Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Quyền lực con người trong xã hội dân sựXXX

Quyền lực con người
trong xã hội dân sự

Bài viết “Vì sao văn học ta chưa ngang tầm thời đại” của tôi là một bức tranh chấm phá về thực trạng tự do sáng tác hiện nay, trong đó chiếc “ca-pốt rách” chỉ là một bức ảnh đính kèm như một biểu tượng thăng hoa từ tâm thức dân gian trong bối cảnh thiếu tự do xuất bản và tự do báo chí. Thế rồi, nguyên mẫu xuất hiện lên tiếng quyết đòi lại cuộc sống trần tục nguyên sơ của biểu tượng dân dã thanh khiết đó. Và sự tái sinh của sex-chính trị đã biến talawas thành giường ngủ “vô văn hoá” trong mắt thịt của những kẻ dâm đãng đạo đức giả, biến cuộc trao đổi học thuật thành diễn đàn cho Trần Mạnh Hảo (TMH) tỏ tình chính trị, tiếp thị dịch vụ đầu gấu văn hoá trong thị trường mới và phô trương bản lĩnh tự vệ của con chồn hôi.
Bài viết này cũng như bài viết trước của tôi không nhằm chạy đua với TMH trong những trò chỉ trích cá nhân mà cội nguồn của nó không nằm trong quan hệ vốn tốt đẹp của hai người. Trong nỗ lực kiên nhẫn xua đi những hoả mù và rác rưởi mà TMH đã buộc phải tung ra trong thế cưỡi hổ, tôi luôn luôn nhắm tới những vấn đề xã hội sâu sắc lớn lao hơn đằng sau những sự việc, con người cụ thể nằm trong vùng tranh cãi, với hy vọng rằng đó là cách giữ lấy những độc giả khả kính thầm lặng và duy trì đẳng cấp vốn có của diễn đàn. Bởi vì, talawas, theo nhìn nhận của tôi khi tham dự, là một diễn đàn văn hoá-chính trị hướng tới việc nhận thức và xây dựng những nền tảng tinh thần có tính lâu dài và thuyết phục, chứ không phải là diễn đàn đấu tranh chính trị thô thiển, thông thường, càng không phải là nơi đám giun kim đạo đức giả hý hửng ký sinh thầm mơ một xú khí bền lâu. Sự sang trọng và đẳng cấp nhất định của diễn đàn này chính là ở tầm trí tuệ, ở chiều sâu văn hoá và sự đối thoại công phu tương kính giữa những người khác nhau về tri thức, thân phận và chính kiến vì một mục đích chung tìm kiếm và xây dựng một tương lai đồng thuận, dân chủ, văn minh.
Trước khi đi vào đối thoại với những điều TMH nêu ra, tôi xin nói đôi lời với những quý ngài đang cho rằng cụm từ “ca-pốt rách” là thiếu văn hoá. Phật, Jesus, K. Marx, Nietzsche... là những nhà tư tưởng lớn mà họ vẫn dùng nhiều hình tượng, nhiều khi cay nghiệt để biểu đạt ý tưởng và thái độ. Các vị tổ Thiền học còn dùng cụm từ "que cứt khô" làm công án tu tập. Napoleon khi phẫn nộ trước lời kêu gọi đầu hàng của kẻ thù còn dùng từ "cứt" để truyền thông điệp về thái độ quyết chiến trước ba quân. Sau này, trong một bức thư góp ý cho một người bạn, ông Hồ Chí Minh có nhắc lại từ "cứt" này như một ví dụ đáng học hỏi về ứng xử ngôn từ trong tình huống chính trị tâm lý đầy gay cấn. Trong cuốn Triết học các hình thức tượng trưng (Philosophie der Symbolischen Formen) ông Cassirer, nhà triết học Ðức, đã khẳng định sự hiện diện tất yếu của những phương pháp đa dạng, cảm tính về hình thức. Cassirer chỉ ra rằng ngang hàng với nhận thức khoa học còn tồn tại ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo và các thước đo cảm tính trần tục khác dùng trong thế giới văn hoá - thế giới của những biểu tượng, tượng trưng. Trên ý nghĩa này, các hình tượng như “ca-pốt rách” tuy vô văn hoá như các quý ngài đã kết tội, nhưng lại là một kiểu thước đo văn hoá của các quý ngài. Trước đây, Nietzsche cũng khẳng định vai trò quan trọng của ngôn từ ẩn dụ - với những hình tượng cảm tính thô thiển - đó là vai trò xếp đặt lại những ấn tượng hỗn độn trong kinh nghiệm thô thiển của ta. Các "ẩn dụ" thoạt đầu được sử dụng ngẫu nhiên, sau dần dần trở thành khái niệm do được ta dùng đi dùng lại. Theo Nietzsche, ẩn dụ có vai trò bù đắp sự bất lực và xuyên tạc của ngôn ngữ khi trình bày sơ đồ thế giới. Sau này, các đại biểu kế tiếp của triết học cuộc sống như Dilthey, Bergson, Spengler thường dùng hành văn ẩn dụ, cách ngôn kiểu “ca-pốt rách” để tải những thông điệp về cuộc sống mà họ cho rằng khái niệm không thể nào thể hiện.

18 điều xuyên tạc và gian lận
Trong bài viết của mình, TMH đã dẫn ra mười một điều bịa đặt trong bài viết “Tiếp tục nhận diện “ca-pốt rách của Ðảng” của tôi. Nhưng thực tế đó lại chính là sự trình diễn ngoa ngôn của một kiểu hành xử văn hoá quen thuộc kết hợp trong nó sự bất lực trong việc tiếp cận bản chất của con người, sự việc với thái độ gian lận đạt đến mức bản năng - gian lận về thông tin, gian lận về lập luận, gian lận về luật chơi và rất nhiều gian lận mang tính ngộ nhận bản năng về logic. Chẳng hạn, như chúng tôi đã có dịp phân tích trong một bài giải mã TMH, một trong những thủ pháp của cây bút này là đánh tráo: đánh tráo thứ tự, đánh tráo chủ thể, đánh tráo bối cảnh, đánh tráo cấp độ. Một bài viết, một công trình khoa học phức tạp giống như một ngôi nhà nhiều tầng, cái toilet của tầng hai thấp hơn cái bàn thờ của tầng hai nhưng tất phải cao hơn cái bàn thờ tầng một. Khi phê phán, TMH phá bỏ sự phân tầng của hai hệ thống, đem so sánh cái toilet tầng hai với bàn thờ tầng một để lu loa rằng tác giả đã đặt bàn thờ tổ thấp hơn toilet, rồi từ đó phát triển thành sự xúc phạm tổ tiên, sự lộn xộn đua đòi phương Tây coi trọng buồng ngủ và toilet hơn bàn thờ tổ, rồi suy diễn ra sự coi trọng đời sống cá nhân hơn cái thiêng của văn hoá cộng đồng v.v. Một thủ pháp thông dụng khác của TMH là trích dẫn đoạn này lắp ghép với đoạn kia không còn giữ được mạch lập luận của nguyên bản, hoặc đánh tráo chủ thể, biến sự mô tả đối tượng thành tuyên ngôn của người viết, tạo ra tầng tầng xuyên tạc và gian lận rất tinh vi. Phân tích những gian lận và xuyên tạc này không phải để tiếp tục đôi co làm phiền lòng độc giả mà mong muốn vượt qua cuộc đôi co đó để đi đến những vấn đề mang tính khái quát, chia sẻ nhận thức về một xã hội dân sự qua trải nghiệm và lý giải của bản thân mấy chục năm qua. Mặt khác, thông qua sự phân tích này, tôi mong thuyết phục được phần nào số đông độc giả chân thành tin vào những lập luận gian lận núp dưới những logic hình thức để đầu cơ trên những định kiến chính trị nào đó, giúp cho quý vị độc giả có thêm tư liệu để cắt nghĩa sát thực hơn xã hội Việt Nam. Ngay cả trong những điều có vẻ đôi co này quý vị độc giả cũng có thể tìm thấy những vấn đề thú vị mang đặc trưng thời đại, chẳng hạn, một nhân vật quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hoá văn nghệ của dân tộc hiện nay như ông Nguyễn Khoa Ðiềm mà sự hiện diện hay không hiện diện của ông trong một Ðại hội lớn như Ðại hội nhà văn vừa qua lại trở thành điều hiện còn tranh cãi, vì cho đến giờ rất nhiều người trong số 600 đại biểu khi được hỏi vẫn ngơ ngác không biết ông Ðiềm có mặt hay không?! Điều đó chứng tỏ rằng vai trò của lãnh đạo trong đời sống nhân dân đã mờ nhạt lắm.
Dưới đây là 21 điều xuyên tạc và gian lận bao gồm cả bịa đặt, thổi phồng và đánh tráo của TMH trong bài viết vừa qua.
Xuyên tạc gian lận 1 - Ðánh tráo ngày ông Ðiềm có mặt ở đại hội: Trong bài viết đầu tiên của mình TMH mô tả chi ly vẻ mặt của ông Nguyễn Khoa Ðiềm khi nghe bài tham luận của tôi, như thể ông đã quan sát kỹ quý ông lãnh đạo trong phút năm chữ “ca-pốt rách của Ðảng” vang lên. Vậy mà, khi tôi vạch trần sự bịa đặt của ông thì ông lại phải điện hỏi BTC đại hội xem ông Ðiềm có mặt hay không?! Ông Thắng nói với ông Hảo rằng ông Nguyễn Khoa Ðiềm có mặt ba ngày, nhưng Ðại hội lại những bốn ngày, hai ngày trù bị 22, 23 tháng 4 và ngày khai mạc 24 tháng 4. Tối 22-4 trù bị ông Ðiềm phải có mặt để quyết định chuyện Chủ tịch Ðoàn. Vậy mà TMH gian lận khi thuật lại lời ông Thắng thiếu ngày 22-4 để 3 ngày có mặt đó trùm sang ngày 25-4 là ngày tôi phát biểu. Lúc đứng trên bục tôi nhìn phía dưới chỉ có ông Ðào Duy Quát, Phó ban TTVH ngồi nghe. Nếu thấy ông Nguyễn Khoa Điềm tôi đã phê phán ông bảo kê cho Trần Mạnh Hảo. TMH ngờ rằng tôi nói ông Điềm không có mặt là để “che chắn” cho ông ấy, đó là nói lấy được, chẳng biết rằng chính việc ông Nguyễn Khoa Điềm và ông Phạm Quang Nghị bênh che cho những người như Trần Mạnh Hảo đã làm tôi thêm ghét ĐCSVN và có cảm hứng nói toẹt ra điều ấy.
Xuyên tạc gian lận 2 - Phịa ra câu trả lời của ông Hữu Thỉnh :Tôi đã điện hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh rằng có phải ông nói với TMH rằng tôi bịa chuyện về cuộc họp bàn việc xử lý tôi sau bài viết công bố ý kiến về Ðảng của tôi trên Việt 3 không, ông trả lời từ Đại hội đến nay ông chưa hề nói chuyện điện thoại với TMH. Sáng ngày thư sáu 9-6, trước khi đi họp Quốc hội ông còn điện cho tôi nói rõ là từ Đại hội đến nay ông chưa hề có cuộc nói chuyện nào với TMH và ông khuyên tôi không nên tiếp tục cuộc tranh cãi với anh ta. TMH không gọi điện cho ông Hữu Thỉnh hoặc gọi nhưng không được vì ông liên tục tắt máy trong kỳ họp Quốc hội, nhưng TMH lại cả gan bịa ra câu trả lời của ông. Kỹ nghệ bịa sống sít lộ liễu đến nỗi câu trả lời của ông Thỉnh cũng y hệt giọng mấy câu trả lời của chị Ngát, anh Khoa, ai cũng nói là “Tuấn bịa đấy!”. Ông Hữu Thỉnh chỉ có mặt mo mới chối bỏ những điều tâm sự chân tình khi kể lại thiện chí và sự trân trọng của một số người lãnh đạo với tôi và khuyên giải tôi đừng tiếp tục có những thái độ và hành vi cho in những phát ngôn trên báo nước ngoài như thế. Ông Hữu Thọ nguyên Trưởng ban TTVHTW, Trợ lý Tổng Bí thư cũng có lần kể với tôi rằng trong cuộc họp ấy có ý kiến đề nghị nếu không xử lý hình sự thì cũng cần kỷ luật đuổi tôi ra khỏi cơ quan nhà nước, nhưng đa số bảo vệ, phân tích sự việc của tôi một cách khoa học nên cuối cùng đã nhất trí cho qua. Ai không tin xin điện hỏi ông Hữu Thọ.
Xuyên tạc gian lận 3 - Ðặt câu hỏi mang nội dung xuyên tạc để bẫy người được hỏi: Trong bài “Tiếp tục nhận diện “ca-pốt rách của Ðảng” tôi không hề nói là tôi bị kỷ luật và bị chính quyền cấm làm phim, cấm ký tên thật trên báo. Tôi viết rõ ràng: “may mắn là cuộc họp đã không đi đến kết quả xấu cho tôi. Nhưng sau đó Ban TTVH đã giao ban thông báo về trường hợp của tôi dẫn đến việc gần ba năm tôi không được ký tên thật trên báo và không được làm phim”. Nhưng TMH lại xuyên tạc trắng trợn: “Cũng về chuyện ông Tuấn bịa ra bị chính quyền cấm làm phim 3 năm và không được ký tên thật khi viết báo”. Ðây là sự xuyên tạc biến thông tin tôi kể về một thực tế không được ký tên thật, không được làm phim thành thông tin về một lệnh cấm không cho ký tên, không cho làm phim. Hai chuyện này bản chất rất khác nhau: không được làm phim và ký tên thật như tôi viết là diễn biến thực tế của đời sống xã hội, còn bị cấm không cho làm phim và ký tên thật là ý chí của cấp trên. TMH đã đặt câu hỏi theo tình thần xuyên tạc này nên người ta mới trả lời là không bị chính quuyền kỷ luật và cấm làm phim.
Xuyên tạc gian lận 4 - Bịa ra câu trả lời của chị Hồng Ngát để bôi nhọ tôi: TMH viết: “bà Hồng Ngát trả lời tôi như sau: “Làm gì có chuyện Đỗ Minh Tuấn bị cấm làm phim, cấm viết ký tên thật, làm gì có chuyện cấp trên xử tệ với ĐMT, Tuấn nó bịa ra đấy!” Tôi điện hỏi chị Nguyễn Thị Hồng Ngát rằng có phải chị nói với TMH như vậy không? Chị Ngát tỏ ra rất bực mình trả lời rằng chị không hề nói vậy: “TMH có điện hỏi rằng Ðỗ Minh Tuấn có bị kỷ luật gì trong đợt ấy không mình nói là không, có bị kỷ luật gì đâu. Chỉ có thế thôi chứ có nói gì khác đâu. Ðúng là dây với hủi”.
