Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

XXXXTrò chuyện qua mạng với nhà văn Lê Thị Thấm Vân

Trò chuyện qua mạng
với nhà văn Lê Thị Thấm Vân
Nhà văn Lê Thị Thấm Vân trong 
thời gian viết Bóng gẫy của thần tích

Hỏi: Trước hết, xin nhà văn kể đôi chút về tiểu sử của mình. Nhà văn sinh ra và lớn lên ở đâu? Hồi nhỏ có thích đọc văn chương không?
Ðáp: Tôi sinh ở Quy Nhơn, nhỏ ở Ðà Lạt, tốt nghiệp trung học và đại học tại Hoa Kỳ. Bố mẹ tôi từ Bắc di cư vào Nam năm 1954. Thuở bé tôi ưa tưởng tượng ra nhiều câu chuyện thú vị rồi kể cho mọi người nghe. Tôi (tin tôi) có khả năng bịa chuyện giỏi và có khiếu kể chuyện. Bố tôi cho tôi biết điều này lúc tôi 7 tuổi. Nhà tôi có một tủ sách rất lớn. Tôi nhớ hồi nhỏ tôi ưa luẩn quẩn gần đấy. Có cuốn tôi đọc say mê thích thú, có cuốn tôi đọc xong không hiểu gì cả, cứ như đọc sách ngoại ngữ mình chưa học qua. Nhưng tôi vẫn đọc, vì bản tính tò mò muốn biết.
Hỏi: Ngày 30 tháng 4 nhà văn đang ở đâu, làm gì? Biến cố 30/4 thay đổi cuộc sống của nhà văn như thế nào?
Ðáp: Ngày 30/4/75 tôi cùng gia đình tất tả chạy loạn ngược xuôi. Ngày 10/5/75 tôi rời gia đình (bố & chị, em) vượt biển sang Thái Lan. Ở trại tị nạn Thái Lan 2 tháng, sau đó tôi sang Hoa Kỳ. Tôi rời Việt Nam vì tò mò, phiêu lưu, mạo hiểm chứ lúc đó tôi không có chút ý thức chính trị hay kinh tế nào. Một năm sau, tháng 6/1976 bố tôi mất ở Việt Nam.
Hỏi: Nhà văn bắt đầu viết văn từ bao giờ? Tác phẩm đầu tay là tác phẩm nào? In ở đâu?
Ðáp: 10 tuổi tôi đã làm hơn hai chục bài thơ về mẹ sau khi mẹ tôi mất. Truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng trên tạp chí Văn, tháng 10 năm 1992, ấn hành ở nam California. Tập truyện Ðôi bờ là tác phẩm đầu tiên, do Anh Thư Xuất bản năm 1993.
Hỏi: Quá trình viết văn sau khi in tác phẩm đầu tiên có những thay đổi gì?
Ðáp: Càng viết tôi càng thấy khó. Kinh nghiệm viết lách chẳng giúp gì cho tôi trước tác phẩm mới. Tôi luôn tự đặt tiêu chuẩn rất cao. Tuyệt đối tránh lặp lại nội dung lẫn hình thức. Mỗi tác phẩm là một nỗ lực, thách thức. Giờ đây tôi không còn cái hồn nhiên và dễ dãi như thuở ban đầu, nhưng càng viết càng yêu thích. Viết với tôi như một nỗi đam mê lớn lao. Và tôi rất vui là có và thực hiện được nỗi đam mê của mình. Trong thời gian viết tiểu thuyết, tôi tự khép mình vào kỷ luật rất nghiêm.
Hỏi: Tại sao nhà văn lại thấy mình cần phải viết văn bằng tiếng Việt trong hoàn cảnh sống lưu vong?
