Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Bàn tay nát và con chuột phẳng

Bàn tay nát và con chuột phẳng

1. Hắn chưa bao giờ tin những cái gọi là bói toán, tướng số, tử vi… Có lần, một gã cha căng chú kiết tình cờ gặp đã xem chỉ tay của hắn rồi phán: “Cuộc đời anh rối như mạng nhện!”. Hắn cười nhạo báng: “Sao không thêm là nát như tương?”. Gã kia tròn mắt: “Hóa ra anh cũng biết xem chỉ tay à? Đúng thế đấy! Một cuộc đời nát như tương”. Hắn càng cười thêm, cười thành tiếng.
Ôi trời! Nhìn vào những đường chỉ tay của hắn thì ai chẳng nghĩ được như thế cơ chứ! Ngoài ba đường chỉ cơ bản như mọi người, bàn tay của hắn còn có thêm hai đường dọc, cắt đứt ba đường cơ bản kia. Rồi thêm nhiều đường râu ria khác, ngang dọc, ngắn dài… khiến thoạt nhìn cứ ngỡ hắn bị ai chém nhiều nhát vào cả hai bàn tay mà nên nỗi!
Ba mươi năm hơn đã qua đi, bây giờ hắn ngồi đây, trên khoảng đất trống phía trước cây xăng “Đổ đầy” bên một phía xa lộ Hà Nội với lỉnh kỉnh đồ nghề và tấm bảng ván ép có sơn dòng chữ: “Sửa xe gắn máy, xe đạp”. Địa điểm “kinh doanh” này không xa “nhà” của hắn là bao. Nơi hắn về ngủ hàng đêm chính là nơi một chị phụ nữ đặt chiếc xe bán nước giải khát về phía phải cây xăng, mỗi buổi chiều dọn dẹp xong, chị gửi hắn trông coi giùm để về nhà với chồng con. Hắn chỉ việc kéo cái giường xếp ra phía sau chiếc xe là có chỗ ngủ. Thỉnh thoảng vào một buổi tối nào đó, hắn cũng tham dự một cuộc nhậu bình dân với nhóm nhân viên ở cây xăng. Mồi là trái cóc, trái xoài chua hay sang hơn là miếng khô đuối, con khô mực. Rượu thì chỉ có một loại: rượu ngâm chuối hột.
Nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải
Tối nay lại có một cuộc nhậu vào lúc 9 giờ, giờ cây xăng “Đổ đầy” hầu như không còn khách. Chủ xị là chú Tèo. Lý do nhậu là chủ xị muốn giải sầu. Lúc ra chỗ hắn ngồi sửa xe, chú nói: “Tối nay nhậu với tao. Ngày mai tao nghỉ làm rồi”. Hắn ngạc nhiên: “Sao bất ngờ vậy?”. Chú Tèo thở khì: “Người ta không muốn mướn mình nữa thì đuổi chớ sao!”.
– Chà! Bữa nay đã có mồi khô mực, lại có thêm hột vịt lộn nữa. Sang chảnh dữ ta! – Một cậu nhân viên trẻ nói.
– Sang chảnh gì! – Chú Tèo lên tiếng – Có hột vịt lộn là tại tao muốn cho cái cuộc đời này nó lộn lại đúng với lẽ phải… Vậy thôi!
Ai cũng hiểu tâm trạng của chủ xị. Nhất là hắn. Chủ cây xăng ghen tuông đánh đòn thù đây mà! Đứng tên nhưng ông chủ không có mặt thường xuyên mà giao cho bà vợ trông coi, trực tiếp thu tiền. Mấy lần ghé qua, thấy vợ có vẻ thân mật với chú Tèo, một lần ông chủ kéo riêng chú ra nói: “Tui cảnh cáo chú, hổng có léng phéng với vợ tui nha!”. Chú Tèo sừng sộ: “Ông đừng có vu khống tôi nghe chưa! Chừng nào bắt quả tang trai trên gái dưới hẵn nói!”. Chủ tức quá, xáng bạt tai nhân viên. Mọi người phải chạy lại can ngăn chớ không, không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Vụ này cách nay đã nửa năm. Và bây giờ, chủ kêu “Bán buôn ế ẩm quá. Chú thông cảm kiếm chỗ khác làm vậy”.
