Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Tôi, người vẽ bìa cuốn "Rừng đói"

      Tôi, người vẽ bìa cuốn "Rừng đói"
Nguyễn Trọng Luân: Trong cuộc giới thiệu sách Rừng đói ngày 20-12-2016, có một tham luận mà tác giả vắng mặt nhưng được nhà văn Sương Nguyệt Minh đọc bài viết ấy trước các khách dự với một thái độ trân trọng và xúc động. Đó là tham luận của họa sĩ Lê Trí Dũng, một người lính một người bạn thân thiết của tác giả Rừng đói. Tôi trân trọng giới thiệu bài viết của anh dưới đây với bạn đọc và gửi lời cám ơn tới anh Lê Trí Dũng.
TÔI, NGƯỜI VẼ BÌA CUỐN RỪNG ĐÓI.
Tôi đem đến buổi lễ này một hòn cuội, đây các bạn xem, nó đen, nhẵn lỳ, cầm mát rười rượi... Nó được tôi nhặt tuần trước ở GHỀNH ĐÁ ĐĨA (Tuy Hoà - Phú Yên). Cách đây hàng chục triệu năm chắc nó to như quả bóng đá...? Trải nắng mưa và thời gian, hàng triệu gót chân bào mòn, hàng triệu phận người dẫm lên bây giờ nó còn như thế này! Nó đúng là CỦA HIẾM!
Hơn mười năm trước nhân một chuyến đi xa ngồi cùng trên chiếc com măng ca đít vuông, xe chở mấy người lính cũ, người 304, người 325, người công binh người pháo binh... Xe chạy, chuyện lính râm ran, những trận đánh ác liệt, những thương vong, những tình làng nghĩa xóm, cả những chuyện tiếu lâm... Nhưng chuyện nào cũng nhắc đến chữ ĐÓI. Những chuyện, những cơn đói nếu không phải những người trong cuộc thì không bao giờ biết được! Tôi thấy một nguy cơ hiện hữu: Nếu những người lính này ra đi sẽ không bao giờ còn ai kể lại những chuyện như thế này nữa! Dù rất ghét đao to búa lớn, tôi cũng phải dùng chữ: Những chuyện vĩ đại do một thế hệ vĩ đại ở một kỷ nguyên vĩ đại viết nên...! Nó như những gót chân dẫm lên, bào mòn hòn cuội của tôi... Những người lính với bao chuyện hay như thế nói với tôi: Kể ra thế thôi chứ họ không có tài ghi lại được! Ai là người có tài ghi lại được? Cũng sẽ là CỦA HIẾM, chứ gì nữa! Và Luân, bạn tôi, lính Sư đoàn 320 TÂY NGUYÊN, cũng là một hòn cuội như vậy! Một hòn cuội biết nói!
Nhóm lính cựu chúng tôi thỉnh thỏang có gặp nhau, thường đùa: Nếu có quyền sẽ phong một danh hiệu cao quý cho Luân, hơn cả giải Nô Ben văn học, đó là danh hiệu: ANH HÙNG ĐỒNG ĐỘI! Cái danh hiệu từ đáy lòng những người lính cú ấy được chắt ra từ hàng tấn nước mắt của bạn đọc các tác phẩm của Nguyễn Trọng Luân, những trang viết tưng tửng, viết như không, viết như không cần gọt rũa, viết như kể miệng với người bên cạnh, với một trữ lượng vốn sống như vô tận... Mỗi trang viết của Luân thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của đồng đội... Và người đọc vô tình, dù là một nữ thanh niên xung phong Đò Lèn, một nữ du kích chân Đèo Cả, một cô giáo Sài gòn ngày đầu giải phóng, hay một cháu bé học sinh cấp hai ngày nay... Vô tình, vô tình đều trở thành đồng đội của anh...!
Hai tháng trước, tôi có dịp về nhà Luân, ngắm nhìn sông núi đấm ao quê nhà... Chợt hiểu rằng: Cây có cội, nước có nguồn, Luân chính là lớp thanh niên quê tôi ngày ấy đại diện cho thanh niên cả nước gác bút lên đường ra trận... Anh chính là Cua, Cá, Rơm, Rạ, là đầm nước cỏ lau, là trâu bò cày cuốc... Nhất nhất cái gì của làng quê anh cũng có thể viết thành truyện... Với tôi! Người như Luân thật là hiếm! Vì thế! Hôm nay tôi đến đây không phải bàn về RỪNG ĐÓI... Mà là nói về Nguyễn Trọng Luân, một hiện tượng! Rất mạo muội?
Một chút về cái bìa cuốn sách Rừng Đói! Khi Nghe Luân bảo: Anh ơi! Rừng đói xong rồi đấy! Đang chờ bìa! Tôi vẽ ngay... Đầy hào hứng, Luân đã là Anh hùng Đồng đội rồi thì ta cứ đồng đội mà vẽ thôi! Đồng đội là sống chết có nhau, là chia ngọt sẻ bùi... Tôi vẽ hai người lính " Việt cộng " cõng nhau vượt qua rừng già sau trận mạc, trên đầu Trực thăng HU- 1 A săn tìm... Cây rừng xao xác! AK đeo thõng, trái mỏ vịt và con dao găm bên sườn, quân phục tả tơi... Họ quyết không bỏ nhau! Bìa sách còn được sự hỗ trợ đắc lực của hoạ sỹ ccb LÊ THANH MINH rất giỏi về công nghệ thiết kế trợ giúp! Minh từng tham chiến mặt trận B trong chiến tranh... Trong buổi chiều muộn ngoài kia Hà nội hầm hập bon chen, hai người lính cũ vật lộn ba tiếng đồng hồ... Hình ảnh hai người lính cõng nhau tìm về với đồng đội của mình còn được nhắc lại trong bìa 4...! Đẹp xấu chưa bàn nhưng mọi người xem đều chung một nhận xét: Bìa rất lính!
Có lần, tôi nói với Thầy tôi, Cụ Hoàng Ngọc Hiến: Văn lính, em thích Bảo Ninh nhất! Có lẽ vì giọng văn Bảo Ninh có cái giọng thằng trai phố bất đắc dĩ cầm AK...! Hôm nay, tôi xin phép ghi thêm tên Nguyễn Trọng Luân vào cạnh! Vì nó đặc quê, một trai làng cầm súng! Mà văn của hai anh đều Rất thật! Nói cho cùng! Dù nỗi buồn chiến tranh hay Rừng đói thì cũng chỉ nói lên 1/1000 những câu chuyện của những người lính chúng tôi... Chuyện trận mạc vĩ đại của những người lính vĩ đại!
Nhưng dù thế nào... vẫn hơn là sẽ bị bỏ quên!.
Hoạ sĩ Lê Trí Dũng
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...