Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn An Bình Minh: Bến xuân

Truyện ngắn An
Bình Minh: Bến xuân

Họ gặp nhau trong căn nhà “đồng nghiệp hưu trí” nằm cuối con hẻm nhỏ. Ông đến trước, lóng ngóng bấm điện thoại. Bà đến sau, thoáng một chút lạc lõng và ngơ ngác. Rồi họ tay nắm tay, líu ríu chào hỏi, vồn vã mất vài phút mới nhớ đến chuyện phân ngôi chủ khách. Thì cũng là giới thiệu cho phải phép chứ trước đó, chúng tôi đã nghe ông kể vắn tắt về bà.
– Đây! Các ông có tin được không? Đây là cái bắt tay duy nhất mà tôi từng ao ước hơn ba chục năm trước – Người đàn ông cười sảng khoái, nhấn mạnh từng lời. Rồi ông kể về cái thời lãng mạn của tuổi trẻ, chân ướt chân ráo lên cứ.
Năm đó, một chín bảy mốt. Họ trẻ măng. Chàng hai mươi tuổi, là thành viên của bản tin phong trào thanh niên sinh viên Sài Gòn. Cách mạng đang lớn mạnh, cũng đang cần có báo chí, là đại học văn khoa năm cuối chàng được bí mật tuyển chọn. Nàng, mười chín. Đậu tú tài năm ngoái theo anh hai lên cứ làm đánh máy, kiêm giao liên nội bộ. Là lính cựu, nàng có nhiệm vụ tiếp nhận chàng, hướng dẫn vài quy định sơ lược, chờ ngày đưa chàng sang sông, đến cơ quan tuyên huấn R.
– Trước khi qua sông, chúng tôi đã sống bên nhau hai đêm. Chính xác là hai đêm một ngày, đúng không bà – Ông cười và hóm hỉnh cải chính – Nói thế cho tình tứ, chứ thực ra là ở hai lán khác nhau và cũng không phải chỉ có một mình.
Bà ngồi yên, cười. Thỉnh thoảng khẽ bĩu môi, gật gật như vừa bao dung vừa như khuyến khích, để mặc cho ông hứng chí với cái câu chuyện có phần bốc đồng.
– Và thế này nữa. Các ông tin không – Tất nhiên là chúng tôi tin. Cũng toàn dân R, dân K, dân B ngắn, B dài từ thời trai trẻ, nên đều đã từng có những cảm xúc trong buổi đầu theo cách mạng. Dù có thể là khác nhau, nhưng chúng tôi hiểu anh đang định nói gì.
Nhà văn An Bình Minh
Ngày ấy trên ghế nhà trường, anh từng học và đọc biết bao nhiêu lý luận, tác phẩm văn chương đông tây kim cổ phản ánh thân phận con người trong đấu tranh giành quyền sống đầy ắp những kịch tính, trắc ẩn, nhân văn, chiến bại. Những thứ được cảm nhận trên ghế nhà trường đã thôi thúc anh, chàng sinh viên mơ mộng muốn tìm kiếm chân trời mới, khao khát được dấn thân cho cuộc sống tự do, bác ái – Và chân trời ấy đang ở đâu đó trên rừng núi kia với cái tên phong phanh R – căn cứ – chiến khu… Những cái tên cho anh một hình dung nơi đó là cái chết cận kề với những con người quả cảm, sẵn sàng hy sinh, là một cuộc sống khắc khổ đến mức trai rạn cả tâm hồn
Cho đến khi được sống ở căn cứ… chính thức thì anh như vỡ ra, mọi thứ ngược hẳn với những điều anh mường tượng. Ở đấy có chim kêu vượn hót, có tiếng con gái cười lánh lót trong tiếng suối reo, có con đường nhỏ len giữa rừng lồ ô thơm nồng mùi sắn nướng, lại có cả bông hoa dại cắm trong vỏ đạn đặt trên bàn phòng khách ngẫu nhiên tạo nên sự đối nghịch giữa chiến tranh và hòa bình… Tất cả đã khiến chàng bất ngờ, ngạc nhiên và thích thú. Nhưng hơn cả là phút đầu được gặp Thủy.
– Là người đàn bà này đây. Bây giờ trông rày, nhưng ngày xưa, các ông có tin không. Tôi đã ngỡ ngàng tới mức gần như á khẩu. Trời! Ở cái nơi rừng thiêng nước độc, đạn lạc bom rơi sao lại có một cô gái xinh đến thế. Ngày đó thế nào nhỉ?
