Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

XXXXTôi muốn nắm bắt nét đẹp của nền văn hóa quê hương tôi

Tôi muốn nắm bắt nét đẹp của
nền văn hóa quê hương tôi

Có lẽ người đọc Việt hải ngoại không xa lạ gì với Dương Như Nguyện qua những truyện ngắn trên tạp chí Thế Kỷ 21 [Nam California] những năm 90. Năm 1999 nhà xuất bản Văn Nghệ [Nam California] ấn hành cuốn Mùi hương quế của cô, và năm nay, 2005, Dương Như Nguyện cũng vừa cho phát hành cuốn Chín chữ của nàng [nxb Văn Mới, Nam California], đồng thời với cuốn Daughters of the River Huong - a Vietnamese royal concubine and her descendants (RavensYard Publishing, Ltd., Fairfax Va. ISBN 1-928928-16-1; trade paperback, 271 pages, SRP $17.95)...
Bài này được viết từ cuộc nói chuyện qua internet với nhà văn, luật sư, giáo sư Dương Như Nguyện.
Viet Mercury (VM): Ở bià lưng cuốn sách, dưới dòng tít “Love & War/ Tình yêu và Chiến tranh”, người ta đọc được câu “Bức tranh ấn tượng này sẽ nhắc nhở độc giả tới những truyện có tầm vóc bao quát của Gone with the Wind và The Thorn Birds, đượm thêm tính nhân bản và tình yêu sâu xa giữa mẹ và con của The Joy Luck Club”. Cô có thể cho biết sự so sánh này có nghĩa gì?
Dương Như Nguyện (DNN): Việc so sánh tác phẩm của tôi với Gone with the Wind, Thorn Birds, hay Joy Luck Club là ý nghĩ của nhà xuất bản, để giải thích lý do tại sao họ muốn đầu tư vào tiểu thuyết của tôi sau khi đã đọc bản thảo. Câu này không phải là quan điểm của tôi. Ngược lại, tôi có thói quen là trong tiến trình sáng tạo, không bao giờ viết để cho giống hay theo một khuôn mẫu của bất kỳ tác phẩm nổi tiếng nào. Viết là viết theo sự thôi thúc sáng tạo (artistic vision) của chính mình mà thôi. Bằng chứng là trước khi RavensYard đến với tôi, bà Sandra Kjistra, đại diện cho Amy Tan và Stephen King, đã hối thúc tôi viết lại tác phẩm này cho giống cuốn Memoir of a Geisha của Arthur Golden, thì bà ta mới nghĩ đến việc đem tác phẩm của tôi đến với các nhà xuất bản danh tiếng của Hoa Kỳ. Tôi đã bác bỏ đề nghị đó, cũng chỉ vì không muốn đi theo một khuôn mẫu khi viết về nguồn cội của mình.
VM: Còn về cái tựa của tác phẩm, tại sao cô chọn River Huong mà không phải là Perfume River như một cách đẩy sách đến người đọc tiếng Anh?
DNN: Perfume River là danh xưng do người ngoại quốc dịch tên của dòng Hương giang xứ Huế. Người Huế không ai gọi dòng sông lịch sử của quê hương mình là “dòng Nước Hoa” cả. “Perfume” hay “parfum” là một kỹ nghệ buôn bán, một hình thức mỹ phẩm phù du bên ngoài, làm đẹp cho phụ nữ theo kiểu quyến rũ người khác phái, hoàn toàn có tính cách vật chất hời hợt, không phải là phẩm lượng bên trong. “Nước hoa” sẽ phai đi. “Mùi hương” trái lại có thể toả từ tiền kiếp, liên đới kiếp này sang kiếp khác, không gian này qua không gian khác, đi từ quá khứ, hiện tại, và có thể chuyên chở vào tương lai, từ vô thức, tiềm thức, tới ý thức. Với mùi hương thật sự (authentic) như trong câu: “Hữu xạ tự nhiên hương” thì “hương” có thể trở thành bất diệt trong trí tưởng và tâm thức của người thưởng ngoạn. Hương còn là tiếng thơm, có thể toả ra từ đáy hồn là một luyến nhớ vào rừng kỷ niệm. Tiếng tăm (cái gì lưu lại) là sợi dây liên đới giữa sự phán đoán của lịch sử (external) với đạo đức cá nhân (intrinsic). Ðạo đức ở đây có nghĩa là “universal truths” công cuộc đi tìm sự thực của người cầm bút, chứ không phải là kỷ cương của tôn giáo hay xã hội.
