Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Ðọc Xứ nắng của Lê Thị Thấm VânXXXX

Ðọc Xứ nắng
của Lê Thị Thấm Vân

Tiểu thuyết Xứ nắng đánh dấu lối rẽ mới, hoặc nói theo một cách khác, là một cuộc lột xác trong bút trình của nhà văn Lê Thị Thấm Vân. Ðề tài mới. Cách dựng truyện mới. Cấu trúc mới. Khí hậu (climat) mới. Bút pháp cũng mới luôn. Có thể nhiều độc giả sẽ nhăn nhó khi đọc một vài chương trong tác phẩm. Họ như bị ánh đèn pha lóa mắt và hỗn láo tạt lên mặt, khiến họ choáng váng và xây xẩm.
Trước khi đi vào tác phẩm, xin quý vị đọc những lời giới thiệu giản lược ở bìa sau, dưới tấm ảnh của tác giả:
“Xứ Nắng nói lên những thao thức, tìm kiếm về cội nguồn, thân phận mà chúng ta thường chạm mặt nơi những phụ nữ gốc Á Châu lớn lên tại Hoa Kỳ. Giữa những di tích của thế giới cũ, của truyền thống, Xứ Nắng biểu hiện một vươn mình xác quyết cá tính, sức mạnh cũng như khát vọng của người phụ nữ trong một thế giới mà đa số những giá trị cố hữu đang được nhìn lại.”
Cốt chuyện trong Xứ nắng quá gầy gò ít ỏi. Chỉ là chuyến về thăm Dục Mỹ của một nữ nhân vật xưng tôi, nơi đó gia đình bên chồng của cô ta hiện đang cư ngụ.
Như thế, cội nguồn trước hết phải hiểu theo nghĩa đen: đó là quê hương đất nước Việt Nam. Còn thân phận ở đây là thân phận kẻ vì vận nước mà phải vong gia khứ quốc. Tác giả đã viết như sau:
“... Yêu thương có cần phải học không?
Hiểu biết, trí tuệ có giúp con người đỡ ra hay tệ đi? Có phải bớt nghèo khổ thì con người đối xử với nhau tử tế hơn không?
Tôi chập chờn thấy mình trôi tuột theo dòng văn hóa Việt. Trở về nguồn cội, tấm lòng mềm nõn như lá tre lá ổi lá dừa. Sự thủy chung như đất cát ngàn năm phơi mình trong biên giới quê cha đất mẹ. Tôi không có sợi giây nối từng khúc ruột liền nhau, hay cuộn tròn, hoặc thắt gút, buộc chặt lòng. Tôi tìm về Việt Nam qua sách vở, kinh nghiệm dòng họ, gia đình và chồng.” (trang 132)
Người cha chồng đã khuất núi từ khi độc giả bước vào tác phẩm. Còn người mẹ thì mất trí mà nữ nhân vật xưng tôi gọi là người đàn bà không đầu (không còn đầu óc nhận biết và phán đoán). Tác giả nhắc lại mẹ chồng hồi còn xử nữ bị ông chú họ cưỡng bức, ôm hoang thai. Ðẻ xong đứa con gái thì bà đem cho kẻ khác. Bà căm tức xé nát tấm ảnh Ðức Mẹ Ðồng Trinh và vứt xuống cầu tiêu. Rồi bà lấy một người đàn ông có gia cảnh và địa thấp kém hơn gia cảnh và địa vị của bà. Chồng bà nghiện rượu, hễ khi nào say sưa là chửi bới vợ và nhắc lại cái lỡ lầm không cố ý của vợ. Trong việc bà thất thân với ông chú họ, ông chồng bà chưa hề biết bà chỉ là nạn nhân chứ không phải là tội nhân.
Trong 5 người con trai thì người con trai đầu lòng tên Tịnh, một tân binh quân dịch chết vì viên đạn bất cẩn của tên bạn đồng khóa lúc thử súng. Người con trai thứ hai tên Quyến bỏ nhà đi hoang rồi biệt vô âm tín. Người con thứ ba tên Ðức, chồng của nữ nhân vật xưng tôi, được may mắn nhất trong 5 anh em, được di tản sang Hoa Kỳ và được ăn học chu đáo. Người con trai thứ tư tên Trinh đẹp nhất trong anh em, rủi thay khi làm nghĩa vụ quân sự bên Căm-pu-chia bị miểng đạn pháo làm toạc một mảnh da mặt và trở nên xấu xí vì bị khâu vá cẩu thả. Còn người con trai út tên Hoán có tật bẩm sinh: một chân đương sự chỉ có thịt mà không có xương, đương sự lại câm nín, lầm lì, ngô nghê... và thuộc loại gay nên có lần đánh cắp son đỏ và quần lót của chị dâu mình để làm đỏm. Trong truyện, cha chồng cùng hai người anh chồng vắng mặt ngay từ đầu, và chỉ được tác giả nhắc sơ qua vài dòng.
Người chồng tên Ðức được kể lại ở mấy chương đầu trước khi nữ nhân vật xưng tôi chưa về thăm Dục Mỹ. Nhưng về sau anh không xuất hiện theo chiều xuôi của diễn biến câu chuyện. Anh chỉ được nhắc nhở loáng thoáng trong những mảnh vụn của ký ức nữ nhân vật chánh kia khi cô ta còn ở Dục Mỹ. Ðây là kẻ tuy thành công nhất trong 5 anh em, nhưng cũng không tránh khỏi một vài bất hạnh khá quan trọng trên đường đời. Anh ta lấy cô vợ Mỹ tên Melissa. Một hôm anh từ sở về nhà sớm, bắt gặp nàng và cô bạn chung của hai vợ chồng anh đang hành dâm với nhau. Sau cuộc ly dị, anh được giữ đứa con gái tên Alyssa và rồi tái hôn với nữ nhân vật xưng tôi. Anh ta nuôi mộng viết văn. Nhưng tác phẩm anh không được nhà xuất bản nào đón nhận; rốt cuộc nó vẫn chỉ hoàn bản thảo. Anh ta về Dục Mỹ thăm mẹ 3 lần. Tiền anh gửi về phần lớn chui vào cuộc rượu chè say sưa của ông bố. Sau khi ông ta nằm xuống, mẹ anh dần dà điên loạn. Người con hiếu thảo trong gia đình đó vì gánh nặng, thêm chuyện đau lòng về cô vợ Mỹ, nên mang tật nói mớ những câu bí hiểm liên tu bất tận trong giấc ngủ. Xin cùng đọc 3 lần về thăm nhà của Ðức dưới ngòi bút buồn thảm và thương tâm của Lê Thị Thấm Vân:
“Lần về thứ nhất.
Ðàn bà ba miền bận áo thâm quần đen như nhau, nhưng anh nhận ngay ra mẹ. Mẹ níu áo anh, hít hà da thịt anh. Con về đây hả Ðức? Mẹ không tin là còn sự sống. Phải là phép nhiệm mầu. Ngày đầu tiên về, những con đường cụt Dục Mỹ không một làn gió. Ngày cuối anh rời, trời mưa làm đất Dục Mỹ dẻo quẹo, trồi lên giữa những kẽ chân.
Lần về thứ nhì.
Còn một chút nhận ra. Những gói vải lụa, xoa, sa-tanh, mỹ-á mẹ gói gọn, xếp ngay ngắn, cuộn chặt cất dấu trong rương. Sao mẹ không may mà mặc? Anh nói, vừa thương xót, vừa bực bội. Ðể dành. Mẹ nói nhỏ. Mẹ để dành cho ai? Mẹ nhìn anh bối rối lẫn lấm lét. Anh nhói dạ. Mẹ xem áo mẹ đang mặc sờn vai, bẩn thỉu, hôi... Anh nghẹn. Thì mặc lâu ngày sờn vai, bẩn thỉu... Mẹ định nói gì thêm, nhưng thôi, rồi cười. Những chiếc răng còn lại dơ bẩn hơn cả màu áo mẹ đang bận. Cái hang sâu hoắm luồn sâu vào cống rãnh. Bốc mùi. Bao lâu rồi mẹ chưa tắm?
Anh cầm tay mẹ dẫn vào nhà tắm. Hứng nước đổ đầy thau, cởi áo cho mẹ rồi ra ngồi đợi trước cửa nhà tắm. Chưa bao giờ cổ anh đắng ngắt như thế. Nước mắt anh cứ thế trào ra.
Anh nghe tiếng nước xối, nhè nhẹ, đứt quãng. Mẹ ơi... mẹ ơi, anh gọi. Mẹ trở ra, đầu không ướt nước, lại cười, hở lợi, anh cười theo. Bộ đồ mới, nếp gấp sắc nhọn. Mẹ đừng để dành, rách con may thêm cho mẹ, mẹ nhé!
