Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Ước mơ của Nguyệt

Ước mơ của Nguyệt

Sài Gòn vào hạ, trời chợt mưa chợt nắng. Thi thoảng vài cơn giông như hối thúc lòng người, như hù dọa những kẻ yếu tim.Trời nổi gió, rồi cơn mưa đến bất chợt, đất chưa kịp thấm ướt,nhưng cũng vừa đủ tưới đều cái xác thân rã rời của Nguyệt. Trên con đường trở về nhà, lối dành cho xe máy, Nguyệt điều khiển tay lái với tốc độ ì ạch, lơ đễnh. Nước mắt hay nước mưa từng dòng rơi xuống. Một taychị cố giữ cho xe thăng bằng, một tay đưa ra phía sau, chị cố gắng luồn vào từng ngón tay nhỏ bé của con gái, như tìm một làn hơi ấm.
Nguyệt lắng nghe từng vị mặn ở đầu lưỡi, cái vị mằn mặn, mà chị nghĩ sẽ không bao giờ tự nhiên tác động, quấy rối mình. Nó có thể bắt đầu bằng những cảm xúc, những rung động từ tận cùng phế phủ. Chị biết, chị đang khóc, chị đang trong trạng thái rất yếu đuối. Cảm giác đang hiển hiện tồi tệ ấy, không phải là con người của chị, chị không bao giờ muốn rơi một giọt nước mắt nào, phương châm sống của chị là phải đấu tranh, phải vươn mình đứng dậy, phải là chính mình không lệ thuộc vào bất kỳ ai. Dù sự xa xót vẫn luôn khiến chị mủi lòng, xúc động.
Nhà văn trẻ Hồ Xuân Đà với tác phẩm 
“Bồ công anh nhỏ” mới xuất bản
Nhưng hình như từ sâu thẳm của tư duy, thường xuất hiện một thứ tình cảm, mà lý trí đành phải bất lực, Trên mặt phẳng của trí tuệ, chị thường tri kiến với chính mình. Rằng phải giải phóng năng lượng của bản thân để phụng sự cho tha nhân. Chị không coi tình yêu cá nhân là tất cả của đời mình nữa, chị muốn sống cho lý tưởng, cho ước mơ. Đôi khi Chị muốn chuyển dịch trong cái motus orbicularis (chuyển động lượn vòng), giống như sự chuyển động lượn vòng của một con Diều hâu bên trên một cái gì cám dỗ vô hình. Rồi Chị quyết định, muốn làm một điều gì đó, để xây dựng xã hội, muốn mình không chỉ bằng lòng với bữa cơm, cái tấm áo, những ham muốn đời thường.
Từ những hoài bão, ước mơ, đã thai nghén và nuôi lớn dần theo tỉ lệ thời gian. Nguyệt đến với con đường văn chương một cách say mê, đầy nhiệt huyết với tâm niệm tự cứu rỗi chính mình, chia sẻ những trải nghiệm có được bằng những sai lầm được nuôi bằng nước mắt để tồn tại và thành công ấy, đến với những người phụ nữ khác. Là một người đàn bà tự lo kinh tế cho gia đình, tự vào bếp chăm chút từng những điều nhỏ lẻ nhất cho các con, chừng đó thôi đã ngốn hết thời gian, chỉ cần tạm ổn là người ta đã cho rằng hoàn hảo rồi, chị lại thêm bôn ba với con chữ.
Hàng đêm, gát tay lên trán chị luôn ưu tư khắc khoải, câu chuyện này, mảnh đời kia buồn quá, những đứa trẻ nọ cô đơn bất hạnh, những gia đình đìu hiu, những cuộc tình ma mị, những cám dỗ đời thường. Con người yếu đuối, không đủ sức tự vượt qua  những cạm bẩy, là những bài toán khó của cuộc đời. Là vòng tuần hoàn, mà chu vi không biết giới hạn ở đâu. Khi tâm của nó thì có thể ở mọi nơi.
Chị đau đáu trước những vấn đề thời cuộc, phận đàn bà lo chuyện của vĩ nhân, của sinh tồn loài người, nghe sao thật xa xỉ. Mỗi khi, ngồi trong một nhóm bạn, chị đem những ước mơ, những lý tưởng của mình tâm sự, trước việc muốn thay đổi điều gì đó cho xã hội, trông chị thật khác người. Bạn bè chị, ngay cả người thân, đều mỉm cười lơ đi, chị cô đơn, loanh quanh trong mớ hỗn độn của chính mình. Chị tiếc thay ở nơi những con người không lãnh hội được, sự thiếu tâm hồn cởi mở và có lẽ thiếu cả chiều sâu, để thông hiểu bất cứ điều gì. Nếu đó không phải cách sống quen thuộc của họ.
