Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Ôi mắt em là ánh nước hồ thuXXX

Ôi mắt em là ánh nước hồ thu!

Những nhận định của Phạm Xuân Nguyên về tập truyện ngắn Bóng đè khiến tôi nhớ tới thầy giáo dạy văn lớp mười. Thầy giảng rất say sưa, tay bao giờ cũng chém vào không khí: “Tắt đèn là một tác phẩm bất hủ của nền văn học Việt Nam đầu thế kỉ, đi tiên phong trong dòng văn học tố cáo chế độ phong kiến thực dân thối nát đồi trụy. Nghệ thuật của nó là xây dựng nên một hệ thống ẩn dụ sâu sắc. Trong đó, chị Dậu anh Dậu đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động bị bóc lột; vợ chồng Nghị Quế là hiện thân của tầng lớp địa chủ thống trị; hành động bán con bán chó của chị Dậu là tượng trưng cho tình cảnh khốn cùng của người nông dân dưới chế độ người bóc lột người; mọi đồ đạc trong gia đình Nghị Quế cũng mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc - chiếc đồng hồ quả lắc bính boong có con chim cúc cu nhảy ra nhảy vào là tượng trưng cho sự phù hoa giả dối phương Tây, câu đối sơn son thếp vàng là tượng trưng cho văn hóa Trung Hoa bành trướng nước lớn, nồi giò lụa kho gừng thái chỉ bà Nghị Quế đưa ra trước mặt con Tí mà không cho nó miếng nào là tượng trưng cho thói ăn trên ngồi trốc, từ đó suy ra người nông dân nuôi ra con gà con lợn mà không có quyền biết miếng thịt, miếng cá là miếng gì...”
Nói tới đây, thầy dừng lại nuốt nước bọt, bốn mươi học sinh chúng tôi bên dưới cũng nuốt nước bọt, một bát cơm rang không mỡ nhập vào bụng trước khi đi học làm sao chống cự nổi các từ giò, thịt, cá, lợn, gà, gừng thái chỉ... Cũng may mà thầy khá nhạy cảm, thầy chuyển sang phần kết luận, tay thôi chém vào không khí, nhưng mắt nhìn mông lung, ba vết hằn rất to ở trán: “Ðoạn kết của Tắt đèn với hình ảnh chị Dậu chạy ra ngoài sân, đầu tóc rũ rượi, váy áo tả tơi, tìm cách thoát khỏi con yêu râu xanh không ai khác là cha đẻ của lão chủ tàn ác, chị không nhìn thấy gì ngoài màn đêm đen tối như cái tiền đồ của chị... đó là cao trào xuất sắc, đưa tác phẩm lên tầm tư tưởng rất cao: màn đêm dày đặc khôn cùng đó, nói rộng ra, chính là ẩn dụ độc đáo cho cái tương lai tăm tối, cái kết quả tất yếu cho tư thế thụ động của tầng lớp bị trị trước khi được giác ngộ giai cấp và được ánh sáng cách mạng chỉ lối đưa đường, họ chấp nhận bị đè đầu cưỡi cổ, chấp nhận cả việc để một thằng già bằng bố bằng ông mình giơ tay bóp vú...”
Nói tới đây, thầy cũng nuốt nước bọt, bốn mươi đứa học sinh chúng tôi không nuốt nước bọt, phim porno hồi đấy xa xỉ lắm nên đầu óc chúng tôi khá trong trắng, chỉ có cái bụng là sôi réo...
Dài dòng kể chuyện thầy giáo dạy văn lớp mười cũng chỉ để nói rằng cách diễn nôm văn học quả là quá dễ dãi. Học sinh và độc giả chẳng biết thêm điều gì về tác phẩm ngoài những lời nhận xét chung chung mà ai cũng có thể phán không mấy khó khăn. Lớp chúng tôi hồi đấy thích tiết văn hơn tiết toán, tiết lý, tiết hóa... chỉ bởi vì kiểm tra mười lăm phút hay bốn mươi lăm phút, chẳng cần chuẩn bị bài, chẳng cần học thuộc định lý, định nghĩa, chẳng cần biết chuyển động Bờ-rao, vòng tròn đồng tâm, phương trình phản ứng hoá học ô xy già... mà vẫn viết la liệt vài trang giấy học sinh những ám chỉ, tượng trưng, ẩn dụ, những xuất sắc, độc đáo, bất hủ, bất diệt, tuyệt tác, những từ đó suy ra, từ đó nâng lên, sâu hơn nữa, rộng ra, rộng ra nữa...