Anh nghĩ tới ngày xưa. Giờ đã xa như tuổi ấu thơ. Anh muốn nói một câu sâu tận đáy lòng nhưng không thể, không được, và sẽ chẳng bao giờ có dịp, có cơ hội... Hoàn toàn bất lực. Những tấm áo cũ đắp vá, móng tay cáu bẩn, ghẻ mụn tanh hôi, dép đứt quai, nước dãi mũi, quẹt cánh tay trần. Tuổi thơ của con, của anh em con, của gia đình mình, mẹ ơi!
Lần về thứ ba.
Cả quần cả áo cả tóc cả móng tay móng chân lông cáu ghét cân nặng chưa tới 70 pounds. Người đàn bà đó là mẹ anh ư? Ðầu bà còn đó, nhưng bà không còn đó. Bà còn, bà còn, phải bà còn đó. Tự trấn an dỗ lòng. Phải còn có cái gì chìm sâu khuất nẻo trong đầu bà chứ? Giòng máu, tế bào luân lưu di chuyển trong thân xác bà chứ!
Nhiều đêm anh nằm cạnh mẹ, mẹ như con mèo lả bệnh, gói gọn mất hút trong anh. Sáng sớm choàng thức, lông bám đầy hai cánh tay anh. Mùi khắm chua tanh.
Nhiều đêm. Anh nghe tiếng mẹ gọi. Từ tinh cầu gió. Lồng lộng gió. Chứa toàn gió. Con ơi! Ðức ơi!
.....
Một sáng, anh xổ tung khăn đầu mẹ, trời ơi! một ổ chấy, cả rừng chấy lúc nhúc, đen, nâu, nhạt... anh ghì... chấy rơi rụng rớt níu lấy nhau, níu lấy mẹ, níu lấy anh. Buông mẹ ra. Người anh toàn chấy.
Thế giới chấy hút hết sức lực, máu thịt mẹ. Những sợi tóc loe hoe không sắc màu. Cả đời anh chưa một phút hình dung. Những mái tóc con gái, đàn bà anh từng đặt tay vuốt vò ghì hôn rậm rạp, dầy mỏng, thưa thớt, quăn tít, mỏng manh, thời trang, nhuộm màu, uốn ép, dài ngắn, bù xù, cũn cỡn, thẳng đuột....
Còn tóc mẹ anh!
Anh kiếm cái kéo. Hớt sát chân tóc. Mẹ ngồi yên, ngô nghê. Anh gội đầu cho mẹ, mẹ ngồi yên. Những đầu ngón tay anh nham nhám. Cả thế giới chấy rơi tuột xuống cống rãnh, sau hiên nhà.
Anh quên mất nụ cười của mẹ.
Anh quên mất giọng nói của mẹ.” (trang 48-50)
Tuy không là điểm then chốt trong Xứ nắng, nhưng dục tình vẫn là điểm quan trọng làm chúng ta phải nghĩ ngợi về sự thèm khát hành dâm giữa cậu Trinh và nữ nhân vật xưng tôi. Chúng ta không hiểu nữ nhân vật thèm muốn Trinh do động lực nào, yếu tố nào, nguyên nhân nào thúc đẩy. Trinh là đứa con trai đẹp nhất nhà trong đám ngũ hổ. Nhưng đó chỉ là lời bà mẹ nói ra. Ðến khi nữ nhân vật xưng tôi gặp gỡ thì Trinh mang vết tàn phá bên nửa khuôn mặt. Cậu ta nói ít, suy nghĩ ít, hiểu ít, hơi ngu ngơ. Có thể có độc giả cho rằng nữ nhân vật xưng tôi mang bệnh cuồng dâm (nymphomanie), vắng đàn ông thì chịu không nổi cơn ngứa ngáy nhục dục hành hạ. Nhưng có một điều mà chúng ta khó lòng phủ nhận: cô ta thương xót cuộc đời lận đận, nhục nhằn của Trinh. Ở đây, tác giả chừa một khoảng trống trong câu chuyện để độc giả lấp đầy sự suy nghĩ và những điều tưởng tượng của riêng mình. Về phần Trinh cũng vậy. Tác giả cũng không nói thôi thúc nào đưa cậu ta thèm khát chị dâu mình. Ðộc giả tha hồ đoán mò một cách giận dữ (về tội loạn luân của cậu ta). Hoặc họ xót xa tội nghiệp cậu ta vì xấu xí nên chưa toại nguyện việc thỏa mãn dục tình với một cô nào, trong khi người chị dâu xinh đẹp cậu ta là kẻ từ đất nước Hoa Kỳ về thăm nhà chồng, mang theo cái phong thái văn minh và sức cám dỗ mãnh liệt.
“Lại thêm một trận mưa rào. Mưa chảy ào ào dọc theo máng xối. Âm thanh vỡ òa. Tiếng chó tru một hơi dài. Tôi thiếp đi...
Không biết bao lâu... Thời gian.
Có cái bóng ai đó đứng đầu giường. Cái bóng vuốt ve mái tóc chảy dài của tôi. Ðêm im lắng. Sâu thẳm. Người đàn bà cụt đầu? Không phải. Không thể nhẹ nhàng và run rẩy như thế. Bàn tay của ai? là ma hay quỷ? Tôi đang mê hay tỉnh? Mặt tôi giáp vách. Tay trái duỗi theo thân hình. Bấu mạnh vào da, có cảm giác. Cảm giác truyền nhận đến trí óc. Mùi đàn ông. Mùi đất-đá-khói-súng-máu-lửa. Bàn tay đói tình. Bàn tay của Trinh.
Tôi nằm yên như thế. Chắc nịch và chính xác.
Bàn tay vuốt ve. Ôi! rất đỗi mềm mại.
.....
Cái mùng khẽ lay động.
Ai đã bỏ cục đá lạnh vào lò nướng? mà đá vẫn còn nguyên.
Bàn tay vuốt ve mái tóc, chạm khẽ vai trần. Im lặng, nín thở, tích-tắc-tích-tắc-tích-tắc.
Tôi chờ đợi một tiếng rú, tiếng thét, tiếng nổ, tiếng gào.
Bàn tay khẽ vuốt mạnh. Cái vuốt mạnh bất thường làm chân phải tôi co giật. Bàn tay rút nhanh. Cái lò xo bật tung. Cái bóng phóng nhanh.
Tôi mở mắt. Bóng phóng là Trinh.” (trang 92-93)
Một tác phẩm có nhiều đoạn nóng bỏng tình dục là cái cấm kỵ bén nhọn nhất đối với những kẻ hay hổ thẹn, quen thói đạo đức giả lỗi thời. Lại nữa, còn vụ chị dâu và em chồng nghĩ đến thú cụp lạc nhau, cái mà người Việt Nam chúng ta từ nghìn xưa tới ngày nay cho là loạn luân, là phi đạo đức. Và lại nữa, cái chiêu cảm lạ lẫm của nữ nhân vật xưng tôi rất oái oăm đối với những kẻ có tâm địa hẹp hòi, thiếu thông cảm, khi họ gặp đoạn cô ta áp mặt vào hạ bộ mẹ chồng. Cái chiêu cảm đó không giống cái chiêu cảm phổ quát của đa số độc giả. Nó làm cho những ai mang sẵn thói quen bất biến bị đóng khung trong cuộc sống đầy dẫy nguyên tắc nầy phải nhăn mặt, nếu không bảo là lợm giọng. Dù đoạn này được tác giả tô phết một lớp mạ vàng bạc bóng bảy đi nữa, được trang điểm với vài câu thời thượng đẹp như nạm ngọc đi nữa, nhưng lối miêu tả lạ hoắc kia vẫn đứng lạc lõng ngoài vòng ấn tượng và ngoài cõi cảm nhận của họ.
