Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Nông trại sơn ca

Nông trại sơn ca

Chiếc ô tô bốn chỗ của Tùng hãm tốc, chui qua cái cổng dựng sơ sài có gắn miếng gỗ hình bầu dục mang dòng chữ Nông trại Sơn ca. Người đàn ông đứng đón tôi và Tùng cười thân thiện, chìa tay ra. Hoạt. Giống Hoạt quá. Bộ dạng hom hem. Sơ mi đen làm nổi bật làn da trắng nhợt như cây thiếu nắng. Mái tóc dài dợn sóng chờm xuống tận vai. Đúng rồi. Đích thị gã. Tim tôi nhảy loi thoi trong lồng ngực.
– Hoạt ngố. Phải Hoạt ngố không? Chúng tôi ôm xiết nhau khiến Tùng mắt chữ A, mồm chữ O. Bọn tớ là đồng môn, từng học chung đại học. Gã nhìn Tùng, cười khoe bộ răng khấp khểnh “chín sáu ba không”.
Sau phút chếnh choáng vì bất ngờ, Hoạt lôi chúng tôi đến “văn phòng”, một ô vuông đào sâu xuống lòng đất như cái hầm, kê vài dãy bàn, có bậc tam cấp lên xuống. Không máy tính. Không điện thoại bàn. Không sổ sách, giấy tờ. Một cô gái trẻ mang bình nước ra cho khách. Hoạt cười hề hà:
– Văn phòng. Nhưng chỉ để ngồi chơi. Tán gẫu. Vì cái gì cần nhớ thì mình nhét hết vào trong này rồi. Gã gõ gõ ngón tay lên cái trán cao bị che khuất quá nửa vì mái tóc dài điệu đàng.
– Sao đang ăn no ngủ kỹ ở thủ đô ông lại mò vào xứ khỉ ho cò gáy này thế? Tôi mau mắn hỏi. Hoạt mủm mỉm cười. Không trả lời.
Tùng đang treo người tòn teng trên chiếc võng dù mắc trên miệng “hầm”, buông một câu lửng lơ:
– Đời ngán nhất là chết gí một chỗ. Nay đây mai đó mới thú.
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp
Tôi đưa mắt nhìn Hoạt. Gã làm bộ không để ý, nói lảng:
– Ông uống thử món si rô trái cây lên men nhé? Nói rồi gã tự tay rót cho tôi một ly nước có màu hồng hồng. Hoạt nói:
– Thứ giải khát này làm từ trái chôm chôm. Sạch trăm phần trăm.
– Thế nào là… sạch trăm phần trăm? Rửa… sạch hả?
– Là pha chế không dùng hóa chất, thành phẩm không dùng chất bảo quản – Hoạt tự tin nói.
– Nông trại sạch kết hợp du lịch sinh thái của anh Hoạt là mô hình điểm đầu tiên của huyện em đấy – Tùng vẫn đong đưa trên võng, nửa giải thích, nửa khoe. Anh ta thạo cơ sở như lòng bàn tay.
– Hay thật. Tiến sĩ bỏ thủ đô, về làm nông và du lịch. Rất hợp thời.
Tôi nghi hoặc nhìn những mảnh gỗ nhỏ hình mũi tên chỉ vị trí các khu chức năng. Hoạt giải thích:
– Khu chế biến, VAC…nằm khá xa đây. Nông trại khai thác cuốn chiếu. Ngày nghỉ học sinh các trường đến trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Nhưng hôm nay tôi tạm dừng đón khách. Để sửa chữa.
Hoạt chỉ những mái lá phía xa:
– Kia là nhà nghỉ thân thiện với môi trường. Các phòng không lắp điều hòa, chỉ có quạt điện. Để du khách tận hưởng gió trời. Nếu ông khoái, tôi miễn phí cho ông một “chuồng”. Muốn ở bao lâu tùy thích. Nông trại sẽ phục vụ ông tới tận răng.
Ra vậy. Ý tưởng của Hoạt không mới, nhưng vẫn là mạo hiểm.
Chủ nhân đứng dậy đi đâu đó rồi trở lại với hai chiếc nón lá:
– Hai vị đội nón vào. Mình đi loanh quan tí.