Ðáp: Tôi đến với văn chương là vì yêu thích ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ Việt. Viết tiếng Việt ban đầu với tôi như là tự thách thức cho sự tìm kiếm hay tìm về. Giờ đây, viết tiếng Việt đối với tôi dễ dàng hơn viết tiếng Anh. Viết tiếng Việt giữa lòng một ngôn ngữ khác, tiếng Anh chẳng hạn, là một lý thú, hấp dẫn, tự do, giữ được độc lập, bởi không dễ bị rơi vào công thức nhận diện hay đặt để của thế giới phương Tây. Trong khi đó, là một người viết ở hải ngoại, tôi có tự do hơn những người viết hiện đang ở trong nước, nơi mà họ vẫn còn bị chỉ đạo, kiểm soát bởi những nhà cầm quyền. Tuy nhiên viết văn, nhất là viết tiếng Việt ở hải ngoại thường rất cô đơn, cô độc vì độc giả không nhiều, không có lợi nhuận, không có danh tiếng, không có chỗ đứng trong xã hội. Tôi mở nhà xuất bản Anh Thư để in sách, tự bỏ tiền túi in, tự gửi mẫu quảng cáo sách mình mới xuất bản cho các tạp chí đăng, tự mang sách đến gửi ở những nhà sách để bán, rồi tự gửi sách đến cho độc giả ở xa. Những công việc tôi chán ghét vô cùng, nhưng vẫn phải làm.
Hỏi: Sau khi các tác phẩm của nhà văn in ra, nhà văn có nhận được nhiều phản hồi của độc giả không? Nhà văn nghĩ thế nào về môi trường phê bình văn học hiện nay?
Ðáp: Theo tôi, môi trường phê bình hiện nay vẫn còn yếu kém. Ða phần phê bình tác phẩm hoặc dựa trên cảm tính, hoặc viết về tác giả, hoặc bàn chuyện ngoài lề hơn là đi sâu vào văn bản. Riêng với tác phẩm của tôi, độc giả chê hoặc khen đều cực đoan. Nghĩa là ai thích rất thích hoặc ai ghét rất ghét, không ở lưng chừng. Những tác phẩm của tôi đa phần được giới phê bình quan tâm. Một số độc giả cho biết tác phẩm của tôi khó hiểu, muốn hiểu được thì phải đọc kỹ 2-3 lần, mỗi lần đọc lại khám phá ra điều thú vị và mới mẻ. Một số khác nhận xét tôi viết táo bạo quá! Thật ra, khi viết bao giờ tôi cũng cố gắng với cao, vượt lên trên khả năng, sức lực của tôi rất nhiều. Vì thế người đọc cũng phải với lên để thưởng ngoạn tác phẩm của tôi. Tôi viết không phải để làm vừa lòng độc giả.
Hỏi: Theo nhà văn thì độc giả phải đặc biệt chú ý đến những chi tiết nào khi nghiên cứu những tác phẩm của nhà văn để họ có thể hiểu rõ hơn về tác phẩm của nhà văn?
Ðáp: Tôi viết về thời đại di dân. Căn cước đôi. Ðịnh mệnh, thân phận của những kẻ luôn đứng dạng hai chân ở hai nền văn hóa khác biệt. Sự bị bôi xóa. Những kẻ vất vưởng bên lề, mép rìa. Ðồng thời tôi đặc biệt chú trọng đến vấn đề nữ quyền.
Hỏi: Trong các tác phẩm của mình, nhà văn có đề cập đến nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng của miền Nam, chẳng hạn Tình ca trong lửa đỏ của Nhã Ca. Tôi cũng thấy truyện ấy rất hay. Nếu một người không biết nhiều về kinh nghiệm của người Việt ở miền Nam thời 54-75, nhà văn khuyên người ấy đọc tiểu thuyết nào trong tất cả tiểu thuyết về/ở miền Nam Việt Nam?
Ðáp: Hỏi tôi đề nghị đọc tác phẩm nào thì thú thật rất khó trả lời. Có lẽ bạn thử tìm đọc Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền, Xóm cầu mới của Nhất Linh...
Hỏi: Nhà văn nghĩ mình có chịu ảnh hưởng của tác giả nào khác không (kể cả nhà văn Việt Nam và nước khác)? Là những tác giả nào?
