Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

XXXXKhi chữ bị lạm phát - Mấy lời cùng Lê Thị Thấm Vân

Khi chữ bị lạm phát
Mấy lời cùng Lê Thị Thấm Vân

Đọc «Trò chuyện qua mạng với nhà văn Lê Thị Thấm Vân», độc giả sẽ gặp các tuyên bố: «Tôi đến với văn chương là vì yêu thích ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ Việt», «Tôi luôn tự đặt tiêu chuẩn rất cao. Tuyệt đối tránh lặp lại nội dung lẫn hình thức», «Trong thời gian viết tiểu thuyết, tôi tự khép mình vào kỷ luật rất nghiêm»… Rồi lời tự nhận xét của tác giả: «Những tác phẩm của tôi đa phần được giới phê bình quan tâm. Một số độc giả cho biết tác phẩm của tôi khó hiểu, muốn hiểu được thì phải đọc kỹ 2-3 lần, mỗi lần đọc lại khám phá ra điều thú vị và mới mẻ».
Nghe hơi lố, thôi thì…
Nhà văn có quyền tuyên bố, độc giả có quyền kiểm chứng. Dưới đây là một số ví dụ được tìm thấy (không mấy khó khăn) trong chính cuộc «trò chuyện qua mạng» và phần đầu của tiểu thuyết Xứ nắng.
Độc giả sẽ được dịp chứng kiến Lê Thị Thấm Vân sử dụng câu chữ luộm thuộm và thừa thãi ra sao.
A. Diễn đạt lúng túng như thợ vụng mất kim
«Viết tiếng Việt giữa lòng một ngôn ngữ khác, tiếng Anh chẳng hạn, là một lý thú, hấp dẫn, tự do, giữ được độc lập, bởi không dễ bị rơi vào công thức nhận diện hay đặt để của thế giới phương Tây.»
«Ðịnh mệnh, thân phận của những kẻ luôn đứng dạng hai chân ở hai nền văn hóa khác biệt. Sự bị bôi xóa.»
«Anh ngữ vẫn là một trong vài ngôn ngữ bá quyền hiện nay. Nó có khả năng lấn át những tiếng nói khác, thậm chí biến những tiếng nói khác trở thành tiếng động».
«Tôi chọn lựa viết tiếng Việt trong thế giới tiếng Anh là (cố gắng) tạo nên tiếng nói thực tế, như nó là, tạo sự có mặt bình đẳng qua văn bản.»
«Bốn bà biểu tưởng cho thân phận, định mệnh, tiếng nói, trí tuệ, cá tính, bản năng, quyền lực, yếu kém, thiếu hụt, bất hạnh, oan khiên... của người phụ nữ.»
«Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã không tồn tại thì không còn giả… như nếu…»
«Tuy nhiên, tưởng tượng, hư cấu hay sáng tạo bất cứ gì cũng không thể dựa vào khoảng không hay cõi hư vô mà phải bắt rễ, vay mượn, học hỏi, ăn cắp ý tưởng, hình ảnh của rất nhiều người.»
«Viết lách, với tôi là một may mắn, hạnh phúc»
Hình như Lê Thị Thấm Vân kém tiếng Việt đến nỗi không biết rằng «viết lách» và «ăn cắp ý tưởng» đều mang nghĩa tiêu cực, không thể được sử dụng cho những quan niệm như «sáng tạo».
Và trong ví dụ ngay trên đó – «Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã không tồn tại» - phải sửa lại là «chính phủ Việt Nam Cộng hoà không còn tồn tại» bởi vì nó đã tồn tại chứ không phải «đã không tồn tại». Hy vọng rằng đây chỉ là một lỗi ngôn ngữ nhỏ chứ không phải là sự kém hiểu biết cơ bản về lịch sử. Nhân tiện cũng nhắc Lê Thị Thấm Vân rằng nước Việt Nam không có làng nào gọi là «làng Hưng Yên». Các ví dụ khác, xin độc giả tự phân tích để thấy chúng cũng ngây ngô chẳng kém. Ví dụ: «biểu tượng cho cá tính» hay «biểu tượng cho tiếng nói» có nghĩa gì, quí vị độc giả nào có thể trả lời giúp tôi?

