Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Áo nắng miền Nam

Áo nắng miền Nam

Chúng tôi cùng ngồi bệt xuống vệ cỏ, anh Dần ra hiệu bảo tôi im lặng. Chưa tới trưa nhưng trời đã chang chang nắng, thứ nắng đầu hè trắng sáng và mênh mang lạ. Không gian dường như cao vút lên, mấy đám mây trắng trôi bồng bềnh bồng bềnh. Chỗ chúng tôi ngồi ở sát mép một cái ao nhỏ, mặt ao loi thoi mấy chú bọ nước, làm gợn lên một chút xao động vẻ buồn buồn.
Anh Dần chụm tay lên tiếng gọi. Anh gọi vừa đủ nghe. Tôi có cảm tưởng như cái âm thanh “u oa” kia như một làn gió thổi nhẹ, nó luồn lách len lỏi vào đám sậy mọc lúp xúp quanh ao. Dứt ba lần “u oa” từ trong đám sậy xuất hiện một con thuyền nhỏ. Anh Dần với vẻ tập trung cao độ, từ từ kéo sợi dây mảnh. Con thuyền nhỏ được ghép hết sức công phu bằng các ống sậy cũng từ từ tiến lại phía chúng tôi ngồi. Không nhìn tôi, vẫn từ từ kéo sợi dây mảnh nối với đầu mũi con thuyền, anh Dần thầm thì “Cô ấy đến đấy”. Tôi cũng không nhìn anh, tôi như căng hết cả mắt, thì thầm hỏi lại “Chị ấy có đẹp không hả anh?”. “Đẹp” Anh Dần đáp nhỏ “Rất đẹp là đằng khác”. Tôi cất cái nhìn của mình xoay mặt qua bên anh, tôi hỏi “Anh nhớ chị ấy à?”. Anh Dần không đáp, con thuyền đã được kéo lại gần hơn. Trên thuyền là hình nộm một người con gái trong tư thế đứng chèo. Anh Dần đột ngột ra lệnh “Nhắm mắt lại!” Và anh dịu giọng xuống “Có hình dung ra được gì không?”. Tôi lắc đầu nhưng cố hỏi thêm “Chị ấy có nhớ anh không?”. “Cô ấy hy sinh rồi” Anh Dần nói rất nhỏ. Trên vòm trời, đám mây tỏa ra trôi tản mát, phiêu dạt.
Nhà văn Nguyễn Trọng Văn
Bấy giờ là cuối tháng tư năm một chín bảy hai, quê tôi dường như cũng bị cuốn vào không khí của trận mạc. Cái thị trấn nhỏ với hai dãy phố thấp, nằm ôm lấy đường 5 chợt bừng lên sau hồi thiêm thiếp ngắn. Những đợt bom B52 rải thảm đã làm mọi người sôi lên đau đớn. Những tin tức thiệt hại cứ lan truyền từ tai người này qua tai người khác. Sợ hãi có và nói là không sợ hãi cũng có. Bọn choai choai chúng tôi lại sướng ra mặt. Mắt hướng về phía Hải Phòng, chân nhảy cẫng lên, miệng hét ầm ĩ “Cháy rồi! Cháy rồi!”. Xa xa, trên nền trời xanh trong vô tận thi thoảng có vài đám khói trắng bốc lên. Anh Dần mắt ngó trân trân, hồi lâu mới lên tiếng rủa khẽ “Quân chó má. Ông sẽ cho chúng mày biết tay”. Rủa xong anh Dần lủi thủi bỏ đi để mặc lũ chúng tôi chạy ào lại chỗ giấu cặp sách. Đứa nào đứa nấy vơ quàng vơ vội rồi cắm đầu cắm cổ chạy đến lớp. Tiếng hò hét dài thành chuỗi.
