Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Trần Ngọc - Người kể chuyện tình bằng thơ

    Trần Ngọc - Người kể chuyện tình bằng thơ
Lời tựa của Nhà văn Triệu Xuân in trong Cõi mênh mông, 
tập thơ tuyển của Trần Ngọc. NXB Hội Nhà văn sắp phát hành
Cõi mênh mông là tập thơ tuyển, gồm 109 bài, phần lớn là thơ tình, của nhà thơ Trần Ngọc. Anh sinh năm Quý Mùi, ở Tiền Giang, châu thổ sông Cửu Long bạt ngàn cây trái, lúa gạo, cá, tôm; bát ngát xanh quanh năm với biết bao là sản vật ngon lành… Tuyển thơ này ra đời như một tất yếu, khi tác giả đã trải hết những thăng trầm, ngọt ngào, cay đắng của cuộc đời, anh tự nhận thức lại một cách sinh động: mình là ai trong cõi đời, cõi người, cõi tình mênh mông này… Chọn lọc từ hàng trăm bài thơ của cả đời sáng tác, Cõi mênh mông như là quà tặng cho đời, cho bạn bè người thân. Món quà của Trần Ngọc là tâm linh của anh hướng về chân thiện mỹ, hướng đến trái tim từng con người. Đúng thế, đó là món quà đặc biệt: Những câu chuyện tình của chính anh được kể bằng thơ! Thơ của Trần Ngọc, về mặt nghệ thuật thi ca, xin dành để bạn đọc thưởng lãm và bình phẩm. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh nhân văn – phần hồn cốt của thơ Trần Ngọc – được chuyển tải thành những chuyện tình yêu lúc thì lãng mạn, bay bổng, nhẹ nhàng, khi thì cuồng si, mãnh liệt, và thường trực là tâm trạng ray rứt, da diết buồn thương tiếc nuối… Nhưng trên hết, những câu chuyện tình anh kể đều thốt ra từ đáy lòng của một kẻ lãng du, một nghệ sỹ tha thiết người yêu đời, yêu người, yêu mình mãnh liệt, đầy khát khao, đầy nhân bản!
Tôi gọi những bài thơ của Trần Ngọc là những câu chuyện tình yêu được anh kể bằng thơ, là hiển nhiên. Bởi tất cả các loại hình nghệ thuật muốn đến với trái tim con người đều phải tìm cách thích hợp nhất để kể câu chuyện mà tác giả của nó muốn gửi tới người đọc, người xem, người nghe… Thơ Trần Ngọc có bài chỉ bốn câu, phần nhiều là những bài thơ dài, có bài in trên ba, bốn trang sách. Cho dù bốn câu hay gần trăm câu, chuyện kể bằng thơ của Trần Ngọc luôn thể hiện trái tim luôn xao động, ước ao, luôn hối tiếc và khát yêu mãnh liệt. Tình yêu là thuộc tính của Trần Ngọc từ thời trai trẻ…, ngay cả khi lâm bệnh tật hiểm nghèo, gia cảnh biến động, anh vẫn khát yêu. Trần Ngọc luôn cháy bỏng đam mê được yêu và anh yêu người mãnh liệt. Tình yêu trong anh ở tâm thế như… e rằng nếu mình ngơi yêu thì thân xác anh sẽ chết liền!
Trong Cõi mênh mông, bài thơ mở đầu mang tên Anh muốn đi tiếp. Anh kể câu chuyện về cuộc tình sâu sắc nhất, cuộc tình của cả một thời trai trẻ, cuộc tình đưa anh tới đỉnh hạnh phúc, gia đình an khang, thịnh vượng. Thế rồi, khi tình yêu tan vỡ, tác giả đau đớn thốt ra những khát khao về tình chồng vợ, nghĩa tào khang, sự êm ấm, bình an… Để rồi kết thúc bài thơ, anh viết: Và em ơi! Anh vẫn muốn đi tiếp/ Còn một khoảng thôi đến cuối con đường/ Ở nơi đó cõi vĩnh hằng réo gọi/ Một cõi đi về tràn ngập yêu thương... Đọc (nghe) xong câu chuyện này, ta cảm nhận đây là người đàn ông lương thiện, muốn gia đình – tế bào của xã hội - luôn luôn bền vững. Hạnh phúc không phải là đích đến, mà là cả chặng hành trình. Người ta thường lặp lại câu nói này, nhưng mấy ai chiêm cảm được hạnh phúc khi mà cái đích của họ chưa đạt được. Trần Ngọc muốn yêu đến tận thế giới bên kia, khi mà cõi vĩnh hằng, nếu có, thì ắt phải tràn ngập yêu thương!
