Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

"Hết thuốc" cho Đỗ Minh TuấnXXX

"Hết thuốc" cho Đỗ Minh Tuấn

Xin thưa với quý độc giả, trong tiêu đề bài viết này, “Hết thuốc” là mượn lời của tác giả phuong254 trên trang web www.yxine.com mà talawas link trong mục “spectrum” ngày 27-5-2005, nguyên đoạn viết về đạo diễn Đỗ Minh Tuấn như sau: “Điều đáng buồn là, ông mắc một căn bệnh rất trầm kha. Đó là bệnh: mở mồm ra là kêu gọi dân chủ hay đổi mới trong văn học nghệ thuật nhưng hành động của ông thì ngược lại. Biểu hiện của bệnh này là thói tự tôn thái quá, tự cao tự đại, coi tác phẩm của mình là nhất, ai không khen thì chỉ có hai khả năng: một là phản động, và hai là dốt nát đến độ không hiểu chi về điện ảnh. Cứ xem những bài phát biểu và trả lời phỏng vấn huênh hoang của ông ấy thì biết. Vẫn là bệnh “ai cho mày chê con tao xấu” mà Thảo Hảo đã phát hiện. Nhưng hết thuốc rồi!”.
Có thể nói, trong bài “Tiếp tục nhận diện ‘ca-pốt rách của Đảng’” đăng trên talawas ngày 2-6-2005 cũng như hầu hết các bài báo khác của Đỗ Minh Tuấn, nhìn chung, 90% dữ kiện và kết luận là do ông Tuấn bịa đặt để bôi nhọ người khác và tôn vinh mình. Tự cho mình là nhà lý luận văn học nghệ thuật hàng đầu, thế mà ông Tuấn chưa bao giờ tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch của thể loại này là phải nói có sách, mách có chứng. Trong bài này, cũng như các bài khác, ông Tuấn không hề đưa ra một dẫn chứng nào có tính thuyết phục, mà toàn trích miệng, rằng ông này nói với tôi thế này, ông kia ca ngợi tôi thế kia, mà không hề đưa ra một bằng chứng nào, rằng điều ấy in ở sách nào, báo nào, trang mấy, ngày mấy. Ngược lại với lối viết của ông Tuấn, chúng tôi khi phê bình hoặc trả lời ông Tuấn, bao giờ cũng trích dẫn từ các văn bản một cách khoa học, không bao giờ kết luận mà quên chứng minh.
1. Đỗ Minh Tuấn toàn khơi khơi bịa chuyện để đánh lừa độc giả
Biạ 1: Đỗ Minh Tuấn viết: “Thực ra, không hề có nhà thơ Uỷ viên BCT Nguyễn Khoa Điềm ở hội trường trong lúc tôi phát biểu. Nếu không phải Trần Mạnh Hảo mắc chứng bệnh nhìn vào đâu cũng thấy Bộ chính trị, trong chiêm bao cũng đầy mặt cấp trên, thì việc ông bịa đặt trắng trợn sự có mặt của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đại hội nhà văn chiều 24-4 nhằm mục đích gì đây? Phải chăng, đó là một đòn gí điện hiểm ác, nhằm trút trách nhiệm lên đầu một uỷ viên BCT”. Về điều này, tôi đã gọi điện thoại hỏi nhà văn Đào Thắng, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, người có chân trong Ban tổ chức đại hội, chuyên lo tiếp các vị lãnh đạo là khách đến dự đại hội; nhà văn Đào Thắng trả lời: “Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm tham dự suốt 3 ngày đại hội, từ họp trù bị 23-4-2005 đến ngày 25-4, không nghỉ buổi nào.” (talawas và bạn đọc nào muốn kiểm chứng thông tin này, có thể gọi điện thoại cho nhà văn Đào Thắng [1] ). Vậy, việc Đỗ Minh Tuấn bịa ra chuyện này để “che chắn” cho ông Nguyễn Khoa Điềm hay không thì tuỳ bạn đọc suy xét.
