Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Ðòi tự do sáng tạo - Chuyện của thế kỷ 20XXX

Ðòi tự do sáng tạo
Chuyện của thế kỷ 20

Tự do là từ ngữ được nói đến nhiều nhất ở thế kỷ 20. Trong lĩnh vực chính trị, nhiều lúc nó được sử dụng như những viên đạn để triệt hạ tư tưởng giữa các bên đối lập. Nhà nước nào cũng nói đến tự do. Bất kỳ một cuộc gặp mặt tầm cỡ nào, bất kỳ ở đâu, cũng có thể vang lên những lời kêu gọi tự do và định nghĩa về tự do. Mọi người đều chấp thuận rất nhanh cụm từ: sáng tạo của nghệ sĩ rất cần tự do. Nhưng tự do theo kiểu nào? Có những nhà nước, liên tục có những án văn nghệ: tác phẩm bị thủ tiêu, nghệ sĩ bị đi tù, bị bỏ quên. Những nhà nước đó vẫn tự hào về tự do cho nghệ sĩ và tự do sáng tác. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Sự thấu hiểu tự do cho nghệ sĩ theo cách của riêng mình, đôi khi tạo ra những giai thoại lạ lùng. Ðầu thập kỷ sáu mươi, người ta tổ chức một cuộc triển lãm tranh đả kích ở phòng triển lãm phố Hàng Ðào - Hà Nội. Sau những thủ tục lễ nghi khai mạc phòng tranh, một quan khách chủ trì, là lãnh đạo thành phố, đã vui vẻ, chân thành nói với các họa sĩ và cử tọa người xem tranh rằng: “Ðấy, người ta cứ bảo chúng ta không tự do. Các anh được chửi thoải mái bè lũ Mỹ - Diệm, nào có ai cấm. Nếu ở Sài Gòn, làm thế này, họa sĩ bị xích tay ngay lập tức”. Với một quan niệm về tự do sáng tác sắt đá và hồn nhiên như thế, phỏng có tác phẩm nào khác ý không bị bóp từ trong trứng. Thực tế, có một nghịch lý là, đa phần những nghệ sĩ dám “vượt quá mức tự do cho phép” lại là những nghệ sĩ có một quá trình hiến dâng lâu dài cho chế độ. Những án văn nghệ thường rơi vào những nghệ sĩ có bề dày tác phẩm cống hiến, có uy tín trên văn đàn. Những tác phẩm “có vấn đề”, thường “ra” được là do uy tín chính trị của họ. Những văn nghệ sĩ kháng chiến trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm [1] , hay những tướng, tá bị “gạt ra rìa” vì viết những tác phẩm như Vào đời, Phá vây [2] ... Ở Việt Nam, nghệ sĩ thường nằm trong biên chế. Muốn trở thành nghệ sĩ, người ta phải có những tác phẩm qua cầu và bản thân họ là “những người được trả lương” [3] , “cái đinh ốc”, “kỹ sư tâm hồn”, “người lính trên mặt trận văn hóa” [4] . Họ dần biến thành những nghệ sĩ - thư lại. Nếu có tiếng nói đòi tự do sáng tác, thì đó là mong muốn của những người này. Người bình thường không kịp làm nghệ sĩ, bởi làm gì có tác phẩm. Anh ta có khó khăn từ đầu vào: nguồn tri thức, nguồn sống, môi trường sáng tác v.v... Và đầu ra: không có phương tiện để chuyển tải tác phẩm. Anh ta chỉ còn mỗi tự do ngẫm nghĩ và cái mồm phát ngôn của “con người nghệ sĩ tiềm năng” bên trong. Nếu không cẩn thận, anh ta sẽ trở thành tội phạm với những cáo trạng “an ninh” và lĩnh án “hình sự”. Lúc đó anh ta chẳng là Nhà gì cả.
Ðến cuối thế kỷ 20, ở một loạt các nước Ðông Âu, Việt Nam, Trung Quốc v.v... xuất hiện hàng loạt những nghệ sĩ “tự trên trời rơi xuống”. [5] Họ trở thành nghệ sĩ từ tác phẩm trình làng. Họ không dính gì đến hệ thống chính thống. Họ không hưởng lợi nhiều từ việc cho phép tự do sáng tác. Họ và tác phẩm - chính là tự do. Nó được phát lộ dưới đáy cái ao tù tinh thần ngưng trệ bị những làn gió của thời đại khuấy đảo lên. Người nghệ sĩ tự do trong sáng tạo, hay đúng hơn, người nghệ sĩ tự do với tác phẩm trong đầu mình. Những con người nghệ sĩ đó có thể bị chết nhưng không bao giờ mất tự do. Lật giở lại lịch sử, sẽ thấy Tự Do, hay tự do sáng tạo, là những khái niệm được du nhập vào Việt Nam. Nó được bàn đến nhiều vào đầu thế kỷ 20. Nếu ta tìm tòi những từ ngữ nào của các cụ để qui về khái niệm tự do cũng thật khó. Cố công qui kết, may ra chúng ta thấy cái hơi hướng tự do, và cao hơn gấp bội tự do là những lời lẽ nói đến sứ mạng con người. Cái con người đối thoại với Sống - Chết, với vũ trụ và cuộc đời. Ðó là bản chất xuyên suốt của người nghệ sĩ ở mọi thời và mọi nền văn hóa. Người nghệ sĩ đích thực đó luôn đặt tự do, cái bản ngã thật trước tác phẩm, trước cuộc đời. Nguyễn Trãi lúc tràn đầy hào khí trong “Cáo Bình Ngô”, tự tại trên đỉnh Côn Sơn, hay nhẫn nhịn lúc “lo nước uống, thiếu cơm ăn” ở thành Ðông Quan, đều giữ nguyên bản chất ấy.
Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ cũng không khác. Những truân chuyên cuộc đời họ mang dấu vết biến động xã hội, những buồn vui kiếp người cũng có màu sắc của nhân thế. Chẳng có chính quyền nào nâng đỡ họ tự do sáng tác, và các hiền nhân đó chẳng bận tâm.
Thế kỷ 20, thế kỷ của những đan xen, giao hòa các nền văn minh. Những định chế xã hội của nhà nước thế tục trong văn minh cơ đốc giáo lan tỏa khắp hành tinh. Tự do, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ được chuyển giao và biến tướng theo nhiều cung bậc khác nhau. Ở Việt Nam, người nghệ sĩ sống trong một nhà nước thế tục nhuốm sắc màu tôn giáo, luôn luôn bị đặt trước những ân huệ “xin, cho” tư cách và được ban phát các kiểu tự do sáng tạo. Ðã đến lúc chúng ta không cần bận tâm nhiều đến cái vỏ tự do và tự do sáng tạo nữa. Chúng ta nên rõi vào mặt trăng chứ đừng quá chú mục vào ngón tay chỉ mặt trăng. Sử dụng thích đáng cái tự so sáng tạo chưa hoàn hảo, hơn là tìm tòi những định nghĩa, quan niệm được ban phát hoàn hảo. Nếu không, chúng ta lại mắc vào những vòng luẩn quẩn, những rào cản trói buộc mới. Không thấy được sáng tạo tự thân và sự tự do của nghệ sĩ nằm trong tác phẩm, thì những mong mỏi, đòi hỏi sẽ trở thành tiêu cực. Người nghệ sĩ không thể xin xỏ tự do sáng tạo từ ai cả. Bởi vì, họ không có Tự do và dân chủ v.v… [6] Tại đại hội nhà văn năm xưa, một nhà chính trị [7] , sau khi nghe các nhà văn - thư lại cứ kêu nài này nọ, đã nói: các anh không tự cứu, thì đợi trời cứu à? Câu nói mang sắc thái mệt mỏi và sự khinh bỉ của nhà lãnh đạo trước những tha hóa nhân văn. Không biết vì vô tình hay hữu ý, lời tuyên bố ấy cứ được đăng tải và nhắc lại mãi. Ðòi tự do sáng tạo, chuyện của thế kỷ hai mươi. Ðó là chuyện muôn thuở giữa nghệ sĩ và nhà nước ở mọi thời, mọi nơi. Ngay nhà hiền triết Platon khi bàn về Nhà nước cộng hòa cũng chẳng mặn mà gì đến đám nghệ sĩ - công dân trong mô hình xã hội của ông.
Thế kỷ 21, bằng động tác nhấn chuột, người nghệ sĩ - tác phẩm đến được ngay đại dương con người từ cái chợ cóc đang trú ngụ. Quan trọng nhất là nội dung của tự do sáng tạo. Tự do sáng tạo chỉ là điều kiện cần của nghệ sĩ.
Tác phẩm làm nên nghệ sĩ - những giá trị cổ xưa, và nó vẫn là chỗ dựa cho bản nguyên nghệ sĩ, trong cái mớ bòng bong lịch sử mang những biến động nhân cách. Chúng tôi cũng thử Mở miệng [8] - dốc lòng để kết thúc những suy nghĩ có phần cực đoan và hời hợt trên bằng vài lời:
Năm 2005, độc “Ngục trung Nhật ký”, cảm tác
Ðến ghẻ nữa là sẽ đủ mùi
Vị thật sự về một nhà lao
Lúc đớn đau ai cũng cố vùi
Ðể tâm thần thấy mình có tội.
Chú thích:
[1] Ðọc các bài viết của Thụy Khuê, (Hợp Lưu 81, số đặc biệt về Nhân Văn - Giai Phẩm, 2004).
[2] Tiểu thuyết Vào đời: tác giả Hà Minh Tuân, đại tá chuyển ngành làm giám đốc Nhà xuất bản Văn học (duy nhất), đầu ngành về xuất bản văn học vào những năm 70. Cuối những năm 80 được phục hồi tư cách nhà văn và ăn lương thiếu tướng. Tiểu thuyết Phá vây: tác giả Phù Thăng, sĩ quan tiểu đoàn của đại đoàn Ðồng bằng (320), sau kỷ luật về quê làm ruộng.
[3] Ðimitrôp: “Các anh (NS) phải bảo vệ người đã trả lương” (Nghiên cứu Văn nghệ 1960-1961)
[4] Lời các lãnh tụ cộng sản.
[5] Nhà văn Tổng thống Tiệp Khắc Havel; nhà văn Bulgakov Liên Xô (cũ); Lớp nhà văn sau Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, nhất là Cao Hành Kiện (giải Nobel văn học; Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài v.v...
[6] Xem thêm Quyền con người và Chủ nghĩa nhân quyền, công trình cấp Nhà nước, Nxb Xã hội 1995.
[7] Nguyễn Văn Linh, cố Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam.
[8] Từ này xin mượn nhóm Mở Miệng.

9/7/2005
Hoàng Giang Hoa
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những mất mát lớn của văn chương thế giới 28 Tháng Chín, 2022 Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất ...