Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Chuyện mình, chuyện đời, chuyện nhân thế… Lời tựa cho tác phẩm Người trở về

Chuyện mình, chuyện đời, chuyện nhân thế… 
Lời tựa cho tác phẩm Người trở về
Lời tựa của Nhà văn Triệu Xuân in trong Người trở về, Truyện ký của Nguyễn Đăng Cường. NXB Hội Nhà văn sẽ phát hành tháng 1-2017.
Tác phẩm Người trở về mà quý bạn đang cầm trên tay là câu chuyện rút ruột thốt ra của một người du học Ba Lan từ năm mười sáu tuổi, năm 1956. Thuở ấy, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh; Hòa bình lập lại nhưng đất nước bị chia hai. Miền Bắc Việt Nam vốn nghèo khổ, càng nghèo hơn bởi đã dốc toàn lực cho chín năm kháng Pháp. Hà Nội cũng như toàn miền Bắc thiếu thốn, khó khăn trăm bề, nhưng lòng người phơi phới, niềm tự hào dân tộc lên tới đỉnh! Ngày 20-7-1956, Hải Bằng – tức tác giả Nguyễn Đăng Cường - lên đường sang Ba Lan học ngành đóng tàu tại Gdansk. Đó là một vinh hạnh, may mắn vô cùng lớn, bởi cả miền Bắc chỉ có vài chục người được đi Ba Lan học đại học. Sau tám năm sống và học tập ở Ba Lan, năm 1964, Bằng tốt nghiệp, nhận bằng Thạc sỹ đóng tàu Đại học Gdansk. Về nước, Bằng làm trong Viện Thiết kế và đóng tàu cá. Trải qua những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ tàn phá miền Bắc, những năm hòa bình thống nhất tổ quốc, Bằng cống hiến trên nhiều lãnh vực: chế tạo, đóng tàu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; hướng dẫn sinh viên làm luận án tốt nghiệp; xuất bản sách về tàu biển, và compozit; hoạt động Hiệp hội và nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan Thành phố Hồ Chí Minh. Hải Bằng  Bằng am tường cảnh và người Ba Lan, gắn bó tuổi thanh xuân của mình với dân tộc Ba Lan, yêu Ba Lan như yêu tổ quốc thứ hai của mình. Bằng giữ bền chặt các mối quan hệ nghĩa tình với bạn bè và các gia đình Ba Lan suốt sáu mươi năm qua...
Một ngày Xuân 2016, khi tôi đang du ngoạn tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thì điện thoại báo có người gọi, một số lạ. Người gọi là Nguyễn Đăng Cường. Tôi chưa hề biết anh. Anh Cường nói muốn gặp tôi để được giúp đỡ về xuất bản sách. Tôi nhận lời. Ít ngày sau, anh Cường gặp tôi. Câu đầu tiên anh nói: “Mình không có năng khiếu viết văn…”!
Cảm nhận đầu tiên của tôi: anh Cường là người từng trải, am hiểu nhiều lãnh vực, tâm hồn giàu tố chất nghệ sỹ… Đúng như câu đầu tiên anh nói: “Mình không có năng khiếu viết văn…”! Không chỉ riêng anh mà rất nhiều người không được đào tạo nghề viết văn, ít thời gian đọc sách văn học, nhất là tiểu thuyết. Tôi nghe anh kể về ý định viết cuốn sách, nội dung muốn trình bày… Tôi nói ngay: Đáng viết lắm! Tôi chân thành khích lệ, để anh hoàn thành bản thảo. Bản thảo đầu tay – thể loại văn học –  Người trở về của anh Cường, nổi bật hai điều: Thứ nhất là có một câu chuyện, - chuyện thật, người thật, việc thật – là chuyện mình, chuyện đời, chuyện nhân thế! Điều nổi bật thứ hai là cách kể chuyện: lối tư duy hồn nhiên, tình cảm trong sáng, mãnh liệt, cách kể chuyện mộc mạc, tuần tự theo mạch thời gian, có sao kể vậy, chân tình, trung thực với những gì đã qua. Bởi thế, dù cách diễn đạt đôi lúc chưa khéo, từ ngữ chưa gọt dũa, hình ảnh chưa được chọn lọc, ý tứ lặp trùng… nhưng với hai điều nổi bật vừa nói, bản thảo Người trở về như một vỉa quặng quý, chỉ cần gia công, gạn lọc, trau chuốt là thành tác phẩm văn chương.    
Người trở về có ba phần: Phần mở đầu kể về thời niên thiếu của tác giả. Với nền nếp gia phong, truyền thống gia đình yêu nước thương nòi, cộng với tư chất thông minh của Bằng, dễ hiểu vì sao Hải Bằng được Nhà nước tuyển chọn du học Ba Lan từ mười sáu tuổi! Phần thứ hai rất hấp dẫn, kể về tám năm sống, học tập, tám năm là sinh viên tại Ba Lan. Đây chính là phần đời nhiều mộng mơ, lãng mạn nhất trong cuộc đời Hải Bằng. Anh miêu tả từng mảnh ghép của đời sống lấp lánh tình nghĩa, rất hiện thực trên đất Ba Lan, từ những ngây ngô, ngờ nghệch không hội nhập vào phong tục xứ người, tiện nghi của xã hội Ba Lan,  đến những ấu trĩ trong quản lý sinh viên như cấm yêu… Những chuyện cười ra nước mắt của những chàng trai cô gái từ một nước nghèo khổ, lạc hậu triền miên thoắt một cái sang sống ở xã hội công nghiệp, văn minh, nhân bản, tự do... Phần thứ ba, kể chuyện Hải Bằng về nước, lăn lộn trong cuộc sống đầy thử thách, cạm bẫy; đòi hỏi anh phải luôn tỉnh táo, đứng vững trên đôi chân mình, sống, yêu, xây dựng gia đình bằng tất sự thông minh và tấm lòng giàu lòng nhân ái.