Biạ 2: Đỗ Minh Tuấn viết: “Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, đã có một cuộc họp giữa các ông Trần Hoàn – trưởng ban TTVH TW, Nguyễn Đình Thi - Tổng thư ký Hội liên hiệp VHNT Việt Nam, Hà Xuân Trường - Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản và Hữu Thỉnh - Tổng thư ký Hội Nhà văn để bàn xem có truy tố tôi về chính trị như truy tố Dương Thu Hương hay không…”. Về điều này, tôi đã hỏi anh Hữu Thỉnh, anh Thỉnh bảo: “Làm gì có chuyện đó, Đỗ Minh Tuấn bịa ra đấy!”
Biạ 3: Đỗ Minh Tuấn viết tiếp: “Nhưng sau đó, Ban TTVH đã giao ban thông báo về trường hợp của tôi dẫn đến việc gần 3 năm tôi không được ký tên thật trên báo và không được làm phim...”, “…Khi lãnh đạo Ban TTVH TW và lãnh đạo Bộ Văn hoá bênh che trắng trợn bọn người này (tức những người, những tờ báo phê bình chê phim Ký ức Điện Biên của DMT là dở tệ - chú của TMH) đối xử bất công với tôi trong liên hoan phim quốc gia, và trong nhiều việc khác, tôi càng thêm căm giận”. Về điều này, tôi gọi điện thoại ngay cho nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát - Cục phó Cục Điện ảnh (người viết kịch bản cho phim Ký ức Điện Biên để ông Tuấn làm đạo diễn); bà Hồng Ngát trả lời tôi như sau: “Làm gì có chuyện Đỗ Minh Tuấn bị cấm làm phim, cấm viết ký tên thật, làm gì có chuyện cấp trên xử tệ với ĐMT, Tuấn nó bịa ra đấy!” . Cũng về chuyện ông Tuấn bịa ra bị chính quyền cấm làm phim 3 năm và không được ký tên thật khi viết báo, nhà văn - đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh trả lời điện thoại tôi như sau: “Thưa anh Hảo, tôi làm Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam 2 khóa liền, từ năm 1989 đến năm 2000, tức khóa 3 và khóa 4. Đỗ Minh Tuấn là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam khóa 3. Làm gì có chuyện ông Tuấn bị cấp trên cấm làm phim 3 năm và cấm viết ký tên thật!”
Biạ 4: Đỗ Minh Tuấn viết: “Có lần Trần Đăng Khoa nói với tôi: “Bác nguy rồi! Trong nước thì bác bênh hải ngoại, ra ngoài bác lại bênh trong nước. Như thế, ta thì tưởng bác theo Mỹ, Mỹ lại tưởng bác là người của Đảng ta. Nguy quá!”. Tôi đã gọi cho nhà thơ Trần Đăng Khoa để xác minh việc này, ông Khoa bảo: “Trần Đăng Khoa không bao giờ nói điều đó với Đỗ Minh Tuấn. Tuấn bịa đấy!”.
Biạ 5: Đỗ Minh Tuấn viết: “Cái bẫy chính trị phe cánh Trần Mạnh Hảo, nó bộc lộ tâm địa độc ác của một người nhân danh nhà thơ nhưng luôn muốn tống giam những người viết khác vào tù”… “ viết các bài khủng bố nhà văn… quy chụp và đe nẹt”… “Những người đứng sau Trần Mạnh Hảo vẫn phát hiện vấn đề và cung cấp tri thức cho ông ta viết hàng loạt bài khủng bố trí thức văn nghệ sĩ”… “Cái cung cách phường tuồng mồm loa mép giải, ngụy biện, bịa chuyện và đánh tráo của Trần Mạnh Hảo ai còn lạ nữa”… “Trần Mạnh Hảo viết bài ký nặc danh quy chụp chính trị cho tôi, để rồi 2 năm sau Trần Mạnh Hảo giật được “ngọn cờ”…” . Tất cả những điều trên đều do Đỗ Minh Tuấn bịa ra một cách vô bằng cớ để đánh lừa bạn đọc, nhằm vu khống, bôi nhọ Trần Mạnh Hảo đến tận cùng. Tất cả những “tội lỗi” ấy của Trần Mạnh Hảo thực ra đều là của Đỗ Minh Tuấn cả, rồi ông gắp lửa bỏ tay người, đổ vấy cho người khác (như trong bài viết “Chiếc ca-pốt rách của Đảng thưa chuyện cùng chiếc ca-pốt lành của Đảng” trên talawas ngày 29-4-2005 mà Trần Mạnh Hảo đã trích dẫn cụ thể để chứng minh).
