Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Con trai đại đội trưởng

Con trai đại đội trưởng

Ông Tèo thương binh mất một mắt, nhà ở Tân Mai. Trước kia ông thuộc lính bộ binh, đánh khắp các chiến trường Đông Nam Bộ. Ông còn nhớ như in từng trận đánh.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh quân ta chia làm 5 mũi tấn công, ông Tèo lúc đó là Trung đội trưởng thuộc cánh quân đánh từ  hướng Đông Nam. Ở trận Nước Trong ông Tèo bị thương khắp người, nặng nhất là ở mắt trái. Tưởng ông chết, đồng đội định đem chôn thì bất ngờ Đại đội trưởng Kính lệnh dừng lại để ông kiểm tra. Hóa ra ông Tèo còn sống!
Ông Tèo kể: Sau nầy chiến dịch kết thúc, quân ta toàn thắng, tui mới biết mình đang nằm điều trị ở Cục hậu cần Quân khu miền Đông Nam Bộ. Không ngờ tại đây tui gặp lại hạ sĩ Thạch, người cùng mũi tiến công với tôi. Thạch kể, nhìn thấy  anh Tèo bất động, nghĩ anh chết nên mọi người đã kéo xuống một hố pháo để tính chôn. Nhưng ngay sau đó, đại đội trưởng Kính bắt anh em đưa anh Tèo lên để ông khám. Đại đội trưởng áp tai vào ngực anh, rùi ra lịnh cho em và một người nữa đưa anh ra tuyến sau giao cho lực lượng địa phương. Nếu hổng có quyết định của đại đội trưởng Kính thì anh Tèo tiêu rùi!
– Thế người có tên Thạch ấy sau đó thì sao hở ba? – Con gái ông Tèo hỏi.
– Thạch chỉ bị thương nhẹ, sau giải phóng 75 cậu ấy tiếp tục tham gia bộ đội tình nguyện sang giúp bạn Lào chống phỉ Vàng Pao. Thạch hi sinh ở cứ điểm Long Chẹng. Thương cậu ấy quá!
Nhà văn Đào Sỹ Quang
Ông Tèo quê gốc ở Sông Bé, cha mẹ đều bị chết trong chiến tranh. Sau giải phóng ông về Biên Hòa lấy vợ làm nghề bán rau ở chợ Tân Mai. Hai người có với nhau ba mặt con, hai trai đầu và một gái út. Các con đều học hết cấp ba, rồi vào trường đào tạo công nhân kỹ thuật. Nay công việc của họ đều đã ổn định.
Ông Tèo tuy là thương binh nhưng còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, đi đứng nói năng cứ ầm ầm. Ông treo tấm biển nhỏ trước cửa nhà: “VÁ HONDA”. Ngày trước ông bị thương, nhưng chủ yếu vào phần mềm, nặng nhất là vết làm hư mắt trái. Ông Tèo thoát tay tử thần là nhờ “quyết định điều tra lại” của đại đội trưởng Kính. Ông bảo, bán hết đất Biên Hòa nầy đi cũng không mua nổi cái đầu của ông. Ý là, công lao của ông Kính là vô cùng vô tận! Một đêm nằm mơ, thấy đại đội trưởng Kính hi sinh, ông Tèo bật khóc. Rồi ông bỏ công đi tìm Đỗ Văn Kính khắp các nghĩa trang liệt sĩ từ Long Khánh, Xuân Lộc tới Đồng Nai, để rồi mang về sự vô vọng!
Hồi còn ở cùng đơn vị, đại đội trưởng Kính Bắc Kỳ và trung đội trưởng Tèo thường hay trò chuyện với nhau về quê hương xứ sở của mỗi người, cũng như chuyện riêng tư. Ông Tèo khi đó chưa có vợ, còn Đại đội trưởng Kính thì đã biết chuyện vợ chồng. Ông Kính là “con trai độc” trong gia đình có ba anh em sinh ra bên dòng sông Hồng. Sợ mất dòng họ Đỗ, nên gia đình đã cưới vợ cho ông mong có thằng cu tí.
