Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Trần Bảo Định: Đuổi bóng

Truyện ngắn Trần
Bảo Định: Đuổi bóng

1. Từ bến sông, Mười Vịt Xiêm hỏi vọng lên:
–  Năm Hưỡn ơi! Có nhà không?
Năm Hưỡn bước ra bến.
– Mời anh Mười ghé chơi!
Chủ và khách yên vị, Năm Hưỡn hỏi:
– Mới hừng đông, anh Mười chèo ghe đi đâu sớm?
– Tới chú mầy, mượn ít giống về sạ Đông Xuân.
Mười Vịt Xiêm vừa trả lời, vừa vấn thuốc hút.
– Mà nè, hồi gần đây sao thấy chú mầy thẫn thờ tư lự?
Mười Vịt Xiêm thắc mắc.
Năm Hưỡn rót trà mời khách, thủng thẳng trả lời:
– Có gì tư với lự, anh Mười. Tại tui nghĩ về con rắn lục xanh màu đọt chuối, đầu tam giác; nó thuộc loại rắn hiền, cắn người không chết; vậy mà ông trời bắt nó chết khi đẻ con.
Nhà văn Trần Bảo Định
Chiêu ngụm trà ban mai, Mười Vịt Xiêm chậm rãi nói:
– Người có hiền có dữ, thì rắn cũng có dữ có hiền. Gặp rắn lục cườm, đầu vồ thù nụ, da lưng xanh đậm, bụng màu vàng lạt điểm lốm đốm đen, nếu chẳng may bị nó cắn một phát thì rồi chùa, vô phương cứu chữa. Bởi vậy, nhìn người hay thú đều phải cẩn trọng thấu đáo! Nói vậy chớ, con người cũng như vạn vật chúng sanh đều có số mạng do ông trời sắp đặt; làm gì có ai chọn cửa mà ra! Trời thương, sống; ghét, chết!
Năm Hưỡn ngắt lời Mười Vịt Xiêm:
– Vậy, là ông trời chơi cha thiên hạ! Thiện ác, ngọt bùi, chua cay, mặn lạt, sướng khổ… chuyện gì cũng đều do ổng ban phát… Còn vạn vật chúng sanh, chỉ có mỗi một việc là phải toàn tâm toàn ý thờ phụng ổng, khỏi cần biết thiệt hay giả, hình hay bóng…
Mười Vịt Xiêm bổ túc:
– Thiệt tình, tau nghĩ ổng cũng biết sợ: sợ con người, sợ vạn vật chúng sanh… Bởi biết sợ, nên ổng nhảy tót lên ở biệt mù xa lút cán, tuốt luốt chín tầng mây, kêu chẳng tới mà leo cũng chẳng thấu. Vậy mà rồi, cũng đã có một con khỉ, mấy lần vác thiết bảng cỡi mây đại náo thiên đình làm cho từ tiên thánh tới Ngọc hoàng đều kinh hãi, phải kêu nó bằng Tề Thiên Đại Thánh. Nhưng rồi Ngô Thừa Ân lại mượn tay Phật tổ trị con khỉ, và nó cũng kịp phóng uế ra tay Phật tổ trước khi bị núi đè!
Mười Vịt Xiêm kết luận:
–  Ngô Thừa Ân muốn nhắn gởi đời sau, rằng: con người và vạn vật chúng sanh ráng mà an phận sống chết theo luật Trời, chớ có manh động như khỉ… dù có là khỉ Tề Thiên!
Năm Hưỡn nghe Mười Vịt Xiêm bàn luận theo kiểu bừa ruộng, nửa có lý nửa không. Suy cho cùng, cuộc đời lắm chuyện, chẳng biết đâu mà lần! Và, cho dù có lần được thì cũng chỉ là Ngộ ra Không ở ngay cả Trời!
Bọ ngựa đực sẵn sàng đánh đổi tánh mạng để được ân ái; sau cuộc truy hoan truyền giống, bọ ngựa cái cắn đứt đầu con đực, ăn và nuốt luôn thân xác người tình. Vì sao? Có phải anh hoàn toàn thuộc về em như thuộc về cái chết!?