Ông ngừng vài giây nhìn bà tìm đồng minh và tìm cách diễn đạt. Nhưng bà chỉ ngồi im, lắc đầu nhè nhẹ, nheo mắt cười vị tha.
– Phải rồi, hôm đó bà mặc áo bà ba này, dáng thanh thanh, tóc ngang vai, mặt tròn, mắt huyền trong veo tuyệt đẹp – thì bây giờ vẫn còn nét đẹp, chúng tôi thầm xác nhận – hơn hẳn nữ sinh Sài Gòn. Lại nữa, lúc đó tôi cứ vẩn vơ với ý nghĩ, sao cái áo bà ba đẹp thế mà cho đến tận bây giờ mình mới nhận ra. Nhưng các ông có tin được không? Cái này mới quan trọng, chính cô Thủy đây đã cho tôi cảm hứng hẹn ước với chính mình sẽ đi trọn cuộc kháng chiến. Dù chẳng biết đến bao giờ nhưng Thủy theo được thì mình cũng theo được. Ông lại cười ha ha, sảng khoái.
… Rồi, sáng ngày thứ hai, họ lên đường. Cánh rừng bừng lên trong nắng xuân, những chổi non đỏ tía đọng sương lóng lánh như saphia. Hoa ở khắp nơi. hoa lung linh trên dây leo, hoa điểm xuyết trong tán lá lớp cây ba tầng, hoa ngũ sắc lấm tấm trên mặt đất quanh đường đi, những tia nắng dọi qua kẽ lá in những bông hoa chấp chới trên vành mũ tai bèo của nàng… Tất cả như hòa quyện vào không gian thứ hương sắc lung linh lúc ngan ngát, lúc phảng phất dặt dìu… Mỗi người một chiếc xe đạp, nàng trước, chàng sau, leng keng theo lối mòn dẫn ra bờ sông. Con đường gồ ghề không làm chàng bận tâm bởi những ý nghĩ cứ dai dẳng bám lấy chàng. Sao mình không một lần được nắm tay Thủy. Chiều tối hôm kia, cả ngày hôm qua rồi bây giờ và ở ngay đằng trước kia thôi; chiếc quai súng choàng qua bờ vai thanh tú, chéo xuống ngang lưng có vòng eo thon thả bồng bềnh kia sao thân thương đến lạ kỳ. Nhưng cái gì đã khiến anh lưỡng lự đến mức nhút nhát. Sự thánh thiện phảng phất nét nghiêm khắc chăng. Sự tươi vui thân tình khiến cho động thái bạo dạn dễ trở thành thô thiển chăng? Mặc kệ, nhất định phút nghỉ giải lao mình sẽ nắm tay nàng. Chàng quả quyết nghĩ.
Người ta bảo, con gái đẹp có cả mắt ở sau gáy thật chẳng ngoa. Chừng non nửa cây số, linh cảm cái lưng của mình gai gai, không được phóng khoáng, Thủy bỗng dừng lại, nói: “Đến đây, đường độc đạo, anh chạy trước đi”. “Trời! bộ tôi là tù binh sao”. Chàng hóm hỉnh kháng cự khiến nàng không nhịn được cười. Tiếng cười trong như pha lê.
Nơi chia tay là bến nước trong veo, nép dưới tàn cây sum suê bên bờ sông Vàm Cỏ. Cái bến nước với những hòn đá đen bóng như đàn trâu đằm, nằm xếp lớp từ bờ đất ra tận chỗ đậu thuyền. Cái bến nước mát rượi, lung linh đốm nắng, in xuống đáy sông những cánh hoa vàng sóng sánh… Cái bến nước đã khiến người con trai nổi hứng văn chương reo to “bến đợi, bến xuân” ấy, mãi đến phút chót chàng vẫn chưa nắm được tay nàng.
