Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Văn chương và kinh nghiệmXXX

Văn chương và kinh nghiệm

Người lính đêm qua đi kích về ghếch chân lên
Chiếc xe chở những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày
Và bật que diêm hút thuốc
(“Bức bích họa về một thành phố ban mai” - trong Chiến tranh Việt Nam và tôi của Nguyễn Bắc Sơn, Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ, 2005. Sách dành để tặng)
Có lẽ khi đọc những câu thơ này, có nhà phê bình sẽ phán rằng: “Chẳng có gì đáng bàn luận. Chỉ là một đoạn thơ tự do, tả cảnh, như tựa đề của nó. Chấm hết!”
Tuy nhiên, với những kẻ trong cuộc, vậy mà không phải vậy. Việc thưởng ngoạn bài thơ này không chỉ nằm trong những hình ảnh chấm phá mà tác giả vẽ lên. Nó còn đi xa hơn. Bởi vì ít ra hắn cũng tìm thấy được phần nào hình bóng của hắn, tâm trạng của hắn, mà có lẽ người không ở trong cuộc không thể khám phá được.
Chẳng hạn việc ghếch chân lên bàn. Kiêu hãnh hay ba gai, xem xung quanh bằng nửa con mắt? Theo ý tôi, đó là niềm kiêu hãnh. Như chàng phi công trong Chuyến bay đêm của Saint Exupéry nghĩ mình giống như vua, ban phát niềm vui cho thiên hạ dưới trần gian, anh lính của Nguyễn Bắc Sơn cũng nghĩ mình góp công trong việc có được những ổ bánh mì vàng nóng hổi. Bởi vì đêm qua anh không ngủ cả đêm. Ðêm qua, có lẽ mưa lớn lắm, anh phải mở trừng mắt, tai anh phải căng ra, để cố gắng phân biệt được tiếng động của người hay của thú vật. Ðêm qua, anh muốn rụng tim vì phải cố liên lạc với nhà, báo cáo tọa độ để máy bay tuần thám hay pháo binh khỏi bắn lầm. Bởi vì đêm qua, đêm quá dài, anh có bầu bạn là những âm hồn, có nhà cửa là những mả mới mả cũ che chở anh. Ðêm qua, anh cố gắng lót balô dưới đầu, nằm trên poncho cồm cộm đá, và đất thịt gồ ghề. Ðêm qua, tiếng loa từ bên kia sông khi mất khi còn theo gió bay lại. Ðêm qua, các đứa con phải mò mẫm trong đêm, có khi họ ngừng lại, cúi đầu bẹp xuống một bể nước mênh mông để cố che dấu họ, khi trái sáng được bắn lên, hay từ máy bay thả xuống. Ðêm qua, có khi anh nhớ đến con bị đau, không thể nào ngủ được. Ðể mong vô cùng tiếng gà gáy đầu tiên từ xóm trong. Ðể sáng nay, anh và bạn anh trở về, nghe rộn ràng tiếng động xe lam hay của những người đi phiên chợ sớm. Anh cười nụ cười đầu tiên, và bật lại que diêm đầu tiên. Anh vui mừng qua một đêm bình an. Hoặc cũng có lẽ anh cảm thấy hãnh diện khi thấy chiếc xe chở những ổ bánh mì vàng nóng hổi đi qua. Anh nghĩ anh đã đóng góp vào hạnh phúc chung. Từ cảm thức kiêu hãnh, anh biểu lộ ra hành động. Và cái ghếch chân lên bàn, hay nụ cười đầu tiên, chính là những động tác biểu lộ.
Tôi cũng từng ghếch chân lên bàn như thế sau một đêm trắng mắt. Cũng chẳng làm hại đến ai. Và đã có những câu thơ làm trong lúc nhìn cô hàng cà phê ở chợ Huyện như sau:
Cô hàng chợ Huyện mơ gì nhỉ
Mà sao yên lặng như tương tư
Tôi biết đêm rồi không chó sủa
Và cô chắc cũng có cơn mơ...
Như vậy, kinh nghiệm là một yếu tố rất cần trong việc phê bình, hay đánh giá một tác phẩm. Có lẽ, nếu nhà phê bình đã từng lội qua những con suối đen và lạnh buốt của Trường Sơn, đã nếm vi trùng sốt rét, buổi xế trưa, trùm hai ba cái mền mà vẫn run cầm cập, mắt lờ đờ như mắt cá ươn, mà đọc mấy câu thơ của Quang Dũng: “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc, Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” thì chắc phải sốt rét thêm. [Không hiểu ý nhà thơ Quang Dũng muốn tả cảnh đoàn quân “cạo trọc đầu” như những chàng giang hồ hảo hán Lương Sơn Bạc, hay viết về đám quân bị sốt rét kinh niên, mà sao hầu hết sách vở các ngài phê bình đều phụ chú cho là một đoàn quân bị sốt rét đến độ tóc không mọc nổi, rồi bắt học trò phải học?!]
Còn nữa. Như cái câu sao y từ điển tích Tàu: “Xem cái chết tựa lông hồng.” Cứ nhớ lại cảnh toán lính thực hiện công tác tiền thám, trèo lên ngọn đồi. Người lính Thượng tiền sát, cầm dao rừng dọn lối. Ðến một lúc nào đó, y dừng lại, không chịu tiến lên. Ðôi mắt y ánh lên nỗi sợ hãi tột cùng... Chắc có kẻ lại dạy là tên lính tiền sát này hèn nhát, khiếp nhược. Thưa, hắn có huy chương vàng bạc đầy ngực. Hắn người gốc Ra đê, được tiếng gan dạ nhất đại đội đấy, các ngài ạ.
Tại sao?
Bởi hắn nghe mùi phân người nồng nặc, chứng tỏ đã lạc vào chỗ hiểm rồi.
Có sống trong địa ngục mới hiểu rõ địa ngục là gì. Có nghe tiếng nổ, mới biết thế nào là tiếng nổ. Có xâm nhập mật khu mới thấy sợ cả tiếng động của cành cây gẫy, con thú tìm mồi, hay mùi cứt, mùi nước tiểu. Có bị vây mới hiểu lúc nào nên chạy, lúc nào nên ẩn. Kinh nghiệm ngoài đời, cũng như kinh nghiệm trên chiến trường, không phải chỉ qua sách vở hay nghe nói (tác giả nhiều khi phóng đại cũng nên), mà là kết quả của một quá trình gian khổ, thất bại, nhục nhã, đắng cay ê chề, và đôi khi phải trả bằng một giá rất đắt. Trong quân ngũ, kinh nghiệm dày dạn nhất thuộc về những người lính già. Chẳng hạn như hai trung đội phó của tôi (một ông người Nùng và một ông người Thượng) trong thời gian tôi làm trung đội trưởng thuộc đại đội 405 thám kích sư đoàn 22 BB. Họ ít học, nhưng kinh nghiệm chiến trường không ai có thể qua mặt. Thú thật, nhờ họ mà tôi vẫn còn sống sót đến ngày hôm nay, trong khi đơn vị có 6 sĩ quan thì 4 người đã tử trận.
Kinh nghiệm quan trọng ở ngoài đời như vậy, nhưng trong trong lãnh vực phê bình văn chương hình như bị bỏ quên. Có phải vậy không?.
27/6/2005
Trần Hoài Thư
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...