Bìm bịp kêu nghĩa là nước đang lớn! Bìm bịp mổ rồi gắp rắn hổ về ổ để bảo vệ bầy con trước hiểm nguy do muông thú khác đe dọa. Mà tai họa từ con người là khủng khiếp nhứt: họ bắt bìm bịp ra ràng bẻ chưn bẻ cánh để bìm bịp mẹ phải kiếm ngải, tìm lá cây rừng làm thuốc thoa trị lành vết thương cho con; rồi họ rình rập bắt bìm bịp con ngâm rượu uống. Rượu đó, chắc còn hơn cả thang thuốc Minh Mạng lưu truyền trong dân gian “nhứt dạ lục giao…”!
Rắn hổ chẳng khi nào tự đào hang; nó cậy sức mạnh nọc độc, chuyên đi xâm lấn để bắt chuột ăn, và cướp hang ổ của chuột làm hang ổ của mình. Vậy mà rắn hổ mây, đuôi quấn lúa, đầu ngoéo vào bờ ruộng quan sát động tịnh đối phương, thân tát nước “xành xạch! xành xạch” thâu đêm để bắt cá, tự mình lao động sinh sống không cướp giựt ai. Rắn nước sa vào tay người lúc bụng mang dạ chửa; biết không thể sống, nó vội vàng đẻ con trước khi chết!
Trứng quạ, tu hú ăn; trứng tu hú, quạ ấp! Mỗi ngày, tu hú ăn một trứng quạ rồi đẻ thay vào tổ quạ một  trứng. Tới lúc tu hú đẻ xong, thì trứng quạ hầu như hết sạch; nếu còn, cũng chẳng còn được mấy trứng trong tổ. Quạ đinh ninh trứng mình đẻ, lui cui ấp. Khi trứng nở, tu hú con màu đen như quạ. Quạ mẹ mớm mồi nuôi dưỡng, thương yêu. Tới chừng tu hú đủ lông đủ cánh, quạ nhận ra đôi cánh có sọc rằn; biết không phải con mình, quạ đau khổ lặng lẽ bỏ đi! Người miền Tây sông Hậu có câu: “Quà quạ nuôi tu hú”. Con người miền Trung thường nói:
Uổng công cà cưỡng tha mồi
Nuôi con tu hú lớn thời biết bay.
Mỗi giống vật có tâm tính riêng. Có loài lấy dối trá gian manh làm phương tiện sống. Có giống lấy yêu thương làm niềm vui. Có con vật chết để con của nó được sống. Có con vật suốt đời khao khát được tự do bay cao bay xa. Có con vật mong đồng loại bình yên dù thân mình chịu khổ… Thú vật tu nhiều kiếp thành người; tới lúc thành người thì quay lại ăn tươi nuốt sống đồng loại cũ của tiền kiếp xưa! Rồi con người lại thường “tham phú phụ bần”. Ăn xong là quẹt mỏ, buông hình bắt bóng. Bởi, bóng đẹp thường lung linh hư ảo. Bóng hiện hữu từ hình; tự bóng là không thực. Chính cái không thực đó là lực hút không dễ gì thoát được. Giống cái, làm hư giống đực!
Mười Vịt Xiêm hỏi sao vậy? Năm Hưỡn tâm sự: Hồi nhỏ ở với má, tui rất tử tế, trung thực, hổng biết nói dối. Lớn lên, sống với vợ thì tui mất tui…
– Chú mầy nói sao? Thiệt hôn?
– Thuở đời, đưa tiền cho vợ, vợ cười. Xin lại chút ít lai rai với bằng hữu, vợ quạt lò than, càm ràm kể lể. Riết rồi tui giấu bớt tiền, nghĩa là tui sống thiếu trung thực. Nói thiệt, vợ giận không nghe. Nói lời có cánh, vợ vui như tết! Riết rồi tui quen miệng; nghĩa là tui biến tui thành kẻ nói dối và nói dối có tầm cỡ toàn cầu! Anh Mười coi, muốn sống đàng hoàng đâu phải dễ!
Mười Vịt Xiêm cười:
– Vậy mới là đời i dài (y) chớ! Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, mỹ nhân từng làm nghiêng thành đổ nước. Hồi xưa, những đêm trăng quê nhà, tau gánh nước ao làng, thấy bóng dáng cô Sáu The yểu điệu thục nữ qua mái tóc thề, tau chết mê chết mệt, lo ngó miết… nhiều lúc, nghiêng thùng đổ nước sạch trơn! Ngộ thiệt, người đời hổng gọi hình sắc mà chỉ gọi bóng sắc! Vậy, bóng thắng hình, hư thắng thực?
