủ đề - từ một bài luận học trò cho đến một cái truyện, một bài thơ v.v. - thì tất phải hết sức tránh những chi tiết khiến cho toàn bộ văn bản ấy thành ra “sai một li đi một dặm” hay thành ra “vạch áo cho người xem lưng”. Tôi rất lấy làm tiếc là trong bài trao đổi của bà lại để xảy ra sai sót cỡ ấy.
Sai sót của bà nổi cộm nhất ở chỗ bà khẳng định rằng: “ảo ảnh không phải hiện tượng vật lý”. Nếu bà vẫn khăng khăng như thế thì xin bà xem lại phần Quang học trong sách giáo khoa Vật lý phổ thông trung học hoặc tìm xem ở các sách phổ biến khoa học Vật lý. Tuy nhiên, sai sót này chỉ làm trầm trọng trong bài viết đó của bà mà thôi. Bà có thể yên tâm rằng dù có phủ nhận tư cách hiện tượng vật lý của ảo ảnh thì bà vẫn có thể đi lại, đứng ngồi và quan trọng hơn là vẫn có thể viết, vì vẫn còn cái hiện tượng vật lý gọi là ma sát. Không có ma sát thì chúng ta “toi” rồi. Nhưng chẳng may mà không biết có ảo ảnh thì vẫn tạm yên tâm được.
Khía cạnh trầm trọng của cái sai sót nói trên của bà không nằm ở chỗ là một cái lỗi về kiến thức khoa học phổ thông. Một sai sót như thế nói lên rằng bà đã coi nhẹ tính khách quan đến mức ấy! Trong khi đó thì tính khách quan lại chẳng bao giờ bỏ rơi bà hay tôi hay bất cứ ai bao giờ. Ở trình độ đơn giản phổ biến thì tính khách quan nằm ở mọi thứ quanh ta, gần thì ở thỏi son môi của bà chẳng hạn, xa thì ở đám mây trên trời chẳng hạn, v.v... Nhưng ở một trình độ tạm gọi là ít đơn giản hơn, tính khách quan nằm ngay trong con người bằng xương bằng thịt, ngay trong cái tinh thần không hình thù mùi vị màu sắc của ta vậy.
Bà có cho rằng những gì mình mong muốn đều có tính chủ quan không? Tôi tin rằng nhiều người nghĩ như vậy. Và điều tất nhiên là chẳng có ai mong muốn bị đau ốm trong thể xác, sai sót trong tinh thần. Cái bè bọn đau ốm/ bệnh tật và nhầm nhọt / sai sót ấy thông thường vẫn khoác tấm áo của tính khách quan, dẫu sự thực lù lù là nó nằm ngay trong/cùng chỗ trú ấm áp của cái tính chủ quan kia. Và chuyện hay xảy ra là: Ðôi khi ta nhầm lẫn sai sót, ta bèn đưa mắt ra hiệu và ngay lập tức ta đã có tính khách quan ở bên rồi. Ta thân thiện hay bực dọc chỉ tay vào mặt nó mà bảo rằng tại mày đấy, khách quan!
Và chuyện thường xảy ra là tính khách quan vẫn câm như hến trơ như đá. Có một lần như thế, tôi bỗng nghe nó bảo rằng: Nếu ngươi ném sai lầm vào ta thì người sẽ lại tìm thấy cái sai lầm ấy trong túi ngươi hay trong bụng ngươi, còn nếu ngươi biết để lại cái sai lầm ấy trên tay ngươi thì yên tâm đi, khách quan sẽ xem xét.
Bà có tin điều ấy không? Tôi không biết. Ðiều tôi biết là tất cả những gì tôi biết đều do được dạy rằng phải biết kính trọng tính khách quan. Ðiều tôi biết qua bài trao đổi của bà là trong bài viết đó bà đã coi nhẹ tính khách quan đến thế và cho dù như thế thì cái tính khách quan đang bị chê bai ấy vẫn không hề hấn gì. Và điều tôi biết qua bài trao đổi của bà là vì coi nhẹ tính khách quan nên bà đã sai lầm trong tất cả những điều mà bà tưởng là bà đang phê phán.