Bấy giờ đang là mùa hoa sấu nở. Thoắt thế thôi dãy phố nhỏ choàng một chiếc áo màu trắng. Những cánh hoa sấu nhỏ li ti, li ti nở ken vào nhau. Nở chồng lên nhau chi chít và dậy một mùi hương thơm dìu dịu ngòn ngọt. Nếu có cơn gió nào chợt ùa qua, từng bông hoa sấu nhỏ nối nhau rơi xuống ào ào hệt như một trận mưa rào nhẹ chỉ toàn hoa. Hoa sấu rụng trắng mặt đường, rụng thành thảm dầy. Êm êm những bước chân trẻ con đang dón dén đặt lên mà không đứa nào dám giẫm mạnh. Cứ để nguyên cho những bông hoa sấu rụng như rắc lên tóc, anh Dần đi bộ dọc dãy phố. Anh đi chậm, rất chậm. Bàn tay phải vuốt rờ rờ vào thành những chiếc xe tải quân sự phủ bạt kín mít nằm im bên mép đường. Dưới gầm xe, hoặc khoảng cách giữa hai xe, các anh bộ đội lái xe đang ngủ say. Có anh nằm võng. Có anh trải ni-lông dưới nền đường. Cứ mỗi lần gặp một anh bộ đội nào đó đang ngủ thì anh Dần lại dừng lại. Anh nói khẽ: “Các đồng chí ngủ đi. Tối nay sẽ hành quân”. Anh Dần kiên nhẫn đi dọc rồi đi ngược dãy phố có đoàn xe. Một ngày của chiến tranh yên lặng và bình thản trôi.
Đó là những chiếc xe vận tải quân sự sơn màu rêu. Trên thùng xe, những ống đường kính 15cm được xếp hết sức chặt chẽ. Nằm im lìm và hình như đang chờ đợi cái gì đấy hệ trọng lắm. Anh Dần lại gần tốp các anh bộ đội đang sửa soạn bữa ăn. Anh Dần cúi xuống nhìn kỹ từng chiếc đĩa hai ngăn đựng thức ăn, hỏi thân mật “Mình vào trong hả?”. “Ừ vào trong” các anh bộ đội trả lời “Ông về làng lâu chưa?”. Anh Dần đáp “Cũng chưa lâu. Của khỉ gì trên xe đấy?”. Mấy anh bộ đội cười ồ lên “Bí mật quân sự”. Anh Dần không hỏi thêm nữa, chuyện bí mật quân sự đương nhiên không dược thóc mách, tay anh xoa xít vào mấy ống sắt câm lặng. Xoa mãi, xoa mãi. Hết xoa tay thì anh Dần nghiêng ngó nhìn ngắm. Cuối cùng hoặc như đã đoán ra hoặc vẫn chưa hiểu, anh Dần đứng nghiêm như tư thế gặp cấp trên, nói “Chào. Vào trong nện oách vào đấy nhé”. Các anh bộ đội hùa theo “Oách chứ lỵ”. Cả anh Dần, cả mấy anh cùng cười vui vẻ.
Trong họ, anh Dần là con bác, còn tôi là con cô. Nhưng thực tình là họ xa, nói ra thì vòng vèo lắm. Để bù lại khoảng cách “họ hàng bắn ca nông” ấy là một mối quan hệ khác, anh là học trò của bố tôi. Mà thực ra anh Dần cũng không học bố tôi một ngày nào. Nói chính xác thì anh Dần học trường cấp III do bố tôi làm hiệu trưởng. Ngôi trường ấy được xây dựng ở cuối phố. Nó là một trong vài ba trường cấp III hiếm hoi của tỉnh Hưng Yên được xây dựng trong thời kỳ năm năm lần thứ nhất. Thời của đầu những năm 60. Ngôi trường là niềm tự hào bởi nó hiện diện tại một thị trấn cũ kỹ đang dần bị quê trở lại. Cũng chẳng sao, một trường “cỡ” như vậy cũng đủ cho cả vùng quê gồm mấy huyện phía Bắc tỉnh trông chờ. Anh Dần đi bộ đội sau tết Mậu Thân, năm đó anh đang học lớp 10. Anh đến nhà tôi, nói trang nghiêm “Chào thày con đi”. Bố tôi vỗ vào vai anh: “Cháu đi… Em đi mạnh khoẻ”. Tôi lúc đó mới 11 tuổi.