Từ năm 1956 đến nay, có khá nhiều người được du học Ba Lan, nhưng không mấy người viết sách kể chuyện về những năm tháng học tập, làm việc ở đất nước ấy một cách trung thực, khoa học mà giàu xúc cảm như anh Cường trong Người trở về!
Cộng hòa Ba Lan thành lập từ hơn 1.000 năm trước, từng đạt tới thời kỳ hoàng kim ở gần cuối thế kỷ 16 dưới thời Triều đại Jagiellonia. Lúc đó, Ba Lan là một trong những nước lớn nhất, giàu nhất và mạnh nhất Châu Âu. Năm 1791, Hạ viện của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva chấp nhận Hiến pháp Mùng Ba Tháng Năm. Đây là bản hiến pháp hiện đại đầu tiên của châu Âu và thứ hai trên thế giới sau Hiến pháp Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Ba Lan có diện tích gần 313 ngàn Km vuông, dân số hơn 38 triệu người, nhưng đã sinh ra nhiều danh nhân, vĩ nhân: Ba nhà văn đoạt Giải Nobel Văn học - người đầu tiên nhận Giải Nobel Văn học năm 1905 là Henryk Sienkiewicz; nhà soạn Frédéric François Chopin (1810-849) cùng nhiều nhà bác học khác như Marie Skłodowska-Curie (1867 - 1934). Bà Marie Curie sinh tại thủ đô Warszawa, một nhà vật lý và hóa học nổi tiếng, tiên phong nghiên cứu về tính phóng xạ. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực: vật lý và hóa học.
Lần đầu tiên tôi biết đến Ba Lan khi vừa năm tuổi! Bố tôi là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào tiếp quản Hải Phòng, từng làm việc một thời gian - ba trăm ngày- với đoàn Ba Lan trong Ủy hội quốc tế giám sát và kiểm soát theo Hiệp định Genève 1954, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Những người đồng nghiệp Ba Lan thường tặng bố tôi những báo ảnh Ba Lan. Năm 1957, bố mang về, tôi đang học vỡ lòng, đâu biết đọc chữ Ba Lan, nhưng rất thích coi hình ảnh. Có hơn chục tờ báo ảnh Ba Lan tôi gìn giữ trong tủ sách gia đình mãi đến năm 1971, trận lụt lớn, nước ngập đến nóc nhà, sách báo hư hết cả! Ấn tượng sâu sắc nhất từ những tờ báo ảnh đó là người Ba Lan ai cũng đẹp, da dẻ trắng hồng. Trẻ con Ba Lan cỡ tuổi tôi, đứa nào cũng mũm mĩm, áo quần cực đẹp, chơi bóng, đạp xe…; trong khi trẻ con chúng tôi đứa nào cũng gày tong teo, bụng ỏng đít teo… Lúc đó, Ba Lan trong tôi là giấc mơ, là một thế giới khác, chưa từng có! Sau này lớn lên, đam mê văn chương, ham đọc sách, ham tìm hiểu, rồi được đi nước ngoài nhiều, tôi dần dần hiểu rõ và vô cùng khâm phục văn hóa, lịch sử dân tộc Ba Lan; truyền thống yêu tự do, ý chí bất khuất trước cường quyền, tinh thần dũng cảm chống giặc ngoại xâm của nhân dân Ba Lan. Đọc bản thảo Người trở về, tôi nhiều lần rung động trước cảnh và người, trước những mảnh ghép cuộc sống được tác giả Nguyễn Đăng Cường miêu tả. Ba Lan với Việt Nam, tuy xa mà gần. Tiểu thuyết của các nhà văn Ba Lan, Văn hóa ẩm thực Ba Lan, nhất là rượu Vodka Ba Lan Żubrówka Vodka -Vodka bò rừng - có cọng cỏ trâu trong chai… cuốn hút tôi. Thuốc Tây Ba Lan chả kém gì thuốc sản xuất tại Pháp, rất thịnh hành ở Việt Nam từ thời chiến tranh cũng như ngày nay. Người Pháp sáng chế ra Avodart, thuốc đặc trị bệnh tiền liệt tuyến, thì dưới nhãn hiệu Avodart là dòng chữ: Sản xuất tại Ba Lan!
Tôi viết những điều này để nhấn mạnh rằng câu chuyện mà tác giả Nguyễn Đăng Cường kể trong Người trở về không chỉ là chuyện riêng của đời anh, mà hơn thế, là chuyện hai dân tộc Ba Lan - Việt Nam đầy nghĩa tình, bền vững, trung thành, không thay đổi vì ham quyền lợi riêng, chuyện cuộc đời, chuyện nhân thế! Thiết nghĩ, một thạc sỹ đóng tầu, một doanh nhân, từ khi nghỉ hưu tham gia công tác Hội hữu nghị, mà cho ra đời một cuốn sách hiện thực, trung thực, không tô vẽ như thế, thật giàu tính nhân văn, đáng trân quý lắm thay!.  
TP. HCM, tháng 11-2016
Triệu Xuân
Theo http://trieuxuan.info/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...