Mải lý sự, trưa đứng bóng.
Vợ chồng Năm Hưỡn mời Mười Vịt Xiêm ở lại ăn cơm. Cơm nước xong, Mười Vịt Xiêm cáo từ, lui ghe chở theo năm giạ lúa giống.
Vợ Năm Hưỡn vừa dọn chén đũa, vừa thắc mắc hỏi chồng:
–  Anh Mười bộ vó vạm vỡ, đi đứng chững chạc, phải thế đàn ông. Mắc mớ gì mà bà con trong xóm cứ gọi ảnh là Mười Vịt Xiêm?
Năm Hưỡn hớp miếng nước xúc miệng, nhổ phẹt xuống đất, trả lời:
–   Anh Mười con trai bác Chín nhà bên sông Vàm Cỏ Tây, xứ Mỹ Lạc; thành Mười Vịt Xiêm từ chuyện bóng sắc cô Sáu The ở cái xóm Mù U miệt Tân Đông nghèo mạt!
Chừng như chịu không nổi cái lối nói úp mở của chồng, vợ Năm Hưỡn sốt ruột hối:
– Mình kể tui nghe, coi!
Năm Hưỡn chậm rãi kể:
– Năm đó bác Chín cậy người mai mối, dạm hỏi cưới cô Sáu The cho anh
Mười. Nhà gái muốn tìm hiểu tính nết, sức khỏe thằng rể tương lai. Nhơn nhà có giỗ, gia đình Sáu The kêu anh Mười qua chơi, và có ý để ảnh phụ đám giỗ. Anh Mười được giao cắt cổ con vịt xiêm trống nặng trên ba ký lô. Chưn đạp hai cánh, đầu gối đè lên thân, một tay nắm đầu con vịt, tay kia nhổ lông cổ vịt. Chị em trong nhà, và bạn gái Sáu The bu lại coi mắt chồng tương lai của Sáu The.
Tự tin và điệu nghệ trong từng động tác, anh Mười quơ con dao yếm bầu lên cứa vào chỗ cổ vịt đã trụi lông. Bị đau, con vịt xiêm vùng vẫy tới mức một cánh vuột ra được; đầu nó quẫy mạnh, máu bắn tung tóe. Vì bất ngờ, anh Mười vuột tay té bật ngửa, hai chưn bẹt chàng hảng làm đáy quần xà lỏn rách một cái tẹt, lòi nguyên “súng đạn” trước mắt “bàn dân thiên hạ”. Mắc cỡ cứng đì, anh Mười nhảy một cái đùng xuống sông, và lội một mạch về nhà. Chưa một lần nắm tay tỏ mặt, chưa biết hình thể, mới chỉ thấy qua bóng sắc Sáu The mà đã bị con vịt xiêm trống phá tan chuyện trăm năm. Từ đó, miệng thế gian quen gọi ảnh là anh Mười Vịt Xiêm. Rồi, ảnh nhứt định không thèm ngó ngàng tới bóng sắc người phụ nữ nào nữa. Ảnh ở vậy tới giờ!
Vợ Năm Hưỡn tặc lưỡi và thở dài, rồi buông tiếng:
– Tội nghiệp!
2.
Tư Trâu Cò rủ Mười Vịt Xiêm và Năm Hưỡn chất chà khô, tạo hình thế an toàn dụ chuột để bắt. Để chất chà bắt chuột, người ta thường chọn gò đất cao ráo, cạnh biền, hoặc chọn hà lãng có nước. Cuối tháng Hai, ngoài đồng nắng đổ lửa, nước cạn kiệt, hết sạch nguồn thức ăn, và cuộc sống của loài chuột trở nên bất an, vì người ta có thể bẫy hoặc đào hang, chặn ngách bắt ăn thịt bất cứ lúc nào. Lại thêm lửa đốt đồng thiêu sống, chó rình rập săn đuổi… Loài chuột cố tìm nơi cư trú mới an toàn, nơi thừa điều kiện sống vương giả, không làm cũng có ăn. Chẳng phải một đời, mà nhiều đời nhà chuột giàu sang và trở thành một thứ “danh gia vọng tộc”. Nơi cư trú đó, ở đâu cho bằng đống chà khô trên gò, một thứ lâu đài mọc lên trên vùng đất hứa!