Biạ 6: Đỗ Minh Tuấn viết về các nhà văn dự Đại hội nhà văn như sau: “Rõ ràng Trần Mạnh Hảo chỉ nhìn vào quan chức đảng viên ngồi ở dưới, không bận tâm nhìn vào thái độ của mấy trăm nhà văn thường dân xem họ phản ứng ra sao trước lời phát biểu của tôi”. Điều này, Đỗ Minh Tuấn đã nói dối: hầu hết các nhà văn dự đại hội đều là đảng viên, nếu họ không đảng viên thì vẫn là cán bộ biên chế của nhà nước, hoặc về hưu thì vẫn là cán bộ đảng viên ăn lương hưu. Làm gì “có mấy trăm nhà văn thường dân” trong đại hội như ông Tuấn bịa chuyện để lừa. Nhà văn thường dân là những nhà văn ngoài biên chế nhà nước, tức không phải cán bộ, không phải đảng viên như Trần Mạnh Hảo chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Biạ 7: Đỗ Minh Tuấn viết: “Nếu ông nhìn thấy những gương măt hồ hởi, phấn khích, những cái bắt tay, những lời bình luận “tuyệt vời”, “hay quá” của các nhà văn dành cho tôi sau khi tôi phát ra thông điệp ấy, thì ông sẽ không có những nhận định quá quan tâm tới cơ mặt và cảm xúc của cấp trên như thế”. Điều này Đỗ Minh Tuấn hoàn toàn bịa chuyện. Khi ông phát biểu xong, chỉ nghe thấy nhiều tiếng nói rõ to: “vô văn hoá” vang lên từ dưới hội trường. Độc giả cần đọc lại bài viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến “Thư ngỏ gửi bạn văn chương” trên talawas ngày 17-5-2005 thì khắc biết. Anh Vũ Ngọc Tiến viết: “Thế nên bước vào đại hội, xảy ra bao nhiêu chuyện nhộn nhạo kém văn hoá cũng là tất yếu. Bài của anh Đỗ Minh Tuấn vừa đăng trên mạng là một minh chứng”. Xin tham khảo nhận xét của tác giả phuong 254: “Cách bác (tức Đỗ Minh Tuấn - chú của TMH) gọi Trần Mạnh Hảo là “ca-pốt rách” trên diễn đàn đại hội nhà văn với bất kỳ hàm ý gì đều là hành vi kém văn hoá và vô trách nhiệm. Nó không phù hợp với giới trí thức của các bác nói chung, và đặc biệt là một văn nhân tài tử như bác, người luôn được công chúng săn đón và ái mộ”.
Biạ 8: Đỗ Minh Tuấn viết: “Trần Mạnh Hảo đã trích dẫn và sắp xếp các ý của tôi thoát ly văn cảnh”. Đây là điều dối trá của ông Tuấn, trong bài “Chiếc ca-pốt rách thưa chuyện…” vừa dẫn, chúng tôi đã trích dẫn những lời ông Tuấn đánh vào anh em đổi mới, đánh vào hải ngoại, vu cáo chính trị, quy chụp, đe nẹt các nhà văn trong nước cũng như ngoài nước một cách chính xác, hoàn toàn không có cắt xén, sắp xếp lại, hay thoát ly văn bản như ông Tuấn đã nói dối mà không hề chứng minh.
Biạ 9: Đỗ Minh Tuấn viết: “Trần Mạnh Hảo… núp vào sau lưng em bé học sinh lớp 11 Nguyễn Phi Thanh để đòi bỏ kiệt tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu ra khỏi sách giáo khoa”. Đỗ Minh Tuấn bịa chuyện này để làm gì vậy? Xin quý vị vào trang web sau của báo Công an TP. Hồ Chí Minh online xem bài viết của Trần Mạnh Hảo về “bài văn lạ”, để thấy ông Tuấn nói bất cứ điều gì đều sai sự thật : www.baocongantphcm.com.vn/detail_news.php?a=art05460 hay vào www.baocongantphcm.com.vn rồi vào tiếp mục “Phóng sự điều tra” là xem được bài viết “nhân bài văn lạ của em Nguyễn Phi Thanh…” của Trần Mạnh Hảo.
