Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Lê Hoài Lương: Nghề vớt xác

Truyện ngắn Lê Hoài
Lương: Nghề vớt xác

Nhà văn Lê Hoài Lương ở Bình Định với hai truyện Người bọ chét, Nghề vớt xác vừa được trao Giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn (2018 – 2020) của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. VHSG chúc mừng nhà văn Lê Hoài Lương và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Nghề vớt xác.
Ăn chiều xong. Thị chế ly cà phê gói, ngồi ở đầu ghe xìa cho gã uống một hớp rồi dốc hết vào miệng súc rột rột cho lạt mùi thức ăn, ực phát hết sạch, cười hí hí  nhảy ùm xuống sông xoải tay bơi. Thị bơi rất giỏi. Triều đang lên, mênh mang nước. Giờ này chài lưới không làm được. Và xác cũng hiếm họa lắm mới có. Rảnh không. Cà phê cho ấm, cho thơm miệng, cười hí hí rồi bơi, thị phát cái tín hiệu quen thuộc. Gã ngồi trên ghe ngó thị bơi một chút rồi vào trong khoang lấy chai rượu treo trên vách tợp một ngụm. Chai rượu người ta cám ơn, nghe nói ngâm mấy món “ông uống bà khen hay”, chẳng biết bổ béo gì không vì gã đang rất sức lực, thấy thị ra tín hiệu là đã rạo rực. Nhưng cái mùi rượu nồng nồng trong hơi thở gã, thị cũng thích. Thì uống chút thị thích càng hay. Kinh nghiệm cho gã biết đàn bà khi ưng chuyện đó nhiều khi thích mấy cái mùi rất lạ. Chẳng hạn hơi thở có mùi rượu mùi thuốc cũng tốt. Có khi mùi mồ hôi đậm đặc, tự nghe mùi mình nồng khét đã ớn vậy mà có lần mấy ngày thăm quê về, thị ôm chầm gã hít lấy hít để, cười hí hí. Gã bảo để tắm chút, thị lắc đầu vật gã xuống sàn ghe. Đàn bà lạ thiệt.
Thị đã níu thành ghe phóc lên, h…ù…ồ…, mát quá, bộ đồ ướt nhẫy dán chặt vào cơ thể tròn lẳn, săn chắc của thị. Chiều nay không đi bán cá, lo cho con gái xong thị ra ghe. Biết ý liền.
Lau sơ nước, thị lột rẹt áo quần ướt ném bạch một góc, nhào tới thuần thục lột quần đùi gã rồi ập lên người. Ư…ư… nhớ quá, mới hôm qua mà, ư…ư nhớ… lúc nào cũng nhớ…
Thị nồng nhiệt, dồn dập. Một lát người thị như to nặng hơn, gã thấy lạ, lật thị xuống rồi nhoài lên. Thị đầy đặn lâu nay giờ đầy hơn, càng lúc càng trương ra, mềm như bông. Gã vừa bồng bềnh cảm giác rất lạ vừa xoa xoa đầu thị, động tác thị thích mỗi khi. Tay gã rời ra từng mảng tóc. Môi mặt thị trương lên, bề ngang khuôn mặt đang dần to hơn bề dọc. Thị vẫn rên ứ ứ. Không có mùi xác chết trôi, chỉ có cái mùi phần dưới bụng thị nằng nặng khăm khăm quen thuộc. Gã cứ miên man trôi trên nền bông mềm rã, nghe một niềm thống khoái chưa từng.
Tôi không có cha, năm lên mười má gửi tôi cho người chú họ để theo người đàn ông khác. Chú đạp xích lô, thím buôn thúng bán bưng ở chợ xổm. Tôi giúp chú thím lo hai em trai năm, ba tuổi, dọn dẹp, nấu ăn. Chú thím nghèo nhưng hàng ngày có tiền nên mỗi bữa tôi cũng ăn uống đầy đủ. Mấy năm sau, từ con bé đèn đẹt, tôi dần đầy đặn rồi phổng phao tuổi dậy thì. Nhiều lần soi gương, nhìn mặt mình tôi muốn khóc: mặt bành bạnh, nước da đen, trán dồ dồ… Xách giỏ ra chợ mua đồ ăn, chẳng ai thèm nhìn. Tôi xấu. Rất xấu. Đã lùn còn xấu. Nhưng chú mỗi lần xích lô về cứ nhìn nhìn tôi. Có lúc đang nấu nướng nghe nhột nhột, tôi quay lại thấy chú nhìn lom lom, môi khô khát. Có khi lại hỏi chú món này kia, nêm mặn hay lạt, chú dán mắt vào ngực tôi, nói giọng như hụt hơi. Ở nhà tôi không mặc áo ngực, thím dặn để tiết kiệm, chỉ ra đường mới ý tứ con gái. Vú tôi đã vun đầy lên, mỗi lần tắm xoa vào thấy gai gai tưng tức. Mắt chú dán vào cũng vậy. Rồi chú lại gần, tay chú vỗ vỗ vào mông tôi, xoa xoa. Tôi cũng thấy ran rân… Nhiều lần vậy. Tôi thích cách chú cận kề. Có lần chú đứng sau áp mặt vào cổ tôi hít hít hướng dẫn nấu nướng, hai tay vòng phía trước thoảng qua đôi vú. Thoảng chạm tình cờ ấy tôi thấy thinh thích. Đêm tôi ngủ trên chiếc giường nhỏ dưới bếp. Nhà chật, phía trước cũng chỉ có một cái giường rộng, chú thím với hai em ngủ chung. Hôm thím về quê ăn giỗ, dọn dẹp xong, thấy chú đã ngáy khò với hai em, tôi tắt đèn lên giường ngủ thiếp sau cả ngày mỏi mệt. Giật mình tỉnh ngủ vì những động chạm, vây bọc bất thường, tôi nghe hụt hụt hơi, im…i…m, chú…chú… kh…ông… sao… đâu… Rồi chú cuống cuồng gọi dậy cả người tôi những đê mê ban đầu con gái…
Những lần sau tôi càng chủ động tận hưởng.
Tôi thấy áy náy như có lỗi với thím, nhưng không thể cưỡng được và tự bào chữa cho mình, dù không đẹp, thân thể tôi đầy đặn, căng tràn chứ không đuồng đuỗng như con cá rô đực của thím. Ra đường không ai nhìn tôi. Chỉ có chú thèm muốn tôi, từ ánh nhìn trộm lén đến vồ vập đàn ông. Tôi áy náy với thím nhưng vẫn mơn man cảm giác có người đàn ông cuồng nhiệt, vội vã, thèm khát trên từng da thịt mình. Tôi hạnh phúc và hàm ơn.
Nhiều lần tôi bắt gặp ánh mắt thím nhìn tôi lạnh đanh, dò xét. Tôi sợ, càng lúc càng sợ nhưng thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Giờ mới thực đang sống, thì sống. Tôi và chú cẩn thận hơn, có khi cả tháng mới có cơ hội…
Thím hỏi, mấy trăm hồi trưa đi chợ về thím để trong hộc tủ đâu rồi? Và ầm ĩ tôi đã lấy cắp số tiền đó. Mặc tôi khóc lóc thề thốt, mặc chú lúng túng can ngăn, thím vẫn một mực lạc giọng bị hại nuôi ong tay áo, đĩ thúi cút khỏi nhà tao. Tôi lững thững suốt chiều đến đêm không thấy ai cũng không ai thấy mình tới lúc ập vào tôi làn gió sông mát rượi mơn man. Tôi thả người ra khỏi thành cầu cùng nỗi oan và không oan.
