Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Làm thơ, làm ruộngXXXX

Làm thơ, làm ruộng

Kinh xáng Bốn Tổng ngày… tháng 1 năm 2006
Gởi chú Út sắp nhỏ,
Tui nghe nói trong giới thông thạo chữ nghĩa, mấy thầy hay chê bai cai nghề làm ruộng của tụi mình dữ lắm nghe chú. Nào là nghề làm ruộng không thích hợp với mấy ông mấy bà viết văn làm thơ, nào là “một nhà thơ lớn có thể trở thành một người làm ruộng, ví dụ, Hữu Loan, chứ không ngược lại. Một người làm ruộng không thể trở thành nhà thơ lớn” [1] , vân vân và vân vân…
Nghe vậy thì hay vậy, nhưng tui thấy còn thiếu câu chuyện đời xưa bên Tàu, ông nội mình hồi còn dạy chữ Nho hay kể Tô Ðông Pha lúc bị đày về đất Hoàng Châu, sau hai năm càng ngày càng túng quẫn quá mạng, ông bắt đầu cày ruộng ở đó. Nhờ vậy mà sau này người đời mới có tám bài thơ làm ruộng được gọi là Ðông Pha Bát Thủ hay hết biết! Tui còn nhớ đại ý như “trồng lúa trước thanh minh, có thể đếm được niềm vui sướng; rải mạ mùa hè, mừng thầm gió lay ngọn; Xuân mới, chợt đi vào trong chậu kiểng, hạt gạo lấp lánh trong thúng mủng; người làm ruộng giỏi biết tiếc đất hết phân; được no cơm, đừng quên sức của trâu bò và thời tiết!” [2]
Quả là ăn khớp với lời Khổng Tử dạy, mà hồi xưa ông nội nói Tô Ðông Pha có nhắc lại trong lần bị đày xuống Huệ Châu trong khi Trần Tháo ở Hán Khẩu định bụng xuống thăm, lá thư viết: “Khổng Tử bảo có thể ở những nơi quê mùa được. Lời đó rất đúng” [3] . Rồi cũng nhờ thời kỳ làm ruộng và bị đày này, Tô Ðông Pha cũng đã học được bài học từ con ếch sống được là nhờ nó biết ăn nắng, con kỳ nhông sống trong cát nóng, trứng tằm vùi trong tuyết mà không hư là nhờ nó biết thích ứng với thiên nhiên và người làm ruộng mà sống thọ là cũng nhờ họ biết thở ra khí nóng và biết hít vô khí mát vậy. [4]
Chú Út sắp nhỏ,
Cái này, nói thiệt với chú, mình quê mùa thì chỉ biết phận mình, ai nói quạ nói diều gì mình cũng không tranh hơn tranh thua vì cái lẽ phải bao giờ cũng về phía kẻ trên trước ráo trọi mà! Chú hổng nhớ sao? Thôi thì, tui nhớ thời xa xưa, cổ nhân có nói “nhứt sĩ nhì nông” mà; nhưng khi “hết gạo chạy rông” rồi thì “nhứt nông nhì sĩ” nghe chú. Tui nói vậy là để an ủi mình thôi chứ có nói trời nói tướng gì cũng không qua mấy thầy cử nhơn tiến sĩ chú à!
Nhưng có điều tui nhìn kỹ lại trong làng mình, hay bên làng Tân Bình, hoặc các ngôi chùa Tân An, Tân Phước, Hoà An xã Bình Hòa, hoặc lòng vòng khắp nơi miệt ruộng dưới này, vào mỗi bận cúng đình kỳ yên hay cúng chùa vía Phật, sao tui hổng thấy ông thi sĩ tài ba nào làm nổi những bài thơ, bài kệ khắc chạm trên các đền miếu chùa chiền ráo trọi, mà những bài thơ được chạm trổ với nét chữ như rồng bay phượng múa mà phong nhã ấy toàn là do dân làm ruộng làm ra. Dù vậy, các áng thơ ấy lại ở với Thần Thánh Tiên Phật hết mùa này qua mùa khác, hết năm này qua năm khác, hết đời này qua đời khác. Ðặc biệt, những tác giả vô danh ấy họ đâu cần ai ghi tên tuổi, đâu cần in thành sách, đâu cần ai phỏng vấn, phê bình, giới thiệu hay quảng cáo gì ráo mà vẫn ở với đình miếu chùa chiền có tới hằng trăm năm, miễn là chùa đình đừng bị đốt phá là cứ còn hoài...