Biạ 10: Đỗ Minh Tuấn viết: “Trần Mạnh Hảo viết: “Nhân dịp 50 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 1954-2004, lệnh của Bộ Chính trị cho Ban TTVH TW+ Cục điện ảnh+Hội điện ảnh Việt Nam phải tìm một đạo diễn vừa hồng vừa chuyên, tuyệt đối tốt về phẩm chất chính trị, có công bảo vệ đảng nhiều năm, để trao cho một trệiu đô la mà làm phim ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài đạo diễn Đỗ Minh Tuấn ra, còn ai có thể vừa mắt Bộ chính trị để cầm một triệu đô la tiền đầu tư sáng tác vĩ đại nhất từ xưa tới nay như thế?”. Xin hỏi Trần Mạnh Hảo dựng đứng ra chuyện này để làm gì? Có phải ông quá coi thường độc giả talawas nên đem cái logic chính trị trẻ con ra để lừa họ không?” . Xin thưa, sự thật rành rành vậy mà ông Tuấn còn chối! Việc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ra nghị quyết kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nghị quyết có nói về chuyện làm phim kỷ niệm chiến thắng đã đăng báo toàn dân biết. Nếu không có Bộ Chính trị phê duyệt, coi xem ai xứng đáng làm phim này, làm sao Đỗ Minh Tuấn có thể ẵm 14 tỷ đồng Việt Nam (tương đương một triệu đô la) cho vào túi để làm ra thứ phim giả cầy dở nhất năm 2004 như báo chí đã viết (sẽ chứng minh sau)? Nên nhớ rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay chuyên đi vay nợ tư bản nước ngoài nên nợ như chúa chổm, quốc nạn tham nhũng lại hoành hành nên tiền bạc khan hiếm lắm; chuyện đầu tư một triệu đô la cho những dự án như làm phim, nhất nhất phải có Bộ Chính trị (mà đại diện là ông Trưởng Ban TTVH TW) phê duyệt. Lấy vài trăm ngàn từ ngân sách nhà nước ra đã phải thông qua bao nhiêu thủ tục nhiêu khê, huống hồ đâu phải tự nhiên mà một đạo diễn thuộc hàng thường thường bậc trung như Đỗ Minh Tuấn, lại được Đảng rót vào túi cho một triệu đô la để sáng tác ra tác phẩm ca ngợi Đảng?
Biạ 11: Đỗ Minh Tuấn khoe phim Ký ức Điện Biên của ông tuyệt vời lắm, chỉ vì trò bôi bẩn lịch sử của các báo như Công an TP.HCM, báo Thanh niên, báo Điện ảnh TP. HCM… chê dở, đã được Ban TTVH TW và Bộ Văn hoá toa rập, nên phim ông rất hay bị chúng bôi bẩn lịch sử cho là kém nhất. Rất nhiều tờ báo trong nước đã phân tích cái gian xảo, xiên xẹo này của ông Tuấn: người ta chê cái phim làm về Điện Biên của ông dở tệ, xem ngượng chết được, ông lại đánh tráo khái niệm bảo báo chí và cả Đảng Cộng sản bôi bẩn chiến thắng Điện Biên Phủ, và bôi bẩn các chiến công chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Đúng như nhận định của tác giả phuong 254: ai chê phim ông dở, ông bèn quy lên là phản động. Đấy là sở trường của Đỗ Minh Tuấn từ xưa đến nay. Về phim Ký ức Điện Biên của Đỗ Minh Tuấn, Yxine.com đã tổng kết đánh giá của báo chí về điện ảnh Việt Nam năm 2004, có đoạn như sau: “… Lọ lem hè phố, Ký ức Điện Biên hai phim đại diện cho những phim tệ nhất của Việt Nam”… “Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: đạo diễn của một phim đắt tiền nhưng quá dở và đáng thất vọng, có những phát ngôn… không biết nói sao nữa!” Xin độc giả đọc thông tin bầu phim của ông Tuấn là phim dở nhất trên trang web: www.yxine.com/?gf=bv&view=1&articles_id=300.
Chúng tôi phải dừng mục này để chuyển sang mục khác vì đã dài. Nếu cứ theo đà như trên, phải tới “Bịa 20” mới khui hết những điều nói dối của Đỗ Minh Tuấn trong bài viết trên.
