Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Ðọc Tiếng cồng của Nam DaoXXX

Ðọc Tiếng cồng của Nam Dao

Nhà xuất bản Thi Văn, năm 2000, 182 trang
Tiếng cồng là câu chuyện tình đầy nước mắt và đau thương của những con người đến từ những nền văn hóa và cuộc đời khác nhau, nhưng đều tìm thấy một điểm chung khi đến với Sapa.
Câu chuyện xoay quanh Sa, cô gái tiếp tân tại một khách sạn nhỏ ở Sapa và bốn người khách du lịch. Lúc đầu, đoàn khách du lịch đến Sapa bao gồm hai vợ chồng người Pháp Marthe (tên Việt là Bích Lan) và André, Hà (đã có vợ ở Mĩ và hai con) và Billy. Khi đến ở tại khách sạn của gia đình Sa, họ gặp thêm một khách du lịch người Mĩ nữa là Freddy, một kẻ săn bướm ở rừng núi Sapa. Billy nhanh chóng bị tẩy chay khỏi nhóm khách du lịch này vì những hành động sàm sỡ, thô tục và cách ăn nói lỗ mãng. Billy tự động rời khách sạn nên đoàn khách bây giờ chỉ còn bốn người tại khách sạn.
Cha của Sa đã vào Đàng Trong và không bao giờ trở lại. Ông làm việc trong ngành điện ảnh và mỹ thuật, đi theo “tấm bảng chỉ đường của trí tuệ” (31).
Mẹ Sa vì thương nhớ chồng mình mà gần như hóa mù. Mặc dù Sa vẫn nhận được thư từ của cha mình nhưng cô giấu mẹ. Sa bảo với cha rằng mẹ đã đi bước nữa và cha đừng trở về làm gì. Sa đã vô hình dựng nên một bức tường lớn ngăn cách cha mình vốn vẫn còn nhiều hoài bão, lý tưởng với hai mẹ con cô.
Andre là bác sĩ tâm thần và Marthe là một chuyên viên âm nhạc nghiên cứu về nhạc những dân tộc thiểu số. Bà thắc mắc về công việc săn bướm của Freddy và họ cùng bàn luận về đời sống và các khái niệm liên quan. Hà lại là một trường hợp khác. Anh mang câu hỏi “Mình là ai ?” từ Mỹ về với hi vọng tìm thấy lời giải đáp trên đất Sapa. Hà tâm sự với Sa nhiều hơn và hiểu được hoàn cảnh gia đình cô. Hà cảm thấy lạc lõng giữa đất trời Sapa. Con của Hà không biết nói tiếng Việt. Hà tâm sự với mẹ Sa “Đẻ con bên Mỹ thì chỉ thấy sau cái sống như chớp mắt ấy là sự mù lòa muôn đời, sự què quặt của những cái ‘den’ lạc lõng …” (61). Buồn chán, Hà rơi vào cái vòng lẩn quẩn đi tìm bản thân mình và ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà anh ta đang có.
Trong một lần đi ngắm cảnh cùng Sa, Marthe ra tay cứu giúp một người phụ nữ dân tộc Hmông bệnh tật và đưa cô ta lên bệnh viện chữa bệnh. Hành động này không ngờ đã tác động mạnh mẽ đến những dân tộc Hmông nghèo khổ, đáng thương. Họ ngỡ Marthe là vị công chúa Hmông bị thất lạc từ lâu và mời Martha đến Lũng Mây để kiểm chứng.
Trong khi đó, Freddy bắt đầu tâm sự với Sa về lý do anh ta đến với Sapa. Cha Freddy là phi công, tham gia chiến tranh Việt Nam khi Freddy 12 tuổi. Ông hy sinh khi “bay thám thính đường vận chuyển xe lửa nối Trung Quốc với Lào Cai” (66). Xác ông vẫn chưa tìm được, và đó cũng là lý do anh ta đến với Sapa, “thế nào tôi cũng tìm được con bướm mang linh hồn cha!” (67). Sa bày cho Freddy thuật cầu cơ gọi hồn về để hỏi tìm xác cha anh ta với điều kiện Freddy cưới Sa sang Mĩ vì “một dân tộc ngu dốt, thiếu kiến thức, không văn hóa sẽ không thể tồn tại lâu dài” (86). Ngoài ra, Sa còn ra điều kiện cho Freddy đào mộ chôn hết số bướm mà anh ta đã phơi khô trong suốt thời gian qua, giải phóng những linh hồn bị nhốt trong những cánh bướm đó. Freddy lập nên Mộ Bướm và đồng ý với điều kiện còn lại.
Khi đoàn khách du lịch đến với Lũng Mây như lời mời của người Hmông, Marthe được tôn vinh làm công chúa và biết rõ được nguồn gốc của mình. Marthe quyết định ở lại giúp đỡ người dân tộc và không muốn quay về Pháp nữa. “Tiếng đàn đá có thể là cái động lực đẩy trực giác bà ra vùng ánh sáng…” (137). Andre hết sức đau buồn và giận dữ trước quyết định này. Vì không thể thay đổi được Marthe nên anh đành quay về khách sạn tìm cách giải quyết. Đây cũng là thời điểm mà Hà và Freddy nảy sinh tình cảm đặc biệt dành cho Sa. Sa khẳng định dù cô có kết hôn với Freddy thì đó cũng không phải là tình yêu, vì yêu Freddy là phản bội cha Sa. Sa vẫn nghi ngờ cha Freddy có tham gia ném bom chứ không chỉ bay thám thính như anh ta nói.
