Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Apocalypse now or... neverXXXX

Apocalypse now or... never

Khải huyền muộn... còn hơn không
Ngày trước, khi đọc Cơ hội của Chúa... tôi đọc khá liền mạch, không đến mức ngấu nghiến từ đầu đến cuối trong một đêm như một bạn trẻ nào đó đã bộc bạch. Lần này tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Việt Hà Khải huyền muộn đến tay tôi vào lúc đang ngao du xuyên Việt, Khải huyền muộn theo chân tôi trên các chặng đường từ Sài Gòn, ra Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, rồi lại Sài Gòn, Phú Quốc, Vũng Tầu, Mũi Né, đi như chưa bao giờ được đi, rong ruổi bằng đủ mọi phương tiện hải lục không quân, Khải huyền muộn trở lại giữa hai cữ nhậu, sau trận bán kết túc cầu SEA Games, trên chuyến tàu muộn đi Lào Cai..., Khải huyền muộn được thưởng thức theo kiểu trích đoạn như bói Kiều. Hay nói theo ngôn ngữ du lịch là đi "ta ba lô" lữ hành vui đâu nghỉ đó rất tình cờ và đầy ngẫu hứng. Với riêng tôi, kiểu đọc này khá thú vị, tôi đã chỉ dừng lại đào sâu ở những trường đoạn hấp dẫn "bắt mắt", vì thế những tâm sự, bộc bạch ở đây sẽ mang nặng dấu ấn trực cảm, tôi muốn để trực giác dẫn dắt. Một độc giả bình thường, sẽ cảm thụ tác phẩm một cách đơn giản không "khuôn sáo" như các thầy giáo dậy trích giảng văn học, cao hứng chém chém tay vào không khí...
Cảm giác đầu tiên khi đọc Khải huyền muộn là đang được ăn lại một tô phở chân truyền mang hương vị Cơ hội của Chúa nhưng có thêm nếm một số gia giảm và tất nhiên sự thưởng thức vẫn chỉ ở dạng tìm lại hương xưa của phở. Nguyễn Việt Hà vẫn là Nguyễn Việt Hà, đa ngôn, hóm hỉnh, bất cần, khinh bạc, luôn tìm ra những mâu thuẫn, những tình huống cười ra nước mắt trong những cái tầm thường nhất của đời sống. Khải huyền muộn vẫn đầy ắp những tiểu tiết đẫm đầy tính trào lộng như kiểu một ông già 70 đi hoang sau khi đọc Nằm nghiêng.
Nhưng người đọc vẫn kỳ vọng được thưởng thức một cái gì đó lạ hơn. Về văn phong, Khải huyền muộn chưa vượt qua được Cơ hội của Chúa, mà chỉ là chuỗi tiếp nối của những gì chưa có trong Cơ hội của Chúa. Khải huyền muộn là xâu chuỗi của “Mãi không tới núi”, “Cố rồi sẽ nhớ” và phảng phất các truyện ngắn của tác giả Nguyễn Việt Hà, đôi khi Khải huyền muộn còn bao chứa những khảo luận về nghề văn, chuyện bên lề như một thoáng tiểu thuyết Trung Quốc đương đại hay nhang nhác "Trò chuyện với hoa thủy tiên"...