Mỗi lần dân làm ruộng mình người nào còn đọc được chút ít chữ Nho, hễ có ai đi qua làng là ghé lại đình xem qua một chút, có ai đến chùa là ghé lại các bảo tháp, các bức tường đề kệ, đề thơ đọc một chút là để chiêm nghiệm cái thần khí của tiền nhơn; mặc dù tiền nhơn xưa kia chỉ là những người khẩn hoang làm ruộng lót đường cho trí thức đời sau có dịp bước lên đầu lên cổ mà đi lên rồi cứ nghêng ngang tưởng đường cái quan tự nhiên rộng mở và cứ khư khư cho rằng nhơn kiệt chỉ có nơi địa linh; chứ thiệt tình thì cái quan niệm văn học chỉ có ở nơi văn vật là lỗi thời và không còn trúng như người ta tưởng hay cố ý làm ngơ trước một sự thật là chốn xuất phát thơ văn cũng còn có ở nơi ruộng lúa bùn lầy này nữa, chứ chẳng phải là hổng có!
Chú Út sắp nhỏ,
Ðó là tui nói người làm ruộng làm thơ khắc chạm ở đình, ở chùa; còn “hoa đồng cỏ nội” của văn chương truyền khẩu, tui hỏi thiệt chú xưa nay ai làm ra, có phải đa phần là dân gian hông? Mà dân gian là ai? Có dân làm ruộng góp phần hông? Rồi câu hò câu hát nữa, ai ứng khẩu hò đối đáp trên sông, trên đồng? Bộ đó không phải là văn chương hay sao? Nếu ai muốn quên nó, nhắm có thể quên được hông? Nếu nói nó là giới bình dân ít học làm ra, thì liệu mấy thầy học cao hiểu rộng cắt nghĩa thông suốt hết cái kho bình dân ấy nổi hông hay cũng chỉ liếc sơ qua rồi đoán mò. Những câu hỏi này thiệt tình tui cũng chỉ để hỏi chơi cho vui, chứ có nhằm nhò gì chú Út!
Tui xin dẫn bài thơ “Con cóc” của ba anh học trò dốt, nguồn gốc của nó ở trong “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký, sau này được khen là bài thơ hay [5] , để chú suy gẫm chơi:
“Có ba anh học trò dốt ngồi nói chuyện với nhau. Mới nói: ‘Mình tiếng con nhà học trò, mà không có làm thơ, làm phú với người ta, thì té ra mình dở lắm’. Mấy người kia nói phải, hè nhau làm ít câu chơi. Anh thứ nhất thấy con cóc trong hang nhảy ra, mới làm câu thơ mở như vầy:
‘Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra’
Người thứ hai tiếp lấy:
‘Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó’
Người thứ ba:
‘Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi’.
Lấy làm hay lắm. Rồi lại nghĩ lấy làm giật mình, vì trong sách nói hễ học hành giỏi thì sao cũng phải chết, cho nên tin như vậy, mới biểu thằng tiểu đồng ra đi mua ba cái hòm để dành cho sẵn đó.
Tiểu đồng lăng xăng đi mua, ra ghé quán uống nước, ngồi xớ rớ đó. Có anh kia hỏi nó đi đâu, mua giống gì, thì nó nói rằng: ‘Ba thầy tôi thông minh trí tuệ, làm thơ hay lắm, sợ trời trách quở, có khi không sống, nên sai tôi đi mua ba cái hòm’.
‘Mày có nghe họ đọc thơ ấy không?’
‘Có.’
‘Mày có nhớ, nói lại nghe chơi, coi thủ sức nó hay ra làm sao?’
Thằng tiểu đồng mới nói: ‘Tôi nghe đọc như vầy:
Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi.’
Anh kia nghe tức cười nôn ruột, mới nói với tiểu đồng: ‘Mày chịu khó mua giùm tao một cái hòm luôn chót thể!’ Tiểu đồng hỏi: ‘Mua làm chi?’ Lão nọ mới nói: ‘Tao mua hờ để đó, vì tao sợ cười lắm, có khi cũng chết theo ba thầy làm thơ đó nữa.’” [6]
Chú Út sắp nhỏ, bài thơ này từ xưa tới nay, miễn ai nhắc tới, ngoài ba anh học trò dốt được chỉ trúng tên, cũng ngầm ám chỉ luôn dân ruộng mình dốt mà hay làm thơ con cóc đó mà; nhưng phải thú thiệt là bài thơ này từ vườn tới chợ, từ dân tới quan, từ giới bình dân ít học đến các bậc cử nhơn tấn sĩ, không phân biệt tuổi tác, trẻ già, ai ai cũng đều biết và thuộc nằm lòng. Thế mới là lạ phải hông chú Út?
