Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Gánh hàng rong xứ người

Gánh hàng rong xứ người

“Giữa trùng vây Đại dịch Covid-19. Kỷ niệm 132 năm ngày sinh cụ Tôn - người con yêu dấu đất An Giang - tôi không thể nào không nhớ, không nhắc tới hiền nội của cụ là bà Đoàn Thị Giàu (1898 - 1974) - người phụ nữ thủy chung, kiên cường xứ Vĩnh Kim (Tiền Giang) - nuốt lệ ly hương và 16 năm, bán hàng rong nơi đất khách quê người nuôi con, chờ đợi chồng trở về từ Côn Đảo”! (TBĐ)
Nhà văn Trần Bảo Định
Một.
Ánh đèn đường vàng vọt phố Phnom Penh(1) không đủ sáng, soi từng bước chưn mệt mỏi của người đàn bà gánh trên vai gánh hàng rong. Đêm khuya khoắt.
– ‘Che…è…kho…ai…ho…ô…n…!’
Tiếng rao âm ngắn âm dài, âm khàn âm đục… nghe chừng như tiếng vạc kêu sương!
– Má ơi! Con buồn ngủ quá!
– Ráng thêm chút nữa, nha con! Sớm mai, về chỗ trọ, mình ngủ bù.
Người đàn bà nói lời động viên con gái.
Trời tĩnh mịch, sự tĩnh mịch của đất khách khiến những kẻ ly hương chạnh lòng. Người đàn bà dừng bước, trở vai gánh. Đứa con lủi thủi vừa đi vừa ngáp.
– Che…è…kho…ai…ho…ô…n…!
Đằng đông mây ửng màu. Mặt nước Mekong, Bassac, Tonle Sap khói sóng là đà bay trên ngã tư sông”thành phố bốn mặt”(2).
– Mèng đéc ơi! Chị Tư…, chị Tư ở Bình Trưng!
Nghe tiếng gọi: ”Chị Tư!”, khiến người đàn bà giựt mình, khựng lại nhưng rồi cố tình lầm lũi đi tiếp.
Có tiếng chưn người chạy theo.
– Chị Tư! Chị Tư Lành…, em đây, nè!
Thấy người phụ nữ lạ hoắc rượt nà theo má, đứa con gái hoảng hồn, quên buồn ngủ.
Biết không thể né tránh, người đàn bà chủ động dừng lại, gánh chè khoai vẫn gánh trên vai. Nhìn thấy người chạy theo, ngón tay kẹp điếu thuốc lá đang hút dở; người đàn bà cảnh giác: ‘Hạng phụ nữ hút thuốc lá chẳng ra gì’!
Trời sáng hung!
– Chị Tư, bộ chị quên em sao?
Nghiêng vành nón lá, người đàn bà chợt nhớ mài mại và hình như, thấy quen quen… rất quen người phụ nữ đứng trước mặt. Nhưng, chẳng biết quen ở đâu?
– Em là con Bảy, cháu ngoại bà Năm Bụng ở xóm Đông Hòa, nè!
– Trời đất ơi! Con Bảy…Bảy Hà, đây mà!
Đôi vai người đàn bà run run, hai đầu gánh chè lắc lư chẳng khác gì xuồng ba lá nhảy sóng gặp lúc gió lớn. Tư Lành thảng thốt:
– Bảy Hà! Em còn sống thiệt sao?
– Sao không thiệt!
