Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Xuân bất tái lai

Xuân bất tái lai 
Chữ XUÂN trong tiếng Việt đồng nghĩa với chữ Xuân trong chữ Hán. Từ nầy trong Hán tự được tạo hình bằng ba chữ: Tam - Nhân - Nhật nghĩa là ngày ba người; ý nói mùa Xuân gồm những ngày đông vui không có ai phải lẻ loi buồn bã. Tiếng Pháp gọi mùa Xuân là PRINTEMPS do tiếng La tinh -Primo: đầu tiên và Temps: tiết. Mùa Xuân là tiết đầu tiên trong năm (theo lịch cổ của châu Âu). Theo dương lịch ngày nay mùa Xuân ở châu Âu không phải tính từ tháng đầu năm mà tính từ ngày 21 tháng 3 đến 21 tháng 6. Sự điều tiết này nhằm sắp xếp mùa Xuân vào những ngày tháng tươi đẹp ấm áp nhất trong năm. Trong tiếng Anh chữ SPRING (Mùa Xuân) còn có nghĩa là con suối cái lò xo bước nhảy vọt - hàm ý rằng mùa Xuân là động lực của những sức bật mạnh mẽ trong đời sống.
Mùa Xuân của đất trời là một hiện tựợng tuần hoàn có đi có lại trẻ mãi không già. Nhưng mùa Xuân của đời người thì ngược lại - như giòng sông trôi theo trục thời gian một đi không trở lại. Mấy chữ Xuân bất tái lai (mùa Xuân không trở lại) là nói về mùa Xuân của đời người nhất là đời người con gái. Thành ngữ nầy rất thường gặp trong văn học cổ.
Ví dụ:
Nhớ câu Xuân bất tái lai
Ngày nay hoa nở e mai hoa tàn...
(Nguyễn Đình Chiểu - Lục Vân Tiên)
Bà Huyện Thanh Quan cũng đã để lại một giai thọại liên quan đến mấy chữ Xuân bất tái lai. Bà Huyện Thanh Quan là một nữ sĩ tài danh thời nhà Nguyễn từng được vua Tự Đức triệu về kinh đô làm chức Cung Trung Giáo Tập (dạy học trong cung). Chồng bà là ông Lưu Nguyên Ẩn làm tri huyện Thanh Quan (Thái Bình) thường tham khảo ý kiến bà trong một số lãnh vực công vụ. Một hôm chồng đi vắng bà thay chồng xử lý công việc ở nha môn. Hôm ấy có người thôn phụ tên Nguyễn Thị Đào làm nghề lái đò chồng đi làm ăn buôn bán phương xa đã ba năm không về. Nay Thị Đào làm đơn báo cáo chồng đã mất tích và xin bà Huyện xác nhận cho Đào được đi lấy chồng khác. Thông cảm tâm sự của người thiếu phụ bà Huyện ghi vào đơn mấy câu thơ như sau:
Phê cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng Xuân bất tái lai
Lấy chồng thì lấy lấy ai thì đừng.
Dựa vào lời phê ấy Thị Đào kết hôn với người khác. Nhưng chỉ ít lâu sau người chồng cũ trở về. Anh ta phát đơn lên Phủ kiện quan Huyện. Ông Huyện Lưu Nguyên Ẩn bị khiển trách cằn nhằn bà. Bà Huyện Thanh Quan nhanh trí chống chế:
- Thì tôi đã bảo nó: lấy chồng thì lấy lấy ai thì đừng mà.
Ông Huyện bực mình gắt:
- Làm thơ thì ra làm thơ. Xử kiện thì ra xử kiện. Vừa làm thơ vừa xử kiện ai mà hiểu nỗi.
Nếu hôm ấy ông Huyện xử kiện thì đúng nguyên tắc Thị Đào còn phải chờ đợi nhiều năm nữa. Nhưng bà Huyện thì khác. Cùng là phụ nữ bà hiểu rõ ý nghĩa cảnh báo của thời gian trong mấy chữ Xuân bất tái lai. Chẳng lẽ cứ bắt người thiếu phụ ấy ôm lòng chờ đợi đến ngày xanh mòn mõi má hồng phôi pha hay sao?. Vậy trong vụ án này bà huyện xử đúng hay sai còn phải bàn thêm.
Hoàng Phủ Ngọc Phan
Theo http://hoanghuuquyet.vnweblogs.com/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...