Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Nguyễn Đức Quang, người du ca hát cho quê hương

Nguyễn Đức Quang, người du ca 
hát cho quê hương 
Giữa tháng 8.2004, Nguyễn Đức Quang tới Portland theo lịch trình đã soạn sãn. Trong ngày thứ bảy 13.8.2004 anh hát cho một chương trình hỗn hợp với ban nhạc và rất đông nghệ sĩ địa phương để giúp gây quỹ cho Cộng Đồng Giáo Dân Dũng Lạc tại đây. Nhân đó, anh gặp lại một số bạn bè trường Chính Trị Kinh Doanh Viện Đại học Đà Lạt và có ngay một buổi hát tao ngộ rất lý thú với những người này, với thầy cô cựu khoa trưởng và một số bạn bè văn và họa trong đó có Lữ Yên, một tay viết quen thuộc thên các diễn đàn văn nghệ...10 ngày sau, Lữ Yên đã gửi về cho Nguyễn Đức Quang bài viết này. Và nay thì cả hai, Nguyễn Đức Quang và Lữ Yên đều sau  trước ra người thiên cổ...(NT)
Vài ba ngày vừa qua, nắng rực rỡ và nóng lao đao, người đã tới với thành phố Portland như những ngày hạ Saigon. Âm hưởng của những mùa hạ trên quê hương trong tâm hồn người Việt Nam tỵ nạn cộng sản lại bỗng rạo rực lên nỗi nhớ đất nước. Vào một buổi chiều, nắng và nóng đã nhạt và dịu xuống, người du ca Nguyễn Đức Quang đã tới, ngồi trên sân thượng căn nhà ở phía đông nam thành phố Hoa Hồng đợi chúng tôi – chủ nhân căn nhà này, anh Trần Luân bạn đồng môn, đồng khóa với người du ca và là người trước sau trân quý các bằng hữu, nhất là các bằng hữu văn nghệ sĩ, đã hân hoan tới với người du ca. Trong số đó có một bậc trưởng thượng mái tóc bạc phơ là thầy Trần Long, cựu khoa trưởng trường Chính Trị Kinh Doanh và Quản Trị Xí Nghiệp của Viện Đại học Đà Lạt trước đây. Riêng tôi, cảm động khi gặp Nguyễn Đức Quang như gặp lại một người bạn thân lâu ngày mới được nhìn thấy nhau, ở cái cõi đời luôn biến đổi và luôn đầy vơi này.
Nguyễn Đức Quang, người du ca thuở nào ngồi đó, ôm đàn và hát. Khuôn mặt anh dưới ánh đèn, hằn lên những nét kẻ bóng tối, hòa lẫn những mảng sáng nhỏ nhạt nhòa, thể hiện tất cả tâm hồn anh như ngày nào trên quê hương yêu dấu, những thao thức những ray rứt, tủi hận theo với bao nổi trôi của vận nước...

Bốn mươi năm trước, khi còn trẻ, còn là một sinh viên, Nguyễn Đức Quang đã ôm đàn cùng nhạc sĩ Phạm Duy du ca mười phương trời miền Nam Việt Nam và vào năm 2001 và 2003, anh đã hai lần sang Úc, hát lên bao nỗi đau thương của thân phận một dân tộc, sáu lần hát có đến ba ngàn người đến nghe chia xẻ và cùng hát...
Người du ca mười phương trời đất nước và những phương trời thế giới lúc này ngồi đó, trước chúng tôi, Nguyễn Đức Quang vẫn giữ gìn tấm lòng Việt Nam trước sau thủy chung...
Vào thập niên 60, Nguyễn Đức Quang đã hát như tiếng nấc liên hồi của cơn khóc tức tưởi đau thương cho quê hương. Người du ca đã hát thầm thì, ai oán cho số phận một dân tộc. Anh đã hát cay đắng cho bao đổ vỡ. Anh đã hát với trái tim ngập tràn tủi hận trước những gian dối, cho những trớ trêu, cho những thủ thuật của một cuộc chiến tranh đầy những nhân danh. Anh hát cho những nỗi nhọc nhằn, khó nghèo của đồng bào. Anh hát trên những tuyến đường mà hàng cây xanh, những ruộng đồng còn hằn sâu vết đạn. Anh hát theo những giòng sông hiền lành, linh hồn của xóm làng, của người dân bốn mùa thiếu áo thiếu cơm...
Anh hát lời thương yêu giữa hận thù. Anh hát cho cả phía bên kia và phía bên này. Anh hát tức tưởi cho những chia lìa, cho những đổ vỡ đã diễn ra hàng ngày, hàng đêm và cả hàng giờ trên quê hương mà ở đâu cũng chỉ thấy những gian nan.
Anh đã hát trên đồi, trên nương rẫy, trên đất mẹ cho những người vừa nằm xuống. Anh hát lời yêu thương cho tươi trẻ một thời...Anh hát cho thời đại, kể lể các trăn trở, các ước vọng mơ hồ bọt nước.
Anh hát cho những thế hệ nhiệt tình ngơ ngác trên những ngã ba đất nước. Anh hát cho mọi người thức giấc, cho phía bên kia tỉnh ngộ. Anh hát xin mọi người hãy giữ lấy sự công bằng. Anh hát cho tình người, những tình người vội vàng đánh mất. Anh hát như tiếng kêu thống thiết, như van xin thương yêu.
Anh hát như tiếng khóc sầu hận, tủi buồn, có lúc như niềm thương đau ngẩn ngơ bày tỏ, có lúc quả cảm vạch trần, nhưng luôn nhiệt thành trong một con người, trở về chỗ đứng ở cõi đời đầy phũ phàng biết rõ mình chỉ là một kẻ du ca, thấp cổ thường tình, không có đủ sức để vực lại, để đòi lại ánh sáng cho cuộc đời đầy những oái oăm này...
Nhưng dù có khó khăn, dù có bao ngăn ngừa trở ngại, anh vẫn hát cho đồng bào bằng những sự thực, bằng những lời chân thật:
...Cho đồng bào tôi ở khắp bốn phương trời
hát những lời ca tôi đòi đã mòn hơi
nghe nhau khóc thầm suốt đêm qua
nghe bao nhiêu bạn khóc bên kia
hoang mang cúi đầu, chờ mong thượng đế
Cho đàn em tôi còn bỡ ngỡ sân trường
đi kiếm tình thương trong tập sách in đem
em say sưa học cồ vươn lên
trong khi cô thầy bỗng lo hơn
bao nhiêu năm dạy chưa thấy niềm tin

[Cho Đồng Bào Tôi ]
Khi còn trong nước, những bài du ca của Nguyễn Đức Quang khiến tôi uất nghẹn, cay đắng. Và bây giờ, ở nước ngoài, buổi tối, lúc nghe anh hát, nhìn khuôn mặt anh còn lại những nét đau đớn một thuở nào, tôi xót xa ngậm ngùi. Anh đã hát:
...Anh ơi anh chung quanh ta còn có biết bao đứa 1 nhân danh
mang đời ta đem bán cho muôn người....Nơi xa vời...
...Có những tên hèn nhát đã buôn dân mình
Có những tên lì bướng nương thây dân mình
Có những tên đợi gió đã đâm tim mình
Có những tên mặt mốc bốc khô dân lành
Buôn theo lối đồng mình, hay lối anh em...
....Có những tên đội lốt xót thương dân mình

[Bọn Lái Buôn Ở Khắp Mọi Nơi]
Và rồi:
...Anh ơi anh xem đây món hàng chúng muốn rao bán hôm nay có cả em thơ
có tên ông già, bào cửa nhà, tình trong ta, nghĩa quê ta...
...ó những tên hàng xáo, chúng buôn căn hờn
lúc ế xong thì chúng sẽ buôn ân tình
nói những câu đầu lưỡi vuốt ve hòa bình
Cứ nói xong lại thấy chiến tranh về gần
Dân ta có bộ xương, chúng bán bộ xương

[Bọn Lái Buôn ở Khắp Nơi]
Nguyễn Đức Quang gửi tất cả tâm can nhức nhối, quằn quại vào những lời ca. Cái tâm can không phải chỉ có ở anh mà có ở tất cả mọi người thời đó. Nhưng anh đã cảm nhận và trước hết dũng cảm hát lên bằng trái tim thật sự yêu quý quê hương. Hát mà những giọt nước mắt chảy bên trong hồn:
...Xương sống ta đã oằn xuống, cuộc bon chen cứ đè lên
Người vay nợ áo cơm nào thành nợ máu trăm năm còn thiếu
Một ngày một kiếp là bao, một trăm năm mấy lúc ngọt ngào
ôi biết đến bao giờ được nói tiếng an vui thực thà...

[Xương Sống Ta Oằn Xuống]
Tiếng du ca Nguyễn Đức Quang đôi lúc phẫn nộ, đôi lúc vang vọng trên những miền đất nước như một lời kêu gọi thống thiết:
Anh em tôi, hơn trăm năm
nằm nếm gai uống chia mật đắng
Chê bước anh nhưng trông đến em lòng đầy lo lắng
Anh em tôi hơn trăm năm
mang chiếc gông đi trong lao tù
cho đến nay, cờ tự do cắm trên nấm mồ...