Bốn người 4 hột vịt lộn, “sực” trước mồi khô mực. Vậy mà cũng “đưa cay” tới 3 lần. Hắn nổi hứng đọc “thơ chế” từ hai câu của Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu rượu thuyền không khẳm. Phạt mấy thằng gian uống lập lờ!”.
– Hay! – Chủ xị lớn tiếng – Tới đây tao mới nhớ. Nè, hai đứa kia có biết thằng sửa xe này từng có thời là nhà thơ hay không? Đọc một bài của mày nghe chơi coi!
– Thôi… nhắc cái thời thơ thẩn đó làm chi chú ơi! – Hắn từ chối.
– Mày không chịu đọc thì tao đọc! – Chú Tèo ực hết ly rượu – Đừng tưởng tao vũ phu lỗ mãng không có tâm hồn thi sĩ mà lầm. Thơ của mày, tao thuộc không ít bài đâu. Đây, để tao đọc mấy câu. Coi nào… Ta không phải là ngôi sao / Cớ chi thấy mình vĩ đại / Ta khôn hay ta dại / Khi xa tình yêu của em…
Một cậu nhân viên hỏi nhỏ:
– Vậy chớ sự thật chú có gì với bà chủ không?
– Thằng này láo! Ai cho phép mày tò mò chuyện đó chớ? Phạt mày một ly không mồi…
Hắn tủm tỉm cười. Có trời mới biết chuyện gì đã xảy ra giữa chú Tèo và bà chủ cây xăng. Giống như chuyện tình của hắn và nàng thơ một thời. Nói nào ngay, hắn cũng được trời phú cho chút tâm hồn thi sĩ. Chẳng thế mà hắn đã dám quyết định từ chối một chỗ làm phù hợp với cái bằng cử nhân luật để làm một chân đánh máy của phòng văn hóa, nơi có điều kiện giúp hắn tiếp cận với giới văn nghệ sĩ. Nàng thơ của hắn có sạp vải ngoài chợ, hắn tình cờ quen khi đi ngắm chợ, vô tình đụng làm rớt cái áo treo bán của nàng. Sau đó hắn làm thơ tặng. Như một hình thức chuộc lỗi. Nào ngờ nàng mê thơ hắn. Hắn gửi mấy bài qua báo và được in một bài, chính là bài thơ đầu tiên viết tặng nàng thơ của mình. Một hôm nàng đóng cửa sạp rủ hắn đi chơi. Chẳng có gì phải suy nghĩ. Hắn độc thân. Nàng thì đã ly dị chồng, lại chưa con cái. Nàng buôn bán có đồng ra đồng vào. Hắn lãnh lương tháng hạng bèo. Đi chơi, nàng bao hết. Sau lần đầu còn mấy lần nữa. Giá mà cậu nhân viên hồi nãy biết chuyện, có hỏi: Sự thật hắn có gì với nàng thơ của mình không? Thì hắn sẽ không lỗ mãng như chú Tèo mà tự hào trả lời: “Không có gì mới là chuyện lạ!”.
Dù sao thì chuyện cũng đã qua lâu lắm rồi, hầu như hắn đã quên. Tại vì chú Tèo nhắc chuyện làm thơ, hắn mới nhớ. Bây giờ nàng thơ của hắn ra sao, hắn không quan tâm tìm hiểu. Ích gì, khi hai người đã chia tay sau một lần nàng nói với hắn: “Cưng đừng có lo. Em dư sức nuôi cưng cả đời mà”. Hắn mà phải bám váy đàn bà để sống sao? Nàng đã xúc phạm hắn nặng nề, không thể tha thứ!