2. Đỗ Minh Tuấn - kẻ trí trá, lá mặt lá trái - người học trò nhỏ của ông Lê Đức Thọ

Trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và nước Việt Nam, vai trò của ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ tính từ năm 1960 là vai trò số 1, trên cả ông Hồ Chí Minh. Nhiều khi, quyền lực trong tay ông Lê Đức Thọ còn trùm lên cả quyền lực của ông Tổng bí thư Lê Duẩn. Có thể nói, ông Lê Đức Thọ được coi như đồng nhất với Đảng. Thế mà từ năm 1978, lúc mới 26 tuổi, ông Đỗ Minh Tuấn, không hiểu bằng cách nào, đã lọt vào mắt xanh của ông Lê Đức Thọ, thậm chí còn như thư ký riêng không chính thức, cố vấn không chính thức cho ông Lê Đức Thọ, như chính ông Đỗ Minh Tuấn “khai ra” trên talawas trong bài viết đã dẫn, như sau: “Tôi chưa bao giờ chụp ảnh với ông Lê Đức Thọ và đi khoe ảnh ấy như ông Trần Mạnh Hảo viết. Tôi có quan hệ với ông Lê Đức Thọ từ năm 1978, trong tình thế buộc phải tự vệ trong cuộc đánh nhau với con trai ông Trường Chinh lúc ấy là bí thư chi bộ Viện triết học, người đã kỷ luật khai trừ Đoàn tôi vì tội tôi đã viết tập chuyên luận “Phúc thẩm án Juda” (cho rằng tôi ám chỉ Đảng là Chúa) và muốn đưa tôi đi cải tạo. Để tự vệ chúng tôi đã gõ cửa các Ủy viên Bộ Chính trị trong đó có ông Lê Đức Thọ để kiện lại con trai ông Trường Chinh, sau đó có quan hệ với họ, đóng góp nhiều ý tưởng mới và giới thiệu nhân sự cho các vị này… (…) … Có nhiều chuyện ly kỳ, thú vị, sẽ có dịp kể lại ngọn ngành… (…) … Ngay cả khi viết lại những ý kiến của Lê Đức Thọ (những đoạn in đậm do TMH nhấn mạnh) bảo vệ các nhà văn, phê phán sự quy chụp, Đỗ Minh Tuấn cũng không đứng tên mà đưa cho một nhà thơ khác in trên báo, đến nay nhiều người vẫn tưởng bài viết ghi những ý kiến cởi mở đó là của nhà thơ ấy…”. Qua đoạn văn tự bạch này, ta thấy chân dung ông Tuấn hiện lên rất rõ như là cái bóng nhỏ của ông thầy Lê Đức Thọ. Một người dân thường (như ông Tuấn nhận) làm sao lại có thể tự nhiên gõ cửa nhà ông Lê Đức Thọ và các Uỷ viên Bộ Chính trị khác như gõ cửa nhà mình thế? Xin thống kê vai trò chính trị của ông Đỗ Minh Tuấn trong mối quan hệ với ông Lê Đức Thọ:
Quan hệ với ông Lê Đức Thọ từ năm 1978 để đánh nhau với ông Đặng Xuân Kỳ, con trai ông Trường Chinh. (Ông Tuấn dám đánh nhau với con ông Trường Chinh - Chủ tịch Quốc hội lúc đó - thì quả là ông ta còn oai hơn một ông Bộ trưởng?)
Gõ cửa nhà các ông trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và gõ cửa nhà ông Lê Đức Thọ (còn hơn một Uỷ viên BCT?).
Sau đó ông Tuấn có quan hệ với họ = các Ủy viên Bộ Chính trị?
Góp nhiều ý tưởng mới cho các ông trong Bộ Chính trị: cố vấn cao cấp?
Giới thiệu nhân sự cho các vị này = giới thiệu nhân sự cho các vị Bộ Chính trị để sắp xếp ai là Bộ trưởng, ai Thứ trưởng, ai Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh, ai Phó bí thư, Phó chủ tịch tỉnh, ai Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật, ai Tổng thư ký Hội Nhà văn… Như thế vai trò của Đỗ Minh Tuấn còn hơn thư ký riêng, cố vấn riêng của ông Lê Đức Thọ và các ông Uỷ viên Bộ Chính trị, nghĩa là ông Tuấn khoe mình quyền lực chỉ sau ông Lê Đức Thọ?