Có lẽ không cần nhờ Phạm Xuân Nguyên thì nhiều độc giả cũng biết suy luận: bàn thờ tượng trưng cho quá khứ, phụ nữ tượng trưng cho nhược tiểu, thương gia Trung Hoa tượng trưng cho nước lớn láng giềng, còn tấm thân hình chữ S thì chẳng là tổ quốc Việt Nam mến yêu nghìn năm thì nước nào vào đây nữa hở trời?
Mỗi tác phẩm có một số phận, tự tìm được cho mình những độc giả đồng cảm, những nhà phê bình tương xứng. Tôi không biết thực sự trong đầu thầy giáo dạy văn lớp mười nghĩ gì. Có lẽ thầy không có cách phê bình nào khác, ngoài cái cách nhắc lại giáo án giảng văn, thầy nói hăng say chỉ để bốn mươi đứa học trò chúng tôi không ngủ gà ngủ gật, để làm yên những cái bụng đang sôi réo của cả thầy lẫn trò. Ngô Tất Tố nếu chẳng may theo thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó và chuyên viên Sở Giáo dục đến dự giờ thì có lẽ cũng không bất ngờ trước cái cách phân tích dễ dàng đó: hầu như trong tất cả các bài viết liên quan đến Tắt đèn, người ta cũng chỉ đọc được những câu đại loại như vậy. Ngô Tất Tố không bất ngờ nhưng có bất bình hay không, tôi không biết, nào có ai biết, người ta vẫn nói về ông như một nhà văn hiền lành, kín tiếng; huyền thoại không để lại nhiều trừ tác phẩm Tắt đèn vài thập kỉ liền được chọn làm đề thi văn cuối lớp, cuối cấp, vào đại học, đề thi học sinh giỏi toàn thành phố, toàn miền Bắc, toàn quốc...
Tôi không biết Ngô Tất Tố có bất bình hay không trước cách bình giảng Tắt đèn của các thầy giáo, cô giáo dạy văn lớp mười. Nhưng tôi cho là Ðỗ Hoàng Diệu không bất bình trước cái cách phân tích Bóng đè của Phạm Xuân Nguyên, đọc tập truyện ngắn Bóng đè người ta không thể không nghĩ tới các tượng trưng, ẩn dụ, ám chỉ mà tác giả cố tình phơi bày, và trong các bài phỏng vấn báo chí, chị cũng nhiều lần nhấn mạnh muốn gửi đến độc giả các tư tưởng mà theo chị là cao cấp.
Tôi không bàn về những lời nhận xét của Phạm Xuân Nguyên vì thực ra mà nói, cái cách diễn nôm đó có thể kéo theo vài toa tàu nữa cũng không sợ trật đường rày: đàn ông tượng trưng cho quyền lực, đàn bà để ám chỉ thân phận, mẹ chồng là hiện thân của truyền thống, đôi mắt rất có thể là ẩn dụ của tâm hồn, trái tim là tình yêu, đôi tay giơ lên là ước mơ, hy vọng... nghĩa là không chắc có đúng hoàn toàn không nhưng không sai, hoặc không sai lắm. Cần nói thêm ở đây là chỉ đối với những tác phẩm dạng Bóng đè thì phép diễn nôm mới được áp dụng mạnh mẽ, thử nhìn sang những nhận xét của Phạm Xuân Nguyên về nhóm Mở Miệng thì đủ biết là phép diễn nôm đó có vẻ mất công dụng lắm rồi.
Theo cách đánh giá của tôi, tập truyện ngắn Bóng đè chẳng kém cỏi, cũng chẳng xuất sắc hơn các tác phẩm văn học tầm tầm hiện nay ở Việt Nam, nếu có điều gì đáng nói thì chỉ là sự nhịêt tình và kiên nhẫn của một người kể chuyện. Tôi sẽ không mất công dành cho nó nhiều thời gian suy ngẫm. Chỉ xin nêu ra đây một vài ý nhỏ.