Chị thất vọng, chán nản. Chị chẳng buồn chải tóc, ngồi nốc từng ngụm rượu gạo, rồi nửa đêm nôn thốc nôn tháo. Đêm ấy, chị cứ tưởng, mình chết đi thật rồi, cả lý tưởng, tâm hồn và thể xác rã rời. Mùi rượu, mùi tanh chua, chỉ khiến người ta muốn ói khi nhìn cảnh tượng lầy nhầy, chát đắng của một con đàn bà bất đắc chí, không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Nóng hầm hực, như búa bổ vào từng sợi dây thần kinh, nghe như tiếng đứt ra từng đoạn một. Lổn nhổn, láo nháo.
Không biết rồi Nguyệt sẽ xoay sở với những mớ bòng bong, hỗn tạp ấy. Chuyện đời, chuyện người, chuyện sống với ước mơ từ thuở bé ra sao.
Nguyệt cố gắng đào xới, từ trong tiềm thức sâu thăm của chính mình. Những mối liên hệ tinh thần, tình cảm, Ôi có ý nghĩa gì, đó cũng là một mớ từ ngữ được người đời sử dụng một cách khinh xuất. Nhưng khi đã đối mặt thực tế với cuộc sống. Hẳn sẽ e dè trước sự mơ hồ, ma mị của nó.
Để trở thành một nhà văn, trở thành một người dám nói lên tư tưởng, nguyện vọng của mình, như một người nói thay nhiều người, như một nhân chứng của thời cuộc. Chị miệt thị cho cái khao khát không tưởng ấy, bản thân chị còn chưa lo xong cái thân của mình, thì lấy bản lĩnh gì để làm những điều to tát cho thiên hạ kia. Khát khao của một người phụ nữ dừng lại đơn giản vậy thôi sao?
Vài tháng sau, một người chị hàng xóm, sát bên nhà qua đời, vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Trước đó, cứ mỗi năm một sự cố lần lượt đè xuống gia đình tội nghiệp này. Lần lượt, đưa người chồng và hai đứa con trai qua đời, vì những căn bệnh của thế kỷ và tai nạn giao thông, chỉ trong vòng ba năm.
Nguyệt qua thăm, theo đúng tinh thần bà con xa không bằng láng giềng gần. Nguyệt cầm lấy tay chị, nước mắt tự nhiên rơi ào ào, không cách nào ngưng lại, dù không là tình thân, không là máu mủ, chỉ với tình làng nghĩa xóm, giữa con người với nhau. Nhìn người đàn bà bệnh hoạn, đôi gò má da bọc xương, bụng dưới đau từng cơn khô khốc đang cào xé tấm thân tội nghiệp, bà ta nằm nghiêng quay mặt vào sát bên tường, như cố nén lại từng cơn đau không muốn ai nhìn thấy. Tâm trạng của một con người khi bế tắc, vượt ngoài sức chịu đựng của thân xác, không còn muốn sống nữa, miệng luôn xin những viên thuốc ngủ để an giấc nghìn thu, không muốn vì mình mà đề thêm gánh nặng cho đứa con gái út đơn độc đi tiếp trên quảng đường đời còn lại.
Những hình ảnh đó, mãi luôn ám ảnh trong tâm trí Nguyệt. Một cuộc đời chỉ ngắn vậy sao? Một cuộc đời đau khổ đến thế sao? Dù rằng, người ta vẫn thường nói trên đời này đàn ông luôn là trụ cột, và đàn bà được sinh ra là món quà của thượng đế trao tặng. Cái chết này, cảnh tang gia của một người đàn bà quanh năm chăm sóc chồng con, cái bếp, cái quần, cái áo không dám mặt cho đẹp, ki cóp từng đồng, vỗ về từng giấc ngủ, khóc lóc, cầu nguyện bao lần, muốn ngất đi. Mà cuộc đời có tha thứ đâu, chồng con toàn dính vào tệ nạn xã hội, ngay cả chính mình thì định mệnh cũng ban cho cái án tử của căn bệnh ung thư. Người đàn bà hàng xóm ấy chết không hề nhắm mắt, dù hết người này, đến người kia vuốt mặt, van vái. Mãi đến chiều tối đứa con gái Út duy nhất còn lại nói bước đến gần bên mẹ thổn thức:
– Mẹ cứ đi đi, con hứa sẽ xóa hết mấy cái hình xăm trên người, rồi con sẽ lấy chồng, con không ở một mình đâu. Mẹ hãy yên lòng mà nhắm mắt đi theo ba và hai anh. Con sẽ sống tốt. Sẽ ổn thôi mà!