– Vậy mà, ngày đó, người làng ai cũng tưởng…
Cơn xúc động trôi qua, hai chị em ngồi vỉa hè hàn huyên tâm sự. Tư Lành chậm rãi, kể:
‘Sau khi chồng bị Pháp đày ra Côn Đảo, nửa đêm chị Tư dắt con rời làng trốn xuống ghe theo người hàng xóm lên Nam Vang lánh nạn và kiếm sống . Chị mướn nhà trọ dưới chưn cầu Chba Om Pau, về sau người Việt ở Campuchia thường gọi là cầu Sài Gòn. Vì, cầu Chba Om Pau là chiếc cầu duy nhứt nối đôi bờ Đông-Tây tạo thế độc đạo cho những ai muốn về Sài Gòn. Mỗi chiều, má con chị quá giang xe ngót nghét mười cây số lên Nam Vang, thâu đêm rao bán hàng rong cho tới sáng, đón xe đò trở về nhà trọ để rồi mạnh ai nấy ngủ sải lai; trưa thức dậy lo nấu chè khoai…Cứ vậy, đều đặn quanh năm suốt tháng.Thỉnh thoảng, chị đứng nhìn sông Bassac trổ ra sông Mekong xuôi dòng chảy về Nam. Những lúc đó, chị lặng người nhớ quê nhà, thương người bạn đời thân còn ”Cá chậu chim lồng” và chị đau đáu đếm thời gian qua những mùa trăng, đợi chờ cánh chim bằng ”Tháo củi sổ lồng”…mơ ngày đoàn tụ!’
– Người ta cực nhưng không khổ hoặc khổ, nhưng không cực. Còn chị thì hai vai gánh cả hai, chịu đời sao thấu!
Giấu nỗi buồn đong đầy mắt, Bảy Hà nói:
– Chị Tư! Em tính như vầy, chị Hai coi có đặng không?
Nhiều lần Bảy Hà rủ chị dời chỗ ở về ở chung cho có chị có em, nhưng chị trù trừ do dự là vì, sợ làm phiền người em bạn cùng làng tốt bụng.
– Nhà em còn chỗ trống, vả lại, nhà tại Nam Vang nên rất tiện lợi cho việc gánh hàng rong buôn bán và hằng ngày, chị khỏi phải lên xuống hai bận đi về trên hai mươi cây số đường xe.
Con gái Tư Lành nghe dì Bảy nói vậy, nó mừng khôn xiết!
Tư Lành ngập ngừng:
– Nhưng,…
Bảy Hà dứt khoát:
– Chẳng ”nhưn, nhị” gì cả!
– Chị ngại… còn chồng con của em, thì sao?
– Chẳng thì sao gì cả!
Và, Bảy Hà tính luôn việc làm ăn cho Tư Lành.
– Em tính bàn với chị chuyển sang bán chè bưởi, thay vì bán chè khoai.
Chị Tư hơi sửng sốt, bởi lần đầu chị mới nghe nói bưởi nấu chè. Bảy Hà giảng giải:
– Người Cao Miên thích ăn bưởi, nhứt là bưởi trồng ở quê mình. Họ thích ăn bưởi thì, chắc là cũng khoái ăn chè bưởi. Có điều, chưa ai nấu cho họ ăn!
Chị Tư thiệt thà nói:
– Nhưng, chị không biết nấu thì làm sao?
Bảy Hà cười tinh nghịch:
– Thì, em chỉ cách cho chị nấu chè bưởi.
Chị Tư trố mắt:
– Em vừa nói cái gì?
Bảy Hà tự tin, lập lại:
– Thì, em chỉ cách cho chị nấu chè bưởi!
 
Hai.
‘Che…è…bư…ư…ởi…!’
Hằng đêm, tiếng guốc nhịp đều theo tiếng rao len lỏi qua những con hẻm ngoằn ngoèo phố.
Cùng ”phận đàn bà”, cùng cảnh ngộ, hai chị em nương tựa nhau sống ở xứ người. Những đêm mưa dầm, hai chị em nghỉ bán hàng rong; nằm kể chuyện nhà, chuyện đời, trong tiếng mưa rơi đầm đầm nỗi tiếc thương kiếp người. Bảy Hà nhắc tới chị Hai Oanh(3), người phụ nữ đẹp người, đẹp nết ở làng Vĩnh Kim đã vì nghĩa ưng lấy anh Hai (4). Họ có ba mụn con, tám năm cận kề nhau tràn trề hạnh phúc và, họ có những tháng năm đằng đẵng chia lìa (5), mắt khô lệ không còn để khóc nhau!