Xuyên tạc gian lận 5 - Ngộ nhận về vai trò làm chứng của ông Ðặng Nhật Minh: TMH viết rằng đạo diễn Ðặng Nhật Minh trả lời ông như sau: “Thưa anh Trần Mạnh Hảo! Tôi làm Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam 2 khóa liền, từ năm 1989 đến năm 2000, tức khóa 3 và khóa 4. Ðỗ Minh Tuấn là Uỷ viên BCH Hội điện ảnh khoá 3. Làm gì có chuyện ông Tuấn bị cấp trên cấm làm phim 3 năm và cấm viết ký tên thật”. Ở đây có sự nhập nhèm đánh tráo về thời gian. Tôi chỉ là Uỷ viên BCH khoá 3 từ năm 1988 đến năm 1996. Những chuyện liên quan đến việc TMH ký nặc danh viết bài trên báo Công an TP HCM quy tôi âm mưu tiếp tay cho những người phản động để lật đổ chế độ và việc công bố những điều tôi nói trong cuộc gặp ông Trần Hoàn trên Việt 3 xảy ra năm 1998, lúc tôi không còn trong BCH Hội ÐA nữa. Trình bày ý kiến của ông ÐNM như vậy, TMH làm cho độc giả lầm tưởng rằng lúc đó tôi vẫn là Uỷ viên BCH dưới quyền quản lý và theo dõi của ông Minh nên ông Minh nắm sát tình hình. Thực tế là, ông ÐNM cũng bị lừa vào bẫy do cách hỏi của TMH, mặt khác ông không thể biết hết những chuyện khó khăn trong cuộc sống của tôi, nhưng ông lại trịnh trọng xông ra nhận lấy vai trò nhân chứng để quả quyết hùng hồn như thể đang nắm trong tay mọi chuyện.
Ðây là một vụ án không thành văn nên không phải ai cũng biết. Sau buổi ông Ðào Duy Quát, Phó ban TTVHTW giao ban báo chí về trường hợp của tôi, các tờ báo không dám in bài có tên tôi trong một thời gian dài. Trong hai năm viết tạp văn hàng tuần và viết bài cho Văn nghệ trẻ tôi phải ký tên Hoàng Nam theo yêu cầu của ông Trương Vĩnh Tuấn. Cuối năm 1998, công an văn hoá và thành uỷ TP Thừa Thiên - Huế đã lệnh cho Tạp chí Sông Hương bóc hai bài viết của tôi trong hai số báo đã in hàng ngàn bản, có bài đã giật tít ngoài bìa nên phải in lại bìa.Tôi vẫn còn giữ cả hai bản để quý vị nào cần kiểm chứng thì mời xem. Năm 2000 báo Sức khỏe và đời sống in tạp văn Thân phận chó ta của tôi còn bị các ông lãnh đạo cấp cao phản ứng và công an văn hoá đã gọi anh Phí Văn Chiến thư ký Toà soạn lên làm việc. Khi in bài phỏng vấn TBT Lê Khả Phiêu trên báo này vào dịp Tết Tân Tỵ (thông qua tướng Nam Khánh) tôi lại phải ký tên Hoàng Nam. Về phim, chị Hồng Ngát khi ấy là Giám đốc Hãng phim truyện VN biết quá rõ việc bộ phim 2 tập Con của Nhuệ (kịch bản Nguyễn Quang Hà) tôi làm xong đã công bố lịch phát sóng nhưng bị ách lại, đến nay vẫn không được phát sóng và Hãng phim truyện bị thiệt hàng trăm triệu vì Ðài THVN không thanh toán nốt. Các nơi sợ phim tôi làm ra sẽ không được phát sóng nên không đặt làm phim nữa. Sau này, anh Khải Hưng Giám đốc Hãng phim truyền hình là bạn học cũ thương tình cho tôi làm ba tập phim Mượn tên bố để có tiền, nhưng liên tục bị công an văn hoá vào hỏi han và cảnh báo, khi duyệt phải đổi tên phim thành Công ty co giãn mênh mông và đổi tên đạo diễn thành Minh Tuấn, trùng tên với một ông Minh Tuấn khác trong Ðài. Xin hỏi, ông Tổng thư ký Đặng Nhật Minh lúc ấy có biết những thực tế này không, và nếu biết ông đã làm gì để tháo gỡ cho hội viên những khó khăn về tự do sáng tác?
Xuyên tạc gian lận 6 - Phịa ra câu trả lời, trình bày sai lệch tinh thần thái độ của nhà thơ Trần Ðăng Khoa. Tôi đã điện hỏi Trần Ðăng Khoa rằng sau buổi tối đi xem kịch Ðời cười 3 của tôi ở Nhà hát Tuổi trẻ bác có gọi điện vào sáng sớm hôm sau nói với tôi như thế mà TMH lại viết rằng bác chối không hề nói câu đó? Trần Ðăng Khoa nói “Không phải là tôi chối mà vì không có gì chính thức cả, với lại lúc TMH hỏi tôi chưa được đọc bài bác viết trên talawas nên chẳng biết đầu đuôi ra sao. Tôi khuyên hai bác nên chấm dứt chuyện chửi nhau đi!”
Trần Đăng Khoa là chiến hữu lâu năm của Trần Mạnh Hảo, cũng đã mở màn cho một vụ phê phán tôi rất nặng trên báo Văn nghệ năm 1997 với sự tham gia của các ông Nguyễn Hoà, Đỗ Kiên Cường kết án tôi những tội danh chính trị rất nặng nề. Nếu không tin vào sự chân thành và tự trọng của một văn nhân như ông, không bao giờ tôi lại dẫn lời ông ra trong một cuộc “tỷ thí” với chiến hữu của ông. Và càng không bao giờ dại dột bịa lời của ông. Tôi có rất nhiều người bạn đã nói nhiều điều tốt về tôi mà không bao giờ chối, tại sao tôi lại phải bịa lời của nguời không thân thiết với tôi để nhận lấy nguy cơ bị chối?
Xuyên tạc gian lận 7 - Bịa ra thái độ phản ứng của đại hội : TMH viết: ”Khi ông phát biểu xong, chỉ nghe thấy nhiều tiếng nói rõ to: “vô văn hoá” vang lên từ dưới hội trường”. Lại một sự bịa đặt trơ trẽn. Không có ai hô lên như thế. Sau khi tôi kể lại việc lãnh đạo o bế cấm cuốn sách đối thoại với TMH đã khiến chúng tôi phải phản ứng theo lối dân gian gọi TMH là cái “ca-pốt rách của Ðảng” hội trường đã lặng đi như trong một tường thuật đã đăng trên talawas. Chính TMH trong bài đầu tiên đã cay cú vì mấy trăm đảng viên, mấy chục quan chức không ai phản ứng gì, sao bài này lại nói ngược hoàn toàn như thế?
Xuyên tạc gian lận 8 - Ðịnh nghĩa khái niệm «thường dân» một cách hình thức che lấp quyền lực và vai trò thực chất: TMH cho rằng: “Nhà văn thường dân là những nhà văn ngoài biên chế nhà nước, tức không phải cán bộ, không phải đảng viên như Trần Mạnh Hảo chỉ đếm trên đầu ngón tay!” Ðây là cách định nghĩa gian lận một cách tinh vi, làm như thể ông là người thấp cổ bé họng bên ngoài guồng máy. Xin hỏi, có ai trong số những người không thường dân kia được Ban TTVH và Bộ Văn hoá bảo kê bằng các quyết định cấm phát hành cuốn sách viết về mình như ông? Có ai trong số quan chức kia được báo Nhân Dân đăng bài dài hai trang của hai số báo liền (ngày 11 và 12-4-1997) để các nhà văn quân đội trao đổi ngợi ca và bênh vực một cuốn sách đang bị lên án như sách Thơ phản thơ của ông? Có ai trong số các quan chức đảng viên kia được Hội Nhà văn trao giải liên tục hết thơ lại đến lý luận rồi còn ép đưa vào danh sách đoàn đi Mỹ cùng các nhà văn nhà báo tài năng tư cách khác mà phía Mỹ tự nguyện mời? Có mấy ai trong số quan chức đảng viên kia được Tổng thư ký HNV trực tiếp đặt viết tham luận như là bài đinh đọc trong Ðại hội? Và có ai mà ngay từ dòng đầu tiên của tham luận đã nói về tường lửa để tạo cơ hội cho ông tướng công an Khổng Minh Dụ Cục trưởng An ninh văn hoá bước lên diễn đàn phát biểu, một việc mà nếu không có cơ hội cò mồi thì người công an tế nhị và có nghiệp vụ rất khó tự làm trong một Ðại hội nhạy cảm như Ðại hội nhà văn? Thường dân như thế thì to gấp mấy lần cán bộ.
Xuyên tạc gian lận 9 - Xuyên tạc tinh thần tự vệ của cái mới cởi mở thành tinh thần xung kích tấn công của cái cũ giáo điều: TMH chối bỏ việc đã trích dẫn cắt xén thoát ly văn cảnh một số đoạn trong cuốn Ngày văn học lên ngôi của tôi. Nhưng đó là một thực tế rành rành trên giấy trắng. Văn cảnh của những đoạn TMH trích là: các ông Lại Nguyên Ân, Vũ Ðức Phức, Hào Hải đã viết bài trên Văn nghệ số 48 năm 1994 và số 15, 16 năm 1995 quy kết tôi đề cao huyền thoại ”như là một loại ý thức tôn giáo duy tâm”, đề cao vô thức như một “đệ tử của Freud và Jung”, hạ thấp ý thức trái với tinh thần khoa học của chủ nghĩa Marx, “coi thường và hạ thấp sự vĩ đại của dân tộc và phủ định văn học VN nửa thế kỷ qua”. Vì thế tôi phải đối thoại lại căn cứ vào những nguyên lý của Marx để bác bỏ sự quy kết đó, chứng minh rằng chính Marx, Engels đã có quan niệm về vai trò của vô thức và bài viết của tôi không đi ngược lại tinh thần của Marx như họ viết. Bài của ông Đức Uy «Văn học đích thực phải bảo hiểm cho mình trước đã» in trên số báo Văn nghệ số 28 năm 1995 cũng tấn công vào quan niệm về nhân cách nhà văn của tôi buộc tôi phải lrên tiếng đáp lại trong bài «Kẻ cưu mang Chúa trong cơn thương khó». Trước đoạn viết về những nghệ sĩ hoà điệu cùng dân tộc cách mạng và những kẻ cơ hội chỉ phục vụ cấp trên cỡ thế giới mà TMH đã trích ra như bằng chứng của việc tôi chống lại cái mới, tôi đã viết như sau:
“Ngòi bút kỳ diệu của ông Ðức Uy không chỉ biết tiết ra dịch vị để kích thích con rồng Việt Nam tiêu hoá hết những huyền thoại anh hùng trong quá khứ. Nó còn biết tiết ra những dung dịch tư tưởng có mùi vị lạ để bảo hiểm cho văn chương khỏi bị con rồng kia ngốn ngấu. Ông tuyên bố bằng những chữ viết hoa: "Văn chương đích thực phải bảo hiểm cho mình trước đã”. Nhưng văn chương nói riêng và nghệ sĩ nói chung có cần bảo hiểm không và ai là người có thể bảo hiểm cho anh ta? Thượng đế đã trót tạo ra người nghệ sĩ từ cái xương sườn của nhân dân, nhân dân là người duy nhất thực sự có quyền lực gây hiểm nguy cho nghệ sỹ: Làm cho anh ta mất tất cả nguồn sáng tạo nếu như anh ta không biết đón lấy hơi thở của nhân dân. Vậy chính mối liên hệ với nhân dân vừa là nguồn sáng tạo vừa là bảo hiểm cho giá trị nhân văn của người nghệ sĩ, chứ không phải các hãng bảo hiểm, các tín đồ cuồng nhiệt, những kẻ cò mồi lý luận, những giải thưởng thật và giả, những nhà chính trị đầy ắp quyền lực và những kẻ cơ hội, bè cánh núp dưới những ngọn cờ của chủ nghĩa nhân văn. Nếu nghệ sĩ biến dạng trở thành con dế thì điều quan trọng để anh ta tồn tại như một nghệ sĩ là anh ta biết gáy lên để tiếng gáy của anh ta thức dậy trong con người ký ức về tình yêu và cái đẹp, giống như con dế trong truyện ngắn của Mrơslan Krelaza đã dùng tiếng gáy của mình biến toalet hôi thối thành một bầu không gian đầy ắp những ký ức về mùa thu, hoàng hôn và hương cỏ mà André Brink đã kể lại trong bài "Chân dung nghệ sĩ ở dạng côn trùng". Tiếng gáy của con dế có lưu giữ những siêu thông tin về số phận con người và do đó, tiếng gáy của con dế vừa tự bảo hiểm cho giá trị của con dế, vừa bảo hiểm cho những vẻ đẹp, những tình cảm thiêng liêng, thú vị có nguy cơ bị suy thoái, thậm chí lãng quên trong những không gian sống chật chội và hôi hám. Cái nguy hiểm nhất của người nghệ sĩ là mất đi khả năng sáng tạo, mất đi mối liên hệ với quê hương - quê hương hữu hình là dân tộc, tổ tiên, quê hương vô hình là cõi vĩnh hằng huyền bí của hư vô, cái hư vô mà Rimbaud đã phải chịu mang tội danh "kẻ trộm lửa" để chuyển về cho nhân loại. Cần phải giúp người nghệ sĩ tránh khỏi hiểm hoạ mất gốc, mất nguồn sáng tạo trong tất cả những hành trình hướng về nhân loại - khát vọng chân chính của mọi kẻ phiêu lưu, mọi kẻ du ca. Còn với anh Ðức Uy, có lẽ khái niệm "bảo hiểm" chỉ là bảo vệ cho văn học không bị rơi vào những "nanh nọc, móng vuốt" của một thế lực gì đó giống như bức tường Berlin mà Lại Nguyên Ân đã hào phóng phong cho nó cái danh hiệu "huyền thoại" trong bài báo mà Ðức Uy ủng hộ. Thực ra, với người nghệ sĩ đích thực đâu có coi "nanh, nọc, móng, vuốt" của bất cứ cái gì là nguy hiểm. Thậm chí, Hainơ đã chọn sứ mệnh nguy hiểm "tôi là thanh gươm, tôi là ngọn lửa", còn Lecmontop thì chọn số phận của cây buồm trong bão táp, vì những nguy hiểm đối với kẻ bình thường là đáng lo sợ, nhưng với người nghệ sĩ chân chính lại là một cõi bình yên, một niềm khoái lạc, một nguồn cảm hứng sáng tạo lớn lao. Vậy đặt vấn đề bảo hiểm cho văn học, cho nghệ sĩ là biểu hiện quan niệm tầm thường dung tục về sáng tạo nghệ thuật quan tâm tới khía cạnh "hộ khẩu" của nghệ sĩ thay vì tin ở khía cạnh thánh linh bất diệt của anh ta. Marx viết: "Nhà văn không thể coi tác phẩm của mình là phương tiện. Tự bản thân các tác phẩm đó sẽ là mục đích, chứ không phải là phương tiện tốt đối với nhà văn và những người khác. Cho nên, khi cần nhà văn phải hy sinh đời mình cho cuộc đời của tác phẩm”. Ý kiến trên đây của Mác khẳng định phẩm chất của nghệ sĩ chân chính là người đặt cược đời mình cho sáng tạo, thừa nhận quyền tự do sáng tạo là quyền thiêng liêng nhất của người nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ có dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng cùng nhân dân, dân tộc, thì đó là sự tự nguyện, sự hoà điệu giữa mục đích của anh ta với mục đích chung. Anh ta có quyền đứng ngoài, có quyền thờ ơ với sự nghiệp chung nhưng anh ta nên nhớ rằng quyền lựa chọn chỗ đứng trong lịch sử này không đồng nghĩa với quyền chỉ trích tự do sáng tạo của những nghệ sĩ hoà điệu cùng dân tộc và cách mạng, càng không phải là quyền chống lại dân tộc và cách mạng.”