Những năm đó, năm nào cũng có các đợt học sinh của trường lên đường. Các lớp học vãn hẳn đi. Bố tôi những lúc rỗi ngồi đọc sách thường chép miệng “Chúng nó toàn những thằng học được. Chỉ tiếc…”. Tôi còn bé, mải chạy rông nên không để ý lắm điều bố tôi nói “tiếc” là gì. Vả lại bụng tôi cũng đang giục cồn cào sao mau lớn để được đi như các anh ấy. Cũng những năm đó, lâu lâu lại có tin đưa về. Quê tôi tổ chức lễ truy điệu ngay tại sân đình cho các liệt sĩ có giấy báo tử. Trời nhem nhem tối, đèn đóm không được dùng. Anh Dần cũng có một lần được quê hương tiến hành như thế. Tôi ngơ ngác nhưng cũng cố lắng nghe những tiếng người đang ngồi ôm lấy nhau khóc sụt sịt. Tiếng khóc như bị ai bóp lấy miệng. Không có tiếng khóc to. “Khóc to là không dũng cảm”. Bố tôi có lần bảo với tôi như vậy.
Cuối năm 1971, anh Dần đột ngột đeo ba lô về làng. Cả làng đều chạy ra, có người còn sờ sờ nắm nắn xem có đúng là anh Dần thật không. Mẹ anh Dần đứng rất xa, bác tôi vốn ngại chỗ đông người mà. Bác tôi mắt dân dấn nước. Anh Dần thì trái lại, anh nói to rồi anh cười cũng rất to. Anh cười to đến nỗi chảy cả nước mắt. “Bị thương thôi. Lạc đơn vị. Chúng mày biết không? Tao chết thế đếch nào được”. Bọn trẻ con chúng tôi phục lắm. Phục thực sự và lại càng phục hơn khi biết anh Dần là đặc công nước. Anh bảo “Tao đánh nhau ở rừng Sác. Sướng phải biết nhá. Vận độc xà lỏn thôi. Như bọn mày mặc quần đùi chạy nhông ấy”.
Hóa ra anh Dần không chết. Anh bị thương và được đưa ra Bắc an dưỡng. Đợt này anh về quê nghỉ ít ngày. Bọn choai rồng rắn đi theo anh dọc con phố ngắn tun ngủn. Anh Dần vẫn khoác ba lô, anh chưa vội về nhà, anh bảo “Tao phải đến chào thày trước đã”. Anh đến nhà tôi. Bố tôi nhìn anh từ chân lên đầu ý như ướm xem anh cao lên bao nhiêu. Anh Dần thấy vậy cứ đứng nghiêm cố rướn người cho cao thêm. Rồi anh hỏi bố tôi “An dưỡng xong thày có cho em được vào lớp học lại không?”. “Học chứ” bố tôi nói “Nhất định các em trở về đều được trường nhận vào học”. Anh Dần vui lắm. Không ngờ đấy lại như câu chuyện đùa. Vết thương vùng đầu ngấm dần, ngấm dần. Anh Dần chỉ tỉnh táo vào mùa trời mát. Ở nơi an dưỡng anh được chăm sóc chu đáo. Bố tôi xem báo rồi nói “Chỗ anh Dần là trại thương binh tâm thần”. Tôi áy náy hỏi lại “Tâm thần là thế nào?”. “Là người lẩn thẩn mất trí ấy mà”. Bố tôi cố giấu nét buồn cúi mặt xuống tờ báo trả lời. Tôi không hỏi nữa nhưng suy nghĩ trẻ thơ bắt đầu nhen nhóm “Anh Dần mà lại bị thế à? Anh sẽ không học được nữa à?”.
Mọi sự lại đâu vào đấy. Mọi người đã quá quen với những điều chẳng hề muốn. Chiến tranh vẫn cứ ầm ĩ lúc xa lúc gần. Lại những đợt thanh niên lên đường. Lại những tin báo tử. Lại có những anh thương binh vác ba lô về làng. Tôi vẫn còn trẻ con, vẫn ăn vô tư ngủ vô tư và leo lên những cây sấu mọc xanh um ngoài phố. Lá sấu xanh và dày đặc tạo nên những chỗ ẩn cho những trò tinh quái của trẻ con. Thứ nhất là vào mùa sấu chín, mỗi thằng một con dao díp nhỏ tự tạo ngồi vắt vẻo trên cây thoải mái bứt quả chín gọt ăn rồi thả hột xuống đường. Ăn chán thì tụt xuống, một lũ a dua nhảy “tùm tùm” trên mặt sông nhỏ chảy cắt sau dãy phố. Trẻ con vẫn cứ là trẻ con.
Đến mùa hoa sấu nở thì anh Dần từ trại an dưỡng ở Ninh Bình trở về. Cũng đột ngột và bất ngờ như lần trước. Người anh béo và đen như vừa phơi nắng. Mái tóc cắt cua của anh trông ngồ ngộ. Anh về tay không, nghĩa là ngoài bộ quần áo bộ đội đã dung dúc mặc trên người ra anh Dần không mang theo một thứ gì. Anh đi bộ từ đầu phố lại, vừa đi vừa ngó nghiêng vẻ tìm kiếm. Thoạt đầu không ai nhận ra. Vả lại đang tầm trưa nên dãy phố vắng vẻ. Tôi vốc một vốc hoa sấu rụng từ chỗ vun trên mặt đường hất tung hê lên trời. Cánh tay tôi bị giữ lại. “Mày là thằng Trường hả?”. Tôi giật mình ngơ ngác nhìn, cánh tay đang giữ tay tôi nhả ra. Gương mặt người ấy nhìn tôi chờ đợi. Tôi kêu “Á” lên rồi vùng chạy miệng hét to “Anh Dần đã về! Anh Dần đã về!”. Những cánh hoa sấu nhỏ li ti, li ti rụng xuống rào rào, phủ trắng quanh nơi anh Dần đang đứng. Anh cười không thành tiếng.
Mấy ngày đầu anh Dần còn tỉnh táo. Anh ghé vào tai tôi nói nhỏ “Tao thích ngửi mùi hoa sấu. Tao trốn về đấy”. Đúng là anh Dần trốn trại an dưỡng về thật. Hàng ngày anh cứ đi đi lại lại trong cái dãy phố chỉ đảo mươi bước chân là hết. Anh đi im lặng, miệng luôn cười. Tháng Tư, trời cao, nắng trắng. Cho dù bận tíu tít cuối năm học nhưng cứ hở ra là bọn chúng tôi đòi anh Dần kể chuyện. Anh chỉ tay vào tôi bảo “Thằng Trường mày trắng quá. Trong bộ đội tất cả mọi người không ai được trắng. Trắng như vậy là không biết đánh nhau”. Không biết đánh nhau nghĩa là thua, tôi nghĩ vậy bèn hỏi riêng anh “Muốn đen thì làm thế nào hả anh?”. “Dễ ợt” anh Dần nói “Mày phải nhuộm đen. Bọn tao lúc đánh nhau còn trát người kín bùn ấy chứ lị. Như thế thằng địch mới không nhận ra. Lúc nó nhận ra thì…Bùm..bùm.”. Tôi hỏi lại: “Nhuộm bằng cách nào?”. “Ái cái thằng này đụt quá. Nghe tao bảo này”.
Thế là từ hôm đó sau bữa ăn trưa tôi và mấy thằng bạn nữa mình trần, chân đất, mặc quần đùi đi “chu du” ngoài nắng. Cái thứ da học trò nửa quê nửa tỉnh gặp nắng đỏ rực lên và tím dần. Nhưng chỉ được dăm hôm thì lớp da được “nhuộm” ấy thâm lại rồi bóc ra từng mảng. Nói gọn, trắng vẫn hoàn trắng. Tất nhiên là sau đận ấy cả bọn đều lên cơn sốt. Bố tôi biết chuyện, ông cười bảo “Rèn luyện là tốt. Nhưng rèn luyện phải có chừng mực và làm quen dần”. Anh Dần đứng thập thò ngoài cửa nói vọng vào, giọng tồi tội “Thày cho em được xin lỗi”.