Nghe Bảy Hà nhắc chuyện chị Hai Oanh,Tư Lành chợt rưng rưng buồn bởi, chị nào có khác gì cảnh ngộ của chị Hai Oanh. Từ phụ nữ nhà nông, quen tay cuốc tay cày lam lũ trên đồng ruộng Bình Trưng dắt dây ngút mắt tới Thuộc Nhiêu, chị đành bỏ lại sau lưng tất cả để biến dạng thành người gánh rong bán hàng trên đất khách.
‘Nầy, con đàn bà hư! Chồng mầy làm ”quốc sự” chống nhà nước Phú Lang Sa, tại sao mầy không đi tố cáo?’. Viên thẩm vấn hỏi chị, qua lời phiên dịch của tên thông ngôn. Chị định nói: ‘Xứ tui không quen cái chuyện vợ tố cáo chồng’. Song, nghĩ lại, chị im lặng chẳng thèm đôi co ”trả lời trả vốn” với bọn chúng.
Bảy Hà cười khúc khích, cắt thì quá khứ mang mang trong tâm tư của chị.
– Người Việt mình lên Nam Vang làm ăn đủ nghề, nào là: thợ hớt tóc, thợ may, thợ máy, thợ in, thợ điện, thợ mộc, thợ hồ…thợ ôi thôi là thợ, chớ thầy thì hiếm thấy(!). Và rồi, còn chuyên nghề: vú em, quản gia, tài xế…cho những gia đình người Âu Mỹ, người Pháp; thậm chí, tới việc cạo mủ cao su, phá rừng mần ruộng rẫy…Dù có vất vả mấy đi chăng nữa, người mình cũng chẳng từ nan!
– Hồi còn ở nhà, chị nghe nói người mình có kỹ xảo mần việc nhỏ, thiếu kỹ năng mần việc lớn.
Bảy Hà nói lẫn trong tiếng cười:
– Chị nghe người ta nói lầm, rồi đó! Người mình một khi thoát khỏi ”ao làng” thì tài năng chẳng kém chi thiên hạ!
– Bảy nói đừng ”trừ bì” đó, nha!
Tự nhiên, chị Tư Lành cảm thấy vui vui
– Chị không biết, à! Royal Palace, Viện Bảo tàng, các dinh thự…đều có người mình chung tay cùng người bổn xứ xây dựng.
Hết sức bất ngờ về sự hiểu biết của Bảy Hà, chị Tư tấm tắc thầm khen trong bụng nhưng, ngoài mặt làm bộ tỉnh khô:
”Cây khô tưới nước cũng khô
Người nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo” (Ca dao).
Bảy Hà cười như nức nẻ:
– Chẳng phải vậy, đâu chị ơi!
Chị Tư cắc cớ hỏi tới:
– Chẳng phải vậy, thì phải sao mới phải?
– Đâu phải tất cả người mình, vì nghèo mà xa quê tới xứ Chùa Tháp để mong thoát nghèo, và đâu phải, hễ cứ tha phương là cầu thực.
Bảy Hà ngồi dậy. Sét chớp ngoằn ngoèo, sấm gầm dội trời xa.
– Như, chị em mình, có phải vì nghèo mà xa quê đâu!
Mưa đêm, mưa rầu rầu vào hồn những kẻ ly hương!
***
Tía Bảy Hà có một thời đi lại với nhóm lục hiền ở Vĩnh Kim(6) và nghe đâu trước kia, ông là người của phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu khởi xướng tại Mỹ Tho. Về sau, bọn điềm chỉ trong trong làng mật báo cho Pháp biết và ông bị bắt, chúng đày ông biệt tích thay vì biệt xứ. Rồi, cái ác ập lên bầy con nheo nhóc lớp chết, lớp thất tán bốn phương. Bà Năm Bụng liệu sức không đủ che nổi đứa cháu ngoại ”tai qua nạn khỏi”, bèn gạt nước mắt, nói với cháu: ‘Bọn nó đông, lại là Tây có súng, thì luật lệ đều nằm trong tay của bọn chúng. Cháu mau chạy trốn!’.