Về tình dục, lúc đầu tác giả còn viết một cách dè sẻn, còn phân vân về những cấm kỵ do nguyên tắc đạo đức đặt ra, nhưng càng về sau, chị càng tuôn ra hơn, rỉ rả nhưng cũng đủ thấm ướt ấn tượng người đọc. Tình dục hiện diện trong tác phẩm, lạ thay không khích động cái thèm khát ái ân của những tâm hồn độc giả nhạy cảm. Nó chỉ nêu lên những điều rất nhân bản, và nhất là làm độc giả cảm thấy bi thiết về những cái yếu đuối, những nhu cầu thúc bách một cách tội nghiệp của thân xác con người. Ðây mới là cái kỳ đặc nâng cao giá trị của tác phẩm chứ không hạ thấp tác phẩm xuống hàng dâm thư như bọn đạo đức giả đánh giá qua một thành kiến nghiêm khắc và qua sự ương ngạnh thô bạo. Công việc này chẳng mới mẻ gì. D.H. Lawrence (David Herbert Lawrence) qua cuốn Lady Chatterley’s Lover, điện ảnh gia kiêm nhà văn Elia Kazan qua cuốn The Arrangement (Nguyễn Hữu Ðông dịch thành Trở lại thiên đường), Roger Peyrefitte qua cuốn Roy, nữ sĩ Pháp Régine Desforges qua cuốn Blanche et Louise cũng đã viết về cái sex, những thảm kịch hay thiên lương xoay chung quanh sex. Kẻ thì dùng sex để ca ngợi khía cạnh tích cực của sự sống, còn người trình bày cái tiêu cực của nó. Nhưng dù trình bày cái tích cực hay tiêu cực của sex, các nhà văn này đều muốn tìm lại nhiều điều nhân bản của con người hiện hữu trong tác phẩm mình. Xin cùng đọc đoạn nữ nhân vật xưng tôi cùng Trinh trên đường từ nghĩa trang trở về nhà:
“Tôi ôm chặt người Trinh, hai bầu vú áp sát lưng Trinh. Cho Trinh đỡ sợ và tôi không bị ngã. Một thoáng giây vụt hiện đến, tôi biết, biết mình không nên làm như thế.
Ở Việt Nam, nhiều điều không nên làm như thế.
Ở Việt Nam, tại sao làm như thế.
Ở Việt Nam, không dự định, không sắp đặt, không biết trước. Bước chân kế có thể rơi lọt xuống hố sâu.
Giờ thì tôi biết tôi đang ôm sát người Trinh. Trên đường từ nghĩa địa về nhà. Nghĩa địa nơi có bố chồng anh chồng đã rục xương rã thịt. Con dâu, em dâu sao chẳng thắp cho một nén hương. Khấn vái trò chuyện thủ thỉ đôi câu.
Mặt trời hung dữ. Ðầu tôi nhức buốt. Tôi nhắm nghiền mắt, áp mặt vào vai Trinh. Tôi cần chỗ tựa. Nhưng sao...
Hai tai tôi vẫn vểnh như tai chó.
Hai mũi tôi vẫn thính như mũi chó.” (trang 86)
Nữ nhân vật xưng tôi về thăm quê chồng nhưng không có chồng theo. Cậu em chồng tên Trinh cứ quét cặp mắt thèm thuồng khắp người nàng. Và ý nghĩ thông dâm và hành lạc với cậu ta cứ ám ảnh cô chị dâu không ngớt. Ở đây tác giả diễn tả bóng bảy, nhưng chị không để cho ai muốn hiểu sao thì hiểu. Có thể là nữ nhân vật xưng tôi muốn để cho Trinh cụp lạc với cô ta trong cái đêm Trinh ngủ gần chỗ ngủ của cô ta. Nhưng không bao giờ tác giả để cảnh thông dâm thực sự xảy ra. Cảnh ấy cũng chỉ thuần túy được phác họa, hoặc chỉ được vẽ vời chập chờn trong cõi mường tượng và trong cõi tưởng tượng khao khát của cô ta, như lúc cô ta đi chơi với Trinh trong chốn hoang sơ tịch mịch. Cái loạn luân chỉ trong ý nghĩ, trong cái thèm muốn của Trinh và của cô ta mà thôi.
“Gã con tai nằm dưới kia, cách tôi một cái xoạc chân, qua lớp mùng mỏng, tựa sương khói. Màu da đất nung.
Vẻ ngu ngơ khờ khạo của hắn càng làm tăng cơn cám dỗ tột đỉnh. Ðành chịu. Chắp hai tay ép giữa đùi, quặn cong người. Co thắt. Nhắm kín mắt, nuốt ực ngụm nước miếng.
Họng núi lửa phun trào.
......
Tiếng heo ré, xé toạc màn đêm, xé toạc tôi.
Một góc nhỏ trên mặt đất này. Sự thể bùng vỡ bất ngờ. Khuôn mặt gã con trai với một nửa bên vết sẹo khâu vá vội vàng. Một mạng sống. Nghĩ ngợi, muôn vàn nẻo lối bào chữa cho mình, như giống đực cả hàng ngàn năm. Mê gái chân quê, nông thôn, nhà mùa, mùi mạ non, gót chân lấm phèn chua, tẩm mùi biển mặn. Ai ban cho họ đặc quyền, sao không là mình? Trinh, gã thanh niên ngô nghê, khờ khạo, xỏ mũi, nói ít, hiểu cũng ít. Mãnh lực hấp dẫn hay tội tình tội nghiệp? hay chỉ lưu giữ tôi qua cơn hoảng loạn nơi chốn này?
Và góc tối, là kẻ đồng lõa.
Thôi chịu, cứ để tuôn chảy như đê vỡ. Ðời sống nơi đây từng khắc, từng giây kéo dài. Sống tự nhiên, hết mình. Lên rừng đào đất tìm đá. Thời đất trời sơ khai. Không thành kiến. Không lý giải. Không phân biệt. Không luận cứ.
Thằng Út thích tô son đỏ, bận quần lót lụa màu hoa cà, đã sao?” (trang 106-107)
Ðoạn nhân vật nữ tự mình làm cho mình khoái lạc (la masturbation) dù chỉ được diễn tả bóng gió, nhưng cũng đủ gây sửng sốt bàng hoàng cho những độc giả chưa bao giờ tiếp xúc với văn chương táo bạo. Tác giả không diễn tả rõ chủ đích của mình. Chị như con ruồi bò lòng vòng quanh miệng hũ, miệng chén rồi mới rón rén buông mình vào lòng hũ, lòng chén. Nhưng tới điểm đích, chị giáng xuống những chữ thật nổ vang dội, những cụm từ rất tượng hình. Công việc gây cái thẩm mỹ va chạm (esthétique de choc) sau cách diễn tả ý tình một cách quanh co khéo léo ấy phát xuất từ óc tế nhị bén nhạy của tác giả. Bởi thế nó gợi lên nét phóng bút sỗ sàng và hùng tráng trên nền giấy vẽ mờ vóc gấm bóng hoa:
“Tôi đi vào phòng tắm, lần mò như kẻ bị móc mắt, nhưng cũng quyết chí đi. Như kẻ vượt tù, tin chắc rằng chân trời chỉ cách mình một cái nhảy cao. Vượt biên, thõng chân xuống nước là chạm phải mặt đất. Cậu Thịnh kể chuyện vượt biên tám lần mới lọt, lần nào cũng như xem phim trinh thám. Còn tôi đây, đang dọ dẫm bước từng bước trên thềm xi-măng, lòng bàn chân mát lạnh, tay bám vào những gì có thể bám. Thần trí lùng bùng. Ði theo tiếng gọi của thể xác, trong tôi. Thằng Út nằm phơi mình ngoài sương đêm. Cu nó có ngổng không? Nhưng biết chắc một điều, khi nằm, nó bình đẳng như mọi người. Bước qua Trinh, tôi dừng, tích-tắc, tích-tắc từng lỗ chân lông bung nở, tỉ tỉ sự sống cựa quậy. Bước thêm bốn bước, rẽ trái. Bóng đêm đồng lõa, gió đêm rủ rê, khoảng sân mờ ảo mời mọc. Ðầu gối đụng phải bàn ăn, tôi cắn chặt môi dưới. Băng qua bếp, mùi thức ăn trong bóng tối xông ra, đầu đụng chùm nem chua treo lủng lẳng như bùa chú. Tôi dừng, định thần, tiếng mèo hoang phóng nhanh trên mái nhà. Trăng sao biền biệt.
Cánh cửa phòng tắm bật tung...
Tôi chịu hết nổi, tuột gấp quần, chỉ kịp qua khỏi đầu gối. Tôi ngồi bệt xuống sàn xi măng ẩm nước, góc tường lạnh thấm qua lưng, hất cái ghế đẩu nhựa sang một bên, ngón tay tôi run run đút sâu... luồn lách qua từng thớ thịt khe rãnh nhầy nhụa ấm nóng. Sóng cuồn cuộn trên vũng bụng. Ngón tay hút chặt. Ðầu môi con bạch tuộc. Tôi biết tôi muốn gì, làm gì, ngay trong giây phút này. Tôi hoàn toàn thuộc về tôi. Cái quẫy mình của con kình ngư.
......