Có cần nhắc lại rằng trong văn chương, ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng, nó quyết định tác giả có phải là một nhà văn hay chỉ là một người kể chuyện thông thường. Ðọc Bóng đè, cố bao nhiêu cũng không thoát khỏi cái cảm giác ngôn ngữ của tác giả chỉ giới hạn trong vô vàn mỹ từ dễ dãi nhằm chuyên chở ý tưởng. Em cô độc, em một mình cô độc với chiếc váy cưới, với tấm hình anh để trên bàn lung lay... Về sau tôi biết mình đã đánh mất điều quý giá nhất buổi trưa hôm ấy. Chúng đã cướp mất cuộc đời con gái khi vừa chớm đến, khi tôi vừa mới biết xỏ tay thành thạo vào chiếc su chiêng... Mẹ vào phòng, hôn nhẹ lên trán tôi, tắt tất cả những bóng đèn tôi đã cố tình bật lên vài phút trước. Ngủ đi con, ngày mai còn có sức... Ngày mai tôi lấy chồng. Ðây là đêm cuối cùng tôi ngủ trên chiếc giường con gái. Tôi muốn nhìn lần cuối căn phòng đã che giấu cho tôi suốt quãng đời thiếu nữ, che giấu những nẩy nở thân xác và che giấu cả những giọt nước mắt hạnh phúc con người... Những đoạn như vậy nhiều vô kể trong Bóng đè, cũng nhiều vô kể trong các bức thư nữ sinh trung (đại) học gửi chị Thanh Tâm của báo Phụ nữ.
Nhân vật của Bóng đè xuất thân từ các thành phần khác nhau nhưng dường như bỏ phiếu thuận cho vài chiếc khuôn đã được đúc sẵn bởi Tự Lực Văn Ðoàn, Lệ Hằng, Quỳnh Dao...:
nữ: xinh đẹp, đáng yêu, tràn trề nữ tính, coi trọng trinh tiết, luôn được cảm tình của mọi người, được ai đấy cứ vừa gặp là thốt lên vài câu cảm thán, không cần có đúng chỗ hay không, không cần có vần, không cần có điệu: Cô em xinh thế này mà nhà cũng có chuột sao?... Em nói em không xinh đẹp ư? Trời ơi, em bằng xương bằng thịt ôm bó hoa hồng đứng cúi mặt khi thoáng thấy anh. Em xinh xắn và quyến rũ quá đỗi... Cô gái, cô có biết mình đáng yêu không?... Chào em, hôm nay em xinh quá! sao lại đi một mình? Anh xuống nói chuyện cùng em nhé?...
nam: không Việt kiều trí thức thì ngoại kiều (được tác giả nhấn mạnh là Mỹ trắng và thương nhân giàu có...), nếu mang quốc tịch Việt thì hoặc dòng dõi đế vương, hoặc giáo sư uy quyền, hoặc tất cả các ưu điểm gộp lại đẹp trai, hào hoa, nổi tiếng, giàu có... Vài người trong bọn họ chẳng ngần ngại tuyên bố rất kinh hoàng: “Tôi cho em sung sướng, tôi cho em tất cả, tôi là Hoàng thượng của em, em hãy tận hưởng đi!”...
Ðọc Bóng đè là đỡ mất công xem truyền hình nhiều tập Hàn Quốc, ngắm nghía các bộ ngưc tròn trịa với bờ vai, đôi cánh tay mịn màng... để vừa rút mùi xoa vừa sụt sịt chuyện tình mùi mẫn. Tôi ngờ rằng nếu ra đời cách đây hai, ba thập kỉ, khi điện ảnh Hàn Quốc chưa đổ bộ vào Việt Nam, Bóng đè hẳn tranh hết khách của cải lương Sài Gòn.