Dòng tộc, họ hàng nhà chuột lũ lượt hú hí kéo nhau về hội ngộ nơi đống chà khô. Chúng cũng không quên mang theo bất cứ thứ gì đã đục khoét được nơi đồng bái, nơi hang cùng ngõ hẹp khắp nơi. Mùi nhà chuột lan xa. Nhà rắn bốn phương cũng theo mùi chuột mà lặng lẽ bò đến quanh đống chà khô. Vì chốn đó, bây giờ là thiên đường chứa sẵn nguồn thức ăn vô tận. Rõ ràng, người mượn chuột vỗ béo rắn, và rắn giúp người tăng cường sinh lực, hưởng thụ thú ăn chơi “nhứt dạ đế vương”.
Tháng Ba, trời mưa sa dông.
Tư Trâu Cò cùng Mười Vịt Xiêm, Năm Hưỡn… chỉ huy dỡ chà khô. Hàng chục ký rắn các loại, hàng trăm ký chuột to béo được bán cho các nhà hàng đặc sản chốn kinh kỳ. Mười Vịt Xiêm từng nói với Tư Trâu Cò:
– Sướng miệng cực thân, ham vui chịu lận! Nằm trong chăn ấm nhớ ngày đói rét. Khi thịnh phải nghĩ lúc suy “An cư tư nguy” xưa nay là vậy!
Đôi khi, nằm nghe tiếng gió xé lá chuối bên hè, Tư Trâu Cò trăn trở:
– Việc hôm nay, phải nghĩ đến ngày sau. Ngày sau, là điều cực kỳ hệ trọng của đời người!
Trâu cò có lớp da màu đỏ lợt, đốm đen, lông hồng nhạt; sừng trâu cò vùng Tân Đông giải độc hiệu nghiệm chẳng khác gì sừng tê giác Châu Phi. Mùi trâu đen hôi cỏ; mùi trâu cò khen khét như mùi sừng tê giác. Anh Tư chuyên khai thác, mua bán sừng trâu cò cho các tiệm thuốc Bắc bào chế thuốc. Cái nghề dính cái tên và cái tên vận vào người. Hỗn danh của Tư là Trâu Cò, từ đó mà ra!
Tư Trâu Cò còn giỏi việc theo dấu rái cá. Rái cá miệt sông hồ Nam Bộ thường có hai loại: Rái cùi chưn lùn thấp, móng bén sắc. Rái móng chưn cao, chạy nhanh, móng sắc nhọn; hình tướng không thua gì chó, mặt dữ, tiếng khè khiến người nghe khiếp sợ và nó thường nhát những ai đi đơn lẻ.
Rái cá sống từng cặp hoặc theo bầy; rất có hiếu và trượng nghĩa.
Hàng năm, trời đất còn trong tiết thanh minh, tới ngày 25 tháng Ba âm lịch, dù rái cá có ở đâu hay đi đâu thì cũng tụ về tổ chức giỗ hội dòng họ nhà rái. Chúng phân công nhau bắt cá chất thành từng đống. Có những năm, Tư Trâu Cò, Mười Vịt Xiêm và Năm Hưỡn giành giựt cá với rái, lắm bận được cả năm bảy giỏ cần xé cá đủ loại là chuyện thường.
Khoảng chín giờ sáng, rái bắt đầu vào giỗ. Chúng ngồi im lặng trước từng đống cá. Con rái trưởng họ đi hai vòng rồi thình lình cất tiếng kêu lên hai tiếng thiệt lớn, cả bọn bắt đầu ăn giỗ. Rái chỉ cắn ăn đầu cá. Khi no say, chúng tập trung đái ỉa vào chỗ xác cá còn lại, hôi thúi cả một vùng. Rái không muốn bất kỳ con vật nào, kể cả con người, ăn cá thừa của chúng bỏ lại. Vì sợ rái bắt hết cá trong đìa làm giỗ, các chủ đìa xứ miền Tây có ruộng “trăm ngang ngàn dọc”, tổ chức tát đìa trước ngày rái giỗ. Tư Trâu Cò, Mười Vịt Xiêm, Năm Hưỡn dùng ống tre lắc khí đá nổ đùng đùng chát chúa trước khi rái sắp bắt đầu vào tiệc giỗ. Nghe tiếng nổ, tiếng phèng la, tiếng hô hoán khắp ba phía – chỉ chừa một phía cho chúng chạy – rái kinh hoàng, chạy tán loạn thoát thân.