Năm mười ba mười bốn, gã đã theo cha đi vớt xác. Sống cái nhà thác cái mồ con à. Người chết còn cứ lênh đênh không siêu thoát được. Cứu giúp người trong khả năng của mình là tích cái đức… Ban đầu, mỗi lần nhìn thấy, chạm tay vào xác chết trương phềnh, thối rữa, gã ghê rợn. Những cái xác cứ bập bềnh vào bữa ăn, giấc ngủ. Riết rồi quen. Con sông lớn chảy qua thành phố này chẳng hiểu sao mươi ngày đã có người nhảy cầu, tháng nửa tháng có người bị giết đâu đó thả sông phi tang. Nghe nói người thất tình, kẻ quẫn bách tuyệt vọng. Kẻ bị truy đuổi đến đường cùng. Một chút hàm oan cũng tìm cái chết. Có kẻ cờ bạc tán gia bại sản. Có quan chức, đại gia phạm trọng tội, tìm cái chết để khỏi sống lay lắt nhục nhã trong tù, bảo toàn tài sản cướp được cho người thân. Có cả trẻ sơ sinh còn nguyên cuống rốn. Có phụ nữ mang bầu. Có người mẹ cột đứa con năm bảy tuổi vào tay để mẹ con không rời nhau…
Chôn cha xong, gã cũng định lên bờ, nhưng chẳng biết làm gì sống ngoài chài lưới sông nước. Và cái việc cứu người, vớt xác chẳng hiểu sao cứ vận vào gã: nhiều bạn nghề sông hoặc sợ không dám hoặc có chạy ghe đi tìm cũng không thấy. Dòng sông mênh mang lênh bênh bao nhiêu thứ, những khúc quanh lùm bụi… Ai cũng thuộc lòng cả chục cây số đoạn sông này nhưng chẳng hiểu sao chỉ gã là tìm được xác. Có khi đang lên bờ mua mấy thứ hoặc neo ghe nấu ăn, gã có cảm giác nôn nao, nổ máy ghe chạy về một hướng nào đó là thấy xác, hoặc kịp lúc cứu người nhảy cầu. Hễ có thông tin, chính quyền địa phương liên lạc ngay với gã, nhờ gã giúp. Hàng năm họ đều mời gã lên trao cái bằng khen, một khoản tiền thưởng. Báo chí tìm gặp viết bài, đưa tin. Tên gã như một thương hiệu nhiều người biết. Có người tặng gã cái điện thoại mấy triệu để xem tin, liên lạc. Việc làm phước của gã thành nghề. Chuyên nghiệp.
Thực ra gã không mấy tin chuyện tích đức cho con cháu như lời cha nói. Tích từ đời cha đến đời con sao cứ long đong qua ngày. Giờ đã ngoài ba mươi, có cô gái nào dám làm vợ gã đâu? Một kẻ nhọc nhằn mưu sinh lại như gắn với cõi âm, với hàng trăm tử thi nồng nặc xú khí…
     Định chạy qua bờ bên kia thăm người bà con thợ hồ, nghe nói bị tai nạn sập giàn dáo. Cái máy koler-4 hôm ấy trở chứng, loay hoay gần nửa giờ mới nổ. Nước đang hồi chảy mạnh. Ánh đèn thành phố, đèn trên cầu Trà Kiện lênh loang mặt sông. Những dề lục bình những nùi rác trôi trôi. Chợt gã nghe như có tiếng sặc nước ở vật nổi chập chạ phía trước. Người! Người chứ không phải rác! Độ thính nhạy của gã nhận ra cái mùi người ở mơ hồ lằn ranh sống chết. Gã gài nhanh cần lái, gỡ dây quấn vào tay, cách mấy sải bơi thấy rõ một người đang cố nhoài mình, lắc lư giữ thăng bằng mặc nước trôi, đang đuối dần. Gã phóng mình xoãi vài nhịp là chụp được đầu tóc. Người kia để mặc gã lôi về ghe, không cả bấu níu hoảng loạn thường gặp.
     Một cô gái. Gã làm mấy động tác cấp cứu quen thuộc. Cô nằm rũ, nảy lên mấy tiếng sặc nước yếu ớt. Gã lật người cô trợ giúp, nước ọi ra khá nhiều.
     Gã quay ghe lại, dìu cô lên bờ vào cái nhà nhỏ, tồi tàn của gã ở bờ sông, lấy áo quần của mình cho cô thay. Hỏi gì cô cũng lắc đầu, lâu lâu sau mới ràn rụa nước mắt. Gã chế gói mì. Cô gái ăn ngon lành. Hỏi địa chỉ nhà để báo người thân tới đón, cô lắc đầu quầy quậy.