*
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam. Về thăm lại chiến trường xưa có đoàn cựu chiến binh miền Bắc – những người từng tham gia trận Nước Trong . Ông Tèo cũng có mặt trong buổi lễ. Da thịt ông giật giật khi được bắt tay vị Tư lệnh Trung đoàn năm xưa. Bất ngờ hơn nữa khi ông nhận ra vị đại đội trưởng Kính Bắc Kỳ của mình.
– Đại đội trưởng của tui! Lạy trời đã tìm được ân nhân cho tui!
– Ông là…?
Ông Kính trong quân phục sĩ quan, ngực đầy huân huy chương sáng lóa. Người ông bỗng như đứng trên chiếc phao chòng chành nơi mặt nước.
– Tui nè, Tèo mà ông đã cứu sống ở chiến trường nầy cách đây ba mươi năm đó!
– Nhớ rồi, nhớ rồi. Tèo, Trung đội trưởng Trung đội Một!
Cảnh vật chiến trường năm xưa đã bị thời gian xóa nhòa. Đại đội trưởng Kính, Trung đội trưởng Tèo chỉ còn nhớ mang máng hướng đánh vào sở chỉ huy địch ở khoảng này, khoảng nọ. Ông Kính kể lại:
– Lần đánh đường 14, quân mình cũng suýt nữa chôn sống một chiến sĩ bị thương. Huyệt đã đào xong thì bất ngờ đồng chí ấy ngọ ngoạy, – ông Kính nhìn ông Tèo cười – cho nên lúc thấy máu me, mặt mũi biến dạng, anh em tưởng ông chết nên tính …
– Thì tính chôn sống chứ gì! Số tui hên là dzậy, nếu không thì giờ hộ khẩu nằm ở nghĩa trang rùi!
 *
Ông Tèo giữ bằng được ông Kính ở lại nhà mình chơi mấy ngày. Với gia đình ông Tèo thì đây là một người khách đặc biệt. Ông giới thiệu với vợ con, anh em bạn bè thân thích về người đại đội trưởng đã cứu sống mình.
Trong cuộc trò chuyện, ông Tèo mới hay ông Kính có con trai đầu học nghề thợ hàn, nhưng công việc thì phọt phẹt lúc có lúc không. Để động viên ông Kính, ông Tèo nói như quyết định:
– Cho nó vô đây làm con tui, tui bảo đảm sẽ có việc làm ngay!
Biên Hòa là mảnh đất công nghiệp, nhiều người Bắc vô đây lập nghiệp. Ông Kính cũng thấy “thèm” mảnh đất này. Chính bản thân ông cũng biết những người quê mình vô Nam giờ giàu có hơn so với nơi quê nhà.
– Ờ để tôi về bảo nó xem sao. – ông Kính nói như kiểu để mà nói, chứ ông chẳng nghĩ tới chuyện cho con vào Nam.
Rồi đến ngày ông Kính phải trở về. Ông Tèo tặng bạn chuyến phi cơ của hãng Vietnam Airlines. Trước khi chia tay để cho ông Kính vào phòng chờ, ông Tèo còn nhắc lại:
– Nhớ cho thằng Huy vô đây nha!
*
Ông Kính về tới nhà, còn chân ướt chân ráo đã kể luôn chuyện gặp người mà mình cứu sống.
Huy khi nghe bố nói thì sướng nhảy tâng lên:
– Bố mẹ cho con vào với bác Tèo nhé!
– Đi xa như thế sợ…
– Làm trai thời loạn còn chả sợ, thời bình đi làm ăn có gì mà mẹ mày phải lo!
Con gái ông Kính động viên anh trai:
– Ngày trước bố hành quân dọc Trường Sơn, bom rơi đạn lạc mà vẫn nêu cao tinh thần cách mạng. Anh Huy đi đi, vào đó người ta sẽ gọi anh là Hai Bắc Kỳ. Sướng nhá, rồi lấy một em gái miền Nam mang về. Làng xóm có mà chả đến nhà đông hơn trẩy hội!
