Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Lê Kim Yến: Chiều biển động

Truyện ngắn Lê Kim
Yến: Chiều biển động

Úp cái chén vào trong khay xong, cô ba thở dài đánh sượt cái, cái buồn nhẹ nhẹ ở đâu chen vào rồi đẩy tiếng thở của cô ba ra xa chút mà lại đi thật xa luôn. Từ ngày ông Huấn về ở với cô, con bé Na 5 tuổi nhà đối diện nó cứ quen gọi ổng là ông chú ba, rồi nó ríu rít như ổng là người đem lại dương khí cho nhà cô ba, mà ai trong xóm cũng nghĩ vậy chứ riêng gì con bé. Lâu nay, mình cô ra vô ngôi nhà có khoảng sân đầy hoa dã thảo, tường cổng lúc nào cũng kín mít. Cô đi làm rồi về chơi với mảnh vườn đó, thỉnh thoảng có nói chuyện thì cũng ghẹo ghẹo bé Na. Chiều nay, nó thò cái đầu ướt mẹp mồ hôi vào hỏi: Na hông thấy ông chú ba.
Rẩy rẩy cái tay cho ráo nước, cô ba bắc cái ghế ra sân, tay bưng ly trà mật ong ngồi hóng gió. Cái mùa gì mà thời tiết lạ kỳ, gió biển thổi ào mà như mang cả chảo lửa úp theo, hanh hanh rít rít. Cô ba thở ra đánh sượt cái nữa khi nghĩ ông Huấn đang về ăn cơm với vợ chồng con trai ông ấy. Ừ! Thì rổ rá cạp lại mà, ổng thấy đâu vui thì ổng tới! Kệ ổng đi! Cô ba tự động viên mình rồi nhấp ly mật ong cho hạ nhiệt.
Nhà văn Lê Kim Yến (Quy Nhơn – Bình Định)
Cái tên cô ba nghe cũng ngộ ngộ, già già. Cô ba gàn bảo 55 tuổi ai lại đi gọi Hạ Ni, nghe trẻ con lắm. Hồi trẻ, cô ba xưng là Ni. Về già, với đám trẻ con thì xưng là cô ba, gọi riết thành quen. 35 tuổi, cô với chồng ly hôn. Hai vợ chồng cô ba không có con. Cô ba về sống ở căn nhà này từ tiền vợ chồng chia đôi căn nhà lớn. Cô ba làm văn phòng cho Công ty gia đình, nói là làm văn phòng chứ cô ba như quản gia cho công ty. Tính cô ba nhanh nhẹn lại chu đáo nên chị Giám đốc coi như người thân, chuyện giao tiếp, sổ sách đa phần cô ba nắm giữ, lương bổng được ưu đãi như bọn kỹ sư nên cuộc sống của cô ba thoải mái. 20 năm làm việc cho một chủ, cô cũng được tạo được nhiều điều kiện. Cô ba thích đi du lịch, thời gian cho phép là cô ba kéo vali đi ngay. Hài lòng với cuộc sống mình đang có, tự do một mình dù nhiều mối mai dặm ngõ.
Rồi cô ba quyết ưng ông Huấn khi ông gần nghỉ hưu. Mỗi người không thể chọn cho mình một gia đình lành lặn hay sứt mẻ, cô ba cũng sợ mẻ một lần nữa nếu cô chọn phải người không hợp với mình. Một phần cũng vì tâm lý có người nương tựa tuổi già, dù trước đó, cô ba nói không biết tuổi già và kiếp sau, cái nào tới trước. Cô lý giải là do kiếp nào đó của ông mắc nợ ổng hay ổng mắc nợ cô nên kiếp này phải gặp nhau để trả hoặc đòi cho hết nợ. Hai con người ở cái tuổi sống cho mình, họ mong mỏi một cuộc hôn nhân lành lặn và êm ái.
Mọi sự quyết định đều có giá của nó. Cô ba cũng xin chị giám đốc cho nghỉ ở tuổi 55. Hai con người hết việc xã hội sẽ toàn phần dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Vợ ông Huấn mất hơn 20 năm, ông có hai con một trai và một gái đều thành đạt. Khi còn đương chức, ông Huấn cũng vài lần muốn đi bước nữa nhưng hai con đưa ra tối hậu thư là vợ sau của ông phải hơn tuổi chúng. Rồi duyên nợ ông cũng lở dở vì ông chưa thấy ai hơn người vợ cũ chứ chưa chắc vì “tối hậu thư” của con ông..
Con ông Huấn là những đứa có học và ăn minh. Chúng nhìn cô với cặp mắt rất tử tế và đối đãi nhã nhặn nhưng cô ba chưa tìm thấy sự ấm áp trong cử chỉ của chúng. Ừ, mà cũng đúng! Ông Huấn thương cô chứ đâu phải con ông thương cô. Cô đâu thể thay thế hình ảnh người mẹ trong lòng chúng được. Trước khi chính thức về ở với ông Huấn, cô ba ảo tưởng về hình ảnh một người mẹ được thay thế. Tiềm thức mẫu tử trỗi dậy trong lòng cô ba. Hàng ngày, cô nhìn những đứa con cháu ông Huấn đi làm về, chúng sà ào cô ríu rít kể chuyện trong ngày. Chúng đòi những món ăn cô ba nấu và hít hà khen ngon hơn nhà hàng. Cô ba bật cười, đôi khi sự ảo tưởng mang đến hạnh phúc và bản lĩnh mà bình thường cô ba không thể hình dung được. Và rồi, ảo tưởng đó bị dập tắt khi một tình cờ cô ba biết được gần đây, ông Huấn đã sang tên cái nhà 3 tầng ở đường Trần Hưng Đạo cho trai lớn và hai lô đất khác cho cô con gái. Cô ba chạnh lòng khi nghĩ tới điều này nhưng rồi cô chép miệng, cô có cần điều này đâu, cái cô cần là tình già đến với nhau lúc xế chiều. Đàn bà luôn có những lý lẽ biện minh cho điều mình muốn, nhất là con tim.
