Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Khoảng không của mỗi người

Khoảng không của mỗi người

Ký ức
Hai mươi năm sau ngày hòa bình, Đoàn trường tổ chức đêm đốt lửa trại. Ngọn lửa bập bùng soi trong đêm, tôi tìm kiếm… Đâu rồi những gương mặt thân quen? Thành ở đâu, Lân ở đâu?! Những người bạn thân của tôi thời sinh viên giờ như những cánh chim vô định, đã bay xa và mật hút trong cuộc đời tôi. Sao họ trông trở về đây trong những ngày này?! Họ không trở về nhưng tôi luôn thấy họ. Họ hiện diện trong cộc đời tôi bằng hàng cây tỏa bóng mát, bằng giảng đường, bằng những con đường trải nhựa thẳng tắp… Họ hiện hữu bên tôi từ thành quả của trường đại học mà tôi đang được thụ hưởng.
Trong những ngày này, trường đại học chộn rộn hẳn lên bởi những hoạt động hội thảo, văn nghệ, triển lãm, thể thao… Trên sân thượng của dãy lớp học mới được khánh thành, sinh viên đang tấp nập khiêu vũ. Điệu Disco sôi nổi, vui tươi hòa lẫn tiếng cười đùa, những bước nhảy ngượng ngập, hăm hở. Tôi từ chối lời mời của anh bạn dạy khoa toán, đến góc vắng của sân thượng, nhìn ra hàng cây từ cổng trường dẫn đến lớp học. Nắng sáng lấp lánh trên những tàng cây khơi gợi trong lòng tôi bao kỷ niệm. Chính trong những ngày sôi động này, tôi càng nhớ da diết ngày xưa, tôi và những người bạn đã đến mái trường này…
Nhà văn Trầm Hương
Thuở tôi mới vào học, trường còn nghèo lắm. Chúng tôi ngồi học trong căn phòng của dãy nhà lá, cột kèo bằng tre, mái phủ plastic đen chống dột, trông thật điêu tàn, hoang dã. Thuở ấy, chưa có hàng cây che mát, chưa có con đường trải nhựa đâu. Đường dẫn đến lớp học lông chông những những hòn đá cục, sắc cạnh. Trời mưa, bùn bắn lên những bánh xe, những bước đi nặng trĩu. Khổ nhất là bọn con gái chúng tôi. Đứa nào mang guốc đi không khéo là ngã lăn quay, còn những đôi dép thì cứ dính sát vào mặt bùn nhạo nhoét, trơn lầy. Thật chẳng thú vị chút nào khi phải thả bộ hay đạp xe trên những con đường lông chông đá sỏi, sau năm tiết học, vừa đói, vừa mệt trong những trưa nắng gắt. Giữa lúc ấy mà nhận được con số không hay một lá thư tuyệt tình thì có nước phát khùng. Lúc ấy, trường mới có kế hoạch xây dựng quy mô, lâu dài và đang khởi công xây tòa nhà mà tôi đang đứng hôm nay. Lớp chúng tôi có trách nhiệm trồng và bảo vệ hàng cây từ cổng trường đến tòa nhà mới khởi công. Chi đoàn lớp phát động buổi lao động trồng cây, cả lớp nhao nhao phản đối. Vĩnh An thẳng thừng tuyên bố:
– Tôi không đi. Suốt tuần chỉ có ngày Chúa nhựt, còn bao nhiêu là việc!
Tôi nhìn lớp trưởng Lân cầu cứu. Anh bước lên bục,dùng tay ra hiệu. Anh gào lớn, át không khí mất trật tự của lớp:
– Các bạn im lặng. Ngày mai không trồng thì chẳng còn ngày nào khác. Đợi Chúa nhật tuần sau thì cây con sẽ chết hết. Chúng ta tập trung, làm một loáng là xong ngay!
Cả lớp im lặng trở lại. Không hiểu nhờ uy tín của Lân hay người ta nghĩ đến bản kiểm điểm cuối năm, thôi thì cũng ráng đi một buổi để mạnh dạn ghi vào mục lao động mình cũng tích cực tham gia. Buổi chiều Chúa nhựt hôm ấy, không hơn mươi người lẹt đẹt đến trồng cây. Trời mưa lâm râm, đường lầy lội bùn sình. Bọn con trai đào những cái hố có khoảng cách quy định dọc theo hai bên đường. Bọn con gái mang những cây con từ vườn ươm đến đặt trên những cái hố giúp bọn con trai trồng. Thu Hoa tay xách một bầu cây, tay còn lại giơ ra giữ cân bằng, vừa cố không cho bùn làm bẩn quần áo đẹp. Dáng đi của cô trông rất buồn cười. Vấp một hòn đá, Hoa ngã sấp đo đường. Lâng bỏ xẻng chạy đến đỡ cô dậy. Anh cởi áo mưa đưa cho cô. Hoa nhăn mặt, nháy mắt cười với chúng tôi: “Áo gì mà rộng đến phát khiếp, mặc vào ấm cả người!”. Cả bọn cười ầm lên. Thế là một trận ghép đôi giữa Hoa và Lân. Có ai biết lòng tôi đang tan nát. Lân là lớp trưởng, tôi là bí thư chi đoàn. Còn Thu Hoa là một cô gái đỏng đảnh. Nhưng tình yêu đâu phải là một công thức chỉ việc lắp các con số lý tưởng vào. Tôi mủi lòng quay sang chỗ khác, bắp gặp Thành đang nhìn tôi, tia nhìn ấm áp, thấu hiểu. Tôi bối rối trốn khỏi tia mắt của Thành, lại bắt gặp Vĩnh An đang đứng cà khịa ngoài vòng, giữa lúc mọi người đang làm việc cật lực vì sợ trời tối. Mắt anh ta nhìn Thu Hoa như nuốt chững lấy cô ta. Đằng kia, Lân vẫn vô tư dùng xẻng bật tung từng thớ đất. Mồ hôi hòa với những hạt nước mưa ướt đẫm lưng áo anh, Nhìn những cây con yếu ớt, run rẩy trong làn gió thổi qua, tôi không nghĩ rằng nó sẽ tồn tại. Bây giờ, hàng cây hai bên đường chúng tôi trồng năm ấy cao lắm rồi, tàng lá xanh um giao nhau tạo thành cổng tò vò thiên nhiên dài dằng dặc dẫn đến tòa nhà mới khang trang. Con đường lông chông đá sỏi, lầy bùn ngày xưa đã được trải nhựa sạch quang. Tôi yên tâm mặc bộ áo dài trắng lên lớp mà khỏi sợ bị clấm bẩn. Đoàn trường đặt tên cho hàng cây ấy là hàng cây THANH NIÊN, con đường ấy là con đường THANH NIÊN. Dưới bóng mát của hàng cây, người ta nghĩ đến những dự án cho ngày mai, người ta dừng lại hẹn hò, người ta sáng tạo,người ta  mơ mộng và làm thơ… Con đường ríu rít tiếng cười nói, giống như sự lạc quan, vô tư tư của tuổi sinh viên. Có khác chăng, bây giờ có thêm nhiều chiếc xe máy, ô tô  phóng trên đường. Sinh viên bây giờ trông “mode” và giàu có hơn ngày trước. Chỉ có hàng cây là đứng đó, hứng nắng chịu mưa, che mát cho đời. Còn những người đầu tiên trồng hàng cây ấy bây giờ ở đâu?! Chưa bao giờ tôi thấy Lân trở lại hàng cây anh đã trồng. Thành nghe nói đang miệt mài ở một cánh rừng xa tắp, cuộc đời anh gắn bó với những cánh rừng, chống xoáy mòn và mưa bão. Còn Thu Hoa có Trời mới biết cô ấy sống thế nào. Rốt cuộc, tôi nghĩ mình là người hạnh phúc nhất, được đi dưới bóng mát hàng cây mỗi sáng mỗi chiều, được đứng trên sân thượng tòa nhà mới của trường đại học vào một buổi sáng sau mấy mươi năm, ngắm nhìn những tàng lá xanh, lấp lánh màu bích ngọc…
Lối rẽ
– Anh, bán gì không, bán gì không?!
Ấy là những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, khi biên giới Tây Nam còn đẫm máu. Mặc chiến sự, mặc những chuyến xe chở những tân binh trẻ trung, tràn đầy nhựa sống lao vún vút về chiến trường, mặc những chuyến xe chở thương binh từ mặt trận trở về hậu phương; những cửa hàng, chợ trời nhan nhãn mọc lên, những cảnh mua bán vẫn diễn ra, sôi động và tấp nập. Thiếu phụ bên gian hàng chất đầy ắp hàng hóa níu anh lại bằng nụ cười mời mọc và quyến rũ. Lân sững người, đôi nạng gỗ không thể nào nhấc lên được nữa. Thiếu phụ sau phút ngạc nhiên cũng lặng người như hóa đá. Họ đứng đó, im lặng, ngỡ ngàng, những kỷ niệm dội về đầy ắp trong lòng họ…
Đó là thời sinh viên…
Cái thời chưa xóa kinh tế bao cấp, mỗi đứa hàng tháng được lãnh mười sáu ký gạo và ba mươi lăm đồng học bỗng. Anh chàng Lân tài hoa sống cuộc đời đèn sách trong đói nghèo, đạm bạc. Nhưng anh còn có được thư viện đầy ắp sách, có tiếng đàn ghita trầm ấm và tiếng cười trong trẻo, vô tư của bạn bè. Anh đem lòng yêu Thu Hoa. Bạn bè thường gọi đùa mỗi khi nhắc đến mối tình của họ – một cặp đôi mâu thuẫn mà thống nhất. Bởi anh là một người con trai trầm tính, sống nội tâm và học giỏi còn Thu Hoa là một cô gái chưng diện, thích phù phiếm, tên cô bao giờ cũng đứng đầu danh sách sinh viên phải thi lại. Ngoài sự phong phú, nắm bắt nhanh nhạy những mode thời trang, tâm hồn cô rỗng tuếch, nhạt nhẻo, nhường chỗ cho những cách tính toán chi li, thực dụng. Dẫu vậy, cô vẫn đáp lại tình yêu của Lân, phần nào hãnh diện vì mình sở hữu được một lớp trưởng đẹp trai, sáng giá. Minh, cô bí thư chi đoàn thường sát cánh bên Lân – lớp trưởng để bàn về những phương hướng hoạt động của chi đoàn, kế hoạch lớp. Minh thầm yêu Lân và cay đắng nhận ra sự lạc nhịp trong tình tình cảm của mình. Và cô âm thầm đau khổ… Thành, bạn thân của Lân lại yêu Minh kín đáo, tế nhị. Cả ba người nhận ra điều khó nói ấy và tìm cách lảng tránh nó. Còn Vĩnh An,, anh chàng học làng nhàng, cốt chỉ đủ điểm lên lớp, bao nhiêu thì giờ còn lại dành cho việc sục sạo các chợ trời. Với Vĩnh An, ngay từ thời sinh viên, anh ta đã ý thức một cách mãnh liệt sức mạnh của đồng tiền. Tiền là chìa khóa mở mọi cánh cửa, chẳng có gì thiếng liêng hơn việc làm ra tiền. Vì thế anh là khắc tinh của Minh. Anh hay bang bổ, chế nhạo cô bí thư chi đoàn qua mức nhiệt tình. Với Vĩnh An, những kế hoạch trồng cây, tập văn nghệ, các buổi tọa đàm chuyên đề trong lớp… chỉ là những trò lẩm cẩm, thật mất thời gian. Vĩnh An dị ứng trước những yếu tố hăng hái, tích cực và luôn tìm cách dập tắt nó. Một bạn nào đó nhiệt tình lên hát giờ sinh hoạt tập thể, anh ta không ngần ngại hét tướng tên: “Xuống, xuống đi!”. Và trong những buổi báo cáo chuyên đề khoa học, những sinh hoạt chuyên đề, An chuồn ra khỏi lớp. Những điều ấy thật vô bổ với anh ta…
Năm học cuối cùng kết thúc, lớp học như đàn chim lìa tổ bay đi khắp nơi. Mỗi người tìm cho mình một chỗ đậu. Mọi người ưu tư bà nhốn nháo cho những ngày sắp tới của mình. Một sáng từ thư viện bước ra, Minh bắt gặp nhóm bạn gái đang tụm lại dưới một gốc điệp tán gẫu. Nga, cô bạn nhạy như đài rađa báo cho cô một tin sốt dẻo:
– Ê, mày hay gì chưa? Vĩnh An và Thu Hoa sắp đám cưới!
Minh tròn mắt nhìn cô bạn. Cô thầm nghĩ sao tình thế lại xoay một gốc bẹt như thế được. Hoa và Lân yêu nhau lắm cơ mà?! Nga vỗ vai bạn:
– Có gì mà mày phải ngạc nhiên. Hợp lý hóa gia cảnh mà. Lấy chồng ở thành phố mới chuyển về thành phố được chứ. Tụi mình chuẩn bị ăn đám cưới của họ đấy!
Thì ra đó là nguyên nhân của góc quay một trăm tám mươi độ. Như thế thì đáng buồn cho Lân thật. Minh đứng lặng hồi lâu vẫn chưa hết bàng hoàng.
Và Thu Hoa có biết đâu, khi cô bước lên xe hoa, khi cô cười đủ mọi kiểu để chụp ảnh, tay trong tay Vĩnh An đến nhà thờ làm lễ hôn phối thì Lân cũng đang trên chiếc xe lao vút về mặt trận phía Tây Nam. Gió thổi bạt mái tóc bồng của anh. Anh đứng giữa những tân binh trên chuyến xe trong đoàn khảo sát địa chất đi làm nhiệm vụ nơi biên giới, cố nhoài ra, vẫy tay chào Minh và Thành – hai người bạn duy nhất tiễn anh đi. Họ đứng nhìn theo chiếc xe cho đến khi mất hút. Trước khi bước lên xe, Lân siết chặt tay hai người bạn, nửa đùa nửa thật: “Mình đi làm nhiệm vụ vài năm trở về, có thực tế, sẽ học lên tiến sĩ. Mình còn nợ những cánh đồng nhiễm phèn nặng ở Đồng Tháp Mười! Tụi mình sẽ thành lập một công ty đi khai hoang!”. Và anh cười, để lộ hàm răng trắng khỏe tuổi đôi mươi. Tàng phượng xanh mát ven đại lộ rập rờn trên đầu hai người bạn tiễn anh ra biên giới, như thể không có chiến tranh, chia ly và đổ vỗ…
Cũng từ đó, ba người bạn đi theo những ngã đời khác nhau. Minh được ở lại trường nghiên cứu và giảng dạy. Thành đến với những cánh rừng trồng những hàng cây chắn gió. Lân đi tìm những viên đá giấu trong lòng những bí ẩn và tuổi tác. Anh dò dẫm từng bước… Những quả mìn lặng im trong hoa cỏ mới độc ác, nhan hiểm làm sao! Lân là một trong những người lính ở Việt Nam bị trúng mìn trên xứ sở nước bạn. Và anh cũng là một trong số những thương binh trên những chuyến xe lao vun vút qua bụi mù, từ mặt trận về hậu phương…
Giờ đây, Lân đang đứng trước Thu Hoa. Anh nhìn sâu vào đôi mắt của nàng, tia nhìn nghiêm trang, buồn bã. Nàng cúi mặt tránh tia nhìn của anh… “Vâng, em kể đây. Thời còn là sinh viên em yêu anh, Em cũng hiểu một tình yêu trong sáng, chân chính là đẹp, là thiêng liêng như thế nào. Anh là người con trai tài hoa, anh rất tốt, tâm hồn anh trong suốt như pha lê. Trái tim anh chứa bao hoài bảo cho cuộc đời… Em nhìn thấy những giá trị to lớn trong hoài bảo ấy nhưng nó xa xôi quá, em sợ mình không đủ sức đi cùng, không nắm bắt nổi, Một người như anh lấy làm chồng thì… Giữa lúc đó, em nghĩ đến Vĩnh An. Anh ấy là một người thực tế. Anh ấy không có những cái lãng mạn chết người như anh. Anh ấy biết cách làm ra tiền, biết em cần gì để sống. Em là người đàn bà thích được yên phận, sợ bão giông. Em sinh ra ở một vùng quê bùn lầy nước đọng nên em muốn được ở lại thành phố. Em giục Vĩnh an cưới gấp để hợp lý hóa gia cảnh. Cái hộ khẩu làm người ta thấp hèn như vậy đó! Nói cho cùng, hai cái thấp hèn nương nhau để sống. Sống được cũng đâu dễ dàng gì. Sau  một thời gian công tác, chúng em bỏ việc. Vĩnh An mở một cửa tiệm bán hàng điện tử điện lạnh.  Em cũng ham tiền nên mở thêm gian hàng bán mỹ phẩm, vải vóc, cùng vài thứ linh tinh. Em thích mua hàng của mấy anh lính từ bên ấy về, vửa tốt vừa rẻ. Run rủi thế nào, em lại gặp anh. Biết nói thế nào để chia sẻ mất mát của anh…”.
