Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Chỉ vậy mà họ đã gặp nhau

 Chỉ vậy mà họ đã gặp nhau

Tiếng gầm éo éo của xe cấp cứu, tiếng rên rỉ của những bệnh nhân, mùi thuốc, mùi hóa chất, mùi cồn xộc lên từng đợt. Cứ hết ca vào rồi ca ra, tiếng cười tiếng nói của những người xa lạ từ giã nhau để về nhà, những khuôn mặt ngơ ngác tay xách nách mang tìm phòng, số dường, tìm người thân… Không khác gì bến xe, bến tàu. Sự ngột ngạt khiến Minh có vẻ không quen, hắn đi ra ngoài hành lang để tìm một làn gió mới.
Nhà văn trẻ Văn Lê Tám
– Chú nuôi ai trong này vậy? Giọng hỏi của một ông già có nước da đen nhẻm, hàm răng vàng, tóc trắng bù xù, miệng cười hiền hòa phì phèo nhả khói thuốc.
– Dạ! Vợ cháu ạ! Minh quay sang đáp.
– Vợ chú bị sao?
– Dạ, té xe gẫy xương chậu.
– Trời! nặng giữ…. Hề hề.
Than nặng nhưng miệng cười hề hề vô tư lự. Ông ngồi xếp bằng trên cái chiếu trải xuống nền gạch, nút áo không cài một cái nào, để lộ cái bụng cóc với một vết sẹo dài dưới rốn. Nhìn như ông thổ công.
Mới tiếp xúc với ông cụ được vài câu hỏi nhưng Minh cũng đủ hiểu ông cụ là một người vui tính, khề khà, dễ gần. Chẳng biết ông là bệnh nhân hay chăm bệnh, nhưng nhìn thần thái vô tư và đầy tự tin của ông cũng đã giúp cho Minh yên tâm hơn phần nào về bệnh tình của vợ.
– Cho tui ngồi ké với! Ngày nào giờ này cũng bị đuổi. Chưa dứt lời thì một cụ ông khác mảnh khảnh ngồi bệt xuống chiếu làm Minh giật mình quay lại.
– Dạ! chú cứ tự nhiên. Lao công họ làm vệ sinh mà chú. Minh quay lại đáp.
Trong điều kiện như vậy thì sẻ chia với nhau miếng cơm, cái chiếu, điếu thuốc là chuyện thường tình nhân văn. Chẳng ai muốn vào đây để gặp gỡ để mong chia sớt tình cảm ấy cả, không may ốm đau bệnh hoạn nên phải ngồi đây, có duyên rồi gặp nhau trò truyện coi như là do cơ trời.
– Anh ở đâu mà tui thấy quen quen cà?… cụ ông cao cao mảnh khảnh hỏi cụ ông mập mập thấp thấp mặc áo không cài cúc để lộ cái bụng chà bá và một vết sẹo to đùng.
– Tui ở Cầu Nhum, phường 6 nè.
– Cái bụng anh sao dzậy?
– Đánh Mỹ.
– Năm nào vậy? Anh ở đơn vị nào?
– Năm 73, tui ở Tiểu đoàn U Minh 2.
– Tui cũng ở Tiểu đoàn U Minh 2 nè. Anh tên gì?
– Năm Mới (Nguyễn Văn Mới).
– Anh… anh Năm đây hả? Trời ơi….. Thủ trưởng, mấy mươi năm rồi không gặp. Anh khỏe không?
Tiếng la lớn làm ông Năm giật mình khựng lại, sắc mặt ông thay đổi hoàn toàn, mắt ông nheo, trân mày trau lại… dường như để kìm hãm cảm xúc. Cuộc trò tuyện của “hai lính già” làm mọi người xung quanh tò mò, mọi con mắt đổ về phía họ.
– Chú tên gì? Lính của tôi hả?
– Dạ, em tên Sang, Trần Văn Sang, anh nhớ chưa? Bảy Sang nè.
– Ờ ờ…. Tui nhớ đồng chí rồi…đồng chí Sang… Bảy Sang … đây mà.
– Hồi nãy gặp là em ngờ ngợ anh Năm rồi, từ ngày hòa bình tới giờ mới gặp nên không nhớ nổi anh.
– Chú giờ sao rồi? Kể nghe tui mừng với coi.
***
Hai đồng đội gặp nhau ở một thời điểm và địa điểm không thể có từ ngữ nào tả cho hết nỗi bất ngờ. Họ hàn huyên tâm sự, họ kể về những trận đánh, những đồng đội, người còn người mất, người bây giờ không biết ra sao? Họ mường tượng lại những tháng năm băng rừng vượt đầm lầy, máu của và các đồng đội đã hòa vào các dòng sông, ngấm vào lòng đất… dù ác liệt, mất mát và đau thương nhưng giờ đây lại rưng rưng một cảm xúc đầy tự hào.
– Em còn nhớ hoài những thế võ hồi đó anh Năm múa, mướt rượt luông, tụi em vỗ tay rần rần. Anh Nam dạy võ cho tụi em, dạy tụi em vật, tấn công – phòng thủ. Mà công nhận anh Năm chắc ghê, anh tròn lụi, tiếng anh hét ra nghe cũng oai hùng. Ông Bảy Sang lim dim kể lại.
– Ờ… ờ… ngày đó trong gian khổ mà chú, phải tôi luyện để chiến đấu với địch, trước họng súng của kẻ thù chỉ có sống hoặc chết, chết mà đổi lấy hòa bình thì chơi chứ chú Bảy. Ông Năm đáp lại với cấp dưới của mình vẫn rắn rỏi như năm xưa.
– Mà sao lúc đó anh Năm vui vẻ lắm, nhưng vô tập luyện và chỉ huy thì anh Năm khó cực kỳ. Anh liền một khúc, ba thằng Trung sĩ trẻ măng tụi em vật mà không lụm nổi anh mới ghê chứ.
Hà…khà…kha. Cả hai cùng cười mãn nguyện mà chẳng hay biết xung quanh mọi người cũng đang im lặng say xưa với câu chuyện chiến đấu của hai mái đầu trắng tinh trong thời bình.
– Em nhớ lúc bị thương anh Năm ngất lịm, mặt mày nhợt nhạt, mất máu quá nhiều, tụi em tính anh tiêu rồi chớ. Tên ác ôn Nguyễn Lạc Hóa chủ đồn Bình Hưng nó muốn dọn cỏ anh em U Minh mình, nhưng nhờ mưu lược, cộng thêm tinh thần chiến đấu của anh em, mọi âm ưu của chúng tan tành. Đây nè, nhân chứng trận phá đồn Bình Hưng nè. Vừa cười vừa nói, Bảy Sang chỉ vào vết sẹo trên bụng người chỉ huy năm xưa.
***
– Chú nói chú ở cửa Sông Ông Đốc của huyện Trần Văn Thời phải không? Tui có thằng bạn chiến đấu tên Bảy Tuấn ở vùng Đá Bạc, mà không hay tin nó, hai anh em nó chiến đấu chung. Anh nó là Sáu Dần. Ông Năm mới quay mặt qua hỏi Minh.
– Ủa vậy hả chú Năm, ông Bảy Tuấn còn gọi là Bảy Lâm phải không? Lê Quang Lâm? Minh hỏi gấp gáp.
– Đúng rồi! Bảy Lâm hay Bảy Tuấn cũng là nó.
– Trời vậy hả chú Năm? Ba nuôi của con đó. Minh trả lời.
– Dzị sao? Trời ạ! Nó khỏe không?
– Dạ cũng khỏe. Ba con ổng làm ở Hội cựu chiến binh huyện, nghỉ hưu vài năm nay rồi.
– Ờ.. về dưới mày cho tao gởi lời hỏi thăm anh em nó nha mày.
– Dạ!
***
Hai người bạn chiến đấu lại tiếp tục câu chuyện chống Mỹ cứu nước vàng son một thời. Minh chăm chú nghe từng lời của họ mà quên đi luôn công việc và nhiệm vụ của mình. Minh có cảm giác như mình cũng là một người lính đang hiên ngang đi xuyên trong lòng địch, đang chiến đấu giành độc lập cho quê hương cùng với hai nhân chứng ấy. Họ tự hào về thời vàng son máu lửa, tự hào vì đã để lại một phần xác thịt cho mảnh đất quê hương. Còn Minh tự hào vì đã gặp được họ, những người đi ra từ chiến trường đẫm máu vì hai chữ “độc lập”, họ là những chứng nhân lịch sử it ỏi còn lại.
Minh cứ miên man mãi về cuộc gặp ngày hôm đó, chẳng biết từ đâu, duyên có như nào mà có cuộc gặp này? Cũng như họ ngày ấy, chẳng biết từ đâu? Rồi thành đồng đội, ôm súng chiến đấu bên nhau cho quê hương, tình đồng đội của họ thật trân trọng và cao đẹp. Đến khi hòa bình thì kẻ mất người còn, người để một phần thân thể vào lòng đất mẹ, nhưng trọn vẹn niềm tin vui vì đã chiến thắng quân thù. Bao nhiêu năm không tin tức, không liên lạc, hai người lính ấy vui khôn xiết, bởi vô tình họ lại gặp nhau ở chỗ không ai muốn gặp nhau bao giờ.
VĂN LÊ TÁM
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...