Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Bà Chúa thơ Nôm

Bà Chúa thơ Nôm
Cho đến nay mặc dù chưa hết những nghi vấn về cuộc đời và thơ của Hồ Xuân Hương, nhưng phải công nhận rằng trong văn học nước nhà, có thể nói thơ Hồ Xuân Hương đứng vào bậc nhất, bởi tính cách độc đáo của nó. Cái tên Hồ Xuân Hương thật đẹp, hương ngát của mùa Xuân, đã cất tiếng lên thì không quên được, một thứ thơ không chịu trói buộc trong khuôn khổ thông thường. Hồ Xuân Hương muốn lặn sâu vào sự vật, và những đáy sâu thẳm của tâm tư, mang cái ý nghĩa phản kháng của một người đàn bà sống dưới chế độ phong kiến xưa.
Hồ Xuân Hương sinh năm nào, mất năm nào và chủ yếu viết vào giai đoạn nào, không ai biết đích xác. Trong tập "Giai nhân dị mặc", Nguyễn Hữu Tiến có lẽ đã căn cứ theo những sáng tác của Hồ Xuân Hương dùng làm mốc chính, cộng thêm những chuyện truyền khẩu để tạo dựng lên cuộc đời Hồ Xuân Hương. Trước đây các nhà nghiên cứu cho rằng Hồ Xuân Hương sống và viết vào nửa cuối thế kỷ 18, dưới thời Tây Sơn. Nhưng căn cứ theo một số tài liệu mới phát hiện gần đây, thì có lẽ Hồ Xuân Hương sống dưới thời nhà Nguyễn, khoảng nửa đầu thế kỷ 19. Hồ Xuân Hương sống đồng thời với Phạm Đình Hổ tức Chiêu Hổ (1768-1839) vào cuối đời Lê, qua nhà Tây Sơn, sang đầu triều Nguyễn. Hồ Xuân Hương sinh sau Đoàn Thị Điểm (1705-1748) người xứ Kinh Bắc nổi tiếng làn hát quan họ. Trên tờ "Văn Nghệ" số 428 ngày 24.12.1972 Lê Thước và Trương Chính phác giác Hồ Xuân Hương có làm thơ tặng Nguyễn Du (1765-1820).
Hồ Xuân Hương quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nay thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh. Thân sinh Hồ Phi Diễn, một ông đồ nghèo, bỏ quê ra dạy học ở vùng Hải Dương, Kinh Bắc, lấy một thôn nữ ở đây họ Hà quê làm lẽ, sinh ra Hồ Xuân Hương. Cha mẹ Hồ Xuân Hương có một thời sống ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây, Hà Nội, sau dọn về thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, nay là phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Khi trưởng thành Hồ Xuân Hương thuê cất một ngôi nhà ở gần Hồ Tây lấy tên Cổ Nguyệt đường (chiết tự từ chữ Hồ).
Thời nhỏ Hồ Xuân Hương được mẹ cho theo học chữ Hán, lúc bấy giờ cha đã mất, thường xảy ra những chuyện tinh nghịch giữa học trò con trai và con gái. Một hôm Hồ Xuân Hương trượt chân ngã giữa sân, bọn nam sinh cười rộ lên chế giễu, Hồ Xuân Hương ứng khẩu đọc ngay giữa sân:
  Giơ tay với thử trời cao thấp
  Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.

Dư luận cho rằng lối thơ khẩu khí loại này ít tìm thấy ở Hồ Xuân Hương, nên coi đây như một giai thoại. Tuy nhiên bài thơ "Vịnh giếng" người ta tin là Hồ Xuân Hương đã viết trong giai đoạn này, cho dù không có gì làm bằng chứng, đây là thơ con gái:
  Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
  Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng
  Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
  Nước trong leo lẻo một dòng thông
  Cỏ gà lún phún leo quanh mép
  Cá giếc le te lách giữa dòng
  Giếng ấy thanh tân ai đã biết
  Đố ai dám thả nạ dòng dòng.

