Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Nói với ThuậnXXX

Nói với Thuận

Tôi đang định viết vài dòng từ một câu trả lời phỏng vấn của Thuận (evan.com.vn, 28/11/2005): (Phóng viên: “Thân phận tha hương nơi xứ người là nguồn đề tài quen thuộc với nhiều nhà văn, còn với riêng chị?” Thuận: “Nếu để câu khách thì tôi sẽ chọn đề tài tình dục đang làm xốn xang độc giả trong nước cũng như ngoài nước”), vì nghĩ khi Thuận nhìn cái viết của đồng nghiệp khác mình là “câu khách” thì Thuận là thế nào (theo logic mà suy, câu này sẽ dẫn đến khá nhiều hệ luận gay cấn), nhưng chưa kịp viết (vì thú thực là đang mải viết báo Tết kiếm tiền chơi Xuân), thì được đọc bài Thuận nói lại ý kiến của tôi về Bóng đè.

Chuyện này, nói với Thuận, tôi chỉ làm ba cú nhấp chuột.
Cú nhấp một, trích lại câu trong bài tôi đã viết:
“Truyện ngắn Bóng đè hay là vì vậy, theo cách đọc văn bản nghệ thuật của tôi. Có những người khác thấy nó là phản chính trị, phản đạo đức, thì đấy là tùy cách đọc của họ. Nhưng vậy là ở đây có sự khác nhau về quan niệm, về cách đọc”.
Cú nhấp hai, dẫn ra một đoạn viết của Đoàn Cầm Thi trên bìa 4 tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 của Thuận vừa ra ở nhà xuất bản Đà Nẵng:
“Paris của hai nhân vật nữ, Mai Lan và Liên, cùng tuổi cùng gốc Hà Nội, nhưng một kiều diễm một xấu xí, một cựu hoa hậu một cựu cán bộ công đoàn, một dạn dĩ một nhút nhát, một khéo léo một vụng về, một kiếm sống bằng tình dục một chưa nếm mùi tình yêu, một lãng mạn một không tin vào phép lạ. Hai mươi hai chương miên man thực giả lẫn lộn, ngồn ngộn Paris và Hà Nội, lôi cuốn chúng ta bằng một vận tốc chóng mặt, một cấu trúc hiện đại, một giọng điệu tinh tế, duyên dáng, chua xót, hài hước. Vừa thẹn thùng vừa khiêu khích, Paris 11 tháng 8 chạm vào nỗi đau của nhân vật, của nhân loại”.
Nhà phê bình (bà chị) viết như thầy giáo lớp mười (của cô em) giảng văn.
Cú nhấp ba, trở lại bài phỏng vấn Thuận, đoạn Thuận giải thích cho người đọc về nhân vật của mình:
“Tôi đã muốn xây dựng một nhân vật chính ngoại cỡ: nếu “tôi” của Chinatown không ngừng giễu cợt quá khứ và hiện thực thì Liên của Paris 11 tháng 8 lại hoàn toàn lãnh đạm: Hà Nội hay Paris? Làm cán bộ công đoàn hay đi tắm cho người già? Tiếp tục hay kết thúc cuộc sống độc thân? Nên về nước hay nên ở lại? Người này tốt hay xấu? Việc này đúng hay sai? Tương lai tươi hồng hay đen tối?... chưa câu hỏi nào được Liên đặt ra. Nhưng có lẽ bi kịch của nhân vật này không nằm ở sự lãnh đạm trong tính cách mà ở cái khối mâu thuẫn khác thường: Liên chưa từng hy vọng mà lại bình tĩnh đón nhận thất vọng, Liên chưa từng yêu mà lại chán yêu, Liên chưa từng tiếp xúc mà lại chai sạn, Liên chưa từng sống mà lại muốn chết. Giữa tình yêu và danh dự, Anna Karenina xinh đẹp, thông minh, đa tình... không biết lựa chọn cái nào và Lev Tolstoy đã để nàng nhảy tàu tự vẫn. Hai thế kỷ trôi qua, tôi không có lý gì lập lại bi kịch đó lần nữa. Liên xấu xí, vụng về, vô cảm. Liên không có gì để lựa chọn. Tôi không bắt cô phải dằn vặt hay đắn đo, phải trải qua vài chục chương phân tích nội tâm mới được quyền chia tay cuộc sống. Nếu Liên là mâu thuẫn thì cái chết của cô lại mâu thuẫn hơn cả: nó vừa giống như một điều tất yếu, vừa có vẻ của một sự tình cờ, nó là một hành động có ý thức nhưng cũng rất nhiều phần vô thức, nó không khác một tai nạn thông thường lại khiến người ta liên tưởng tới một đồng mưu tự sát”.
Nhà văn (cô em) diễn giải hơn cả nhà phê bình (bà chị) viết.
Và lời kết không gì hơn tôi mượn lời của Thuận để nói với Thuận, chỉ thay tên tác phẩm Bóng đè bằng tên tác giả Thuận, và thay “dân tộc, truyền thống, ám chỉ, tượng trưng” bằng “tinh tế, duyên dáng, chua xót, hài hước” là vừa đủ. Thuận (mượn qua mồm tôi) nói thế này:
“Mỗi độc giả có cách đọc riêng của mình. Tương tự, những người cầm bút theo đuổi những mục đích sáng tác khác nhau, các nhà phê bình áp dụng các phương pháp chuyên môn khác nhau. Tuy vậy, theo thiển ý của tôi, nếu ai đó muốn đề cao Thuận thì nên tìm những cách độc đáo hơn một chút. Chẳng lẽ cứ nói đến Thuận là phải tinh tế, duyên dáng, chua xót, hài hước... Chẳng lẽ để ca ngợi một đôi mắt, chẳng còn câu nào ngoài cái câu muôn thuở: “Ôi, mắt em là ánh nước hồ thu!”.
Tôi chỉ nói với Thuận thế thôi, xin lỗi, báo Tết năm Tuất đang chờ tôi.
Hà Nội, 14/12/2005
Phạm Xuân Nguyên
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những mất mát lớn của văn chương thế giới 28 Tháng Chín, 2022 Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất ...