Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh

"Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh..."
Người nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) ngồi trước mặt tôi vội quay đi giấu những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt. Những ký ức của một thời chiến tranh với những tháng ngày cùng đồng đội phá đá, mở đường trên tuyến lửa Khu 4 bỗng chốc ùa về trong lòng bà.
Người cựu TNXP ấy là bà Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP thành phố Hà Nội. Bà là một trong 60 cựu TNXP “Làm theo lời Bác” tiêu biểu vừa được biểu dương trong Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, tổ chức trung tuần tháng 7. Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Đội TNXP chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Hà Nội được thành lập ngày 11/7/1965. Đó là Đội Thanh niên xung phong 43, gồm 7 đại đội với gần 1.500 cán bộ, chiến sỹ thuộc mọi tầng lớp thanh niên Thủ đô. Họ được cử vào tuyến lửa Khu 4, làm nhiệm vụ mở đường và đảm bảo giao thông tại các tuyến đường chiến lược, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Bà Dương Thị Vịn là một đội viên của Đội TNXP 43. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn không thể quên cái đêm lịch sử 11/7/1965, khi tất cả tập trung ở trước cửa Nhà hát Lớn để chuẩn bị lên đường. Trong số đó, nhiều người mới ở độ tuổi 15, 16, phải khai tăng tuổi. Có bạn nữ trước đó đi khám sức khỏe còn lén đeo thêm đá trên người để đủ cân nặng. Mọi người cùng hô vang khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Ngày ấy, cùng một lúc, bà Vịn nhận được hai giấy gọi. Một giấy gọi đi học đại học ở nước ngoài, một giấy gọi đi thanh niên xung phong. Không chút do dự, bà đã xin phép cha cho đi thanh niên xung phong. Mẹ bà mất sớm, gia đình bà có năm người con, một trai và bốn gái thì anh trai bà - Dương Văn Vinh đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi lên đường không lâu, bà cũng nhận được tin con trai anh Vinh đã hy sinh trên chiến trường.
Nỗi đau nhân đôi càng khiến người nữ TNXP Dương Thị Vịn nuôi ý chí quyết tâm, cùng đồng đội ngày đêm phá đá, mở đường, thông cầu để đảm bảo cho giao thông thông suốt, tạo điều kiện cho việc hành quân và chi viện cho chiến trường miền Nam. “Cho tôi hôn cờ Đảng lần cuối cùng!” Người nữ TNXP Dương Thị Vịn đã cùng đồng đội mở nhiều con đường ra tiền tuyến lớn như đường 15 (Nghệ An), đường 21, 22 (Hà Tĩnh, Quảng Bình)… Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà không cầm được nước mắt khi nhắc đến những đồng đội của mình đã ngã xuống. Đó là tấm gương hy sinh quên mình của nữ thanh niên xung phong Vũ Thị Sinh (nhà ở quận Hoàn Kiếm) khi được phân công đứng trên đồi cao để theo dõi máy bay địch. Người nữ thanh niên xung phong ấy đã hy sinh khi trên tay vẫn còn cầm chiếc dùi đánh kẻng… Đó cũng là người đầu tiên trong Đội TNXP 43 hy sinh. Nhiều người sau đó cũng đã vĩnh viễn ra đi. Mùa xuân năm 1968, trước yêu cầu khẩn trương của chiến trường, Đội TNXP 43 chọn lựa những thanh niên xung phong ưu tú nhất, thành lập Đại đội xung kích Thăng Long 343, tiến sâu vào phía trong mở Đường 20-7 Đông Trường Sơn. Đây là tuyến trọng điểm phục vụ cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) nên địch đánh phá rất ác liệt. Cùng với việc cho B52 rải thảm bom, chúng còn thả bom từ trường, bom nổ chậm, bom lá dưới sự trinh sát và chỉ điểm của máy bay OV10. Đơn vị đã thành lập đội cảm tử quân, lực lượng mũi nhọn thực hiện nhiệm vụ thu gom và rà phá bom. Bí thư chi đoàn Hoàng Lộc là đội trưởng. Dưới sự chỉ huy của Hoàng Lộc, đội cảm tử đã dũng cảm, thông minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thu gom và rà phá hơn 3.000 quả bom các loại của địch. Trong đó, riêng đội trưởng Hoàng Lộc đã phá được gần 2.000 quả bom. Ngày 8/10/1968, khi phá bom ở khu vực ngầm Long Đại (Quảng Bình), Hoàng Lộc bị thương nặng, một tay bị cụt, hàng chục viên bi găm khắp người. Trước lúc hy sinh, anh còn xin thực hiện ước nguyện của mình: “Cho tôi hôn cờ Đảng lần cuối cùng!”.
Bà Vịn ngậm ngùi nhớ lại: “Những ngày ở chiến trường, dù phải sống trong điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhưng mọi người đều nhường nhịn, chia sẻ với nhau từng miếng cơm, viên thuốc hay manh áo ấm. Người ốm hoặc bị thương nhẹ đi khám, được nhận những viên thuốc ít ỏi và hiếm hoi đều nhường cho những người bị thương nặng hơn. Nhiều TNXP khi vận chuyển thương binh đã lấy thân mình che chắn cho đồng đội tránh khỏi bom đạn của kẻ thù”. Thanh niên xung phong làm theo lời Bác Hiện nay, là Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP thành phố Hà Nội, bà Dương Thị Vịn luôn tất bật với những hoạt động của Hội để giúp đỡ những đồng đội còn gặp hoàn cảnh khó khăn.
Chứng kiến cảnh nhiều đồng đội của mình như cựu TNXP Nguyễn Thị Tuyết Minh (phường Quang Trung, quận Đống Đa), Nguyễn Thị Cúc (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai)… phải ở trong những mái nhà lụp xụp, bà không cầm được nước mắt và đó cũng là động lực để bà quyết tâm vận động xây dựng nhà tình nghĩa tặng cho những nữ cựu TNXP này. Đến nay, Hội Cựu TNXP thành phố Hà Nội đã vận động xây dựng được hơn 100 nhà tình nghĩa; tổ chức thăm hỏi, tặng quà hơn 3.000 cựu thanh niên xung phong sống trên địa bàn Thủ đô vào các dịp lễ, Tết. Hội cũng đã xây dựng được quỹ “Nghĩa tình đồng đội” với tổng số tiền lên tới hơn 2 tỷ đồng để giúp đỡ những hội viên còn khó khăn có điều kiện nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hướng tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội đã phát động phong trào “1.000 sổ tiết kiệm”, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng để tặng những hội viên nghèo. Người cựu TNXP Dương Thị Vịn tâm sự, điều bà luôn trăn trở là làm sao giải quyết được chế độ chính sách cho những người đồng đội chưa được giải quyết chế độ do thất lạc hoặc mất mát giấy tờ trong chiến tranh. Bà hiểu rằng đó là sự động viên tinh thần rất lớn đối với những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Đến đây, bà ngừng lại, đọc cho tôi nghe câu thơ của người đội trưởng Hoàng Lộc: “Em hãy trở về nói với mẹ cha/ Rằng anh sống những ngày qua không uổng/ Bởi biết hy sinh cho độc lập tự do...”. 
Thu Hồng 
Nguồn Báo TNVN
Theo http://www.baomoi.com/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...