Tình thơ, tứ thơ mới mẻ, từ chiếc cầu trắng đến giòng nước trong đều "thanh thơi", "cỏ gà" không mọc cao, "cá giếc" không quẫy mạnh, giếng "thanh tân"…Lần đầu tiên trong đời lấy chồng, Hồ Xuân Hương bị ép uổng cưới một cai tổng góa vợ, tục gọi Tổng Cóc. Đến khi chồng chết đi Hồ Xuân Hương thở dài thoát nợ, cất được một cái gì như đá tảng đè lên người:
  Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
  Thiếp bén duyên chàng có thế thôi!
  Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé
  Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

Chắc hẳn Hồ Xuân Hương đã khổ nhiều với người đàn ông này, nên mới đem cái tên Tổng Cóc ra đay nghiến. Hồ Xuân Hương bảo "nòng nọc đứt đuôi" ý rủa ông chết hẳn đi, muốn chôn sống chồng hai lần, "bôi vôi"  đánh dấu, đào sâu chôn chặt.
Hồ Xuân Hương một lần nữa chắp nối, lấy lẽ một ông thủ khoa làm quan đến tri phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Bắc Việt). Trong cảnh lẽ mọn đó, Hồ Xuân Hương không có được cái hạnh phúc tuy ngắn ngủi mà dạt dào của Đoàn Thị Điểm, ba mươi bảy tuổi làm lẽ nhà nho Nguyễn Kiều, bốn mươi bốn tuổi mất, vợ chồng sống tương đắc. Hồ Xuân Hương lấy ông thủ khoa nhưng cuộc tình duyên không có gì vui sướng:
  Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
  Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
  Năm thì mười họa nên chăng chớ,
  Một tháng đôi lần có cũng không.
  Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng;
  Cầm bằng làm mướn, mướn không công
  Thân này ví biết dường này nhẻ,
  Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Hồ Xuân Hương cay đắng thốt lên: "Thà trước thôi đành ở vậy xong". Được hai mươi bảy tháng chồng mất, lần này Hồ Xuân Hương không khóc than cộc lốc như với Tổng Cóc, một cường hào dốt chữ, thương tiếc bài bản, chững chạc hơn:
  Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
  Cái nợ ba sinh đã trả rồi,
  Chôn chặt văn chương ba thước đất,
  Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.
  Cán cân tạo hóa rơi đâu mất.
  Miệng túi càn khôn thắt lại rồi.
  Hăm bảy tháng trời là mấy chốc
  Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!

Thơ Hồ Xuân Hương ít dùng nhiều chữ, những chữ "cán cây tạo hóa", "miệng túi càn khôn", cái tính cách ông phủ của người mất thể hiện rõ, người mình yêu mới chết, không còn ruột gan nào để nói đến "cái nợ ba sinh đã trả rồi." Hồ Xuân Hương có tiếc thương, nhưng không rõ yêu mến, lại tỏ rõ sự tức tối, đớn đau về hoàn cảnh làm lẽ. Hồ Xuân Hương hai lần cưới chồng, hai lần làm lẽ, chồng đều chết, bởi vậy Hồ Xuân Hương thông cảm sâu sắc hoàn cảnh những người đàn bà góa chồng như sự diễn tả tinh tế trong câu ca dao:
  Gió đưa hoa cải về trời
  Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.

Khi diễn tả một bà lang đau đớn khóc chồng, Hồ Xuân Hương khéo dùng tên các vị thuốc, vẫn phảng phất giọng điệu giễu cợt, nhưng bên trong tâm hồn chan hòa một sự đồng cảm:
  Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
  Thương chồng nên nỗi khóc tì ti
  Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo,
  Cay đắng chàng ơi vị quế chi.
  Thạch nhũ trần bì sao để lại!
  Quy thân liên nhục tẩm mang đi!
  Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ… 

Nhưng Hồ Xuân Hương không phải hạng người mềm yếu, dễ gục đầu than khóc. Một phụ nữ khác góa chồng, Hồ Xuân Hương tỏ ý khuyên can:
  Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng,
  Nín đi kẻo thẹn với non sông!

Phải chăng bởi không muốn thẹn với non sông, nên Hồ Xuân Hương đã can đảm bênh vực người chửa hoang:
  Cả nên cho nên sự dở dang
  Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?
  Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
  Phận liễu sao đà nảy nét ngang
  Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
  Mảnh tình một khối thiếp xin mang
  Quản bao miệng thế lời chênh lệch,
  Không có…nhưng mà có…mới ngoan!