Dưới giàn hoa giấy là một trong những bài thơ dài, kể về tâm trạng của một kẻ đang yêu. Trần Ngọc có khoảng ba chục bài thơ lấy cảm hứng từ giàn hoa giấy, cành hoa giấy, vườn hoa giấy. Đó là loài hoa mong manh, nở rực rỡ, cuốn hút nhưng rồi chóng tàn, có sắc không hương… Ngắm nhìn giàn hoa giấy, thấy nao lòng bởi sức quyến rũ của nó, mà cành hoa lại nhiều gai nhọn. Khi nắng sớm mưa chiều, nhìn những cánh hoa giấy tả tơi, tan tác rơi và lịm tan vào lòng đất, Trần Ngọc ngộ ra hoa giấy sao mà giống chuyện tình. Gặp nhau, lập tức bị coup de foudre, (tiếng sét ái tình), hai người lao vào yêu như điên như cuồng, rồi… như lửa rơm, chẳng thắm chẳng đượm được mấy đỗi. Rồi đau khổ, rồi tiếc nuối, rồi ân hận, rồi bao dung, hoặc là tự huyễn tưởng để tiếp tục cuộc tình… khác! Có những lúc tưởng như suy sụp, Trần Ngọc vin vào cành hoa giấy để bật dậy, để yêu, để kể chuyện, cốt gửi tâm linh mình tới người yêu, người bạn đời, người  mà anh sống chết với từng khoảnh khắc khát khao… Biết yêu là khổ, nhưng phàm là đàn ông, có ai không khát yêu. Lâm vào cuộc tình, cho dù gai góc, đợi chờ khắc khoải, mà được tang bồng hồ thỉ trong cơn say ma quỷ; đã nhập hồn rồi, người ta cứ dấn thân phiêu du suốt cả đời không muốn ngừng nghỉ! Trần Ngọc giàu cảm hứng yêu, nhất là từ loài hoa tim vỡ. Bông hoa giấy đã tàn mà anh vẫn rung động nhận ra đầy sức lả lơi, sức gợi tình của loài hoa, kiếp hoa quá đỗi vắn số: Đêm nằm nghe gió thở than/ Sáng nay thức dậy hoa tàn rụng rơi/ Nhìn hoa tan nát tơi bời/ Vẫn mang dáng vẻ lả lơi gợi tình…
Rồi một sớm mai… khi vừa tỉnh giấc mơ được ôm ấp người yêu, nhìn hoa giấy anh ngỡ: Gió đưa hoa giấy lẳng lơ/ Bâng khuâng tiếc nuối giấc mơ đêm rồi/ Sáng nay vẫn thấy bồi hồi/ Trong mơ anh thấy mềm môi với mình! - “Dưới giàn hoa giấy”.
Nguyễn Du viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, đó là chân lý. Ấy vậy mà Trần Ngọc cảm nhận sự gợi tình trong cánh hoa giấy sắp rã tan! Hay, nói một cách khác, ngay cả sự thất tình, tan vỡ đối với Trần Ngọc cũng là sự còn mãi, chứ không bao giờ là sự chấm hết của yêu đương… Cuộc tình tan, người yêu xa, Trần Ngọc vẫn dâng trào cảm xúc về dáng về hình, về hơi thở, về gương mặt, về ký ức tuổi xanh… Anh mường tượng và tin tưởng một ngày kia, đến lúc “Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”[1]. Hãy đọc bài Khi anh về: Khi anh về thuyền ai trên sông lạnh/ Mái chèo khua buốt giá nỗi khát khao/ Nơi bến vắng đò xưa sầu vạn kỷ/ Nhớ đến ai… bao cảm xúc dâng trào!