     Thôi vậy, đã quá nửa đêm, gã bảo cô nằm ngủ trên cái sạp gỗ, còn mình nằm võng, mai hẵng hay.
     Thì ra cô biết bơi. Nhảy cầu rồi cứ phải nổi lên, không muốn bơi cũng chẳng được, cứ vài chuyển động nhẹ cũng nổi lên, mặc cho nước chảy trôi đi, đến lúc sắp đuối thì gã nắm tóc kéo về ghe…
     Hoàn cảnh cô, đúng là không chốn nương thân. Gã cho cô tá túc. Mọi chuyện từ từ hẵng hay. Ngày ngày cô giúp nấu cơm nấu nước. Ngôi nhà vách ván cũ thời cha gã để lại giờ ngăn nắp, sạch sẽ hơn. Bữa ăn có hai người, chút rau mắm cũng ngon hơn. Một hôm gã về xách túi cá vào, cô ngồi soạn mấy con cá lớn để bưng ra chợ bán như mọi khi bỗng ọ ọe rồi mửa thốc tháo. Gã lấy chai dầu gió đưa cô. Hôm sau cũng vậy, cô ngờ ngợ nói không phải mùi tanh cá, có lần nghe kể chuyện đàn bà ốm nghé… Cô tái mặt. Chẳng lẽ…
     Mấy tháng sau cô sinh con gái. Người xóm ven sông lâu nay biết chuyện cô gái rồi thấy cô mang bầu, ai cũng mừng cho gã. Chỉ gã và cô biết đứa con ấy của ai. Gã vẫn chăm sóc cô hàng ngày, chăm con bé lúc cô ra chợ.
     Một đêm chừng vài tháng sau, khi con ngủ đòng đưa trên võng, cô lại giường se sẽ nằm ôm gã, ràn rụa nước mắt tủi thân. Và gã đã làm cái việc đàn ông đúng nghĩa, lần đầu tiên. Trước đây gã chỉ tự giải quyết cái sinh lực sung mãn của mình. Bao đêm ao ước. Bao lần trên sông một mình, những chỗ căng tròn trên người cô lởn vởn, cái đàn ông gã cũng dồn ứ bức bối… Ngay đêm ấy, gã và cô đã cuốn vào nhau đến mấy lần, cuống cuồng, đam mê. Chưa bao giờ gã tin mình có thể được sự thỏa mãn đúng nghĩa này.
     Cô thành vợ gã. Rồi cũng dần quen với nghề vớt xác, nhiều lúc cùng chạy ghe với chồng. Gặp người còn loi ngoi trên nước, cô giúp quẳng sợi dây, gặp xác chết, cô neo ghe cho gã tròng dây dắt xác. Cô và gã vẫn sinh hoạt đều đặn hàng ngày,  tối trong nhà ban ngày trên ghe vậy mà chẳng hiểu sao cô không chửa thêm lần nào nữa. Cũng được. Lỡ sinh con trai rồi nó sẽ nối nghiệp cha ông làm nghề cha ông, tội nó. Chắc một ngày nào đó người ta hết nhảy cầu. Cái nghề này cũng nên mai một đi.
     Con gái được bảy tuổi, gã xin cho con đi học, giờ mới làm khai sinh làm giấy đăng ký kết hôn. Con bé nhỏ giờ cứ gọi gái gái, anh cán bộ tư pháp có chữ gợi ý đặt tên Giang cho nó, Giang là sông, mẹ con nó được vớt từ sông lên. Gã và cô đều thích.
Ngồi trong mâm cơm thị tri trô, anh ơi hình như xóm bờ sông mình sắp giải tỏa, nghe nói họ sẽ xây khu phố mới, ông bà đại gia nào đó đầu tư lớn lắm. Gã ậm ừ. Gã có đọc thông tin trên điện thoại lâu rồi nhưng không kể với thị. Cũng như chuyện các đại gia, quan chức to đùng tù tội. Cũng như giới nghệ sĩ, hoa hậu sang trọng tiền tỉ, một đêm diễn của họ nhà gã làm cả vài năm chưa bằng. Gã dần biết cái túi xách, đôi giày, đồng hồ hạng sang của họ lớn tiền cỡ nào. Kệ họ, phận chài lưới, vớt xác mình sao sống vậy.