Bảy Hà băng đồng, lội bưng, lội miết vô Đồng Tháp Mười, đi bộ qua biên giới Campuchia tới Nam Vang.
Ba mùa trăng thu đất khách quê người.
Năm đó, Bảy Hà bước vào tuổi mười sáu và Son Sen, chàng trai xứ Chùa Tháp đã phải lòng!
Son Sen tự tin:
– Em! Anh đủ điều kiện để lập gia đình.
Nắng hoàng cung rơi từng hạt vàng trên đường phố Phnom Penh.
Bảy Hà ngơ ngác:
– Tui sợ lắm!
Son Sen kể rằng: ‘Quê anh ở Kampong Rou(7) có Vàm Rồ trổ ra sông Vàm Cỏ Tây. Năm mười bốn tuổi, anh xa ruộng đồng vô chùa tu tập để trả hiếu cho đấng sanh thành và đồng thời, hiểu đạo lý để sống tốt hơn. Ba năm sau ngày tu tập, anh trở lại đời thường lo chuyện áo cơm’.
Nhiều lần Son Sen tỉ tê:
– Có lẽ, mình đã bén duyên nhau từ vô lượng kiếp rồi em!
Những lần như vậy, Bảy Hà chẳng hiểu tí sửu gì, chỉ cười trừ cho Son Sen vui.
Đêm trơ trọi một mình, Bảy Hà nghĩ phận: ‘Thân bơ vơ đất khách, nào khác chi ”chim chiều lữ thứ quê người”!’. Thiệt lòng, Bảy Hà cũng muốn trao thân cho Son Sen, nhưng ngặt nỗi, theo Son Sen nói với Bảy Hà, rằng: ‘Phải biết hút thuốc lá và phải hút thuốc sành điệu, thì cha mẹ chàng mới tán đồng, thừa nhận nàng là con dâu’.
Son Sen giải thích:
– Hút thuốc lá là để người con gái cảm nhận được cuộc sống qua vị ngọt-bùi, cay-đắng, mặn-nồng…Và, đó là số phận của người phụ nữ, bởi điếu thuốc lá tượng trưng ba đoản khúc trải qua đời người phụ nữ: ‘Nhứt xanh tươi, nhì vàng cháy, ba đỏ rực’. Rồi, tất cả cũng chỉ là tro-khói!
Mật ngọt tình yêu không biên giới, mỗi ngày một nẩy nở và ngấm sâu vào trái tim đôi lứa đẹp tợ nắng mật ong.
‘Thì thôi, ”Qua sông phải lụy lấy đò”!’
Bảy Hà tự nhủ mình và, Son Sen hướng dẫn từng động tác hút thuốc lá cho người vợ tương lai.
Bảy Hà dừng ngang câu chuyện kể, thở dài:
– Tụi em lấy nhau mấy năm, chưa có mụn con. Đôi lúc, chồng em dặn: ‘Nhớ nhau, mình đừng quên ”bật lửa, mồi thuốc, rồi từ từ đưa điếu thuốc lá chạm bờ môi…”.
Nghe chuyện đời Bảy Hà,Tư Lành mũi lòng!
 
Ba.
”Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao
Có tiếng rao nghe xơ xác xanh xao khuất sau hàng phố cao…”
Mộ khúc(8) hòa âm tiếng rao ngày hấp hối.
Son Sen nói với vợ:
– Vợ chồng mình nhận con gái chị Tư là con và đã cho con đi học, thôi thì…
Bảy Hà cảm kích tấm lòng nhơn hậu của chồng đối với người đồng hương trong cơn hoạn nạn.
– Thôi thì, mình thu xếp cho chị Tư đứng bán một chỗ cho đỡ vất vả.
Bảy Hà cười:
– Đã nói ”Rong” là đi hết chỗ nầy tới chỗ khác, còn đứng một chỗ thì sao gọi là rong?