B. Dùng từ thừa, tạm gọi là thói bôi chữ hay thừa giấy vẽ voi
«có khả năng bịa chuyện giỏi và có khiếu kể chuyện»
«có cuốn tôi đọc say mê thích thú»
«nhưng tôi vẫn đọc, vì bản tính tò mò muốn biết»
«tôi rời Việt Nam vì tò mò, phiêu lưu, mạo hiểm»
«viết tiếng Việt giữa lòng một ngôn ngữ khác, (…), là một lý thú, hấp dẫn»
«tuy nhiên viết văn, nhất là viết tiếng Việt ở hải ngoại thường rất cô đơn, cô độc…»
«định mệnh, thân phận của những kẻ…»
«những kẻ vất vưởng bên lề, mép, rìa»
«ám ảnh bởi chủ nghĩa quốc gia, dân tộc»
«mà bao nhiêu năm nay vẫn cố bảo bọc, ôm giữ»
«cả hai hoàn toàn độc lập, riêng biệt»
«bốn bà biểu tưởng cho thân phận, định mệnh, tiếng nói, trí tuệ, cá tính, bản năng, quyền lực, yếu kém, thiếu hụt, bất hạnh, oan khiên... của người phụ nữ»
«của người Việt tị nạn, lưu vong»
«điều tôi chứng kiến và suy tư, trăn trở»
«phụ nữ Việt Nam phải gánh vác vai trò làm cha, làm mẹ lo cho gia đình, con cái»
«chồng trong quân/bộ đội, tử trận, tù cải tạo»
«cũng không thể dựa vào khoảng không hay cõi hư vô»
«văn chương là chủ quan, là tiếng nói của cá nhân»
Tất cả những từ in đậm đều nên lược bỏ vì thừa. Nếu độc giả nào biết đôi chút ngoại ngữ, hãy thử dịch các câu trên, hẳn sẽ được những câu ngắn đi một nửa, mà ý tưởng thì vẫn không suy chuyển một ly. Ai mà không biết đã dùng từ «say mê» thì phải thôi từ «thích thú», có «suy tư» rồi thì thôi «trăn trở», «khoảng không» và «cõi hư vô» là một, «tị nạn» khác gì «lưu vong»… Đọc Lê Thị Thấm Vân, người ta có cảm giác như ăn một bữa cỗ, mới trông thì màu mè, nhưng chỉ cần nếm một miếng là biết đầu bếp đã vụng lại tham gia vị. Nói thật, cứ nghĩ đến những câu trên tôi đã cảm thấy đau quặn bụng!
Thói quen dài dòng thừa thãi này của Lê Thị Thấm Vân còn thể hiện rất rõ trong khi viết văn. Hãy thử đọc phần đầu của tiểu thuyết Xứ nắng, độc giả sẽ thấy hàng loạt những câu thế này:
«tức bực, oán hận, oan ức... dẫn lộ ra hai tròng con ngươi. Lâu ngày, biến thành lầm lì, câm nín, chịu đựng»
«tôi với chân trời rộng mở, tự do, phiêu lưu, thách đố, xăn tay áo một hai với đời»
«còn anh, tâm trạng chán nản, thất vọng, mệt mỏi, mất mát»
«có anh là tôi đủ, no nê, tràn đầy»
«lòng cứ lo âu hồi hộp sợ nhánh cây gẫy»
«ở anh, có sự điềm đạm, vững chãi, từ tốn»
«vẫn đạt hai lần cực sướng khoái»
«hai đứa cũng trải qua biết bao ê chề, đớn đau, nhục nhã, thất vọng»
«anh học cách viết, sáng tác truyện ngắn, thơ...»
«kiên trì, nhẫn nại, hy vọng là đức tính tốt, cần thiết cho nhà văn chưa thành. Tự dỗ và tự dối lòng mình»
«anh vẫn không rõ, không hiểu, không biết cho đến tận bây giờ»
«những khuôn mặt ngốc nghếch bất cần đời, bất chấp tất cả, tư thế nổi loạn, coi trời bằng vung, ý niệm thời thời gian chưa hề có, sống chết là chuyện của thiên hạ»
«Dục Mỹ, tôi không rõ, không hiểu, không thấy, không tìm kiếm, không bận tâm, không thắc mắc, không hỏi han nhiều»
«Tôi nhìn, ngó, ngắm, thọc sâu vào tình cảm của mình»
«Tôi cố rán sức đi xa»
«Tôi choàng thức, trạng thái mơ màng, nửa tỉnh, nửa mê»
«Tưởng chừng xe đang tuột dốc, đứt dây thắng, nhào đổ, vực sâu không đáy, tan xương nát thịt, mũi-mắt-mồm cùng căng»
«Vùng nhiệt đới, tên gọi rất đỗi lãng mạn, thơ mộng, gợi cảm, đầy khiêu khích và rất lạ kỳ.
Nước trong tôi tuôn trào xối xả như thác»
Cũng vậy, tất cả những từ in đậm đều nên bỏ đi vì thừa. Đó là thói quen của một người viết không nghiêm túc.
*