Kế hoạch cho Huy vào Nam lập nghiệp đã đi vào Nghị quyết của gia đình ông Kính. Huy phải làm thủ tục cắt khẩu, gửi hồ sơ để ông Tèo nhập khẩu trước khi xin việc. Phải mất cả tháng trời chờ đợi, Huy mới nhận được tin vui từ bác Tèo.
Huy từ biệt quê nhà vào một ngày cuối xuân. Ông Kính dặn dò Huy như củng cố tư tưởng cho đội quân trước giờ ra trận:
– Phải giữ gìn kỷ luật trong công việc, không sợ gian khổ thì mới nên người!
Ông Tèo từ Nam điện thoại ra căn dặn:
– Xe khách Bắc – Nam tới Bùng binh Tam Hiệp biểu nó cho xuống, rồi kêu xe ôm chở tới chợ Tân Mai. Tới đó hỏi Tèo một mắt vá Hông đa thì ai cũng biết.
Trung thành tuyệt đối với lời căn dặn. Sau gần hai ngày trời, Huy đã đặt bước chân đầu tiên lên miền đất lạ Biên Hòa…
Gã xe ôm trong bộ đồ màu xanh dương cũ, nổ máy chiếc Honda 50.
– Chợ Tân Mai, lên xe!
Ngồi trên xe ôm phóng đi vun vút, Huy đang tưởng tượng về sự gặp gỡ, thì chiếc xe đã dừng tức thì trước cổng chợ. Tài xế giờ mới cười:
– Chợ Tân Mai đây, tìm nhà ai dzậy?
– Dạ, nhà ông Tèo một mắt vá Hông đa ạ!
– Tèo một mắt vá Hông đa, biết rùi, ngồi tiếp!  Chiếc xe chạy chừng 100 mét thì khựng lại trước tấm biển VÁ HONDA. Tài xế xe ôm cất tiếng:
– Chú Tèo ra đón khách Bắc Kỳ nè!
Huy rã rời, tứ chi lỏng lẻo, nhưng đã biết điều chỉnh để nét mặt vui tươi.
– Con chào bác ạ! Con là Huy con bố Kính ạ!
– Rùi rùi, vô nhà đi để bác… – Ý là để bác thanh toán tiền xe ôm.
*
Ông Tèo cùng con trai bàn bạc xin cho Huy vào làm tại một công ty chế tạo máy của Đài Loan.
Thời gian sau Huy dần quen với công việc mới…
Được gần ông Tèo mà Huy hiểu sâu sắc hơn tình đồng đội của những người lính nơi chiến trường.
Ông Tèo sực nhớ:
– Ba má con cưới nhau năm 72, mà sao trong chứng minh ghi con sanh  30 tháng Tư, 75 ?
– Dạ, đúng đấy ạ!
– Lộn rùi, phải sanh 73 mới đúng chứ bộ? Mà thui, càng trẻ!
Ông Kính đi bộ đội năm 1972, huấn luyện bộ binh ở sư đoàn 304 ba tháng thì vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Trận đầu tiên ông tham gia là Chiến dịch đường 14 giải phóng Phước Long. Sau đó ông tiếp tục tham gia nhiều trận khác, cứ sau mỗi trận đánh ông lại được thăng quân hàm, rồi lên tới chức Đại đội trưởng. Quân đoàn của ông đã hợp đồng cùng các cánh quân tiến vào Dinh Ðộc Lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Sau giải phóng, ông Kính còn phải ở lại Sài Gòn với biết bao công việc bề bộn. Ông tham gia quân quản; đánh Tư sản; giáo dục những người lính của chế độ cũ trong thời kì họ học tập cải tạo… Người sĩ quan chỉ huy như không còn thời gian nghỉ. Tuy nhiên mỗi đêm về,  anh Kính lại day dứt nhớ nhung người vợ trẻ đẹp của mình. Anh viết về cho vợ những lá thư dài chan chứa tình cảm … Đến năm 1977, anh Kính tiếp tục tham gia chống bọn Khmer Đỏ khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Đến năm 1978, anh mới được trở về quê hương của mình…
*
Đang làm việc ở Công ty thì Huy nhận điện thoại của dì Thảo, em gái mẹ: Huy về ngay, bố đang nguy kịch ở bệnh viên Bạch Mai. Nhớ là không về nhà mà vào thẳng bệnh viện nhé! Dì và mẹ đang ở đây, nhớ đấy!