Chị Tư miệt mài gánh hàng rong, vừa đi vừa rao hàng khắp hang cùng ngõ hẻm thành đô. Tâm trí chị luôn nghĩ về cố hương, nơi chôn nhau cắt rún, nơi có những vườn cây ”trĩu cành oằn trái”, những cánh đồng phì nhiêu hực hỡ vàng mùa lúa chín…Những câu chuyện cũ ở quê nhà, những khuôn mặt thân quen, nhứt là…nụ cười cha đứa con gái, ánh mắt chồng gởi lại vợ niềm tin trước lúc xuống tàu Tây, đi đày ra hải đảo. Những lần vẩn vơ hồn như vậy, chị Tư thầm đồng cảm trong thương cảm chị Hai Oanh, người phụ nữ Vĩnh Kim thủy chung và kiên cường. Người lớn tuổi rõ chuyện, thường hay thuật lại cho con cháu trong làng nghe đoạn thơ phúc đáp của chị Hai, khi anh Hai viết thơ từ Côn Đảo gởi về ”khuyên chị đi lấy chồng khác”. Bởi, anh Hai không đành lòng để người vợ trẻ phải vùi dập xuân thì và khổ lây theo bản án hai mươi năm tù khổ sai(9). Còn chị…Năm năm rồi, nhiều lần chị gởi thơ thăm chồng nhưng, chồng vẫn ”Bặt vô âm tín”; chẳng biết nơi hải đảo bốn bề trùng dương, chồng chị chết sống ra sao? Thương chồng, lúc nào đầu óc chị cũng nghĩ lởn vởn về cái chết của chồng. Nếu chết, thì chồng chị có yên mồ yên mả? Chị tự hỏi và tự trả lời: ‘Người tù khổ sai mần sao bọn thực dân Tây chịu để yên mồ mả’! Chị liên tưởng tới con trai chị Hai Vạng(10) đã xây mồ yên mả đẹp cho ông ngoại. Sau nầy, cháu ngoại chị biết mồ mả ông ngoại ở đâu mà xây!? Tủi thân, chị khóc thầm trên bước đường lưu lạc.
Thỉnh thoảng, Tư Lành nhớ lời than của má lúc sanh tiền:
– ‘Đẻ một bầy con gái, là má đẻ cái khổ sở cho con’.
– ‘Sao má nói kỳ cục vậy, má!’.
Má chị cắt nghĩa:
– ‘Không có khổ nào bằng khổ trong tình cảnh ”thân sơ thất sở”. Cho nên, ông bà thường nói: ”Người gặp khổ thì đã bầm mình, lại còn gánh thêm cái sở thì dập mật; chẳng thể nào sống nổi”!’.
Rồi, má nghi: ‘Dường như, ông Trời chỉ dành riêng khổ sở cho phụ nữ’ (!?).
Hồi nẳm, nghe má nói vậy thì chị hay vậy; chớ tin thì chị không tin. Bây giờ, chị tin, vì chị đang khổ sở chốn quê người.
Mải nghĩ suy, miên man chuyện đời…
Tư Lành ”tăm hơ tăm hất”, không để ý xe cộ trước sau, hấp tấp bước vội xuống lòng đường.
”Rầm…!”
Âm thanh chát chúa, khô khốc!
Gánh hàng rong chè bưởi văng tung tóe, chiếc xe tải lôi Tư Lành cày trên mặt đường dưới ánh đèn nhạt nhòa đêm. Ngày đã tắt!
– Bớ người ta! Chết người…Che…ế…t…ngư…ờ…i…!
***
Bầu trời trong xanh treo mây tháng giêng lơ lửng.
Thuyền chở tro cốt chị Tư Lành ra giữa dòng sông Me Kong, con gái chị cùng vợ chồng Son Sen rắc ”xương tàn cốt rụi” chị trôi dật dờ theo lục bình về quê nhà, vừa trôi vừa trổ bông tím!