[Ở đây Hồ Xuân Hương đã chơi chữ, tiếng Hán thiên là trời, nhô đầu lên thành chữ phu là chồng; chữ liễu nghĩa là hết, đồng âm với cây liễu, thêm nét ngang thành chữ tử là con; ý nói chưa có chồng sao đã có con.]
Tương tự ca dao cũng có câu:
  Không chồng mà chửa mới ngoan
  Có chồng mà chửa thế gian sự thường.
Nghĩ đến cuộc đời Hồ Xuân Hương không ai khỏi bùi ngùi cho con người tài hoa lỡ dở tình duyên ấy, lấy Tổng Cóc thì Tổng Cóc góa vợ, làm lẽ ông phủ Vĩnh Tường thì ông phủ Vĩnh Tường chết. Xã hội đã xô đẩy Hồ Xuân Hương vào cửa đời ngang trái, như người ta đã xô đẩy không biết bao nhiêu phụ nữ khác, phải chăng bởi Hồ Xuân Hương khó tính, bướng bỉnh, bản lĩnh to như trái núi, suốt đời không chịu nhẫn nhục, khuất phục bất cứ một ai, lấy thơ làm vũ khí để trêu chọc người, mồm vang dội khắp thiên hạ, nên thành khổ tâm thiên cổ. Khi Chiêu Hổ lều chõng vinh quy, được bổ nhiệm làm quan, Hồ Xuân Hương ra một vế đối: "Mặc áo Giáp, dải cài chữ Đinh, Mậu Kỷ Canh khoe mình rằng Quý". Hồ Xuân Hương lấy những chữ trong thập can (Giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) ý chế giễu Chiêu Hổ vừa thi đỗ, mặc áo tân khoa, lấy làm hãnh diện. Đây chỉ là một câu đùa cợt nhẹ nhàng. Vậy không biết cớ chi Chiêu Hổ đối lại quá nặng nề:"Làm đĩ Càn, tại đeo hạt Khảm, Tốn Ly Đoài khéo nói rằng Khôn". Chiêu Hổ dùng các chữ trong bát quái (Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài) mắng Hồ Xuân Hương là"con đĩ" càn dỡ, tự phụ, khoe khôn khéo. Những chữ mậu, kỷ, canh ở câu trên và tốn, ly, đoài ở câu dưới có ý thêm vào, tạo âm thanh cho dễ đọc. Dư luận trách cứ Chiêu Hổ quá khe khắc. Dù sao Chiêu Hổ đã yên nhà yên cửa, có vợ con, tốt thân tốt thế, làm quan lớn, Hồ Xuân Hương còn lận đận, long đong đường chồng con, chưa bề nào ra bề nào, nỡ hạ những lời chua chát, khinh người rõ rệt, không còn tư thế của một sĩ phu.
Trong thơ Hồ Xuân Hương người ta thấy đầy rẫy các cảnh ngộ riêng tư của một người đàn bà tài hoa, giàu sức sống nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương tha thiết muốn có một tình yêu tốt đẹp mà không bao giờ đạt được. Trong suốt cuộc đời Hồ Xuân Hương phải làm lẽ những người không thật sự thương yêu, nên thơ thường thể hiện một sự khao khát, nhiều khi bốc cháy, về một tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng. Xem cuộc xướng họa với Chiêu Hổ đã rõ bản lĩnh của Hồ Xuân Hương ra sao. Họ đối chọi nhau từng chữ, ganh đua nhau từng vần một. Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ (1768-1839), ba lần được triều đình vời làm quan, chỉ làm ít lâu lại từ quan. Văn Tân trong tập "Hồ Xuân Hương" cho rằng Chiêu Hổ kém Hồ Xuân Hương "chừng trên dưới mười tuổi gì đó." Có lần hỏi vay năm quan tiền, Chiêu Hổ nhận lời, nhưng sau đổi ý đưa có ba, Hồ Xuân Hương gọi là Cuội, ám chỉ nói dối như Cuội:
  Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
  Nhớ hái cho xin lắm lá đa.

Chiêu Hổ họa nguyên vần, còn hăm dọa:
  Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
  Cho cả cành đa lẫn củ đa.

Hồ Xuân Hương giận xưng chị với Chiêu Hổ, liên tưởng cái tên Hổ thành cái "hang hùm":
  Anh đồ tỉnh? Anh đồ say?
  Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
  Này này chị bảo cho mà biết
  Chốn ấy hang hùm chớ mó tay

Chiêu Hổ không phải tay vừa trả đũa liền:
  Này ông tỉnh! Này ông say!
  Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
  Hang hùm ví bẵng không ai mó
  Sao có hùm con bỗng trốc tay?

Nếu ngại ngần Hồ Xuân Hương sẽ mỉa mai cho:
  Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
  Nhắn nhe toan những sự gùn ghè
  Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám
  Chưa dám cho nên phải rụt rè.