Hai người làm mâm cơm nhỏ cúng gia tiên và vợ trước ông Huấn để đi về hợp lẽ. Ông Huấn ở với con trai lớn nên 2 người quyết về nhà cô ba ở cho thoải mái. Lúc mới về, hai người tíu tít như chim non, rộn ràng, tươi tắn như những cặp “vợ chồng son” khác. Cô ba nhuận sắc hẳn lên. Bọn kỹ sư trẻ trên công ty tới nhà thăm cứ ghẹo cô ba, biết vậy em gả chồng sớm cho cô ba bớt khó tính, tụi em đi công trình về đỡ run. Chúng cười ầm ầm lên, nháy mắt nhau, ra điệu bằng hai bàn tay dập dập vào nhau, bảo không có gì thông bằng cái này. Cô ba chửi bọn nhỏ nhưng mắt sắc ngời hạnh phúc.
Ở với nhau mới hiểu tính nhau. Cô ba quen ở một mình và không quen chăm ai. Từ lúc có ông Huấn về ở cùng, cô ba tự soạn lại mình, mỗi ngày cũng chỉn chu hai bữa cơm cùng nhau. Tính ông Huấn kỹ, mà kỹ đến giật mình. Trước khi quyết định về với nhau, cô ba với ông Huấn cũng hẹn hò đôi ba bận. Cô nhìn thấy ông cũng nhẹ nhàng, phóng khoáng, thậm chí cô còn nhìn thấy ở ông sự hào sảng khi ông cười. Nhưng những điều này đã dần đi đâu, cô nhìn thấy ở ông một kiểu người khác, một kiểu người mà cô khó có thể hình dung ra được. Về nhà cô ba, ông Huấn tự chỉnh sửa lại hết những nơi để đồ đạc trong nhà theo ý ông, cái rổ xanh để chỗ nào, rổ đỏ để ở đâu, thau vàng là một góc khác và cứ như vậy, cô ba phải tuân theo sự sắp đặt nới của ông. Bữa cơm cô nấu, chỉ cần cô cắt miếng thịt lớn hơn ý ông muốn là y như rằng bữa cơm đó chỉ ăn toàn lời “giáo huấn” của ông. Cô ba thích đi chơi xa, ông Huấn thích mang mấy đứa cháu nội ngoại về nhà chơi đùa, trông ẵm, la hét, nhảy nhót ầm ĩ. Ông Huấn ăn nhạt, cô ba thích ăn mấy món đậm đà. Ông Huấn thích nằm máy lạnh 19 độ, cô ba chỉ chịu được 28, mỗi tối cô ba quấn cái chăn nằm co ro bên góc dước giường né hướng máy lạnh, còn ông Huấn nằm phơi cái bụng xệ với cái quần đùi rằn góc trên.
Cô ba thấy ông không vui cũng cố gò mình lại, chiều theo ông cho yên cửa, vui nhà. Vợ chồng mà! Duy chỉ có một điều cô ba không hài lòng, đó là việc ông so sánh cô ba với “má thằng Bi”- cách ông gọi vợ trước của mình. Cô ba làm gì không ừa ý ông Huấn đều nói ngay, má thằng Bi hay làm thế này, má thằng Bi hay làm thế kia, má thằng Bi giỏi chuyện này, Má thằng Bi khéo chuyện khác. Cô ba ức lắm, có hôm cô ba khóc oà nói với ông Huấn: Em là Hạ Ni! Ông giật mình, tự hứa sẽ không nhắc nhưng rồi ông Huấn quên ngay như thể “má thằng Bi” là kim chỉ nam cho hôn nhân của ông với cô Ba.
Cô ba với ông Huấn dần không tìm được tiếng nói chung. Cô ba quẫn lắm nhưng bước chân lấy chồng lần 2, không cho phép dở bỏ như trước, còn cái làm sao ăn nói với bạn bè, họ hàng. Cô nghĩ ông Huấn cũng vậy, ông cũng đang cố gắng giữ sỉ diện như cô.
Càng cố thì càng căng, hai con người hai tính nết nhưng không đủ yêu thương và bao dung nhau cho quãng đời còn lại, cái họ đang giữ đó là sỉ diện của mỗi người,  mọi việc không còn êm đềm như trước nữa. Sự nặng nề lại dần lớn trong ngôi nhà có khoảng sân đầy hoa. Mỗi người lại đi tìm cho mình một sự thảnh thơi khác. Ông Huấn ít ở nhà hơn. Ông lấy cớ về trông cháu cho con trai đi làm trong đợt dịch Covid và ở lại nhà con trai hơn tuần nay, mặc cho cô ba vui buồn, đúng sai trong ngôi nhà đã đầy bóng ông.
Nhấp thêm ngụp trà mật ong, ngước mắt nhìn khoảng trời trong xanh bên khoảng trống của vòm mái hiên, cô ba thèm cảm giác cũ, cảm giác của đám mây nhỏ đang bay kia, nhẹ nhàng, tự do và an yên.
Tháng 5.2020
LÊ KIM YẾN
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...