Đây là những quan niệm đặt văn nghệ ở một tầm cao, không phải là công cụ của chính trị dù là chính trị phía này hay chính trị phía kia. Cần phải đặt những điều TMH trích trong luồng suy tư đó mới hiểu đúng nội dung và sắc thái văn hoá của nó.
Xuyên tạc gian lận 10 - Hạ tầm đối thoại triết học và văn hoá xuống tầm quy chụp chính trị: Bài viết «Cõi chập chờn bất định và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh» của tôi là nhằm tranh luận ở tầm triết học với Gs Hoàng Ngọc Hiến, để chỉ ra bản chất hiện sinh của tiểu thuyết này, bác bỏ quan điểm của Gs cho rằng những người không đề cao tác phẩm của Bảo Ninh là “không quen đọc tiểu thuyết, chỉ quen đọc truyện dài” nhưng đã bị TMH trình bày lại theo lối hạ thấp và xuyên tạc như phân tích dưới đây. Tôi viết:
“E. Morin cho rằng những điều kiện chắc chắn, xác thực chỉ là những hòn đảo trên đại dương mênh mông của những điều không xác thực, vì thế phải đối thoại với sự bấp bênh, phải chấp nhận đặt cược, phải ý thức rằng mình tồn tại trong bóng tối, sương mù. Từ đó, ông đưa ra đạo đức của sự lựa chọn trong đó chấp nhận những mâu thuẫn của hành vi, những mâu thuẫn vốn bị gạt đi trong đạo đức truyền thống. Rõ ràng là trong tư tưởng triết học hiện đại, cõi chập chờn bất định là cả thế gian mà ta đang sống... Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã thu hẹp cõi chập chờn bất định vào vài đề tài trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và ca ngợi Bảo Ninh đã “cảm nhận sâu sắc về cõi này”. Vậy sự cảm nhận của Bảo Ninh trong cuốn tiểu thuyết trên thực chất là gì? Nhân vật chính trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” mang dáng dấp của Matixơ, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Chết trong tâm hồn” của J. Xáctơrơ. Chàng trí thức Pháp này luôn luôn suy nghĩ biện luận như một người do dự, ngoài cuộc. Anh ta nhập ngũ nhưng sống trong quân đội như một người tham quan chiến tranh, sống cách xa đồng đội, tự coi mình đứng ngoài cuộc với một chuỗi suy tư, mụ mị, buồn chán và tuyệt vọng. Cuối cùng anh ta cũng có hành động anh hùng và bất khả kháng, y như định mệnh vậy! Xactơrơ muốn trình bày một “cõi chập chờn bất định” đầy phi lý và bất trắc, đầy những sự kiện hỗn loạn ngoài ý muốn của con người. Mỗi nhân vật của ông là một khối u buồn, chán chường và tuyệt vọng, không có nguyên tắc rõ ràng để chọn con đường của mình trong cuộc sống và không tin tưởng vào tương lai. Nếu nói Bảo Ninh cảm nhận sâu sắc “cõi chập chờn bất định” thì sự cảm nhận này cũng chỉ là cái bóng mờ của cảm nhận hiện sinh, có gì là mới mẻ”.
TMH đã trích dẫn cắt xén thoát ly mạch đối thoại và phê phán ở tầm triết học,văn hoá để lôi bài viết xuống tầm quy chụp chính trị thô thiển, như thể tôi cũng viết ngang tầm với những bài đao búa của ông. Quan điểm phê phán thái độ giải-anh-hùng của tôi là một thái độ văn hoá căn cứ trên những quan niệm triết học về người anh hùng của các nhà tư tưởng hiện đại. Benjamin coi người anh hùng như là chủ thể thực sự của tính hiện đại, là một cuộc phiêu lưu trong cõi bất định của thế giới đương đại để tạo ra những nguyên tắc trong một môi trường không thể dự đoán được và xa lạ, bằng cách đó đưa ra một lời giải đáp có tính anh hùng cho cái không xác thực. Quan điểm này theo tôi mới hơn nhiều quan điểm thể hiện trong tiểu thuyết của Bảo Ninh. Phê phán quan điểm của Bảo Ninh là phê phán cái cũ về tư tưởng triết học, đến nay tôi vẫn khẳng định như vậy. TMH hoặc bất kỳ ai đó không đồng ý xin mời đọc toàn văn bài viết của tôi và tranh luận, không nên nghiễm nhiên coi việc phê phán Nỗi buồn chiến tranh là đánh vào cái mới như TMH quan niệm, như thể bất cứ cái gì được vài quý ông quý bà ngoại quốc sờ đến hoặc tung hô là nghiễm nhiên phải là cái mới. Cách trích dẫn và nhận định của TMH mang mặc cảm nô lệ và nhược tiểu.
Xuyên tạc gian lận 11 - Quy kết hai tội trái ngược cho cùng một tác phẩm: Cùng một cuốn sách Ngày văn học lên ngôi của tôi, nhưng tháng 10-1996 khi viết bài trên báo Văn nghệ quân đội TMH trích dẫn cắt xén để quy kết tôi âm mưu “Giật bài vị văn hoá truyền thống”, “kêu gọi lật đổ các giá trị thiêng liêng”, bây giờ, khi viết bài cho talawas ông lại trích dẫn cắt xén kiểu khác để chứng minh ngựơc lại rằng tôi là Hồng vệ binh của Ðảng kiên quyết đấu tranh bảo vệ chế độ này. Tự thân hai điều quy kết trái ngược nhau này đã đủ tố giác sự gian lận, xuyên tạc và bịa đặt của TMH.
Xuyên tạc gian lận12 - Chối bỏ những bằng chứng hiển nhiên về thái độ áp bức, gian lận và cơ hội trong học thuật: Những hành động cắt xén, thổi phồng, lu loa, vu cáo, xuyên tạc, truy chụp chính trị đầy rẫy trong mấy chục bài viết của TMH đã được chứng minh rõ ràng đầy đủ và chi tiết trong cuốn Về một hiện tượng phê bình của gần 50 tác giả do NXB Hải Phòng xuất bản năm 1998, sau đó bị Ban TTVH và Bộ Văn hoá lệnh đình chỉ phát hành để bảo kê cho TMH. Vậy mà TMH chối đây đẩy: “Tất cả những điều trên đều do Ðỗ Minh Tuấn bịa ra một cách vô bằng cớ để đánh lừa bạn đọc, nhằm vu khống bôi nhọ TMH đến tận cùng”. Tôi mong sẽ có dịp post cuốn sách Về một hiện tượng phê bình lên Tủ sách talawas để quý vị bạn đọc tỏ tường những gian lận có hệ thống của TMH.
Xuyên tạc gian lận 13 - Coi thường những diễn biến thực tế để tìm kiếm sự thật trong nghị quyết: Ðể chứng minh vai trò quyết định trực tiếp của Bộ Chính trị với việc làm phim Ký ức Ðiện Biên, TMH lập luận như sau:“Sự thật rành rành vậy mà ông Tuấn còn chối! Việc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ra nghị quyết kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nghị quyết có nói về chuyện làm phim kỷ niệm chiến thắng đã đăng báo toàn dân biết”.
Nghị quyết có nói về chuyện làm phim không có nghĩa là nhất thiết phải làm phim truyện. Cục điện ảnh đã phát động công khai mấy năm không có ai gửi kịch bản viết về 50 năm chiến thắng ÐBP, dẫn đến việc đến tháng 5-2003, cách ngày lễ chỉ còn một năm, do sự động viên của Cục trưởng chị Ngát mới đưa kịch bản sẵn có của mình xuống Hãng phim truyện VN. Vì chậm như vậy nên kinh phí kỷ niệm Bộ Văn hoá đã phân bổ hết vào các việc khác, trong đó có các phim tài liệu, truyền hình. Hãng phim truyện VN thì kiên quyết chỉ làm phim đặt hàng, không chịu làm phim tài trợ giật gấu vá vai như đề nghị của Cục điện ảnh VN trong đó có chị Ngát. Cuối cùng với tình cảm dành cho Điện Biên Phủ các cơ quan hữu quan cũng đã tự thu xếp được kinh phí. Nếu không có quyết tâm của Hãng phim và sự ủng hộ của cả xã hội thì mười Nghị quyết lúc ấy cũng chẳng thể phù phép được ra kinh phí làm phim. Bộ Tài chính họ không tìm được nguồn hoặc tìm chậm thì Bộ Chính trị làm gì được họ.
Những diễn biến thực tế đó mới là sự thật, chứ không phải những dòng nghị quyết mang tính nguyên tắc giấy tờ quan liêu của Bộ Chính trị là tất cả sự thật như TMH đã xuyên tạc.
Xuyên tạc gian lận 14 - Xuyên tạc về quy trình hành chính pháp lý, nội dung và chất lượng công trình. TMH viết: “Chuyện đầu tư một triệu đô la cho những dự án như làm phim, nhất nhất phải có Bộ Chính trị (mà đại diện là ông Trưởng Ban TTVH TW) phê duyệt. Lấy vài trăm ngàn từ ngân sách nhà nước ra đã phải thông qua bao nhiêu thủ tục nhiêu khê, huống hồ đâu phải tự nhiên mà một đạo diễn thuộc hàng thường thường bậc trung như Đỗ Minh Tuấn, lại được Đảng rót vào túi cho một triệu đô la để sáng tác ra tác phẩm ca ngợi Đảng?”.
Nếu lập luận như TMH thì tôi cũng có thể nói rằng việc tôi bước lên bục gọi TMH là cái «ca-pốt rách của Đảng» cũng nhất nhất phải có Bộ Chính trị cho phép, vì ông Trưởng ban TTVH thay mặt BCT ra quyết định về Đại hội nhà văn, cho phép tổ chức tại Hội trường Ba Đình nên tôi mới có dịp bước lên cái bục gỗ quốc gia kia!
TMH cho rằng: “Nếu không có Bộ Chính trị phê duyệt, coi xem ai xứng đáng làm phim này, làm sao Đỗ Minh Tuấn có thể ẵm 14 tỷ đồng Việt Nam (tương đương một triệu đô la) cho vào túi để làm ra thứ phim giả cầy dở nhất năm 2004 như báo chí đã viết”.
Trong hai đoạn trích này có tới bốn sự vu cáo, dựng chuyện và xuyên tạc trắng trợn:
Việc ai làm phim là do Giám đốc Hãng phim truyện VN quyết định, không bao giờ có văn bản nào từ các cấp khác. Bộ Chính trị lại càng không có quyền can thiệp vào nhân sự cụ thể. Ðiều này bất cứ ai ở ngành điện ảnh cũng biết. TMH dựng ra chuyện này để bịp những người ở xa thiếu hiểu biết về quan hệ hành chính phân cấp trong xã hội đảng trị.
Tiền ngân sách đặt hàng phim là tiền do Hãng phim quản lý, đạo diễn không có quyền “cho vào túi” như cách nói hậm hực ghen ăn của TMH. Ðạo diễn chỉ có quyền quyết định về nghệ thuật và kế hoạch sản xuất. Mọi việc mua bán chi trả đều do một hệ thống tài vụ đảm nhiệm theo đúng quy định chặt chẽ nhiêu khê rườm rà cuả nhà nước. Phim đặt hàng không khoán gọn như phim truyền hình nên nhiều khi mua một bó hoa thủ quỹ cũng đi cùng hoạ sĩ ra chợ để hoạ sĩ chọn hoa còn thủ quỹ trực tiếp trả tiền. Cách nghĩ đơn giản kiểu TMH, tưởng rằng tôi đút túi 13 tỷ để trực tiếp chi tiêu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự đố kỵ về tiền bạc với đạo diễn phim.
TMH phiạ ra chuyện phim Ký ức Điện Biên ca ngợi Đảng để hạ thấp tầm nhân văn và tầm nghệ thuật của phim. Chẳng có Đảng nào trong bộ phim ấy cả, chỉ có bộ đội, dân công vừa chiến đấu giữ đất hết sức cam go, vừa đầy khoan dung nhân hậu với hàng binh, vừa bối rối lo mất người vì sự hấp dẫn và tử tế của ngoại nhân. Những người lính Pháp cũng chiến đấu dũng cảm và cũng có những tình cảm bạn bè cảm động.
Phim Ký ức Ðiện Biên đã được giới chuyên môn thẩm định và đánh giá cao, Hội Ðiện ảnh đã trao giải Ðạo diễn xuất sắc nhất, được mời tham dự các LHP Locarno và LHP Singapore, được Đài truyền hình Malaysia mua chiếu trên kênh 20. Không có tờ báo nào nói rằng đó là “phim giả cầy dở nhất năm 2004” như TMH dựng chuyện.
Xuyên tạc gian lận 15- Trích dẫn một bài viết mật danh trên mạng và coi đó là ý kiến chung: Yxine là một trang web có tầm vóc về điện ảnh, tuy có phần khép kín và kỳ thị với tôi, nhưng tình yêu điện ảnh chân thành, trình độ cao của một số thành viên và đôi chút công bằng trong một số ý kiến khiến tôi rất trân trọng lắng nghe họ với thái độ “thầm lặng”, mặc dù thấy có nhiều ý kiến có thể phê phán. Trong Yxine có nhiều loại ý kiến, bên cạnh thái độ bề nổi mang tính phe cánh kỳ thị, có không ít những ý kiến khen ngợi tôi và ca ngợi phim Ký ức Ðiện Biên, thậm chí trong trang Bông sen vàng nhân dịp LHP VN lần thứ 14 còn có những người đặt cược phim Ký ức Ðiện Biên được giải Bông sen vàng và tôi được giải Ðạo diễn xuất sắc nhất với tỷ lệ đặt cược thấp hơn nhiều phim khác thể hiện niềm tin của họ vào khả năng chiến thắng của bộ phim. Nhưng TMH chỉ trích dẫn một ý kiến của ai đó ký mật danh - có thể là chính ông hay con cháu và bè cánh của ông - và coi đó là tiếng nói chung có tên gọi thổi phồng là “báo chí”(!).
Xuyên tạc gian lận 16 - Vu cáo cho phim và cho công luận: TMH viết phim Ký ức Ðiện Biên của tôi “bị báo chí cả nước chửi cho”. Ðây là sự bịa đặt, xuyên tạc, tung tin đồn nhảm theo kiểu Gơben. Tôi xin trích dẫn một vài tờ báo lớn làm bằng chứng:
“Ký ức Điện Biên đã tái hiện được khá chân thực những trận chiến đấu hết sức căng thẳng trong những ngày cuối cùng kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiều trường đoạn gây xúc động mạnh mẽ. Không có ranh giới giữa số phận nhân vật và sự kiện… Bên cạnh mảng khối đậm đặc những gam màu dữ dội của cuộc chiến tranh được ghép nối bởi các chi tiết chặt chẽ, Ký ức Điện Biên còn có một mảng màu sắc lãng đãng, trong trẻo và rất nên thơ» (Thanh niên 1-5-2004).
“Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ thể hiện được khá đầy đủ và chính xác sự ác liệt. Sự tuyệt vọng của những người lính viễn chinh đối lập với bầu không khí lạc quan, yêu đời, tình đồng đội của những người nông dân VN cầm súng cũng được thể hiện khá duyên dáng và hài hước… Ký ức Điện Biên là những bước đầu tiên của những người làm phim bước ra khỏi lối mòn của dòng phim kỷ niệm” (Tuổi trẻ 5 -2004).