Chữ “hương” do đó mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn vật chất, phải dịch là “fragrance” trong trí tưởng, hoặc “good name” như trong “tiếng thơm muôn thuở”. “Hương” là một “motif” liên tục trong sáng tạo của tôi....
VM: Hiện nay cô đang đọc tác giả nào?
DNN: Tôi mới vừa đọc lại một số những tác phẩm bất hủ của văn học Nga, the classics, từ Tolstoy cho đến Dostoevsky, ngay cả Solzhenitsyn của thời cận đại. Dĩ nhiên là khi quay về classique, tôi đọc lại luôn Boris Pasternak và Franz Kafka. Nhân tiện tôi đọc Henrik Ibsen của Na Uy (The Master Builder), George Bernard Shaw (để nhận thức thêm một lần nữa rằng Shaw đã đi trước quá xa thời đại của ông sống) và cả Theodore Dreiser (để nhắc lại cho mình nhớ thế nào là một cuốn tiểu thuyết Hoa Kỳ, the cliche - the American novel, thật sự đúng nghĩa là tiểu thuyết với tất cả tâm lý nhân vật, cường độ, và cao độ của nghệ thuật tiểu thuyết!).
Tôi đọc các nhà văn Nga và Ðông Âu vì tôi mường tượng thấy hình như các tác giả này được truyền tụng trong giới trí thức thuộc thế hệ của ông. Tôi muốn tìm hiểu về cách nhìn và nếp sống tâm linh của thế hệ này. Lý do: Tôi muốn tạo dựng một nhân vật chính (protagonist) là một người đàn ông Việt Nam cùng thế hệ với ông, sống trong lòng nước Mỹ, cho bản thảo sắp tới, bản thảo mà tôi chưa bắt đầu.
Như ông đã thấy, tôi rất trọng classiques, vì classiques đã được minh chứng bởi thời gian. Tuy nhiên, khi đọc lại classiques, tôi thấy rõ những gì đã lỗi thời về bút pháp bên cạnh tính chất vĩ đại trường cửu của classiques. Tôi cố tình không chú ý đến những tác phẩm hiện đại đang bán chạy hay đang nổi tiếng, được giải này giải nọ, vân vân, để tránh khỏi bị ảnh hưởng hay chi phối bởi thị trường hay chính trị.
VM: Lý do nào đã thúc đẩy cô viết cuốn Những người con gái của sông Hương?
DNN: Nhà xuất bản RavenYard đã hỏi tôi một câu tương tự, và tôi cho rằng khó có thể nói được động cơ nào là nguồn năng lực sáng tạo của một nhà văn, tuy nhiên đối với cuốn sách này, một số chủ đề đã theo đuổi tôi, đó là thành phố Huế, sông Hương, và người dân của vương quốc Chàm đã bị xóa tên.
Mẹ tôi, một phụ nữ Huế, là người đã góp phần quan trọng trong cuộc đời văn chương của tôi ngay từ thuở còn thơ. Tôi tin rằng tất cả những cựu chiến binh Việt Nam đều nhớ đến Huế và trận chiến Mậu Thân năm 1968. Huế là cố đô, là thành phố tiêu biểu cho một thời độc lập vinh quang trước khi bị người Pháp đô hộ. Thế nên kiểm soát Huế là một điều quan trọng và đó là lý do tại sao trận chiến năm 1968 đã khốc liệt như vậy. Tôi biết những người cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam đều nhớ đến tên của thành phố này. Một lần, trong một cuộc gặp gỡ xã giao tại nhà một người làm phim ở California, tôi được giới thiệu với một người cựu chiến binh Mỹ và khi biết rằng mẹ tôi là người Huế, ông ta nói ngay đến tất cả những gì mà ông ta biết về thành phố này, tựu trung chỉ là trận chiến xảy ra ở đó. Ðiều này phần nào làm cho tôi cảm thấy buồn vì quê hương của mẹ tôi đã gắn liền với một cuộc chiến đẫm máu trong tâm hồn người Mỹ. Ðó cũng là lý do tôi muốn mang Huế và chủ đề liên quan đến nó vào tác phẩm này.