Ông Tèo khi nghe tin bạn mình lâm bệnh đã gửi Huy mang về một số tiền và căn dặn: Tình hình ra sao phải báo tin ngay cho bác biết nghe con. Dặn dò vậy mà  ông Tèo vẫn đứng ngồi không yên.
Huy từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội sau hơn hai tiếng đồng hồ, rồi gọi taixi chạy thẳng về bệnh viện Bạch Mai, tìm đến phòng cấp cứu thì gặp cô Minh người cùng làng. Cô đon đả:
– Huy mới ra hả cháu?
– Vâng, mẹ cháu điện vào nói bố cháu ốm nặng nên phải ra ngay, thế cô sao lại ở đây? Cô Minh hơi bối rối, rồi trả lời:
– Mẹ nhờ cô đi cùng để chăm sóc bố cháu. Mẹ mới về nhà, mai đến.
– Bố cháu nằm ở đâu ạ?
– Ở phòng chăm sóc đặc biệt, giường số 2, mới ở phòng cấp cứu ra sáng nay, nhưng bác sĩ chưa cho người nhà vào.
Bệnh nhân giường số 2, mặc đồ bệnh viện, hai mắt nhắm nghiền. Người nhà chỉ nhìn thấy ông qua tấm kính. Nhìn bố mà Huy như tụt hết năng lượng.
Cô Minh hỏi thăm Huy về tình hình công việc nơi đất người. Rồi cô kể về bệnh tình của bố Huy. Đôi mắt cô không giấu nổi sự lo âu. Cô Minh lấy chồng ở xã trên, nên Huy cũng không rõ cho lắm mà chỉ nghe mang máng. Huy cũng không dám hỏi về mối quan hệ giữa cô Minh với gia đình mình, sợ bị cho là anh em mà không biết nhau.
Một người đàn ông da ngăm đen, đeo kính đen, đầu đội mũ lưỡi chai vải dù, chân đi giày ba ta. Quần tây xanh đen không còn mới. Áo sơ mi màu rêu đen cũng không mới. Ngoài cùng là chiếc áo gió màu boọc đô. Vai ông khoát chiếc ba lô học trò, cũng lại cũ nốt. Ở ông mọi cái đều cũ. Huy là người đầu tiên phát hiện ra ông:
– Ôi, bác Tèo! Bác ra tận đây…
Một sự thật hi hữu như bịa. Huy giới thiệu ông Tèo với cô Minh để hai làm quen:
– Thưa cô, đây là bác Tèo bạn chiến đấu cùng bố cháu, nhà ở Biên Hòa, người đã giúp đỡ cháu vào Nam để xin việc làm.
Cô Minh nét mặt tươi vui:
– Cảm ơn bác, bác chu đáo quá!
– Tui phải ra xem ổng thế nào, chứ ngồi nhà thấy lòng không yên! Ngày xưa nếu hổng có ổng là tui thành ma rùi.
Cô Minh chỉ biết gật đầu cười mà chẳng hiểu ra sao. Huy đưa bác Tèo ra ngồi ở hàng ghế dành cho người nhà bệnh nhân, rồi bảo cô Minh ngồi cùng, còn mình đi mua nước uống…
*
Cô điều dưỡng, xem chừng quá mỏi mệt từ phòng chăm sóc bệnh nhân đi ra. Huy tới gần cô hỏi:
– Thưa cô cháu có thể vào thăm bố cháu ở giường số 2 được không ạ, cháu mới từ miền Nam ra?
Cô điều dưỡng ngập ngừng như đang lựa chọn một tình huống. Ông Tèo cũng đi tới nhìn cô điều dưỡng bằng ánh mắt cầu khẩn, lo âu, chờ đợi…
– Bệnh nhân giường số 2 bị thần kinh nặng lắm, tiêm thuốc ngủ chắc nửa tiếng nữa mới tỉnh. Từng người vào thăm, nhìn thôi không được ồn ào!