Nhưng ác nhất là anh Dần bắt đầu tái phát bệnh. Ban đầu anh vừa đi vừa nói lảm nhảm những câu mà không ai hiểu. Bệnh tăng dần, nhất là hôm nắng to. Bộ quần áo bộ đội được anh Dần vận chỉnh tề, dép cao su đi đủ bốn quai, đầu không mũ nón, anh Dần chạy huỳnh huỵch và gào ầm ĩ. Dãy phố chạy tán loạn, họ bảo nhau: “Thằng điên. Thằng điên”. Tôi đứng bên một gốc sấu mắt nhìn theo mọi cử chỉ của anh Dần và thái độ của mọi người. Trong nhìn nhận của mọi người thì anh Dần là một “thằng điên” đang hò hét và thuận tay là phá phách. Dãy phố nhỏ có các cánh cửa cọt kẹt khép lại trước khi anh Dần tới và he hé mở ra khi giọng hò hét của anh Dần xa xa. Trời nắng chang chang, tiếng ve kêu sốt cả ruột. Bố tôi kéo tôi vào lòng “Anh Dần tội quá. Chỉ thương bác Đậu”.
Liên tiếp cả tuần anh Dần lên cơn. Tuần ấy dường như anh không ăn uống gì cả. Suốt ngày và suốt tối chỉ thấy một mình anh vừa chạy vừa gào trên phố. Giọng anh khô dần rồi đặc lại. Chỉ còn nghe tiếng khò khè mệt mỏi. Anh ngồi bệt xuống đường, hai mắt vô hồn mở to, người gầy đét lại, mái tóc cắt cua trở nên lởm chởm. Bố con tôi lại gần anh. Bố tôi lay nhẹ vào vai anh Dần gọi nhỏ “Anh Dần. Anh Dần. Thầy Bình đây. Em về nhà đi. Em tự về hay để thày đưa em về”. Anh Dần ngước mắt lên nhìn bố con tôi. Nhìn lâu lắm, có lẽ anh đã nhận ra nên từ tốn đứng dậy, miệng khè khè và lảo đảo đi về nhà. Sau khi được tiêm mấy ống trợ lực, anh Dần ngủ mê mệt. Hôm sau anh có vẻ tỉnh táo hơn, cặp mắt nhầu nhĩ, áo quần rách mướp. Mọi người đã kịp đưa anh về Trại.
Những ấn tượng về anh Dần nhạt dần theo năm tháng. Vả lại thời gian đã làm cơ thể tôi thay đổi, từ một cậu bé con giờ đây trông tôi đã ra dáng thanh niên. Tình hình chiến sự đem lại nhiều háo hức. Năm một chín bảy nhăm đến và kéo theo một không khí bừng bừng. Sau Tết, tôi có lệnh gọi nhập ngũ. Buổi tối hôm trước ngày tập trung, anh Dần đột ngột xuất hiện. Anh già đi nhiều so với tuổi. Đã ba năm “cái thằng điên” lại hiện diện. Cả nhà tôi thoáng một chút sững sờ. Bố tôi bình thản hơn, hướng mặt về phía anh Dần rồi gọi thân “Dần về đấy à? Vào đây đi em”. Anh Dần bước vào nhà, chẳng chào hỏi ai, anh đến thẳng bên tôi, nói bằng cái giọng khe khe mỏi mỏi “Được tin mày đi bộ đội. Tao về cho mày cái này”. Tôi nhìn anh cố níu anh ngồi xuống hòng hỏi chuyện “Anh uống chén nước đã”. Tay xua rối rít, anh Dần nói: “Đi theo tao. Đi theo tao”.
Chúng tôi đứng cạnh một mảng tường cũ, anh Dần đưa cho tôi một gói giấy nhỏ. Tôi hỏi “Anh cho em cái gì đấy?”. Anh Dần với giọng quan trọng thầm thì “Cho mày cái bùa hộ mệnh”. Tôi run run đỡ gói giấy và nhìn anh dò xét, anh Dần gật gật đầu tỏ ý bảo tôi mở ra xem.