VM: Cô có chịu ảnh hưởng bút pháp của tác giả nào không?
DNN: Bút pháp của tác giả Hoa Kỳ hay bút pháp của tác giả Việt Nam? Thưa không. Hoàn toàn không. Về bút pháp của các tác giả Hoa Kỳ: Tôi còn chủ trương sẽ đem metaphor, simile (bút pháp ẩn dụ) của tiếng Việt vào văn chương Mỹ. Tôi đã từng bị một, hai readers phê bình (đây là những readers tốt nghiệp khóa văn chương) cho là văn của tôi “unAmerican” vì các metaphor lạ hoắc! Một vài người khác (thường là trong ngành báo chí) thì hết lòng bênh vực tôi, nói rằng tiếng Anh của tôi nổi bật lên một giọng nói (the voice) rất đặc biệt và authentic. Mainstream nghĩ thế nào? Khi chọn con đường đặt tác phẩm vào tay Ravensyard (vì họ yêu cầu) và không đi qua các trung gian văn chương ở Nữu Ước, tôi chẳng nghĩ đến việc sẽ có tên tác phẩm mình trên mục Book Review của tờ New York Times. Ðiều đó thật tình không quan trọng đối với tôi. Tôi càng lớn tuổi càng lý tưởng và lãng mạn: nếu Hương quả thật là Hương, thì không cần New York Times cũng tạo ra Hương; Hương tỏa trong bóng tối thì mới là hương đặc biệt. Hương đem bán thành perfume ở Gallerie LaFayette là hương mại bản.
Bút pháp của tác giả Việt Nam trong các sáng tác tiếng Việt của tôi? Cũng hoàn toàn không. (Tôi viết song ngữ; viết thẳng bằng tiếng Việt; tuy nhiên bây giờ thì ngưng hẳn và chú trọng hoàn toàn vào tiếng Anh.)
Không bị ảnh hưởng không có nghĩa là tôi không yêu thích một số tác giả nào đó. Tôi thích Nabokov, vì ông là người độc nhất trong văn chương phương Tây viết nhiều thứ tiếng cùng một lúc cũng như tiếng mẹ đẻ: Anh, Pháp, Nga. Ông thật sự là một nhà văn song ngữ, một nhà văn lưu vong với rất nhiều khuôn mặt.
Tôi xin thú nhận, khi viết tiếng Anh, tôi không thể theo nổi ngòi bút trác tuyệt của Nabokov. Không dám có tham vọng đó. Viết chỉ để mà viết. Tôi rất ghét những người viết với tham vọng – some sort of a “hidden agenda” như cái thang để trèo. Tôi chỉ có thể là tôi. Never any hidden agenda in what I write. The heart is the heart, pen is pen, and art is art.
Trong thế giới văn chương tiếng Việt, không ai viết tiếng Việt theo kiểu lanh chao xứ Huế hay hơn bà Túy Hồng. Cho đến hôm nay, chưa ai viết một truyện ngắn nào làm tôi nhớ mãi cho bằng một truyện ngắn của Trùng Dương. Và tôi chưa thấy có nhà văn nữ nào ở hải ngoại đã vượt lên trên đàn chị. Ðó là theo tiêu chuẩn chủ quan của tôi, dựa trên những gì tôi đọc từ tủ sách của bố mẹ tôi, thời thơ ấu.
VM: Văn chương trong nước, văn chương ngoài nước? Có người nói đã đến lúc ngọn đuốc phải chuyển sang cho thế hệ mới, cô nghĩ sao?