Thân thể tôi giãn nở
mười ngón chân hết cứng đơ
vũng bụng thôi cuộn sóng
tất cả rũ mềm như giải lụa
chậu nước tỏa hơi mát
tôi mỉm cười trong đêm. Tin chắc rằng, bên kia bức tường, rào cản, trời đêm mọi sự đều đơn giản, thanh thoát như hương hoa sứ đang độ giữa mùa.” (trang 126-127)
Nữ nhân vật chánh của Lê Thị Thấm Vân có một hành động quái dị (dĩ nhiên dưới mắt độc giả có thành kiến phổ thông và ương ngạnh) và một chiêu cảm đặc biệt khi cô ta săn sóc mẹ chồng. Cô ta không ngần ngại ngửi cửa mình của bà. Ðối với một con người có chút khái niệm về nhân bản thì nó là một hành động bình thường, giúp chúng ta tìm về cội nguồn sự hiện hữu của tha nhân, luôn cả của chính mình. Còn đối với người mang tấm lòng Từ bi của đức Quán Thế Âm Bồ-tát thì nó mở rộng một chân trời khoáng đạt và mênh mông trong tâm thức: cái dơ và cái sạch, mùi hôi hám hay hương thơm không còn là mặt trái cùng mặt phải của một đồng tiền nữa. Biên giới hai cái đối nghịch xóa nhòa để tình thương vô biên và sự xót xa tội nghiệp thâm thúy cùng hiển lộ rực rỡ như nhau. Và đây có phải như lời tóm lược ngắn nếu hiểu qua khía cạnh văn chương nhân bản in ở bìa sau hay chăng?
“Xứ nắng nói lên những thao thức, tìm kiếm về cội nguồn, thân phận mà chúng ta thường chạm mặt nơi những phụ nữ gốc Á Châu lớn lên tại Hoa Kỳ.”
Xin cùng đọc đoạn văn sau đây để thấy rằng nhân vật nữ xưng tôi đáng quý mến dường nào. Và để thấy luôn cái thần trí sáng tạo rất mạnh mẽ và tinh nhuệ của tác giả:
“Người đàn bà không đầu ngồi thõng chân trên cái mả hoang ngoài mé sân trái, qua ô cửa sổ tôi nhìn ra. Nắng chiếu như hào quang vây tụ quanh cổ người đàn bà. Màu nắng ban mai rỡ ràng, vàng óng, tuôn chảy như mật.
Hai thằng con trai độc thân của bà hiện hữu đâu đó trong căn nhà này.
Miếng đất mua lại. Chủ chính đã mất xác trên đường vượt biên. Miếng đất chia làm hai phần. Nửa kia không có mả, nửa này dính hai cái mả có sẵn từ đời nào. Của ai? chịu, không ai biết. Không tên tuổi, cũng chẳng ai cất công tra hỏi. Ðất Dục Mỹ vốn là đất hoang, đất tứ xứ. Có ma không? Tim tôi thót mạnh. Ma sống đang ngồi thõng chân ngoài kia kìa.
Mả còn ướt bởi hàng loạt cơn mưa rào đêm qua. Người đàn bà. Mẹ đẻ ra chồng tôi, nửa quả cam của tôi, nửa cuộc đời tôi, nửa hình hài tôi, nửa số phận tôi, nửa giọng cười tôi, nửa nghiệp chướng tôi. Bà ngồi đó, lưng xoay. Tôi rón rén bước ra, nắm tay bà, bóp những ngón tay thời gian đã lóc hết thịt. Tôi dắt bà trở vào nhà. Những lóng xương vụn, mềm nhừ. Bà chẳng nói chẳng nhìn. Hồn người nằm dưới mộ, có theo chân tôi vào nhà?
Tôi nói thằng Út lấy bộ đồ khác cho mẹ. Tôi lau khô thân thể bà. Hai núm vú khô đen chúc đầu như hai hạt nho phơi quá nắng. Những cái xương sườn như niềng xe đạp, lăn biết bao vạn ngàn vòng. Vài sợi lông khô khốc như cỏ nám, che chắn nơi đã đưa chồng tôi ra với đời sống này. Tôi áp mặt vào đấy, ngửi mùi đất-đá-súng-đạn-máu, mùi hơi thở chồng, mùi Alyssa mỗi khi bị sốt, mùi hơi mưa giữa đêm đông miền nhiệt đới.
Tôi ôm sát bà. Mũi cay nồng. Mẹ ơi, mẹ ơi, con đây, con về với mẹ đây... Có vật gì đó chận ngang cuống họng. Tôi thương bà và tôi thương tôi.” (trang 96, 97)

Chúng ta tự hỏi tác giả có gộp bà mẹ chồng của nữ nhân vật xưng tôi, mẹ ruột của cô ta và bà Mẹ Tổ Quốc thành một biểu tượng bi thương không? Cái khéo của chị ở chỗ kéo dài sự liên tưởng cho người đọc, phóng đại và phóng chiếu một hình ảnh tội nghiệp trong tâm tưởng họ. Trên vận nước nổi trôi, bà Mẹ Tổ Quốc chúng ta trải qua biết bao chặng lịch sử điêu linh, bà mẹ chồng trong Xứ nắng điển hình cho người mẹ gánh vác nhiều hệ lụy trên đường đời đến độ bị mất trí, xác bà tuy còn đó mà hồn bà đã đi đâu. Trong cái tâm Từ Bi của nữ nhân vật xưng tôi ấy, bà ta biến thành mẹ ruột của chính cô ta, soi rọi cho cô ta cái thân phận cực nhục của kiếp đàn bà.
Trong tác phẩm này, nữ nhân vật xưng tôi không phải là người trong cuộc. Cô ta cũng không phải là nạn nhân của nguyên tắc đạo đức, của những quy ước, của những khuôn khổ đã từng tước đoạt tự do tinh thần con người, của những bế tắc. Tất cả những cái gọi là nguyên tắc đạo đức, quy ước, khuôn khổ, bế tắc đó bây giờ đã mất hiệu lực, hao khuyết, lụi mòn, và phai úa hào quang tự bao giờ. Chúng do lớp người đi trước tự bao nghìn xưa đặt ra mà không chịu ngó về hướng tới của nhân loại, của xã hội.... Cô ta trước sau vẫn là nhân chứng, là kẻ dự khán thảm cảnh và không bị vướng mắc vào những cái nghiệt ngã đó. Và nếu có thể, cô ta cũng chỉ là kẻ nhập cuộc để chia sớt đau thương với người trong cuộc, chứ không thể cảm nhận thật sự và nguyên vẹn được nỗi đau sống thực của người trong cuộc. Xin đọc:
“Tôi ra đời đúng vào mùa xuân Mậu Thân, 1968, năm chấn động lịch sử. Huế, người sống bơi lội trong đất cát. Nấm mồ chôn người tập thể. Mỹ Lai đâu đó thuộc về Quảng Ngãi. Vết nhơ chiến tranh. Ðộc ác, bạo tàn, dù toan tính hay nhiệm vụ, ước mơ giải phóng, dân chủ độc lập, thế giới đại đồng. Ðàn ông trẻ con chó mèo heo chuột gào thét trong biển lửa ngút trời. Những con vật trốn chui trốn nhủi cả ngàn năm trong hốc đá giờ cũng phải tuôn ra đua với con người tìm sự sống.
Cái giá phải trả cho sự ước mơ ảo tưởng. Chân lý sụp đổ. Bi hài kịch hạ màn. Một thí nghiệm trả giá dân tộc thụt lùi thế kỷ. Hàng triệu thây người chết mắt không nhắm.

Mỹ quốc, 1968 là năm đánh dấu hàng loạt làn sóng cách mạng. Trong nhà ngoài ngõ. Phong trào phụ nữ đòi bình đẳng nổi lên mạnh mẽ, không tương nhượng nam giới trong mọi lãnh vực. Martin Luther King, Jr, lãnh tụ da đen với câu nói để đời I have a dream, bị ám sát. Robert Kennedy trẻ, đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, có cơ hội làm tổng thống Mỹ tương lai cũng bị ám sát. Hàng hàng lớp lớp sinh viên xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, thách đố Lyndon B. Johnson bằng khẩu hiệu: Hey,hey, LBJ, how many kids did you kill today?” (trang 10-11)
Nữ nhân vật xưng tôi là mẫu người ưa suy tư. Nếp suy tư ấy dựa trên cái bất hạnh của gia đình bên chồng. Từ đó hiển lộ những biến cố thương tâm trên dòng sinh mệnh của lịch sử; và cũng từ đó thiên lương và tấm lòng nhân đạo của cô sinh sôi và nảy nở sung mãn như nấm mùa mưa, như loài man thảo gặp thời tiết ôn nhuận.
“Cánh cửa địa ngục mở toang hoác, gió lạnh lùa kín miệng. Gió xoáy mạnh, thăm thẳm sâu, sâu hun hút, sâu như họng chó. Ðịa ngục, nơi chẳng một ai quan tâm, để ý, cũng chẳng ai cần. Màu tối đen, quánh đặc, hấp dẫn lạ kỳ.
......