Chiêu Hổ phản công hăng hái, liều lĩnh, y chang anh học trò được xếp sau "nhất quỷ, nhì ma", hơn nữa, ma quỷ đều kinh:
  Hỡi hỡi cô bay tới bảo nhe
  Bảo nhe không được gậy ông ghè!
  Ông ghè không được, ông ghè mãi
  Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè.

Không ai chê Chiêu Hổ "nôm" và thực, nói "dùi đục chấm mắm cáy" mà lý thú, hai người như đôi câu câu đối hợp nhau.Cuộc đời Hồ Xuân Hương đã bất như ý lại sống trong hoàn cảnh xã hội bất như ý. Hồ Xuân Hương ở vào cuối thời vua Lê chúa Trịnh, chế độ khủng hoảng trầm trọng, mục nát đến gốc rễ. Trịnh Nguyễn phân tranh hàng nửa thế kỷ, Đàng ngoài, Đàng trong dân chúng sống cực khổ. Chúa Trịnh đặt nhiều thứ thuế, thêm nạn hạn hán, mất mùa. Vua chúa sống xa hoa, trụy lạc. Trong cung có hàng trăm cung nữ, có người suốt đời không thấy mặt chúa. Chúa Trịnh bán quan tước, một người văn dốt, vũ nát nếu nộp đủ một nghìn quan tiền là được bổ tri huyện. Chế độ thi cử gian lận, thối nát. Do khổ sở cùng cực, tức nước vỡ bờ, dân chúng nhiều nơi nổi dậy. Bon vua chúa, quan lại, bọn giả bộ quân tử tự lột bỏ cái nước sơn hào nhoáng bề ngoài, hạng lao động, nghèo khổ bị xếp loại"tiểu nhân", thấy rõ sự bất tài, bất lực, ươn hèn. Sống giữa thời đại đó thơ Hồ Xuân Hương đã nhuốm sắc màu thời thế. Một xã hội không kịp đổi thay theo nhu cầu con người đòi hỏi vượt khỏi ý thức hệ phong kiến, tập tục, lễ giáo, đạo đức, không bị chèn ép. Họ muốn sống tự do, phóng khoáng, có được nhân vị. Hồ Xuân Hương bị cái thành kiến coi rẻ đàn bà đã phản ứng mạnh mẽ, dùng các vật tầm thường tự ví với mình để tỏ sự phản kháng, sánh mình với cái bánh trôi nước, tròn méo do người nặn:
  Thân em vừa trắng lại vừa tròn
  Bảy nổi ba chìm với nước non
  Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
  Mà em vẫn giữ tấm lòng son. 

Ví mình như quả mít lủng lẳng trên cây:
  Thân em như quả mít trên cây
  Vỏ nó xù xì, múi nó dày
  Quân tử có thương thì đóng cọc
  Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

Hay con ốc ngó ngoáy, lăn lóc trong đám cỏ:
  Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
  Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
  Quân tử có thương thì bóc yếm
  Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

Hồ Xuân Hương châm chọc cái xã hội nhố nhăng thời ấy. Cười nhọn, cười sắc, cười gằn, xua đuổi tất cả các nhân vật xấu xí của nó, cười tận óc, không sao bịt tai nổi. Bọn "công tử bột" cậy cha mẹ có tiền bạc, hợm hĩnh khoe chữ, tấp tểnh làm thơ, bị Hồ Xuân Hương gọi giật lại:
  Kheo khéo đi đâu, lũ ngẩn ngơ
  Lại đây cho chị dạy làm thơ
  Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
  Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Họ trót đề thơ lên vách chùa, làm ô uế chốn linh thiêng, Hồ Xuân Hương không buông tha:
  Dắt díu nhau lên tới cửa chiền
  Cũng đòi học nói, nói không nên
  Ai về nhắn bảo phường lòi tói
  Muốn sống đem vôi quét trả đền.
Hồ Xuân Hương mắng bọn yêu thương giả dối, gạt gẫm chuyện trăng hoa, bạc tình bạc nghĩa hơn vôi. Một con nhà quyền quý lăm le tán tỉnh, Hồ Xuân Hương cho người đem trầu cau ra mời, kèm theo hai câu thơ:
  Mảnh tình ví xẻ làm đôi được
  Nửa để trong nhà, nửa để ra.