Cẩm My, Vũ, Bạch, Long là bốn nhân vật chính của Khải huyền muộn, so sánh với, Nhã, Hoàng, Tâm và Trần Bình trong Cơ hội của Chúa đều mờ nhạt hơn, thiếu nhất quán hơn. Tôi đã từng "phải lòng" nhân vật Hoàng của Nguyễn Việt Hà, một nhân vật đã được bôi tý son và quết tý chàm, nhưng vẫn toát ra một tinh thần rất nhân bản, dĩ nhiên Hoàng không có thật, Hoàng vẫn là tổng hợp của những đức tính đang ngày càng thiếu vắng trong xã hội. Lần này Bạch xuất hiện cũng khinh bạc, cũng nghệ sĩ, cũng "nát", nhưng Bạch có vẻ gì đó trần tục hơn Hoàng, và điều đặc biệt hơn, là Bạch chưa trục xuất nổi Hoàng ra khỏi vùng ký ức của riêng tôi về những mẫu nhân vật của Nguyễn Việt Hà. Vũ, một nhân vật theo tôi, đáng ra phải để lại một ấn tượng mạnh hơn nữa, nhưng thực ra Vũ đã xuất hiện khá mờ nhạt, vô hồn, thiếu cá tính, Trần Bình trong Cơ hội của Chúa bỏ xa Vũ về mọi phương diện, chí ít, Trần Bình có chỗ đứng trong tâm thức người đọc còn Vũ, Vũ chỉ thoắt ẩn thoắt hiện như một kẻ không có hộ khẩu thường trú, không cá tính, không hay không dở. Cẩm My, một cô gái chân dài, dĩ nhiên là tư duy bằng đầu gối, và do vậy không thể và không nên so với Nhã của Cơ hội của Chúa. Cẩm My trong Khải huyền muộn rất đặc trưng cho các nhân vật của thể loại điện ảnh "ăn khách" như của đạo diễn Lê Hoàng. Còn về những tiểu phẩm đan xen trong Khải huyền muộn kiểu "truyện trong truyện" thì một Tuệ Trung Thượng Sỹ ăn thịt nhồm nhoàm xem ra "ấn tượng" hơn ngài cố đạo rậm râu Alexandre De Rhode.
Về cấu trúc mới của Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà đang thể nghiệm một phương pháp mới, "nói leo" theo các nhà phê bình thì đây là không gian ảo 3D, nhân vật hòa quyện vào nhau, văn bản có nhiều "lớp lang" (như bộ mạch chủ của máy vi tính?). Nếu thực là vậy thì thể nghiệm phi tuyến tính này chưa thực sự "làm việc" và do vậy, hiệu ứng 3D rất khó bật lên, thậm chí còn nhòe nhoẹt vào nhau như chính trang bìa của danh họa Lê Thiết Cương khiến người đọc nhẹ dạ dễ dàng quay đi, còn người đọc cẩn trọng như Nguyễn Hưng Quốc hay Phạm Xuân Nguyên không khỏi vận "mười thành công lực" để giải mã bộ Da Vinci code bí hiểm đó. Tôi đã được chiêm nghiệm thủ pháp không gian ảo hay trình tự thời gian đảo ngược trong điện ảnh rất thành công trong tác phẩm Pulp Fiction của đạo diễn đa tài Quentin Tarantino. Những thủ pháp của đạo diễn có nghề Vương Đức trong chuyển thể điện ảnh Của rơi ngược lại đã "đánh rơi" mất một số tính chất quý báu của "Của rơi" nguyên tác.
Đọc tiểu thuyết có lẽ cũng giống như thưởng thức một bữa ăn, tác giả như một đầu bếp giỏi sẽ làm cho thực khác của mình giữ được cảm giác ngon miệng từ đầu đến cuối, đó là đầu bếp giỏi, và đồng nghĩa với tác giả thành công. Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy và một số tạp văn của Nguyễn Viện có lẽ là những tô phở thơm phức mà tôi có thể "xơi tái" một cách khoái trá từ đầu đến giọt cuối cùng, hay Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh cũng có thể bị "nuốt chửng" một cách rất khoái khẩu. Đầu bếp hay nhà văn, đều là những nhà chế biến, nguyên vật liệu như thực phẩm, hay nguyên mẫu nhân vật cần có bàn tay tài hoa khéo léo sắp xếp, gia giảm, nếu không đạt được hiệu quả ắt sẽ gây hiệu ứng ngược. Thà rằng cơm trắng cá kho, còn hơn nem công chả phượng.
Các nhà phê bình nôn nóng muốn làm bà đỡ cho một thần đồng văn chương, các nhà phê bình điện ảnh cũng vậy, những kỳ vọng vào Sống trong sợ hãi, Mùa len trâu... Công chúng, độc giả ngây thơ chân thành chờ Việt Nam vô địch SEA Games. Các cầu thủ đội nhà thì lại thi nhau "đè bóng". Bóng đá Việt Nam cần một sự khải huyền, văn học Việt Nam, điện ảnh Việt Nam cũng cần một sự khải huyền dù muộn màng đến mấy.
Riêng tôi đang nghe ngóng những mặc khải của một thời kỳ mới ở Việt Nam...
Sài Gòn, 19/12/2005
Hà Minh
Theo http://www.talawas.org/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những mất mát lớn của văn chương thế giới 28 Tháng Chín, 2022 Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất ...