Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Nguyễn Ngọc Hưng- Hạt thơ, Hạt bụi, Hạt vàng

Nguyễn Ngọc Hưng- Hạt thơ, Hạt bụi, Hạt vàng
(Đọc tập thơ Lá non của Nguyễn Ngọc Hưng) 
In vào cuối Đông năm 1997, nhưng bạn bè chúng tôi mang thơ Hưng đi phát hành (đi bán) đúng dịp đầu Xuân Mậu Dần (1998). Một tập thơ ra đời vào dịp Xuân, lại mang cái tựa rất Xuân (Lá non), được viết bằng một trái tim thơ tràn trề mùa Xuân nhưng lại cầm bút bằng đôi tay tàn tật và một thể xác ngày càng yếu gầy hơn…
Khi Xuân Anh (người bạn cao quý nhất trong đám bạn bè cao quý của Hưng) chở thơ từ Nghĩa Hành xuống Trường để tôi mang đi dụ khị học trò phát hành ở Quảng Trị và Đaklak, tôi đã đặt xong cái tựa đề bài viết giới thiệu này. Thế nhưng do bận đi bán thơ để Hưng hoàn vốn nhà in nên bài viết (ít quan trọng hơn) đành gát lại. Chiều hôm kia, Hưng gọi điện thoại xuống thăm tôi và báo rằng, mấy nay sức khỏe giảm sút nhiều. Nghe cái giọng khàn khàn khó thở của Hưng, tôi đâm lo. Đành dẹp hết chuyện trường, ngồi viết bài này để giới thiệu một tập thơ mới của Hưng cùng bạn đọc. Đây là tập thơ thứ hai Hưng viết cho người lớn.
Khi tập thơ người lớn đầu tiên Lời ru trắng (*) ra đời, anh em tôi thường bảo: Hưng chỉ mạnh về mảng thơ thiếu nhi. Lần này, tất nhiên không đến nỗi đột ngột vì thật ra những bài thơ cho người lớn đăng tải gần đây của Hưng đã trội lên rất nhiều. Nhất là khi may mắn cả tôi và Hưng đều lọt vào vòng chung khảo cuộc thi thơ lục bát kéo dài cả 2 năm của Báo Giáo dục thời đại; và lần sơ kết ấy, Hưng đã được nhận tặng phẩm. Thế nhưng cầm tập Lá non, tôi vẫn hơi lo, vì đây là cả một tập thơ 70 bài. Và sung sướng làm sao khi càng đọc Lá non, tôi lại càng thấy thơ Hưng bây giờ đã mới hơn và nhiều tứ lạ. Vẫn là cái thể lục bát (6/8) truyền thống đó thôi nhưng cái cấu tứ và hình tượng thơ trong câu này mới quá:
Dòng sông thiêm thiếp câu hò
Vầng trăng ngửa mặt
con đò úp lưng… 
(Lỡ khúc dạo đầu)
Cấu tứ đầy tâm trạng, mới: dòng sông xưa thì ngủ gà ngủ gật, chính vì vậy trăng lại ngửa mặt về phía trời, đò lại úp lưng – gục  mặt về phía đất. Cái thế đối lập đất - trời này thật lạ. Nhưng hình ảnh thực thì thực ra lại vô cùng gần gũi (cái con đò úp lưng ấy).
Một điều đáng mừng nữa là đọc Lá non có nhiều câu, nhiều đoạn khiến ta phải giật mình vì cái lạ đầy sáng tạo của Hưng. Từng đến thăm Hưng, tôi rất hiểu cái choãi tay nặng nề chống trên giường để đưa cái thể xác nhẹ tênh của mình ngồi lên, thế nhưng đọc đoạn thơ này tôi đâm hoảng. Cái nặng của nỗi buồn khiến ta nghe hơi lạnh:
Không thể đến sân ga
tiễn em về trong ấy
choãi tay ta ngồi dậy
buồn nghiêng một góc nhà 
(Tiễn em)
Vào cái tuổi của yêu đương, đời Hưng đã gặp bất hạnh, chính vì vậy, trên con đường tìm đến với tình yêu trong thơ, Hưng nhìn tình yêu bằng nhiều phía, lý giải ở nhiều gốc độ sáng tối khác nhau. Có cái hoang vu đến rợn người:
từng nhát chổi quét qua đời ngang dọc
chân tháng ngày răng chó cắn toạt da
phía em ở khoảng trời quên mọc tóc
chòm râu thưa che khuất nửa trăng già 
(Nụ hồng vàng)
Có cái sám hối của tuổi thơ yêu, rồi chợt bỗng nhận ra như là một triết lý, dù cho cái triết lý tình yêu này không có gì mới lắm, nhưng câu thơ lại giản dị đến dễ thương:
mình yêu nhau quá vội vàng
xa nhau cũng vội
quên…càng vội hơn 
(mưa hoàng hôn)
Trong bài  Chị mồ côi không biết Hưng viết cho ai đây mà cái bi kịch tình yêu này làm se lòng ta đến vậy:
Người ta tát gàu dai
chị tát gàu sòng
tình trăng vỡ múc hoài không thấy cạn
Vâng! Múc tình dưới trăng mà múc một mình bằng chiếc gàu sòng đơn độc thì lạnh lắm Hưng ơi!
Tình buồn trong thơ Hưng có cái thoáng buồn hơi bình lặng lúc con sáo sang sông của dân ca, nhưng sau đó đứng bên bờ này sông tiễn đưa, Hưng đang rơi vào tâm bão. Lốc. Và gió. Và chỏng chơ một cõi tâm hồn:
đành thôi, em là con sáo
một chiều theo mẹ qua sông
bỏ lại đằng sau cơn bão
hoàng hôn ta chỏng chơ lồng 
(ngậm ngùi)
Ôm cái lồng chỏng chơ, hư không đứng lại bên bờ thì đúng là thơ Hưng khiến cho cả một dòng sông, cả một hoàng hôn rỗng không, vắng lặng.
Tình yêu trong Hưng còn có cái cháy bỏng đến nhiệt cuồng:
em là cậu bé … ngu ơi
nghịch hoang nên cháy một thời trẻ thơ
(Nghịch hoang)
Và có lẽ vì thế nên thơ Hưng khát khao cả đến từng giọt hạnh phúc cho dù hơi thơ nghe thoảng chút mong manh:
em áp vào ngực anh
nhập hai cuộc đời làm một
vũ trụ cong mình thảng thốt
người run như gió lay cành 
(từng giọt)
Cái vũ trụ cong mình thảng thốt ấy, đúng là Hưng đã gom về bằng cả trái tim tràn trề yêu đương và nâng niu hạnh phúc giữa chính bất hạnh đời mình. Cái đáng quý trong thơ Hưng chính là ở đó. Đọc thơ Hưng, ta cảm nhận ra được cái vị ngọt của tình yêu, cái đáng nâng niu của hạnh phúc:         
Ta chẳng còn gì ngoài một trái tim
tha thiết yêu em… tưởng chừng có thể
hóa ánh trăng ngân
tan thành bọt bể… 
(Điều có thể)
Một nét nổi bật nữa trong tập thơ này là cái quê hương nghèo mà suốt một đời Hưng gắn bó với bao kỉ niệm đến nao lòng. Cái vùng đồi núi trung du tiếp giáp giữa núi và thị xã và biển ấy đã đi về nặng nợ trong cả tập thơ. Đó là cái quê hương đẹp như tranh, buồn như tranh với:     
tuổi thơ mũ dẻ, chùm chày
ban đêm  học đóm, ban ngày thả trâu.
(Làng tôi)
Đó còn là một ngõ quê buồn có hàng dâm bụt đỏ lời ước hẹn cùng một đôi mắt chiều dân dấn buồn tình trắng như mây. Đó là cái xóm Chùa nhiều chim sẻ, xóm Ba Gò tuổi thơ Hưng chăn trâu và vu vơ đi trong chiều ngắt cành sim tím:
Ba Gò ơi
Ba Gò ơi
Nhớ thương đâu chỉ một thời chăn trâu 
(Cánh sim rơi)
Và nhắc đến quê hương là Hưng nghĩ ngay đến mẹ. Người mẹ tần tảo nuôi con trong suốt tuổi thơ vắng cha, trong suốt những tháng năm Hưng trọng bệnh. Mẹ theo Hưng lên rừng, xuống biển, vào Phan Thiết, Nha Trang tìm thầy chạy chửa. Và rồi… dù tật bệnh, Hưng vẫn đang thời trai trẻ. Còn mẹ ? Tuổi già sức yếu nên theo con chỉ mới nửa đoạn đường mẹ đã phải dừng lại. Vâng, bạn Xuân Anh đã vội vã vào Nha Trang kịp đưa mẹ về Nghĩa Hành để mẹ trút hơi thở tàn trên cái nền đất quê hương xem như một niềm an ủi. Đây! Cái tình mẹ con được Hưng nói như thế này đây:         
xưa hai đôi đũa một mâm
giờ hai đôi đũa…
con cầm một đôi
còn một đôi nữa mồ côi
nghẹn ngào ai nuốt cho trôi chén buồn
 