Tôi và Tùng đội nón lá, lẽo đẽo bước sau Hoạt. Nắng ong ong. Không khí oi nồng. Những con chuồn chuồn bay chập chờn trên thảm cỏ đậu lấm tấm hoa vàng. Hoạt đi nhanh thoăn thoắt, mái tóc dài lõa xõa sau lưng. Không thể tin được người đàn ông đang bươn bả bước đi kia lại là thằng bạn của tôi…
Hồi đại học, Hoạt hơi lập dị. Gã trong sáng đến mức ngây thơ, kém xã giao và lúc nào cũng sẵn sàng bị bạn bè phỉnh. Có những giai thoại về tính nghệ sĩ, “hâm dở” dẫn đến cái tên Hoạt Ngố của gã. Như luôn bị thiên hạ vay tiền, mượn xe, lấy đồ không trả, hay nhờ vả chuyện gì đó rồi cuối cùng Hoạt làm ơn mắc oán. Đại loại thế. Gã viết thư pháp đẹp, mê Hán Nôm, tới đình chùa nào cũng vanh vách lý giải ý nghĩa của văn bia, hoành phi câu đối khiến chúng tôi phục lăn. Tóm lại, gã đọc nhiều hiểu rộng và tốt bụng “quá mức cần thiết”, còn về kiến thức sách vở thì tôi chỉ đáng học trò của Hoạt…
Sau ngày ra trường, Hoạt trụ lại thủ đô, kết hôn với một cô gái Hà Nội “tông”. Tưởng cả đời chăn êm nệm ấm chốn phồn hoa, nào ngờ như trồi từ đất lên, gã lù lù có mặt ở đây…
Chúng tôi chui dưới tán lá xanh ngun ngút của vườn chôm chôm, măng cụt. Thảm lá rụng trên nền đất ẩm ướt bốc lên mùi hoai hoai, ung ủng. Những cây sầu riêng lá nhỏ dài, màu bạc phếch chỉ còn trái nhỏ đèo đẹt như những chú nhím con gai tua tủa. Mít trái to trái nhỏ bám chĩu chịt từ gốc lên ngọn. Vườn chuối rậm rạp như rừng. Chỉ chạm khẽ, những giọt nước mưa sáng lóng lánh như kim cương trên các tầng lá rớt xuống rào rào. Trong sân một ngôi nhà, những người phụ nữ đang xúm quanh một đống trái chôm chôm tươi, tay thoăn thoắt lột vỏ. Hoạt giải thích, họ đang chuẩn bị nguyên liệu để làm sirô.
Qua vườn Nam dược, Hoạt cúi xuống ngắt một cái lá, vò nát. Mùi thơm sực lên. Nồng nã, ngây ngất. Lũ bướm nhỏ xinh có màu vàng chanh thấy động bay túa lên từng đàn. Cây gì thơm thế. Tôi hỏi. Sả Java. Còn đây là cam thảo đất, hương nhu, ngũ trảo… Hoạt giải thích. Tùng cũng ngắt một nhánh hương nhu tía, hít lấy hít để. Vườn thuốc Nam này để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Khách nghỉ dưỡng đều được tắm lá thuốc. Hoạt nói và lại đưa cho tôi một nhánh lá có mùi thơm cay như mùi quế. Thằng cha này thật lạ. Tự dưng gã lại trở thành ông lang vườn.
Trên bãi đất trống nham nhở, một chiếc máy xúc đang hùng hục ngoạm từng gàu đất, những người thợ đội mũ bảo hộ lui cui dọn đá. Nhìn mọi thứ ngổn ngang, tôi chợt thấy khâm phục Hoạt. Không biết cái lão ngộ chữ này định làm gì.
– Nông trại của ông thu khá không? Tôi hỏi trên đường trở lại văn  phòng.
– Cũng được. Du lịch mới làm. Nhưng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thì khá. Các loại nấm đã ký hợp đồng với các siên thị. Cây ăn trái đã có sẵn của chủ trước, người ta bỏ vì giống cỗi, năng xuất kém, tôi cải tạo đất, chăm sóc theo công nghệ cao, giờ cũng có thu rồi.
Tôi im lặng. Cứ tưởng Hoạt lãng mạn viển vông, khù khờ chuyện làm kinh tế. Ra gã tẩm ngẩm tầm ngầm…
*
Lần gặp thứ hai Hoạt dẫn tôi về nhà riêng. Nhà cấp bốn, có dàn khổ qua rừng trước sân. Tường nhà treo chữ Nhẫn kiểu thư pháp khá duyên dáng, chắc do Hoạt tự viết.