“Dấu ấn của việc đầu tư trên mọi mặt cho bộ phim được ghi nhận về nhiều phương diện, đặc biệt trong một số bối cảnh chiến tranh hoành tráng và sống động. Riêng điểm này, Ký ức Điện Biên đã hơn hẳn nhiều bộ phim chiến tranh đã làm trước đây” (Văn hoá 6-5-2004).
“Về cơ bản phim Ký ức Điện Biên đã hấp dẫn người xem bởi một câu chuyện phim xúc động và giàu ý nghĩa, có nhiều đại cảnh hoành tráng, chân thực, tái hiện sinh động chiến thắng vĩ đại năm xưa và âm vang của sự kiện lịch sử trọng đại ấy trong cuộc sống hôm nay“ (Đại Đoàn kết 4-5-2004).
“Nói chung đây là một bộ phim có tính thuyết phục cao về cảnh chiến tranh với độ khốc liệt thực sự của nó. Và so với các phim "lễ lạt" trước đây, nó có sự vượt lên nhiều mặt, đặc biệt về mặt kết cấu, hình ảnh… Trong số các diễn viên, Kiều Anh đã thể hiện hai vai y tá Mây và cô bé Vân bị bệnh tâm thần - một cách đầy nỗ lực trong sự thể hiện thoải mái. Issack Le (vai Bernard) đã diễn rất nhuyễn, với đôi mắt nhiều sắc thái tình cảm, và "ngôn ngữ hình thể" cũng rất hoạt, rõ ra nhân vật trong nhiều trạng thái khác nhau. Nói chung cả 3 diễn viên đóng vai chính (Kiều Anh, Quang Ánh và Issack Le) đều "nghiệp dư" nhưng lại rất thuyết phục bởi sự chân thành, mới mẻ. Ngay cả diễn viên tay trái Lê Nuôi (vai Bạo lúc già) cũng để lại nhiều ấn tượng với người xem.” (Lao Động- 5-5 -2004)
“Có thể nói, với một bản lĩnh nghề nghiệp cộng với kinh phí đầu tư đúng mức, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã thực sự làm nên những thước phim chiến tranh ra chiến tranh.” (Sài gòn giải phóng 6-5-2004)

“Dù là Người hàng binh hay Ký ức Điện Biên thì đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và ekip làm phim của anh cũng đã khiến khán giả phải "tâm phục, khẩu phục"… Ký ức Điện Biên đã vừa biểu đạt được sức sống mãnh liệt của người Việt Nam, vừa miêu tả được cảm xúc của những người lính Pháp khi xông pha nơi trận mạc và những gì họ được, mất sau cuộc chiến tại VN. Bởi vậy, như tiên đoán của nhiều người, bộ phim sẽ dễ dàng được chấp nhận, được yêu mến và được đánh giá cao. Có thể coi việc chọn diễn viên là một thành công lớn của Ký ức Điện Biên. Vẻ chân chất, có phần hơi vụng khi đứng trước ống kính của Issack Le tưởng là "hạn chế" của diễn viên nghiệp dư này: nhưng lại tạo nên thành công cho anh." (Tin tức-7-5-2004)
 
“Là diễn viên nghiệp dư nhưng Issack đã vào vai Bernard một cách chuyên nghiệp. Diễn xuất không lên gân, thiên về nội tâm qua ánh mắt, qua sự giằng co của diễn biến tâm lý nội tâm. Issack đã thổi vào nhân vật hơi thở của cuộc sống đời thường, tạo nên chiều sâu cho nhân vật. Quang A’nh trong vai Bạo có cái vẻ dễ thương ngây ngô của một chàng trai lần đầu biết yêu, biết ghen tuông, giận hờn và cả sự thù hận nhưng cũng rất bản lĩnh ở những cảnh đánh trận, đào hầm. Với lợi thế ngoại hình cộng khả năng diễn xuất, Kiều Anh trong vai cô y tá cùng một lúc chiếm được tình cảm của hai chàng trai. Diễn xuất có phần ngập ngừng hơi thô của cô chính lại là sự thành công. Một cô Mây hồn nhiên, trong trẻo nếu diễn nhuyễn quá sẽ cho khán giả cảm giác không thật, cảm giác đúng là phim ảnh chứ không phải cuộc sống vốn vậy.
Có thể nói chúng ta đã có nhiều phim về chiến thắng Điện Biên, nhưng lần này vượt qua những phim “cúng giỗ”, phim kỷ niệm trước, Ký ức Điện Biên đã được khán giả đón nhận nhiệt tình. Được đón nhận phần vì bộ phim ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng hơn hết chính là giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn và giá trị tư tưởng mà bộ phim có được. Người xem có thể coi đó là những tư liệu quý của mình về những năm tháng đã qua của lịch sử dân tộc. Đó là trang lịch sử đẹp, hào hùng nhưng cũng không kém phần thơ mộng. (Văn nghệ Trẻ 23-5-2004)
Xuyên tạc gian lận 17 - Ðánh đồng bản lĩnh cá nhân với quyền lực guồng máy: TMH viết: “Quan hệ với ông Lê Đức Thọ từ năm 1978 để đánh nhau với ông Đặng Xuân Kỳ, con trai ông Trường Chinh. (Ông Tuấn dám đánh nhau với con ông Trường Chinh - Chủ tịch Quốc hội lúc đó - thì quả là ông ta còn oai hơn một ông Bộ trưởng?)” Thực tế là tôi và Vĩnh Quang Lê - người “anh hùng lục lâm” đầy bản lĩnh và tháo vát có công thiết kế các kế hoạch tiếp cận nhiều lãnh đạo cao cấp để tôi phát huy trí tuệ chiến lược - đã đánh nhau với ông Ðặng Xuân Kỳ từ trước khi biết ông Lê Ðức Thọ và các Uỷ viên BCT khác. Trong quá trình đấu tranh tự vệ, để có “vũ khí nguyên tử” đối trọng lại với “vũ khí” của đối thủ, làm cơ sở tập hợp quần chúng vốn hay ngả nghiêng, chúng tôi đã gửi đơn kiện lên Bộ Chính trị với nhiều vấn đề lớn có tầm chiến lược như vấn đề chống Maoism, sự không tưởng của tư tưởng làm chủ tập thể khi Tổng Bí thư kêu gọi quần chúng đấu tranh nhưng không hỗ trợ cuộc đấu tranh của quần chúng trong thực tế v.v. Và sau đó chúng tôi xông thẳng lên gõ cửa ông Lê Ðức Thọ để ép phải giải quyết. Chúng tôi đã bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình “lôi” ông Lê Đức Thọ và các Uỷ viên BCT khác vào cuộc đấu tranh, đánh bật được ông Ðặng Xuân Kỳ ra khỏi Viện Triết, tuy bản thân bị kỷ luật khai trừ Ðoàn và phải chuyển đi học điện ảnh, chấp nhận ra khỏi biên chế, mất lương. Nhưng TMH lại nhìn nhận bản lĩnh cá nhân này như là một kiểu quyền lực trong hệ thống. Chẳng khác gì khi thấy một Hacker bằng trí tuệ của mình bẻ khoá xâm nhập được vào những chỗ cơ mật, ông nghĩ ngay rằng chắc là có người trọng trách bảo kê tuồn password cho anh ta. Ông Lê Ðức Thọ và các lãnh đạo cao cấp khác lúc ấy cũng giống như mạng talawas bây giờ, nơi tôi đưa những thông tin, quan điểm và trí tuệ của mình vào sâu trong Ðảng với chí hướng ngây thơ là tích cực cải tạo môi trường quyền lực.
Xuyên tạc gian lận 18 - Có thái độ và chuẩn mực đánh giá khác nhau đối với những tư liệu tự thuật: Tôi đã đưa ra nhiều tư liệu có tính tự thuật, nhưng cái nào xem ra dễ có lợi cho TMH (như đoạn tôi kể về quan hệ với ông Lê Ðức Thọ) thì ông không hề nghi ngờ mà thừa nhận như một sự thật hiển nhiên để khai thác, suy diễn nhằm quy kết chính trị theo kiểu mới, còn cái nào ông thấy không có lợi cho mình thì ông phủ quyết, vặn vẹo và bôi bẩn, đòi bằng chứng kiểu toà án, công an. Ðây là thái độ gian lận hết sức lộ liễu và thiếu lương thiện. Xây dựng các lập luận trên nền tảng gian lận đó là hết sức mong manh. Nếu bây giờ tôi nói rằng tất cả những điều tôi nói về quan hệ với ông Lê Ðức Thọ là đùa giỡn, rằng tôi chẳng viết gì cho ông, chẳng tiến cử ai, dẫn ai đến nhà ông cả, chỉ có Vĩnh Quang Lê làm chuyện đó thôi, thì những lập luận của ông về thư ký ngầm, nhiệm vụ ngầm nào đó có còn đất sống không? Hay chính ông sẽ lại phải đi tìm chứng cứ cho những điều tôi kể để xứng là người “nói có sách, mách có chứng” như ông huênh hoang tuyên bố? Bài viết ghi ý kiến của Lê Ðức Thọ về thơ và phê bình thơ do tôi chấp bút tôi không ký tên lúc ấy đơn giản là vì không muốn cho những ý tưởng cởi mở ấy mất thiêng, mất uy lực trong đời sống phê bình, sáng tác. Nhà thơ mà xã hội tưởng là tác giả của bài viết ấy sau đó đã được thành phố cho nhà. Năm 1985 khi công bố lại bài viết này trên báo Nhân dân chủ nhật tôi đã ký tên người ghi. Vì TMH chưa biết chi tiết đó nên cứ say sưa suy diễn mãi rằng tôi là thư ký ngầm của ông Lê Ðức Thọ.
Còn có thể kể ra nhiều điều gian lận nữa trong bài viết của TMH, nhưng thiết nghĩ như thế đã quá đủ để chuẩn bị cho độc giả tiếp cận những vấn đề và ý tưởng ở phần sau.
Ðẳng cấp diễn đàn và niềm tin văn hoá
Lâu nay, tôi đã tâm sự nhiều điều chân tình, sâu kín trên một số diễn đàn điện tử trên tinh thần bè bạn, nhưng hàng vạn người đã đọc những điều đó không ai có thái độ như TMH. Từ cách ông buột miệng nói rằng tôi “khai ra” đến cách ông cật vấn về bằng chứng thể hiện thứ văn hoá hỏi cung của công an và toà án, có thể hợp với một diễn đàn khác chứ không hợp với diễn đàn của những người trí thức. Nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu tiên trên talawas xuất hiện thái độ hỏi cung đòi bằng chứng, hết sức xa lạ với cách tiếp cận sự thật của những người trong giới văn chương.
Nếu có một background nhất định người ta sẽ tìm thấy sự đáng tin hay đáng ngờ của thông tin ở logic nội tại trong chiều sâu của nó, mà không cần căn cứ vào một tờ giấy hay một đoạn băng của một kẻ thứ ba nào đó. Giống như chiếc tivi có ăng-ten parabol bắt được những chương trình có tần số đặc biệt thì tự nó sẽ có hình ảnh, nếu không có ăng-ten thì nó chỉ là màn hình muỗi. Chưa có chủ nhân nào của những tivi màn hình muỗi lại làm cái việc mà TMH đang làm là đòi nhà đài phải đưa một tờ giấy xác nhận rằng có chương trình ấy đang phát sóng. Niềm tin văn hoá - số thành của background văn hoá - là nền tảng của ký ức xã hội, là sự liên thông tâm linh của các thế hệ, các số phận, các dòng lịch sử. Nếu không có một niềm tin văn hoá, thì chẳng ai dám đi máy bay, đi ô tô, ăn ở nhà hàng, viết và đọc hồi ký, nhật ký và tự truyện. Nếu trên một diễn đàn xuất hiện những nhân tố thô lậu lấn lướt những niềm tin văn hoá, thì sẽ hạn chế sự xuất hiện của những thái độ tương kính, tin cậy và những thông tin cởi mở, tế nhị có sức khơi gợi những vấn đề và những ý tưởng mới mẻ, sâu xa.
Hoài nghi văn hoá cũng là một phương diện khác của sự duy trì mối liên thông ký ức, nhưng hoài nghi văn hoá có một phương thức kiểm định khác với cách kiểm định hình sự. Khi một thông tin, một ý tưởng được coi là đáng tin hay đáng ngờ là nó đã được kiểm định bởi hàng tỷ thông tin trong background văn hoá của người đọc người nghe, chứ không phải thông qua lời nói hay chữ viết của một kẻ thứ ba. Bởi vì chính người đưa thông tin cũng là kẻ thứ ba trong tương quan với câu chuyện của anh ta. Và kẻ thứ ba nào khác nữa cũng sẽ xuất hiện trong logic của chính lịch sử, chẳng hạn, những người tôi nhắc đến trực tiếp xác nhận hay phản đối trên diễn đàn, thay vì bị mượn mồm và bị đẻ non thái độ do bị cưỡng bức, kích động, ép cung. Hoặc các nhà nghiên cứu sẽ phát hiện ra sự thật thông qua sự so sánh thông tin của những-người-thứ-ba trong quá trình khảo cứu và phân tích công phu, chín chắn.
Cách điều tra hình sự, hỏi cung và bức cung kiểu TMH chỉ thích hợp với những vụ án trộm cắp vặt do công an phường phát hiện. Cách hỏi của TMH lại rất thiếu lương thiện, lẽ ra hỏi ÐMT có được làm phim có ký tên thật trên báo trong những năm ấy không thì lại hỏi có bị kỷ luật không rồi sau khi có câu trả lời lại bẻ queo đi là không bị các anh lãnh đạo trù úm. Không được làm phim, không được viết báo không chỉ là do có lệnh cấm thành văn mà nhiều khi còn do cách hành xử của ai đó vượt khỏi những quy chuẩn của xã hội - chẳng hạn như tôi đã nói những lời phê phán Ðảng nặng nề - tạo nên sự sợ hãi lảng tránh trong xã hội. Nếu xã hội không sợ hãi thì dù bị cấm người ta vẫn cho ký tên thật và cho làm phim. Vụ Nhân văn Giai phẩm chỉ là kỷ luật mấy năm, có ai cấm viết 30 năm và có văn bản nào khai trừ khỏi Hội đâu? Nhưng thực tế là các nhà văn liên quan đều bị cấm và bị khai trừ, 30 năm không đâu in cả.
Án không thành văn có khi còn khủng khiếp hơn án thành văn, vì án thành văn còn được khiếu nại, còn có người bênh, chứ án không thành văn là hành hạ trong bóng tối. Cách mà một xã hội như xã hội Việt nam xử án không thành văn là không thể tiên liệu được. Có thể tung tin thất thiệt kiểu Gơben để bôi nhọ, không giới thiệu tác phẩm cho các Liên hoan phim đến Việt Nam chọn phim, không mời dự các cuộc họp, chui vào hộp thư xoá bỏ email hoặc viết email giả để phá quan hệ (năm ngoái nhờ có chút hiểu biết về tin học, tôi đã phát hiện ra thông tin email của tôi bị chia sẻ tới hộp thư của Cục kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an, sau đó công ty VDC đã phải có công văn xin lỗi tôi về điều này). Hoặc cũng có thể cho người đến doạ ngầm các Hãng phim, vứt bỏ giấy mời của các Ðại sứ quán gửi đến Hội, chỉ đạo báo chí bôi bẩn, chỉ đạo bỏ phiếu để có cớ không phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, không trao giải xứng đáng cho tác phẩm nhưng cũng không gạt bỏ trắng trợn để bị phản ứng v.v. Trường hợp của tôi là giam lỏng rất cao tay, như thít vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không, khi cần đánh yêu quái thì nới ra, nhưng khi cần không chế tránh đại náo thì niệm chú thít chặt vào làm cho đau đớn. Nhưng vì sao tôi bị nhiều quy kết chính trị nặng như thế - có lẽ không có nghệ sĩ nào, kể cả Nhân văn-Giai phẩm bị quy kết nặng nhiều lần như vậy - mà tôi vẫn vượt lên được? Người ta chỉ nghĩ một cách giản đơn và lười biếng là do có thế lực bảo kê hay do cò mồi. Nhưng thực tế đó là do những nỗ lực bền bỉ của cá nhân vượt thoát khỏi những âm mưu cô lập và vu cáo, giành lấy quyền tự do làm việc, quyền tự do phát ngôn trong một xã hội quyền lực của con người cụ thể -chứ không phải của guồng máy- ngày một nhiều hơn. Ðó là vấn đề của xã hội dân sự, mà tôi sẽ phân tích rõ trong phần dưới đây.

