Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Nụ cười trên sông

 Nụ cười trên sông

Sơn lái đò trên sông Pô Kô. Mỗi chuyến triệu hai, trừ chi phí thì cũng còn lại năm trăm ngàn. Trung bình mỗi chuyến hai tiếng, ngày một chuyến. Nhà Sơn cắm bè, thả thùng phuy nổi trên mặt hồ, nhà dập dềnh sóng nước. Mặt nước ban ngày xanh, thăm thẳm, lợn gợn sóng. Những hôm trời trong, mây chiếu in hình mây núi xuống lòng hồ như một bức tranh thủy mặc khổng lồ được tạo hóa khởi vẽ. Cuộc sống đắp đổi qua ngày cũng đủ sống.
Hằng ở nhà, vớt cá, phơi. Bảy cân tươi được một ký khô, phơi đến đâu bán hết đến đó, mỗi ký trăm rưỡi. Rồi người ta biết đến lòng hồ Sê San nhiều hơn. Sơn lái đò hai, ba chuyến mỗi ngày. Mặt hồ rộng dềnh dàng như vậy thì không biết bao nhiêu ngọn núi mấp mô đã chìm trong nó. Sơn tra gúc gồ, họ nói thủy điện Sê San 4 có công suất 360 mê. Nghe nói như vậy là lớn, nhiều tiền, góp phần trăm GDP không nhỏ. Thì cái gì chẳng phải đánh đổi. Từng tảng cây không ngập cũng từ từ rồi chết khô. Chết do trơ trọi, đơn độc. Chết vì cấu tượng của đất bỗng dưng thay đổi. Chết vì những cây bên cạnh đã chết cả. Cây nhỏ chết, rồi cây to chết. Ngày xưa vùng này cây chết vì bọn giặc trải bom, trải chất độc hóa học. Chết vì khô cằn, vì những cơn hạn mang tên lịch sử. Còn giờ, cây chết vì thủy điện. Chết vì những mục đích lớn hơn cho phát triển. Những trảng cây còn lại sống thoi thóp vì những đồng tiền xanh không đổi được sự tươi mát của lá. Cây chết vì rễ ăn sâu vào đất thì ngậm đầy nước, dần dần thối rữa mà chết. Mặt hồ dềnh dàng sóng nước lăn tăn. Nó nuốt dần quả núi nhỏ. Từ từ, khi làn nước nơi chân núi đỏ màu đất bazan là khi nó nhỏ đi, mờ dần rồi chìm sâu trong nước, chỉ có những tảng đá to nằm chơ vơ, cô quạnh.
Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp
Chiều nay, một cánh chim lạc vỗ cánh hoảng hốt chao lượn trên đầu thuyền rồi đậu vào chiếc vó đánh cá. Nó mắt dáo dác tìm nơi đậu tiếp theo khi thấy quanh mình mênh mông nước. Sơn tắt máy, thả máy chèo rồi nói chuyện với chim.
– Mày lạc đường hả. Nghỉ ngơi đi rồi đặng bay tiếp. Hồ nhìn vậy mà không yên. Rừng trên kia cũng không yên. Người ta cắm thuyền xuống hồ hút tận đáy, máy chạy rì rầm chảy nước ngày đêm để đãi cát tìm vàng. Trên bờ những chiếc máy với ống hút bự chảng hút cát, mày thấy không. Bay đi, bay đi.
Chim như hiểu ra ý Sơn hay sợ Sơn sẽ tóm lấy mà nó tròn xoe mắt rồi cất cánh bay lên, chơ vơ, lạc lõng, cô đơn, tiếc nuối.