– Dạ!
Huy bước vội vào thăm bố mà sao… bảng ghi tên ở đầu giường bệnh nhân số 2 lại là Nguyễn Văn Thóa? Huy chạy ra ngoài gặp cô điều dưỡng để hỏi cho rõ.
– Thế người nhà tên gì?
– Dạ, Đỗ Văn  Kính ạ!
– Ở đây không có Đỗ Văn Kính nhé!
Huy và ông Tèo thảng thốt nhìn nhau chẳng hiểu ra sao? Cô Minh, giờ  như người mất hồn, như có cục đá dăm mắc trong cổ họng. Cô kéo Huy ra một chỗ nói nhỏ: Bệnh nhân giường số 2 chính là bố đẻ ra cháu đó và ông ấy là anh ruột của cô. Mình là hai cô cháu. Huy lặng người, như một tử tù nhận thi hành án! Thân mình Huy chùng chình…
Ông Tèo thì người như muốn lên cơn cuồng nộ. Như có ai đó đã thay mất cái đầu của mình!  Tính khí người Nam Bộ thẳng tưng, ông chạy vào giường số 2 nhìn bệnh nhân, rít lên giọng khô khốc:
– Đây có phải là Đỗ Văn Kính Đại đội trưởng uýnh trận Nước Trong  hông? Tèo  đây?
Tuyệt vọng!
Bệnh nhân như người đã chết! Ông Tèo  cố mở to mắt nhìn lần nữa rồi thất vọng:
Lộn thiệt rùi, Đỗ Văn Kính đâu có to bự thế nầy!
Bỗng bệnh nhân vùng dậy mồm há hốc kêu toáng lên:
– Ới ới… cho tôi xin cho tôi xin Kính ơi cho tôi xin Kính ơi…
Ngay lập tức các y bác sĩ đã có mặt để ổn định trật tự…
Ông Tèo nhìn Huy như nhìn con quái vật, nói gì khào khào chẳng hiểu, rồi im lặng. Sự im lặng của ông làm người ta tưởng tượng tới hàng ngàn mũi tên lao ra! Huy run rẩy kéo ông ra ngoài:
– Bác ơi, nghe con nói này: Bệnh nhân giường số 2 chính là bố đẻ của con đó. Đó là một sự thật đớn đau…
– Không phải là Đại đội trưởng Đỗ Văn Kính của tau ha?! Mi không phải là con Đại đội trưởng của tau ha!?
– Dạ!
– Xin lỗi, thế thì tau dzề! Đù má!
Ông Tèo bứt đi cái “lẹ”…
– Bác ơi, bác ơi!…
Không được rồi, sao đủ sức giữ được bước chân của người lính từng vào sinh ra tử nơi trận mạc.
*
Ngày tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, xã đội trưởng Nguyễn Văn Thóa nghẹn ngào mà khí phách:
– Các đồng chí yên tâm lên đường giết giặc, ở hậu phương đã có chúng tôi lo! Tiền tuyến hậu phương tuy hai mà một! Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược! Các đồng chí sẽ trở thành những dũng sĩ diệt Mỹ, những anh hùng! Hậu phương không quên ơn các đồng chí!
Đỗ Văn Kính thay mặt 12 tân binh đáp từ xã đội trưởng:
– Chúng tôi xin thề, chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương!
Xã đội trưởng Thóa, thời gian sau được điều xuống làm Cửa hàng trưởng Cung tiêu hợp tác xã, vì lí do sức khỏe.
Anh Kính lên đường để lại người vợ tên Thi đẹp như cô Tấm, sống cùng bố mẹ mình. Rồi cô được Ủy ban Nhân dân ưu tiên cho ra bán ở cửa hàng cung tiêu. Cô thường ngủ lại ở cửa hàng, cô đơn đằng đẵng. Trên đầu giường cô là những cánh thư của chồng đã bị nhòe đi. Cánh đồng làng khô hạn vẫn mong chờ cơn mưa về.
Cửa hàng trưởng Thóa thường có mặt ở cung tiêu. Con nai nhận được ánh đèn của kẻ đi săn, nhưng không dám nói ra điều gì. Lốc lịch trên tường mang dòng chữ Giáp Dần  1974.