DNN: Tôi không dám nói về văn chương trong nước vì không đủ dữ kiện. Tuy nhiên, những gì tôi đã đọc, ngoài vài truyện ngắn của Nguyễân Huy Thiệp, chỉ đem đến cho tôi sự thất vọng. Câu hỏi được đặt ra, trong một môi trường thiếu tự do ngôn luận, làm thế nào cho văn chương khởi sắc? Văn chương chống đối, dissident, được đánh giá theo một số tiêu chuẩn dành riêng cho văn chương chống đối. Tiêu chuẩn ấy chưa hẳn là tiêu chuẩn văn chương.
Về văn chương hải ngoại, Vietnamese exile literature, tôi công nhận và đồng ý với ông, rằng ngọn đuốc phải chuyền đến tay người của thế hệ mới. Nhìn vào thế hệ mới, theo tôi, thì ngay cả những tác phẩm bestsellers, và ngay cả cá nhân tôi với sông Hương (với tất cả những hạn định vì tình huống riêng biệt của nó (limitations by circumstances), hầu như chưa có một chỗ đứng gì đáng kể trong phạm vi rộng lớn. Everything still remains to be seen. Con đường đi, dưới mắt tôi, là con đường thiên lý. Ðường đi chưa đến.
VM: Cô nghĩ gì về tính “lão hoá” trong văn chương hải ngoại được nói đến hiện nay?
DNN: “Lão hóa” là chu trình chung của tất cả mọi sự việc. Trong lãnh vực văn chương, chưa chắc “lão hóa” là điều đáng tiếc. (Nếu “lão hóa” có nghĩa là “tuyệt tự”, không có ai để thắp tiếp ngọn đuốc, thì vâng, nên có tiếng chuông kêu cứu. Nhưng nếu thật sự đã “tuyệt tự” thì có kêu cứu cũng không làm gì được. Nguy hiểm là ở sự “tuyệt tự” chứ không phải ở sự thật hiển nhiên: lão hóa.
Văn chương cần tuổi tác và kinh nghiệm, giống như rượu ngon, giống như mỹ nhân tự cổ như danh tướng, càng nhiều tuổi càng sắc sảo (trong tiêu chuẩn gourmet, nếu thật sự là mỹ nhân, thì phải già đi mới đẹp. Nếu không tại sao người ta lại ví mỹ nhân với danh tướng? Có tướng nào trẻ măng mà có kinh nghiệm chiến trường đủ để trở thành danh tướng hay không, kể cả Napoleon và Alexandre? Thúy Kiều 16 làm sao thu hút cho bằng Thúy Kiều 35, khi mặt hồ thu đã long lanh ngấn lệ vì đường đời, và trái tim đã trưởng thành đủ để mang tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ?
Ðiều mà tôi lo ngại hơn vấn đề “lão hóa” là vấn đề “thoái hóa trong tiêu chuẩn” (sub-standardization, chữ dùng của riêng tôi). Trong cộng đồng Việt Nam, hiện tượng này xảy ra, là trách nhiệm của những người cầm bút đi sau, và là trách nhiệm của độc giả. Của cộng đồng người đọc. Ðiều này quá nan giải, vượt ra ngoài cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay, vì có liên quan đến vấn đề xã hội học của tình huống di dân.
VM: Có bao nhiêu phần đời thực của cô trong tác phẩm này?
DNN: Nhà xuất bản RavenYard cũng đã hỏi tôi một câu như thế. Tôi có thể nói rằng đây là một tác phẩm văn chương hư cấu, không phải là một cuốn tự truyện. Tuy nhiên tiếng nói của mỗi nhân vật chính trong bộ trường thiên tiểu thuyết này đều phảng phất tính chân thực. Những điều tôi viết ra là những gì mà những vị giáo sư bộ môn diễn xuất của tôi gọi là những hồi-ức-bén-nhạy, một phương pháp diễn xuất sân khấu mà nữ diễn viên Uta Hagen là người tiên khởi. Tôi học đưọc kỹ thuật này từ trường đào tạo diễn viên sân khấu. Tôi đã học cách làm thế nào thể nhập vào dòng cảm xúc cá nhân của mình để có thể làm rung động lên những tình cảm trung thực và mang nó vào sáng tạo. Bây giờ thì là chuyện hết sức tự nhiên và tôi đã mang được cái phương pháp hồi-ức-bén-nhạy này của kỹ thuật sân khấu vào việc sáng tạo những tác phẩm hư cấu. Một số những nhà phê bình văn học hay những người dạy viết văn thường cho rằng tác phẩm sơ khởi của nhà văn đều mang dấu ấn tự truyện. Tuy nhiên một điều xin nhớ rằng những nhà văn cũng đã học được nguyên tắc căn bản của nghệ thuật viết văn: Viết về những gì mà bạn biết rõ. Sông Hương là những gì mà tôi biết.