Tâm thế ấy là của kẻ lãng du, cho dù chân trời góc bể, vẫn nặng lòng với người tình cũ, chỉ cần gặp lại là dâng trào cảm xúc, là khát khao yêu như chưa được yêu bao giờ!
Cuộc đời Trần Ngọc trải nhiều thử thách, vượt nhiều gian khổ, đắng cay, và từng được hưởng vô vàn may mắn, hạnh phúc. Cùng thế hệ với anh, có lẽ không có nhiều người được xê dịch trong nước và nước ngoài nhiều như anh. Anh đã trước bạ bàn chân mình lên khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam mà anh vô cùng yêu quý, gắn bó; đồng thời anh cũng được sống, trải nghiệm qua hàng chục nước văn minh trên khắp các châu Á, Âu, Mỹ, Phi… Đó không chỉ là những chuyến du ngoạn đơn thuần để thỏa chí hải hồ. Đó chính là những tháng ngày Trần Ngọc hạnh phúc nhất, khi anh yêu và được yêu… Từ nơi xa xôi ngàn dặm trời Tây, anh đau đáu vọng về thương yêu người thân, gia đình và đất nước. Đó là những tháng ngày anh được thỏa sức khám phá, hưởng thụ những thắng cảnh và vẻ đẹp cuộc sống xã hội, nét đặc trưng tính cách con người những miền đất lạ… Để rồi, anh rút ra chân lý: Đã là con người trên hoàn cầu này thì khát vọng tình yêu là cao đẹp nhất, là đáng tôn vinh nhất. Cả cuộc đời Trần Ngọc đam mê tình yêu, tôn vinh tình yêu. Trần Ngọc nâng niu cái điều đáng tôn vinh nhất ấy qua nhiều bài thơ. Những vần thơ giản dị mà chứa chất bao ân tình.
Sau đây là trọn vẹn bài thơ mang tên Đợi: Em có về thăm lại vườn hoa giấy?/ Để nghe tiếng cu cườm gáy buổi trưa/ Ở nơi đó, có người đang chờ đợi/ Lặng lẽ cô đơn dưới gốc cây dừa/ Ngồi gần em, nghe lòng thanh thản/ Xóa nỗi đau thương, vương mãi sự đời/ Gió tung tăng những giàn hoa giấy đổ/ Lơ lửng trên dòng nước chảy ra khơi/ Em lại đến, lại đi trong tiếc nuối/ Hoa giấy mang về héo úa phải không?/ Em có hái ép vào trang giấy/ Để tặng anh mòn mỏi lúc cô phòng…/ Nhớ em, anh lại ra vườn hoa giấy/ Gom góp hoa rơi, để đón nắng chiều/ Con sáo hót sổ lồng bay... bay mãi.../ Bóng tối chập chờn…hoang vắng, quạnh hiu.
Mảng thơ Trần Ngọc viết ở nước ngoài, cụ thể là những nước như Mỹ, Pháp, Ma rốc…từ những thành phố nổi tiếng như Kinh đô Ánh sáng Paris; giữa sa mạc châu Phi, trong những đêm đông giá lạnh, hay giữa những ngày hè rực nắng ở New York…, tôi nhận ra những rung động mạnh nhất là nỗi nhớ thương da diết người yêu, những người thân, gia đình và quê hương đất nước… Hình ảnh người yêu dấu của anh, hình ảnh Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tầu, hình ảnh bến sông quê hương với cô bé có thân phận hẩm hiu… sinh động, thăng hoa trong thơ anh, lấp lánh một tình yêu sâu sắc, cao cả, tráng lệ.