– Tao ức vụ bị đuổi việc này lắm. Hổng chừng tao thuê luật sư kiện cho ra lẽ… Ờ mà nè, nếu tao nhớ không lầm thì mày cũng từng là luật sư thì phải, hả thằng sửa xe kia…? Hay là mày lo vụ này cho tao đi, tính giá hữu nghị nha…
Nghe chú Tèo nói, hắn lại buộc phải nhớ tới một thời đã qua. Chú Tèo nhớ không sai, sau khi bị “nàng thơ” sạp vải xúc phạm, hắn buồn đời bỏ làm thơ luôn. Sẵn một thằng bạn rủ qua làm nhân viên một văn phòng luật sư tư, hắn xin nghỉ ở phòng văn hóa. Thằng bạn nói: “Tụi mình còn trẻ, qua đây tập việc một thời gian rồi kiếm cơ hội mai mốt tiến thân”. Cái “một thời gian” thằng bạn nói kéo dài cả năm trời vẫn chưa thấy dứt. Hắn không chờ đợi được. Hắn muốn mau chóng thoát khỏi cảnh lãnh lương ba cọc ba đồng, lại chưa biết bao giờ mới ngẩng mặt nhìn đời được. Một cô nàng bán thuốc tây chợ trời mà hắn là mối hàng mua thuốc ngủ gợi ý hắn hợp tác với lý do hắn biết tiếng Anh, có thể đọc dịch các toa thuốc để hướng dẫn khách hàng. Hắn nghe có lý, bỏ việc ở văn phòng luật sư tư, mặc thằng bạn can ngăn.
Hắn đã quyết định đúng. Việc hợp tác với cô nàng bán thuốc tây giúp hắn có tiền, nhiều tiền. Có lúc tư vấn cho người bệnh, hắn đã tưởng mình là một bác sĩ, dược sĩ chính hiệu! Hắn thuê nhà ở riêng, thỉnh thoảng “hợp tác” với cô nàng thuốc tây một đêm theo kiểu tình cho không biếu không. Thật là một quãng đời thoải mái. Gặp thằng bạn vẫn sáng vác ô đi tối vác về ở văn phòng luật sư tư, hắn tự hào nói: “Cuộc sống của tao bây giờ cũng là một cách tiến thân!”. Tiếc là sự tự hào của hắn không kéo dài được lâu, sau khi cô nàng thuốc tây bị bắt.
– Tui nói thiệt nghe chú Tèo. Con kiến mà kiện củ khoai thôi. Chú mà có thắng thì cũng tốn kém thời gian đi tới đi lui mà có bồi thường cũng chẳng bõ bèn gì. Thôi! Bỏ qua đi chú. Kiếm việc chỗ khác mà sống cho nhẹ cái đầu… Còn cái chuyện với bà chủ cây xăng, chú cứ coi như một giấc mơ dữ vậy là xong… – Hắn chân tình khuyên chú Tèo.
– Nhưng mà tao ức lắm…
Tiệc nhậu kéo dài đến gần 12 giờ đêm. Hết mồi nhưng 4 người vẫn “mần” hết 6 xị chuối hột mới chia tay, chú Tèo nhất định chạy xe về nhà, hai cậu nhân viên cây xăng về chỗ trực để… ngủ. Hắn cũng ngả lưng trên cái giường xếp. Vẫn chưa say! Hắn nghĩ thế. Có nghĩa là hắn sẽ phải trằn trọc khó ngủ như mỗi lần uống chưa đủ “đô”.
***
Hắn khó ngủ thật! Nằm một lát, hắn ngồi dậy kiếm chai nước uống một hơi gần hết cho đã cái miệng khô khát.
Ngày ấy cũng là ngày hắn uống rượu say. Uống với một phụ nữ lạ mới quen khi cả hai cùng lỡ chuyến xe đêm phải chờ tài nhất hôm sau. Chị kia nói là về quê ở với cha mẹ ít ngày vì cãi nhau với chồng. Còn hắn thì tìm đến nhà một thằng bạn, cùng địa phương chị kia về. Hắn mời chị ăn tối. Hắn kêu rượu uống một mình. Chị kia đòi uống theo. Hắn hiểu tâm trạng của chị, để mặc cho chị làm theo ý thích. Hai người cùng say. Hai người mướn chung một phòng trọ chật hẹp lúc đầu mỗi người nằm một giường, gần sáng thì hắn giật mình thức dậy trước, thấy mình và chị phụ nữ nằm chung một giường không một mảnh vải che thân. Hai người ngượng ngùng không dám nhìn mặt nhau. Trời còn mờ tối mà hắn vẫn gọi chủ phòng trọ để trả tiền rồi kêu xe ôm chở về, không chờ tài nhất đi đến nhà bạn nữa.