VM: Hiện nay cô làm gì?
DNN: Hiện tôi là giáo sư dạy bộ môn luật tại Ðại học Luật khoa thành phố Denver. Tôi sống và giữ vững cương vị chuyên nghiệp trong ngành luật suốt 20 năm qua, luôn luôn gắn bó với những giá trị tuyệt vời của ngành này.
VM: Làm sao cô có thể vừa theo đuổi luật vừa theo đuổi văn chương?
DNN: Tôi thấy là mình đã có thể kết hợp cả hai một cách hài hòa. Vấn đề chỉ là mức độ quyết tâm và sự hy sinh của nhà văn. Trong nhiều công việc liên quan đến ngành luật, tôi đã phải đấu tranh với một thành kiến luôn cho rằng nếu là một con người nghệ sĩ tôi đã không bao giờ có thể hoạt động trong ngành luật pháp một cách nghiêm túc. Thành kiến này càng được tăng thêm bởi vì người ta cho rằng tôi là một phụ nữ Ðông Nam Á, sống đóng khung trong những mẫu mực văn hoá nhất định.
Hơn thế nữa, luật pháp là khuôn khổ nguyên tắc còn nghệ thuật là tự do phóng túng, tiến trình sáng tạo hoàn toàn khác biệt. Sự xung đột này - giữa văn chương và luật pháp - đã được tôi trình bày trong những công trình nghiên cứu hàn lâm.
Một cách tóm tắt, trên rất nhiều phương diện, tôi nhận thấy rằng thế giới của văn chương và luật pháp đã bổ túc lẫn nhau.
VM: Cô nghĩ gì về các sáng tác có chất tình dục ở vài tác giả hiện nay?
DNN: Cách đây mấy tháng, tôi được biết rằng tôi đã được xếp loại vào chung với một số phụ nữ viết văn tiếng Việt – viết về tình dục. Tôi xin khẳng định – tôi chưa bao giờ viết về tình dục cả. Tôi chỉ viết về kinh nghiệm làm người. Người nữ nồng nàn và người nữ nhọc nhằn. Và tôi cũng không lấy gì làm hãnh diện được chỗ đứng “tiền phong” cho phong trào “viết về tình dục” này.
Trong việc phê bình văn học (một địa hạt quá thiếu vắng trong tình huống eo hẹp của kiếp di dân), dùng tiêu chuẩn gì đây để đánh giá hiện tượng này – cái gọi là “nhà văn Việt Nam viết về tình dục, nữ cũng như nam”? Nếu nói rằng nhà văn nữ Việt Nam đi vào một thế giới mà trước kia là chỗ đứng của đàn ông, thì Anais Nin đã làm điều này từ thập niên 1930. Tại sao đàn bà Việt Nam bây giờ đi làm chuyện đó, chỉ để công nhận mình đã thụt lùi sau Anais Nin gần cả một thế kỷ?
Artists write art. Artists write humanity. Thinkers write thoughts. Thinkers write social justice. Artists and thinkers do not write sexuality for the sake of sexuality. Nếu tình dục là một phần của kinh nghiệm nhân sinh, thì người nghệ sĩ sẽ tả dục tình để đi tìm cái đẹp của nhân sinh và nhà tư tưởng sẽ mô tả dục tình để tranh đấu cho nhân sinh. Dục tình viết khơi khơi, gratuitously, là khởi điểm của mại bản, dùng ngay thân xác con người để làm shock effect, mà trong đó phụ nữ thường thường là bị bóc lột. Người luật gia nói rằng đây là mại bản appealing to the prurient interest. Không thể dùng realism để bào chữa cho chiều hướng mại bản này.