Năm 2014, nhà thơ Trần Ngọc dũng cảm, may mắn vượt qua được cơn bạo bệnh, vượt qua cõi chết! Từ ngày ấy, tình yêu cuộc sống trong anh càng thăng hoa, anh yêu đời, yêu người ngày thêm mãnh liệt. Những lúc đau bệnh khủng khiếp nhất, thập tử nhất sinh, anh  vẫn lạc quan; những lúc hạnh phúc vỡ tan, anh vẫn bình  tâm tin vào ánh sáng của lòng nhân ái. Tôi thích bài Quà Xuân của Trần Ngọc. Đây là câu chuyện của anh với người bạn đời. Dù đã xa nhau, ở cái tuổi tưởng như cập kề “thế giới bên kia”, nhưng trái tim anh, tấm lòng anh vẫn nâng niu, gửi gắm cho người yêu những điều ấm áp nhất, những điều mà cho dù ở hoàn cảnh khắc nghiệt cỡ nào, khi có được, người ta như có phép nhiệm mầu để ngẩng cao đầu đi tiếp!  
QUÀ XUÂN
Nửa vòng trái đất, nhớ quê hương
Gửi cho em nắm cát ven đường
Để em nhớ bọn mình còn thuở
Vi vút sáo diều lúc chiều buông
Nửa vòng trái đất, cách xa nhau
Gởi cho em viên sỏi phai màu
Thay anh, nhắc em từng kỷ niệm
Từng con đường in dấu bên nhau.
Bên kia bờ xa cách đại dương
Gởi cho em nắm cỏ sân trường
Để em nhớ lại thời đi học
Phong tục cổ truyền, ngôn ngữ quê hương
Bên kia bờ xa cách quê hương
Gởi cho em nhánh lúa quê nhà
Vì em lớn lên bằng sữa mẹ
Hương lúa đậm đà, nước đục phù sa.
Và hôm nay, gió lạnh thổi sang
Gởi cho em một nhánh mai vàng
Mang bao kỷ niệm thời xưa ấy
Để lòng ấm lại lúc xuân sang!
Giống như rất nhiều người yêu thơ, làm thơ, Trần Ngọc không được đào tạo chính quy để trở thành nhà thơ chuyên nghiệp. Thế nhưng anh là người thông minh, giàu cảm xúc, năng động và lịch lãm. Anh đam mê xê dịch, từng nhận mình là kẻ lãng du trong đời… Anh từng làm phóng viên, viết cho báo Thể thao Văn hóa Hà Nội, viết cho Tạp chí Võ thuật… Trần Ngọc say mê viết báo, viết truyện, làm thơ và rất yêu âm nhạc. Anh là Phó Chủ tịch Nhóm Văn Chương Hồn Việt, sôi nổi, nhiệt thành, thường tiên phong trong mọi hoạt động của Nhóm. Anh là Hội viên của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Văn Nghệ Vĩnh Long. Anh sống chân tình với bạn bè, luôn khiêm nhường và ham học hỏi… Từ năm 2000 đến nay, Trần Ngọc đã xuất bản 5 đầu sách, chủ yếu là thơ. Anh có truyện và thơ in trong tác phẩm Văn thơ chọn lọc của Nhóm Văn Chương Hồn Việt - NXB Văn Học, 2009. Anh có nhiều bút ký và thơ in trên Nguyệt san Văn Chương Ngày Nay của Nhóm Văn Chương Hồn Việt & NXB Hội Nhà văn, đã ra 8 tập. Nhìn lại quá trình hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật của Trần Ngọc, tôi mừng cho anh! Quả là không khi nào anh ngưng nghỉ đam mê văn chương nghệ thuật. Bởi, với anh, đó cũng chính là Tình yêu cuộc sống!
Hãy lắng nghe những câu chuyện tình do nhà thơ Trần Ngọc kể trong Cõi mênh mông để càng tin yêu cuộc sống, càng mê đắm với tình yêu!
TP HCM, tháng 12-2016
Triệu Xuân
Theo http://trieuxuan.info/


1 nhận xét:

  Bên thềm quê cũ – Tản văn Nguyễn Hữu Trung 30 Tháng Bảy, 2023 Cuối cùng tôi đã được đặt chân đến đây, an toàn và ấm áp. Ngạc nhiên với...