– Ông lạ thật. Tự nhiên lại thò mặt vào chốn này ? Hay là… Tôi hoài nghi nhìn Hoạt. Gã cười bí hiểm:
– Ông thử nghĩ xem tôi có thể vào đây vì lý do gì? Vợ đuổi vì trót ăn vụng? Biển thủ công quỹ? Hay đi trốn nợ?
Tôi chưa nghĩ ra cách “đốn” gã bạn học thì một người phụ nữ chạy chiếc xe wave vào sân. Chị ta cởi nón bảo hiểm, bước vào nhà, khẽ cúi đầu chào khách. Gương mặt tròn trịa của người phụ nữ gợi cho tôi nghĩ đến bức tranh lụa mô tả vẻ đẹp đôn hậu của các sơn nữ.
– Thật ra, trước có nằm mơ tôi cũng không nghĩ có ngày mình sẽ sống ở một nơi hoang sơ, dân dã thế này. Nhưng… số tôi nó thế. Hoạt nói và đánh mắt theo người phụ nữ vừa vào trong nhà.
– Tập hai à? Tôi thăm dò. Hoạt gật đầu. Ừ, tập hai. Mà cứ từ từ, chuyện đâu còn có đó, ông đừng sốt ruột…
Hoạt trải chiếu bày mâm giữa nhà. Gã rót cho tôi một ly nhỏ, thứ rượu vị hơi chua mà gã gọi là rượu cần, ủ bằng lá cây rừng. Mồi đưa cay gồm giò thủ, xúc xích, cá sông bọc lá chuối nướng, canh rau và gỏi măng tươi có mùi thơm lạ.
– Rượu này bà xã tôi làm. Món ăn từ nguyên liệu sạch của nông trại, có tẩm ướp gia vị mang vào từ quê, ông ăn vài lần sẽ quen.
Vợ Hoạt mang ra dĩa ốc lác hấp sả gừng tỏa hơi nghi ngút.
– Nào. Xin mời. Món này phải ăn nóng. Chủ nhà xoa tay, vui vẻ.
Tôi cầm cây tăm nhọn, khêu ốc. Hoạt cũng nhấp rượu, khêu một con ốc. Cử chỉ của gã chậm rãi, khoan thai, vẻ an nhiên tự tại. Rượu vào, lời ra, tôi kể cho gã nghe “đoạn trường” của mình. Vác tấm bằng đại học vào Nam thuở còn bao cấp nhưng thân cô, thế cô, làm chuyên viên mấy chục năm, ì ạch mãi tôi mới leo được lên ghế trưởng phòng của một Sở. Đời công chức của tôi phẳng lặng như mặt nước ao tù. Hoạt im lặng, không tỏ thái độ. Dường như phận số buồn tẻ của tôi chẳng mấy tác động tới gã. Hết ly thứ ba, Hoạt rót tiếp và có vẻ đã sương sương. Đột nhiên, đang đăm chiêu, gã bỗng nhoài người sang phía tôi, cặp mắt nâu nhìn sát vào mặt tôi, giọng nói thầm thào khiến tôi giật mình:
– Tôi thì không giống ông. Lên voi. Xuống chó. Đủ cả. Ông cho rằng thằng tôi mà làm kinh doanh thì chỉ có lỗ sặc gạch. Đúng không? Nhưng ông yên tâm. Tôi nếm trải đủ rồi. Coi như tôi đặt cược vào canh bạc này, lời ăn, lỗ chịu.
Tôi trố mắt nhìn Hoạt. Cảm thấy có cái gì đó bất thường và hơi nghiêm trọng trong thái độ của gã. Hoạt nâng ly rượu bằng cả hai tay. Run run. Nhưng gã không uống. Lại để ly rượu xuống mâm, nhìn tôi trách móc.