Chiều nay, Sơn nhận điện thoại đặt đò. Họ đặt nguyên chiều. Lịch trình sẽ ghé thăm thác Mơ,  làng Chài và sẽ trở về khi họ muốn. Họ nhờ Sơn chuẩn bị chả cá nướng. Sơn sẽ có một khoản âm ấm túi khi đến gần ngày đóng tiền học cho con. Cậu được Sơn gửi theo học ở nhà người bạn dưới thành phố. Trẻ lớn lên phải đi học. tivi nói, cha ông nói, thì phải theo. Mà Sơn cũng phải cố cho nó đi học cho bằng bạn bằng bè rồi nó sẽ có công việc tinh tươm, quần áo sạch sẽ như bao đoàn khách xuống đây. Họ tiêu tiền không tiếc và cho Sơn tiền boa mấy trăm ngàn. Được hôm khách xịn, tối Sơn hồ hởi xòe ra cho Hằng. Sơn nói Hằng sẵn vô chợ bán cá thì mua lấy bộ đồ mới. Đồ mặc của em dạo này cũ hết rồi. Em mua lấy chai nước hoa re rẻ cũng được, xịt vô cổ như mấy cô người mẫu cho thơm. Đó là cái cổ thon dài mỗi đêm anh hít hà, vấn vít. Hai vợ chồng đợi cu con ngủ say rồi ra mé sau nhà. Nơi Sơn quây thành tấm bạt gọi là phòng ngủ. Sau khi nghe cu con ngáy khò khò. Sơn khèo khèo chân vợ rồi đi ra. Có hôm Sơn bế thốc vợ dậy, chúi vào cái cổ trắng rồi lần xuống bờ ngực sâu. Trong đêm tiếng nước dềnh dàng đưa đẩy. Mười lăm phút Sơn cũng dập dềnh theo sóng nước. Hai bàn tay vợ vê vê những nốt chai sần trên bàn tay Sơn. Đêm nay, trăng sáng, sau chuyến đò Sơn sẽ lại bế thốc Hằng ra sau nhà. Sẽ bồng bềnh cùng sóng nước mười lăm phút. Sơn sẽ nhìn Hằng nằm xõa ra người buông thõng mềm mịn như tơ. Sơn sẽ lại hít hà vị của sông, của nước, của núi, của rừng, của người đàn bà gắn đời mình với nước, với Sơn.
Chờ khách, Sơn ghé lên nhà hàng nói chuyện với mấy em mới lên nhận việc. Từ ngày khách du lịch biết đến hồ nhiều thì cũng là khi lòng hồ người ngợm tấp nập. Ngày cuối tuần có dạo Sơn kiếm mỗi ngày hai triệu. Từng đồng tiền cứ xoe tròn trong mắt Hằng. Sơn thấy lòng dạ nao nao sung sướng. Hằng thủ thỉ với Sơn, khi nào có tiền, mình sẽ lên bờ anh heng. Sẽ trả hết nợ tiền đóng ghe, mua nhà ở trển. Bi sẽ không phải xa ba, xa má. Mình sẽ ở trển ban đêm, ban ngày vẫn ra đây chèo ghe đặng đỡ nhớ thôi anh heng. Hằng cười. Nụ cười lấp lánh hạnh phúc tỏa sáng cả một khúc sông thiệt rộng.
Sơn chỉ là một tay lái ghe. Sơn trộm yêu Hằng. Ngày ngày cậu Sơn đến nhận ghe chở khách. Khách du lịch mến người miền Tây Nam Bộ chất phác, thiệt bụng. Nhà Hằng có gần chục cái ghe. Ở xứ miệt vườn mà Sơn biết. nhà Hằng giàu nhất miền. Sơn chăm chỉ. Ông chủ thương Sơn nhưng không gả con gái. Sơn cũng đâu dám mơ đến bữa đũa mốc đặt mâm son. Nó quê kệch, chệch mõm, không xứng. Nó lạc lõng. Sơn yêu Hằng trong mơ. Sơn mơ thấy Hằng nằm bên cạnh mình không mảnh quần áo. Sơn mơ nhiều, toàn những giấc mơ nồng nàn, sâu thẳm, đánh thức thằng người mới lớn trong Sơn. Nửa đêm, mơ, Sơn nhảy ùm xuống sông tắm cho nó dịu xuống rồi mới trồi lên lại. Hằng cũng thương Sơn khi những lần nghe ông Tư khen Sơn thật thà. Gì Ba nói Sơn khéo ăn, khéo làm rồi ông Tư sẽ sớm cho lên bờ, không lái máy xuồng trên sông mà chạy xe cho ổng. Cũng thân phận làm thuê, ở mướn, cũng lái máy chở chủ, chỉ khác con đường đi mà thôi. Rồi bờ làm Sơn thôi đen đủi. Bờ làm Sơn được gần gũi Hằng. Bờ ruộng bát ngát lúa đương thì con gái trong một lần Sơn đi Sài Gòn rước Hằng về muộn. Sơn đã không chở thẳng được Hằng về nhà mà dừng lại men bờ kinh. Gió thổi miên man. Hằng ngồi bên cạnh gỡ tai phone. Lấy tay Sơn nắm chặt, miết vào má mình rồi nói với Sơn “anh dừng xe lại đây đi. Hằng muốn xuống đi tản bộ”.