Sở dĩ không dùng chó trong việc cướp giỗ rái, vì chó cắn và vật lộn không thắng rái. Chó bao giờ cũng bị rái kéo đi rồi nhận nước cho đến chết. Năm Hưỡn thường kể chuyện vui. Lần đó, không biết chó sợ rái, Tư Trâu Cò dẫn theo con chó đốm. Con chó đốm xấu số bị con rái cùi lôi xuống rạch Bà Miều nhận nước, và cắn bể đầu! Tiếc thương chó đốm, Tư Trâu Cò lấy dây lạt dừa niềng đầu lại, con chó đốm sủa; nhưng tiếng sủa chỉ còn nghe cạch cạch…
Con người giỗ gia tiên có khi chọn ngày giờ thuận tiện cho người sống, nên làm đám không đúng vào ngày giỗ của người chết. Miễn có giỗ, có tụ tập nhậu nhẹt là được. Rái thì không! Rái giỗ đúng ngày giờ hàng năm. Rái mẹ chết, bầy con kêu những tiếng kêu bi thương. Nhớ lại, có một dạo sau ngày hòa bình, có người không mặc áo tang, từ chối đội khăn tang, ngại ngùng khi quỳ lạy tế lễ cha mẹ quy tiên… Năm Hưỡn nhiều lần chứng kiến cảnh oái oăm lạ lùng như vậy, và tự hỏi:
– Vì sao nên nỗi: người thua rái!?
Dân miệt ruộng thường nói:
– Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn; chớ không chơi cha: chim cá vào đất ông Hội là của ông Hội!
Hồi trước, hiếm khi có chuyện nói một đường làm một nẻo. Người đặt chữ Tín lên hàng đầu, vì mất Tín là mất tất cả! Họ có hình có bóng cụ thể. Nhớ những năm tháng nghèo khó, nhóm Năm Hưỡn tổ chức đuổi bóng bắt thú hoang bán, mua gạo ăn vào ngày giáp hạt.
Tư Trâu Cò trinh sát địa hình địa vật, ước lượng chim thú ít nhiều để quyết định đuổi bóng. Vợ chồng Năm Hưỡn thiết kế thực hiện hoàn thành bóng. Trung bình, bóng dài khoảng hai thước rưỡi, chiều cao áng chừng sáu tấc, dạo năm tấc tám, đặt nghiêng bốn mươi lăm độ; mặt cửa tam giác, phía trên phủ ít lá và cỏ…
Đường dẫn vào cửa cắm ba hàng cỏ ba cạnh, dài chừng ba tấc ven đường chạy mỗi bên mười lăm thước. Bóng có bung hom trước, hom cái chính giữa và đuôi bít bùng. Mỗi bóng bảy mươi hai rẽ tre tròn – ứng với bảy mươi hai phép thuật của Tề Thiên? Khoảng cách rẽ hở hai phân. Hình của bóng được che giấu kỹ để chim thú chỉ thấy cái bóng từ ánh sáng mặt trời rọi qua bảy mươi hai rẽ; chúng tưởng đó là đường sống, ngã thoát thân nên đua nhau chen vào khi bị truy đuổi.
Than ôi! Cái mà chúng tin chắc là con đường sống lại chính là con đường chết. Vì chỉ là cái bóng!
Đời người có khi buông cái thực, mải miết đuổi theo cái ảo nghiệt ngã, khác chi đuổi bóng.
Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Phúc họa khó lường. Vì vậy, cuộc đời mỗi người điều quan trọng chẳng phải là núi tiền, danh vọng hay quyền lực vô biên mà điều quan trọng, là sự khởi đầu và kết thúc!
Thường thì ai cũng biết, nhưng biết để hành xử thì đâu phải ai cũng làm được!
TRẦN BẢO ĐỊNH
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...