Phiêu lưu chính trị để giành lấy tự do
Tôi đã có đến ba bốn lần ngấp nghé cửa nhà giam và trại cải tạo vì những điều mình viết. Năm 1972, khi học năm thứ hai Tổng hợp Văn tôi đã suýt bị đuổi học vì viết bài thơ Màu đỏ có những câu:
Thà làm hòn than bình dị màu đen
Khi cần thiết cháy bùng lên ngọn lửa
Còn hơn làm một viên phấn đỏ
Vẽ lên tường nguệch ngoạc những hình nhân
Năm 1974, tôi đã đọc ở Hội diễn sinh viên bài thơ về trận Ðiện Biên Phủ trên không có những câu:
Ta giành giật với thù từng tấc đất thương đau
Ðâu phải để xây Viện bảo tàng lịch sử
Nước mắt cũ nụ cười rồi cũng cũ
Chỉ tự do còn mới đến muôn đời
Làm anh hùng ư? Cũng là để làm người
Ai đổ máu mình ra đúc tượng mình để ngắm
Ta đã thấm nỗi đau thần thánh
Làm anh hùng đâu phải một nghề riêng
Ta làm anh hùng đâu phải để cho ta
Anh hùng lớn nghĩa là đau khổ lớn
Một vị lãnh đạo cấp cao dự Hội diễn này hỏi lãnh đạo trường: “Cậu này là cậu nào mà thơ về chiến thắng lại đau thế? Cái loại này đáng phải bỏ tù”. Sự cố đó cùng với các quan hệ xung đột sẵn có trong khoa Văn đưa tôi vào thế rất nguy nan, có nguy cơ bị đuổi học hoặc không cho tốt nghiệp. May lúc đó có ông Nguyễn Duy Quý, Trưởng Ban Tuyên huấn trường, và ông Nguyễn Tiến Võ, Bí thư Ðoàn trường, cùng nhà văn Hoàng Ngọc Hà lúc đó là cán bộ Thành Đoàn hết lòng bảo vệ tôi nên đã qua khỏi. Hàm ơn ấy, sau này tôi cũng đã cùng Vĩnh Quang Lê giúp ông Nguyễn Duy Quý tiếp cận với ông Lê Ðức Thọ để ông Thọ thấy rõ năng lực và bản lĩnh, cơ cấu vào TW, sau này làm Phó Ban Khoa giáo.
Năm 1977 tôi lại suýt bị đi cải tạo vì viết Phúc thẩm án Juda ca ngợi cái lương tâm xanh tươi tận thấy hàng ngày và phê phán cái lương tâm của lý tính, lương tâm của chương trình với những thiên đường xa lắc. Chi bộ Ðảng và Chi Ðoàn thanh niên Viện Triết học đã kiểm điểm tôi nhiều buổi. Họ đem cả nhật ký của tôi ra gạch nát đánh dấu, ghi bình luận bên lề và đem ra phân tích trong cuộc họp để thấy những mầm mống tư tưởng lệch lạc chống đối đã thể hiện trong cuộc sống hàng ngày từ thời sinh viên. (Tôi nộp nhật ký riêng để thanh minh rằng cảm hứng viết về Juda có từ thời sinh viên do đọc tiểu thuyết của Dostojevski chứ không phải là phản ứng chính trị mới có từ khi về Viện Triết.) Nếu không dấn thân vào chính trường tìm kiếm cho mình những đồng minh lớn trong cuộc đấu tranh chung để đổi mới Ðảng và đổi mới xã hội thì chắc bây giờ tôi cũng sẽ trở thành một thân phận kiểu những người nhân văn xét lại xưa nhưng thảm hại hơn.

Ông Phạm Minh Ngọc trong bài viết trên talawas gần đây có tỏ ý rằng việc tôi xông thẳng lên ông Lê Ðức Thọ để thoát khỏi việc phải vào nhà đá là việc có thể hiểu được, có thể thông cảm được như với nhóm Nhân văn-Giai phẩm trước đây. Xin được cảm ơn sự chia sẻ thấu tình này. Tuy nhiên lòng độ lượng rụt rè của ông có nguy cơ che lấp một bước nhảy ghê gớm về đạo đức của thế hệ tôi vượt thoát khỏi lực trọng trường của đạo lý truyền thống để bay vào vũ trụ quyền lực giành lấy tự do. Các vị nhân văn xưa đáng kính ở sự nhẫn nhục chịu đựng, họ chịu chết, chịu bị quyền lực giày xéo chứ không chịu đấu tranh, không thèm đối thoại. Họ tự coi cái sọt rác của đời này là ngai vàng của đời sau và cái khoái cảm đạo đức của nạn nhân khiến họ yên tâm quẳng hết những bê bối của thời đại mình cho cháu con giải quyết. Nếu chúng tôi cũng bị trói buộc bởi những đạo lý thất bại đó, thì chúng tôi cũng sẽ cam chịu chết như họ và sau vụ Juda, Ðỗ Minh Tuấn sẽ trở thành những cái bóng của Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, Trần Dần... để rồi được hậu thế thanh minh, rửa nhục, tung hô. Nhưng chúng tôi không chịu làm liệt sĩ văn hoá như họ. Chúng tôi biết hậu thế có việc riêng của thời đại mới, không nên lười biếng uỷ thác danh dự và chân lý của thế hệ mình cho chúng truy lĩnh. Nếu hôm nay mình có thể dọn dẹp được phần nào những bê bối của thời đại mình, của bản thân mình thì con cháu sau này sẽ có thêm thời gian quan tâm đến tương lai. Vả chăng, nếu thời đại hôm nay không chấp nhận việc dùng lại cái máy hơi nước của ngày xưa, thì tại sao lại phải xài mãi những đạo lý của thời Nguyễn Du, Nguyễn Trãi? Mỗi thời đại cần sáng tạo ra đạo lý của mình, muốn vậy, trước hết cần có đủ nội lực để bứt khỏi lực hút của những nhược điểm nhân danh đạo lý truyền thống, những căn bệnh sang trọng của cha anh đã trói họ từ bên trong nhân cách.
Nhìn nhận lại sự thất bại của những người trí thức có thực tài của thế hệ đi trước, tôi thấy họ có những nhược điểm: Không tấn công, lười biếng trong lao động chính trị, không liên minh với nhau và không nắm lấy tổ chức. Nếu những giáo sư có tài ngồi với nhau để bầu Chủ tịch Hội đồng khoa học, thì thường là một anh bất tài vô học nhất được thắng thế vì các Giáo sư tài giỏi kia không ai chịu ai, họ bầu như thế để thiên hạ nhìn vào nghĩ là đây là các giáo sư cho anh chàng bất tài kia ngồi vào ghế đó thôi, chứ thực ra anh ta không xứng. Ðám vô học ngồi được lên đầu trí thức là do những người có tài không đủ bản lĩnh liên kết với nhau. Trí thức Việt Nam xưa nay thường coi khinh chính quyền, để chính quyền rơi vào tay kẻ dốt nát. Khi kẻ dốt nát đè lên đầu lên cổ thì lại cam chịu, chửi bới, trông chờ ở đời sau.
Chúng tôi phải vượt qua những nhược điểm văn hoá đó, phải biết tấn công, liên kết lại, làm chủ quyền lực, giáp lá cà với nó, giành giật lấy tự do. Chuột chỉ sợ mèo, không sợ hổ, mình là con hổ nhưng cũng phải biết đi cạnh mấy con mèo để chuột đỡ coi khinh. Ðó là triết lý sống đằng sau hành trình của chúng tôi tiếp cận với những lãnh đạo cao cấp nhất để khiếu kiện, đối thoại và tư vấn để đưa thông tin, ý chí và trí tuệ của mình vào xã hội từ năm 1978 đến đầu thập kỷ 90.
Những người sợ hãi quyền lực và đặt quyền lực cao hơn tất cả luôn luôn đặt người lãnh đạo cao hơn người khác. Nếu thấy một trí thức có quan hệ với một lãnh đạo cao cấp thì người ta sẽ luôn nghĩ rằng người trí thức kia là con ngựa của kẻ có quyền, mà không nghĩ rằng có thể chính anh ta đang cưỡi lên con ngựa quyền lực để phi nhanh tới đích của mình. Cách nghĩ bi quan này đến nay vẫn là một căn bệnh trầm kha có nguy cơ “hết thuốc”. Bản chất của nó là một kiểu nô lệ tinh thần. Ông Phạm Minh Ngọc nói rất chí lý: “Người ta chỉ có thể giải thoát những nô lệ thể xác, chứ không thể giải phóng những tâm thức nô lệ một cách tự tin”. Tại sao trong tâm trí của người ta, người trí thức luôn luôn là kiếp ngựa mà không phải kẻ cưỡi ngựa? Tại sao, hàng trăm hàng ngàn người biểu tình tụ tập nhau cách xa những người có quyền lực hàng cây số để hô khẩu hiệu thì đó là dân chủ, còn một mình tôi làm những cuộc biểu tình mini đối diện với lãnh đạo để đối thoại, chất vấn và cố vấn nhân danh cuộc sống xanh tươi, nhân danh quyền lợi của những người trí thức thì lại có không được coi là dân chủ? Tại sao trong nếp nghĩ của cả một thời, kẻ có quyền lại luôn luôn nuốt chửng được nhân cách của những người khác, kể cả những trí thức ngang tàng nhất như vậy? Tại sao ta có quyền lao xuống bùn đen để truy đuổi kẻ thù với tất cả dũng sĩ của người chiến sĩ mà ta lại ngần ngại xông vào những mảnh chiếc ô quyền lực nơi kẻ thù đang ẩn núp, trú chân? Tôi rất tâm đắc với những điều ông Phạm Minh Ngọc viết: “Với người cầm bút thì TỰ DO phải là quá trình khai sáng, quá trình thành nhân, quá trình tự giải thoát khỏi tất cả mọi sự ràng buộc, mọi sự lệ thuộc, cả hữu hình và vô hình, chứ không phải là việc cầu xin, đòi hỏi như một số người vẫn tưởng và đang làm lâu nay”. Tưởng như ông đang nói vọng về ba mươi năm trước để chia sẻ với triết lý sống của tôi. Ba mươi năm trước tôi đã nghĩ như ông vừa nghĩ. Chỉ tiếc rằng chúng tôi đã có ba mươi năm sống với tâm thức của người làm chủ vận mệnh, biết giành giật lấy tự do với những kỹ năng điêu luyện, vậy mà đến nay ông vẫn thở dài mơ ước “Không biết đến bao giờ người cầm bút ở ta mới đạt đến tâm thức ấy” và vơ đũa cả nắm rằng “Làng văn làng báo của chúng ta chỉ rặt một lũ ngựa chỉ biết kêu, chỉ biết ngửa tay xin”. Với quan niệm rằng cần thiết phải đem trí tuệ xây dựng Ðảng để cải tạo môi trường quyền lực trong đó mình đang sống, trong khoảng mười lăm năm quan hệ với các cấp lãnh đạo cao nhất: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ và các Ủy viên BCT, tôi đã cùng Vĩnh Quang Lê đóng góp rất nhiều cho Ðảng về lý luận và tổ chức. Tôi đã gửi lên các ông Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Phạm Văn Đồng và các Ủy viên BCT khác mấy trăm trang viết phát hiện những vấn đề trong thực tiễn xã hội, từ các vấn đề về những nguyên tắc đổi mới văn hoá văn nghệ đến những vấn đề có tính chiến lược như nhận diện Maoism và chống Maoism ở Việt Nam; tình trạng bái vật giáo độc lập và bái vật giáo đoàn kết ở ta trong đó độc lập chỉ mới ở trình độ sơ khai là ý chí dân tộc tách ra khỏi các cường quốc, chưa đạt đến trình độ ý chí một dân tộc gia nhập các liên minh, đoàn kết mới chỉ là đoàn kết giật lùi để bảo vệ các trật tự quyền lực cũ như một kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, chưa phải là đoàn kết mở cho những người khác tham dự vào tạo nên trật tự quyền lực mới, đoàn kết vẫn luôn trói buộc người đúng người tốt, như cái áo rộng thùng thình hai người mặc chung mà kẻ bảo thủ cơ hội luôn xỏ được tay qua ống tay áo để hành động, v.v. Không chỉ nêu vấn đề, chúng tôi còn đề xuất giải pháp. Chẳng hạn, tôi đã gửi lên Bộ Chính trị, Ban Tổ chức TW, Thủ tướng chính phủ một đề án thành lập Uỷ ban bảo vệ trí thức với nhiều chức năng mới xuất phát từ thực tiễn, như chức năng xử kiện học thuật nhằm khắc phục tình trạng trói lại để đánh, quy kết chính trị tuỳ tiện phản tri thức như đã từng xảy ra. Với chức năng này trong Uỷ ban sẽ có toà án để các bên có quan điểm trái ngược tranh luận tự do trước toà với các trọng tài là những nhà khoa học có trình độ và uy tín, sau khi Toà phán quyết những người có quan điểm truy chụp chính trị sai, hoặc đánh giá sai mang tính phá huỷ và bôi bẩn sẽ không được phép tuyên truyền quan điểm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Trần Tam Giáp lúc đó là trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng khuyên nên đổi tên thành Uỷ ban bảo trợ sáng tác phát minh. Thủ tướng đã viết thư cho tôi và Vĩnh Quang Lê ngụ ý cám ơn. Nhưng trong buổi Thủ tướng mời tôi và Vĩnh Quang Lê lên ăn cơm cùng anh Dương con trai ông, khi tôi hỏi về Ðề án này, Thủ tướng trầm ngâm nói:“Các cháu chưa có kinh nghiệm. Nếu đặt vấn đề này ra trong BCT người ta sẽ bảo rằng chưa cống hiến được gì đã đòi bảo vệ”.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng viết những kiến nghị về nhân sự, phân tích chiến lược nhân sự và cách chọn người trước đây, đề xuất chiến lược nhân sự và cách chọn người trong giai đoạn mới, nêu triết lý và định hướng trước khi tiến cử các nhân sự cụ thể vào lãnh đạo cấp cao. Trong một kiến nghị tôi đã đề xuất ý kiến đưa những người như Nguyễn Tuân và Nguyễn Ðình Thi vào TW Ðảng để “xức nước hoa cho Ðảng” vì họ là những thần tượng của quần chúng, đưa họ vào TW họ sẽ nghiêm túc hơn ai hết và Đảng cũng sang hơn. Ðề nghị này cũng như đề nghị đưa ông Trần Ðình Hượu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội, ông Nguyễn Tài Cẩn làm Phó thủ tướng phụ trách văn xã đã không được chấp thuận.