Họ đứng đó, im lặng, ngỡ ngàng nhưng đôi mắt giao nhau, nhìn nhau sâu thẳm, ngầm nói bao điều. Anh hiểu thông điệp từ ánh mắt vừa bối rối vừa xót thương của Thu Hoa. Còn cô nhói lòng đọc được ánh mắt buồn tê tái của anh, nụ cười kiêu hãnh thoáng hiện trên gương mặt gầy nhuốm mùi sương gió của anh: “Cám ơn em! Em hỏi anh có bán gì không ư?! Giờ thì anh có gì ngoài giấc mơ để bán cho em, hở Thu Hoa. Anh mất một phần thân thể nhưng còn lại giấc mơ. Giấc mơ vẫn đầy ắp trong anh. Giấc mơ, giấc mơ không bao giờ tàn lụi, em à!”. Lân chống nạng bước đi. Thiếu phụ sững sờ nhìn theo dáng đi nhanh đến kỳ lạ của người thương binh.
Độc thoại
Tôi bây giờ là một người vợ, người mẹ của hai con. Tôi có một gia đình trông có vẻ hạnh phúc. Tôi có vài công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Tôi có được học hàm học vị của một giảng viên cần phải có ở một trường đại học. Một số đồng nghiệp cho rằng tôi là một phụ nữ thành đạt. Những lúc ấy, từ một cõi sâu thẳm, tôi chợt bùi ngùi nhớ đến Lân, đến Thành… Họ là những người bạn thân của tôi trong những ngày khốn khó. Bận rộn chuyện gia đình, sự nghiệp, những xao động tình cảm thời sinh viên cũng nhanh chóng trôi qua. Tôi đã quên đi nỗi đau khổ của mối tình đầu, quên đi tình yêu thầm lặng của Thành đã dành cho tôi. Và tôi nghĩ, có lẽ anh cũng sẽ quên đi nhiều thứ như tôi đã quên, Nhưng có một điều tôi không dễ dàng quên là số phận những con người đã trồng nên hàng cây năm ấy. Hàng cây ấy bây giờ đã lớn lắm, mát lắm. Những cây con chúng tôi trồng ngày trước có thể không sống đủ hết. Nhưng những tàng cây khác đã xòe rộng, che khuất chỗ khuyết ấy đi. Biên giới Tây Nam giờ không còn những người lính Việt Nam. Mới có mấy năm, xương máu của bạn bè tôi đã trở thành huyền thoại. Cái giá của hòa bình đánh đổi quá nhiều thứ. Lịch sứ chứa đựng những ẩn số từ số phận con người, những hy sinh, mất mát. Người ta buộc phải quên đi nhiều thứ. Nhưng tôi, tôi làm sao quên được anh. Anh, người lớp trưởng đẹp trai, tài hoa, tốt bụng, đầy ắp hoài bão. Dưới lồng ngực thanh xuân của anh là trái tim nồng nhiệt với cuộc đời, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần đến. Mỗi đứa chúng tôi thời ấy nhận quyết định ra trường đều ký vào bản cam kết như vậy. Với nhiều người, thực thi cam kết ấy hay không đâu có quan trọng, chẳng qua chỉ là một thủ tục. Nhưng Lân đã xem lời hứa của mình là thiêng liêng, là quan trọng. Và anh đã ra đi… Mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại Lân. Tôi vẫn thường tự hỏi rồi anh sẽ sống ra sao với những mất mát của mình. Đất nước còn quá nhiều cánh đồng hoang nhiễm phèn. Nụ cười tỏa sáng của anh buổi chia tay khiến tôi có niềm tin anh sẽ mạnh mẽ, lạc quan và làm cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa. Một niềm tin xuất phát từ dự cảm rất mềm yếu và đàn bà của tôi. Hỡi những người bạn của tôi, nếu như các bạn có gặp Lân, xin nhắn với anh rằng, hàng cây năm xưa chúng ta trồng giờ đã cao lắm, mát lắm. Điều đó là sự thật.
1995 -2020
TRẦM HƯƠNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...