Nước chảy đá mòn. Cánh hoa rừng bỗng mắc mưu “con dê đực”.
Quấn chặt  đến thế nào mà cái bụng vẫn cứ phồng lên. Làm sao qua mặt được những người đã biết thế nào là đau đớn? May là nhà chồng có trái tim vàng. Họ xin cho con dâu nghỉ bán hàng. Rồi bí mật đưa kẻ lầm lỡ về nhà người thân ở tận nơi xa tít gửi gắm chờ ngày sinh đẻ. Ngày đó phá một thai nhi đâu dễ dàng như bây giờ. Người ta chỉ quan tâm tới tiền tuyến! Và một thằng bé đã ra đời đúng vào ngày Sài Gòn giải phóng, 30 Tháng Tư…
*
Cả làng mừng vui đón anh Kính trở về sau ngày chiến thắng. Người vợ cười mà sao ngượng ngùng, rồi vụt tắt, thay vào đó là sự lo lắng và sợ hãi như con thú đã biết trước mình sắp lên bàn mổ.
Đêm về, cơn mưa rào đang sẵn sàng đổ xuống cánh đồng khô cạn. Nhưng…
– Không anh ơi, hượm lại đã! Anh giết em đi! Em có tội với anh lớn lắm!
– Lại chuyện mẹ chồng nàng dâu chứ gì?
– Không anh, bố mẹ thương em lắm…
– Thì là tội gì?
– Em kể ra thì anh chết mất, em là người phụ nữ hư hỏng…
Mưa mỗi lúc một to hơn… Nàng dâu cũng không thể đủ can đảm làm theo lời bố mẹ chồng đã bày tính từ trước: Thằng Kính về, con không được khai gì với nó, phải trước sau như một. Còn thằng Huy hôm này đón về thì nói là xin nó làm con nuôi. Nhớ đấy, khai ra thì thằng Kính nó giết cả nhà! Hơn nữa việc này mà lộ ra thì cả họ Đỗ này thành mặt mo!
– Em kể đi, anh chịu đựng được, em yêu người đàn ông khác là cùng chứ gì!
Người vợ giãy nảy…
– Anh biết rồi phải không anh…?
Ngày xưa cô Thi vẫn nói, chồng mình là một chiến sĩ anh hùng! Và trái tim người vợ ấy đã kể hết câu “chuyện tình khốn nạn” không mong đợi…
– Là thế đó anh ơi! Anh giết em đi!
Trái tim người Đại đội trưởng năm nào như bị lưỡi dao vô hình khứa vào … Trái tim ấy từng ra lệnh tha tội chết cho những tay súng không tiếc đạn bắn vào dân thường.
Người Đại đội trưởng  ấy đã lao ra khỏi nhà giữa đêm mưa như nhả đạn…
Xóm làng  bỗng như có giặc chạy về. Tiếng chó sủa inh tai nhức óc…
Và, đây rồi. “Nhà nó đây rồi”! Mặc cho chó dữ xông ra, người chiến sĩ vẫn lao vào.
– Thóa, Thóa, dậy ngay dậy ngay!
Cánh cửa thép còn bị phá tung, huống hồ cánh cửa gỗ mỏng tang. Tiếng chó sủa càng như điên loạn. Những ánh đèn dầu trong làng bừng sáng. Nhà nào nhà nấy như có trộm vào.
Hú vía cho người mắc tội. Tiếng người đàn bà trong ngôi nhà ấy:
– Ông phải ra để cho nó chém đầu, dám làm thì phải dám chịu! Nhục quá là nhục!
– Bà ra giữ nó giúp tôi!- một âm thanh yếu nhớt.
– Không! Tôi không ra!  Nó cần gặp ông chứ đâu cần gặp tôi. Chết đi cho mát mặt còn hơn sống nhục!
– Có mở không thì bảo?! “Bằm bằm bằm…” – Âm thanh phát ra do va chạm giữa những quả đấm thép với “cánh cửa phòng ngự”.