Lời cha Sa: “Nhận mình là con Rồng cháu Tiên là nhận cả sự chia cắt không hàn gắn cứu vãn được. Từ đó, sự chia cắt ấy nằm trong tiềm thức, biến thành bản thể. Trong từng con người, chỉ cần một cái gì khua động- một tiếng cồng chẳng hạn- là sự chia cắt ập đến, thành hiện tại, hệt như thứ nghiệp chướng…”(119). Câu nói này thể hiện sự ảnh hưởng của thế hệ đi trước đối với thế hệ sau. Hà chơi vơi nhận ra rằng mình đã không đặt hạnh phúc thành một vấn đề khi lập gia đình, nhưng bây giờ thì khác. Với anh,“Về đây là để tìm lại mình nhưng lại gặp một kẻ xa lạ thiếu phần hồn …” (145).
Freddy cầu cơ gọi hồn và được hồn cha anh cho biết ngày xưa ông thật tình chỉ bay thám thính, nhưng bị tên lửa bắn rơi vì ông cũng là nạn nhân của những lời hứa dối trá từ cấp chỉ huy. Freddy biến mất trong hang tìm xương cốt cha anh. Trong khi đó, Sa và Hà chờ ở ngoài. Khi trở lên từ hang sâu mà không tìm thấy gì, Freddy thấy cảnh Hà và Sa ôm nhau ngủ trong rừng. Freddy giận dữ, rút dao đi rừng, nhưng anh đã không làm gì. Anh cảm thấy mình là đã bị lừa “tôi là một thằng hề bị lừa, hệt như cha tôi bị lừa, như người Mĩ bị lừa ở Việt Nam” (160). Sau đó Freddy vội quay trở về khách sạn mà không đánh thức Sa và Hà. “Hồn cha tôi! Tôi không biết nhưng lạ là hồn tôi, tôi không định tìm nhưng lại thấy…” (148). Và Freddy vội quay trở về Mỹ.
Freddy để lại bức thư cho Sa kể rằng anh yêu Sa. Anh đã định giết Sa và Hà nhưng anh kiềm chế được bởi “Tôi không làm được cũng như cha tôi cũng đã không làm được. Cha con tôi là Americans, nhưng không cứ bắt buộc là ugly Americans, như người ta thường định kiến với người Mĩ chúng tôi…”(161).
Andre về Hà Nội để gia hạn thêm visa cho anh và Marthe. Hà là người khách duy nhất ở khách sạn. Sa thuyết phục Hà ở lại vì cô sẽ không có cơ hội gặp anh bên Mĩ nữa do Freddy đã xé hợp đồng hôn nhân. “Hà không ngờ bị buộc vào vòng trách nhiệm” (163). Sa dẫn Hà lên núi chơi và cô đã thoát y, tình nguyện dâng hiến cho Hà. Hà hôn Sa. Nhưng rồi hình ảnh cha Sa lại vẫn hiện về như nhập vào thân thể Hà. Một sự ngăn cách vô hình đẩy họ ra, Hà đã từ chối Sa, làm cô bật khóc quay đầu bỏ chạy.
Trong phần kết của truyện, chúng ta biết rằng tác giả thật ra là bạn Freddy, viết lên câu chuyện có thật này nhân chuyến về Việt Nam và được Freddy nhờ trao thư cho một người con gái ở Sapa. Khi nhận được thư, người con gái này lại không viết trả lời cho Freddy mà nhờ tác giả trao thư cho một người đàn ông khác ở Mĩ, Hà. Nhận được thư Sa, Hà xin li dị vợ, về Việt Nam cưới Sa và đem Sa sang Mĩ. Nhưng rồi Hà mang triệu chứng tâm thần, từ chối ân ái với Sa vì cho rằng đó là loạn luân. Cho đến ngày Hà đánh Sa phải vào bệnh viện. Khi Sa ra viện, Hà đã bỏ đi. Sa bơ vơ trên đất Mĩ không nơi nương tựa. Sa viết thư cho Freddy. Nhận được thư, ngay tối hôm đó Freddy bay tới và khóc với Sa, “I love you” (177). Freddy và Sa kết hôn và sinh được một đứa con gái đặt tên là Sao. “Vàng Sao là tên một vị công chúa (Hmông)” (177). Sa đi học Luật đúng như mơ ước của cha nàng. Về phần Marthe, bà ta rời Sapa về Paris đưa âm nhạc sắc tộc Hmông vào cuộc hòa tấu của cả thế giới và mỗi năm về Lũng Mây một lần giúp đỡ cho nhà thương Sapa.
Đây là câu chuyện đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều, chủ yếu là về đời sống và ý nghĩa của đời sống. Cuộc sống ngày nay thật đáng sợ, nó cuốn ta đi với những lo toan, tính toán, để rồi chúng ta đánh mất ý nghĩa của đời sống lúc nào không hay. Có người mãi tìm kiếm chính mình mà hóa điên như Hà, cũng có người không tìm nhưng lại gặp được chính mình như Freddy. Nhưng chắc rằng sự sống kỳ diệu và tình yêu nảy nở đã giúp Sa có được “cái gắn bó vào tương lai”, nó kéo bật Sa ra khỏi quá khứ thù hằn đau thương của dân tộc, của cha Sa và những vết thương tinh thần mà đời sống gây ra. Vì vậy, con người dù sống trong thời chiến hay thời bình, dù mang bất kì màu da dòng máu nào cũng đều cần có tình yêu. Tôi tin rằng tình yêu là tiếng cồng khuấy động không gian, đưa con người ta đến gần bên nhau và thương yêu nhau.
30/3/2006 
Nguyễn Uyên Minh
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...