– Nhưng ông chủ dặn đưa cô về nhà.
– Không có ba tui ở đây thì tui là bà chủ của Sơn.
– Dạ cô.
– Sơn thương tui sao không thưa với ba má tui, đặng ba tui còn tính công chuyện.
– Cô Hai cứ giỡn hoài.
– Tui nói thiệt chớ dỡn hồi nào. Mắt tui đâu có mờ, tai tui đâu có điếc. Mấy người làm công họ xì xào hoài. Bạn bè tui học trên Sài Gòn cũng ghen tị với tui khi cứ cuối tuần lại có xe rước về. Tui cũng nói họ Sơn là người yêu của tui rồi. Tui chỉ đợi Sơn nói thôi. Sao lần nào nhìn tui Sơn cũng cười đỏ mặt vậy.
– Dạ, tui đâu dám cô Hai.
– Sơn sợ cái gì chứ.
– Ông chủ nói sẽ đuổi việc nếu đưa đón cô Hai không tới nơi.
Sơn nói rồi cúi đầu, nuốt một cục không khí nặng chát nghẹn ngào nơi cuống họng.
– Trời ơi. Chẳng lẽ tui cũng không có quyền được nói yêu Sơn hả.
– Dạ, tui cũng thương cô, nhưng tui đâu có gì đâu cô Hai?
– Sơn ơi. Chỉ cần Sơn yêu Hằng là được, có gì là có gì chứ, nhà Hằng đâu thiếu gì.
– Nhưng mà…
Hằng ngập ngừng nắm tay Sơn rồi áp tay Sơn vào ngực mình, nơi bầu ngực tơ non mơn mởn đã đánh thức thằng đàn ông trong cơ thể người con trai mới lớn, sung mãn, khỏe khoắn. Sơn nằm sải mình ra bờ kinh. Sóng lúa lượn ào ạt theo triền gió khi hai người đổ ập vào nhau, vấn vít, hổn hển. Những giấc mơ tội lỗi trong Sơn đã thành hiện thực. Nó không u mê tức tưởi. Nó được giải tỏa kìm nén khi Sơn nhìn thấy bầu ngực con gái thực sự với bắp vế nõn nà…Hằng cười, nụ cười thỏa mãn bí hiểm.
Điện thoại đổ dồn. Bà khách bước xuống.
– Ủa, đoàn khách của chị đâu hết rồi.
– Tui đặt ghe một mình. Cậu chở đi. tôi trả nguyên giá.
– Ủa, gì kỳ vậy. đi chơi có một mình dậy hả.
– Ừ, cứ chở đi, tiền đây. Bốn tiếng cộng với đồ nhắm, khỏi thối.
– Dạ, chị lên xuồng, áo phao trong bao chị nha.