Cô bé vừa nói xong, như một phép lạ, đôi mắt người mẹ từ từ khép lại. Người của trại hòm cùng bà con, họ hàng tiến hành khâm liệm. Chẳng nhiều người thân ruột thịt, nhưng có rất nhiều người khóc.Họ nhìn lên những di ảnh của những người đã khuất trong nhà mà lặng yên không ai nói với ai lời nào. Chỉ lặng lặng phụ con bé gái lo chuyện ma chay cho người mẹ suốt một cuộc đời lam lũ, bất hạnh.
Bữa chợ hôm sau, mấy bà hàng quán gặp Nguyệt hỏi thăm, đủ thứ điều về chuyện của cái đám tang người hàng xóm ấy, rồi họ xót xa, thương cảm, lo lắng cho tương lai cô con gái út, đơn độc bước đi trong cuộc đời đầy cám dỗ. Rồi họ tiếp tục buôn chuyện, xì xào đến hoàn cảnh của vợ chồng bà Tám bán bún riêu, rằng ông Tám có nhân tình, về đánh bà Tám một trận nhừ tử, hay chuyện cô giáo trường trung học kia bị chồng cấm vận không cho ra khỏi nhà. Rồi vài bữa trước nữa thì có cô bán nước mía kia vừa mới ly hôn, nuôi hai đứa con nhỏ một mình, vì lý do chồng không có khả năng nuôi dạy, vì đang dính nghi án lừa đảo. Chuyện buôn chuyện nối dài trong những buổi họp chợ.
Nhìn lại bản thân mình, Nguyệt không dám xới lên cái tâm trạng rã rời của quá khứ, đang muốn ngủ yên trong tiềm thức, những trăn trở đã bào mòn xác thân  hồn phách. Những tháng này ấy, ngục tù, khổ ải, với quần ống thấp ống cao, với mùi khai của nước tiểu con dại, mùi oi bức nhếch nhác của căn phòng trọ rẻ tiền ẩm thấp, xuyền xoàn. Nguyệt không muốn nhớ lại, giấu nó vào trong ký ức, khóa ngăn kéo thật chặt, không bao giờ dám mở ra.
Nhưng rồi, lý trí cũng đánh thức, vực Nguyệt đứng lên đi tiếp trên con đường ước mơ trở thành một người đàn bà viết văn, xem văn chương như lý tưởng, là con đường giáo dục đúng nghĩa của con người. Nguyệt muốn từ những trải nghiệm của bản thân, biến những đau thương thành nghị lực, lồng ghép chắc chiu từng cảm xúc, đưa nghệ thuật sáng tạo lên đỉnh của thăng hoa, truyền tải đến  người đọc những liều thuốc bồi dưỡng tinh thần, để hoàn thiện một lối sống nhân văn hơn.
Khi ký ức tưởng đã chôn vùi ấy, đã trở về. Nguyệt gặp vô số rào cản, từ chính bản thân mình, và những người chung quanh. Họ nói nhiều lắm, những gì chị xây dựng, những gì chị tâm huyết là giáo điều, là không thực tế, giữa một thời cuộc đã không còn học tập từ những cuốn sách, việc đọc những câu truyện trên giấy đã quá xa rời thực tế trước sự phát triển của thời cuộc, đang chạy đua với hưởng thụ, làm giàu. Nguyệt rơi vào khủng hoảng, trong màn đêm không tìm ra vì sao dẫn lối.
Mang tâm trạng cô đơn và đau khổ ấy, suốt  ba tháng trời gặm nhấm suy tư. Nguyệt tự kỷ trong căn phòng khóa kín tư tưởng của chính mình, và quyết tâm cho bằng được. Phải thực hiện một cuốn sách về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, cùng các bà mẹ. Nguyệt lên kế hoạch chuẩn bị cho một buổi ra mắt sách với truyền thông, bạn đọc thật chi tiết, chu đáo, Nguyệt tự tin lắm, mạnh dạn lắm, xông xáo lắm, bắt đầu những cuộc gặp giao lưu bàn bạc cho tác phẩm. Một công việc, mà bất cứ người viết văn nào cũng phải nên thực hiện để tác phẩm của mình được công chúng biết đến. Cùng thời điểm đó, Nguyệt bắt đầu gặp những cơn sang chấn tâm lý do chính người yêu thương mình ban cho. Nguyệt không muốn nghĩ tới, vì người đồng hành không tin Nguyệt có thể làm được.
Nguyệt chỉ nên là bông hoa đứng yên thôi cũng đẹp, chỉ nên cam phận trong bộ quần áo thướt tha, làm một người đàn bà tìm hạnh phúc cho bản thân trước, đừng nên nói gì tới lý tưởng xây dựng xã hội. Nguyệt ghét quá, chán tất cả, tiếc nuối cho một cuộc hẹn, một kịch bản ra mắt sách đã chính tay mình soạn rất chi tiết, phải bỏ ngang, chỉ vì một tình yêu ích kỷ.