The Killing Fieds - Cánh đồng Thảm sát của xứ Chùa Tháp, nơi Trinh đã để lại mảnh da thịt, máu thấm vào đất, thương tích đời người. Chế độ diệt chủng Pol Pot. Gần hai triệu, tức một phần năm dân số Cam Bốt bị xóa sổ đời. Cuộc diệt chủng thế kỷ, ngang ngửa lò thiêu Do Thái thời Hitler, so sánh được chăng?
Giờ đây lễ tưởng niệm người quá vãng hàng năm. Cuộc lễ chết oan. Hình dung hàng ngàn đầu lâu xếp cao bằng Kim Tự Tháp. Khói nhang tỏa mờ phủ che hàng ngàn hốc mắt. Lời kinh cầu giọng nữ ngân nga... Chúng giết tôi bằng xẻng. Chúng trói người tôi vất xuống giếng... Ôi! thương thay. Con tôi ba ngày bị giựt khỏi tay. Cháu tôi bảy tuổi bị đâm bằng gậy. Bà tôi chín mươi bốn tuổi bị đánh bằng cây... Ôi! thương thay. Con gái bị hiếp bất kẻ đêm ngày... Ôi! Cam-bô-di-a. Con còn nhớ không? Thời qua cay đắng thế nào...
Cánh đồng Thảm sát là cánh đồng cỏ xanh chạy dài mút mắt. Hàng dừa trầm mình trong nắng gió trưa. Lác đác những con bò gầy guộc mắt lờ đờ nằm ngồi uể oải. Các nhà sư áo vàng, áo nâu ngồi nghỉ dưới bóng cây ổi, cây chanh. Tiếng ve sầu văng vẳng. Trẻ con chân trần không áo nhe răng gặm mía. Mùa mưa xuống, vài cái sọ người trôi lều bều trong lớp cát đá cỏ lấp xấp nước mưa.
Ðau thương quá khứ và khó khăn hiện tại.
Cam Bốt giờ đây đã được giải phóng, kết thúc một giai đoạn đầy máu và nước mắt. Nhờ Việt Nam?
Và dân tộc Việt, biết cậy vào ai đây?” (trang 98-99)
Cái cảnh đứa con trai (tức là Trinh) đút cơm cho người mẹ mất trí là một cảnh đau xót và cảm động nhất. Cơn điên biến bà thành một đứa trẻ thơ, phải sống nương tựa vào kẻ khác, ngay cả ở những nhu cầu cần thiết thường nhật:
“Qua khung cửa sổ, Trinh đút cơm cho mẹ trong nắng lóa, trời xanh lơ.
Trinh ngồi chồm hổm, kiểu nước lụt, kiểu đi cầu ở Việt Nam.
Người đàn bà không đầu dựa lưng vào cột nhà. Cái thìa bé tí, dính vài hạt cơm đầu thìa. Ăn xong một thìa, đầu bà quay bên phải, ăn xong một thìa, đầu bà quay bên trái. Bên phải, bên trái, bên trái, bên phải... Cái đầu bà quay qua quay lại, ngọ nguậy, như đầu sán lãi. Người đàn bà đang có đầu, hiện hữu, nhất định không nhai, không nuốt. Mắt Trinh trợn trừng, dọa nạt. Ngôn ngữ tuyết rơi ngoài trời, mạch máu di chuyển trong cơ thể, giữa đêm đông. Ngôn ngữ câm. Bên phải, bên trái, bên trái, bên phải. Mặt Trinh với những vết khâu chằng chéo, giật co liên hồi. Lời nói không va chạm. Âm thanh không là cú đấm.
Kiên nhẫn là đức tính tốt.
Lưng Trinh cong vòng. Mắt cố chọc thủng xuyên qua người đàn bà, vào khoảng không. Sự tàn tạ của ánh sáng lóa, trời xanh lơ. Chén cơm. Sự nhẫn nại. Một thói quen. Làm cách nào những hạt cơm rơi lăn xuống cổ, chui vào nằm yên dưới đáy bao tử.
Một thìa khác. Bên trái. Dỗ dành, dịu ngọt.
Một thìa khác. Bên phải. Dọa nạt, trợn trừng.
Ai chịu đựng ai?
Một thìa khác. Phun thẳng vào mặt Trinh.
Lại một thìa khác. Ðã bao năm? bao lần? bao bữa? Từng ngày, thêm vào, chồng chất, thành kiên nhẫn, đợi chờ, thói quen. Bao nhiêu thìa cơm nữa phải đút?” (trang 70-71)
Ðọc nhưng đoạn như thế này, trước hết chúng ta thích thú cái lối hành văn tân kỳ thật xôn xao linh động của tác giả. Những câu ngắn gọn, những câu điệp ngữ ngược xuôi làm cho cái hoạt cảnh dưới ngòi bút tác giả trở nên sống động lạ thường. Và đọc những đoạn như thế này làm sao chúng ta khỏi cảm thấy lớp băng dày đóng cứng trên tâm hồn chúng ta tan rã mau chóng, để chúng ta đón nhận niềm thương xót và cái đau đớn trước cảnh ngộ bi đát của những nhân vật trong tiểu thuyết Xứ nắng? Cho nên trên cái nhớp nháp của dục tình, những bông hoa của tình người luôn luôn thịnh phóng rực rỡ, có đủ muôn hồng nghìn tía xôn xao.Và dục tình dưới ngòi bút tác giả biến thành hoa màu để mảnh đất văn chương của chị thêm màu mỡ phì nhiêu.
Cái tấm lòng bác ái đối với cảnh ngộ bên chồng, hình ảnh đáng tội nghiệp của bà mẹ chồng đã hướng dẫn nhân vật nữ xưng tôi đi vào tâm Từ Bi. Vậy thế nào là lòng Bác ái và tâm Từ bi? Lòng Bác ái chỉ giúp chúng ta yêu thương đồng loại. Còn tâm Từ bi giúp chúng ta chẳng những yêu nhân loại mà yêu luôn những chúng sinh khác, từ muôn loài động vật đến muôn loại côn trùng.
Tại quê chồng, cứ vào hừng sáng, nữ nhân vật chánh nghe tiếng heo kêu eng éc. Rồi cô trình bày cho chúng ta nghe tiếng heo kêu, tư duy và suy niệm về nó như sau:
“Tôi choàng thức, trạng thái mơ màng, nửa tỉnh nửa mê.
Tiếng thét gào. Rú từng cơn. Của ai?
Con vật, con người?
... tiếng heo, eng éc, không phải bị lùa vào chuồng, chúc mỏ tranh miếng ăn. Nó là tiếng rú gào, van xin sự sống
.....
Sáng sớm tinh mơ ngày đầu, nơi giam giữ ấu thời chồng tôi. Tiếng heo... không rên rỉ, mà là thét gào, âm thanh xé toang óc, đập dập tim tôi.
Người tôi quằn theo tiếng kêu trời, của heo.
.....
Tiếng gào thét nhỏ dần... thưa dần... nhỏ dần... thưa dần... nhỏ dần... thưa dần...
Rồi im bặt.
.....
Người ta giết heo, mổ thịt con heo, thì có gì lạ?
Giết heo, xẻ thịt, thức ăn nuôi sống con người, bao ngàn năm như thế, tại sao tôi phải quằn người?
Lại thêm một tràng thét gào của con heo khác. Từng cơn, từng con thay phiên lên bàn mổ.
Rồi lại nhỏ dần, thưa dần. Im bặt.
.....
Tiếng bánh xe nghiến nát mặt lộ chính át tiếng van xin. Tưởng chừng xe đang tuột dốc, đứt dây thắng, nhào đổ, vực sâu không đáy, tan xương nát thịt, mũi-mắt-mồm cùng căng. Trong đám hành khách có khuôn mặt tôi mười tuổi. Tóc cắt ngang tai, chới với ôm vồ lấy khoảng không mông mênh. Mắt không nhìn thấy được chiều sâu. Tôi rơi, rớt trong khoảng không vô tận.
.....
Một góc nhỏ trên đất nước một năm chỉ hai mùa ráo ướt. Vùng nhiệt đới, tên gọi rất đỗi lãng mạn, thơ mộng, gợi cảm, đầy khiêu khích và rất lạ kỳ. Nằm trên ghế bố made in USA sót lại thời kỳ Mỹ hiện hữu nơi đây. Ðắp vá chằng chịt. Nước trong tôi tuôn trào xối xả như thác.
.....
Cái ghế bố Mỹ đắp vá chằng chịt nương nhẹ thân tôi.
.....