Kết luận: Một nhà văn tự cho là «yêu ngôn ngữ Việt» và luôn «tự đặt tiêu chuẩn cao» mà lại viết ra những câu luộm thuộm, ngô nghê như trên? Tất cả những phần in đậm, theo ý tôi, đều không cần thiết. Chúng chỉ chứng minh khả năng ngôn ngữ kém cỏi của Lê Thị Thấm Vân. Những đoạn Lê Thị Thấm Vân viết về tình ái chẳng hạn, sự lạm phát chữ đã khiến tình cảm và hành động của nhân vật trở nên giả tạo, hệt như đang diễn kịch. Chính vì vậy cái dâm trong tác phẩm của Lê Thị Thấm Vân không quyến rũ, không gợi cảm. Nó nhạt và nhàm.
Kinh nghiệm đọc tiểu thuyết cho tôi thấy: bí quyết đầu tiên của tác giả là phải gợi được trí tưởng tượng của độc giả. Viết về sex, vấn đề không phải là «bạo» hay «không bạo», mà cách tả sex đó có sáng tạo, có mới hay không. Vì nếu chỉ cần «bạo», người đọc sẽ mua sách khiêu dâm rẻ tiền ở siêu thị. Ngay trong văn học Việt, nếu kể về «bạo», các nữ sĩ trẻ Vi Thùy Linh và Đỗ Hoàng Diệu có lẽ còn «bạo» hơn Lê Thị Thấm Vân.
Vậy đó, sau khi so sánh thực lực và tuyên bố của Lê Thị Thấm Vân, tôi đành phải tin rằng Lê Thị Thấm Vân là người mắc chứng hoang tưởng. Bà tuyên bố tự đặt «tiêu chuẩn cao», tôi xin thưa với bà: Bà đứng giữa tầng trệt nhưng cứ ngỡ đang cưỡi tàu vũ trụ!
Nếu độc giả có quyền góp ý với tác giả thì tôi xin chân thành khuyên Lê Thị Thấm Vân trước khi nghĩ đến văn chương nên học viết những câu bình thường cho thật chuẩn. Không thì khổ thân ngôn ngữ quá! Tiếng Việt bị rẻ rúng trong đời thường đã đủ, đừng để tình trạng này tiếp diễn trong văn học. Tôi cũng nghi ngờ tiếng Anh của Lê Thị Thấm Vân. Nhưng chuyện đó thì sẽ không bàn vì bà chưa tuyên bố tình yêu với Anh ngữ. May mắn thay!
Thú thật, tôi thấy văn của Lê Thị Thấm Vân thiếu hấp dẫn, nên không đủ kiên nhẫn đọc thêm. Xin mời độc giả khác tiếp sức dọn vườn!.
15/3/2006
Tôn Thất Đán
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...