Tình dục, realism, trong phạm vi tiểu thuyết, cần phải được authenticated trở thành một kinh nghiệm nhân sinh (tôi không biết phải dịch chữ “authenticated” làm sao), chu kỳ “authentication” đó phải đặt trên kiến thức, trí tuệ, và sự ngậm ngùi suy gẫm về kiếp ngườI - knowledge, experience, and then the necessary elaboration. Ði vào lãnh vực mô tả tình dục con người bằng trí tưởng tượng, va chạm cả vào phạm vi chuyên môn của tâm lý học và y học-- có thể sẽ trở thành faux pas lớn nhất cho người tập cầm viết. Write only what you know! Ðây là nguyên lý rõ rệt nhất cho trường dạy văn chương sáng tạo ở xứ này. Nếu không, viết về tình dục sẽ trở thành một sự trịch thượng, kệch cỡm và gượng ép. Có nhiều khi đi luôn vào cái mà độc giả có tầm vóc sẽ cho là “bad taste”.
VM: Tên cô là Như Nguyện, nghĩa là?
DNN: Vâng, tên tôi là Như-Nguyện. May All Your Wishes Come True. Và tôi thường tự bảo mình: cứ viết đi, đừng suy nghĩ đến thành công thì tốt hơn. Con đường thiên lý đẹp vì hoa nở trên đường đi, chứ không phải vì nó dẫn đến đích: một ngôi nhà vàng nào đó để nhốt con chim hót!.
Tác giả Dương Như Nguyện
Sinh tại miền Trung Việt Nam, Uyen Nicole Duong đến Mỹ năm 1975, ngay sau khi Sài Gòn vừa sụp đổ, khi 16 tuổi.
Tốt nghiệp báo chí và luật khoa tại Southern Illinois University, the University of Houston Law Center và Harvard Law School.
Ðã theo học ngành diễn xuất tại American Academy of Dramatic Arts ở New York và Pasadena, California, đồng thời cũng là một bỉnh bút cho Sở Học chánh Houston.
Ðược bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan quản lý các sự kiện có thể gây rủi ro, và là người phụ nữ châu Á đầu tiên có chân trong Ban quản lý điều hành của Sở Học chánh Houston.
Ðảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Houston, Tiểu bang Texas và là người được Luật sư Ðoàn Hoa Kỳ vinh danh là vị chánh án người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ trong năm 1992.
Từng hành nghề tư vấn trong lãnh vực kỹ nghệ dầu lửa quốc tế, là luật sư của cơ quan giám sát thị trường chứng khoán Securities and Exchange Commission, Hoa Kỳ, đồng thời là Giáo sư tại Ðại học Luật Khoa Denver, Colorado.
Tác phẩm:
Ðã xuất bản:
Mùi hương quế (nxb Văn nghệ 1999)
Chín chữ của nàng (nxb Văn mới 2005)
Daughters of the River Huong (Ravensyard 2005)
Con gái của sông Hương (bản dịch của Linh Chấn Brown, Ravensyard 2005)
Sẽ xuất bản:
Mimi and Her Mirror
Postcards from Nam
(Hai tác phẩm này đã hoàn thành từ năm 1999 nhưng vấn đề thương lượng với nhà xuất bản chưa xong)
Bưu thiếp từ Nam [bản dịch], Văn Mới 2006) - đã có sự chấp thuận tiên khởi của Văn Mới)
Tình yêu, Ðời sống và Lưu đầy (tập thơ song ngữ PenAsia 2006) (PenAsia là imprint của một LLC - limited liability company - là công ty con của một nhà xuất bản rất nhỏ ở Luân Ðôn; đang tiến hành].
20/9/2005
Dương Như Nguyện
Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện
Nguồn: Viet Mercury số 346, 
ra ngày 9.9.2005
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt 2 Tháng Chín, 2022 Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là co...