[Anh Em Tôi]
Rồi có đôi khi tiếng du ca lại lặng lẽ
Khi chúng ta quay lưng im hơi-khi chúng ta không buông thành lời
bọn mưu toan, bọn gian ác quái vật lên ngôi!
Khi chúng ta yên thân phận mình
khi chúng ta không ai thật tình
là kéo dài một cuộc sống trăm ngàn điêu linh

[Im Lặng là Đồng Lõa]
Nhưng than ôi, tất cả qua đi, kể cả đau thương và những phấn đấu, quê hương đã ngã xuống. Dân tộc nhược tiểu không thoát khỏi bàn cờ thế giới của những tham vọng và mưu đồ quốc tế. Người Việt Nam đã bỏ tất cả ra đi, tỵ nạn rải rác tại nhiều quốc gia trên mặt địa cầu này. Dù đời sống có bon chen cam go, dù còn muộn phiền, nhưng đã tìm thấy được an nhiên và tự do. Quê hương tạm dung mênh mông và người du ca tiếp tục hát:
Nối ngàn con đườngmới trẻ trung và không biên giới
Hôm nay mối tình tôi một quê hương rất mênh mông

[Tôi Có Một Mối Tình]
Dù quê hương thứ hai có đem an vui và no ấm, nhưng tất cả những người Việt Nam tỵ nạn, vẫn luôn để tâm hồn khắc khoải nghĩ đến, hướng về một quê hương nhỏ bé, khó nghèo, cơ cực, dù có xa một nửa vòng trái đất, dù trùng dương ngăn cách. Ở đó, quê hương Việt Nam muôn đời yêu dấu, những người Việt Nam ra đi đã dựng lịch sử cho một giai đoạn kỳ diệu nhất. Ở đó, một lớp người thân thương, một sự gì thiêng liêng mà chữ nghĩa không tài nào kể được, mà cho dù chữ nghĩa không thể tả nổi được, mà cho dù chữ nghĩa có dồi dào cũng không biết tả như thế nào cho đủ nghĩa đủ tình đủ thương và đủ nhớ...
Người du ca Nguyễn Đức Quang bày tỏ tâm ý mình bằng lời du ca trước và sau một lòng:
Một đoàn người mới hãy vùng lên, bài ca tranh đấu hãy vang rền
và người vì người hãy chủ động, nuôi lớn quê hương
Và:
Hôm qua ta đớn đau nhục nhằn
(thì) hôm nay ta sẽ tuyên ngôn rằng
Việt Nam nay sẽ nhất định vẻ vang

[Anh Em Tôi]

Trong chuyến đi Úc lần thứ hai hát cho đồng bào nghe, theo lời Nguyễn Đức Quang, anh soạn được một số bài ca mới. Và anh đã đem ra hát ở đây trong chuyến trở về: Tôi Chờ Điều Ấy; Tình Tôi Con Dốc Nhỏ; Có Những Khi...Những bài hát mới này, Nguyễn Đức Quang chú trọng đến những tình yêu và thông cảm, từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu quê hương, tình người với người mà anh nghĩ rằng đó là nhân tố quan thiết và quan trọng nhất cho việc gần lại nhau, thông cảm nhau giữa những người Việt Nam tỵ nạn, đạt hiệu quả hơn nữa trong việc tranh đấu cho ngày mai tươi sáng cho dân tộc và đất nước.
Trong khi tôi viết về người du ca Nguyễn Đức Quang thì tôi nhận được tin buồn là người bạn đồng hành và cũng là người gánh vác phong trào du ca Việt Nam vào những năm cuối thập niên 60, đó là nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu vừa qua đời tại California. Người ta cầu chúc hương linh người nhạc sĩ này sớm được về miền Lạc Cảnh. Tôi nghĩ nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu không chỉ viễn du trên tiên cảnh để lạnh lẽ về một cõi nào ở trong chốn hư vô, mà tôi nghĩ, với lòng thủy chung với đất nước nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu lại ôm đàn hát những lời cầu chúc thân thương, an vui và no ấm.
Và với Nguyễn Đức Quang, người đang ở thế gian này, lời cảm ơn về các ca khúc trước đây và bây giờ của anh. Lần gặp gỡ anh đối với tôi nó là một kết quả của một kiếm tìm. Xin người du ca này hãy tiếp tục cứ ôm đàn hát lên tình người và sự cảm thông đối với người Việt tỵ nạn trên các thành phố thế giới. Nếu anh tới, để tạo sự gần gũi, gắn bó, bởi vì trước mắt chúng ta, người Việt Nam tỵ nạn vẫn còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn thử thách trên mọi mặt đến từng ngày từng giờ, và cũng bởi vì rằng cuộc chiến đấu cho đồng bào cho quê hương, không có một lý do gì để mà ngưng nghỉ...
Lữ Yên
 Theo http://www.vannghesi.net/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...