Thay mặt ông Lê Đức Thọ, viết lại ý kiến của ông Thọ, ký tên một nhà thơ khác mà không ký tên mình, vai trò của ông Tuấn là thư ký riêng ngầm của ông Thọ?
Với vai trò quá “dễ sợ”, quá mờ ám như trên, việc gì ông Tuấn còn thanh minh rằng tôi không hề chụp hình với ông Lê Đức Thọ và đi khoe chuyện chụp hình chung này như ông Hảo bịa. Với nhiệm vụ “ngầm”, cố vấn kiêm thư ký riêng cho ông Thọ và các ông trong Bộ Chính trị như ông Tuấn khoe, thì việc chụp hình chung với ông Thọ chỉ như một sợi lông tơ so với quả núi!
Qua đây, mới thấy rằng ông Đỗ Minh Tuấn có “nghề” đi cửa sau và giao du, gác cửa hay nhận “các nhiệm vụ ngầm” của các ông trùm cộng sản trong các “triều Bộ Chính trị” từ thời ông Lê Đức Thọ năm 1978 đến nay. Từ những lời khai này của Đỗ Minh Tuấn, ta mới giải mã ra hàng loạt điều bí mật trùm lên ông hoạt đầu này; ví như vì sao, giữa Hội trường Ba Đình, ông dám chử Đảng là con C…, lại còn dám viết rõ ràng hơn, rằng: “Coi Đảng là cái dương vật của dân tộc là thái độ tôn vinh khuyến khích Đảng ngày càng vững mạnh…”. Vì có thế lực to lớn trong Bộ Chính trị bảo vệ, nên Đỗ Minh Tuấn khoe rằng, hơn 10 năm trước, ông vẫn thòi ngòi bút qua hải ngoại, viết bài tôn vinh tự do dân chủ (mà đến nay, ai ở trong nước viết bài cho Cánh Én cũng bị coi là phản động), để ông viết bài trên báo Cánh Én như sau: “Tôi có dịp tham gia viết bài cho các tờ báo chí văn chương hải ngoại và thường xuyên trao đổi trên các diễn đàn liên mạng như diễn đàn VNSA của du học sinh ở nước ngoài, diễn đàn trí thức của báo Cánh Én… mở rộng thêm tầm mắt dần dần hiểu sâu về tự do, dân chủ…”. Tờ Cánh Én online là tờ báo chống cộng bậc nhất, bị tường lửa nặng nhất, chả lẽ khi viết trên tờ báo này, ông Tuấn lại ca ngợi Đảng Cộng sản ư? Một mặt, thòi bút ra hải ngoại chửi Đảng thoải mái mà Đảng vẫn để yên, vẫn cho cả triệu đô la để thưởng công mà làm phim ca ngợi Đảng, thì hành vi chửi Đảng này của ông Tuấn là hành vi chửi cò mồi, chửi vì được “cấp trên giao” hay vì ông có nhiều thế lực trong Bộ Chính trị “bảo hiểm” nên công an ớn ông mà không dám làm phiền?
