Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Thời gian mấy mảnh ghép chơi vô cùng

    Thời gian mấy mảnh ghép chơi vô cùng
Đọc tập thơ Ở thế gian của Đỗ Trọng Khơi
Đặt tên tập thơ là Ở THẾ GIAN, Đỗ Trọng Khơi phát lộ tâm cảm của một người khách từ cõi khác, một kiểu người ngoài hành tinh với “Thân như mây nổi tự thời mới ra”. Bình thường có ai trong các cư dân trái đất như chúng ta thông báo cho đời biết cái địa chỉ mình đang ở là cái THẾ GIAN này?
Với góc nhìn của người ngoài hành tinh sống làm khách của cõi nhân gian đó, nhịp thời gian cũng khác với nhịp đời của kiếp trần gian: Thi nhân luôn thấy mình như vĩnh viễn trẻ thơ, và trò chơi vĩnh cửu của đứa trẻ vĩnh hằng ấy là ghép chơi những mảnh thời gian vô cùng vô tận. Cái thời gian trần thế trước mặt thi nhân như ống kính vạn hoa xoay đảo hết lẽ thường để hiển thị trong thiên nhiên trần ai vừa quen thuộc vừa xa lạ, vừa trôi nhanh vừa lướt chậm, vừa nhí nhảnh non tơ trong tiếng chim vườn nhà thơ ngây mãi mãi, vừa sớm già nua sống nhanh sống vội trong kiếp lá chuyển mùa:
Chim vóng qua mấy giọng tơ
hè xanh chưa lá đã thu rợp chiều
ngõ nhà non lại màu rêu
vườn nhà chim ngỏ đủ điều ngây ngơ
(Tựa)
Thế gian vô thường, thời gian vừa trôi đi lại vừa dồn đọng lại trong xúc cảm thi ca về mùa thu, trong đôi câu thơ mang tình nhân thế giữa mây nước cuộn trôi:
Ngàn thu trong một mùa thu
vàng chưa hết sắc đã từ rất lâu
tình còn đấy một đôi câu
làn mây con nước chân cầu còn trôi
(Tựa)
Bốn câu thơ này là một tuyên ngôn thi ca của Đỗ Trọng Khơi: Thi ca là nơi ký gửi tình người tình đời - cái còn đọng lại trong cơn thác lũ cuốn trôi tất cả của thời gian. Và ngay cả những mùa thu, cỏ cây và chim muông đã bị thời gian cuốn trôi trong lẽ vô thường cũng sẽ được phép màu của thi ca lôi trở lại, cả ngàn mùa thu cũ được sống chung trong một mùa thu trước mắt thi nhân. Cho dù đó là mùa ngàn tuổi, nó vẫn tinh khôi tươi trẻ như mới sinh ra:
Rêu thì tươi, đá thì non
chim muông ngàn tuổi tiếng còn líu lô
(Ngõ xuân)
Nhưng thiên nhiên trẻ lại không chỉ để thi sỹ ngắm nhìn, mà trẻ lại, tái sinh để trở thành liều thuốc chữa lành bao nỗi đau đời, bao nhiêu nỗi lo âu về số phận và bao nhiêu khắc khoải công danh:
Sớm nghe một giọng chim lành
nguôi ngoai bao nỗi mong manh phận người
Gặp làn mây trắng rong chơi
như ai ru lại ta thời ấu thơ
(Ngợ hư vinh cãi phù du)
Thiên nhiên trở thành tấm gương trong cõi nhân gian để nhà thơ soi thấu phận mình và cái lẽ hư không trong đó:
Tay đỡ nước, tay bồng non
soi hình, mới thấy chỉ còn bóng thôi
Một mai cát bụi về trời
nước – non ai gặp bóng tôi cất giùm.