Tất cả những văn bản kiến nghị đó chắc hiện vẫn còn lưu trong Văn phòng TW Ðảng và Văn phòng Chính phủ. Tôi không rõ những điều mình viết có tác động được gì đến các vị lãnh đạo không, chỉ biết một số ý kiến về văn hoá văn nghệ đã được tham khảo đưa vào nghị quyết về đổi mới văn hoá văn nghệ giữa những năm 80 (ông Lê Ðức Thọ có thông báo với Bộ Văn hoá điều này).
Trong hơn mười năm quan hệ với ông Lê Ðức Thọ, tôi đã được nghe ông nói nhiều ý tưởng và thông tin mới mẻ, thú vị, thể hiện một tư duy hết sức biện chứng, không mảy may có dấu vết giáo điều. Ông rất ghét giáo điều. Có lần ông hỏi tôi sao không phấn đấu vào Đảng để tiến bộ hơn, tôi trả lời “Các cơ sở đảng luôn đánh giá cháu là cực đoan, tự do vô kỷ luật, mà cháu không thể thay đổi được cách sống cách nghĩ của mình để vừa lòng họ”. Từ đó tôi nói đến chuyện mội quan hệ giữa Ðảng và trí thức rồi đặt vấn đề giải tán đảng như đã kể ở Việt 3. Ông nói: “Không phải bác không biết là trong Đảng nhiều đứa chúng nó ngu. Dạo mới bỏ Trung Quốc theo Liên Xô, bác đã cảnh báo phải cẩn thận không sẽ có giáo điều mới.Thế là họ kêu ầm lên là anh Sáu bảo thủ, vừa mới theo Liên Xô đã bắt đầu chấn chỉnh. Cháu thấy có ngu không? Sau này y như rằng cái gì cũng dập khuôn Liên Xô, Liên Xô, bác đứng nói trước Hội nghị TW, tất cả phải cúi đầu. Ðấy, nó ngu như thế nhưng phải cải tạo dần, giáo dục dần. Giải tán Ðảng là các anh chết trước”. Nói về sự vượt lên mình của ÐCSVN, ông dùng một hình ảnh rất thú vị: “Các bác yêu nước nên đi làm cách mạng chứ có được học hành gì đâu, nên vừa làm vừa học, vừa mày mò, sai đâu sửa đấy. Như một đứa bé mới chập chững bước đi, nó bước tới để hái một bông hoa nhưng bị vấp ngã, nó không bỏ mục đích mà lại đứng dậy tiếp tục đi, lại bị ngã, lại đứng dậy đi, cuối cùng nó cũng hái được bông hoa”. Hình ảnh đó làm tôi rất thông cảm với Ðảng và nhiệt tình làm mọi chuyện để giúp Đảng đi nhanh hơn đến cái đích cao đẹp đã chọn. Tôi đã giới thiệu GS Nguyễn Hồng Phong với Bộ Chính trị, sau đó ông Vũ Oanh Ủy viên BCT đánh xe đến tận nhà GS Nguyễn Hồng Phong mời GS báo cáo một số chuyên đề về xây dựng chiến lược phát triển kinh tế và văn hoá cho lãnh đạo Ðảng. Từ đó, GS Nguyễn Hồng Phong đã đem kiến thức uyên bác và tư duy sắc sảo của mình tập trung nghiên cứu những vấn đề thực tiễn của đất nước nhằm góp phần giúp BCT và TW Đảng xây dựng lý luận có tầm triết học về đổi mới.
Tôi có hỏi ông Lê Ðức Thọ vì sao bác làm tổ chức mà không chọn người tài đưa vào bộ máy mà dùng nhiều người dốt, ngưòi bảo thủ và cơ hội. Ông tâm sự: “Tiếng là bác phụ trách tổ chức, nhưng thực tế là bác mất rất nhiều thời gian cho việc khác, mấy năm cho Hội nghị Paris, mấy năm cho Cămpuchia, bây giờ lại lao vào xây dựng nghị quyết về đổi mới văn hoá văn nghệ. Cứ lĩnh vực nào gai góc là Ðảng lại cử bác vào.Thành ra chuyện tổ chức hầu như anh Lê Văn Lương làm cả”. Về nhưng người cơ hội ông nói: “Cơ hội còn hơn bảo thủ. Cơ hội nó thấy cái mới đang thắng thế nó chuyển mình theo, làm cho lực lượng ủng hộ cái mới đông hơn. Còn đám bảo thủ chỉ cản đường tiến bộ”. Về văn học nghệ thuật ông cũng có những ý tưởng rất mới mẻ và thú vị. Có lần bàn về chuyện phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thuỷ đang bị cấm vì người ta cho là ám chỉ, ông nói: "Văn nghệ phải ám chỉ mới hay, mới có sức giáo dục cao, chứ nói toẹt vào mặt người ta thì trôi tuột đi, còn đâu sức ám ảnh nữa. Mình đọc, mình xem một tác phẩm có tính chất ám chỉ, đêm về mình vắt tay lên trán nghĩ ngợi, lộn trái nhân cách mình ra xem có phải mình có điều gì không hay không tốt để họ phải dùng văn nghệ ám chỉ mình không? Ðó là lúc văn nghệ phát huy sức giáo dục con người. Không nên cấm anh em ám chỉ". Tôi nghĩ đó là một bản lĩnh lãnh đạo và một thái độ cầu thị, cận văn chương. Lúc ấy, tôi không biết rõ những quan hệ nội bộ của các vị lãnh đạo với nhau, nhưng có nghe đồn đại rằng ông rất ác. Song những cuộc tiếp xúc lại cho tôi một cảm giác không như lời đồn đại. Tôi thấy ông là người đặt nền móng tinh thần cho quan hệ đa phương và chính trị đa nguyên.
Kể những điều trên để thấy rằng mối quan hệ của tôi với ông Lê Ðức Thọ và nhiều lãnh đạo cao cấp khác là xuất phát từ những suy nghĩ và động cơ hết sức trong sáng và cao đẹp. Sao lại có thể quan niệm việc làm tốt đẹp đàng hoàng và đầy tinh thần dân chủ đó là “đi cửa sau” như cách nói của TMH? Trong các cuộc gặp gở với ông Lê Ðức Thọ tôi cũng học được nhiều điều, nhưng cũng tranh luận khá thẳng thắn về nhiều chuyện, nhất là những chuyện liên quan đến quan điểm về “phương pháp cách mạng” của ông đưa ra nhằm phê phán sự “hiếu thắng” của chúng tôi. Tôi đã nói rằng: Hiếu thắng chính là phẩm chất mà Ðảng dạy, Ðảng bảo chúng ta phải trăm trận trăm thắng, đánh đâu thắng đấy, bây giờ lại dạy hành xử ngược lại là làm sao? Chúng tôi cũng đặt ra những vấn đề mới có tính thực tế hơn là vấn đề sa lầy trong sách lược, bắt cả dân tộc chờ đợi một hai người. Thực tình, nếu tôi chịu vào Ðảng và chịu có những phẩm chất mà ông Lê Đức Thọ muốn thì tôi cũng có thể đã làm Bộ trưởng văn hoá hoặc Ðại biểu Quốc hội từ lâu rồi, chứ đâu phải chỉ lo đi giúp người khác ngồi vào những ghế ấy để bây giờ đi cãi nhau trên mạng với ông TMH, một “thường dân” của Hội nhà văn!
Rửa tay gác kiếm, quyết định làm nhân sĩ và nghệ sĩ
Bây giờ tôi không còn trong sáng được như xưa. Nghĩ lại một thời nằm trên giuờng viết kiến nghị về chiến lược phát triển đất nước, mang cặp lồng cơm với mấy củ lạc rang ra vườn hoa Lý Tử Trọng ngồi trên ghế đá viết kiến nghị tiến cử người này làm Phó Thủ tướng, người kia làm Bộ trưởng, mà lại thấy thương mình. Không phải những việc đó là vô ích, vì cũng có không ít ý kiến được lắng nghe và trở thành hiện thực. Nhưng cái cốt cách ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, đứng ngoài nói chõ vào Ðảng đó có cái gì đó rất Ðông Ki sốt. Phải chi lúc đó tôi có một toan tính cụ thể gì đó cho cá nhân mình và nghiêm túc phấn đấu để đạt được nó. Chẳng hạn, mình sẽ phải làm sao để có vị trí chính thức trong guồng máy, chẳng hạn nhắm đến cái ghế Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin. Nhưng tôi đã quá vuốt ve con người nghệ sĩ để buông thả nó lông bông, không khép mình vào một tổ chức. Ðến nỗi những bạn bè thân thiết cũng phải sốt ruột thay. Một cán bộ trong Ban Tổ chức TW, nguyên là thầy giáo lớp 10 của tôi, người luôn luôn theo dõi cuộc đời tôi và khuyên bảo tôi những điều sâu sắc và đúng lúc, vào đầu thập kỷ 90 đã khuyên tôi: “Đã đến lúc thày nói với em điều này: Em phải chọn cho mình dứt khoát một cái đích. Hoặc làm một Nguyễn Hiến Lê viết hàng trăm cuốn sách, chính quyền Thiệu tặng Giải quốc gia không nhận. Hoặc làm một Havel, khi thời thế đổi thay thì phát huy bản lĩnh và trí tuệ của mình”. Lúc đó, tâm thế tôi cũng đã có nhiều mệt mỏi và chán nản, vì có tiếng mà không có miếng, bạn bè không phải ai cũng hiểu và chia sẻ với mình. Nhận thức mở mang hơn sau Ðông Âu nên cái hình ảnh về đứa bé hái hoa cứ ngã rồi lại đứng dậy đi tiếp mà ông Lê Ðức Thọ đã nói với tôi đã được tôi nhìn nhận theo góc mới. Tôi bắt đầu có một liên tưởng khác: “Tại sao đưa bé ấy không để người khác lớn tuổi hơn, cứng cáp hơn hái bông hoa đó? Nếu nó hái cho nó, vì niềm vui của nó thì đó là chuyện khác. Nhưng Ðảng không phải hái hoa chỉ cho bản thân mình, mà hái hoa cho cả một dân tộc. Nếu trong dân tộc có nhưng lực lượng khác có thể hái được bông hoa nhanh hơn, thì sao cứ phải chờ Ðảng cứng cáp dần lên để độc quyền hái bông hoa đó?” Những ý nghĩ như thế cứ lớn dần lúc nào không biết, nên những lời khuyên giải của gia đình, bạn bè và thầy giáo đã góp phần đưa tôi đến một quyết định hệ trọng: “Rửa tay gác kiếm. Làm một nhân sĩ và nghệ sĩ”. Từ đó hầu như tôi không liên hệ với các vị lãnh đạo nữa. Cái ý chí rửa tay gác kiếm còn xuất phát từ một nhận thức rằng thời thế đã đổi thay, đồng tiền đã lên ngôi, cái thời lãnh đạo trọng trí tuệ và lắng nghe ý kiến của những người như tôi đã qua rồi. Không thể vác cái đầu suông đến nhà các vị ấy như đến nhà ông Lê Ðức Thọ ngày xưa. Hơn nữa, tôi nhận ra rằng tôi chỉ có quan hệ với quyền lực của các cá nhân chứ chưa có quan hệ với quyền lực của guồng máy.Quyền lực của con người và quyền lực của guồng máy nhiều khi rất khác nhau. Khi các vị lãnh đạo ngồi riêng với tôi họ rất là cởi mở và gần gũi, nhưng khi họ ngồi bên nhau trong sự vận hành của guồng máy quyền lực thì họ thường thường họ gạt tôi ra. Vì bản chất nghệ sĩ tự do vô chính phủ của tôi có cái gì đó không phù hợp với quyền lợi và luật chơi của những người cộng sản.
Cái ý chí “rửa tay gác kiếm” quyết liệt đến nỗi, thậm chí có lần các ông Ủy viên BCT Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Ðức Bình, Vũ Oanh và các ông Ủy viên TW Phan Ngọc Tường, Trưởng ban Tổ chức chính phủ, Nguyễn Duy Quý, Phó ban Khoa giáo TW - đến tận nơi xem phim của Hãng phim Nhân Ðạo do tôi làm Giám đốc, nhưng tôi cũng lánh đi. Ðầu đuôi câu chuyện thế này:
Năm 1993 tôi thành lập Hãng phim Nhân đạo trực thuộc Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Lúc đó Vĩnh Quang Lê đang học năm thứ hai đạo diễn điện ảnh ở Liên Xô (bằng suất học bổng tôi nhường) bị đẩy về nước do tuyên bố sẽ gặp Brezhnev làm nhiều người ghét. Nhớ cái nghiã ngày xưa Vĩnh Quang Lê đã xông vào cùng chiến đấu với mình ở Viện Triết trong vụ án Juda, tôi đã bổ nhiệm anh làm Phó Giám đốc. Vĩnh Quang Lê xin được tài trợ để làm phim tài liệu Miền đất quên và nhớ, anh đề nghị tôi cho anh làm đạo diễn. Phim làm xong, tôi chưa duyệt, Vĩnh Quang Lê đã mới năm vị trên xuống xem phim. Tôi không đồng ý, nói với Lê rằng: “Chữ thập đỏ là có cả hàng ngang và hàng dọc. Ðể tự vệ và phát triển, tao với mày đã mất bao thời gian và công sức để xây dựng quan hệ hàng dọc với cấp trên. Vì thế mà phá hỏng rất nhiều quan hệ hàng ngang với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng quan hệ hàng ngang này mới là quan trọng với nghệ sĩ. Bây giờ lại dính các cụ vào Hãng phim này không hay đâu. Tao không đồng ý, mày cứ mời xuống là tao cách chức” . Và tôi không chịu ký giấy mời. Vĩnh Quang Lê nói với Chủ tịch Hội là Tuấn đi quay phim xa mang cả con dấu đi nên xin Hội gửi giấy mời cho ba ông Ủy viên Bộ Chính trị và hai ông Ủy viên TW xuống Hội xem phim. Ông Nguyễn Trọng Nhân mừng quá. Buổi tối ấy tôi không đến. Sau đó, tôi ra quyết định cách chức Vĩnh Quang Lê và gửi đi khắp nơi. UBND phường nơi Vĩnh Quang Lê thuê văn phòng nhận được quyết định này đã đuổi Vĩnh Quang Lê khỏi số 6 Nhà Hoả. Vĩnh Quang Lê gặp tôi trách: “Mày đã thành danh trong điện ảnh, bây giờ mày đuổi tao khỏi hãng thì tao sống bằng gì?” Tôi nói: “Tao với mày đã từng chia nhau nửa cái bánh mỳ đi gõ cửa nhà các cụ. Vậy mà bây giờ mày lại giở cái trò diễu binh quyền lực với tao. Tao cách chức mày theo đúng luật giang hồ. Còn bây giờ nếu mày cần tao nhường lại cho mày chức Giám đốc Hãng phim để tao đi lập hãng phim khác”. Vĩnh Quang Lê nói nếu như vậy thì anh sẽ mang tiếng là cướp của tôi. Vì thế hai người đã bàn bạc để tìm cách khác, cuối cùng nghĩ ra phương án lập Truyền hình Nhân đạo cạnh Hãng phim Nhân đạo để Vĩnh Quang Lê làm Giám đốc. Cơ quan này đã được sự ủng hộ của nhiều cơ quan tổ chức, vượt qua nhiều sóng gió để hoạt động có hiệu quả từ ấy đến nay. Tôi với Vĩnh Quang Lê có nhiều kỷ niệm thuở hàn vi, có lúc đánh nhau dữ dội rồi lại trở lại cộng tác bình thường như những đưa trẻ con. Tôi luôn luôn nghĩ về Lê như nghĩ về một anh hùng nghĩa hiệp, với tài năng và bản lĩnh chính trị bẩm sinh, đã góp phần đưa cuộc đời tôi đến nhiều bước ngoặt quan trọng - từ sự dấn thân vào chính trường đến bước ngoặt rẽ sang điện ảnh. Nhưng sự lựa chọn rửa tay gác kiếm này là sự trở về cội nguồn của riêng bản thân tôi.
Trong tiểu thuyết Gã khờ, Dostojevski đã kể chuyện một anh chàng tìm mọi cách kiếm được hàng triệu rúp để nắm bỏ qua cửa sổ con tàu, sau đó đi ăn mày, với một niềm kiêu hãnh thầm kín rằng các người cứ thương hại ta đi, nhưng các người chẳng biết rằng ta đã có hàng triệu rúp và đã quăng tất cả qua cửa sổ. Niềm kiêu hãnh không phải tự nhiên mà có, nó là quà tặng của cả một hành trình sống. Tôi đã có rất nhiều mối quan hệ với những người cao cấp nhất trong đất nước, nhưng tôi đã “quăng” đi để nuôi nấng niềm kiêu hãnh của người trí thức. Niềm kiêu hãnh đó tạo cho tôi một nội lực để luôn luôn là mình, luôn luôn sống tự do. Vậy nên, nếu hôm nay sau bao nhiêu vấp ngã mà tôi vẫn còn nguyên sự tự tôn, thì đó là một phẩm hạnh đáng quý, quà tặng của những cuộc dấn thân và những cuộc phiêu lưu, đâu phải một căn bệnh “hết thuốc” chữa như những ai đó đã kêu ca. Với tôi, nội lực đó, niềm kiêu hãnh đó chính là sức mạnh bên trong mỗi con người để nó có quyền lực trong cuộc sống. Biết cách phát huy quyền lực của chính ta- một con người - ta có thể luôn luôn đứng thẳng, chẳng cần đến ai bảo kê mà vẫn năng động tổ chức thành công các công việc bằng cách ráp nối các quan hệ dân sự, tác động vào guồng máy, gây sức ép lãnh đạo, thức dậy cái Tâm của họ, ý thức trách nhiệm của họ, lôi họ vào cuộc để họ giải quyết các công việc của ta, dù có thể họ không quen biết ta. Ðó là bí quyết của thành công và cũng là vấn đề quyền lực của mỗi con người trong xã hội dân sự mà tôi đề cập dưới đây.

Quyền lực có trong ta hay chỉ có từ sự cho phép, ban phát, bảo kê?
Thể hiện rõ trong các bài viết của Trần Mạnh Hảo và một số ý kiến chọc ngang trên talawas thấy rõ một ám ảnh nô lệ về sự chi phối triệt để, toàn diện của Ðảng CSVN đối với mọi hoạt động, mọi hành vi của con người trong cuộc sống xã hội. Người ta đinh ninh rằng chỉ khi Ðảng cho phép thì dân mới có cơ hội bước vào những nơi sang trọng như Hội trường Ba Ðình, chỉ khi được lãnh đạo Ðảng bảo kê thì trí thức mới dám đấu tranh, phát ngôn thẳng thắn, dù chỉ bước lên bục truy lĩnh lại bằng hình thức dân gian chân lý đã bị bóp nghẹt, hay chửi bới một người đã chết để tỏ tình chính trị với một đám đông như Trần Mạnh Hảo chửi ông Lê Ðức Thọ để đầu cơ chính trị trên tâm lý ghét ông Lê Ðức Anh và Tổng cục 2. Cách nghĩ cho rằng xã hội này luôn phải chui qua cái lỗ quyền lực của Ðảng, nếu có ai làm được điều gì đàng hoàng, sang trọng và tử tế cho ra một con người đều là do Ðảng ân sủng, bảo kê hay đều đang đóng vai trò cò mồi cho Ðảng và chế độ là cách nhìn cách nghĩ hạ thấp con người, đề cao quyền lực, không đúng với bản lĩnh độc lập của người dân đang ngày một tăng lên trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Trong kinh tế thị trường hôm nay, người ta đã dùng tiền mua được cả chức quyền, bằng cấp, phiếu bầu thì đâu chỉ có đảng viên được ai đó xét duyệt mới được bước lên cái bục gỗ quốc gia kia? Ai biết được trong số hàng vạn đại biểu đến dự các kiểu mít tinh, hội nghị, đại lễ trong Hội trường Ba Ðình xưa nay có bao nhiêu người là Thượng đế của thương trường chính trị? Việc bước lên bục gỗ Ba Đình để nói những điều thẳng thắn và mạnh mẽ như tôi đã nói cũng vậy, việc ấy phụ thuộc vào chính bản lĩnh của mỗi nhà văn chứ không phụ thuộc vào sự cho phép của cấp trên. Quả thực, trên sân khấu của Ðại hội nhà văn kia có chủ tịch Ðoàn là những người được cấp trên duyệt trước, những người này mang một quyền lực second hand có thể khống chế dân chủ của nhà văn. Nhưng ngay cả khi chủ tịch Ðoàn không cho tôi phát biểu vì tôi không đưa duyệt trước tham luận, thì tôi vẫn có thể lẳng lặng bước lên sân khấu nói rằng: "Thưa Ðại hội! Tôi đăng ký nhưng chủ tịch Ðoàn không cho tôi phát biểu. Tôi xin phép Ðại hội nói năm phút được không?" Lúc đó, chắc chắn Ðại hội sẽ hò reo đồng ý. Ai ngăn được tôi nói gì lúc ấy? Ngày xưa các nhà văn không có cái bản lĩnh chiếm diễn đàn như thế, họ ngượng lắm trong cái thời đạo lý là "một vừa hai phải", "biết thân biết phận", cam chịu và tự vuốt ve cái hào quang của "tài năng lặng lẽ" để ném bất công lại cho đời sau è cổ ra giải quyết. Thời xưa các đại biểu cũng không dám la ó cổ vũ những hành vi cướp diễn đàn như thế. Nhu cầu dân chủ, bản lĩnh dân chủ trong con người Việt Nam hiện nay đang lớn lên vượt bậc, đòi hỏi một thể chế chính trị tương ứng với nó, nếu ai có một nhãn quan dân chủ sẽ không thể bỏ qua những tín hiệu này.
Chính những khát vọng dân chủ, những bản lĩnh giải thiêng, những biểu hiện vô chính phủ là cái nội lực bên trong tâm hồn, trí tuệ và cuộc sống của người dân, từ những người nông dân chưa bao giờ biết đến Internet để được “diễn biến hoà bình”, đến những người trí thức đã tiếp xúc đủ hạng người, đủ cảnh ngộ đủ các loại thông tin đều khao khát một thể chế thực sự công bằng, dân chủ. Ðó là diễn biến tất yếu của cuộc sống. Vậy mà Trần Mạnh Hảo và những người có cách nghĩ nô lệ, bị ám ảnh kinh niên bởi quyền lực của Ðảng đã biến tất cả sự giác ngộ và bản lĩnh có được qua đau khổ đó thành ân sủng, bảo kê hay cho phép của cấp trên. Quảng cáo cho quyền lực quá lớn lao của Ðảng Cộng sản Việt Nam hòng che lấp một xã hội dân sự đầy nội lực dân chủ, là vô tình hay cố ý làm cho người bên ngoài đánh giá thấp khả năng tự giải phóng của những người trong nước. Xã hội dân sự có màu sắc vô chính phủ hiện nay là một thực trạng vượt khỏi tầm kiểm soát của Ðảng cầm quyền. Trong xã hội đó, nếu ai có kỹ năng tổ chức một dự án, một vụ việc, nhất là công việc có bản chất cao quý thì có thể gây sức ép với công quyền để triển khai công việc. Tôi xin kể vài ví dụ về quyền uy của nỗ lực cá nhân.
Chuyện thứ nhất - Lôi Thủ tướng vào cuộc để gỡ bí ở TP Hồ Chí Minh: Năm 1993, với tư cách Giám đốc Hãng phim Nhân đạo tôi ký với hai mục sư Nam Triều Tiên một dự án dạy nghề nhân đạo cho trẻ mồ côi trong đó có con em liệt sĩ và con lai Nam Triều Tiên có bố là lính Ðại Hàn ngày trước. Dự án được Uỷ ban Hợp tác đầu tư phê duyệt cấp giấy phép nhưng gần đến ngày khai trương thì UBND TP Hồ Chí Minh không cho phép, bắt làm thủ tục từ đầu với Thành phố. Trước tình thế đã mời 17 doanh nhân, tỷ phú từ Nam Hàn sang và mời hàng trăm quan khách trong cả nước đến dự lễ khai trương, tôi đã viết công văn tuyên bố với UBND Thành phố Hồ Chí Minh là danh dự quốc gia lớn hơn quyền lực của địa phương, tôi đã có giấy phép của TW cấp, tôi cứ tổ chức khai trương, nếu thành phố không đồng ý thì cứ việc cho công an vây bắt. Ðồng thời, tôi thảo một thư Thủ tướng chính phủ gửi Trường dạy nghề nhân đạo hợp tác với Nam Triều Tiên để Hội chữ thập đỏ Việt Nam gửi lên xin chữ ký của ông Võ Văn Kiệt nói rõ là để đọc trong lễ khai trương. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký ngay vào lá thư đó và tôi đã kịp công bố trên tivi, báo chí trước ngày khai giảng. Vì thế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh dù rất tức tối đành lờ đi để tối tổ chức một đại lễ nườm nượp hoa và khách tại Hội trường Quận ủy Quận III.
Những người quen cách nhìn băng đảng kiểu Trần Mạnh Hảo sẽ nghĩ rằng chắc tôi được ông Võ Văn Kiệt bảo kê nên mới dám qua mặt UBND Thành phố Hồ Chí Minh như vậy. Nhưng thực ra ông Kiệt đâu biết tôi là ai, ông ký vào thư vì cái tâm của ông trước những đứa trẻ mồ côi, trong guồng máy hoạt động bình thường của một vị Thủ tướng. Nhờ hiểu được cái Tâm của người lãnh đạo trong những việc cụ thể nên tôi đã có giải pháp chống đỡ thành công.
Chuyện thứ hai - Nhờ quan hệ dân sự đưa phim Dịch cười ra quốc tế: Năm 1988, bộ phim Dịch cười của tôi gặp nhiều rắc rối với Hội đồng duyệt. Có ý kiến đề nghị cấm vì cho rằng phim bôi nhọ dân tộc, chửi cả cái cũ, chửi cả đổi mới, phê cả lãnh đạo, giễu cả nhân dân. Tôi đã nói với vị ấy rằng: “Tôi với anh đều là cán bộ nhà nước, bình đẳng trước công việc này. Anh đánh giá phim tôi không đủ tư cách chiếu rộng rãi, tôi đánh giá anh không đủ trình độ ngồi duyệt ở đây!”. Trước thái độ phẫn nộ đó, mọi người đều ngại gây sự tiếp với tôi nên cuối cùng bộ phim được thông qua, nhưng việc chiếu phim ở các thành phố gặp khó khăn. Sau đó, anh Bạch Thái Quốc giám đốc Nhà Việt Nam tại Pháp về nước được ông Trần Ðộ lúc đó là Trưởng ban TTVH giới thiệu cho phim này nên đã tìm gặp tôi để được xem phim và tìm cách đưa phim sang Pháp. Không thể có bản phim theo con đường chính thức, tôi đã phải tìm cách giúp các anh ấy mua được phim theo con đường dân sự. Nhờ đó, với sự giúp đỡ của Hội người Việt Nam tại Pháp trực tiếp là các anh Nguyễn Ngọc Giao, Trần Hải Hạc, Huỳnh Chiêu Dương, Bạch Thái Quốc, phim đã được đưa đi các Liên hoan phim Nantes, Teheran, Istanbul và nhiều Liên hoan phim khác. Những người như Trần Mạnh Hảo sẽ nghĩ là tôi được ông Trần Ðộ bảo kê nên đưa được một phim gai góc như Dịch cười đi nhiều Liên hoan phim quốc tế, nhưng thực ra ông Trần Ðộ chẳng thân gì tôi, ông thích phim tôi một cách vô tư do tâm hồn cởi mở và trí tuệ phóng khoáng của ông. Nhưng tôi vẫn biết ơn ông, dù rằng việc đưa được phim ra ngoài là do bản lĩnh tổ chức của tôi.
Chuyện thứ ba -Kiên quyết giữ tên phim và tìm mọi cách đưa được phim sang Mỹ: Năm 2001, tôi làm phim Vua bãi rác, Bộ Văn hoá bắt đổi tên thành Con chim xanh. Trên kịch bản tôi đề Con chim xanh, các văn bản hành chính đều là Con chim xanh, nhưng làm việc với báo chí trong suốt thời gian quay tôi đề nghị họ cứ tuyên truyền cho phim Vua bãi rác, tạo nên một áp lực xã hội. Mặt khác tôi lên Bộ Văn hoá gặp ông Lưu Trần Tiêu để đấu tranh và thuyết phục, rằng trên tivi hàng ngày chiếu đủ loại phim về vua chuá Trung Hoa: vua tiếm quyền, vua dâm đãng, vua lật lọng bất nhân, v.v. Thế thì những ông vua Việt nam tự phong kiểu dân dã như “Vua lốp”, “Vua bãi rác” có gì là đáng ngại? Ông Lưu Trần Tiêu nói rằng tên phim Vua bãi rác có vẻ cổ tích không hợp lắm, sợ bị suy diễn rằng phim ám chỉ. Sau khi hoàn thành phim, tôi cứ quay tít phim là Vua bãi rác và nói với Giám đốc Hãng rằng nếu ai không đồng ý bảo họ tự đi mà làm lại. Ðiều này không thể xảy ra vì không ai lại cố chấp đến mức đối đầu với nghệ sĩ chỉ vì cái tên phim. Cuối cùng Hội đồng duyệt cũng chấp nhận tên này vì thực ra các vị lãnh đạo ngành và Bộ chẳng quan tâm lắm đến việc phim ám chỉ hay không ám chỉ, họ chỉ lo làm tròn phận sự. Vì thế khi tôi đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm trước xã hội bằng thái độ quyết liệt như vậy thì họ không còn sợ trách nhiệm cá nhân nữa, họ đã làm hết mình rồi, không ai trách họ không cầm phim đi tự qua tên khác. Tôi đã thắng nhờ phát huy quyền lực của con người nghệ sĩ.