(Gốc mai đôi)
Mất mẹ, Hưng chếnh choáng, cô đơn giữa trời, giữa cuộc đời, có lúc Hưng chợt đến bi quan:
Tiễn mẹ về thế giới bên kia
lá rắt
mưa rơi
âm thầm con ngửa nón cời
hứng buồn vui của cuộc đời ban cho
 
(quê hương)
và Hưng chợt nhận ra: 
Biết thương mẹ, mẹ đãvề xa ngái
đời con như hạt lép tháng ba nào
 
(Hạt lép)
rồi Hưng ước mơ:  
ước làm một đóa hoa tươi
ướp lên môi mẹ nụ cười trẻ thơ 
(Trắng tay) 
Còn rất nhiều thành công đáng nói trong tập thơ này, nhưng thôi, tôi xin nói lên một vài điều đáng tiếc. 
Đáng tiếc thứ nhất là về khách quan: tập thơ được trình bày, in, phụ bản đẹp, công phu song khâu biên tập, sửa bản in còn để quá nhiều sai sót. Những sai sót khó lòng chấp nhận cho một tập thơ. Nếu biên tập kỹ hơn nữa, chọn thơ khắc khe hơn chút nữa, đầy đủ hơn chút nữa, Lá non sẽ loại bớt những bài thơ tầm tầm, và những câu thơ mà thỉnh thoảng Hưng hay để lọt vào trong một đoạn rất hay một cách rất vô tình. Ví dụ: 
Mười mấy năm xa biền biệt xóm Chùa
tôi vẫn thấy tiếng chuông chiều cong vút
như một chiếc cầu âm thanh
nối hồn quê với cánh chim lưu lạc
nhớ thương thảng thốt gọi về 
(Chim sẻ xóm Chùa)
Cái câu thơ thứ 3 ấy, cái câu này có biện pháp tu từ so sánh, nhưng lại chính cái sự tu từ lại làm giảm mất cái chiều sâu cong vút âm thanh của tiếng chuông chiều. Cắt bỏ câu thơ này đi, cả đoạn thơ hay và sâu sắc hơn nhiều. Hoặc ở bài thơ khá hay Số lẻ. Cắt bỏ bớt cái riêng của Hưng ra (cả khổ thơ thứ năm), bài thơ sẽ trọn vẹn và giá trị nhân bản được nâng cao lên rất nhiều lần…
Đáng tiếc thứ hai là về phía chủ quan: ta còn nhớ, thuở 10 năm Hưng còn nằm trong bóng tối tập viết thơ ở Phổ Thuận, trong 15 cuốn sổ tay thơ của Hưng tôi mang về rất ít bài sử dụng được để in sau này (trừ một số bài lục bát). Lúc ấy thiếu thông tin nên thơ Hưng rất cổ. Sau này khi bạn bè đưa Hưng về Nghĩa Hành, đọc nhiều thơ đương đại, Hưng mới bắt đầu có sự chuyển biến mạnh trong nghệ thuật thơ. Nhưng có lẽ do cái tháng năm dài đăng đẳng khổ đau kia nó ám ảnh Hưng lớn quá chăng mà trong thơ Hưng thỉnh thoảng cứ rơi rót một vài câu cổ cổ! Mà bỏ nó ra Hưng lại cứ như tiếc ấy. Nhà thơ Hoàng Minh Nhân có lẽ đã cố tình bỏ câu thơ dòng sông trước nhà êm ả chảy về xuôi rất sáo mòn này ra (bài Dòng sông trước nhà). Nhưng Hưng đòi lấy lại. Tất nhiên đòi lại là vì như thế mới lôgic với cái câu kết dòng sông trước nhà sủi bọt chồm lên. Nhưng thơ đâu cứ phải cần cái lôgic quá tỉnh mỉnh kia. Đúng hông!
Vâng đến bây giờ thì tôi có thể nói là tôi không sợ Hưng buồn khi phê bình Hưng nữa vì Hưng rất hiểu tôi và cứ đòi tôi phải phê bình cái dỡ. Hơn nữa, bây giờ thơ Hưng cũng đã vượt quá xa thơ tôi viết. Vì vậy, châm huyệt mấy ý cho vừa lòng Hưng.
Chắc bạn đọc cũng sẽ cảm thông và đón tập thơ mới này của Hưng với tất cả niềm vui và lòng trân trọng. Vì ta biết Nguyễn Ngọc Hưng quan niệm thơ là hạt bụi nhưng thơ hay lại gạn hồng trần mà ra hạt vàng, hạt ngọc (hạt ngọc trong lòng trai vốn được tạo nên do vết thương của bụi hồng trần - ý của Nguyễn Tuân):
Thơ chắt lọc từ vô vàn hạt bụi
một hạt vàng - một hạt sáng tình yêu.
 
(Nụ hồng vàng)
(*) Lá non - NXB Đà Nẵng 1997.
(*) Lời ru trắng - Sở VHTTTT Quảng Ngãi - 1994.
02/4/98
Mai Bá Ấn
Theo https://thinhanquangngai.wordpress.com/



1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...