Bây giờ tui mới nhìn lui nhìn tới vùng Thất-Sơn Châu-Ðốc Long-Xuyên mình, tui thấy có nhiều người gốc gác làm ruộng nhưng đã có công làm sáng rực mặt văn chương học thuật nhiều lắm. Ở Tân Châu, làng Long Phú, có ông Nguyễn Chánh Sắt sanh ra trong gia đình bần nông [7] , vậy mà về sau sách vở ghi chép ông là nhà văn tiền phong của miền Nam. Rồi tới ông Sơn Nam [8] cũng gốc ông bà ở cù lao Ông Chưởng thuộc Long Xuyên, sau xuống miệt U Minh Hạ, xã Ðông Thái cất nhà ở ấp Giữa, mần ruộng. Rồi ông bà của ổng mới lên miệt rạch Tà Lúa, xóm Sóc Xoài thuộc xã Sóc Sơn vùng núi Ba Thê khẩn đất cày bừa, cũng là dân gốc gác làm ruộng, nhờ vậy mà văn chương sách vở của ông in ra biết bao nhiêu mà kể cho xiết.
Nói gì mấy người cận kim, ngược dìa trước, thời vua Gia Long năm thứ 8, sách vở còn ghi ở làng Tòng Sơn thuộc vùng Cái Tàu Thượng bên sông Tiền, thuộc tỉnh Sa Ðéc, có Ðức Phật Thầy Tây An, sanh năm 1807, “vốn bình sanh Ngài cũng như bao dân hiền lành chất phác khác trong làng, sống với nghề nông, chăm lo ruộng nương, cày cấy quanh năm” [9] , nhưng Ngài đã để lại cho đời một nền đạo hạnh vô bờ mà ai có sống hoặc đi qua vùng mình đều ngưỡng phục cái nền đạo Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương do Ngài sáng lập cùng với các trại ruộng Thới Sơn ở Nhà Bàn, trại ruộng Láng Linh từ kinh xáng Vịnh Tre đi vô chừng 10 cây số là những dấu tích một thời; đó là chưa kể kinh giảng bằng thơ văn Ngài để lại, như bài “Giác mê” với thể thơ song thất lục bát, rồi các bài kệ Kim Cang, Thập thủ liên hườn thi..., tất cả có phải do người làm ruộng làm ra hông hay từ các nhà thơ bác học tay không dính chút bùn? Nếu ai hổng tin thì có dịp ghé chùa Tây An trên núi Sam, nơi có ngôi mộ Phật Thầy nằm bên triền núi phía sau chùa; còn phía trước cổng chùa có khắc ba bài thơ bát cú có tựa là “Tây An Phật cảnh cao cung” mà Ngài giáng bút. Tui nay già rồi, nhưng hôm tháng 9 vừa rồi có ghé viếng chùa nên còn nhớ hai câu cuối bài thứ nhứt như vầy:
“Gia trạch bình an viên cộng niệm
Thường hành tế độ phước lai tâm.”
Vài ba chuyện cũ, kể chú nghe như vậy để thấy nhận xét của các thầy hay chữ nói ra nhiều lúc cũng hơi chê bai dân làm ruộng quá mạng để họ có lúc hồi tâm nhìn lại mà nói cho trúng hơn vậy thôi, chứ chẳng đòi bạc đòi vàng gì trong ba cái chuyện trên trời dưới đấy này chú Út à.
Chú Út sắp nhỏ,
Nhân nhắc chuyện “làm ruộng, làm thơ”, hôm kia tui có đọc “Cánh đồng bất tận” [10] của Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, tui thấy cái cách dàn dựng câu chuyện ở đây cũng lấy ruộng miệt U Minh làm nền. Câu chuyện kể hai chị em của thằng Ðiền nuôi vịt chạy đồng, những “cánh đồng bất tận” cứ theo riết hai đứa nhỏ với bao cảnh đời chua chát, xung khắc trong gia đình, ngoài xã hội, giữa con người với con người, người ta dìm nhau dưới vũng bùn nhưng cũng dìu nhau từ vũng bùn, và cái gì xảy ra từ ruộng lầy đó nó đã diễn ra như cuộc đời hai đứa bé có cha như cha đã chết, ở giữa đời mà như chốn vắng khôn cùng. Những cánh đồng cứ bất tận như một cái lung không bao giờ cạn và rồi dường như bao cặn bã lại dồn dìa hầu như trút hết lên đầu lên cổ những con người không may lớn lên ở đó, nó chua chát, nó bạc bẽo nhiều lúc đến cay đắng; nhưng cũng nhờ thế mới hiện rõ tâm địa của bao hạng người sống bằng mặt ngưòi nhưng tâm địa chẳng chút tình người. Ðọc thì thấy quá xá là hay nhưng sao tui cứ nhói nhói bên ngực trái, khó ngủ quá chú. Nghĩ mà thương hai đứa nhỏ, chị em thằng Ðiền quá mạng! Ở đây tui thấy hai chị em thằng Ðiền chẳng khác nào Nghi-Xuân và Tấn Lực trong vở tuồng cũ, mà vai chánh không phải là mẹ ghẻ Tào Thị, mà chính là người cha ruột của hai đứa nhỏ. Cái bi kịch của “cánh đồng bất tận” nó nằm ở đó chú Út à!
