Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Đến Đà Lạt nghe "Đà Lạt tình em"

Đến Đà Lạt nghe "Đà Lạt tình em"
Đây là một chương trình âm nhạc kinh điển nhưng với phong cách trình diễn mới lạ, độc đáo nhằm đưa nghệ thuật âm nhạc đích thực đến gần hơn với công chúng yêu nhạc, đây là chương trình không bán vé. Chương trình còn là một trong những hoạt động của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam và Chi Hội Nhạc sĩ Tỉnh Lâm Đồng để chào mừng Ngày Âm Nhạc Việt Nam lần 5. Cũng nhân dịp này, Ban Tổ chức kỷ niệm chương trình PIANO SINGS lần thứ 5 được ra đời kể từ năm 2009.
Xã hội phát triển dẫn đến nhiều thay đổi trong cuộc sống. Giây phút thư giãn của con người dường như ít đi, nhường chỗ cho những hối hả, tất bật, lo toan. Và khi con người muốn giải trí thì thường âm nhạc là loại hình được nghĩ đến nhiều nhất. Cùng với nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày một cao ấy, cách thức và sở thích của mỗi cá nhân khi nghe nhạc cũng dần dần khác biệt. Hiện nay, nhiều người có xu hướng nghe nhạc theo trào lưu, theo mốt, thiếu hướng dẫn để chọn lọc, hoặc chỉ biết tới những thể loại nhạc dễ dãi, chóng qua. Chỉ một thiểu số còn gắn với các giai điệu du dương, tinh tế, có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Vì vậy, việc phổ cập loại âm nhạc với giai điệu kinh điển nhưng dễ đi sâu vào lòng người, nâng cao thị hiếu âm nhạc của công chúng là một công trình nên làm tuy có nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều tâm huyết, đầu tư, đã và đang là vấn đề được quan tâm cho những người có tâm huyết muốn xây dựng một nền âm nhạc lành mạnh cho đất nước thay vì chỉ kêu than về những “thảm họa” của nhạc Việt.
Loại hình âm nhạc kinh điển  hay còn gọi nôm na là nhạc hàn lâm không có gì mới lạ. Có chăng là cách cảm nhận và suy nghĩ của mỗi người về nó. Thực tế công chúng yêu âm nhạc không “đố kỵ”, “xa rời” loại âm nhạc này nhưng do người biểu diễn chưa tìm được phong cách trình diễn mới lạ, thu hút.
Trong số những sáng tác âm nhạc kinh điển, đa phần chúng ta gặp những sáng tác cho đàn phím, đặc biệt là piano. Piano không hổ danh là "vua của các loại nhạc cụ". Với âm vực rộng, âm sắc thánh thót, kiều diễm, khả năng biểu hiện phong phú, nhất là về mặt xử lý cường độ tinh tế - như chính tên gọi đầy đủ của nó, pianoforte (tiếng Ý, nghĩa là nhẹ-mạnh). Để góp một phần khiêm tốn vào công cuộc nâng cao thị hiếu âm nhạc của công chúng, chúng tôi lựa chọn cách phát triển phong cách biểu diễn piano vừa theo truyền thống nhưng vừa có những kết hợp, phát triển khác với mục đích dùng tiếng đàn piano làm bước đệm để mang dòng nhạc kinh điển đến với những ai thật sự yêu mến cái gọi là âm nhạc “đích thực” và với cả những người chưa biết nhiều về loại hình này.
Năm 2010, chương trình Piano Sings lần 2 ra đời cũng trên sân khấu Nhạc viện. Lần này, chúng tôi chủ trương giới thiệu đến khán thính giả mối tương quan chủ chốt của cây đàn “vua” này với một số nhạc cụ khác, với phần còn lại của dàn nhạc giao hưởng. Vì thế, chủ đề của chương trình là: PIANO AND THE REST – Piano và những nhạc cụ khác của dàn nhạc. Để làm được điều đó, chúng tôi có được sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố về piano, oboe, saxophone, cello, clarinet, ban nhạc Pop và nhóm hát CREDO. Trong đó, lần đầu tiên có một nghệ sĩ ngoại quốc tham dự, đó là Tim Carson (Úc, Jazz pianist). Sự thành công của chương trình Piano Sings lần này ở chỗ Không chỉ có cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp giữa piano và các nhạc cụ khác mà còn mối giao hảo gần gũi giữa người biểu diễn và người thưởng thức âm nhạc kinh điển. Khoảng cách “vô tình” trước đây như được thu ngắn lại qua chương trình Piano Sings 2010 - PIANO AND THE REST. Nhiều người yêu nhạc kinh điển cho rằng, “Piano Sings” đã dần dần trở thành một thương hiệu tốt.Chương trình hòa nhạc đầu tiên mang tên THE PIANOS SING – TIẾNG DƯƠNG CẦM HÁT ra đời năm 2009 trên sâu khấu của Nhạc viện Tp. HCM, nơi xuất phát và nuôi dưỡng loại âm nhạc kinh điển. Chúng tôi đã đưa đến công chúng một đêm diễn piano với những điều chưa từng xảy ra trước đó trên chính cái nôi của nền âm nhạc kinh điển ở thành phố. Từ phong cách biểu diễn piano, dàn dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến việc đón tiếp khán thính giả ngay từ bên ngoài nơi diễn bằng nhóm “nhạc công đường phố”. Có người cho rằng chúng tôi đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa người biểu diễn và người đến xem, xóa bỏ những “truyền thống” không nên tồn tại trong việc trình diễn và thưởng thức âm nhạc piano kinh điển. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đơn sơ rằng đó là cách tốt nhất để người nghệ sĩ cùng với âm nhạc của mình đến gần với công chúng hơn. Mặc dù trong giới chuyên môn xuất hiện những ý kiến trái chiều về Pianos Sing đầu tiên này: người ngoảnh mặt, kẻ vỗ tay, nhưng khán thính giả đã là nguồn an ủi lớn cho chúng tôi: hiện tượng “cháy vé” ít khi nào có đến với một chương trình âm nhạc kinh điển tại một nơi cổ điển! Đó chính là cách thể hiện tình cảm của công chúng và dấu hiệu để chúng tôi xác tín con đường mình đang đi.
Khi đến một độ tuổi cần thiết, người trẻ rời khỏi gia đình mình để trưởng thành hơn. Đó là quy luật phát triển thông thường. Với Piano Sings cũng vậy. Trong năm 2011, “Tiếng Dương cầm hát” được cất lên lần thứ 3 với chủ đề VŨ KHÚC TRÊN PHÍM ĐÀN (Dancing on the keys) và tiếng hát ấy tạm chia tay sân khấu Nhạc viện để đến gần hơn với công chúng yêu nhạc. Lúc ban đầu, chúng tôi có ý định thực hiện một chương trình biểu diễn ngoài trời, đem cây đàn piano “xuống đường”, hòa mình hơn vào đời sống văn hóa của thành phố. Dự định trên không thực hiện được do thời điểm biểu diễn rơi vào mùa mưa nên chúng tôi chọn sân khấu Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. “Tiếng Dương cầm hát” lần này được cất lên còn như một hoạt động mừng Ngày Âm Nhạc Việt Nam lần thứ 2 vào ngày 3/9/2011. Chúng tôi, những người tổ chức và nghệ sĩ tham gia chương trình rất vui mừng khi một hoạt động âm nhạc mang tính riêng tư của mình được gắn bó vào lợi ích chung. Càng vinh dự và vui mừng hơn khi “người trẻ” Piano Sings 2011 được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch bình chọn là một trong mười hoạt động văn hóa nổi bật của năm.
Năm 2013, “Tiếng Dương cầm hát” lần thứ 4 với chủ đề VÒNG QUANH THẾ GIỚI TRÊN PHÍM ĐÀN (Around the world on 88 keys) đã được diễn ra tại Nhà hát Tp. HCM vào ngày 16/3/2013 như một cuộc hẹn hằng năm với công chúng yêu nhạc của thành phố. Trong chương trình này, ngoài phần trình diễn chính của 3 nghệ sĩ dương cầm có mặt từ Piano Sings đầu tiên là Đoàn Lê Thanh Tú, Lê thị Minh Trang và Thạch Thái Đỗ Quyên còn có 10 nghệ sĩ khách mời khác cùng với 2 ban hợp xướng với 150 thành viên, đặc biệt là sự có mặt của nghệ sĩ piano đến từ nước Nga, Pavel Kushnir. Như chủ đề của chương trình, qua các tác phẩm kinh điển nhưng với các trình bày mới mẻ, lôi cuốn, các nghệ sĩ đã đưa khán thính giả du hành qua âm nhạc của nhiều nước trên thế giới, khởi đầu từ Việt Nam.
Để chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 5, hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên Đà Lạt 2014 và cũng để đánh dấu lần thứ 5 tổ chức Piano Sings, chúng tôi quyết định để “Tiếng Dương cầm hát” lần thứ 5 theo chủ đề ĐÀ LẠT TÌNH EM. Chương trình là một sự kết hợp giữa vẻ nghiêm túc của âm nhạc thính phòng kinh điển với nét lãng mạn vốn có của “xứ sở hoa đào, phượng tím”. Nghệ sĩ piano chính sẽ là một người con của Đà Lạt, pianist Đoàn Lê Thanh Tú với sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời và Tài năng Piano trẻ Nguyễn Đình Phúc hiện đang là học sinh lớp 6 tại Đà Lạt. Song song với các tác phẩm khí nhạc là 6 ca khúc nghệ thuật về Đà Lạt và cao nguyên, được trình bày theo phong cách nhạc thính phòng của các nhạc sĩ: Nguyễn Bách, Lê Chí Hiếu, Nguyễn Đình Nghĩ và Lê Quân.
Chương trình do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Chi Hội Nhạc sĩ Tỉnh Lâm Đồng chủ trương với sự tài trợ chính là tinh thần phục vụ nghệ thuật của toàn bộ nghệ sĩ và các bộ phận liên quan, bên cạnh đó là các nhà tài trợ Đồng: Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức - THỦ ĐỨC HOUSE; KHÁCH SẠN LA SAPINETTE ; Công ty PIANO MASTER; Công ty  FALCON LOGISTICS; Công ty Đầu tư - Xây Dựng  THẠNH PHÁT
Buổi diễn bắt đầu vào lúc 19g ngày Thứ Bảy, 30/8/2014 tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Tỉnh Lâm Đồng, số 13 Đinh Tiên Hoàng, Phường 2, Đà Lạt. Chúng tôi hy vọng một lần nữa nhận được tình cảm nồng nhiệt của quý khán thính giả.
SN
Theo http://songnhac.vn/


1 nhận xét:

  Lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh 26 Tháng Bảy, 2023 Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao ngời con đã ngã xuống ch...