(Hình và bóng)
Nhẹ là bóng, ảo là trăng
đêm nay có một vĩnh hằng bên tôi
Giường một chiếc, gối một đôi
trăng in một nửa, bóng ngồi một bên
(Đêm nay)
Dần dần, thiên nhiên trở thành nẻo về nguồn cội của nhà thơ. Thiên nhiên mờ đi, lặng im dần đi, để cõi nhân gian tĩnh lặng hòa dần vào cõi tâm linh, và nhà thơ nhìn thấy hình bóng chính mình đang bị tĩnh lặng xóa mờ:
Trời đã thấp, đất đã cao
nắng đã mỏng, trăng đã hao sắc rồi
Kết mùa ngậm bóng hoa - rơi
mà theo hoa rụng về thời thơ sinh
Mà về thăm thẳm tâm linh
lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta
(Cầm thu)
Tập thơ lục bát Ở THẾ GIAN của Đỗ Trọng Khơi dựng lên một cõi Thiền để ký thác những nỗi đau đời vào hư không, vĩnh cữu, để nhìn số phận mình trong trần gian bằng con mắt thản nhiên của Thiền sư. Nhưng đó là cái thản nhiên bề ngoài của một thi nhân mang tâm thế thiền sư bình thản nhìn mất mát, thiệt thòi và cái chết, nhưng vẫn không giấu được những tơ vương trần thế, những nuối tiếc tình đời, những đau đớn thân tâm, những khát vọng sống cùng vĩnh cửu. Sự hòa trộn vào thiên nhiên như đang bước dần tới hư không vẫn bị níu kéo bởi những khát vọng chiếm hữu thiên nhiên của con người trần thế:
Thân một bến, tâm một dòng
một bầu nửa thực nửa không, thu bày
Năm đơm đã chín trái ngày
cầm thu chói rực bàn tay cội cành...
(Cầm thu)
Mùa thu, chim muông và bao nhiêu cảnh trí thiên nhiên hiện lên trong thơ Đỗ Trọng Khơi khiêm nhường, lặng lẽ những cũng nhiều khi rực rỡ, giống như một lâu đài nguy nga nơi thi nhân ký gửi vào từng cành cây, từng tiếng chim, ngọn gió những khát vọng “mắt lá môi sương” trần thế, những trăng rằm, mùa màng, thanh minh.. nhịp sống trần gian. Tràn ngập cả tập thơ là những bài thơ câu thơ nhuốm màu Thiền sâu sắc, tài hoa, lịch lãm và tinh tế trộn lẫn một cách tự nhiên cái lộng lẫy kỳ ảo, vừa thơ ngây trong trẻo vừa thăm thẳm ký ức ngàn năm của chim muông cây cỏ đất trời với nỗi đau đời thăm thẳm của một chàng Từ Thức lạc vào cõi Thiên Thai đang sắp phải trở về với thế gian buồn tủi. Mỗi bài thơ trong tập thơ này đều giống như một tấm mành mành thiên nhiên lộng lẫy và thi vị mà người đọc nhìn qua nó có thể thấy thấp thoáng bóng hình tâm tư và số phận của nhà thơ cô đơn với bao nhiêu ám ảnh hư vô:
Một giờ một thu một tôi
mấy mươi phút nữa đất trời hoà chung
Trăng lên chưa chạm đỉnh không
cỏ xanh chưa ngọn cuối cùng chưa thôi
Hư vô thảm thắc với tôi
thời gian càng nắm càng rơi dọc đường
(Hư vô thảm thắc)
Gìơ đây giữ bóng gìn hương
tôi đi như đã gần đường hư vô
(Ảo vọng)
Con trăng đẹp giữa vô cùng
tôi mơ mộng lấy hư không làm nhà
(Tình)
Ngoài nỗi đau số phận, Đỗ Trọng Khơi có một nỗi đau khác người, là nỗi đau của kẻ cảm thấy mình sống trong cõi vô thường không còn nơi nào để chia sẻ nỗi đau:
Vô vi trong cõi vô thường
thì dâng máu lệ về nương cõi nào?
(Nghĩ)
Không trách móc, không thét gào và oán giận, nhưng tập thơ lục bát của Đỗ Trọng Khơi bàng bạc niềm đau, một niềm đau cao cả, khoan dung, tràn ngập cỏ cây, vĩnh cửu, hư vô và khát vọng sống quằn quại trong cõi hư không thi vị. Và bên cạnh niềm đau khoan dung bàng bạc đó, vẫn có không ít những tình đời rạo rực và hy vọng:
Có gì thẳm cuối đường kia
ánh trời tỏ, tối đêm che mịt mờ
Có người một mắt non tơ
một mắt thấy những đợi chờ bằng không
(Cõi hư)
Mai đông cho đủ bốn mùa
đủ đầy một cữ gió mưa xứ này
Ta đi đến đọn tóc gầy
gặp ngày ở đỉnh đọn cây rực vàng.
(Mai đông)
Vườn chiều rộn lá thu sang
heo may ngậm mảnh trăng vàng rong chơi...
(Thu sang)
Không phải chỉ soi mình trong thiên nhiên, đối thoại với thiên nhiên, Đỗ Trọng Khơi còn biến thế giới đời thường quanh anh thành vùng suy tưởng để suy tư về những phận người, về một thế gian của tính Không theo tâm thế của người nhà Phật.