Ngay trong bài viết này, Đỗ Minh Tuấn đã thể hiện con người lá mặt lá trái, tráo trở của mình, vừa chửi Đảng là con C…, ông lại ca ngợi Đảng liền, bảo cái bục gỗ trong Hội trường Ba Đình là cái bục dân chủ: “Thưa nhà thơ chiến sĩ Trần Mạnh Hảo, cái bục ở hội trường Ba Đình trở nên trang trọng thiêng liêng không phải vì đã có các quan to đứng cạnh, mà vì nó biểu tượng cho quyền đứng thẳng và nói thẳng của nhân dân, vì nó là nơi phát đi tiếng nói mạnh mẽ và sáng suốt của những người trí thức!”. Đỗ Minh Tuấn nói như thế này, tức là chế độ ta tốt đẹp quá rồi, tự do dân chủ quá rồi, thì vì sao ông còn chửi Đảng? Những người đứng nói trên bục kia, hầu hết là các ông quan to, các ông dân biểu = Đại biểu Quốc hội do Đảng chỉ định (để dân bầu dỏm), chứ thằng dân đen thấp cổ bé họng có mà đến Tết Ma Rốc mới được néo hoánh tới; dân bây giờ mà dám đến đứng xớ rớ gần Hội trường Ba Đình dăm ba người tụ tập là công an bắt liền (theo lệnh mới cấm tụ tập). Đang ca ngợi bục gỗ trong Hội trường Ba Đình là biểu tượng của sáng suốt, của nhân dân, của sự thiêng liêng dân chủ tự do, tức là chế độ ta tốt đẹp lắm, Đỗ Minh Tuấn bèn chửi Đảng liền, đòi Đảng xấu xa như thế thì từ bỏ vai trò lãnh đạo đi: “Nếu mặc cảm xấu hổ về những nguyên lý chính trị của mình thì hãy đổi mới về chính trị: từ bỏ độc quyền lãnh đạo xã hội, xây dựng một chế độ dân chủ, chứ đừng giữ quyền lãnh đạo mà để xã hội chà đạp và bôi bẩn lên những chiến công làm bằng xương máu của nhân dân…”. Chửi Đảng chưa khô mép, Đỗ Minh Tuấn liền thề thốt trung thành với Đảng liền: “Tôi đã nhiều lần gửi thư lên các cấp cao nhất của Đảng và nhà nước nói rằng tôi là người gắn bó xây dựng Đảng”, ”…Vốn có chút “bảo hoàng hơn vua” như Trần Mạnh Hảo đã nhận định, Đỗ Minh Tuấn trở lên hùng hồn nhất khi Đảng hữu khuynh…”. Trong bài viết này, không hiểu tại sao Đỗ Minh Tuấn cứ chửi Đảng một câu xong lại nịnh Đảng một câu? Phải chăng đó là bản chất con người Đỗ Minh Tuấn, cái hội chứng Brutus, vừa hoan hô Ceasar vừa đâm chết Ceasar?
Có thể nói, trong cuộc đời mình, ông Lê Đức Thọ đã đào tạo ra hàng vạn học trò, nhưng cho đến nay, chỉ có hai học trò “thành danh” tuyệt vời nhất đúng chí hướng và bản chất của ông: 1. học trò lớn nhất chính là cựu Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh; 2. học trò bé nhất: đạo diễn kiêm nhà văn Đỗ Minh Tuấn. Có lẽ, chính vì suốt nhiều năm quan hệ với ông Lê Đức Thọ và các ông Ủy viên Bộ Chính trị nên Đỗ Minh Tuấn đã không chỉ nhìn rõ mười mươi, mà còn cảm được cái hành vi siêu phàm của Đảng khi biến một văn nghệ sĩ như ông trở thành chiếc bao cao su cho Đảng hành lạc văn hoá ra sao? Có lẽ, vì thấy chỉ có một mình được nhận niềm khoái lạc ké vô biên kia một cách bí mật, nên ông Tuấn nhân chuyện trả thù Trần Mạnh Hảo mà ra công khai cho mọi người biết mình đã được ân huệ cửu trùng sung sướng ra sao? Đồng thời, có nhã ý san sẻ cho kẻ “cựu thù” TMH này tí phế thải, tí sái của thứ vinh quang ngầm mình từng được hưởng nhiều năm chăng? Nên ông Tuấn mới ban cho Trần Mạnh Hảo cái đặc ân được làm “chiếc ca-pốt rách của Đảng”; còn “chiếc ca-pốt lành của Đảng” thì còn ai vào đấy nữa! Viết bài báo này, tôi xin trả lại ông Tuấn “chiếc ca-pốt rách của Đảng” ông vừa tặng tôi. Ông Đỗ Minh Tuấn, ông thừa biết Đảng khôn hơn ông tưởng nhiều: đã xài thì xài ca-pốt lành thôi, thứ ca-pốt gia truyền phải được chế tạo từ xưởng sản xuất ca-pốt chuyên nghiệp của ông Lê Đức Thọ ngày xưa mới sướng.
Chú thích:
[1] Chú thích của talawas: Tác giả Trần Mạnh Hảo đã ghi rõ số điện thoại của tất cả các nhân vật được mình gọi điện xác minh. Toà soạn chúng tôi đã lưu lại các số điện thoại này, nhưng không đưa vào bản đăng trên trang talawas.
Sài Gòn, 4/6/2005
Trần Mạnh Hảo
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...