Trên con đường trở về nhà, những hạt nước mưa vẫn còn vương trên bờ tóc rối, từng vệt dài của dòng nước mắt vừa khô. Nguyệt nặng nề, chán nản tấp xe vào lề, ngay cạnh một người phụ nữ bán hoa dạo dọc đường. Nguyệt cảm giác như muốn được cùng ai đó chia sẻ những bực bội, thất vọng đang no đầy trong cơ thể.
Một chút e dè, như ngại bắt chuyện với một người xa lạ, Nguyệt mở cốp xe, lấy ví tiền thanh toán hai bó hoa hồng, những tác phẩm của Nguyệt chuẩn bị để mang vào trung tâm thành phố tặng cho một người có uy tín trong làng văn, vẫn còn nguyên vị trí, khi cuộc hẹn đã bị hủy rồi. Nguyệt xa xót, cầm lên và nhìn ngắm nó, tiện tay chụp cho sách vài kiểu ảnh bên cạnh hoa hồng, hoa hướng dương, hoa thạch thảo đằm thắm rực rỡ trong nắng.
Người phụ nữ bán hoa, đầu đội nón lá, khẩu trang bịt nửa khuôn mặt, chừa lại hai con mắt đủ để giao tiếp với khách hàng, giờ đã tháo khẩu trang ra và đặt câu hỏi:
– Cô ơi, cô làm nghề gì, mà phải chụp sách vậy, nhìn cô say mê quá!
– Dạ, tại vì đây là những cuốn sách do em tự viết ra, là những ưu tư khắc khoải hàng đêm, hàng giờ, nên em phải yêu quý nó chị à!
– Tôi ngày xưa còn trẻ rất thích đọc truyện ngắn, giờ cuộc sống cơm áo, nên cũng mai một dần.
– Vậy chị cho phép em được ký tặng chị những cuốn sách này nhé.
– Thế thì còn gì bằng, nhà chị mấy đứa con đều thích đọc sách em à!
– Ôi! Hóa ra hôm nay em may mắn quá, gặp được một người hào hứng với sách, là hạnh phúc vô cùng của người viết văn đó chị.
– Chị thì cảm thấy rất tâm đắc, ngưỡng mộ những người tạo nên các tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm dành cho người lao động.
– Dạ, trước đây em cũng là người như chị, buôn gánh bán bưng, rồi em nhìn những cảnh người ta khổ, em quyết tâm trở thành một người ghi lại những nỗi đau khổ ấy, canh cánh bao ưu tư, rồi sau năm năm, hôm nay em đã thực hiện được.
– Chắc là em hạnh phúc, nhưng sao chị thấy gương mặt, ánh mắt của em buồn quá. Thần thái không tốt chút nào! Cố gắng lên em ạ, làm đàn bà đã khó, huống chi là một người đàn bà viết văn. Làm việc gì cũng không vất vả bằng việc viết đâu em, đau đầu lắm!
Nói rồi, người phụ nữ ấy, chọn cho Nguyệt một bó hoa hướng dương, Nguyệt nhất quyết trả tiền, nhưng không được. Đường về nhà, xa lại rất xa, Nguyệt chầm chậm trên con đường cao tốc, với những câu hỏi miên mang trong tâm tưởng. Người đọc đang truyền cảm hứng cho người viết, đủ động lực để nuôi lớn cái bào thai cho đứa con sáng tạo của người viết được khai sinh.  Hay người viết có nhiệm vụ phải truyền tải những tín hiệu thăng hoa của tinh thần và tạo nên những cảm xúc đồng hành cùng người đọc?  Ồ! Thì thật là phiêu bồng. Việc ta cố tạo dựng một cái tên trong bản tin của truyền thông, không bằng ý nghĩa của việc sống chất lượng hơn với cuộc đời chính mình, để mang vào trang viết những câu truyện thật sự giá trị và hữu ích cho cuộc sống hàng ngày.
Con gái của Nguyệt ngồi phía trước, không biết đã nghe được những gì từ các cuộc nói chuyện của người lớn, nó ra bộ hiểu biết, ủi an mẹ:
– Không sao đâu mẹ, mẹ đừng buồn, con không thích mẹ buồn, mẹ vẫn còn có con và anh Hai mà! Đừng khóc nha mẹ!
Chị hôn lên tóc con gái mình, và tiếp tục lái xe về phía trước, giữa dòng container đang chen từng vòng bánh vào cảng, khéo léo trên từng km, chị về tới nhà.
Đêm ấy, Nguyệt quên đi tất cả, ngủ trọn một đêm với ước mơ của chính mình, và lại bắt đầu những buổi len lỏi trong những câu chuyện, làng xóm láng giềng, cùng những buổi họp chợ náo nhiệt, ồn ào nghiệt ngã.
4/7/2020
Hồ Xuân Đà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...