– Ông cứ cật vấn tôi. Giờ nói thật nhé. Tôi vào đây là để… trả nợ đời. Tôi nợ học trò. Nợ thầy dạy. Nợ vợ con. Nợ tất… Hoạt bỗng chớp chớp mắt, cánh mũi phập phồng. Có vẻ như gã sắp òa khóc, hoặc là sắp phừng cháy như bó đuốc. Tôi cảm thấy hoang mang. Hay tôi đã vô tình chạm vào nỗi niềm sâu kín của gã? Nhưng chỉ vài giây thoáng qua, Hoạt trở lại vẻ bình thản.
Trước đây tôi tưởng số tôi rất “son”, ông ạ. Hoạt làm một tợp rượu rồi mở lời. Tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường. May mắn gặp được vị Trưởng khoa biết dụng nhân. Thấy tôi có tiềm năng, ông ấy cho tôi vừa giảng dạy, vừa học cao học, có tấm bằng thạc sĩ lại được bổ nhiệm cấp phó. Bố vợ tôi có vị trí kha khá ở một Bộ. Ông bà nhạc cho chúng tôi căn hộ chung cư. Con gái ngoan, kháu khỉnh. Mọi thứ đẹp như mơ.
Hoạt dừng lại, khẽ đưa ly rượu chạm vào môi, mắt nhìn xa xăm. Giọng gã bỗng trở nên chua chát:
– Hồi còn dạy học, sinh viên thần tượng tôi. Nhưng tôi lại bị đồng nghiệp ganh ghét, đố kỵ. Đang yên lành bỗng rộ tin vợ tôi nhận “bồi dưỡng” của nhiều sinh viên do tôi hướng dẫn luận văn. Hồi đó có một cậu sinh viên nghèo. Anh ta bán máu và bị ngất xỉu ngay trên giảng đường. Thiên hạ nhân đó quy chụp cho vợ chồng tôi. Vị trưởng khoa tử tế, đức độ gọi tôi lên hỏi. Nghe xong, ông ấy trấn an. Dù sao cũng chỉ là dư luận. Nhưng từ đó, nói chuyện với tôi ông không còn “cậu tớ” thân thiện như lúc trước. Tôi thấy mình như con diều đang bay cao bỗng đứt phựt, lao cắm xuống đất, tả tơi, rã rượi một cách thảm hại.
Vợ tôi không bận tâm đến thị phi. Cô ta ngồi giũa móng chân, mặt mày sưng sỉa, anh đúng là dở hơi. Có thế mà cũng tái dại như gà cắt tiết. Em đâu có lừa gạt ai. Anh bán trí tuệ, họ trả công anh. Tiền trao, cháo múc. Sòng phẳng! Thì ra, tôi quá quan liêu. Chuyện vợ tôi bòn rút sinh viên là thật. Tôi sốc. Nhưng vẫn phải cười trừ, giải thích cho vợ hướng dẫn sinh viên là trách nhiệm của người thầy. Hơn nữa, em lấy tiền của thằng T thì ác quá. Nó nghèo rớt mồng tơi. Nghèo thì đừng học. Với lại nó tự giác chứ em có đòi đâu. Vợ tôi nói lạnh tanh, cô ta không “nai” như tôi tưởng. Tôi bảo vợ từ nay đừng nên làm vậy. Có rau ăn rau. Có cháo ăn cháo. Anh không muốn làm trái lương tâm. Càng không muốn phải hầu tòa.
Hoạt lại làm một tợp rượu và đưa mắt nhìn tôi. Thấy tôi có vẻ chăm chú lắng nghe, gã nói tiếp:
– Cô vợ xinh đẹp của tôi xì một phát bắn cả nước bọt vào mặt tôi. Đầu óc anh đúng là có vấn đề. Tưởng lâu nay chỉ có lương giảng viên đại học của anh và lương công chức của em mà được thế này à? Có họa là mơ. Cô ta còn phun ra những lời lẽ chối tai khủng khiếp nữa.
Hoạt bỗng đập bộp cái ly rỗng xuống sàn, nhìn tôi trừng trừng. Nếu anh ở vào hoàn cảnh tôi, anh sẽ sống ra sao? Sẽ làm gì? Anh có còn muốn đứng trên giảng đường để rao giảng chân thiện mỹ với sinh viên không?