Cũng có lúc gã được tiền bằng nghề ghe ôm. Mấy cái xà lan neo chờ vài giờ cho nước xuống, qua cầu, cánh thủy thủ vẫy nhờ lên bờ mua dùm mấy thứ, họ cho năm ba chục. Có khi nhờ chở dùm mấy cô gái. Cả hai phía đều cho tiền. Đến vài trăm, hơn cả ngày quăng quật. Họ xin số máy, có nhu cầu là điện. Với gã, chở người sống hay chở người chết cũng thế thôi, chỉ khác người sống trả tiền. Gã đem tiền về thị mừng lắm, hôm sau mua cho con cái áo mới.
Nhưng này anh, thấy gã ậm ừ thị lại nói, nghe nói mai mấy ông về làm lễ khởi công, ngoài chợ họ đồn có nhiều ca sĩ nổi tiếng về hát lắm, Đàm Vinh nè, Lệ Quy nè… nhiều nữa em không nhớ hết, hay là mai anh nghỉ sông một bữa mình đưa bé Giang đến coi…, em cũng thích…
Một người được cứu mấy năm sau hỏi thăm tìm tới nhà cám ơn, thấy cảnh quấy quá nhà gã đã ra phố mua tặng cái ti vi, tha hồ cho thị và bé Giang coi phim, coi ca nhạc, thị mê và thuộc tên nhiều ca sĩ lắm, cả nam lẫn nữ. Gã gật gật ừ thì đi coi. Gã thương thị, thương con bé, cái gia đình thân thương của gã. Thế gian này chỉ có ngôi nhà ván của gã. Đời gã chỉ vậy, nhưng vợ, con phải khác. Gã hy vọng sẽ khác. Chỉ cần bữa ăn thị và con có miếng ngon, gã đã thật hạnh phúc. Thị và con gái là cả cuộc đời gã.
Thị xấu nhưng còn quá trẻ, nhiều lần nhìn hai mẹ con thích thú coi ti vi, trong gã   xốn xang hạnh phúc và cũng lo lo, lỡ ngày nào thị ớn cảnh sông nước chết trôi mà rời đi chắc gã không sống nổi. Là lo xa vậy thôi chứ nếu có ngày ấy gã cũng không trách thị.
Cái lần tìm về quê, thị kể tình cờ gặp lại người chú họ. Người chú sượng sùng ne né. Thị thoải mái lại gặp, hỏi thăm thím và hai em. Vợ chồng ông cũng biết thị nhảy cầu không chết, đang sống với gã nhưng không biết chuyện bé Giang. Thị không kể chuyện này. Chú là người đàn ông cho thị thành đàn bà. Nhưng chỉ gã là cha đứa bé. Từ lâu thị cũng không trách giận gì họ, khi có gã. Đời thị vậy là quá mãn nguyện rồi.
Sáng hôm sau thị nói cả nhà đi tới chỗ làm lễ khởi công sớm, ăn quán một bữa chớ mắc gì tiện tặn. Đi sớm để chọn chỗ coi tầng lớp thượng lưu quý tộc. Mỗi người ăn một tô bún giò rồi qua xe nước mía uống chờ. Rất đông người dân cũng náo nức như họ. Gần nửa buổi mới thấy nối nhau những chiếc ô tô đời mới chạy tới xếp hàng dài. Ban tổ chức vất vả a lô a lô hướng dẫn người dân né ra nhường chỗ cho mấy bác tài đậu xe. Đám đông chăm chú nhìn những người từ ô tô bước xuống. Họ trầm trồ:
“Đó, đó, ông chủ tịch thành phố!”
“Ông mang kiếng đen là tỉ phú K, chủ đầu tư dự án”.
“Kia là ông bầu T của giới người mẫu chân dài”.
“Ca sĩ Đàm Vinh kìa, người mặc áo bông đó”
“Ca sĩ Lệ Quy đó.”
“Đâu? Đâu?”