TRẦN BẢO ĐỊNH
_______________
(1) Địa danh này xuất phát từ Wat Phnom Daun Penh (hay Wat Phnom, nghĩa là “Chùa trên đồi”), xây từ năm 1373 để thờ 5 pho tượng Phật. Đồi ở đây là một gò đất nhân tạo, đắp cao 27 m. Tên quả đồi lấy từ nhân vật Daun Penh (Bà Penh), tương truyền là một góa phụ giàu có. Phnôm Pênh còn có nghĩa là “vùng đất của Bà Pênh” (theo Wikipedia).
(2) Krong Chaktomuk.
(3) Bà Đoàn Thị Giàu, tên thường gọi Hai Oanh (1898-1974) quê quán nay là ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
(4) Cụ Tôn Đức Thắng, bí danh Thoại Sơn, thường được gọi là Bác Tôn (1888-1980) quê quán Cù lao Ông Hổ,làng Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
(5) Cụ Tôn Đức Thắng và bà Đoàn Thị Giàu cưới nhau năm 1921 (có 3 người con: Tôn Thị Hạnh, Tôn Thị Nghiêm và cậu con trai do bịnh đã chết từ lúc nhỏ). Ngày 23.7.1929 cụ bị bắt tại cầu Kiệu (Sài Gòn) và thực dân Pháp kết án tù 20 năm khổ sai, đày ra Côn Lôn (Côn Đảo). Cách mạng tháng 8 năm 1945, cụ mới rời Côn Đảo trở về.
(6) Lục hiền làng Vĩnh Kim (tỉnh Mỹ Tho): Trần Năng Liễu (ông ngoại Hai Oanh tức bà Đoàn Thị Giàu), Trần Thượng Xuyên, Dương Văn Tùng, Nguyễn Chi Dao, Huỳnh Văn Túc, Trần Quang Diệm (là ông nội GS Trần Văn Khê).
(7) Huyện Kompong Rou thuộc tỉnh Svay Rieng (Xoài Riêng). Kompong Rou giáp huyện Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An). Sông Rou chảy ra sông Vàm Cỏ Tây qua địa phận xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (dân địa phương gọi Vàm Rồ).
(8) Mộ khúc là khúc nhạc chiều (serenade). Mộ (nghĩa phổ thông) là buổi chiều tối. Nguyễn Trãi: ”Nhiễm nhiễm hàn giang khởi mộ yên”, Thần Phù hải khẩu (Trên sông lạnh khói chiều từ từ bốc lên).
(9) Thư bà Đoàn Thị Giàu gửi cho chồng: “Anh Tôn Đức Thắng thân mến, xin báo để anh biết tôi đã đi lấy chồng, chồng tôi là Tôn Đức Thắng người Long Xuyên. Chúng tôi ăn ở với nhau đã có 3 mụn con (1 trai 2 gái), đứa con trai chẳng may sớm qua đời. Tôi sẽ trọn đời sống cùng chồng tôi mặc dù anh ấy đang phải tù đày nơi hải đảo xa xôi” (Theo tài liệu của Lê Hữu Lập, thư ký của Bác Tôn).
(10) Bà Lê Thị Lộc, hiền thê Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (1830-1875) sanh hai cô con gái là Nguyễn Thị Vạng và Nguyễn Thị Tánh. Về sau, Trần Văn Thạnh (con trai Bá hộ Trần Văn Học, người làng Bình Cách, huyện Chợ Gạo) cưới Nguyễn Thị Vạng và bà Vạng sanh con trai là Trần Văn Thông (Hội đồng Thông). Bá hộ Trần Văn Học là cha vợ của Võ Duy Dương tức Thiên hộ Dương và ngôi nhà của ông, là một trong những căn cứ của cuộc khởi nghĩa lần thứ 2 của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân). Năm Đinh Dậu (1933), Trần Văn Thông đã xây ngôi mộ ông ngoại (Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân) bằng đá xanh. Trước đó, mộ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân được con gái (Nguyễn Thị Vạng, Nguyễn Thị Tánh) và dân trong vùng xây mộ đất.
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ trẻ Ngô Bá Hòa 26 Tháng Hai, 2023 Nhà thơ trẻ Ngô Bá Hoà là dân tộc Tày, thuộc thế hệ 8x. Anh sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, đ...