Lần sau công tử này lại mon men đến, Hồ Xuân Hương thẳng thắn tỏ thái độ, đuổi khách đi từ cái phút "miếng trầu là đầu câu chuyện":
  Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi
  Này của Xuân Hương mới quệt rồi
  Có phải duyên nhau thì thắm lại
  Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Bọn võ quan hoạch họe, Hồ Xuân Hương dành cho họ bài học thật đích đáng, dùng chính ngay y phục của họ vẽ nên họ, còn tô thêm màu sắc:
  
Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn
  Tối tuy không mắt, sáng hơn đèn
  Đầu đội nón da loe chóp đỏ
  Lưng đeo bị đạn rủ thao đen

Đối với các sư hổ mang, tức các sư giả dối, được thiện nam tín nữ dâng oản chuối, coi trọng hơn thần phật, sau lưng vãi nấp cả bầy.
Hồ Xuân Hương mai mỉa:
  Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta
  Đầu thì trọc lốc, áo không tà
  Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
  Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà
  Khi cảnh, khi tiu,  khi chũm chọe
  Giọng hì, giỏng hỉ, giọng hi ha...

Hay:
  Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
  Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am

Vào cuối đời Lê - Trịnh, Phật giáo bắt đầu suy tàn, có những nhà sư thoái hóa làm điều xấu xa, Hồ Xuân Hương thấy có những người đàn ông lưng dài, vai rộng, bỗng dưng đâm yếm thế để phí phạm cả một đời người:
  Người xưa cảnh cũ đâu đâu tá
  Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.

Đã vậy Hồ Xuân Hương còn nhè những cái đầu trọc lốc của mấy nhà sư nọ cho ong đốt:
  Nào nón tu lờ, nào áo thâm
  Đi đâu chẳng đội để ong châm
  Đầu sư há phải gì bà cốt
  Bá ngọ con ong, bé cái lầm.
Hồ Xuân Hương giễu mấy nhà sư mạo hóa làm xấu lây những nhà tu chân chính:
  Cha kiếp đường tu sao lắt léo
  TRÁI (chái) GIÓ cho nên phải lộn lèo

Trái gió nói lái thành chó giái. Xã hội tới lúc tàn lụi, hạng người "hiền nhân", "quân tử", "anh hùng" chỉ còn là những cái vỏ, những danh hão của bọn bất tài, hèn nhát, tìm cách ăn trên ngồi chốc thiên hạ. Hồ Xuân Hương lột tảy những cái mặt nạ kia cho trơ ra cái cốt gỗ mục bên trong, bề ngoài ra vẻ kính trọng họ, kỳ thực là mỉa mai họ:
  Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
  Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo

Quân tử chi chỉ đi sờ mó không sợ nhựa ra tay:
  Quân tử có thương thì đóng cọc
  Xin đừng mân mó nhựa tay.

Và ngoáy ốc đến chảy nước ra:
  Quân tử có thương thì bóc yếm
  Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

Quân tử chi mà đứng bức tranh vẽ cảnh thiếu nữ nằm ngủ trưa, dáng dấp hớ hênh, đến thèm rỏ nước dãi ra:
  Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
  Đi thời cũng dở, ở không xong.

Do đó cái quạt của Hồ Xuân Hương: 

"Chành ra ba góc da còn thiếu 
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa" 
được đem ra đập vào mặt anh hùng, đội lên đầu quân tử:
  Mát mặt anh hùng khi tắt gió
  Che đầu quân tử lúc sa mưa

Vua chúa cũng vậy, Hồ Xuân Hương coi họ chỉ như "một cái này",riêng với chúa Trịnh:
  Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
  Chúa dấu vua yêu một cái này.

Đã vậy, Hồ Xuân Hương không ngần ngại chê trách, coi trời bằng vung:
  Khéo khéo bày trò tạo hóa công
  Ông chồng đã vậy, lại bà chồng

Hay:
  Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
  Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm

Hồ Xuân Hương cười dõng dạc, chủ động, mang tính chất cái cười của nhà thơ non Côi sông Vỵ - Tú Xương nhà thơ tài hoa mệnh yểu - sau này nhưng đã cười lớn lao, cười thỏai mái hơn. Họ không cười nham nhở, họ cười bằng lời, ném cả trái tim, cả cuộc đời của họ vào trong xã hội, tựa hồ những nhà trữ tình. Thơ của họ là máu và nước mắt, bề ngoài họ khoác cái áo trào phúng. Nhà viết kịch người Pháp Molière (15.1.1622 - 17.11.1673) tức Jean Baptiste Poquelin, lên cơn đau nặng trên sân khấu, về đến nhà, khạc ra máu chết, khi đang diễn vở hài kịch "Ngưởi bệnh tưởng" [trong đó Molière phê phán những kẻ hủ lậu, khư khư bám lấy những tín điều lỗi thời, không chấp nhận các phát minh mới mẻ của khoa học] sáng tác nhiều hài kịch chọc cười thiên hạ, cái cười của Molière được diễn tả đúng như lời của Alfred de Musset (11.12.1830-2.5.1857): "Cái vui cười mạnh chắc rất buồn và sâu # Đến nỗi mới cười xong đã thấy cần phải khóc." Như thế mới thấy cái cười chua chát của Hồ Xuân Hương, dùng cái cười đánh cho đau xã hội, nhưng trái tim, cuộc đời của Hồ Xuân Hương đã bị cái guồng máy oan nghiệt của nó nghiền cho đớn đau. Trong chế độ Á Đông hàng mấy nghìn năm trước người đàn bà đã chịu nhiều cay đắng thiệt thòi. Nguyễn Du đã than thở trong bài "Văn tế Thập loại Chúng sinh":
  Đau đớn thay, phận đàn bà
  Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?

Đến Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du ngậm ngùi viết:
  Đau đớn thay, phận đàn bà
  Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu

Thúy Kiều nói với Tú Bà:
  Rằng tôi chút phận đàn bà
  Nước non lìa cửa lìa nhà đến đây

Và Hoạn Thư nói với Thúy Kiều:
  Rằng tôi chút phận đàn bà
  Ghen tuông thì cũng người ta thường tình 

Xem thế mới thấy thân phận đớn đau của người đàn bà thật thấm thía, Nguyễn Du kêu lên một lần thấy chưa đủ, phải kêu tới bốn lần. Đặng Trần Côn cho thấy nỗi khổ của người chinh phụ trong "Chinh Phụ Ngâm", Đoàn Thị Điểm dịch, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cực tả cái chết mòn mỏi của người cung nữ trong "Cung Oán Ngâm Khúc". Hồ Xuân Hương không chỉ than cho người đàn bà nói chung mà bản thân mình đã bị đọa đày. Hồ Xuân Hương không cách điệu hóa như nhiều người viết, đã  diễn tả một cách trần trụi, xúc cảm sâu sắc, phản kháng mạnh mẽ, gắn chặt đời mình với thân phận những người đàn bà khác trong xã hội. Hồ Xuân Hương lột tả những vấn đề riêng tư, những bất công họ phải chịu đựng, tranh đấu bênh vực quyền lợi của họ. Tuy nhiên Hồ Xuân Hương chưa nêu lên được hết những nỗi khổ của họ, chỉ đưa ra những nỗi khổ riêng có tính chất giới tính : cảnh làm lẽ, sự nhẹ dạ, quá nể người tình nên phải bụng mang dạ chửa, cảnh góa bụa…Hồ Xuân Hương chia sẻ những nỗi khổ đau đó, không một lời thở than, rên rỉ bởi không muốn họ bi quan, động viên họ chống lại cuộc sống hiện tại mà vươn mình lên. Hồ Xuân Hương ý thức rõ giá trị và vai trò của người đàn bà: họ đẹp ở đạo đức, đẹp ở con người, tài năng không thua kém mấy người đàn ông, bởi xã hội khắc khe, ngăn cấm nhiều mặt khiến họ không thể phát huy. Hồ Xuân Hương một mặt bênh vực, đề cao người đàn bà, mặt khác lớn tiếng đả kích các nhân vật tiêu biểu của xã hội, từ đám sĩ tử, nhà sư hổ mang, đến bọn quan lại, "hiền nhân quân tử" , kể cả vua chúa. Hồ Xuân Hương vạch trần lối sống đạo đức giả, trái tự nhiên, kế thừa truyền thống truyện tiếu lâm dân gian, dùng cái tục làm phương tiện chống bọn áp bức, căm ghét cái xấu xa, bênh vực phụ nữ, khao khát yêu đương, yêu thiên nhiên, đất nước, nhưng cũng có một phần riêng biệt cá tính của Hồ Xuân Hương. Do đó có người không có một số xúc cảm nào đó của Hồ Xuân Hương, nhưng vẫn thông cảm và hiểu Hồ Xuân Hương. Đọc thơ Hồ Xuân Hương là tiếp nhận cái tinh thần hồn nhiên trong ca dao, tục ngữ và truyện vui cổ tích, không chăm chăm săn tìm và đào sâu cái nghĩa đố tục.
Nhật Thịnh
Theo http://www.vannghesi.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...