Sau này ở chiến khu hai bờ sông ấy, công việc cuốn hút, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn nhớ đến Thủy, nhớ cái bến xuân. Anh vẫn hỏi thăm về cô và biết gần hết những điều xảy đến với cô. Anh biết cái khu đệm giờ đây không chỉ là nơi đưa đón cán bộ ra vào căn cứ mà còn thêm nhiệm vụ trạm trung chuyển – xuất nhập khẩu hàng hóa, vũ khí của chiến khu và giờ đây Thủy không còn là tiểu đội trưởng giao liên nữa, cô đã được đề bạt lên trung đội trưởng bộ phận giao bưu – kho vận. Rồi một dạo anh còn biết Thủy vì là cô gái đẹp nhất chiến khu nên văn công quân giải phóng đã mấy lần xin cô về đoàn nhưng cô không chịu, cô bảo ở đấy cô chẳng biết làm việc gì… Và lại còn cả cái chuyện rất nhiều chàng trai để ý manh mối, song Thủy viện lý do chưa thống nhất chưa nghĩ đến “chuyện đó”.
Nhưng mặc cho Thủy từ chối, vẫn không thiếu những chàng trồng cây si quanh nàng, trong đó có một tay bặm trợn đã cầm lựu đạn đến tuyên bố nếu không yêu, anh ta sẽ cho nổ trái chết cả hai… Không biết bằng cách nào Thủy thoát, nhưng ông bảo hồi ấy khi nghe chuyện xui xẻo của cô ông lại thấy vui vui – một niềm vui vu vơ, vậy là Thủy chưa hề cùng ai… Rồi sau ngày hòa bình tìm được nhau ở thành phố ông còn đùa là ông thì thế, nhưng bà nào có để ý đến ông. Bà cười bảo, sao không. Bà còn biết cả cái lần ông qua sông để về lại nội thành, thì bà đang dự đại hội chiến sĩ thi đua cách bến xuân hơn hai mươi cây số. Khi về, bà nghe kể có một anh chàng từ khu tuyên huấn R qua đây cứ hỏi thăm mãi về cô Thủy…
– Thôi… Giờ thì còn gì mà kể. Lão rồi – Bà cười khỏa lấp.
Dường như sự nhắc nhở đã đưa hai người trở về với thực tại. Chuyện lập tức lắng xuống, dành cho vấn đáp riêng tư. “Vâng… Bây giờ vẫn vậy –  Thằng cháu nội lên ba rồi. Hồi đầu năm nay, bố nó ra Bình Thuận quy tập được ông nội về nghĩa trang thành phố – Vậy à… rồi sau khi thôi việc bà sống băng gì – Dào ôi! Có gì mà không sống được, ăn là bao…”. Rồi bà như chợt nhớ ra:
– À, cũng đầu năm nay họ tính chuyện phục hồi đảng cho tôi – Bà hạ giọng. Trầm. Buồn.
– Thì cũng là cái chuyện ấy đấy – Ông quay sang chúng tôi nói to, có ý nhắc chúng tôi đến một sự kiện.
Phải rồi. Ấy là chuyện tôi đã nghe trước lúc bà đến đây. Giải phóng, bà về làm trưởng phòng tổ chức một công ty lớn ở thành phố. Là đơn vị tiên phong “vượt trùng dương” thời đổi mới, công ty nổi như cồn. Nhưng đó là cái phần mỹ miều của mặt boong, còn phía dưới hầm tàu là lời giả, lỗ thật mà tay giám đốc, với nhiều ưu đãi của thời kỳ thí điểm đã mặc sức vơ vét cho túi riêng. Bà viết đơn tố cáo tham nhũng. Như chim chích mổ bồ nông, giám đốc được đề bạt; bà xin hưu non, bị khai trừ đảng vì vi phạm mười chín điều không được làm. Nhưng rồi trời có mắt. Năm ngoái tay giám đốc bị ra tòa. Mười năm tù, không kể tội cũ “bất hồi tố”.
– Thôi… cái gì qua rồi, cho qua luôn – Bà nói, giọng đượm buồn, nhưng rắn rỏi. Không rõ bà bảo cho qua cha giám đốc, hay cho qua việc phục hồi đảng.
Chuyện trở lại rôm rả khi họ hẹn nhau nhất quyết cùng trở lại bến xuân – Mới tập họp được ba ông cũng dân R muốn hành hương – Đã kiếm được xe bảy chỗ – Ba tiếng đồng hồ là đến; cho bõ cái dạo đi theo đường dây phải mất hai ba ngày, qua bốn chặng giao liên mới tới nơi – Ý, quên. Bà nhắc ông, nhớ đem theo thằng cháu nội, chụp hình cho vui…
Rồi họ lại cười. Và con tim đã vui trở lại. Trong ánh mắt của người đàn bà như có một bến nước trong veo, sóng sánh nắng vàng…
Tháng 4.2012
AN BÌNH MINH
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...