Mấy đứa con gái trên nhà hàng vẫy tay theo Sơn, cười cười nói nói. Tiếng cười loang loáng một mặt sông.  Đám con gái đứa nào giữ mình lắm thì được một năm, còn không ba tháng là sẽ lên thuyền đi chơi với khách. Đáp bãi lên bờ của một nhà nghỉ nào đó ven hồ là chuyện không hiếm với những cô gái muốn nhanh đổi đời ở xứ này. Họ đi một lần rồi quen, rồi họ lên bờ hẳn, không chịu phận bưng bê trong quán ăn đặc sản ven hồ. Họ cũng bán sức nhưng sức khác ở trong người chứ không phải trơ mặt rửa chén chạy bàn. Họ sẽ bán sức đến mức thở hổn hển, cái sức của giằng xé nội tâm được, thua, may, rủi. Họ sẽ kêu bà Năm đến truyền nước khi mệt. Họ quyệt mồ hôi nhủ thầm đi khách lần này nữa thôi rồi buông tất cả, bỏ đi xứ khác đặng làm người tử tế. Nhưng gần chục năm lái đò ở đây. Sơn chưa thấy cô nào nghỉ hẳn. Hoạt động một thời gian, họ đi đâu đó rồi lại vé mé sông này kiếm khách lại. Giá giảm theo thời gian nhưng bán cái vốn tự có nó dễ hơn trơ mặt ra mà phơi cá như Hằng. Nghĩ đến những cô gái đó Sơn càng trân quý vợ mình. Hai đứa dắt díu đi đã chục năm trời. Hằng bỏ đại học khi phát hiện có bầu. Ba Hằng đuổi Hằng ra khỏi nhà. Ổng nói với Sơn bằng những từ mà Hằng lần đầu nghe thấy với tia mắt gợn màu máu vằn đỏ. Hằng nhủ với Sơn. Hằng đã thấy ba Hằng giết người rồi thả xuống sông. Ba Hằng đút lót tiền cho họ rồi người ta nói anh Bảy lái ghe uống rượu say té sông chết. Bữa đêm. Hằng biết mình có bầu. Hằng nhắn Sơn lên bờ rồi trốn đi. Từ ngày biết Sơn thân thiết cười nói với cô chủ, ba lại cho Sơn xuống ghe chở khách, cử người khác lên đưa đón Hằng.
Đêm tối u u. Hai vợ chồng ngược xe đò lên mạn Tây Nguyên. Lúc đầu sống ở thành phố. Thuê trọ tháng ba trăm. Hằng ở nhà đợi ngày ở cữ. Sơn chạy xe đắp đổi sống qua ngày. Rồi Sơn nhớ nước, nhớ ghe. Một lần chạy xe chở khách lên đây thấy bờ hồ đẹp quá, dò hỏi, hai vợ chồng Sơn gói ghém lên đây cắm sào đậu bến từ bấy tới giờ.
– Chị tên Dung, còn em?
– Sơn chị.
– Em nhiêu tuổi.
– Dạ ba mươi.
– Ngày lái đò vầy kiếm được nhiêu?
– Cũng tùy chị. Ngày nay có chị bao ghe thì đủ tiền đóng học cho con.
– Ừ, vô đây, lai rai với chị.
– Sao chị đi mình chị vậy?
– Con lớn rồi. Chồng công tác xa. Buồn buồn, gõ trên mạng thấy hồ này đẹp nên đi du lịch.
– Đi mình vậy không buồn hả chị. Từ hồi lái ghe tới giờ em hổng thấy ai đi một mình lên đây hết trơn á.
– Thì giờ thấy. Vô đây đi.
– Nay đang gió, đợi tý trời im rồi em vô. Chị muốn đi thác Mơ trước hay làng chài trước.
– Cậu cứ thích đi đâu thì đi, chỗ vắng càng hay.
– Bà chị kì ghê, em thấy khách thường nói chỗ nào nhiều người thì ghé hông à. Chỉ có ở giữa hồ mới vắng
– Thì cậu cho tôi ra giữa hồ.
– Dạ
– Trên này hơi gió, cậu buông hộ tôi rèm.
Mùi nước hoa thoang thoảng. Sơn đi xuống hạ chèo rồi buông rèm cho khách. Bà khách đem theo chai rượu Tây bự. Nhìn bả đeo hột xoàn thiệt lớn. người bả thoang thoảng mùi thơm.