Tiếp theo là một chuỗi ngày vô định. Hắn vẫn còn một số vốn sau đợt hợp tác buôn thuốc tây để tiêu. Hắn uống rượu vừa để giải sầu vừa mong rượu sẽ giúp hắn thăng hoa, nghĩ ra một việc làm nào đó. Vài ba ngày, hắn bỏ tiền để ngủ đêm với một em nào đó… Cứ thế cho đến một ngày kia, hắn đọc báo rồi tìm đến địa chỉ nọ, xin làm gia sư môn tiếng Anh. Hắn được nhận dạy hai đứa con chủ nhà, tuần 3 buổi chiều với mức lương không cao không thấp. Thôi thế cũng ổn được phần nào. Thời gian rảnh, hắn vẫn uống rượu và hay ra bến xe với hy vọng gặp lại chị phụ nữ đêm hôm nào…
***
Hắn thiếp đi lúc nào không hay. Chỉ tới khi nghe chị bán nước giải khát tới dọn hàng kêu dậy, hắn mới tỉnh giấc.
– Tối qua nhậu hả?
– Dạ… Lai rai với chú Tèo. Chú ấy bị đuổi việc rồi…
– Tui biết! Thằng chủ cây xăng “đánh ghen” đây mà… Còn chú đó, chú cũng phải coi chừng. Vô chơi trong cây xăng thì nhớ tránh chuyện trò với bà chủ…
– Dạ, em biết. Nhưng em bệ rạc thế này, ai mà thèm hả chị!
– Thì tại chú thôi, chính chú khiến chú ra nông nỗi này chớ ai…
Hắn đi ra xe bánh mì mua một ổ kẹp thịt quay trước khi đến “sở làm”, chờ ai đó dẫn xe gắn máy xẹp bánh tới… Tối qua nhậu, hắn đã bỏ qua một việc: đi bộ ngược chiều xe chạy rải vài chục cây đinh ra xa lộ…
Chắc tại vậy mà cả buổi sáng hắn ế khách. Hắn đoán là ngày hôm qua nhóm thanh niên tình nguyện đã chạy xe hút đinh qua đoạn đường này mà hắn không để ý thấy.
“Thì tại chú thôi”. Chị bán nước giải khát nói không sai chút nào.
Từ việc dạy kèm hồi đó, hắn được chủ nhà giới thiệu qua một tư thục làm quản sinh. Việc kèm Anh văn được thỏa thuận lui xuống các buổi tối.
Hắn được gọi là thầy dù không đứng lớp dạy học. Đó là điều chưa bao giờ hắn nghĩ đến. Tiếng xưng hô “Thầy” sao mà cao quý, sang trọng quá! Ừ nhỉ! Sao hắn không gặp ban giám hiệu trình cái bằng cử nhân luật và chứng chỉ C Anh văn để xin một chân dạy học, thay vì chỉ làm quản sinh. Hắn từng nghĩ như thế nhưng chưa kịp thực hiện. Điều khiến hắn đau khổ là gần đây hắn phát hiện ra mình đã trở thành một kẻ nghiện rượu! Ngày nào thiếu rượu, hắn bứt rứt khó chịu, dễ cáu gắt và đôi lúc hành động như một gã điên!
Trong trường có một nhóm học sinh vừa lười học vừa phá phách. Tụi này thường xuyên đi học trễ. Hắn đóng cửa không cho vào trường. Nhất định không cho vào mặc bọn học trò năn nỉ, kể cả xin “hối lộ” tiền. Vài lần như thế, hắn được gọi lên ban giám hiệu. Không phải để nghe khen mà là nghe “phân tích”: trường mình là trường tư, có học trò mới tồn tại được. Thầy không sai nhưng thầy “cứng” quá không được đâu.