Ðáp: Tôi chịu ảnh hưởng bút pháp, mỹ quan, ý tưởng của một số tác giả ngoại như Kazuo Ishiguro, Monique Wittig, Arundhati Roy, Susan Sontag, Hélène Cixous, James Joyce, Willam Faulkner, Alice Walker... Tôi cũng đọc nhiều tác giả Việt, nhưng họ không gây ảnh hưởng tới kỹ thuật dựng truyện của tôi.
Hỏi: Trong tác phẩm Xứ nắng, người kể chuyện đề cập đến nền văn hóa Mỹ lẫn Việt, chẳng hạn như Jack Nicholson, Nhất Linh, v.v... Ở trang 11 người kể chuyện nói: “Giấc mơ Mỹ, màu trắng, liệu còn đứng vững được bao lâu?” Theo tôi, cảnh này rất thú vị và quan trọng, vì hiện nay, các nhà phê bình văn học Mỹ đang xem xét lại cách mô tả chủ nghĩa dân tộc và “citizenship” [tạm dịch là: tư cách công dân] trong văn chương Mỹ. Nhà văn có ý kiến gì về vai trò văn chương Việt hải ngoại tại Mỹ (viết bằng tiếng Việt) trong cuộc thảo luận này?
Ðáp: Anh ngữ vẫn là một trong vài ngôn ngữ bá quyền hiện nay. Nó có khả năng lấn át những tiếng nói khác, thậm chí biến những tiếng nói khác trở thành tiếng động. Tôi chọn lựa viết tiếng Việt trong thế giới tiếng Anh là (cố gắng) tạo nên tiếng nói thực tế, như nó là, tạo sự có mặt bình đẳng qua văn bản. Ðồng thời tôi muốn đẩy tiểu thuyết Việt Nam vượt khỏi rào cản, sức ép, ám ảnh bởi chủ nghĩa quốc gia, dân tộc hoặc tự/bị xếp vào vị trí thế-giới-thứ-ba mà bao nhiêu năm nay vẫn cố bảo bọc, ôm giữ.
Hỏi: Nhà văn có ý kiến gì về quan hệ giữa văn chương Việt tại Mỹ và văn chương Mỹ?
Ðáp: Văn chương Việt tại hải ngoại và văn chương Mỹ (hiện nay) như nước sông và nước hồ. Cả hai hoàn toàn độc lập, riêng biệt. Tôi nghĩ không cần thiết phải quan hệ, bởi nghệ thuật hay là ở tự thân tác phẩm. Quả cam hoặc quả táo đều là trái cây nhưng có vị ngon khác biệt. Ai thưởng thức được cả hai loại trái cây, tôi cho là người may mắn. Trong tương lai những tác phẩm hay viết bằng tiếng Việt ở hải ngoại sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Ðấy là một điều cần thiết.
Hỏi: Âm vọng kể về cuộc đời của bốn người đàn bà, mỗi người tượng trưng cho một mùa trong năm. Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa (Tây Thi, Chiêu Quân, Ðiêu Thuyền và Dương Quý Phi) có gợi cảm hứng cho nhà văn khi viết cuốn tiểu thuyết này không?
Ðáp: Khi viết Âm vọng, tôi hoàn toàn không nghĩ đến “Tứ đại mỹ nhân” của Trung Hoa. Tôi chọn 4 nhân vật huyền thoại trong Lĩnh nam chích quái, bản dịch của Ðinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San rồi dựa vào thời tiết 4 mùa trong năm xếp không thứ tự: Tiên Dung - Nhất Dạ Trạch, (mùa hạ); Mỵ Châu - Truyện Rùa Vàng, (mùa thu); Âu Cơ – Họ Hồng Bàng, (mùa xuân); và Man Nương – Man Nương (mùa đông). Bốn bà biểu tưởng cho thân phận, định mệnh, tiếng nói, trí tuệ, cá tính, bản năng, quyền lực, yếu kém, thiếu hụt, bất hạnh, oan khiên... của người phụ nữ.