Tôi bối rối thật sự. Không biết nên nói thế nào. Hoạt lầm lì rót rượu, ngửa cổ dốc tuột vào họng. Tôi lén nhìn gã. Sau phút xúc động Hoạt có vẻ mệt lử, mồ hôi trán rịn ra. Mắt rơm rớm. Giọng gã chùng như bị ngấm nước:
– Vì có dư luận tiêu cực nên tôi bị điều qua phòng đào tạo. Không được đứng lớp. Danh dự người thầy của tôi đi tong. Nhưng chẳng thể kêu ai. Ông biết đấy, thời trẻ tôi ngu ngơ, chỉ biết cắm mặt vào sách. Cha tôi là thương binh chống Mỹ. Về làng với khúc chân cụt, ông vẫn làm vườn, cấy lúa, bắt cua mò ốc nuôi ba anh em tôi ăn học. Cả đời cha tôi luôn dạy con đói cho sạch, rách cho thơm. Nhưng sau vụ ấy tôi thấy mình lậm bùn. Tôi buồn, giận vợ thì ít, giận mình thì nhiều. Lương tâm, lòng tự trọng, đạo đức người thầy, những thứ đó chỉ là giẻ rách, chẳng có giá trị gì nếu tôi không không lo được đủ đầy cho vợ con…
– Rồi… sau thế nào? Tôi buột miệng. Hỏi xong mới thấy mình vô duyên
– Vài năm sau tôi xin chuyển công tác. Về Viện toàn “mũ cao áo dài”, tôi âm thầm làm việc, lọ mọ học lên, lấy bằng tiến sĩ, viết đôi ba cuốn sách nghiên cứu văn hóa dân tộc. Sai lầm của tôi là lại nhận giúp học sinh cao học làm luận văn thạc sĩ. Mấy cô cậu lười học nhưng thích dán nhãn thạc sĩ, tiến sĩ thậm thụt đi cửa sau với bà xã tôi. Sợ đi vào vết xe đổ, tôi ngăn. Thế là xung đột. Vợ tôi thực dụng, quen nếp con quan. Cô ta đâu thể sống nghèo. Bố mẹ vợ cũng coi tôi là thằng nhà quê ngớ ngẩn. Cuối cùng chúng tôi ly hôn.
Hoạt im lặng, hơi cúi mặt. Rồi gã ngẩng lên, vẻ quả quyết và điềm tĩnh. Thôi. Vớ vẩn quá. Không nói chuyện đời xưa nữa. Ta cạn ly. Nào…
Chúng tôi cụng ly, ngửa cổ dốc cạn.
Chuyện của Hoạt truyền nỗi buồn sang tôi. Nhưng việc vợ Hoạt móc ngoéo cửa sau với học trò của chồng, thật tình tôi cho là thường, chẳng đến nỗi sốc. Thời nay chuyện mua bán bằng cấp, luận văn tốt nghiệp… bát nháo như chợ trời, báo chí nói hà rầm. Tâm hồn Hoạt quá mong manh, nhạy cảm, hay gã là người trên cung trăng?
Nhưng có lẽ đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Con người thiện căn như Hoạt lúc nào cũng khó sống. Chắc gã còn nhiều nổi nênh không tiện nói ra.
*
Khá lâu tôi không gặp Hoạt. Rồi tôi nhận được điện thoại của gã, bảo đi lo công chuyện, giờ xong việc, muốn gặp tôi.
Khi tôi đến, Hoạt đã ngồi trong quán giải khát Phù Vân. Từ đây nhìn ra cánh đồng lúa rợn ngợp màu xanh. Một con đường rải đá dăm chạy bên hông quán, dẫn ra cây cầu mới xây cao lồng lộng, bắc ngang dòng sông chẽ nhánh. Mái tóc dài điệu đàng của Hoạt đã được cắt gọn, trông gã bớt nghệ sĩ nhưng khỏe khoắn hơn. Cặp mắt nâu của gã sáng bừng:
– Trại heo của tôi dính dịch tả Châu Phi. Chết một mớ. Thú y huyện giúp xử lý gọn rồi. Tôi đang vui nên gọi ông ra đây. Uống gì thì gọi đi.
– Heo chết mà vui. Tưởng trúng mánh chứ. Tôi gọi ly chanh đá rồi ngồi xuống ghế, đối diện với gã.
– Ừ. Trúng mánh. Con gái tôi vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ văn hóa. Loại giỏi. Nó sắp đi nghiên cứu sinh.
– Chúc mừng ông – Tôi bắt tay Hoạt, thật tâm mừng cho bạn.