Các xen tình ái trong Bóng đè bội thực mỹ từ, phép so sánh và chao ôi! Chao ôi! Nếu ai đã từng đọc “Man nương” của Phạm Thị Hoài sẽ mỉm cười khi đọc Bóng đè. “Man nương” chọc ghẹo thế này: “Nghe nói phải từ từ gỡ hai khuy áo trên. Phải sững sờ vài giây trước điều kì diệu thấp thoáng rồi có hai cách, hoặc vừa dịu dàng cúi xuống đặt môi vừa khe khẽ ngắm như thể đấy làm bằng pha lê bằng sứ Tàu bằng ngọc lan bằng hai giọt sương khổng lồ, hoặc tay phải bao giờ cũng là tay phải có một nhà văn đã nói về nỗi bất hạnh của những kẻ thuận tay trái cuống cuồng mơn nắn vò xé từ bên này qua bên kia từ bên kia qua bên này như thể chẳng kịp như thể nó sắp đột ngột vượt lên thách thức... Còn em, em phải cong người ra phía sau cong mãi cong mãi con tôm của tôi chiếc lạt của tôi. Tôi mãi muốn làm mái vòm linh động rủ theo em...”. Mười ba năm sau, Bóng đè không hiểu vô tình hay cố ý mà rơi đúng vào sự chọc ghẹo đó: “Hai núm vú cô gái vươn cao và cong lên mãi, anh với miệng theo không kịp. Những dòng sữa mát lạnh tuôn chảy vào miệng anh từ đôi bầu vú căng đầy, miệng anh không kịp hứng. Chảy xuống bụng anh, xuống đùi anh làm anh cúi với theo. Chao ôi! Anh cúi xuống, cúi xuống nữa, phía dưới chiếc bụng phẳng mềm của cô là cả một bức tranh anh chưa từng thấy. Bức tranh ấy ưỡn cong giấy lụa nhích sát về phía anh. Nó toả ra hương vị đặc biệt. Anh chẳng biết gì nữa kể từ lúc ấy...”. Tôi quả thực không hiểu được bức tranh giấy lụa ở đây là gì? Làm tình mà cũng đánh đố trí thông minh của nhau như thế này thì trí thức thật!
Xin mở ngoặc ở đây là tôi không có ý định lấy “Man nương” làm tiêu chuẩn cho Bóng đè. Tôi chỉ để hai trích đoạn cạnh nhau để thấy chúng liên quan đến nhau thế nào, những trường hợp như vậy cũng khá hiếm trong văn học.
Bóng đè có vẻ đang đặt ra nguyên tắc (vật lý học hiện đại?) cho tình dục: âm đạo chỉ chảy nước khi trước mặt là “hoàng tử”, dương vật chỉ cương cứng khi đối diện với “lọ lem”. Tôi sợ là lọ lem và hoàng tử hiếm như lá mùa thu, nguyên tắc tình dục khó khăn thế, tám mươi triệu nhân dân Việt Nam (anh hùng) có lẽ sẽ trở thành thị trường vi-a-gờ-ra béo bở nhất thế giới. Uy-nét-xì-cô chắc phải ra tay tiếp viện. Người Việt Nam thấp bé nhẹ cân có hy vọng được mua thuốc kích thích loại nhẹ, giá cung cấp nội bộ?
Ðó là một vài suy nghĩ của tôi về Bóng đè. Những thành công của tác phẩm này mà người ta cố đưa ra như dân tộc, truyền thống, ám chỉ, tượng trưng, theo tôi, không có gì là mới mẻ, chúng đều ra đời từ lâu, và cũng không được Ðỗ Hoàng Diệu cho thêm sáng kiến nào.
Mỗi độc giả có cách đọc riêng của mình. Tương tự, những người cầm bút theo đuổi những mục đích sáng tác khác nhau, các nhà phê bình áp dụng các phương pháp chuyên môn khác nhau. Tuy vậy, theo thiển ý của tôi, nếu ai đó muốn đề cao Bóng đè thì nên tìm những cách độc đáo hơn một chút. Chẳng lẽ cứ nói đến Bóng đè là phải dân tộc, truyền thống, ám chỉ, tượng trưng... Chẳng lẽ để ca ngợi một đôi mắt, chẳng còn câu nào ngoài cái câu muôn thuở: “Ôi, mắt em là ánh nước hồ thu!”.
13/12/2005
Thuận
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh

Cảm nhận thơ Nguyễn Hồng Linh Kể từ thi hào Nguyễn Du thắp ngọn đuốc lục bát soi sáng linh hồn thi ca Việt đầy chất triết lý của đời sống ...