Thơ lục bát của Đỗ Trọng Khơi vẫn thấm đượm hồn thơ dân gian đằm thắm, tình tứ và ý nhị, nhưng có chút gì phảng phất thơ Hoa Tiên, gọt gũa câu chữ cầu kỳ, nhiều khi đài các, tưởng chừng như chỉ dấn thêm chút cầukỳ nữa thì sẽ vơi đi hồn vía rất nhiều. Thế nhưng, nhìn chung thơ Đỗ Trọng Khơi vẫn căng tràn cảm xúc và vẫn giữ được độ tự nhiên.
Sử dụng thơ lục bát truyền thống, nhưng Đỗ Trọng Khơi lại dồn nén vào đó bao nhiêu ý tình hiện đại, với nhiều chữ đắt, nhiều câu hay, nếu trích dẫn thì bài viết này không thể tải hết. Cho nên chỉ lẩy ra đây một số câu đoạn thể hiện sự tìm tòi sáng tạo về hình ảnh, về cách diễn đạt mới mẻ với những tình tự đã bắt rễ sâu trong thi ca truyền thống. Khát vọng tình yêu vừa đau vừa có chút gì cố bình thường hóa và có chút đùa cợt nữa:
Ta quê ở xứ chiêm bao
nghe rằng có một ước ao nơi người
tìm về tính chuyện lứa đôi
chỉ e tỉnh mộng ra rồi người đi
(Ta quê ở xứ chiêm bao)
Nỗi nhớ thật tinh tế, sự trách móc mới ý nhị khéo léo làm sao:
Con chim lẻ bạn giọng gầy
sắc âm vỏng vít ngọn cây lá vàng
vẳng lời Trà Lý ngỏ sang
đoạn ngày năm trước bẽ bàng thiên nhiên
(Một thu)
Và nỗi cô đơn và khát vọng lứa đôi được diễn tả thật táo bạo, mới mẻ và sâu sắc:
Đêm qua bóng ngả đầy người
người thì xoá bóng về nơi tuyệt cùng
đêm qua bỏ vợ vào chồng
chồng là bóng biển bóng sông bóng mình.
(Bóng)
Khát vọng tình yêu cũng được diễn tả vửa cổ điển vừa tự nhiên, mới lạ:
Rêu sa lối, cỏ lạc đường
góc trời nắng gió rong chuông tơi bời
Một con mắt thức tìm người
đêm qua ở giữa làn môi trăng về…
(Con mắt)
Tình yêu cũng được vẽ nên thành bức tranh hoành tránh và tinh tế:
Là bể chạy, là núi trôi
lại thoảng câu hát nửa vời rồi tan
Như chim đánh đắm chân ngàn
như chim dựng một không gian tiếng lời
(Yêu)
Và tiếng gọi cầu khẩn thiên nhiên, xin lại cuộc đời mới thật đau đỡn thành tâm và xúc động làm sao:
Chim muông ơi, cỏ hoa ơi
nhiệm mầu nào trả tôi thời tươi xinh
Tôi giờ trong cõi tâm linh
với phiêu lãng với lặng chìm riêng tôi
Dư ba muôn những tiếng rơi
lá sương khuất dấu dưới trời vàng thu.
(Gọi)
Dường như bài nào trong tập thơ cũng có thể trích ra một đôi câu hay, lạ và xúc động. Trong bối cảnh hồn vía trong thời nay có nhiều phần sút giảm thì tập thơ lục bát Ở THẾ GIAN của Đỗ Trọng Khơi vẫn tràn căng cảm xúc và suy tưởng xuyên thấu cả cõi người, cõi Phật và cõi cận kề hoa lá, chim muông, có thể đem đến cho người đọc nhiều cảm hứng suy tư về những gì bình thường gần gũi nhất đến những gì hư ảo, xa xôi nhất. Đây là những mảnh ghép thời gian của anh, những mảnh thời gian như thủy tinh vỡ vụn cứa vào tay nhà thơ rớm máu nhưng cuối cùng vẫn tạo nên những bức tranh đa sắc như tranh kính trong các nhà thờ, những bức tranh kể về thế giới bên trong của nhà thơ, về thân phận con người và những khát vọng mong manh cháy bỏng trong cõi thế gian ẩn hiện giữa hư không và lễ hội, giữa cô đơn và mộng ảo, giữa thiên nhiên lộng lẫy và cõi hư vô.
Xin chúc mừng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!.
21/9/2015
Đỗ Minh Tuấn 
Theo http://trieuxuan.info/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...