Gói giấy được mở ra, qua ánh sáng của ánh đèn nhà ai đó hắt vào tôi nhận thấy đó là một chiếc áo bà ba nữ màu tím. Anh Dần kéo tôi ngồi xuống “Mày còn nhớ cô ấy không?”. Tôi lại hỏi “Cô nào cơ?”. Anh Dần không nói gì, đầu cúi trầm ngâm. Trông anh lúc này không có vẻ gì của một người điên. Im lặng kéo dài. Chợt tôi cảm thấy cay cay nơi mũi. Thì ra anh Dần đã tranh thủ khoảng thời gian thần kinh ổn định để kịp về tiễn tôi lên đường. Thì ra anh Dần không quên điều gì cả. Bảy năm trước, cũng hệt như hoàn cảnh tôi lúc này, anh Dần đi đánh giặc. Tôi nhìn anh biết ơn và lúc này mới nhớ ra câu chuyện về một người con gái Nam Bộ. Về “cô ấy” như anh đã kể cho tôi nghe bữa nào anh em tôi ngồi bên bờ ao có những cây sậy mọc lúp xúp ven bờ và con thuyền nhỏ từ từ chui từ đám sậy ra.
Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh một dòng kênh Nam Bộ. Dòng kênh trong và xanh, hai bên bờ xanh rì lá cây dừa nước. Tiếng chèo khua dàn dạt. Trên con đò nhỏ có bóng dáng một người con gái miền Nam đang đứng chèo đò. Chiếc nón trắng quàng sau lưng, để mái tóc mặc cho gió thổi. Nắng miền Nam bao la làm khúc kênh ánh lên muôn vàn tia lấp lánh. Người con gái ấy đầu ngẩng cao, toàn thân vươn về phía trước, chiếc áo bà ba màu tím chỉ cài một chiếc cúc cổ để hai vạt áo xòa bay xuôi theo chiều gió thổi.
Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh những chiến sĩ đặc công rừng Sác ngâm mình trong nước. Những chiến sĩ đặc công ấy mặt nhám nắng. Chỉ đôi mắt mở căng, chăm chú hướng cái nhìn về phía mục tiêu. Các anh ẩn khuất sau những tán lá dừa nước.
Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh người con gái miền Nam với gương mặt đang căng ra quan sát nhưng lại ẩn dưới vành nón khoan thai. Con đò nhỏ lặng lẽ trườn đi. Nếu tinh ý một chút xuôi về hai sóng nước rẽ phía đuôi thuyền, thấp thoáng bóng các anh đặc công rừng Sác. Con đò vẫn trườn đi, luồn lách dưới tán lá của các cây dừa nước. Đến một khoảng trống, chợt trên trời xuất hiện một chiếc trực thăng. Trong nháy mắt nó đã phát hiện ra con đò, sau khi lượn vài vòng theo con đò thấy nghi ngờ chiếc trực thăng xoay quanh mục tiêu. Giây phút ấy vang lên một tiếng hô “Các anh tản ra nấp đi. Đừng lo cho em”. Và con đò bỗng lao vụt về phía trước, lướt mình tách khỏi đội hình đang bí mật của các anh bộ đội rừng Sác. Loạt đạn đầu tiên bắn xuống làm dựng lên những cột nước nhỏ. Rồi liên tiếp các cột nước. Con đò chìm trong các cột nước ấy rồi mất hẳn…
Bây giờ nếu nhắm mắt lại tôi lại thấy anh Dần đang ngồi cùng tôi bên bờ ao. Những con bọ nước chạy lăng xăng vẽ những vòng tròn nhỏ loang vào nhau. Con thuyền nhỏ từ từ chui ra từ đám sậy mọc lúp xúp. Trên thuyền có một người con gái mặc áo tím đang nhẹ nhàng đứng, người con gái ấy vươn người về đằng trước đẩy mái chèo. Giọng anh Dần bảng lảng, vời xa, vời xa, đượm chút buồn của cánh con trai “Chúng tao chỉ tìm được chiếc áo của cô ấy”. 
5/7/2020
Nguyễn Trọng Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Võ Chí Nhất: “Quả ngọt” từ truyện trinh thám 21 Tháng Hai, 2023 Võ Chí Nhất sinh năm 1993, hiện đang công tác tại quê nhà ở hu...