Tui tin Nguyễn Ngọc Tư chắc thế nào cũng là dân có gốc làm ruộng và có nuôi vịt chạy đồng thứ thiệt; nếu không thì cũng có nhà hoặc có đất cho vịt chạy đồng che đỡ cái chòi, đóng bậy cái chuồng tá túc vài tuần, chứ dở dở như tui làm sao biết trứng vịt nào no mồi hay thiếu lúa, thiếu mồi mà biết trứng dày, trứng mỏng. Phải vậy hông chú Út? Ðó là tui chưa kể mấy chữ mà Nguyễn Ngọc Tư đã dùng trong truyện này rất rặt miệt Cà Mau như “váng phèn”, “hoi hót”, “xao xác”, “táo tác”; nhưng có điều là Nguyễn Ngọc Tư cũng đã bị cái nghề viết văn làm lệch cái cách chấm phết bình dị quê mùa rồi chú Út à! Ở đây tui bị ngộp thở vì mấy chữ “và” và mấy cái dấu chấm, dấu phết ào ào như mưa như nắng ở vùng kinh xáng mình trong mùa “áp thấp nhiệt đới” tháng Tám, tháng Chín; những hột mưa muốn tạt hướng nào thì tạt không theo hướng nào nhứt định và cứ thế đổ rào rào, biết ớn hồn!
Tui xin ghi lại đây vài ví dụ để chú thấy tui cũng quan tâm tới việc bút lục, chẳng hạn như mấy câu: “Và khi chúng tôi…”; “Và tay, và chân, và dưới cái áo mà tôi đã đắp…”; “Và những chân tóc…”. Những chữ “và” mà ở phía trước đều có dấu chấm hoặc dấu phết chỉ có nhà văn thứ thiệt mới dám xài nhe chú, còn lơ mơ như tui viết thơ cho chú, thú thiệt, tui ớn dữ lắm! Không hiểu đây có phải giữa làm ruộng và làm thơ, làm văn nó khác nhau một trời một vực là khác ở chỗ chấm phết này hông? Tình thiệt tui xin nói thiệt, chứ văn chương mà chấm phết bát loạn, thú thiệt, tui sợ hết biết chú Út!
Chú Út sắp nhỏ,
Cái thơ cũng khá dài, nhưng ở đây cũng còn một tháng nữa mới Tết, nhưng bữa tui lên Châu Ðốc, thấy người ta đem cây kiểng ra bán Tết rồi, tui có đi vòng vòng coi cho biết, thấy kiểng năm nay bán mắc quá nhe chú. Gốc mai bứng trên núi bằng cái hũ đường có cây tới vài chục triệu, có cây gốc lớn hơn giá năm ba chục triệu là thường; nói gì mai lớn thì lớn tiền, ngay như mai nhỏ cao chừng 5 tấc tới một thước mà cũng giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng rồi, tính ra nếu lúa 40.000 đồng thì cũng tốn cả chục giạ lúa chứ ít ỏi gì. Mà chú biết hông, mùa này là giáp Tết, lúa ngoài đồng chưa vàng mơ thì trong nhà chắc cũng sắp mờ con mắt chứ chẳng chơi chú Út à!
Trước khi ngừng ở đây, tui gởi lời thăm và chúc chú thím cùng sắp nhỏ mạnh giỏi, ăn một cái Tết vui vẻ, may mắn. Hẹn chú lá thơ sau nhe chú Út!
Nay thư.
Chú thích:
[1] talaCu số 12 ngày 18.12.2005
[2] Tuệ Sỹ, Tô Ðông Pha - Những phương trời viễn mộng, Xuân Thu, Hoa Kỳ, 1991
[3] Nguyễn Hiến Lê, Tô Ðông Pha, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, (không ghi năm xuất bản)
[4] Sách đã dẫn
[5] Nguyễn Hưng Quốc, “Thơ con cóc: Một bài thơ hay”, trang nhà tienve.org
[6] Phan Trần Chúc, Văn chương quốc âm thế kỷ XIX, Khai Trí, Sài Gòn, 1960
[7] Theo quyển Tân Châu xưa của Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh, Thanh Niên tái bản, 2003
[8] Theo Hồi ký của Sơn Nam, trang nha http://www.vnthuquan.net/truyen
[9] Theo Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển của giáo sư Trịnh Vân Thanh, Hồn Thiêng, 1967
[10] “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, trên trang “Ăn mày văn chương”, tháng 1.2006.
18/1/2006
Hai Trầu
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...