Hắn ức lòng mà phải nén.
Một hôm hắn lại phải đối phó với nhóm quậy kia. Giờ vào học đã trôi qua 15 phút, bọn này mới đến trước cổng trường.
– Thầy ơi! Làm ơn cho tụi em vô học đi thầy…
– Thầy ơi! Lỗi tại bà chủ quán đem cà phê ra trễ chớ không phải lỗi tụi em đâu…
Hắn không nói câu nào, lặng lẽ ra mở cổng. Lũ ôn con “lễ phép”:
– Dạ, tụi em cảm ơn thầy! Bữa nay thầy dễ “xương” quá!
Hắn giơ tay ngăn cả bọn:
– Khoan vô lớp đã. Vô phòng quản sinh với thầy một lát!
Bọn học trò không hiểu thầy quản sinh có ý gì nhưng vẫn nghe lời hắn, nối đuôi nhau vào phòng. Hắn ngồi sau bàn làm việc, bảo cả bọn đứng quanh phía trước mặt mình. Bất ngờ hắn lấy ra chai La vie đặt lên bàn.
– Cái này là gì các em có biết không?
– Dạ… nước suối…
– Dạ… nước tinh khiết đóng chai…
Hắn gọi một nam sinh:
– Vậy em lại đây uống thử một ngụm coi!
Thằng học trò hăng hái bước tới, mới mở nắp chai nó đã kêu lên:
– Thầy ơi! Đây là rượu mà!
Hắn lấy lại chai rượu:
– Phải! Đây là rượu! Đứa nào uống được một ngụm thì vô lớp. Không uống được thì cút khỏi trường!
Cả bọn đứng im thin thít.
Hắn bật cười:
– Thầy đùa chút thôi. Mấy đứa coi nè…
Hắn cầm chai rượu tu một hơi hết phân nửa trước những đôi mắt tròn xoe của đám học trò.
– Từ ngày mai, đứa nào lộn xộn sẽ bị bắt vô phòng quản sinh uống rượu! Nghe rõ chưa?
Việc làm không giống ai của hắn đã khiến đám học trò hư đi học đúng giờ. Chúng cũng ít quậy phá mọi người.
Nhưng hắn thì bị gọi lên gặp ban giám hiệu. Ông hiệu trưởng nói: “Hành động của thầy có hiệu quả tốt. Nhưng nó không được phép diễn ra trong môi trường sư phạm. Nhà trường cảm ơn những đóng góp của thầy thời gian qua, nhưng chúng tôi rất tiếc phải cắt hợp đồng với thầy…”.
Hắn không một lời biện bạch hoặc nài xin. Tại hắn cả!
2. Thỉnh thoảng, hắn lại gặp tay đầu trọc dáng người to lớn chạy xe tay ga từ trong con đường bên hông cây xăng “Đổ đầy” ra xa lộ rồi hướng về phía Hố Nai. Lần nào cũng vào khoảng 8 giờ hơn, giờ xe cộ có lượng lưu thông lớn trên đường. Thôi thì đủ loại xe qua lại. Xe công-ten-nơ, xe tải lớn nhỏ, xe buýt, xe con công tư, xe gắn máy… Xe nào cũng chạy tốc độ nhanh, đó là chưa nói chuyện lấn tuyến, bấm còi inh ỏi…
Nhưng “sở làm” của hắn buộc phải ở gần sát đường. Nhờ “trời”, những cái đinh mà hắn thỉnh thoảng lén rải đã giúp hắn có khách lai rai. Hắn không dại rải nhiều, không dại ngày nào cũng rải. Ăn tham dễ mắc nghẹn. Ăn ít no dai. Đó là nguyên tắc của hắn.