Ðến năm 2002, khi tôi ở Mỹ tham dự chương trình nghiên cứu văn hoá của Ðại học Massachussetts, cũng là lúc một số Liên hoan phim quốc tế ở Mỹ về nước chọn phim đã gửi giấy mời bộ phim Vua bãi rác. Trong nước không cho phim này đi dự Liên hoan phim ở Mỹ nhưng không báo lại cho các BTC Liên hoan phim nên khi tôi đến LHP Palm Springs để dự buổi chiếu phim của mình được xếp lịch vào hai ngày 12-1 và 14-1 thì Ban tổ chức LHP cho biết vẫn chưa nhận được phim. Tôi vội gọi điện về trong nước thì được biết Cục Ðiện ảnh đã không gửi phim này sang Mỹ mà gửi đi dự chương trình phim Việt Nam ở Ðức. Tôi đề nghị Cục làm ngay một bản khác gửi sang vì không thể để tình trạng Liên hoan phim đã công bố lịch chiếu trên mạng, nhiều người đón xem mà không có phim, nhưng Cục nói không có tiền làm thêm copy nữa. Ðã qua ngày chiếu thứ nhất, tôi vẫn kiên trì tiêu tốn khoảng chục cái các điện thoại để liên tục gọi về gây sức ép và thuyết phục Cục điện ảnh cho gửi bản phim từ Berlin sang sau khi đã chiếu xong. Tôi nói thẳng là Bộ Văn hoá không nên xỏ nhầm giày của Bộ Ngoại giao khi cho phim sang Ðức mà từ chối cho phim sang Mỹ. Cục Ðiện ảnh thấy vấn đề có vẻ nghiêm trọng, nhưng vẫn nói là không thể được vì không có tiền. Chúng tôi lại đề nghị Liên hoan phim trả tiền cho việc gửi phim từ Ðức sang Hoa Kỳ, sau đó tôi sẽ chịu trách nhiệm mang phim về nước. Liên hoan phim Palm Springs đồng ý trả tiền cho Fedex, nhưng đến ngày 15/1 sau khi hai buổi chiếu trong chương trình đã bị huỷ bỏ, phim mới đến Hoa Kỳ. LHP đã tổ chức một buổi chiếu ngoài chương trình vào ngày 18-1và buổi chiếu đó đã có mặt một số nhà phê bình và thành viên Viện hàn lâm, dẫn đến việc ông Robert Koehler viết bài ca ngợi hết lời bộ phim này trên tờ Variety, và sau đó là những thư của các đồng nghiệp Mỹ gửi về Việt Nam gợi ý gửi phim tham dự Oscar năm đó. Những người có nhãn quan kiểu Trần Mạnh Hảo sẽ nghĩ rằng chắc tôi đi của sau để được chính quyền trong nước bảo kê nên Vua bãi rác được gửi đi dự Oscar ở Mỹ, đâu biết rằng nếu tôi không kiên trì, nỗ lực và biết cách gây sức ép và thuyết phục thì bộ phim đã chẳng được khán giả Mỹ biết đến và được mua bản quyền để chiếu độc quyền ở Canada và Bắc Mỹ trong 10 năm như vậy.
Tất cả những chuyện đó toát lên một điều là: thực ra mỗi con người chúng ta tự thân đã rất mạnh, rất nhiều quyền lực, không cần thiết phải ai bảo kê và có thể gây sức ép lên guồng máy quan liêu, trì trệ và cửa quyền hiện tại. Chỉ cần chúng ta biết dùng quyền đó, dám dùng quyền đó là chúng ta sẽ vượt lên mọi xiềng xích bên trong và bên ngoài để nỗ lực đạt được mục đích chính đáng của mình. Chính chúng ta, chứ không phải những người ngoài biên giới sẽ làm đổi thay xã hội từng ngày bằng những giác ngộ và nỗ lực của bản thân trong cuộc sống. Nếu có một đội quân nào Thượng đế toàn năng cử xuống giải phóng cho dân tộc này thoát khỏi nô lệ và tụt hậu, thì đó là chính nhân dân trong đó có ta. Vì thế không nên có thái độ giống như đang chuẩn bị sẵn sàng đón đội quân giải phóng nào đó từ ngoài biên giới (!)
Những gì tôi đang nói và viết về tự do dân chủ hôm nay không phải là thứ văn chương viết vội, mà là những điều máu thịt có cội nguồn từ cảm quan nhân văn tự do sâu thẳm của một nghệ sĩ, từ những trải nghiệm phiêu lưu phức tạp và nguy hiểm, nhiều ngộ nhận, oan ức và đau đớn trong một hành trình nỗ lực là chính mình, khi cộng sinh thoả hiệp, lúc quyết liệt cực đoan trong bối cảnh một xã hội vừa thiếu tự do tư tưởng vừa vô chính phủ. Tôi đã sống tự do, làm dân chủ, làm đổi mới trước khi nói những điều đó từ rất nhiều năm. Trần Mạnh Hảo dẫn lời một nhân vật nặc danh trên mạng Yxine nói rằng tôi “mở miệng ra là nói dân chủ, đổi mới nhưng làm thì hoàn toàn ngược lại” là một kiểu trích dẫn dễ dãi, vơ bèo vợt tép, đánh cược cả uy tín của mình vào một ý kiến vội vàng nông cạn thiếu thông tin.
Sự nối mạng nhân cách và sự phân tuyến chính trị hẹp hòi
Trước khi kết thúc bài viết đã quá dài này tôi muốn nói với TMH đôi điều từ góc độ con người nói với con người, với mong muốn hai bên cùng tự nguyện kết thúc cuộc cãi vã có nguy cơ bất tận và nhàm chán này một cách khôn ngoan và thượng võ.
Tôi là người nghệ sĩ đa đoan và giàu đam mê. Tay phải của tôi là hoạt động sáng tác điện ảnh, còn tay trái của tôi có năm ngón: thi ca, lý luận, sân khấu, hội hoạ và hoạt động xã hội. Nếu không tính đến các hoạt động lý luận và các hoạt động xã hội bao gồm hoạt động từ thiện, hoạt động báo chí và các hoạt động tự nguyện tư vấn chính trị và tổ chức đã kể trên, thì chỉ riêng điện ảnh và thi ca của tôi cũng đã là hai bức chân dung hoành tráng về nhân cách nghệ sĩ day dứt đau đời gắn bó với cuộc sống của nhân dân và cười giễu không thương tiếc đám người quyền thế. Cho nên, việc TMH căn cứ trên một đốt ngón tay trái của tôi để luận về toàn bộ con người và cuộc đời tôi qua một vài hoạt động phiêu lưu chính trị trong mấy năm tuổi trẻ là một việc làm vội vã và dễ dãi, chỉ có giá trị giải trí cho bạn đọc, sẽ không bao giờ đi đến một kết quả như TMH mong muốn.
Thực ra, trong 30 năm qua, do tình cảm nhân văn của một nghệ sĩ và thái độ cởi mở chấp nhận sự khác biệt, đa dạng, tôi không chỉ có quan hệ với ông Lê Ðức Thọ mà còn đắm mình trong mối liên hệ nhằng nhịt phi tuyến tính trong xã hội dân sự, có quan hệ, liên hệ, học hỏi với nhiều người khác ở nhiều chiến tuyến. Như với bà phu nhân Tổng thống Pháp Danielle Mitterand mà dịp sang Việt Nam bà đã đến văn phòng Hãng phim Nhân đạo thăm tôi; như ông Nguyễn Hữu Ðang, người sau khi đọc những bài tôi viết những năm 1996-1997 đã khen tôi “tháo vát”, “một mình mày làm một cái Nhân văn-Giai phẩm mà không bị bắt”; như ông Ðặng Ðình Hưng những ngày sống lủi thủi ở khu Giảng Võ với bao nhiêu bê bối của gia đình sau khi Ðặng Thái Sơn thành đạt, người đã nói với tôi những phương châm hành xử với đời rất hài hước, chân tình mà thú vị “Lạy ba lần không được là tôi đánh đấy!”, “Cái gì cũng phải để qua đêm”; như ông Kiên Giang từng bị bỏ tù trong vụ án xét lại, từ ba mươi năm trước đã tâm sự với tôi nhiều điều, cho tôi xem cuốn tiểu thuyết viết trong tù viết giữa hai dòng chữ của những cuốn Tạp chí văn học, và sau này đã nhắn với tôi rằng “Chú không thích những điều Tuấn viết trên báo Văn nghệ đâu”; như chị Dương Thu Hương là người tuy không ưa tôi lắm nhưng đã bước lên diễn đàn cám ơn tôi vì tôi là người đầu tiên đặt vấn đề của chị ra trước một diễn đàn lớn mấy trăm văn nghệ sĩ năm 1995 rằng: “Nên cho chị DTH làm lãnh đạo phụ nữ để tiếp Tây thay vì bắt giam chị, vì có những người cũng làm như chị thì lại đang ở trong Quốc hội” và sau đó mấy năm cũng vui vẻ ngồi lên xe cho vợ chồng tôi đưa đến gặp bà Kim Lefèvre để bàn về việc dịch sách ra tiếng Pháp trong bối cảnh không ai dám tiếp xúc (việc này của tôi đã bị ông Nam Hà thoá mạ trên báo Công an TP Hồ Chí Minh); như ông Vũ Huy Cương người đã tâm sự nhiều với tôi và giúp tôi chuyển tiền của bè bạn gửi về giúp ông Nguyễn Thanh Giang mua máy tính mới sau khi bị tịch thu mà chắc ông NTG cũng không biết; hay như các ông Hoàng Hoa Khôi, Ðặng Văn Long ở Paris là những người trí thức đáng kính vẫn đau đáu về Vụ án Ôn Như Hầu, đã đưa tôi một số sách của Trotsky để tôi mang về cho nhiều bạn bè và lãnh đạo trong nước đọc, đã viết trong sổ cảm tưởng triển lãm rằng tôi là một nghệ sĩ ngang tàng vô chính phủ, không khuất phục bất cứ trường phái nào; và như các ông Bạch Thái Quốc Ðài RFI, ông Trần Ngọc Tuấn Tạp chí Diễn đàn Praha và nhiều người có chính kiến khác ở hải ngoại mà TMH dưới bút danh Ðặng Thành Nam đã viết bài trên báo công an quy tội tôi móc nối với bọn phản động để lật đổ chế độ v.v.
Những quan hệ đó của tôi đã có từ hàng chục năm, thậm chí có quan hệ có từ hai ba chục năm trước đây, trước cả khi tôi biết ông Lê Ðức Thọ. TMH và một số người không hiểu được sợi dây xuyên suốt các quan hệ phức tạp đa tầng đa tuyến của tôi là tình người, là khát vọng nối mạng về nhân cách của người nghệ sĩ, nên đã có ý nghĩ cho rằng tôi “lá mặt, lá trái”. Họ không thể quan niệm được rằng một người như tôi lại vừa quan hệ với lãnh đạo, vừa quan hệ với những người bị coi là “phía địch”, vừa đi lại thân thiết với ông Lê Ðức Thọ lại vừa làm phim ca ngợi chiến thắng do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy, vừa quyết liệt bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống lại vừa giải mã cái hay của thơ hiện đại trong chính lúc nó đang bị kỳ thị. Vào năm 1996 thấy tôi viết bài bảo vệ những người có tìm tòi về thi pháp như Trần Dần, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều… mà TMH và các nhà thơ quân đội vẫn cho là thứ thơ rác rưởi nhập lại từ phương Tây, đây đó có người viết rằng tôi đã “phản bội chính mình”, dường như cả đời tôi sẽ phải gắn bó với một phe truyền thống-chính thống trong đám văn nhân kia mới là người tử tế, thuỷ chung. Tôi rất thông cảm với nỗi đau của các anh và biết rằng TMH dám ký tên khác viết bài trên báo của quân độI, công an quy tôi những tội tày đình chống lại cuộc kháng chiến của dân tộc, tiếp tay cho bọn phản động âm mưu lật đổ chế độ không phải chỉ xuất phát từ những động cơ tìm vị trí chính thống như tôi đã chỉ ra, mà còn xuất phát từ nỗi hận của người cảm thấy bị phản bội. Khi đã hận thì xá gì các thủ đoạn xuyên tạc hay bôi nhọ. Tôi chia sẻ những tâm lý đó, không đánh giá nặng nề về con người TMH mà chỉ nói về nhân cách lý luận của ông trong những bài viết, nhưng cuốn sách đã in ra. Thực ra, cách nhìn nhận đó và cách hành xử đó của ông với tôi vừa là biểu hiện của một sự méo mó chính trị trong tâm thức, quen với cách nhìn phân tuyến địch ta, bè cánh hẹp hòi, lại vừa bất cận nhân tình không mở đường cho con người giác ngộ, vươn lên, không nhìn thấy cái dòng chảy miên man của những khát vọng dân chủ nhân văn trong tâm can những người trí thức.
Tôi dành thời gian cho cuộc tỷ thí này không phải vì thù hận muốn hạ gục TMH, mà thấy trong trò chơi có vẻ đùa bỡn đó, có một số vấn đề cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng để gợi cho độc giả phần nào ý niệm về con người và xã hội Việt Nam đương đại và hành trình tư tưởng của người trí thức trong nước mấy thập kỷ qua. Tin hay không tin, suy nghĩ thế nào tôi chẳng bận tâm. Tôi cảm thấy những điều cần nói đã nói tương đối đủ và có thể yên tâm chấm dứt cuộc cãi vã này. Nếu TMH hay các quý vị độc giả khác tiếp tục bàn về những vấn đề tôi đã nêu hoặc đưa ra những vấn đề mới thì tôi có thể tiếp tục trao đổi trên tinh thần tương kính. Nhưng nếu chỉ là chuyện chửi bới, bôi lem, tố giác hay đôi co về sự kiện rằng ông Ðiềm có đến Ðại hội không, ông Thỉnh, chị Ngát, anh Khoa có nói vậy không thì dù TMH có viết thế nào tôi cũng không nói lại. Kể cả các vị kia có “phản cung” tôi cũng không trách họ và cũng không coi đó là cái gì xấu xa, đáng ghét vì tôi hiểu quyền sống của con người phải được tôn trọng trong cả những biểu hiện yếu đuối và mâu thuẫn. Bỗng dưng họ bị lôi xềnh xệch vào cuộc, họ có quyền thu xếp sao cho tốt đẹp mọi bề, nhưng Thượng đế đã không chiều ý họ khi Người cử những những nhân viên tòa án đến đóng chốt nhân cách họ vào một khoảnh khắc hồn nhiên để cột họ vào một cuộc chơi có tham vọng trở thành một trò hề vĩnh cửu.
Dù TMH nói lại hay không nói lại, tôi cũng chẳng thù ghét ông. Trái lại, như những người đàn ông đấu súng ở Phương Tây, sau phát súng bắn trượt lại có thể sống với nhau bình thường, xí xoá mọi chuyện trong quá khứ, hay như các hiệp sĩ trên giang hồ của Trung Hoa xưa, sau vài đường quyền cước giáng vào nhau, họ có thể nhận nhau làm anh em, cắt máu ăn thề, lên núi cùng tụ nghĩa. Vì bản chất hai người chúng ta tuy khác nhau đường đời và cách nghĩ, nhưng cùng chung thân phận là con nợ của văn chương, cùng là những anh hùng chữ nghĩa. Năm 1996, đã có lúc TMH đèo tôi đi lang thang mua sách ở Sài Gòn, mở computer ra cho tôi xem những bài viết mới và rủ tôi bỏ khách sạn đến nhà một cách rất hồn nhiên và cảm động: “Nhà tôi cũng có máy lạnh đấy, ông đến đây đi!” Nếu tính toán thiệt hơn thì TMH đánh tôi nhiều đòn chính trị chí tử, còn tôi thì chỉ châm biếm ông bằng mấy chữ ”ca-pốt rách của Ðảng”, có bõ bèn gì so với những tội danh chính trị trên báo của quân đội, công an.
Vì thế, nếu ông muốn “lãi” hơn thì cứ tiếp tục một mình viết theo giọng cũ. Tôi đi viết kịch bản phim đây.
21/6/2005
Đỗ Minh Tuấn
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...