Huyết heo ộc ra từ cổ theo vết dao thọc. Máu từ cửa mình tôi ộc ra. Thắt chặt co giật. Từng cơn. Xếp lớp, như hoa trên bức tranh Georgia O’Keeffe. Những dãy đồi đỏ rực màu lựu mùa hè. Xương sọ, đầu lâu bạc màu nắng gió. Kinh hoàng. Mạnh mẽ. Khủng khiếp. Dứt khoát như mái tóc người đàn bà tóm gọn đằng sau ót. Hoa lan, hoa quỳnh khép nở hương đêm. Huyết heo đỏ au. Tô bún bò huế bốc khói, hai miếng huyết heo vuông vức thẫm màu mướt mịn, lềnh bềnh trôi trên mặt tô bốc khói cay nồng. Nhai không kỹ, huyết heo bám cứng kẽ răng, phải dùng tăm quẹt, móc, xỉa điệu nghệ như Trinh sau mỗi bữa ăn. Chồng tôi ở Mỹ, tân kỳ tiến bộ hơn, dùng dây floss tẩm mùi bạc hà, rành rọt đến độ chẳng cần soi gương.
Một chậu huyết heo tươi rói. Máu chết.
Một bịch băng vệ sinh. Máu sống.
Người tôi lại cứng đơ. Mặt ghế bố vải Mỹ cứng đơ. Ðã có thằng lính Mỹ, Quốc Gia, Việt Cộng nào chết, hấp hối, mộng mơ trên cái ghế bố vá đắp chằng chịt tôi đang nằm này không?” (trang 31-33)
Sự diễn tả của tác giả bề ngoài có vẻ lung tung, sa đà, loạn xạ nhưng thỉnh thoảng xen lác đác những ngữ pháp ngôn từ hoa mỹ. Từ tiếng heo kêu eng éc, dòng liên tưởng của chị đưa tới chậu huyết heo, con heo bị xẻ thịt, chiếc xe tuột dốc, hành khách tan xương nát thịt, chiếc ghế bố vá chằng chịt đã có ai chết hay mơ mộng quàng xiên trên đó, tô bún bò có hai miếng huyết heo được lấy từ sinh mệnh của con vật không có vũ khí tự vệ, máu kinh nguyệt của nữ nhân vật xưng tôi. Những hình ảnh rời rạc, những vận sự bề ngoài dường như quá ít nối kết. Nhưng trừ máu kinh nguyệt tượng trưng cho sự sống ra, tất cả cái còn lại đều có những cái mẫu số chung: hình ảnh thảm thiết, cái ác nghiệp dữ dằn của loài heo và sự hoại diệt oan khiên...
Mãi tới bây giờ, tôi cũng vẫn chưa nắm vững cái đổi mới trong văn chương Tây phương nói chung, trong văn chương Pháp nói riêng từ thập niên 50, 60, có nghĩa là gần hoặc hơn hiện giờ nửa thế kỷ. Tuy nhiên, ở tác phẩm Xứ nắng, tôi nhận thấy rõ rệt một điều: Ðôi lúc (tôi xin nhấn mạnh đôi lúc thôi), tác giả không dùng cấu trúc cổ điển, có lớp có lang theo quy ước. Chị làm kẻ vừa đọc qua tác phẩm Xứ Nắng cảm thấy cảnh này xen cảnh kia loạn xị cả lên, từ chuyện hiện tại bước qua những chuyện dĩ vãng không đoạn chuyển tiếp. Trường hợp đó cũng giống như các cuốn phim của Jean Luc Godard, Claude Lelouche, Andrzej Wadja hay cuốn phim Hè muộn của Ðặng Trần Thức, từ cảnh hiện tại trở ngược về cảnh hồi ức (flash-back) không có đoạn chuyển cảnh, tức là không có cảnh bản lề. Nhưng được một cái là chị thay câu chuyển đoạn bằng một hàng bỏ trống. Chẳng hạn ở chương 23 (tác giả chỉ ghi vỏn vẹn số 23, chứ không viết chương 23 hoặc chương hai mươi ba), chị nêu lên cái đặc thù ấy trong cuộc bút trình của mình như sau:
“Múc từng gáo, dội từ đỉnh đầu. Nước ào ào tuôn dọc theo thân thể, da loáng nước. Màu da nước.
Ở góc trái, vòi nước rỉ rả. Tôi bực mình khi tắm mà nước chảy rỉ rả. Phải ào ào. Tiếng nước chảy và cảm giác mạnh. Cái thau xanh nhựa đặt ở góc phải tràn nước. Khua tay ấm áp như da thịt mình, ở phần dưới. Chút riêng tư trong căn phòng bằng hai cái giang rộng tay từ lúc đặt chân vào căn nhà này. Tôi ngắm mình trong thau nước đầy. Những sợi lông bồng bềnh, khẽ vuốt ve, mân mê, màu ngô non, mướt nước. Thuở nhỏ anh Thiện thường bẻ đôi trái bắp, lấy râu quấn quanh cằm, giả làm râu ông già.
Nước tràn ngập thân tôi. Ông ngoại râu bạc trắng, dài phủ cằm. Thỉnh thoảng ông vuốt râu, trầm ngâm, tư lự. Vài chục năm nữa anh Thiện có giống ông ngoại bây giờ không nhỉ? Chắc là không, ông ngoại ở Việt Nam, con cháu quây quần. Anh Thiện sẽ như nhiều ông Mỹ già khác, ngồi ngủ quên trên chiếc ghế bành rộng, trước màn ảnh TV đang mở. Tiếng nước khua rộn ràng, màu da loáng nước. Anh Thiện tay run chống gậy, hay ngồi trong xe lăn, dõi mắt nhìn qua sân viện dưỡng lão vắng vẻ, đìu hiu, cùng màu nắng tàn. Nước chao nghiêng sóng sánh thân thể. Anh Thiện dáng vẻ sợ sệt lẫn ngóng chờ bà y tá lạnh lùng, cho thuốc uống vỗ về trên vai máy móc. Chùm lông mịn ướt trôi tuột trên từng kẽ tay. Dãy bắp sau nhà thuở nhỏ. Những buổi chiều làm xong bài, tôi lẻn ra vườn sau, bãi đất trồng toàn bắp của ông hàng xóm mặt quanh năm đỏ kè. Tôi đi giữa hàng bắp. Gió cuối thu thổi lá bắp nâu khô xào xạc. Ðã xong mùa bắp. Trái thì những người lao công Mễ đã bẻ sạch. Tiếng lá sột soạt như áo quần khô cứng, kỳ lạ, thích thú. Nắng đổ xuống trên đỉnh đầu. Nắng lóa trên những lá bắp nâu khô. Tôi năm dài giữa luống bắp. Úp mặt. Mùi nồng đất ải. Tiếng rung khẽ, ngân dài từ trong tôi, từ lòng đất. Cả hai chao nghiêng. Nhắm mắt. Tôi thấy tôi cùng đất lật.
Nắng vẫn lóa trên đỉnh đầu và trên tàn lá bắp nâu khô.
Âm thanh tiếng còi tàu. Bánh xe rền rung mặt đất. Thành phố San Leandro không thuộc về đâu. Gần San Francisco thơ mộng nhất nhì thế giới. Gần Berkeley bụi đời, cấp tiến, nhiều sắc dân. Gần San Jose tỉ số dân Việt đứng thứ nhì hải ngoại. San Leandro thế nào, ở đâu, có gì đặc biệt, sẽ ra sao, mấy ai quan tâm?