Nhưng tại sao hắn lại chú ý đến tay đầu trọc? Đơn giản thôi! Vì khi chiếc tay ga vừa leo lên mặt đường nhựa là tay kia ném một vật gì đó ra phía giữa đường, nghe “bịch” một tiếng trước khi rồ ga phóng thẳng. Rác! Hắn đoán vậy và chắc mình đoán không sai. Thì đúng là rác. Có điều đó lại là một con chuột, to, loại chuột cống, đã chết. Những chiếc xe đủ loại chạy qua, nối đuôi nhau, bóp còi inh ỏi. Vì vậy hắn phải nhìn thật kỹ mới thấy đó là con chuột. Những chiếc xe cũng nhanh chóng cán lên cái xác chuột. Không lâu, hắn nhìn ra, không còn thấy con chuột đâu nữa. Nó đã bị đè bẹp, xác rã ra, từng nhúm thịt dính vào nhiều loại bánh xe, theo bánh xe đi tới đâu không ai biết. Coi như nó đã biến mất một cách “sạch sẽ”!
Lần này tay đầu trọc cũng ném ra đường một con chuột. Hắn cũng vừa có khách, một cô gái chạy xe gắn máy số. Bánh trước chiếc xe xẹp không còn một chút hơi thảm hại. Hắn cắm đầu làm việc, phục vụ khách hàng cũng là nạn nhân của mình. Thì đó, cây đinh bẻ cong của hắn mới rải tối qua chứ còn ai trồng khoai đất này. Hắn làm rất lành nghề. Mười phút sau thì ngẩng lên nói: “Xong rồi!”. Cô gái hỏi tiền, hắn trả lời rồi đợi nhận tiền. Khi khách lên xe đi tiếp, hắn mới nhìn về phía con chuột bị ném ra, tin rằng sẽ không nhìn thấy gì nữa, giống như nhiều lần trước.
Nhưng không! Con chuột vẫn còn đó, gần chính giữa làn đường phải. Hắn không nén nổi tò mò, rời khỏi “sở làm” bước ra sát mép đường mà nhìn. Đúng là con chuột vẫn còn đó. Nó nằm dán người sát mặt đường. Thế nằm của nó rất đẹp, trọn vẹn. Những chiếc bánh xe đã lần lượt cán lên người nó, phần thịt có lẽ bị văng theo bánh xe nhưng bộ lông của nó thì còn nguyên, tạo thành hình thù một con chuột nằm, đầu phía trước, đuôi phía sau, 4 chân xoạc ra 4 phía!
Một con chuột phẳng! Hắn nghĩ và phì cười một mình. Con chuột phẳng này chẳng liên quan gì đến “con chuột” của máy vi tính, cũng chẳng dính dáng gì đến cái gọi là “thế giới phẳng”!
Hơn 9 giờ, tay đầu trọc trở lại. Gã đi làn đường ngược tới chỗ quẹo thì quay lại và phải mất vài trăm mét mới đến con đường rẽ về nhà. Xe gã đang đi thì lảo đảo. Hắn mỉm cười “Mày dính đinh của tao rồi con ơi! Tao sẽ phải cực đây vì xe mày là loại tay ga. Nhưng tao sẽ chém đẹp”.
Tay đầu trọc dẫn xe vô “sở làm” của hắn.
– Làm được không?
Bây giờ hắn mới có dịp nhìn rõ mặt tay đầu trọc. Ôi, gã không chỉ trọc đầu mà trên hai cánh tay trần còn đầy hình xăm. Tai gã đeo hai cái khoen vàng lớn, cổ là một sợi dây chuyền như sợi xích!
– Được! Nhưng hơi lâu một chút. Phiền anh ngồi đợi.
– Ghế ngồi đợi đây à? Bẩn thỉu quá!
– Vậy anh qua bên xe nước giải khát kia ngồi uống cà phê đợi…
– À… hiểu rồi! Cò mồi cho quán nước chứ gì… Này, vá tử tế nghe chưa!
Vừa bước được vài bước, tay đầu trọc chợt quay lại:
– Này, có phải anh bạn rải đinh khúc đường đằng kia không?