Rượu vào lời ra. Bà khách tâm sự. Chồng bà, người đàn ông già học đến hàm Tiến sĩ rồi ra Hà Nội làm cục trưởng. Hàng tháng gửi về cho bà triệu triệu. Mỗi năm ông chỉ về nhà mấy ngày, bếp cơm nguội lạnh. Hai đứa con đi du học. Bà cũng mấy lần ra Hà Nội ở với ông nhưng ngoài đó nóng thì nóng dữ, lạnh thì lạnh kinh. Người ngợm đông đông, đúc đúc, khủng khiếp. Nhà ngày ngày khép kín. Ông chồng cũng họp hành triền miên rồi khách khứa. Ít hôm về nhà mà nhiều bữa trong số ít đó thì say mèm, mềm nhũn. Bà vợ đang thì hồi xuân khó chịu ra mặt, rồi bà vùng vằng bỏ về. Ông cục trưởng cũng không thèm năn nỉ. Ông được ra Hà Nội làm là cả một vinh dự lớn cho bà. Ông lấy đó làm tự hào, cao trọng nên ông giữ mình lắm. Cấp dưới, khách khứa vây quanh toàn các em mới lớn, màu mỡ, trẻ đẹp nhưng ông hết lòng vì công việc. Bao nhiêu cô gái ngồi lên đùi ông, ngả vào người ông với khe ngực được vun đầy, trắng nõn nhưng ông không tiếp. Ông giữ mình để đua tranh vào chức cao hơn. Ông có học thức. Ông giỏi giang, nhanh nhẹn. Dòng họ Trần Đức được ông làm mở mày mở mặt ở xóm Tề, nên ông không, không bao giờ, không được phép để bản năng thắng lý trí. Việc của ông là giữ mình. Kể cả với bà vợ hai mươi năm chăn gối ông cũng buông. Anh mệt. Anh nghiên cứu. Anh đọc tài liệu. Anh trao đổi công việc. Ông biết vợ buồn nhưng ông mặc. Bao nhiêu năm trai trẻ ông đã vắt kiệt cho bà rồi còn gì. Đừng dụ dỗ ông những món ăn bổ béo cho đàn ông. Ông có ăn vàng mà tâm trí ông thanh khiết thì cỡ hoa hậu cởi trần nằm bên ông cũng mặc. Ông sẽ thanh khiết, thanh khiết như mây trời…
– Em ngồi đi, rượu này yên tâm đi, thằng lính nó đi học về biếu ông xã tôi, uống đi, hay uống táo mèo, uống vào sương sương ngắm mây trời mới thích.
– Dạ, em uống ít đặng còn nhìn đường lái máy.
– Thì khi nào tỉnh hẵng lái về
– Dạ vợ em chờ ở nhà, với lại tối lái chậm lắm chị ơi.
– Cứ uống đi đã, rượu này là ông uống bà khen, ngồi xuống đây…
Hôm nay là bữa thứ năm bà chị đặt thuyền, sáng sớm đã thấy Hằng giặt chiếc áo màu đỏ phơi trên sào. Chị Tám thắc mắc sao dạo này Hằng chăm làm đẹp. Hằng cười, cũng phải mua bộ đồ mới chớ chồng chán, chồng lơ. Sơn ngồi trên thuyền giả đò bấm điện thoại chớ nghe hết cuộc nói chuyện của hai chị em. Hằng trách Sơn đi hoài, có khi đi mua đồ sửa ghe mà đi tận ba bữa. Đi về đến nhà là xìu lơ, chui vô giường ngủ sớm. Hằng kêu Sơn chở khách ít thôi. Cả tháng rày vất vả quá, cứ lái suốt rồi bạc mặt đi, phờ phạc, cơm cũng chẳng thiết ăn, cứ về đến nhà là lăn ra ngáy như sấm. Hay có khi Sơn bệnh. Tối nay Sơn về, Hằng sẽ nói Sơn cất ghe một bữa lên bờ đi khám. Tối nay Hằng sẽ không cất vó. Hằng sẽ bơi xuồng ra phụ Sơn tiếp khách trên ghe. Rồi hai vợ chồng sẽ về, Hằng sẽ lại gục đầu vào vai Sơn nghe gió bên hồ miên man thổi, Hằng tự nghĩ rồi mỉm cười…
– Chú vào đây uống với chị. Lần rồi nhờ chú mà chị khỏe ra bao nhiêu. Chứng mất ngủ đỡ hẳn. Chú khỏe thật đấy. Đây là quà cho chú.
– Chị cất đi, em không dám nhận.