Cảnh tượng trong phim Fried Green Tomatoes. Xe lửa xình xịch, xình xịch ào ào, tiến tới, tiến tới... Chiếc mũ bay, người con trai chạy đuổi theo, mũ lượn lờ dọc theo đường rầy. Vẫn đuổi theo gió. Những bước chân bay theo chiếc mũ. Nhẹ tênh. La đà. Ðuổi theo mũ là đuổi theo tình. Làm sao cản được gió? Tiếng máy xe lửa xình xịch, xình xịch, ào ào, tiến tới, tiến tới... thi đua cùng nhịp tim đập của đôi tình nhân. Ðịnh mệnh. Bàn chân người tình kẹt giữa đường rầy. Xe lửa xình xịch, xình xịch, ào ào, tiến tới, tiến tới.... Tiếng người, tiếng xe, máu xương, nhịp tim... đập điệu tình yêu. Là sự nghiền nát.” (trang 62-64)
Ở chương này lại còn có phân đoạn đầy những chuyện liên tưởng nọ xọ qua chuyện hồi tưởng kia. Từ chùm lông của nhân vật nữ xưng tôi nhảy qua râu bắp mà anh Thiện đeo, giả làm râu ông già, sang qua sự mường tượng cái tương lai anh Thiện ở trong nhà dưỡng lão, giật lùi về cái hồi tưởng đám bắp ở quê nhà rồi chuồi qua vườn bắp ông hàng xóm Mỹ... Những dòng liên tưởng, những dòng mường tượng sao mà nườm nượp, sa đà, ào ạt nối chằng chịt vào những dòng nói về cảnh hiện tiền thực tại được khai thác thật ít oi. Ðiều đó làm cho độc giả hoang mang ngơ ngác. Nhưng nếu ai đó đã quen thưởng thức các tác phẩm của các điện ảnh gia ấy, sẽ thấy thú vị hơn vì phim pháp (style) và phim phạm (grammaire) trong các tác phẩm ấy được xóa bỏ quy ước, nguyên tắc, lề thói cổ điển để biểu dương tinh thần phóng túng và khoáng đạt của người nghệ sĩ. Cũng thế, lúc đang đọc hay sau khi đọc xong Xứ nắng của Lê Thị Thấm Vân, chúng ta sẽ nhận thấy một điều là chị cũng cố ý xóa bỏ khá nhiều bút pháp (style) phổ thông và văn phạm (grammaire) theo quy ước cũ kỹ, cốt kéo văn viết đi sát vào văn nói, hoặc hơn thế nữa, nếu có thể được văn viết được biến thành văn nói như bút pháp của nhà văn Céline xứ Pháp. Chẳng hạn tác giả tả đoạn nhân vật nữ cùng chú em chồng đi chơi giữa vùng hoang vắng, cô ta tưởng tượng đến cảnh ái ân cụp lạc như sau:
“Càng vào sâu, tôi càng tự hỏi. Sao mình đi cùng Trinh vào nơi đây?
Cây cối thổi ra gió, khói bốc từ những hốc nước. Lá khô, gió khô, cả nắng khô khốc đổ túa lên cả người tôi. Dừng, thở dốc, tôi chẳng cần phải đi tìm cái sức nóng. Nắng đang quấn chặt người tôi. Tôi bỗng mệt nhoài, cảm giác như thân cây vừa bị đốn ngã. Ngồi bệt xuống đất. Trời chao lượn trên cao, mặt trời rực máu.
Tia mắt Trinh quét trọn người tôi, từ sợi tóc đứt ngắn chĩa trên đỉnh đầu đến gót chân dính toàn bụi cát. Quét một lượt, rồi dừng lại nơi chốn phải dừng suối khe, gò bồng đảo. Cục táo Adam trôi trục trơn trợt như viên chè trôi nước. Tôi chợt phì cười, thấy mình vô duyên tệ.
Nhạy cảm, mày là đứa quá nhạy cảm. Phải, đã nhiều lần giúp tôi bay cao, như chim, mở toang cánh cửa thiên đường, ngụp lặn trong bể hạnh phúc tuyệt đỉnh. Ðồng thời, cũng đạp xô tôi xuống tận đáy đen địa ngục, đớn đau, tủi nhục, ê chề biết bao.
Hai mắt Trinh vẫn liếm dọc, ngang trên người tôi. Mỗi cái quét mắt là một vết cứa. Bốn bề vắng vẻ, chỉ gió, đất đá, cây cối, sức nóng và tiếng nước róc rách. Tôi nghĩ đến mảnh da vá chằng chịt nhàu nát khâu vội. Trả thù cho sự bất công. Ừ cứ đè đại xuống. Hất tung. Bất chấp. Phá hủy. Ðòi hỏi giữa người và người.
Tưởng tượng, mày là đứa giàu tưởng tượng. Một cái gì đó đâm phập vào cửa mình tôi, hốt hoảng, hả dạ, cười, bặm chặt môi, mắt long lên, trợn ngược, chỉ toàn màu đờm. Mẹ kiếp. Fuck you! thì đã sao. So what? Ðã chứ, đụ má nó, cuộc đời. Bình đẳng nằm ở đâu? chỉ toàn nghiệp chướng. Tại sao phải là thằng Trinh này, kẻ bị trừng phạt. Tại sao? Ðụ má, kệ, tới đâu tới, ha ha, ha ha... Thân xác và đầu óc. Một chấm đen li ti, u mê và tỉnh táo. Hạt bụi nổi bật trên tấm giấy trắng phau học trò. Màu trắng vô nghĩa. Quỷ ma rình rập, khổ đau là thật. Chắc chắn như sự chết. Hấp dẫn như phá hủy. Chiến tranh, ừ phải, trong chiến tranh: từ bi, tình yêu, tha thứ là xa xỉ phẩm.
Vấn đề là hoàn cảnh, cơ hội, thuận tiện, có dịp.
.... sự có dịp của một đời người đang xảy ra ngay trong khoảnh khắc này, tại nơi đây.
Sự trả thù đời.
Sợ hãi làm bụng tôi trương cứng như đàn bà chửa. Mùi mồ hôi từ nách bốc ra, gần-gũi-ấm-êm-dỗ-dành-trìu-mến.
Nếu hắn đè mình ra ngay lúc này, tại nơi đây...? Dám lắm, tại sao không? Mắt hắn vẫn như mặt chổi quét lia lịa trên người tôi. Ðôi mắt đắc chí của gã thợ săn dốt nát, mới đi rừng ngày đầu, nhưng vận may, gặp con mồi béo bở. Tay hắn cầm cọng cỏ khô, vuốt qua vuốt lại trong lòng bàn tay, như liếc dao sẵn sàng cắt cổ vịt.
Yên lặng và bóng tối, đầu con rắn hổ mang không nhúc nhích di động, nhưng hai con mắt chòng chọc vào bị thịt. Bị thịt là tôi, chỉ cần tiếng động khẽ, nhích nhẹ, mỏ rắn mổ ngay tròng mắt, tôi.
.....
Tôi bật ngồi dậy, nóc hòm bật tung. Ði, đi về...
Trinh vất nhanh cọng cỏ khô.
Chị nằm nghỉ một lát cho đỡ mệt, mình chưa đi vào trong coi...
Tôi mệt quá! Ði về.
Tôi nói nhanh, mê man trong từng bước chân vội vã, vươn dài.
Bước chân Trinh cũng vội vã, vươn dài.
Trời lóa nắng, chói chan, khô khốc. Xứ sở chẳng bao giờ thiếu nắng. Tôi thấy bóng người đàn bà đứng sẵn ngoài cổng ngóng chờ tôi.
Tôi ngã vào lòng bà, chạm phải trái tim ấm nóng, mềm mại. Mẹ, tôi gọi.
Cái đầu của bà đã mọc. Nhưng mọc ngược.” (trang 142-144)

Chúng ta thấy gì ở đoạn văn này? Ẩn ức nhục cảm trồi lên trên bình diện ý thức, nhưng chưa phát tác thành hành động, chưa tạo nên một cảnh tượng, một vận sự. Nhưng tác giả cố ý chối từ cái thứ văn chương tuân theo lề thói cổ điển để bỏ rơi bút pháp và văn phạm mẫu mực, tù túng và khô khan. Như thế chị giúp cho độc giả nắm bất ngay cái điều then chốt: cái phút tưởng tượng của nữ nhân vật kia sôi nổi hơn, cái dâng trào của khoái cảm tình dục (l’orgasme) của đương sự gia tăng cường điệu hơn. Ðộc giả có cảm tưởng nhân vật trong cuộc ấy bị say nhừ bởi cảm giác hổn hển và nóng bỏng. Cô ta như đánh mất chính mình, như lạc lõng với chính mình. Nhưng trong cơn xáo trộn của ý thức, trong sự hoảng loạn của đê mê, cô ta nắm bắt nhiều cái lớn lao hơn, chẳng hạn như hai bề mặt trái của nhục cảm, sự bình đẳng, chiến tranh (Một chấm đen li ti, u mê và tỉnh táo. Hạt bụi nổi bật trên tấm giấy trắng phau học trò). Cái ý thức về cuộc sống có nhiều ẩn số mà người trong cuộc hành dâm hay người ước mơ tình dục chưa chắc đã tìm được một vài. Ðâu phải ai cũng như nữ nhân vật xưng tôi ấy. Ðối với văn chương của Tony Duvert trong cuốn Journal d’un Innocent do Minuit xuất bản, ngôn ngữ diễn tả nhục cảm của Lê Thị Thấm Vân trong Xứ nắng nào có thấm tháp gì về sắc thái táo bạo. Tony Duvert còn dùng nhiều chữ sống sượng thô lỗ hơn. Nhưng những chữ ấy sắp đặt bên những ngôn từ thấm nhuần tinh thần sáng tạo, hay được nạm khảm trên những câu văn đẹp làm cho bút pháp ông ta thêm màu sắc đặc thù, làm cho văn phong ông ta đảo lộn cái nề nếp buồn nản cũ. Bút pháp và văn phong như thế còn giúp cho nhiều tác giả gây được tinh thần khám phá cái mới lạ và dựng lên một phong trào sôi nổi cho văn chương Pháp vào các thập niên 50, 60. Cho nên họ được nhà xuất bản Minuit chiếu cố tận tình. Ðây là nhà xuất bản chỉ giới thiệu những cây viết có lối hành văn lạ lẫm, có tinh thần khai phá, có lối cấu trúc đặc thù trong cuộc bút trình, chứ không cần cốt truyện; đó là Claude Simon, Alain Robbe Grillet, Michel Butor, Nathalie Sarraute... Cũng vậy, bên cạnh vài chữ táo tợn, Lê Thị Thấm Vân vẫn dùng những chữ thanh tao lịch sự, những câu văn hoa lệ. Ðây là trò chơi ánh sáng trong bút pháp; một vài cù lao bóng tối điểm tô cho cái biển ánh sáng mênh mông thêm nét hàm súc và ý nhị.