Tiếng then cửa rần rần vài nhịp. Ánh đèn dầu Hoa Kỳ leo lét.
– Chú Kính hả, khổ quá, vào nhà đi, ướt hết cả rồi! – giọng người đàn bà như kẻ sắp chết.
– Thằng Thóa đâu? Mày là đồ khốn nạn. Cán bộ ngủ với vợ bộ đội! Tao đi đánh giặc để cho chúng mày ở nhà phá phách hả?
– Cứ vào nhà đi chú. Ông ấy nhà tôi tội đáng chết lắm rồi…
*
Trái tim khổ đau đã trở về căn phòng hạnh phúc. Hạnh phúc trong ngoặc kép, khi trời vẫn đen như mực. Mưa vẫn ào ào như muốn xóa sạch vùng đất sông Hồng.
Chạy theo trái tim đau khổ đó là người đàn bà tội nghiệp – người “tay ấp má kề” của kẻ phạm tội…
Đôi vợ chồng già đón con ở cửa, mặc cho mưa rơi ngập trời. Họ như người có lỗi. Họ vồ lấy con trai mình như kẻ điên dại. Họ khóc. Họ than: “Con ơi, nó chỉ là một đứa bị người ta dụ dỗ, trong phút giây dại khờ…”.
Người đàn bà kia mặt mũi nhợt nhạt, đau khổ đến tột cùng, thấy đôi vợ chồng già liền chắp tay lậy sống lậy chết:
– Con xin lỗi ông bà, xin lỗi chú Kính! Nhà con khốn nạn quá… hu hu…
– Chị về đi, không phải lậy như thế. Mặc chiếc áo mưa này về đi! Về đi, chị sao mà có tội! Về đi cho làng xóm người ta ngủ…
Người chiến sĩ bỗng can đảm trở lại, đôi mắt ráo hoẳnh. Anh khoác tấm áo mưa cho người đàn bà, rồi dìu ra cổng, không quên nói lời an ủi:
– Thôi chị, việc đã rồi. Chị về nghỉ đi, coi như đây chỉ là một cơn ác mộng!
Người đàn bà ấy bật lên âm thanh nghẹn đắng, nói câu chập chờn nhưng cũng đủ hiểu:
– Chú tốt lắm! Chú hãy thương cô Thi, cô ấy không hề có tội…
– Hiểu rồi, chị về đi.
Người con trai nhìn sang bố mẹ như đang chết đứng.
– Thầy u vào ngủ đi, đứng đây làm gì!
Từ trong buồng, cô Thi chạy ra, gục ngã, chắp đôi tay xin lỗi bố mẹ chồng, xin chồng thứ lỗi…
*
Đôi vợ chồng già nằm bên nhau nghĩ chuyện nàng dâu, đáng thương, đáng trách. Nhưng có lẽ đáng thương vẫn choán trọn trong thâm sâu của họ. Họ đang mở toang thính giác, nhìn xuyên qua bức tường vách đất vào trong căn buồng bằng ánh mắt con tim… Nơi căn buồng ấy có đôi chim câu, con cái đã gãy cánh. Nó đang chờ mong con đực cứu chữa đôi cánh cho mình…
Và họ đã nghe thấy tiếng con chim đực:
– Hãy đón Huy về, nó đâu có tội…
Ngoài hiên mưa vẫn rơi, thánh thót giọt vắn giọt dài…
ĐÀO SỸ QUANG
____________
Đào Sỹ Quang (1954 – Hội viên Hội VHNT Đồng Nai)
– Nguyên giáo viên dạy môn Vật lí Trung học phổ thông
– Nguyên lính sư đoàn 304 – Mặt trận Quảng Trị 1972
– Nguyên học viên lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hà Nội, 2016)
– Quê quán: Thái Nguyên, hiện sống và làm việc ở Tp. Biên Hòa, Đống Nai – viết văn, viết báo, vẽ.
– Đã xuất bản 7 tập sách
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Võ Chí Nhất: “Quả ngọt” từ truyện trinh thám 21 Tháng Hai, 2023 Võ Chí Nhất sinh năm 1993, hiện đang công tác tại quê nhà ở hu...