– Bữa sau chị lên đây ngắm cảnh thì gọi ghe khác đi, em không chở nữa.
– Chị muốn thuê chú, gió quá, chú buông rèm đi.
– Dạ.
– Rượu nhé.
– Dạ không.
– Sao hôm nay Sơn khác thế. Ai làm gì Sơn buồn à. Nhà kia em đã kiếm xong rồi. Mai Sơn lên thành phố với em, em đã đặt cọc cho người ta bốn mươi triệu đợi Sơn lên coi nữa rồi em chồng tiền, coi như quà cho Sơn.
– Dạ thôi chị.
– Thôi, không nhưng nhiếc gì hết. Sơn muốn lên bờ mà. Đừng lăn tăn, em vui, em tặng Sơn. Vào đây với em đã, có chiếc thuyền trên kia chuẩn bị xuất bến rồi kìa.
Hằng mải miết chèo. Chèo nhanh Hằng tưởng sẽ được gần Sơn, nhưng không, chiếc thuyền mà Hằng vay lãi của người trên bờ đóng tháng đang đứng im, không chuyển. Hằng thấy kỳ kỳ. Thuyền buông rèm, sáng đèn mà không đi. Gió thổi mờ đặc nhưng vén rõ mây. Sơn ngồi trước thuyền, bóng Sơn nhỏ xíu rồi to dần. Người đàn bà, trắng nõn, đứng gần, tiến gần, sát Sơn. Sơn ngồi im. Hằng đưa tay dụi mắt rồi đẩy tay chèo nhanh hơn. Trên nền trời chuyển màu tối, cánh chim lẻ loi chấp chới bay trong loạng choạng chiều.
Người đàn bà ôm vai Sơn, hôn vào vai, vào gáy Sơn. Sơn ngồi im rồi nhảy tùm xuống nước. Người đàn bà kêu lên thất thanh, chạy ngược xuôi kiếm tìm. Đúng lúc đó, Hằng chèo ghe tới. Sơn nổi lên rồi cột chiếc thuyền nhỏ bên chiếc cây trơ trọi.
Ba người ngồi im lặng trong buổi chiều thăm thẳm. Sơn đã hứa không bao giờ phản bội Hằng. Sơn đã hứa đưa Hằng lên bờ sớm. Sơn đã hứa chỉ một lần bán sức mình để lấy sự thỏa mãn của người đàn bà giàu có với căn nhà trong phố. Sơn đã sai, sai một lần trong lúc say. Sơn mượn rượu để chối bỏ mình. Chiếc thuyền lặng im trôi. Sơn tăng tốc cho nước tung tóe như muốn hất cả ba người xuống mặt hồ đang gầm gừ. Sơn trả khách lên bờ. Người đàn bà bỏ lại những tờ tiền xanh thẫm rồi quệt nước mắt đi lên. Hằng nhìn Sơn. Ông Tuấn ghe cạnh nhìn vô ghe Sơn rồi cười mỉa mai. Có đợt đợi Sơn đi vắng ổng mỏ vô nhà Hằng, bị Hằng tri hô, ổng lặn xuống rồi bơi nhanh lên ghe. Hằng cười lại với ông Tuấn rồi đi ra đầu thuyền nắm tay Sơn dụi dụi đầu.
Gió chiều miên man thổi. Trăng cuối năm nhú dần trên đỉnh núi mấp mô cây. Gió se se lạnh. Sơn vào trong lấy chiếc áo lạnh cũ sờn vai khoác thêm cho Hằng. Trong ghe, mùi nước hoa của người đàn bà thoang thoảng mùi hồi xuân. Hằng cười với Sơn, nụ cười hằn sâu trên khóe mắt. Một nụ cười còn bí hiểm hơn lúc hai đứa nằm xõng soài trên bờ kênh hít hà mùi lúa con gái, cái buổi mà Sơn lên Sài Gòn rước Hằng, biến Hằng thành người đàn bà của Sơn.
Trăng tháng Mười hai lênh láng trên mặt nước dềnh dàng lấp lánh ánh vàng bàng bạc như nụ cười của người đàn bà trên sông…
TẠ NGỌC ĐIỆP
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...