Ðọc xong Xứ nắng, tôi cảm nhận ngay một điều: nếu ai đó muốn tìm khoái cảm xác thân và muốn cái sex được chọc lét một cách thú vị thì họ sẽ thất vọng não nề. Tác giả là một nhà văn nhân bản, đời nào dùng chuyện tình dục tầm thường để câu khách. Ðúng hơn, chị dùng sex để nói lên trăm ngàn điều ngang trái đau thương của kiếp người. Ðây là một nhà văn có ý thức sáng rỡ, có trách nhiệm thiêng liêng lúc cầm bút. Ðây là một nhà văn can đảm, dám vượt qua mọi cấm kỵ gai góc, để cho tình người được nở hoa. Lên án chị thì có khác nào lên án một kẻ làm đẹp ý tình thăng hoa của cuộc sống, có khác nào chặt đứt đôi tay đang xây dựng cái nền tảng thiết tha của con người yêu thương cuộc sống.
Xứ nắng không phải là một quyển dâm thư mà là một tác phẩm vượt lên lằn mức văn chương thuần túy. Một tác phẩm tư tưởng có nhiều ngôn ngữ táo bạo, có sự diễn tả đôi lúc sống sượng nhưng cực kỳ chân thành. Ðiều này biểu dương thái độ quả cảm, lập trường cứng rắn, và ý thức trong sáng tuyệt vời của Lê Thị Thấm Vân.
Lại nữa, Xứ nắng là một tác phẩm phản ánh không gian thời hậu chiến. Những nhân vật với chấn thương do lịch sử gây ra. Trong gia đình của Ðức, trừ ông bố nghiện rượu ra, ai cũng có niềm bất hạnh, mỗi người oằn vai gánh vác một hệ lụy riêng. Thậm chí cô Lài, đứa con tư sinh của ông nội nữ nhân vật xưng tôi cũng có cái khổ lụy oan khiên riêng. Cô bị chồng và gia đình bên chồng hành hạ nên trở về gia đình người anh trưởng tộc, nhưng lại bị ông ta đánh chửi và đuổi đi. Cô không trở về bên chồng mà đi phiêu bạt tha phương nên không ai biết cô còn sống hay đã chết trong góc trời khuất tịch nào rồi?! Tác phẩm mở rộng tấm lòng thông cảm bao la diệu vợi cùng tình nhân loại sâu sắc thiết tha cho độc giả. Và vượt qua thành kiến kiên cố của độc giả bảo thủ, nữ nhân vật xưng tôi, dưới ngòi bút của Lê Thị Thấm Vân, là một người có quả tim bén nhạy trước cái đau khổ và bất hạnh của tha nhân.
Tư tưởng trong tác phẩm Xứ nắng là cái bóng văn chương nhân bản thấp thoáng ở những đoạn mô tả cái bén nhạy dục tình của hai nhân vật (Trinh và nữ nhân vật xưng tôi). Nó thắp sáng hiện hữu và cái gốc rễ của con người, nó đi sâu vào nội tâm con người bằng ý thức bừng tỏ, bằng cái phanh phui thô lỗ sống sượng nhưng tuyệt vời tài hoa. Nó xé toang lớp mặt nạ đạo đức, cái bề trái phường tuồng. Nó gột rửa và tước bỏ những lớp ngụy trang cái giả dối của lề thói cứng ngắc.
Tình dục như con dao hai lưỡi: nó có thể làm cho tác phẩm rơi xuống hàng sách vở chiều theo thị hiếu thấp kém và sa đọa. Nhưng nó cũng có thể làm cho tác phẩm thăng hoa. Trong những vở kịch hâm hấp hay nóng bỏng tình dục của Tennessee Williams được chuyển thể thành phim ảnh như A Streetcar Named Desire, Baby Doll, The Rose Tatoo, Cat on a Hot Tin Roof, chuyện tình dục gây nên những thảm kịch, nhưng lại xiển dương những điều rất nhân bản và cận nhân tình. Những nhân vật của Tennessee Williams, đa số là người nữ, thường trở thành hung hăng hay khật khùng vì bị đè nén về phương diện dục tình, bị dục tình ám ảnh trong trạng thái tiềm ẩn, hay vì không thỏa mãn dục tình. Bên cạnh họ là những người đàn ông thô lỗ trong một xã hội hỗn tạp phiền toái của miền Nam Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Với Xứ nắng, Lê Thị Thấm Vân chẳng những đi theo dấu vết của Tennessee Williams, nhưng bước chân của chị khua động hơn, cái phóng tới hăm hở và táo bạo hơn. Chị không dìm nữ nhân vật xưng tôi vào mặc cảm phạm tội lâu. Chị khai phóng họ cái quyền bình đằng giữa hai phái tính song song với ước vọng xóa bỏ việc kỳ thị màu da và chủng tộc.
“Năm 2000 đang đứng chờ sẵn ở ngưỡng cửa. Giấc mơ Mỹ, màu trắng, liệu còn đứng vững được bao lâu? Như màu da của Michael Jackson càng ngày càng nhạt. Jodie Foster, Madonna mang thai bằng cách mướn chồng, mua tinh trùng. Con chỉ cần biết mẹ là đủ. Qua rồi cái thời mắc võng ru con, chỉ bóng trên tường: cha con đó, để rồi chọn cái chết oan thay cho lời bày tỏ lòng trung trinh tiết nghĩa, nay là chuyện cổ tích.” (trang 11)
Gần đây hai tác phẩm Xứ nắng và Âm vọng của Lê Thị Thấm Vân gây xôn xao trong văn giới. Dĩ nhiên là có kẻ khen người chê, khen đậm nồng bao nhiêu thì chê gay gắt bấy nhiêu. Song ai ai cũng phải nhìn nhận chị muốn lột xác như chim hoàng yến thay lông cánh, như rắn mai hoa lột lớp vảy cũ, để lớp vảy mới hiển lộ sắc tươi màu chói. Chị phá phách cái cũ bằng ý thức sáng tỏ hiếm có, chị tìm cái mới bằng một tấm lòng thành khẩn tuyệt vời.
Lịch sử của nước Tàu và của nước Nga đặt lại cái nhìn hợp lý hợp tình về sự nghiệp chính trị huy hoàng của Nữ hoàng Võ Tắc Thiên và Nữ hoàng Catherine II ngoài công việc săn đuổi khoái lạc xác thịt của họ. Người phụ nữ Việt Nam trưởng thành ở ngoại quốc cũng đã đặt lại cái nhìn mới mẻ về quyền sống đúng nghĩa của người đàn bà hiện đại. Thì đây, những độc giả chuộng sự sáng tạo và tinh thần cầu tiến trong văn chương có thể tìm thấy rất nhiều tia sáng và nhiều điều kỳ diệu trên cuộc bút trình của Lê Thị Thấm Vân, bắt đầu qua Xứ nắng và sau hết qua tác phẩm Âm vọng kế tiếp. Họ có thể cùng chị đặt lại vấn đề, thế nào là những tiến trình của văn chương? Thế nào là những cuộc lột xác không ngừng nghỉ của các trào lưu văn chương?
Một điều cũng cần phải nêu ra: Tác phẩm Xứ nắng dù có đổi mới về hình thức và ý tình của văn chương, dù có xóa nhòa tăm dạng trường phái văn chương tân cổ điển, nhưng so với tác phẩm đầu tay Ðôi bờ của Lê Thị Thấm Vân thì cả hai vẫn có một mẫu số chung: tấm lòng nhân đạo. Càng nói về nhục cảm, càng phá thể quy ước, càng quẫy lộn với cái nề nếp trật tự của văn phong và cấu trúc trong tác phẩm, tấm lòng nhân đạo của tác giả càng sâu đậm và càng chói sáng hơn, chiếu rực rỡ toàn thể tác phẩm.
2/6/2005
Hồ Trường An
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...