Bà cho rằng không có cái gọi là “suy nghĩ cảm tính”. Bà nói rằng “bộ não” “lọc” “sự vật” “tức là suy nghĩ rồi”, “không còn là cảm tính nữa”. Tôi thấy bà coi “bộ não” như cái “phin” còn “sự vật” như cà phê bột, suy ra “suy nghĩ” như là dung dịch cà phê. Nghĩa là có thể suy diễn một cách trực tiếp và hợp lý rằng: “Bộ não” lọc “sự vật” (khách quan) thành ra “suy nghĩ” (chủ quan). Xem ra, bằng một suy luận như thế, bà đã vận dụng một lối suy diễn Nhân-Quả nhưng lại sai lầm. Trong lập luận đó của bà, “sự vật” là Nhân (“lọc” qua “bộ não” ) sinh ra “suy nghĩ” là Quả. Theo bà thì như vậy sẽ không có chỗ cho cảm tính. Hẳn bà biết câu “Nhân nào quả ấy” và qui tắc “Nhân sinh quả diệt, quả sinh nhân diệt”. Nhưng hẳn bà không suy nghĩ rằng cái chuỗi Nhân-Quả mình đưa ra sẽ đi đến đâu. Bà hãy thử nghĩ xem cái gì đưa “sự vật” vào trong “bộ não” và cái gì bảo “bộ não” “lọc”, bảo “bộ não” phải “lọc” ra sao? Liệu cái đưa “sự vật” vào “bộ não” để “lọc” là cái “suy nghĩ” chăng, hay là “cảm tính” chăng? Liệu có còn cái gì khác có thể đưa “sự vật” vào “bộ não” để mà “lọc”? Nếu “sự vật” là Nhân thì Quả của nó cũng phải có tính “sự vật”; nếu Quả là “suy nghĩ”, tức là không có tính “sự vật”, cũng tức là Nhân này mà Quả nọ thì có còn mối quan hệ Nhân-Quả nữa không? Nếu Nhân không khác Quả thì có phải “cảm tính” là Nhân không? v.v...
Thưa bà kính mến, đấy chỉ là trình bày vắn tắt ứng dụng một phép logic cổ xưa, truyền thống và đầy tính khách quan. Tôi xin chưa dám viện đến những quan niệm hiện đại về “suy nghĩ” và “cảm tính”, đến những gì mà khoa học thời nay đã bảo cho ta biết về “bộ não” và “xúc cảm” v.v... Mong bà đừng coi những khái niệm như trên chỉ là mặt chữ. Tôi mạo muội cho rằng chỉ cần bằng logic Nhân-Quả, chỉ bằng vào mặt chữ, tôi hoàn toàn có thể chứng minh tất cả các luận điểm trong bài trao đổi của bà là sai lầm. Cũng mong bà tin cho rằng nếu bất chấp tính logic khách quan thì không thể nói đến bất cứ một phép tu từ nào cả, và những chuyện như “La Mã” hay “thôi-xao” thì còn xa vắng hơn nhiều.
Cuối cùng, tôi xin một lần nữa nói rằng tôi đã trao đổi với bài viết của bà về bài phê bình của tôi với tất cả lòng tôn trọng. Nếu bà vẫn cho rằng bà thật sự đã có tính khách quan thì không cứ gì một cái “rìu”, bà có thể “mượn” luôn cả đôi búa của Trình Giảo Kim để “múa”, nhưng chỉ trước mắt tôi thôi. Cái ông “một nhà phê bình nghệ thuật nọ” ông ấy đang bận xem tranh, chắc là không xem Bóng đè. Tôi không trích dẫn nguyên văn ông ấy, chỉ xin ông ấy một ý tứ thôi, cho nên cũng xin không nhắc tên kẻo phiền đến người ta. Về phần tôi, từ ngày đọc tập Lối nhỏ của bà tôi vẫn luôn có ý kính trọng. Tôi thấy bà thẳng thắn trong thơ. Tôi thấy ở đó chỉ có cái “bóng” thật của bà mà không có cái “bóng” nào khác. Vậy nếu tôi có sơ suất gì cũng mong bà bỏ quá cho. 
21/10/2005
Nguyễn Chí Hoan
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Tô Hoài – Cây đại thụ văn học thiếu nhi 12 Tháng Chín, 2022 Có những nhà văn giời phú cho nhiều tài năng nên ở lĩnh vực nào ch...