Hắn không trả lời. Cũng không nghe tay đầu trọc nói thêm gì. Liếc mắt theo dõi thì thấy gã kia đang tiến tới gần xe nước giải khát…
Hắn hoàn thành công việc. Đưa ngón tay vào miệng, hắn huýt một tiếng sáo báo hiệu cho khách. Tay đầu trọc đứng lên lững thững tiến về phía hắn. Lấy tiền trả, chủ chiếc tay ga lại hỏi:
– Anh bạn rải đinh phải không?
Hắn nổi nóng:
– Anh đừng nói bậy!
– Bậy bạ gì… Mấy thằng sửa xe dọc xa lộ này bây giờ đều vậy cả…
– Anh đừng vơ đũa cả nắm nghe chưa! Khi nào bắt quả tang hãy nói…
Khách đã ngồi lên xe. Hắn không tha:
– Còn anh đó! Mấy lần tôi bắt gặp anh ném chuột chết ra đường… sáng nay cũng ném một con…
Tay đầu trọc nhảy ra khỏi xe, tiến tới nắm ngực áo hắn:
– Mày nói gì, mày có ngon thì nói lại tao nghe coi…
Hắn không còn biết sợ, chỉ tay ra chỗ con chuột phẳng:
– Xác con chuột còn đó. Anh ném nó ra đường, làm ô nhiễm môi trường…
Một cú đấm giáng mạnh vào cằm hắn.
– Ô nhiễm hả! Này, cho mày ô nhiễm…
Hắn la lớn:
– Bớ người ta, nó đánh tôi…
Một cậu nhân viên cây xăng “Đổ đầy” chạy ra can thiệp. Chị bán nước giải khát cũng chạy ra. Mấy người đi đường dừng xe lại hỏi: “Chuyện gì vậy? Sao lại đánh nhau?”. Tay đầu trọc lớn tiếng: “Thằng này nó rải đinh làm cho xe tôi cán phải. Nó vá rồi chém tôi trăm bạc. Tôi đánh cho nó chừa”. Hắn cũng gân cổ lên cãi: “Nó đổ vạ cho tôi vì tôi phát hiện nó ném chuột chết ra đường. Xác con chuột còn kia kìa…”.
Một người đi đường nói:
– Thôi huề đi! Đánh nhau lộn xộn, công an tới bây giờ…
Tay đầu trọc lên xe, trước khi đi còn ném lại lời hăm dọa: “Mày coi chừng tao. Có ngày mày no đòn đó con…”.
Hắn bị đánh tím cằm, bầm môi, chỉ chưa bị chảy máu. Anh nhân viên cây xăng, chị bán nước giải khát an ủi hắn mỗi người một câu rồi trở lại chỗ làm việc của mình. Cũng không còn người đi đường nào đứng lại.
Hắn ngồi trên chiếc ghế đẩu mà tay đầu trọc chê là bẩn thỉu, le lưỡi liếm liếm chỗ môi bầm. Ánh mắt hắn tình cờ nhìn về phía con chuột phẳng. Đời hắn đúng là nát như những đường chỉ tay, đúng là nát như tương chứ không phải chỉ là rối như màng nhện. Nhất thời hắn đã nghĩ: “Mình chạy ra đường cho xe cán chết dẹp như con chuột cho rồi”.
Mừng là hắn chỉ nghĩ thế.
“Tại mình tất cả!”. Hắn tự trách. Sực nhớ lời hăm dọa của tay đầu trọc, hắn thở dài. Kiểu này thằng đó không chỉ nói suông mà nó sẽ làm thật. Nhà cửa của nó trong xóm kia, nó có anh em, bạn bè, cả bọn kéo ra thì mình có chạy đằng trời! Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách!
Chắc chắn hắn phải dọn “nhà”, chuyển “sở làm” thêm lần nữa!
7.11.2015
KHÔI VŨ
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoa cải bùa mê – Tản văn của Võ Văn Thọ 20 Tháng Hai, 2023 Giêng hai hoa cải đã vươn ngồng nở rộ, khắp các mảnh vườn triền sông và cả ...