Hỏi: Đọc Âm vọng, tôi rất ngạc nhiên thấy những tranh vẽ của một đứa trẻ, những mẩu đơn, giấy chuyển tiền, giấy chép tay ghi lại công thức nấu món ăn… Tất cả những cái đó làm truyện giống một tác phẩm hội họa “collage” (tạm dịch: “nghệ thuật cắt dán”). Vì vậy, câu chuyện mang đậm chất thực. Cuộc sống thực được phơi bày qua từng trang sách. Theo nhà văn, những tác phẩm văn học hiện đại có nên kết hợp nhiều hơn với hội họa để tạo nên những tác phẩm mang tính chất tổng hợp?
Ðáp: Những bức tranh, bài thơ, notes... là của con tôi, tôi đưa vào để lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ của chúng. Truyền đơn, thư nặc danh, chụp mũ, hóa đơn gửi tiền về Việt Nam, công thức nấu ăn... là dấu ấn, chứng tích giai đoạn đầu của người Việt tị nạn, lưu vong. Ðồng thời tôi cũng muốn đóng góp một hình thức mới mẻ vào tiểu thuyết Việt Nam.
Hỏi: Theo Việt Nam ngày tôi trở về [VNNTTV], nhà văn đã về Việt Nam năm 1995. Vậy xin hỏi, sau chuyến đó, nhà văn đã về Việt Nam lần nào nữa chưa? Nếu có, xin nhà văn cho biết lần về sau này có thay đổi cái nhìn của nhà văn với Việt Nam so với cái nhìn của năm 1995 không?
Ðáp: Lần đầu tiên về lại Việt Nam sau 20 năm xa cách, tôi bị khủng hoảng, bức xúc khiến tôi viết cuốn Việt Nam ngày tôi trở về. Lần thứ nhì tôi đưa bố chồng về thăm làng Hưng Yên ở miền Bắc sau 50 năm ông rời xa. Chuyến đi này tạo cho tôi cảm hứng viết cuốn Xứ nắng, và sáng tác một số bài thơ (tình).
Hỏi: Nhà văn lên án chính phủ Cộng sản, qui cho họ trách nhiệm về sự suy thoái của xã hội Việt Nam hiện nay. Vậy theo nhà văn, chính phủ Cộng sản nên giải quyết như thế nào với các tệ nạn xã hội? Và theo nhà văn nếu chính phủ Việt Nam Cộng hòa còn tồn tại cho tới ngày hôm nay, liệu các tệ nạn xã hội có xảy ra không?
Ðáp: Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã không tồn tại, thì không còn giả như... nếu… Tôi để đầu óc suy nghĩ chuyện khác thú vị hơn.
Tuy nhiên xã hội Việt Nam hiện nay cho ta thấy rõ sự chênh lệch giàu nghèo quá rõ. Tham nhũng hối lộ trắng trợn. Tệ nạn xã hội càng ngày càng gia tăng. Ðạo đức suy đồi. Là nhà văn, tôi chỉ viết điều tôi chứng kiến và suy tư, trăn trở. Còn giải quyết như thế nào là việc của các nhà lãnh đạo.
Hỏi: Nhà văn phê bình chính sách của chính phủ Mỹ đối với những người Việt miền Nam đã bị bắt vào trại cải tạo. Tôi cũng cho rằng cách kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975 là một vết nhơ trong lịch sử Mỹ. Theo nhà văn, chính phủ Mỹ lẽ ra phải có chính sách nào đối với Việt Nam sau 1975? Còn ngày nay, chính phủ Mỹ nên có chính sách ra sao đối với Việt Nam?
Ðáp: Trước hết, sau 30/4/1975, việc chế độ mới dựng lên các trại cải tạo là việc làm phản dân chủ, nhân quyền. Không ai có quyền nhân danh bất cứ gì để cải tạo sự suy nghĩ trong đầu của người khác. Việc Mỹ đã đem quân, súng đạn sang can thiệp vào Việt Nam cũng hết sức sai lầm. Giờ đây Mỹ cần phải tỏ thiện chí và sòng phẳng hơn nữa trong vấn đề bắc cầu giao hảo với Việt Nam.