– Con bé tội nghiệp. Lẽ ra tôi và mẹ nó “giải tán” sớm hơn, nhưng sợ con gái sốc nên phải chờ nó lớn. Hoạt nói.
Một làn gió phào tới, mang theo mùi thơm dìu dịu của lúa đang kỳ ngậm sữa.  Hoạt lim dim mắt, mơ màng.
–  Mát quá. Ước gì cứ mãi được thế này
– Ước gì nữa. Nông trại của ông chả thế này là gì?
– Ừ. Thế này. Nhưng mệt lắm… Còn nhiều việc phải lo. Nhà lại neo người…
Tôi nhìn đuôi mắt tõe ra những nếp chân chim của Hoạt. Hơi ngậm ngùi. Sắp đến tuổi ngắm hoa quỳnh nở, thế mà vẫn lận đận chuyện áo cơm. Sao phải khổ thế chứ?
Nơi chúng tôi đang ngồi là cù lao Rùa. Những thửa lúa lọt giữa bãi trống lưa thưa cây bụi và con rạch mọc toàn dừa nước.
– Ông nhìn xem. Cù lao này đất phù sa, có dáng kim quy ngẩng đầu, lại có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Mới đây một tay chủ tịch trẻ thuộc dạng cấp tiến, đến tham quan nông trại của tôi. Hắn thích, khẩn khoản bảo tôi giúp phát triển du lịch sinh thái trên cù lao. Tôi vừa từ văn phòng của hắn về đây.
Hoạt nói và hướng mắt nhìn về phía cây cầu trắng như dát bạc dưới nắng trưa, dòng người và và xe cộ chuyển động trên cầu như mắc cửi.
– Nhưng đất đã quy hoạch hết rồi, đâu còn chỗ trống cho ông làm thầy thiên hạ – tôi nói, có ý trêu Hoạt. Gã không để tâm, vẫn thao thao nói về tiềm năng phát triển du lịch của cù lao Rùa.
– Ông có biết vì sao tôi mê du lịch sinh thái không? Cơ duyên cả đấy. Là vì có thời gian tôi được Viện giao hướng dẫn bà con miền núi làm du lịch. Người vùng cao còn lạc hậu, dân trí thấp. Nên mình phải bày cách làm homestay. Đại loại là chỉ bảo cách ăn, ở, sinh hoạt hợp vệ sinh, giữ gìn văn hóa truyền thống. Suốt mấy năm tôi lăn lộn với bà con các dân tộc, để phát triển ngành công nghiệp không khói.
Năm ấy, tôi lên X, một vùng sơn thủy hữu tình. Khí hậu mát mẻ. Sương mù cuồn cuộn, trắng như bông. Ruộng bậc thang, mùa xuân ngợp màu xanh lúa non, sang hè thì lúa chín vàng như kén tằm. Nhà sàn sạch sẽ và khá đẹp. Nhưng đồng bào Thái ở đó chưa biết làm homestay. Tôi tá túc ở nhà một cặp vợ chồng trẻ, chồng tên Lực, là bí thư Thị đoàn. Chính tôi khuyến khích Lực mở homestay vì họ may mắn có cái nhà sàn do ông nội để lại, toàn gỗ tốt. Nhà Lực lại có vị thế đẹp, nhìn ra thấy ruộng bậc thang, sang xuân hoa sở nở trắng các quả đồi. Khách Tây rất thích phong cảnh tự nhiên. Chỉ cần tạo cho bà con nếp sống văn minh, sạch sẽ là thành công.
Thời gian ở X, tôi quen cô Miến, bà con với Lực. Cô hay giúp vợ Lực đồ xôi, làm cơm theo yêu cầu của khách du lịch. Lúc rảnh thì vào rừng lấy măng đắng cung cấp cho các homestay. Tối nào cô cũng đến homestay của Lực ngồi dệt thổ cẩm. Tôi để ý cô Miến vì mắt cô ta luôn nhìn xuống, vô cùng kiệm lời. Nhưng cô khéo tay, nấu ăn ngon, lại biết hát tiếng dân tộc. Hóa ra cô ta là vợ của một tên nghiện, nổi tiếng bạo hành vợ. Có lần tôi thấy má cô ta bầm tím, cô ta lấy khăn che nhưng vẫn không dấu được.