“Đó, đó, cái cô mặc váy hồng”
Ồn ào tranh luận, ai cũng chứng tỏ sự rành rẽ giới quý tộc thượng lưu. Bọn thanh niên lại quan tâm tới những chiếc ô tô, đôi giày, điện thoại, túi xách họ mang…
“Đù, Mercedes Bengz kìa!”
“Túi xách Louis Vuitton đó, đẹp chưa!”
“Cái điện thoại ông đang nghe kia nè, Vertu nhé, bốn chục ngàn Mỹ nhé!”
Thị và bé Giang không rành như mọi người nhưng phấn chấn hẳn lên dõi theo từng vị khách sang trọng. Gã cũng náo nức, tò mò như vợ con. Đời sông nước và những xác người trương phềnh như một phi lý nếu gắn với chuyện về giai tầng đỉnh cao quyền lực, sang quý của xã hội.
Nhưng.
Cái mùi.
Người gã bỗng chộn rộn cảm giác quen thuộc khó tả. Đúng! Cái mùi!…
Thật điên khùng. Thật không thể tin nổi khi chính trong những người tầng lớp đỉnh kia toát ra cái mùi thân thiết mười mấy năm qua của đời sống gã.
Trong đầu gã hiện lên hình ảnh những nhân vật quyền lực nghiêng trời thành bị cáo trước tòa. Họ sẽ kết thúc phần đời còn lại trong tù. Tài sản cướp được sẽ bị tịch thu. Kể như đã chết. Chết nhục. Chết thối như những cái xác lâu ngày chưa chôn. Ký ức gã hiện lên hàng trăm xác trương phềnh đàn ông đàn bà, sấp ngửa bập bênh bập bênh… Những người quyền lực nghiêng trời trên ti vi trương lên… Vài người vừa xuống dãy xe sang bắt tay nhau, đang đi, cười nói thỏa mãn kia đang trương lên… Rồi bục ra từng mảng. Họ vẫn đi vẫn nói cười, trương phềnh và bục ra… Như những xác sống!
Gã dụi mắt. Nhắm mắt. Vỗ vỗ vào trán mình.
Cái mùi và vài xác sống trước mắt vẫn hiển hiện theo mỗi cử động của họ. Gã buồn nôn: chưa bao giờ những xác trôi trương phềnh khiến gã buồn nôn như sáng nay. Gã bụm miệng chạy vội ra chỗ đất trống nôn thốc tháo. Có người giữ vai, gã quay lại: thị và bé Giang đã sau lưng, mặt hai mẹ con lo lắng.
Gã trấn an hai mẹ con rằng chắc tô bún hồi nãy sao đó, tui về nhà nằm nghỉ chút. Không sao đâu, mẹ con cứ coi cho hết các màn diễn. Sân khấu này đáng coi lắm. Hai mẹ con hỏi đi hỏi lại cho chắc rồi mới vào với đám đông.
Gã biết mình nguy rồi. Bệnh rồi. Bệnh lạ. Rất lạ.
Gã nằm trên giường gỗ, vói tay lấy chai rượu nhà nốc ực ực rồi ngủ thiếp đi.
Quá trưa, thị và con gái về nhà, gã vẫn ngủ say, gọi mãi không tỉnh. Cứ ú ớ, xác…, xác…, nhiều…, nhiều…, xác…
Sáng hôm sau gã mới tỉnh ngủ, ngồi bật dậy, đã có hai mẹ con bên cạnh, hình như họ thức suốt đêm. Cả hai mừng rú lên, mặt vẫn còn nhem nước mắt.
Sáng hôm sau báo đưa tin một người trong những người hôm qua sang trọng, giàu có, quyền lực, bất ngờ chết, không rõ nguyên nhân.
Sau sự cố bệnh lạ hôm ấy, gã mất hoàn toàn khả năng thính nhạy về những cái xác trôi sông.
Không ai gọi điện cho gã nữa. Mấy tháng sau, bất ngờ thị có cảm giác quen thuộc nôn mửa, hình như thị đã có thai.
Cái điện thoại chẳng còn ích lợi gì chuyện nghề, gã cho con gái. Nó mừng như bắt được vàng, nhào tới ôm gã hôn rối rít.
Sao Việt Phú Yên, 8.4.2019
LÊ HOÀI LƯƠNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...