Hỏi: Nhà văn nghĩ vai trò của văn chương trong lịch sử là gì?
Ðáp: Văn chương biểu lộ ý thức lịch sử. Con người không từ cõi không mà là một phần sản phẩm của lịch sử. Nhà văn sống với lịch sử và không nhất thiết phải hiểu lịch sử như người nghiên cứu lịch sử.
Hỏi: Trong VNNTTV, nhà văn có nhắc tới các bổn phận và trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam. Vậy theo nhà văn, các trách nhiệm và bổn phận đó có còn ràng buộc phụ nữ Việt tại hải ngoại không?
Ðáp: Trong thời chiến, phụ nữ Việt Nam phải gánh vác vai trò làm cha, làm mẹ lo cho gia đình, con cái. Chồng trong quân/bộ đội, tử trận, tù cải tạo. Nay sống ở hải ngoại, trách nhiệm & bổn phận người phụ nữ Việt Nam vẫn thế: lo cho gia đình, con cái, nhưng họ được tự do hơn, có cơ hội hơn, nhiều lựa chọn hơn. Nhiều người vì được học hành và độc lập kinh tế nên tự chủ hơn. Ðồng thời họ ít con nên có thời gian chăm sóc bản thân và theo đuổi ý thích riêng của mình.
Hỏi: Có nhiều nhà phê bình cho rằng khi một nhà văn ngồi xuống viết thì họ đang tạo ra trên trang giấy một không gian mới, một không gian lý tưởng, có thể nói là ngoài luật lệ, ngoài chính trị [theo tôi, cách nghĩ này không hoàn toàn đúng]. Khi viết, nhà văn có nghĩ là mình đang tạo lên một không gian ngoài luật lệ không? Hay là nhà văn cảm thấy là việc viết bị những điều trong thực tế ảnh hưởng nhiều, và viết là một cách để trả lời, để chống cự những điều đang xảy ra trên thế giới?
Ðáp: Tác phẩm (có thể) dựa trên dữ kiện thực tế để sáng tạo một cách riêng của chính nó, nghĩa là tự tạo luật lệ riêng. Nhà văn nhào nặn biến cố, sự việc theo ngôn ngữ của nhà văn. Tuy nhiên, tưởng tượng, hư cấu hay sáng tạo bất cứ gì cũng không thể dựa vào khoảng không hay cõi hư vô mà phải bắt rễ, vay mượn, học hỏi, ăn cắp ý tưởng, hình ảnh của rất nhiều người. Viết là hành động nói lên sự có mặt của mình trong cõi nhân gian này, và đúng/sai không phải là điểm thiết yếu trong văn chương. Văn chương là chủ quan, là tiếng nói của cá nhân.
Hỏi: Câu hỏi cuối cùng: nhà văn nghĩ thế nào về tình hình văn chương trong nước và hải ngoại hiện nay? Nhà văn lạc quan hay bi quan?
Ðáp: Văn chương trong nước đang hé mở khía cạnh tự do tính dục, bất đồng quan điểm chính trị, xã hội, có lẽ nhờ vào internet một phần. Hải ngoại cũng nhờ internet nên tác phẩm được độc giả trong nước đón nhận nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhưng phải thực tế rằng ngày càng bớt dần độc giả. Internet, phim ảnh, nhạc, TV, games.... chiếm quá nhiều thì giờ trong ngày của con người hiện đại, và nhu cầu đọc không còn là điều thiết yếu. Không đọc tiểu thuyết cũng chẳng thiệt thòi hay mất mát gì (nhiều). Ý thức được điều này, nhưng người viết vẫn cứ viết, vì viết là đam mê, cũng là sự lựa chọn.
Viết lách, với tôi là một may mắn, hạnh phúc trong đời tôi có được, dù sự lựa chọn này mang lại cho tôi mệt mỏi, mâu thuẫn, phức tạp, khó khăn, đơn độc và cả những thiệt thòi.
13/3/2006
Hà Thục Chi, Nguyễn Bích, 
Trần Thanh Thúy, Alec Holcombe
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...