Một hôm, tôi và Lực đến nhà cô Miến, để tìm cách cảm hóa anh chồng. Thế quái nào chúng tôi đến đúng lúc gã chồng đang hành hung vợ. Gã như hóa rồ, túm tóc Miến cột vào cái cối xay ngô, vừa tát túi bụi vào mặt cô ta vừa xổ ra từng tràng tiếng Thái. Gã thở hồng hộc, mắt lồi ra như sắp nhảy khỏi tròng. Hôm ấy nếu không có tôi và Lực xô vào lôi gã chồng quẳng ra ngoài thì cô Miến ốm đòn. Phụ nữ dân tộc họ nhẫn nhịn như con ngựa thồ. Bị đánh đập, ngược đãi mấy cũng không dám phản kháng. Loại chồng cô Miến mà gặp mấy bà vợ dữ có mà phắn sớm.
Hoại dừng lời, cầm ly cà phê đá, uống nhỏ nhẹ. Tôi bắt gặp trên gương mặt tư lự của gã những nét thân thuộc của “Hoạt ngố” khi xưa. Ẩn sâu bên trong dáng vẻ mong manh là một tâm hồn dễ rung động nhưng không dễ bị chế ngự.
–  Rồi… làm thế nào ông đưa được nàng về dinh?
– Thì đùng phát, chồng cô Miến chết vì sốc thuốc. Tên này nghiện hàng trắng lâu rồi. Trước kia hắn có thời gian xuống dưới xuôi làm cửu vạn. Rồi sa vào ma túy, vợ làm ra đồng nào ném cả vào cái thùng không đáy của chồng. Tên nghiện chết, mấy năm sau tôi mới “dụ” được Miến vào trong này. Đất xấu nên mua cũng rẻ, rồi cải tạo dần. Được cái bà xã tôi thích nghi nhanh. Món ăn ở đây bà ấy chế biến theo kiểu vùng cao. Ông ăn thấy được không?
– Được. Lạ miệng. Ngon. Tôi nói, có ý động viên anh bạn.
Ánh mắt Hoạt trở nên đăm chiêu:
– Dân ở đây chẳng mấy ai biết nông nghiệp 4.0 hay 5.0 là gì. Họ ngại đầu tư, làm gì cũng muốn ngay lập tức có tiền tươi thóc thật. Tôi sinh ra từ làng, hiểu nông dân còn hơn ngày xưa hiểu sinh viên. Nên làm được gì cho họ là tôi làm. Mà từ ngày vào đây, hợp phong thủy nên tôi khỏe hẳn ra. Chỉ lo công việc, trả lương cho thợ, rảnh thì viết sách.
– Đất lành chim đậu. Ông giúp được cho địa phương, thế là quý quá rồi – Tôi nói đầy ghen tỵ. Hoạt cười:
– Ông đã biết lý do vì sao tôi có mặt ở đây rồi. Nhưng nói thật, không có Miến thì tôi cũng bó tay chấm cơm.
Tên này lại “nhất vợ nhì trời” rồi. Tôi cười thầm.
*
Đầu mùa khô, tôi trở lại Nông trại Sơn Ca. Hoạt đang tiếp một vị khách đẫy đà, ra dáng sếp. Ông ta nói chuyện với Hoạt xong bèn nằm khểnh lên võng, dùng tay che mặt, chắc tranh thủ ngủ.
– Khoe với ông. Bầy heo nái của vợ chồng tôi vừa đẻ. Tôi lại viết được cuốn sách về tiềm năng du lịch sinh thái của miền Đông Nam Bộ. Hoạt nói. Niềm vui làm dãn những nếp nhăn mảnh trên gương mặt gầy gò dễ mến của gã
– Vừa hay tôi có món quà nhỏ tặng ông đây. Tôi nói và đặt cuốn sách “Tìm hiểu hệ sinh thái miền Đông” lên bàn. Hoạt vồ lấy cuốn sách, lật giở vài trang, miệng xuýt xoa tuyệt vời tuyệt vời.
Tôi chợt nhận ra, gã đang hạnh phúc, theo cách riêng của mình. Thứ hạnh phúc như bông hoa nở muộn, với mùi hương dịu nhẹ và sâu đằm.
HOÀNG NGỌC ĐIỆP
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...